Khổng Tước Rừng Sâu

Chương 37



Một tuần trôi qua, người đến xem phòng đều chưa hạ bút ký hợp đồng.

Tôi lại thấy chẳng sao cả, dù sao bác chủ nhà cũng tỏ thái độ tuỳ duyên, không hề cưỡng cầu.

Nếu như căn phòng mãi không cho thuê được, tôi thậm chí lại thấy vui.

Nói thẳng ra, căn phòng tầng dưới là phòng biệt lập, còn có cả phòng khách nhỏ và nhà bếp, một tháng bốn ngàn rưỡi vẫn là rẻ.

Môi trường xung quanh rất tốt, còn có cả sân, trừ việc phòng ốc cũ nát quá, không có khuyết điểm nào rõ rệt.

Mười ngày sau khi dán thông báo, trên đường từ trường về nhà, tôi nhìn thấy hoa của mấy căn nhà đang nở rộ.

Mùa xuân cuối cùng đã tới, trong lòng tôi thầm nói.

Đến cửa nhà, một cô gái mặc đồ màu xanh da trời quay lưng về phía tôi, đang đứng trước cửa.

Tôi dừng xe, do dự hai giây, bèn đi ngang qua người cô ấy, lấy chìa khoá chuẩn bị mở cửa.

“Ở đây có phải cho thuê phòng không?” Cô gái áo xanh hỏi.

“Ừ.” Tôi gật đầu.

“Tôi có thể xem một chút không?”

Tôi mở cửa, nói: “Mời vào.”

Tôi dẫn cô ấy tới căn phòng tầng dưới, mở cửa cho cô ấy vào xem thoải mái.

Sau đó tôi lên tầng trên đặt sách, báo cáo nghiên cứu lên mặt bàn, rồi đi xuống dưới.

Cô ấy đã đứng ở trong sân, tôi hơi ngạc nhiên.

“Phòng ốc không tệ, hơn nữa tôi rất thích cái sân này.” Cô ấy nói, “Tiền thuê là bao nhiêu?”

“Bốn ngàn rưỡi.” Tôi nói.

“Rất hợp lý.” Cô ấy nói, “Tôi thuê.”

Không ngờ cô ấy lại lập tức quyết định, tôi không hề chuẩn bị tâm lý.

“Cái cầu thang này rất hay.” Cô ấy nói, “Có trèo lên được không?”

“Đương nhiên là được.” Tôi nói, “Tôi ở trên tầng trên.”

Cô ấy trèo được năm bậc, sau đó dừng chân lại, quay người xem xét tôi cẩn thận.

Tôi bị cô ấy nhìn cho mất tự nhiên, nói: “Nếu cô thấy không tiện, vậy…”

“Chẳng có gì không tiện cả.” Cô ấy bình thản nói, lại liếc tôi một cái, tiếp tục đi lên trên.

Tôi cảm thấy giọng điệu cô ấy như đã nghe qua ở đâu, ánh mắt như đã thấy ở đâu, hơn nữa gương mặt đó cũng có chút quen mắt.

Cô ấy ở tầng trên nhìn ngó bốn phía, thấy cửa phòng tôi không đóng, bèn nói: “Có thể tham quan không?”

“Cứ tự tiện.” Tôi ở tầng dưới nói.

Cô ấy đi vào phòng tôi, sau một lát đi ra: “Anh vào phòng tầng dưới tìm cách gõ lên trần nhà.”

“Tại sao?” Tôi băn khoăn.

“Đừng quan tâm.” Cô ấy nói, “Cứ lấy chổi hay gì đó, gõ hết sức lên trần nhà ba cái.”

Tôi tìm trong sân một cái chổi cán gỗ, đi vào căn phòng tầng dưới lấy cán chổi gõ lên trần nhà ba cái.

“Gõ chưa?” Ở tầng trên hình như cô ấy đang hét lên.

“Gõ rồi.” Tôi cũng gào toáng lên.

“Dùng sức vào.” Cô ấy hét, “Gõ lại!”

Tôi hít một hơi, hai tay nắm mạnh cán chổi, dùng sức gõ lên trần nhà ba cái.

Đợi một lát không thấy cô ấy nói gì, bèn hỏi to: “Đã được chưa?”

“Được rồi.” Cô ấy nói.

Tôi ra khỏi phòng, cô ấy cũng ra khỏi phòng tì người vào lan can, cúi đầu nhìn tôi nói:

“Anh đã nghe một bài hát phương Tây xưa tên là “Knock Three Times” chưa?”

“Hình như nghe rồi.” Tôi ngẩng đầu lên nói.

