Khi còn rất nhỏ, cô hay có một giấc mơ, trong mơ cô thấy mình mặc một chiếc váy trắng, bước đi chân trần trên bãi đất hoang rộng lớn.
Gió thổi lành lạnh. Trên đầu là bầu trời đêm lấp lánh, những ngôi sao nối đuôi nhau kéo xa đến tận rìa của vùng đất hoang sơ như thể cắt lên không trung một vết sẹo lớn.
Trong màn đêm, có một ngôi sao sáng rực phía chân trời.
Cô sợ bóng tối, nhưng vẫn dũng cảm tiến đến đón lấy ngôi sao. Khi ấy, bầu trời dần dần sáng lên, mặt trời giống như một chùm sáng khổng lồ quét sạch bóng tối và cả ánh sao.
Ánh sáng cuối cùng đã đến.
Giữa đất trời, cô chỉ còn lại hai bàn tay trắng trống rỗng, cô độc đứng trong ánh ban mai chói vàng mà khóc nức nở.
(…)
Cô tên Thường Hiểu Xuân, lớn lên ở một thị trấn nhỏ rất đỗi bình thường tại Giang Ninh, Tô Châu. Nơi ấy có sông, đồng ruộng bạt ngàn và những cơn gió mùa heo hút.
Mùa xuân ở phương Nam luôn hiện diện trong vẻ đẹp tươm tất không phù phiếm. Cha cô thường nói đùa rằng: “Vì Hiểu Xuân mỉm cười nên mới đánh thức được mùa xuân đến.”
Người cha mà cô hằng ngưỡng mộ ấy vốn xuất thân là một sinh viên hàng đầu của một trường đại học danh tiếng, khi còn là một thanh niên có học thức ông đã gặp gỡ mẹ, hai người cùng nhau kết hôn. Sau khi trở về từ thành phố, ông ở lại quê và làm kỹ sư cho một xí nghiệp.
Mẹ cô là một cô gái lớn lên trong một xóm núi, bà thường hát: “Sơn thanh thủy, Thái Dương cao. Gió thổi nhẹ nhàng êm ái…”. Núi xanh nước biếc, nắng đã lên cao, gió thổi hiu hiu. Đối với một đứa trẻ, hai câu hát du dương ấy đã vô tình tạo thành tưởng tượng đẹp nhất của ngôi làng miền núi hẻo lánh, lưu dấu sâu đậm vào trong miền ký ức đơn thuần.
Cô gái miền núi chất phác và nết na. Nhưng dù là bông hồng trắng tinh khiết thì rồi cũng sẽ có một ngày nó biến thành nốt chu sa hoặc một tia bạch nguyệt quang. Đây là định mệnh! Thời gian qua đi, sự ngây thơ của người mẹ trở nên ngu ngốc trong mắt người cha, sự bướng bỉnh trở nên hư hỏng, nhiều chuyện. Có lẽ đây là lý do phù hợp nhất mà Thường Hiểu Xuân có thể đem ra lý giải tại sao cuối cùng bố lại chọn rời xa mẹ.
Vào dịp sinh nhật lần thứ 7, bố Thường nói muốn đi mua bánh kem cho Hiểu Xuân. Cô háo hức chờ món quà của ông, nhưng đợi đến lúc đã quá giờ sinh nhật mà bố cô vẫn chưa có dấu hiệu sẽ quay lại. Mẹ nói rằng, bố đã bỏ hai mẹ con đi với những người phụ nữ khác. Cô hỏi mẹ tại sao? Mẹ cô chỉ đáp:
“Vì ông ấy không cần chúng ta nữa rồi.”
Cô sống chết không dám tin điều đó là thật, khóc lóc quấy phá cho đến khi cạn kiệt sức lực. Nhưng bất luận cô có tin hay không thì từ đó đến nay, người bố thân thiết nhất của cô cũng không còn xuất hiện.
Mẹ Hiểu Xuân không biết chữ nên cũng không có việc làm, mọi chi tiêu trong nhà đều do bố cô gánh vác. Sau khi bố đi, cuộc sống của mẹ con cô bỗng trở nên chật vật. Khi còn bé, cô đã hiểu rằng cuộc sống không hề dễ dàng. Để giảm nhẹ gánh nặng cho mẹ, cô thường xin phụ rửa bát ở nhà hàng của người thân sau mỗi giờ học hoặc giúp ông chủ cửa hàng đi giao đồ ăn. Dù chỉ là công việc vặt nhưng cô vẫn luôn tích góp số tiền ít ỏi ấy.
