Không Có Ngày Mai

Chương 30



ĐÃ RẤT KHUYA SONG LEE VẪN CỨ GỌI ĐIỆN và Lila Hoth đồng ý gặp chúng tôi ở khách sạn Four Seasons ngay, không chút do dự. Chúng tôi đi bằng chiếc xe không sơn phù hiệu của Lee và đậu xe trong khu bốc dỡ hàng cạnh lề đường phía khách sạn. Sảnh thật tráng lệ. Tất cả sa thạch sáng nhợt, đồng, màu son nâu vàng và đá cẩm thạch vàng, nằm lửng lơ giữa vẻ kín đáo huyền hoặc và nét hiện đại tươi sáng. Tại bàn lễ tân Lee giơ phù hiệu, nhân viên lễ tân gọi lên trên gác và chỉ cho chúng tôi thang máy. Chúng tôi được đưa lên một tầng cao khác và cách nói của nhân viên lễ tân khiến tôi có cảm giác rằng phòng của Lila Hoth không phải loại nhỏ nhất hay có giá rẻ nhất trong khách sạn này.

Thực ra phòng của Lila Hoth chính là một khu phòng khác. Nó có cửa đôi, giống như phòng của Sansom ở Bắc Carolina, nhưng bên ngoài không có cảnh sát. Chỉ là một hành lang yên tĩnh không người. Đây đó rải rác các khay chứa đồ phục vụ tại phòng đã được dùng, một số tay nắm cửa có biển Xin đừng làm phiền hoặc phiếu yêu cầu phục vụ bữa sáng. Theresa Lee dừng lại, kiểm tra số phòng lần nữa rồi gõ cửa. Trong một phút chẳng thấy gì. Rồi cánh cửa bên phải ra, chúng tôi trông thấy một phụ nữ đứng phía trong, ngay đằng sau là ánh sáng vàng nhạt. Bà ta chừng sáu mươi tuổi, có khi hơn, người thấp, đậm và nặng nề, mái tóc màu xám ánh thép cắt kiểu chân phương đơn giản. Đôi mắt sẫm màu, có nếp nhăn và sụp xuống. Một bản mặt trắng dày thịt, bất động, lạnh lẽo. Một thái độ đầy cảnh giác không đọc ra được. Bà già mặc chiếc váy trong nhà màu nâu xấu xí may từ chất liệu dày làm bằng tay.

Lee hỏi, “Bà là bà Hoth phải không?”

Người phụ nữ cúi đầu, chớp mắt và xua xua hai tay rồi phát ra âm thanh tỏ ý xin lỗi mà trong mọi trường hợp đều áp dụng được. Một cử chỉ vụng về cả thế giới đều dùng để thể hiện rằng mình không hiểu.

Tôi nói, “Bà ấy không nói được tiếng Anh.”

Lee nói, “Cách đây mười lăm phút bà ấy đã nói tiếng Anh.”

Ánh sáng phía sau người phụ nữ xuất phát từ một chiếc đèn bàn nằm sâu trong phòng. Nó mờ đi một thoáng khi bóng người thứ hai bước về phía trước đèn, hướng về chúng tôi. Một phụ nữ khác. Nhưng trẻ hơn nhiều. Có lẽ tầm hai lăm, hai sáu tuổi. Rất tao nhã. Và đẹp, rất đẹp. Hiếm có, gợi cảm. Như người mẫu. Cô nở nụ cười hơi bẽn lẽn và lên tiếng, “Là tôi nói tiếng Anh cách đây mười lăm phút. Tôi là Lila Hoth. Đây là mẹ tôi.”