Tâm trạng cô ấy dường như rất tốt, bắt đầu hát:

“Oh my darling knock three times on the ceiling if you want me

Twice on the pipe if the answer is no

Oh my sweetness…”

Hát đến đây, lấy tay vỗ lan can ba cái, lại hát tiếp:

“Means you’ll meet me in the hallway

Oh twice on the pipe means you ain’t gonna show”

Cô ấy ngừng hát, nói:

“Bài hát này nói về ở tầng dưới của chàng trái có một cô gái mà chàng thích, nhưng chàng lại không quen cô. Chàng ta hát rằng nếu cô gái thích chàng, vậy thì gõ lên trần nhà ba cái; nếu như không thích, thì gõ vào ống nước hai cái. Gõ ba cái tức là bọn họ có thể gặp nhau ở hành lang, gõ hai cái thì…”

Cô ấy nhún vai, “Chàng trai có thể từ bỏ rồi.”

Từ lúc cô ấy bắt đầu hát, tôi cứ ngẩng đầu nhìn cô ấy, tuy rằng băn khoăn, nhưng trước sau đều không nói gì.

“Lúc tôi học cấp ba vô cùng thích bài hát này, lúc tâm trạng không tốt đều thích ngân nga nó.” Cô ấy nói, “không ngờ tình cảnh mà bài hát này miêu tả, lại phù hợp với chỗ này của chúng ta.”

“Ừ.” Tôi ờ một tiếng.

“Nhưng nếu như là anh,” Cô ấy nói, “Tôi có lẽ sẽ gõ hỏng ống nước mất.”

Tôi lại nhìn cô ấy, càng nhìn càng quen mắt.

“Cứ vậy đi.” Cô ấy đi xuống cầu thang, “Tôi sẽ nhanh chóng dọn tới đây.”

Tôi bỗng rất muốn biết cô ấy là ai, là loại người như thế nào, trong lòng lại đột nhiên hiện ra bài trắc nghiệm tâm lý kia.

Không kịp nghĩ kỹ, đã mở miệng hỏi cô ấy:

“Cô ở trong rừng nuôi vài con vật: ngựa, trâu, dê, hổ và khổng tước. Nếu như có một ngày cô phải rời khỏi khu rừng, nhưng lại chỉ có thể mang theo một con vật, cô sẽ mang theo con vật nào?”

Cô ấy dừng lại, người vừa vặn dừng ở lưng chừng bậc cầu thang, nói: “Sao lại hỏi như thế?”

Tôi hơi chột dạ, nói: “Chỉ là đột nhiên muốn hỏi thôi.”

Cô ấy đứng thẳng người, nhìn tôi rồi nói: “Tôi chọn khổng tước.”

Tôi giật mình, ngẩn ngơ nhìn cô ấy.

“Sao?” Cô ấy cười lạnh một tiếng, “Có phải anh cũng sẽ căn cứ vào kết quả trắc nghiệm kia, cho rằng tôi là người ham hư vinh, mê tiền như mạng sống không?”

“Không.” Tôi nhất thời lúng túng, “Tôi…”

“Bài trắc nghiệm này tôi chơi rồi, khổng tước tượng trựng cho tiền bạc, đúng không?” Cô ấy tiếp tục đi xuống thang, “Tôi bị cười nhạo lâu rồi, không sao hết.”

Cuối cùng tôi cũng nhận ra cô ấy.

Cô ấy là cô gái phục vụ mặc bộ đồ tơ tằm màu xanh da trời trong quán Búp bê Trung Quốc.

Khi đó ánh đèn tối tăm, thời gian gặp nhau không lâu, vì thế đối với gương mặt còn chưa lưu lại ấn tượng gì sâu sắc.

Tôi nghĩ bây giờ tôi nhận ra cô ấy, có lẽ là bởi vì cảm giác giống như bị điện giật kia.

Cô ấy vẫn nổi bật như một túm lông trắng trên đầu con quạ đen, chả trách tôi có thể nhận ra cô ấy.

Còn với cô ấy, có lẽ tôi chỉ là một cọng lông đen trên mình con quạ đen mà thôi.

Nhất định cô ấy không nhớ là đã từng gặp tôi.

Dù thế nào, chúng tôi có một điểm chung: cùng là người chọn khổng tước.

“Vừa rồi anh bảo tiền phòng là bao nhiêu?” Cô ấy đứng trong sân hỏi.

“Bốn ngàn.” Tôi đáp.

“Vậy à? Tôi nhớ hình như anh bảo hơn bốn ngàn.”

“Không.” Tôi nói. “Là bốn ngàn.”

“Được.” Cô ấy nói, “Đặt cọc bao nhiêu?”

“Không cần. Dù sao tôi cũng không phải chủ nhà.”

Cô ấy nhìn cây cỏ bên bức tường bao quanh sân, sau đó nói:

“Hình như mùa xuân đến rồi.”

“Đúng vậy.” Tôi nói.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.