Không Có Ngày Mai

Chương 6



TRONG MỘT LÚC LÂU CỬA KHÔNG MỞ RA. Có lẽ ai đó đã dùng hệ thống đàm thoại nội bộ khẩn cấp hoặc trưởng tàu đã nghe thấy tiếng súng. Nhưng dù gì thì gì, hệ thống đã chuyển sang chế độ phong tỏa hoàn toàn. Chắc chắn người ta từng tập dượt về chuyện này rồi. Và quy trình đó rất hợp lý. Tốt nhất là nhốt tay súng điên cuồng trong một toa riêng lẻ, còn hơn để hắn chạy lung tung khắp thành phố.

Nhưng sự chờ đợi chẳng dễ chịu chút nào. Loại đạn Magnum 357 ly được phát minh năm 1935. Theo tiếng Latin, Magnum nghĩa là to lớn. Đạn nặng hơn, chứa nhiều thuốc phóng hơn. Về mặt kỹ thuật thì thuốc phóng không phát nổ. Nó chỉ bùng cháy, một quá trình phản ứng hóa học nằm giữa cháy và nổ. Ý tưởng là tạo ra một bong bóng khí nóng khổng lồ đẩy viên đạn dọc theo nòng súng, giống như chiếc lò xo bị nén. Thường thì khí theo viên đạn ra khỏi đầu nòng và đốt cháy oxy trong không khí gần đó. Vì vậy mới có ánh lửa đầu nòng. Nhưng với một phát bắn sát đầu như hành khách số 4 đã chọn, viên đạn tạo ra một lỗ trên da và khí nóng đẩy vào ngay sau đó. Khí nóng nổ rất mạnh ra dưới da và hoặc là tự mở cho mình một lối thoát qua miệng vết thương có hình ngôi sao, hoặc là thổi tung toàn bộ thịt da khỏi xương và lột hết ra khỏi hộp sọ, như thể lột ngược một quả chuối vậy.

Đó là điều xảy ra trong trường hợp này. Khuôn mặt của người phụ nữ bị xé thành những miếng thịt rách đầy máu lủng lẳng bám vào những mảnh xương giập nát. Viên đạn đi theo chiều thẳng đứng qua miệng cô ta và dồn toàn bộ động năng vô cùng lớn của nó vào sọ, áp suất tăng đột ngột tìm cách thoát ra và tìm được điểm đó, nơi hộp sọ của cô ta khép kín vào từ thời còn nhỏ. Chúng một lần nữa bung ra và áp suất dán chặt ba hay bốn mảnh xương lớn lên khắp phần toa ở phía trên và sau người phụ nữ. Theo cách này hay cách khác, cơ bản đầu của người phụ nữ không còn tồn tại. Nhưng lớp sợi thủy tinh chống viết bẩn đang thực hiện công việc của nó. Xương trắng, máu đỏ sẫm và các mô màu xám đang chảy dọc theo lớp bề mặt bóng, không bám dính, để lại đằng sau những vệt nhỏ như vết sên bò. Cơ thể người phụ nữ đã đổ xuống thành một đống trên băng ghế. Ngón trỏ tay phải vẫn móc trong vòng cò. Khẩu súng đã dội ngược ra khỏi đùi cô ta, rơi xuống nằm trên chiếc ghế bên cạnh.

Tiếng nổ của phát bắn vẫn dội trong hai tai tôi. Tôi có thể nghe thấy những tiếng động bị át đi từ phía sau. Tôi có thể ngửi thấy mùi máu của người phụ nữ. Tôi chúi người về trước kiểm tra cái túi của cô ta. Rỗng không. Tôi kéo khóa áo khoác cô ta, mở ra. Chẳng có gì hết. Chỉ có một chiếc áo cánh trắng bằng vải cô tông cùng mùi bài tiết hôi thối từ ruột và bọng đái.

Tôi tìm bảng liên lạc khẩn cấp liền tự gọi thẳng tới trưởng tàu. Tôi nói, “Tự sát bằng súng. Chỉ một toa duy nhất. Giờ thì mọi chuyện đã xong. Chúng tôi an toàn. Không có thêm mối đe dọa nào.” Tôi không muốn đợi tới khi NYPD[6] huy động các đội SWAT[7] và áo giáp chống đạn cùng súng trường xuất hiện hoàn toàn bí mật. Việc ấy có thể cần nhiều thời gian.

Tôi không nhận được câu trả lời từ trưởng tàu. Nhưng một phút sau giọng ông ta vang lên qua hệ thống phóng thanh của tàu. Ông ta nói: “Xin thông báo với hành khách rằng cửa sẽ tiếp tục đóng vài phút do có sự cố xảy ra.” Ông ta nói chậm rãi. Nghe như ông ta đang đọc chữ in ở một tấm bảng. Giọng ông ta run rẩy. Không hề giống chất giọng mượt mà của phát thanh viên hãng Bloomberg.

Tôi nhìn khắp toa xe lần cuối cùng và ngồi xuống cách cái xác không đầu chừng non mét, chờ đợi.