Cô cúi người và nói nhanh bằng tiếng nước ngoài, ngôn ngữ vùng Đông Âu, thật khẽ, gần như thẳng vào tai bà già. Giải thích, hoàn cảnh, kết luận. Gương mặt bà già sáng lên và bà mỉm cười. Chúng tôi tự giới thiệu tên. Lila Hoth dịch lại cho mẹ. Bà ta xưng tên mình là Svetlana Hoth. Tất cả chúng tôi bắt tay nhau, bên này rồi tới bên kia, thực sự trang trọng, tay người này chéo qua tay người kia, hai người chúng tôi phía này, hai người họ phía kia. Lila Hoth thật là đẹp mê hồn. Và rất tự nhiên. Cô khiến tôi thấy cô gái trên tàu mà tôi nhìn thấy so với cô là một trời một vực. Cô cao nhưng không cao quá, mảnh mai nhưng không quá gầy. Cô có nước da sẫm màu, kiểu như làn da nhuốm nắng biển hoàn hảo. Cô có mái tóc đen dài. Không hề trang điểm. Đôi mắt to đầy mê hoặc, đôi mắt xanh nhất tôi từng thấy. Như thể chúng được đốt sáng từ bên trong. Cô cử động đầy mềm mại, uyển chuyển. Đôi khi cô trông trẻ trung, cao ráo và bụi đời, lúc khác thì trông cô hoàn toàn trưởng thành và tự chủ. Nửa thì cô có vẻ không ý thức mình đẹp nhường nào, nửa thì cô có vẻ hơi e lệ về điều đó. Cô mặc một chiếc váy dự tiệc đơn giản màu đen có lẽ xuất xứ Paris và có giá trị hơn một chiếc xe hơi. Nhưng cô không cần tới nó. Cô có thể mặc bất kỳ thứ gì chắp vá từ bao bố cũ mà cũng không hề làm vẻ đẹp suy suyển chút nào.

Chúng tôi theo cô vào trong và mẹ cô theo sau chúng tôi. Khu phòng này gồm ba phòng. Một phòng khách ở giữa, hai phòng ngủ hai bên. Phòng khách có đủ các thứ đồ nội thất, kể cả bàn ăn. Trên đó có những thứ còn lại của một bữa ăn đêm phục vụ tại phòng, ở góc phòng có những túi đựng đồ mua sắm. Hai chiếc từ cửa hiệu Bergdorf Goodman, hai chiếc từ cửa hiệu Tiffany. Theresa Lee lấy phù hiệu ra còn Lila Hoth bước tới cái tủ thấp dưới một tấm gương rồi trở lại với hai cuốn sách mỏng đưa cho Lee. Hộ chiếu của họ. Cô nghĩ các vị khách là công chức nhà nước ở New York muốn xem giấy tờ. Hai cuốn hộ chiếu màu hạt dẻ, bìa mỗi cuốn đều in hình con đại bàng màu vàng ở giữa, phía trên có những chữ kiểu Nga còn bên dưới có dòng chữ giống như NACNOPTYKPAIHA bằng tiếng Anh. Lee lật lật cả hai cuốn rồi mang để lại trên cái tủ thấp.

Rồi tất cả ngồi xuống. Svetlana Hoth chằm chằm nhìn thẳng về trước, vô hồn, bị loại khỏi cuộc nói chuyện vì rào cản ngôn ngữ. Lila Hoth nhìn chúng tôi một cách cẩn thận, trong đầu hình thành nhân dạng của cả hai. Một cảnh sát từ đồn khu vực, một là nhân chứng trên tàu. Cuối cùng cô nhìn thẳng vào tôi, có lẽ vì cô nghĩ tôi đã bị các sự kiện tác động nghiêm trọng hơn. Tôi không kêu ca. Tôi không thể rời mắt khỏi cô.

Cô bảo, “Tôi rất tiếc về chuyện đã xảy ra với Susan Mark.”

Giọng cô thấp. Phát âm của cô chuẩn. Hoth nói tiếng Anh rất tốt. Hơi nhấn nhá, hơi trang trọng. Như thể cô học tiếng Anh từ những bộ phim đen trắng, cả giọng Mỹ và Anh.

Theresa Lee không nói gì. Tôi lên tiếng, “Chúng tôi không biết chuyện gì đã xảy ra với Susan Mark. Không hẳn là biết. Ý tôi nói là ngoài những dữ kiện đã rõ ràng.”

