Điện thoại đặt trên bàn đột nhiên rung lên, phát ra tiếng “Rè rè” như muốn bổ mặt bàn ra.
Tôi hoảng sợ, nhưng vẫn vội vàng cầm lấy điện thoại, xông ra ngoài.
Bên ngoài rất lạnh, Otaru đầu tháng mười hai chỉ có mấy độ, tôi mặc chiếc áo len mỏng đứng trong chạng vạng gió lạnh tiếp điện thoại.
“Tại sao không trả lời điện thoại của tôi?” Là một biên tập viên, giọng của anh thỉnh thoảng quả thực âm u đến đáng sợ.
“À.” Trong lòng bàn tay tôi hơi đồ mồ hôi lạnh, kìm nén một lúc lâu, chỉ nói ra được mấy từ, “À… có chuyện gì?”
“Em nói xem?”
“À…” Tôi im lặng mấy giây, trong mấy giây ngắn ngủi này, suy nghĩ của tôi không ngừng đảo lộn, “Tôi biết, hạn cho bản thảo hàng tháng là ngày hai lăm, hôm nay là ngày mười hai, trước ngày hai mươi, tôi sẽ giao bản thảo cho anh.”
Tiếp đó lại đổi thành bên đầu kia điện thoại im lặng. Tôi không biết, trong lúc này đối phương đang nghĩ gì.
Ngay lúc tôi cố lấy dũng khí muốn cúp điện thoại, anh bỗng nhiên lên tiếng: “Tôi đã chuyển em một biên tập viên khác, về chuyện bản thảo… Sau này em sẽ liên lạc với cô ấy.”
Trong ba mươi năm dài đằng đẵng, tôi đã hiểu ra một chuyện: Cho dù là người hay sự việc, đừng chỉ có nhìn bề ngoài rạng rỡ, phía sau sự vẻ vang hoặc tối tăm ấy có lẽ là một cảnh tượng hoàn toàn tương phản.
Con người nhìn bề ngoài yếu đuối thực ra trong lòng mạnh mẽ, có người nhìn xinh đẹp nhưng thực ra rất tự ti, người nhìn hung hãn nhưng thực ra chỉ là con hổ giấy, nhiều người nhìn như không tranh giành gì song sớm đã đạt được thắng lợi… Cho nên để đối phó với giọng điệu bình tĩnh này chỉ có thể che giấu bằng sự điên cuồng.
“Vâng…” Tôi đã gây ra lỗi rồi, vội vàng đáp.
“Nhưng tôi vẫn phải nhắc nhở em, còn chưa đến hai tuần nữa là em phải giao bản thảo đấy.” Trước nay anh nói chuyện đều ngắn gọn đanh thép như vậy, không có một câu thừa thãi.
Trong lòng tôi lại thấp thỏm, thực ra nói thấp thỏm là chưa đủ đâu, chính xác là bất an, thậm chí là khủng hoảng.
Thời gian còn chưa đến hai tuần, tôi phải giao bản thảo mười vạn chữ, mà trước mắt… đừng nói đến viết, ngay cả dàn ý còn chưa có.
“Em đang ở đâu thế?” Anh lại nhớ tới câu hỏi ban đầu.
“…” Nhưng tôi vẫn không thể trả lời được.
Là một tác giả chỉ bằng một tác phẩm đã nổi tiếng trên mạng, tôi từng được tâng bốc lên tận mây xanh, sau đó lại nhanh chóng rớt xuống. Trong lúc đó ngay cả một bậc thang để trượt chân cũng không có. Đây là thời đại internet, phong trào nào tới nhanh đi cũng nhanh. Có lẽ phải dựa vào chút tài năng và vận may mới thành danh, nhưng muốn tiếp tục duy trì được, nếu muốn trở thành tác giả dễ bán sách, không phải chỉ có chút tài năng là được. Bạn phải thật sự có bản lĩnh, còn có nghị lực, kiên nhẫn, và cảm giác nhạy bén.
Còn vấn đề của tôi là đột nhiên mất đi cảm hứng sáng tác. Tôi không viết được, một chữ cũng không viết ra được!