Hồi nhỏ, cuộc sống của cô cũng coi như được trải qua êm đềm như đa số đứa trẻ khác. Chuyện ly kỳ và đáng sợ nhất là làm sao để tránh được con chó to sau nhà và những trận đòn roi của mẹ mỗi khi bà tức giận.
Tính khí của mẹ cô không được tốt, lại hay hành động theo cảm tính. Mỗi khi cô không thuận theo ý bà mà chống đối hay cãi lại thì thường đều sẽ bị đánh rất đau. Trước đây cô có cha để bảo vệ, nhưng sau khi cha bỏ đi, Thường Hiểu Xuân chỉ biết nhẫn nhịn chịu đựng để mặc bà phát tiết, biến mình thành một chú gà con chờ bị giết thịt, nếu có phản kháng thì cũng chỉ có thể bay lượn quanh nhà, lông bay rợp trời.
Chắc hẳn nhiều người khi còn nhỏ đều như vậy, và cũng rất dễ quên đi những tổn thương mà cha mẹ mang lại cho bản thân. Cho dù hôm qua có thể vừa gào khóc la hét lên nói rằng con không muốn mẹ nữa mà đến ngày hôm sau lúc thức dậy lại có thể hồn nhiên mỉm cười hỏi mẹ bữa sáng hôm nay là gì. Cuối cùng, vẫn là sự trưởng thành trong mê muội.
Mẹ cô lúc này đang vô cùng tức giận, bà cảm thấy cuộc sống này quá bất công, vất vả. Thường Hiểu Xuân suy nghĩ, cuối cùng nghĩ ra được hai phương pháp:
Phương pháp đầu tiên là cầu mong người cô hiền dịu từ trên trời rơi xuống, giải cứu gia đình mình. Tuy nhiên, cô ấy đã đi du học ở một trường đại học xa nhà cách đây vài năm, để có tiền trang trải học phí, cô trẻ còn phải ở lại trường để đi làm trong kỳ nghỉ hè và nghỉ đông. Thật là một niềm hy vọng xa vời khi mong cô có thể trở về đột ngột.
Phương pháp thứ hai rất dễ làm. Chỉ cần hôn lên lòng bàn tay, sau đó nắm chặt tay nói câu thần chú: “Không đau đâu, một chút cũng không đau, tôi không hề đau.” Phương pháp này lúc đầu không hoạt động tốt. Nhưng sau khi trải qua một thời gian dài thử nghiệm cô phát hiện trong lúc niệm chú, nụ cười của Thời Quang sẽ tự động xuất hiện trong tâm trí, xoa dịu nỗi đau đớn ấy. Thường Hiểu Xuân ngây thơ ngạc nhiên khi thấy sức mạnh của câu thần chú dường như thật sự có hiểu quả rồi lại tự mình cảm thấy hình như cũng không có quá nhiều thương tích.
Khoảng thời gian đó trong trái tim cô, Thời Quang đơn giản chỉ là một vị thiên thần. Sau này, cô từng hối hận vì đã không quen anh sớm hơn.
Cô đã sớm được nghe danh tiếng lẫy lừng của Thời Quang ngay từ khi còn học lớp một.
Anh là bạn học khác lớp của cô, không chỉ có điểm số xuất sắc mà còn có khuôn mặt điển trai khiến người khác chỉ muốn ngắm nhìn. Quần áo anh lúc nào cũng chỉnh tề, thơm tho. Có lẽ bởi vì cha anh là một họa sĩ, cho nên thiên phú hội họa của anh đã được phát hiện và bộc lộ rất sớm, ngay từ khi còn nhỏ. Do chịu nhiều ảnh hưởng từ cha mình, Thời Quang có niềm tin sâu sắc vào Chúa Kito. Trên bức tường ở văn phòng của nhà thờ nhỏ trong thành phố còn treo rất nhiều những bức ảnh của anh đang đọc thánh ca.
Tất cả những điều này khiến anh dù đi đến đâu, xung quanh cũng như đang có vầng hào quang bao phủ, thứ ánh sáng bắt mắt ấy tỏa ra giống ánh sáng nhàn nhạt của cây thánh giá bạc khắc trên đồng bảng Anh đeo bên ngực anh.