Lila Hoth gật đầu, đầy lịch thiệp, nhẹ nhàng và một chút hối hận. Cô nói, “Các vị muốn hiểu về sự liên can của tôi.”

“Vâng, đúng thế.”

“Chuyện thì dài. Nhưng trước tiên hãy cho tôi nói rằng trong đó chẳng gì có thể lý giải cho các sự kiện đã diễn ra trên tàu điện ngầm.”

Theresa Lee nói, “Vậy chúng ta hãy nghe câu chuyện.”

Vậy là chúng tôi nghe. Phần đầu tiên là thông tin về bối cảnh. Tuyền là thông tin tiểu sử. Lila Hoth hai mươi sáu tuổi. Cô là người Ukraine. Cô lập gia đình với một người Nga năm mười tám tuổi. Người này đã tham gia sâu vào hoạt động kinh tế theo kiểu những năm 1990 ở Moscow. Ông ta đã giành được hợp đồng cho thuê các giếng dầu, quyền khai thác than và uranium từ nhà nước đang sụp đổ. Ông ta đã trở thành tỷ phú hàng dưới chục. Bước tiếp theo là trở thành tỷ phú hàng trên chục. Nhưng ông ta không làm được việc đó. Đó là nút cổ chai rất hẹp. Mọi người đều muốn len qua, nhưng không có đủ chỗ để ai cũng thành công. Cách đây một năm, bên ngoài một hộp đêm, một đối thủ cạnh tranh đã bắn vào đầu tỷ phú người Nga này. Cái xác nằm trong tuyết trên vỉa hè suốt cả ngày hôm sau. Đó là một thông điệp theo phong cách Moscow. Người vợ vừa trở thành bà góa, Lila Hoth, hiểu được nội dung thông điệp, liền nhanh chóng vét hết tiền bạc rồi chuyển tới London cùng mẹ. Cô thấy thích London và dự định sẽ sống mãi ở đó, ngập trong tiền bạc mà chẳng có việc gì nhiều để làm.

Cô nói, “Người ta thường cho là những người trẻ tuổi trở nên giàu có sẽ làm nhiều việc cho cha mẹ họ. Lúc nào các vị cũng thấy điều đó ở các ngôi sao nhạc pop, các ngôi sao điện ảnh và vận động viên nổi tiếng. Và việc ấy thể hiện một tinh thần rất đặc trưng Ukraine. Cha tôi mất trước khi tôi lọt lòng mẹ. Mẹ là tất cả những gì còn lại của tôi. Thế nên dĩ nhiên tôi dành cho bà tất cả những gì bà muốn. Nhà cửa, xe cộ, nghỉ ngơi, du lịch. Bà từ chối tất cả. Bà chỉ muốn tôi giúp cho bà một việc thôi. Bà muốn tôi giúp bà tìm ra một người đàn ông trong quá khứ của bà. Như là bụi đã lắng dịu sau một cuộc đời dài đầy biến động, và cuối cùng bà cũng được tự do để tập trung vào điều có ý nghĩa nhất đối với mình.”

Tôi hỏi, “Người đàn ông ấy là ai?”

“Một người lính Mỹ tên John. Đó là tất cả những gì tôi biết. Ban đầu mẹ tôi nói ông ấy chỉ là người quen biết. Nhưng dần dần mới thấy rằng ông ấy đã rất tốt với bà, ở một thời điểm và một địa điểm cụ thể.”

“Ở đâu và khi nào?”

“Ở Berlin, trong một giai đoạn ngắn đầu thập niên 80.”

“Thế thì mơ hồ quá.”

“Đó là khi tôi chưa sinh. Vào năm 1983. Riêng tôi thì tôi nghĩ cố gắng tìm người đàn ông này là việc vô vọng. Tôi nghĩ mẹ đang trở thành một bà già lẩm cẩm. Nhưng tôi thấy hạnh phúc khi đáp ứng mong muốn của bà. Mà các vị đừng lo, bà không hiểu được những gì chúng ta đang nói đâu.”