Chờ cho cảnh sát trong đời thực có mặt thì có khi đã đủ thời gian chiếu xong hết toàn bộ các tập phim truyền hình nói về cảnh sát rồi. Đã đủ thời gian lấy mẫu và phân tích xong ADN, tìm ra chứng cứ khớp, truy đuổi thủ phạm, bắt giữ, xét xử và tuyên án y rồi. Nhưng cuối cùng thì cũng có sáu sĩ quan từ cầu thang đi xuống. Họ đều đội mũ lưỡi trai, mặc vest và đều đã rút vũ khí. Các cảnh sát NYPD tuần tra ca đêm, có thể từ Đồn cảnh sát khu vực 14 trên phố 35 Tây, vùng Midtown South nổi tiếng. Họ chạy dọc theo sân ga và bắt đầu kiểm tra từ phía đầu đoàn tàu. Tôi đứng dậy lần nữa và theo dõi qua các ô cửa sổ bên trên các điểm nối toa, dọc theo toàn bộ chiều dài đoàn tàu, giống như nhòm vào một đường hầm dài bằng thép không gỉ được chiếu sáng. Càng xa càng khó nhìn, do bụi và những cặn xanh trong các lớp kính. Nhưng tôi có thể trông thấy các viên cảnh sát mở cửa lần lượt từng toa, kiểm tra, đảm bảo an toàn, đưa hành khách ra ngoài và vội vàng đẩy họ lên phố. Đây là chuyến tàu đêm ít người đi nên chẳng mấy chốc họ đến chỗ chúng tôi. Họ quan sát qua cửa sổ, trông thấy cái xác và khẩu súng nên làm động tác sẵn sàng. Cửa xịch mở và họ tràn vào toa, mỗi cửa hai người. Tất cả chúng tôi đều giơ cả hai tay lên, như phản xạ vậy.

Mỗi cảnh sát chặn một lối ra còn ba người còn lại tiến thẳng về phía xác người phụ nữ. Họ dừng lại đứng cách chừng non hai mét. Không kiểm tra mạch hay bất kỳ dấu hiệu sự sống nào. Không đặt một miếng gương phía dưới mũi người phụ nữ xem cô ta còn thở không. Một phần vì rõ ràng là cô ta không thở, phần vì cô ta không còn mũi. Phần sụn đã bị thổi bay, để lại những miếng xương nhỏ lởm chởm giữa nơi mà lúc nãy áp suất bên trong đã đẩy hai nhãn cầu cô ta phọt ra.

Một viên cảnh sát to lớn đeo cầu vai trung úy quay lại. Ông ta tái mặt một chút nhưng mặt khác vẫn thể hiện cung cách khá đĩnh đạc đường hoàng, như là chỉ thực hiện một công việc bình thường khác trong ca đêm. Ông ta hỏi, “Ai trông thấy sự việc xảy ra ở đây?”

Phía đầu toa im lặng. Người phụ nữ gốc Tây Ban Nha, người đàn ông mặc chiếc áo NBA, người phụ nữ châu Phi. Tất cả ngồi im thin thít không nói năng gì. Điểm thứ tám: nhìn chăm chăm về phía trước.

Tất cả đều đang thể hiện điều đó. Nếu tôi không thể thấy anh, anh không thể thấy tôi. Người đàn ông mặc áo sơ mi đánh gôn không nói gì. Thế nên tôi nói, “Cô ta lấy khẩu súng khỏi chiếc túi và tự bắn mình.”

“Chỉ thế thôi à?”

“Đại khái là vậy.”

“Tại sao?”

“Làm sao tôi biết được chứ?”

“Ở đâu và khi nào?”

“Trong lúc tàu chạy vào ga. Bất kỳ thời điểm nào trong khoảng ấy.”

Tay cảnh sát xử lý thông tin. Tự sát bằng súng. Tàu điện ngầm thuộc trách nhiệm của NYPD. Vùng giảm tốc độ nằm giữa phố 41 và phố 42 thuộc khu vực Đồn 14. Vụ này của ông ta. Không cần hỏi cũng biết. Ông ta gật đầu. Ông ta nói: “Được rồi, xin tất cả các vị ra khỏi toa và đợi trên sân ga. Chúng tôi sẽ cần lấy tên, địa chỉ và lời khai của các vị.”

Rồi ông ta bấm vào chiếc mic nhỏ gắn trên cổ áo và một âm thanh rẹt rẹt lớn đáp lại. Đến lượt ông ta trả lời bằng một chuỗi mã và số dài. Tôi đoán ông ta đang gọi nhân viên y tế và xe cứu thương. Sau đó sẽ là trách nhiệm người của ngành vận tải: tháo toa xe khỏi đoàn tàu, vệ sinh sạch sẽ và lên lịch cho nó trở lại đường ray. Không khó, tôi nghĩ. Còn rất nhiều thời gian trước khi tới giờ cao điểm buổi sáng.

Chúng tôi ra khỏi toa nhập vào một đám đông đang tụ trên sân ga. Cảnh sát giao thông, rồi thêm nhiều cảnh sát thường có mặt, nhân viên tàu điện ngầm tụ tập xung quanh, người của Ga Trung tâm xuất hiện. Năm phút sau, một nhóm nhân viên y tế của Sở cứu hỏa New York cùng một chiếc cáng hối hả chạy từ cầu thang xuống. Họ vượt qua rào chắn, bước lên tàu và toán cảnh sát đến tác nghiệp đầu tiên bước xuống. Tôi không thấy những gì diễn ra sau đó bởi các cảnh sát bắt đầu di chuyển trong đám đông, ngó quanh, sẵn sàng tìm từng hành khách một và đưa họ đi chỗ khác để thẩm vấn thêm. Viên trung úy to lớn tiến đến tôi. Tôi đã trả lời các câu hỏi của ông ta trên tàu. Vì vậy ông ta chọn tôi làm nhân vật đầu tiên. Viên cảnh sát đưa tôi vào sâu trong ga, cho tôi vào một căn phòng nóng nực lát gạch trắng nhờ nhờ có thể là nơi làm việc của cảnh sát giao thông. Ông ta bảo tôi ngồi xuống một mình trên chiếc ghế gỗ và hỏi tên tôi.

“Jack Reacher,” tôi đáp.

Ông ta ghi lại và không nói tiếp. Chỉ lượn lờ ở cửa mà quan sát tôi. Và chờ đợi. Đợi một thám tử xuất hiện, tôi đoán thế.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.