Lần đầu tiên Thường Hiểu Xuân nhìn thấy Thời Quang là lúc anh chơi piano tại bữa tiệc ngày 1 tháng 6. Khi đó anh chỉ mới tám tuổi, mặc một bộ vest trang trọng và thắt thêm chiếc nơ nhỏ phối kèm, đôi môi đỏ mọng, nhìn qua đã thấy đây chính là một đứa trẻ rất thông minh và dễ thương.
Cô từng ghen tị với một Thời Quang như vậy, nhưng lại sớm quên mất anh.
Mẹ cô mỗi ngày đều đi ra ngoài làm việc, nói là vậy nhưng thực chất bà chỉ đi cùng với đám bạn ngoài xã hội vui chơi hưởng lạc. Bình thường Hiểu Xuân chỉ có thể tự mình ăn cơm, giặt giũ, dọn dẹp phòng ốc, một mình đơn độc giải quyết hết thảy tất cả việc nhỏ nhặt trong cuộc sống. Đối với một đứa trẻ mới tám tuổi mà nói, cảnh tượng những bạn học cùng trang lứa luôn được sống trong sự thoải mái, vô lo vô nghĩ chính là niềm khát khao thầm kín nhất, nhưng cô hiểu chúng chỉ như chiếc chuông gió treo trên cửa sổ cửa hàng cô hay nhìn lúc đi học về mỗi ngày vậy. Dù thấy cũng không có được, chỉ thỉnh thoảng sẽ nghe thấy một vài thanh âm của nó, nhưng cô không bao giờ dừng bước lại để quan sát quá lâu.
Thời gian thấm thoát trôi qua. Ba năm rồi lại năm năm, một ngày nọ lúc lên lớp Sáu. Thường Hiểu Xuân tình cờ gặp được chiếc chuông gió của đời mình…
Hôm ấy, cô mặc bộ quần áo mới hiếm hoi đi đến trường. Chiếc áo len cổ tròn màu hồng rất bình thường nhưng với cô nó đã là món đồ mới nhất trong tủ quần áo. Đến ngày thứ hai và thứ ba, cô vẫn mặc nó. Một tháng sau, trên người Thường Hiểu Xuân vẫn là chiếc áo đấy không đổi…
Dòng chữ “Con quỷ rách rưới” [1] được viết lên bàn của cô nhưng nét chữ sai chính tả lại vô cùng xấu xí. Không cần đoán cũng biết đó là chuyện tốt của mấy tên công tử hư hỏng cùng lớp chọc phá. Hiểu Xuân đã bị họ chơi khăm không chỉ riêng lần này. Những nam sinh đó đều là phú nhị đại xuất thân từ gia đình quyền quý nên luôn được giáo viên nâng đỡ, mắt nhắm mắt mở bao che. Những người gia cảnh khó khăn như cô không ai dám lộn xộn, phản kháng. Cô đương nhiên cũng không dám, vậy nên chỉ có thể lựa chọn nhẫn nhịn. Cô cảm thấy đôi khi bị bắt nạt ở trường còn hạnh phúc hơn ở nhà.
[1]: Nguyên văn là “邋遢鬼”.
Qua một tuần chịu đựng, một ngày nọ khi đã tan học. Thường Hiểu Xuân quay lại lớp lấy cuốn sách giáo khoa để quên thì bắt gặp đám quái đản đó đang dùng dao rạch nát bươm sách giáo khoa của mình. Thấy cô đến, bọn họ không những không bỏ chạy mà còn hả hê khoanh tay chờ xem phản ứng của cô. Ngay lập tức máu nóng dồn lên não, cô lao tới cắn một cái vào cánh tay của một nam sinh.
Trong lòng cô rối bời, rõ ràng là bị hành động của chính mình dọa sợ, cắn răng bỏ chạy.
Rượt đuổi các bạn nữ cùng lớp là một thú vui tuyệt vời của lũ con trai. Tất nhiên họ cũng không có ý định sẽ để cô chạy đi dễ dàng như vậy.
Trên hành lang sau giờ học, có một vài học sinh lớp dưới thong thả bước đi.
Thường Hiểu Xuân hai tay che đầu chạy thật nhanh hét lớn: “Tránh ra!”
Mấy học sinh đang đi vội vàng nghiêng người né sát vào tường la hét như nhìn thấy quái vật, nhưng vẫn có một cậu bé xui xẻo bị cô quật ngã, Thường Hiểu Xuân đâm trúng người ta liền mất thăng bằng lăn nhào ra đất.
Con ma xui xẻo ấy là Thời Quang.
Đám con trai đằng sau vừa lúc cũng đuổi tới kịp, thở hổn hển nhào vào tóm lấy cô.