Svetlana Hoth mỉm cười và gật đầu chẳng vì điều gì cụ thể.

Tôi hỏi, “Tại sao mẹ cô có mặt ở Berlin?”

“Bà ấy tham gia Hồng quân,” con gái của bà già đáp.

“Khi ấy làm gì?”

“Bà ấy thuộc một trung đoàn bộ binh.”

“Với chức vụ gì?”

“Bà ấy là chính trị viên. Tất cả các trung đoàn đều có một người. Trên thực tế, mọi trung đoàn đều có nhiều chính trị viên.”

Tôi hỏi, “Cô đã làm gì để tìm người Mỹ kia?”

“Mẹ tôi biết rõ rằng người bạn John của mình thuộc lực lượng lục quân chứ không phải thủy quân lục chiến. Đó là điểm khởi đầu của tôi. Thế nên từ London tôi gọi điện đến Bộ Quốc phòng nước ông hỏi xem tôi nên làm gì. Sau nhiều lần giải thích, người ta chuyển tôi tới Cục Nhân lực. Họ có văn phòng báo chí. Người tiếp chuyện tôi thực sự xúc động. Ông ấy nghĩ đó là một câu chuyện ngọt ngào. Có thể ông ấy thấy được khía cạnh quan hệ công chúng, tôi chẳng biết. Cuối cùng có vài tin vui, có lẽ thay cho những tin xấu. Ông ấy bảo ông ấy sẽ tìm hiểu. Riêng tôi thì nghĩ ông ấy đang phí thời gian, John là cái tên rất phổ biến. Và theo tôi hiểu, hầu hết lính Mỹ đều được luân chuyển qua Đức, hầu hết có viếng thăm Berlin. Thế nên tôi nghĩ số trường hợp như vậy rất lớn. Mà rõ là thế thật. Điều tiếp theo tôi biết là sau đó vài tuần, một nhân viên tên Susan Mark gọi điện cho tôi. Khi ấy tôi không ở nhà. Bà ấy để lại lời nhắn. Bà bảo mình đã được giao nhiệm vụ trên. Susan nói với tôi rằng một số cái tên nghe giống như John thực ra là rút gọn của Jonathan, đánh vần thiếu chữ H. Bà muốn biết liệu mẹ tôi đã bao giờ trông thấy cái tên đó viết ra chưa, có thể trên một mẩu thư. Tôi hỏi mẹ rồi gọi lại cho Susan Mark bảo bà ấy rằng chúng tôi chắc chắn là John có chữ H. Cuộc nói chuyện với Susan hóa ra rất dễ chịu và chúng tôi đã có thêm nhiều cuộc như thế. Tôi nghĩ chúng tôi đã hầu như trở thành bạn bè, theo kiểu đôi khi ta có thể tâm sự qua điện thoại. Giống như bạn quen qua thư, nhưng nói thay cho viết. Susan kể cho tôi nghe nhiều về bản thân. Bà là một phụ nữ rất cô đơn, tôi nghĩ nhờ nói chuyện với chúng tôi mà cuộc sống của bà trở nên tươi sáng hơn.”

Lee hỏi, “Rồi đến chuyện gì?”

“Cuối cùng tôi nhận được tin từ Susan. Bà bảo rằng bà đã đi đến một số kết luận sơ bộ. Tôi gợi ý là chúng tôi sẽ gặp nhau ở đây, tại New York, gần như một cách để hoàn thiện tình bạn giữa hai bên. Các vị biết đấy, một bữa ăn rồi thì có thể đi coi một buổi biểu diễn. Là một cách cảm ơn những cố gắng của bà ấy, chắc chắn thế rồi. Nhưng chẳng bao giờ bà ấy đến.”

Tôi hỏi, “Cô đợi cô ấy tới lúc mấy giờ?”

“Khoảng 10 giờ. Bà ấy bảo làm việc xong sẽ đi.”