Tình hình này có lẽ cũng đã hơn nửa năm rồi. Tôi không biết điều này có được tính là một loại bệnh hay không, giống như con người đột nhiên không thể nói chuyện, ở trong y học được gọi là “chứng mất ngôn ngữ” (hoặc là thứ gì đó). Do vậy với tình huống của tôi có lẽ cũng là một loại bệnh, nhưng đến bây giờ vẫn chưa có một định nghĩa chính xác.
Anh khẽ thở dài bên đầu kia điện thoại, nhưng tôi vẫn nghe thấy.
Tôi biết bản thân nếu không viết ra được gì thì có thể sẽ bị thời đại tràn ngập thức ăn nhanh này đánh chìm.
“Một tuần sau…” Tôi khẽ nói, “Tôi cảm thấy một tuần sau có lẽ có thể giao… sáu vạn chữ cho anh, à không, cho biên tập mới kia.”
“…”
Trong chớp mắt tôi bỗng nhiên ý thức được anh hình như không có chút hứng thú với việc khi nào tôi giao bản thảo, nhiều hay ít chữ.
“Thật đấy…” Tôi sắp khóc mất rồi.
“…” Bên đầu kia điện thoại im lặng một lúc lâu mới lên tiếng, “Tất cả đều dựa vào yêu cầu trước đó của em, làm tốt nhé.”
“… Vâng.” Ngón tay tôi cầm di động đã hơi trắng bệch.
“Cho nên về việc liên quan đến bản thảo tự em sắp xếp nhé.” Anh dừng một chút, “Em biết mà, anh gọi đến không phải giục bản thảo.”
“…”
Lại im lặng một lúc lâu, có lẽ chỉ khoảng mười giây, nhưng với tôi lại lâu như một tiếng vậy.
“Đinh Linh…” Anh gọi.
“… Em phải đi viết một chút.” Tôi ngắt lời anh, “Tạm biệt.”
Cúp máy, tay tôi đã lạnh cóng, cổ cũng vậy. Đột nhiên tôi rất muốn hút một điếu thuốc, nhìn xung quanh, tìm khắp cũng không thấy một máy bán tự động, thật sự khiến người ta chán nản.
Tôi đứng yên một lát, mới ủ rũ quay lại nhà hàng. Nó nằm ngay bên cạnh kênh đào Otaru, có thể trông thấy kho hàng xa xa phía bên bờ kia, chen chúc giữa một đống cửa hàng cửa kính và cổ lỗ. Tuy đã hơi cũ, nhưng lại hợp với phong cách cổ xưa của thành phố này. Mặt tiền nhà hàng này cũng không lớn, kính thủy tinh nằm giữa ván gỗ trên cửa, lúc này được che bằng vải bông dày, mỗi lần kéo cửa đều cảm thấy rất nặng.
Nói là nhà hàng, nhưng thực ra trên lầu còn có phòng cho khách thuê, tôi ở lại nơi này, giá phòng mỗi đêm chỉ có bảy nghìn yên, xem như đã rất rẻ rồi, nhưng phòng ở thực sự rất nhỏ.
Tôi hơi hoảng sợ trở lại nhà hàng, ông chủ nuôi râu dài, sau khi đến đây tôi mới biết hóa ra anh ta thực sự là đồng hương của tôi, lập tức có cảm giác tha hương gặp bạn cũ, nhưng dường như trời sinh anh ta vốn là một người ôn hòa, đối xử với tôi không quá nhiệt tình hay lãnh đạm. Trong nhà hàng chỉ có anh ta và đầu bếp, người đầu bếp luôn ở trong bếp, chưa từng đi ra ngoài, một mình anh ta phụ trách gọi món, đưa thực đơn, bưng đồ ăn, tính tiền, tất nhiên là còn cả quét dọn mấy căn phòng kia nữa. May là loại phòng ở chung với người dân này đều là lúc khách trả phòng mới quét dọn, hơn nữa việc kinh doanh nhà hàng này cũng ế ẩm, cho nên lượng công việc của anh ta cũng không quá nhiều.
“Có muốn uống một ly không?”
Ông chủ hiếm khi chủ động nói chuyện với tôi, cho nên bỗng nhiên nghe thấy anh ta nói vậy, tôi hơi giật mình ngẩng đầu.