Một tên choai choai hay xem phim truyền hình bước lên một bước đưa ra đề nghị: ” Đưa cậu ta về lớp học để thẩm vấn.”
Cô bất lực không thể cưỡng lại, ấm ức khóc òa lên.
Lúc này Thời Quang đứng ngoài cuối cùng cũng không thể nhịn được nữa, quyết định làm người tốt giúp đỡ bạn học một lần.
“Tôi không tán thành cách làm này của các cậu, nếu các cậu vẫn còn bắt nạt bạn cùng lớp, tôi sẽ gọi giáo viên chủ nhiệm của các cậu tới đây giải quyết.” Cậu vừa nói vừa ra dáng người lớn liếc nhìn bọn họ.
Thời Quang hầu như đều quen biết giáo viên trong các khối lớp, vì thành tích tốt nên cậu cũng luôn nhận được tín nhiệm của thầy cô. Một câu nói của cậu với thầy ngang ngửa mười câu của người khác. Cho dù đó là đám công tử có giáo viên đằng sau “bảo kê” cũng không dám xúc phạm cậu.
Sau một hồi cân nhắc kỹ lưỡng, đám con trai cũng không muốn vì một đứa con gái mà tự chuốc họa vào thân, cả lũ giả vờ không tính toán, khoát tay bỏ đi.
Thời Quang xoay người, đưa tay ra muốn giúp Thường Hiểu Xuân đứng dậy, nhẹ giọng hỏi: “Cậu có sao không?”
Cô có chút thụ sủng nhược kinh [2], chỉ vội nói cảm ơn sau đó chỉ vào má anh nói: “Mặt của cậu sắp thành con mèo rồi.”
[2] Thụ sủng nhược kinh nghĩa là được quan tâm mà đâm ra lo sợ.
Thời Quang đưa mu bàn tay lên mặt lau sơ sài qua loa vài lượt, để lại một vết ửng hồng trên làn da trắng mịn.
“Tớ lỡ đụng phải cậu, có phải rất đau không?”
Cô cảm thấy có lỗi, lí nhí hỏi. Vốn dĩ là ân oán riêng giữa mình và đám bạn học giờ lại liên lụy người khác.
Thời Quang: “Không sao đâu, chỉ bị đụng một chút sao có thể đau được. Ngược lại tớ thấy cậu ngã không nhẹ… Mà này, ngày mai cậu thử suy nghĩ rồi đổi một quần áo khác đi học xem thế nào? Có thể bọn họ sẽ không bắt nạt cậu nữa.”
Cô biết bản thân mình đã trở thành trò cười vui nhất trường mấy dịp gần đây, mà cô cũng đã sớm quen với kiểu thái độ ấy nên chẳng bao giờ bận tâm. Chỉ là đặc biệt hơn so với mọi lần, người con trai trước mặt không những không có ý cười nhạo chế giễu cô mà còn mở lời một cách hết sức ấm áp và chân thành, cậu chỉ đơn giản là đưa ra góp ý nhẹ nhàng.
Thường Hiểu Xuân thực sự không biết giải thích việc cô có ba chiếc áo len giống hệt nhau như thế nào, căn bản chẳng ai tin cô. Cô nói mẹ cô đã phải kỳ kèo tranh giành với người bán để được cái giá hời cho ba chiếc, bà lại lười đắn đo xem chọn màu gì cho đẹp nên vớ bừa chọn mua một lúc ba cái giống hệt nhau.
Thời Quang nghe xong liền bình luận: “Mẹ cậu thật vui tính.”
Cô che miệng cười khúc khích, nghĩ thầm: cậu sẽ không hiểu tâm trạng của tớ lúc ấy như thế nào đâu.
Thời Quang hỏi: “Vậy tại sao cậu không đổi một bộ quần áo khác mặc thay nhau?”
“Tớ cũng rất muốn nhưng trong tủ ngoài ba chiếc áo mới đó ra, tớ chẳng còn cái nào khác cả. Năm nay tớ cũng lớn hơn năm ngoái nên mấy bộ quần áo trước đây muốn mặc cũng không mặc vừa nữa rồi.” Cô ngại ngùng đáp.
Trò chuyện thêm vài câu, cô nhìn thấy chiếc đồng hồ điện tử trên tay Thời Quang chỉ sáu giờ. Nhớ ra còn có việc cần làm, Thường Hiểu Xuân vội chào tạm biệt cậu rồi chạy đi như một con gió.