“Quá muộn để đi ăn bữa tối và xem biểu diễn.”

“Bà ấy dự định ở qua đêm. Tôi đã đặt phòng cho bà ấy mà.”

“Cô tới đây khi nào?”

“Cách đây ba ngày.”

“Bằng phương tiện gì?”

“Bay hãng British Airways từ London.”

Tôi nói, “Cô đã thuê một đội là người bản xứ.”

Lila Hoth gật đầu.

Tôi hỏi: “Khi nào?”

“Ngay trước khi chúng tôi tới đây.”

“Tại sao?”

“Theo kế hoạch,” Lila đáp. “Và đôi lúc có ích.”

“Cô tìm được họ ở đâu?”

“Họ quảng cáo. Trên các báo của Moscow, và trên các báo dành cho ngoại kiều ở London. Với họ là một nghề tốt, với chúng tôi là một hình thức kiểm tra thân thế. Nếu ra nước ngoài mà không được trợ giúp, ông sẽ trông yếu thế. Không nên để như vậy.”

“Họ bảo tôi rằng cô sẽ điều cả một đội của riêng cô.”

Hoth trông có vẻ ngạc nhiên.

“Tôi không có đội nào của riêng mình cả,” cô đáp. “Thế quái nào mà họ lại nói vậy nhỉ? Tôi không hiểu nổi.”

“Họ bảo rằng cô mang tới đây một số thành phần rất đáng sợ.”

Trong một giây Hoth trông bối rối và hơi khó chịu. Rồi vẻ hiểu ra xuất hiện trên mặt cô. Có vẻ đây là một người có khả năng phân tích nhanh. Cô nói, “Về mặt chiến lược, có lẽ họ có óc sáng tạo. Khi Susan không tới, tôi đã điều họ đi tìm. Tôi nghĩ mình đã trả tiền cho họ thì họ cũng nên làm một số việc. Và mẹ tôi đã đặt rất nhiều hy vọng vào việc này. Thế nên tôi không muốn mất công lặn lội cả quãng đường dài tới đây để rồi thất bại ở phút cuối cùng. Vậy nên tôi đặt mức thưởng cho họ. Chúng tôi lớn lên với niềm tin rằng ở nước Mỹ này tiền có ảnh hưởng mạnh nhất. Do vậy có lẽ những tay ấy đã bịa ra một câu chuyện cho ông nghe. Có lẽ họ bịa ra một câu chuyện khác đáng sợ. Để đảm bảo rằng họ sẽ kiếm được thêm tiền. Như thế ông sẽ muốn nói chuyện với họ.”

Tôi không nói gì.

Rồi một điều khác hiện lên mặt Hoth. Nhận ra một điều khác. Cô nói, “Tôi không có đội nào như cách gọi của ông cả. Chỉ có một người. Leonid, một trong những người trong đội cũ của chồng tôi. Anh ta không thể kiếm việc mới. Anh ta là dạng sắp hết thời, tôi e là thế. Thế nên tôi giữ lại. Ngay lúc này anh ta đang ở ga Penn. Anh ta đang đợi ông. Cảnh sát bảo tôi rằng nhân chứng đã đi Washington. Tôi nhận định là ông sẽ đi tàu hỏa và trở lại cũng bằng cách đó. Ông không trở về bằng tàu hỏa sao?”

Tôi nói, “Có, tôi đã trở lại bằng tàu hỏa.”

“Thế thì chắc chắn Leonid đã bỏ sót mất ông rồi. Anh ta có ảnh của ông. Anh ta có nhiệm vụ đề nghị ông gọi điện cho tôi. Anh chàng tội nghiệp, chắc chắn anh ta vẫn đang ở đó.”

Hoth đứng dậy đi về phía cái tủ thấp. Để dùng điện thoại trong phòng. Việc đó tạm thời gây cho tôi một rắc rối về mặt chiến thuật. Bởi điện thoại di động của Leonid đang nằm trong túi tôi.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.