Anh ta lấy khăn lau chén rượu thủy tinh, như thể câu nói vừa rồi không phải từ miệng anh ta, theo phản xạ tôi nhìn xung quanh, trong nhà hàng ngoài tôi và anh ta ra thì chỉ có ba người. Một đôi tình nhân người Đài Loan, và một ông lão nhìn qua hình như là dân bản xứ.
“Anh có gì thế?” Tôi ngồi dưới quầy bar trước mặt anh ta, khuỷu tay chống lên mặt bàn, ngẩng đầu nhìn anh ta
“Rượu mơ.” Anh ta nói.
Tôi im lặng một lát, gật đầu: “Được rồi, vậy thì một ly.”
Anh ta mỉm cười, xoay người biến mất. Tôi hiếm khi thấy anh ta cười, phần lớn mặt anh ta luôn không có biểu cảm gì, cũng không biết tại sao mỗi lần nhìn thấy mặt anh ta, tôi đều rất muốn nhìn thấy bộ dáng sau khi anh ta cạo râu, tiếc là tôi chưa thấy được lần nào.
Lúc quay lại ông chủ cầm trong tay một bầu rượu phong cách cổ xưa, cùng với hai chén sứ giống như tách trà. Anh ta đặt chén lên bàn, rót đầy rượu, sau đó đưa một chén cho tôi. Tôi cầm trong tay phát hiện hơi nóng, không khỏi kinh ngạc.
“Uống đi.” Khi nói lời này anh ta quả thực giống như một ông cụ.
Anh ta nhấp môt ngụm, tôi lại ngửa đầu uống cạn. Anh ta ngạc nhiên nhìn tôi, lại rót cho tôi một chén.
Vì thế trong buổi đêm lạnh giá này, chúng tôi ngồi trong nhà hàng vắng vẻ, uống rượu mơ rẻ tiền mà ấm áp, trò chuyện.
“Sao cô lại đến đây?” Ông chủ hỏi.
“Tôi ư?” Tôi nhìn anh ta, cười khổ nói, “Bởi vì “Thư tình” (*) đấy.”
(*) Một bộ phim Nhật Bản
Anh ta nhìn tôi, hơi nhếch miệng cười: “Hình như trong mười người có đến năm người đều nói như vậy.”
“Vậy năm người còn lại thì sao?” Tôi không khỏi thắc mắc.
“Năm người già đi theo đoàn du lịch.” Anh ta nhún vai, “Bọn họ chỉ quan tâm hộp bánh trái cây để trong vali có bị đè hỏng hay không thôi.”
“…”
“Bộ phim điện ảnh kia rất được yêu thích à?” Anh ta lại hỏi.
“Có gì mà ngạc nhiên vậy.” Anh ta thể hiện bộ dáng hiển nhiên, “Chỉ là một bộ phim điện ảnh thôi mà.”
“Có lúc một bộ phim điện ảnh hoặc một quyển sách có thể thay đổi cuộc đời con người.”
Anh ta nhìn tôi, đầu tiên là nhíu mày, sau đó mỉm cười: “Hóa ra đời người có thể thay đổi dễ dàng như vậy.”
Tôi nghe anh ta nói vậy, chẳng hề tức giận mà còn chớp mắt, “Được rồi, tôi đang nói bậy đấy.”
Anh ta “chậc” một tiếng, không nói gì thêm.
Tôi lại uống hết chén rượu, anh ta tiếp tục rót cho tôi.
“Cô làm nghề gì?” Anh ta nghiêng đầu hỏi.
Tôi bĩu môi: “Anh đoán xem?”
Anh ta cũng rót cho mình đầy chén rượu, sau đó nhấp một ngụm: “Cô giống như một người viết chuyên mục du lịch… cũng không đúng, tôi nhìn cô không giống như là làm công việc ấy, nhưng tôi cảm thấy cô hẳn là làm công việc tự do.”
Tôi há hốc mồm: “Anh thần kì thật đấy. Tôi là… tác giả đã không còn hot.”
Anh ta lại nhếch miệng cười, nụ cười kia hơi hài hước, như thể đang nói: hóa ra là thế.
“Cô tới đây làm gì thế? Du lịch à?”
“Giải sầu.” Đây là định nghĩa của tôi với lần du lịch này. Thần kinh tôi đã căng thẳng trong thời gian dài, tôi cần thả lỏng một chút.