Thời Quang đờ đẫn đứng yên một chỗ suy nghĩ cái gì đó rất lâu, ánh mắt dõi theo hình bóng hồng hồng ngày càng mờ dần tới khi chỉ còn một chấm nhỏ xíu rồi biến mất giữa dòng người….
Lúc đang chạy hết vận tốc tối đa, não Hiểu Xuân đồng thời nhanh nhạy phân tích. Về vấn đề giải quyết bữa tối, cô định sẽ tới cửa hàng để phụ giúp rửa bát.
Rửa bát qua đêm một buổi tối không chỉ để lấy thêm tiền mà còn không cần phải lo nghĩ về thức ăn tối, thỉnh thoảng cửa hàng có đồ ăn thừa cô vẫn xách chúng mang về nhà. Quả là một lợi hai tiện.
Nhà hàng cách trường học khá xa, cô lại không có xe đạp nên ngày nào cũng phải chạy nhanh sau giờ học mới không bị đến trễ.
(…)
Ngày hôm sau đến trường, Thường Hiểu Xuân cảm thấy có gì đó không đúng. Hình như mọi người trong lớp đều đã biết rằng cô có ba chiếc áo len giống hệt nhau. Đám con trai thấy cô đến hí hửng cười nhạo vài câu nhưng cũng không gây thêm rắc rối gì khác, bọn họ cũng không gọi cô bằng biệt danh “con quỷ lôi thôi” nữa.
Kỳ thực trước đây cô đã giải thích với bọn họ vô số lần nhưng không ai chịu tin.
Cô lười quan tâm thái độ mọi người ra sao, dù sao thì bớt người tìm đến cô gây khó dễ cũng là chuyện tốt, cuộc sống cũng dễ dàng hơn nhiều.
Đến cả lúc đi vệ sinh cô cũng cảm thấy mọi chuyện thuận lợi đến đáng sợ. Không có ai cố tình trong nhà vệ sinh nói bóng nói gió, cũng không có ai rảnh rỗi chặn đường đi của cô nữa.
Tâm trí Thường Hiểu Xuân lơ đãng trên mây, lúc cô bước ra khỏi nhà vệ sinh không chú ý lại đụng phải Thời Quang.
Đối diện với ân nhân cứu mạng mình, cô nở một nụ cười thật tươi, thầm nghĩ nếu coi đây như thay lời chào hỏi, chắc cũng đủ rồi nhỉ?
Thời Quang nhướng mắt, lúc này cậu vô tình nhìn thấy trên mặt cô có vài vết bầm tím, liền tức giận hỏi: “Mấy bạn học đó của cậu vẫn giở trò bắt nạt nữa sao?”
Thường Hiểu Xuân vội vàng lắc đầu phủ nhận: “Không phải, thật sự không phải đâu. Mấy vết tím tím này là do hôm qua tớ ở nhà không cẩn thận ngã bị đập vào chỗ nào đó thôi.”
“Ừm, tớ cũng không cho rằng đám bạn học của cậu vẫn có thể cứng đầu trêu chọc cậu nữa. Ngày hôm qua sau khi cậu về nhà, tớ đã đi gặp bọn họ nói cậu là bạn tốt của tớ, từ giờ bọn họ còn dám bắt nạt cậu chính là đang sỉ nhục tớ.”
Thường Hiểu Xuân ngạc nhiên hai mắt tròn xoe hình chữ O, nghẹn họng không biết nên nói cái gì.
Thời Quang giả vờ tự nhiên nói tiếp:
“Tớ thấy cậu rất đáng thương, tới trường học mà đến một người bạn chơi cùng cũng không có, vậy nên tớ muốn trở thành người bạn đầu tiên của cậu!”
Hiểu Xuân miệng chữ A, cảm xúc trong lòng rối bời chậm rãi tiêu hóa hết lời mà cậu vừa nói, chỉ biết ậm ừ vài câu không thành tiếng.
Chuông lớp học vang lên.
Thời Quang vui vẻ chạy tót vào lớp, trước khi đi chỉ ném lại cho cô một câu: “Cứ quyết định vậy nhé!”