“Cô viết tiểu thuyết gì thế?” Anh ta lại hỏi.
“À…” Tôi hơi ngượng ngùng, do dự một chút, mới nói thẳng, “Tiểu thuyết tình yêu.”
Anh ta hơi nhíu mày, không biết là có ý gì.
Nghĩ đến cuộc điện thoại vừa nãy, tôi lại cảm thấy đầu đau như nứt ra. Tôi vùi mặt vào bàn tay, dùng sức xoa mấy cái, mới cảm thấy tốt hơn một chút.
“Sao vậy? Cô không thoải mái à?”
Tôi lắc đầu: “Tôi không chỉ là tác giả hết hot mà còn là tác giả hết thời. Sắp đến ngày giao bản thảo rồi, nhưng tôi lại chưa viết được chữ nào…”
Anh ta khẽ cười, “Uống hết chén này đi, rượu này rất tốt, uống xong sẽ ngủ ngon. Thức dậy sẽ là một ngày mới.”
Tôi ngẩng đầu lên, nhìn khuôn mặt đầy râu của anh ta, suy đoán tuổi tác của anh ta, nhưng vẫn không có kết luận. Nghe anh ta nói cảm thấy tuổi anh ta đã lớn, nhưng khuôn mặt kia lại không hề già, cho nên mới khơi gợi hứng thú của tôi.
Tôi lại uống thêm mấy chén rượu, quả nhiên lập tức cảm thấy mệt mỏi. Lúc này mới chỉ có tám giờ tối, tôi quyết định tạm biệt ông chủ, lên lầu đi ngủ.
“Này.” Trước khi tôi lên lầu, ông chủ đột nhiên nói, “Thực ra tôi không thần kì vậy đâu.”
“?”
“Tôi nói cô là người làm nghề tự do bởi vì hiện tại không phải là ngày nghỉ cộng đồng, cô lại có thể đi du lịch lâu như vậy, cô đã thuê phòng mười ngày rồi không phải sao. Cho nên tôi nghĩ hoặc là cô không đi làm hoặc là người làm nghề tự do.” Nói tới đây, anh ta dừng lại một chút, “Nhưng nhìn dáng vẻ của cô, không phải giống người trong nhà có nhiều tiền không cần đi làm, mà người làm việc bình thường cũng sẽ không chạy đến nơi nông thôn xa như vậy du lịch… Do đó cô hẳn là người làm nghề tự do.”
Tôi liên tiếp bị “suy luận” của anh ta làm choáng váng, nhưng tôi vẫn miễn cưỡng mỉm cười, sau đó xoay người lên lầu.
Hôm sau tôi ngủ thẳng đến trưa mới dậy, buổi chiều lên tuyến JR đi một vòng gần đó. Mùa đông Hokkaido vô cùng lạnh, nhất là nơi ven biển. Gần đó có hai thắng cảnh trượt tuyết, lúc này tuyết bao phủ trắng xóa, khách du lịch khắp nơi đến tham quan. Trình độ trượt tuyết của tôi rất bình thường, chỉ là có thể giữ thăng bằng không bị ngã sấp xuống mà thôi, cho nên không quá hứng thú, nhưng tôi lại ngồi cáp treo lên đỉnh núi, đứng trong tuyết, nhìn từng lớp tuyết chất lên nhau.
Tôi bỗng nhiên xúc động, tưởng tượng ra Hiroko Watanabe trong phim cũng là như vậy, hô to với núi tuyết mênh mông: “Bạn khỏe không? Tôi rất khoe!”
Ngay trong lúc tôi há mồm, có hai chàng trai ôm ván trượt tuyết từ bên cạnh vọt đến, không kịp phanh lại, đụng vào tôi, tôi không đứng vững, lảo đảo ngã xuống.
Tôi ngồi trên sô pha đã hơi cũ trong tầng một nhà hàng, trước mặt là bảy tám người ầm ĩ, có người lớn có trẻ nhỏ. Tất cả mọi người vẻ mặt áy náy, hai phụ huynh xoay người về phía tôi giải thích. Tôi chỉ biết một chút tiếng Nhật, cho nên không hiểu được họ đang thao thao bất tuyệt gì, ông chủ đứng sau quầy bar, như cười như không nhìn bọn họ.
Cuối cùng đã tiễn được những người đó đi, tôi nhấc chân trái đang băng lên, hơi dở khóc dở cười.
Một bát mỳ nóng hổi được đặt trước mặt tôi, trong mỳ còn có “trứng chần”. Đây là một món ăn Thượng Hải, thực ra chính là đặt trứng luộc trong nước hoặc canh, sau đó lòng trắng trứng biến thành thể rắn mềm mài trắng, bao lấy lòng đỏ trứng màu vàng, chúng tôi gọi là “trứng chần”.
Tôi ngẩng đầu, ông chủ vẫn là dáng vẻ như cười như không kia: “Ưu đãi dành cho người bệnh.”
Tôi rất muốn mỉm cười đáp lại anh ta, nhưng chỉ sợ biểu tình trên mặt tôi còn khó coi hơn so với khóc.
Tôi bị hai chàng trai kia đâm ngã xuống dốc núi, nhưng may mà đính núi không quá dốc, tôi lăn mấy vòng trong tuyết thì ngừng lại, nhưng không may là chân bị trật rồi.
Không phải người xưa có câu nhà dột còn gặp mưa đêm sao?
Mũi tôi hơi đau, suýt chút nữa bật khóc, nhưng tôi vẫn nhịn xuống, ở đất nước xa lạ, một mình khóc thực sự rất bi thảm, tôi không muốn biến mình thành người như vậy.
Tôi rưng rưng ăn hết bát mỳ, ông chủ lại bưng một hũ rượu mơ lên, nhưng tôi không có chút tâm trạng nào để uống rượu.
Hôm nay bên ngoài rất lạnh, ngày nghỉ còn chưa tới, xung quanh kênh đều quạnh quẽ, trong nhà hàng ngoài tôi không có người nào.
“Cô nói là cô viết tiểu thuyết tình yêu?” Ông chủ ngồi đối diện tôi, hai tay ôm ngực, nhìn tôi.
“Vâng.”
“Loại tiểu thuyết tình yêu gì thế?”
Tôi mấp máy môi, miễn cưỡng xốc lại tình thần đáp lời anh ta: “Là tiểu thuyết tình yêu nam nữ.”
Anh ta nhíu mày: “Tiểu thuyết tình yêu không phải là đàn ông và phụ nữ sao?”
“Không phải đâu.” Tôi giả vờ ngầu, “Có còn nam nam và nữ nữ nữa cơ.”
“…” Anh ta há hốc miệng, dường như kinh ngạc không thốt lên lời.
Tôi bị vẻ mặt của anh ta chọc cười, hình như đây là chuyện duy nhất trong mấy ngày qua khiến tôi bật cười, nhưng nhanh chóng nghĩ đến ngày phải nộp bản thảo sắp đến gần, tâm trạng của tôi lại trở nên nặng nề.
“Cô nói mình không sáng tác được ư?” Ông chủ lại quay về dáng vẻ bình thường, điều này khiến nhìn qua cả người anh ta hơi u sầu.
Tôi gật đầu. Một chữ cũng không viết ra được!
Anh ta nhìn tôi, như cười như không, nhưng trong mắt dường như đang cất giấu gì đó… cũng không ai biết được là gì.
“Tôi kể cho cô một câu chuyện nhé?” Anh ta đột nhiên nói, “Đây… cũng xem như là một câu chuyện tình yêu.”
Tôi xúc động bởi vẻ mặt muốn nói của anh ta, nhưng trước đó tôi còn muốn xác định một chuyện:
“Tôi có thể ngắt lời anh một chút không?”
“?”
“Anh muốn nói chính là một câu chuyện tình yêu nam nữ đúng không?”
Ông chủ kinh ngạc bật cười: “Đúng, đàn ông và phụ nữ…”
“Được.” Tôi làm tư thế mời, “Vậy bắt đầu đi.”
Trong phòng bếp phía sau quầy bar có một máy CD kiểu cũ, đang phát một ca khúc tiếng Trung. Tại nơi tha hương dị quốc lạnh lẽo này, nghe được bài hát đó có cảm giác ấm áp khác lạ.