Thường Hiểu Xuân khó khăn đắn đo. Mặc dù rất vui vì được kết bạn mới, nhưng cô thực sự không cần bạn bè cho lắm. Một mình tự mình chơi không phải cũng đủ rồi sao? Hai người chơi với nhau biết nói gì nhỉ…
Về tới lớp học ngồi xuống, trong lòng Thường Hiểu Xuân vẫn bồi hồi lo lắng không yên. Cô với Thời Quang là bạn học cùng khối sáu năm, trước đó hai người tuy đã từng chạm mặt trên trường nhưng lại chưa nói chuyện bao giờ. Sự việc ngày hôm đó là ngoài ý muốn, cũng xem như là lần đầu tiên bọn họ chính thức quen biết nhau. Cô tự hỏi, chẳng lẽ mới chỉ có chưa đầy hai mươi tư tiếng đồng hồ mà có thể kết bạn rồi? Hay là cậu ta đang có âm mưu gì toan tính cô nhỉ? Còn nhớ có một lần cô bị một bạn học xấu tính chơi xỏ, cậu ta nói muốn làm bạn với cô, nhưng thực chất chỉ muốn lợi dụng cô để xem phản ứng con người khi uống phải nước trái cây pha màu vẽ sẽ thế nào, kết quả hại cô bị đau bụng mấy ngày liền.
Với hàng tá nghi vấn chưa thể lý giải, trong mấy ngày liên tiếp, cô cực kỳ nỗ lực để tránh mặt Thời Quang.
Thời Quang lẳng lặng thu hết mọi hành động của cô vào mắt. Nhưng lại không nói gì thêm.
Tiết thể dục đầu tiên mỗi thứ hai hàng tuần là tiết mà hai lớp học chung với nhau. Mấy nam sinh hiếu động rủ nhau chơi bóng, bên này đám con gái túm tụm theo nhóm trò chuyện rôm rả trong bóng râm, mà ở đằng xa xa, Thường Hiểu Xuân thì vẫn đang hì hục chạy bền quanh sân. Cô cảm thấy nếu mình cứ đứng đực ra ở một góc dưới tán cây nhìn đám bạn học như vậy có khi sẽ càng bị đánh giá là lập dị hơn, cho nên chạy bộ là một cách để xóa bỏ sự lạc lõng ấy.
Đang chạy phía sau khung thành, bỗng một quả bóng từ trên trời rơi xuống đập thẳng vào đầu cô.
Một cậu bạn béo thấy mình không ghi được bàn thắng, tức tối đi nhặt bóng đồng thời không quên đẩy mạnh cô để trút giận một cái.
Kìm nén sự bất bình của mình, Hiểu Xuân cúi thấp đầu tiếp tục chạy coi như không chuyện gì xảy ra.
Không khí trên sân càng lúc càng căng thẳng, lúc tên mập sắp tiếp cận được bóng thì đột nhiên bị ai đó đá một cái từ phía sau, loạng choạng suýt ngã. Cậu ta ôm chân đau đớn kêu thét lên: “Cậu ấy đá tớ, cậu ấy đá tớ!!!”
Thường Hiểu Xuân bên này cũng nghe thấy tiếng hét, liền chạy ngay đến bên rìa khung thành bóng hóng hớt.
Cả đám con trai người đẫm mồ hồi chạy lại đứng xung quanh Thời Quang. Giáo viên thể dục thấy học sinh có xích mích cũng bước tới hòa giải, cậu bạn mập bất y bất nhiêu [3] liều mạng khóc thét nói đòi công đạo.
[3]: Bất y bất nhiêu (不依不饶): không được như ý thì dây dưa không bỏ. Vì tác giả sử dụng thành ngữ nên mình muốn giữ nguyên câu.
“Là tớ đá cậu ta.” Thời Quang thừa nhận, nói thêm một vài câu để làm dịu cuộc cãi vã, sau đó một mình bỏ đi. Trên khán đài, cậu cởi áo, lắc lắc đầu đầy mồ hôi.
Ngoài sân, trận bóng đã được bắt đầu trở lại.
Thường Hiểu Xuân nghĩ đi nghĩ lại, quyết định chạy lên khán đài.
Nhìn thấy cô từ xa chạy tới, Thời Quang nhanh chóng mặc vội chiếc áo.
“Ban nãy là cậu cố ý đá tên mập đúng không?” Thường Hiểu Xuân khẳng định hỏi.
Thời Quang đưa cho cô một chai nước khoáng, cười rồi đáp: “Tớ giúp cậu báo thù.”
Một vài bạn học nữ trên sân đi ngang qua, mắt nhìn thấy họ đang nói chuyện cùng nhau thì quay ra thì thầm to nhỏ.
Thường Hiểu Xuân hỏi: “Cậu ta học cùng lớp với cậu sao?”