Kiếm Động Trung Châu

Chương 70: Phạt thông thiên tam lão nghị bàn nghe kiến giải phải đành ban chỉ





Lại nói, sau khi nghe Nghiêm Phi Long thỉnh tội, Quan lão không những đã không phiền trách chàng mà còn nhìn chàng bằng ánh mắt thương yêu, hỏi :



- Thật ra thì đã xảy ra chuyện gì ?



Nghiêm Phi Long nói :



- Sư phụ. Lần này, trên đường đi, đệ tử vì ham vui nên có ghé qua Tung Sơn xem trường náo nhiệt. Do có vài sự việc xảy ra bất ngờ mà đã trễ mất ngày giờ. Đến khi xong việc, đệ tử rời Thiếu Lâm định đi đến Đồng Quan thì mới hay tin chúa công đã ban chỉ thảo phạt Bạch Phát Đồng Tử, và Thiên Hùng Bang cũng đã phụng chỉ xuất sư, Huyết Thủ Thần Ma đã không còn ở Đồng Quan nữa. Vì vậy mà đệ tử mới định quay về. Vừa đến đây thì gặp xa giá.



Quan lão hỏi :



- Con có đến Tung Sơn ư ?



Nghiêm Phi Long cúi đầu vâng dạ. Quan lão lại hỏi :



- Vậy ở đó đã xảy ra chuyện gì mà khiến con phải nấn ná ở đó mấy ngày ?



Nghiêm Phi Long liền kể lại những sự việc đã xảy ra tại Tung Sơn cho sư phụ và mọi người nghe. Ai nấy đều chăm chú lắng nghe, xem có vẻ rất hứng thú, đặc biệt là đoạn chàng quyết đấu cùng Hồng bào lão quái. Khi chàng vừa dứt lời, Quan lão thích chí cười ha hả, vuốt râu nói :



- Hay. Hay lắm. Thế mới xứng đáng là đệ tử của ta chứ.



Đoạn lão hướng vào cỗ long xa hỏi :



- Chúa công thấy sao ạ ?



Giang Hoài Ngọc khẽ thở dài một tiếng, nói :



- Nghiêm khanh gia làm rất tốt, rất hợp ý cô gia. Hóa giải được một trường xung đột mà không để một ai tử thương thì thật tốt quá.



Quan lão hỏi :



- Thế sao chúa công lại thở dài ?



Giang Hoài Ngọc nói :



- Không có gì đâu. Tiên sinh cứ yên tâm.



Lúc này Uông Triều bỗng hỏi :



- Nghiêm hiền điệt. Hai người kia là ai vậy ?



Vừa nói lão vừa nhìn về phía bọn Vân lão và Thành Thế Kiệt. Nghiêm Phi Long vội nói :



- Hai vị đó là Thanh Sam Kiếm Khách Thành Thế Kiệt thiếu hiệp và Kim Diện Thần Y Vân Trung Hạc tiên sinh. Thành thiếu hiệp đã cùng đồng hành với tiểu điệt suốt từ khi ở Hồ Nam đến giờ. Còn Vân tiên sinh thì tiểu điệt gặp ở chân núi Thiếu Thất, và đã đi cùng với nhau cho đến nay.




Uông Triều hỏi :



- Thanh Sam Kiếm Khách … Nghe đâu Nghi vương thích y nên có truyền cho chút công phu thì phải ?



Nghiêm Phi Long nói :



- Vâng ạ. Tiểu điệt cũng đã từng được thấy Thành thiếu hiệp mấy lần thi triển Thái Vân Bộ Pháp. Hơn nữa, trong tương lai, Thành thiếu hiệp sẽ là rể đông sàng của Chiêu Hương Viện chủ ở Thái Chính Cung, nên cũng có thể xem như … không phải là người ngoài.



Ngay lúc này, mọi người chợt nghe thấy có tiếng vó ngựa phi nước đại đang lao thẳng tới với tốc độ rất nhanh. Đã có Thanh Long, Huyền Vũ nhị đàn đi trước mở đường mà lại có kẻ dám lao thẳng đến xa giá thế này khiến mọi người đều kinh ngạc. Quan lão cao giọng quát :



- Xa giá đang ở đây. Kẻ nào dám đến kinh động ? Thị vệ đâu. Mau chặn hắn ta lại ngay.



Mệnh lệnh vừa truyền ra, một đội thị vệ lập tức tế ngựa chạy lên phía trước, vừa kịp chặn đứng con ngựa đang lao nhanh đến. Ngồi trên mình ngựa là một đại hán che mặt, vận hắc y.



Vừa đến nơi, trông thấy đoàn thị vệ dàn hàng chặn lại, hắc y nhân vội vã nhảy khỏi lưng ngựa xuống đất, quỳ phục xuống, hai tay nâng cao một cuộn lụa, hướng về long xa cung kính nói :



- Thần Mạc Vi Hầu, bộ thuộc dưới trướng Thất Tinh Lâu chủ, xin tham kiến chúa công, văn thành võ đức, phúc khí trường tồn. Cầu ngọc thể kim an vạn phúc. Thần phụng mệnh lâu chủ đến dâng biểu chương. Thỉnh chúa công ngự lãm.



Thị vệ thu lấy biểu chương, rồi trao lại cho một hoàng y thị nữ, để trình lên Giang Hoài Ngọc. Chàng khẽ vén rèm, cầm lấy biểu chương, giở ra xem. Đoạn chàng trao lại cho Quan lão.



Sau khi xem xong, Quan lão lại trao biểu chương cho Bách Lý Hạc, rồi hướng vào cỗ kiệu, hỏi :



- Thất Tinh Lâu đã phát hiện ra tông tích khâm phạm, xem như đã lập được công đầu. Chẳng hay chúa công định thế nào ạ ?



Giang Hoài Ngọc nói :



- Thất Tinh Lâu đã lập công đầu, rất xứng đáng được gia thưởng.



Quan lão liền bảo Mạc Vi Hầu :



- Thất Tinh Lâu được ghi công đầu, sau này sẽ luận công ban thưởng. Ngươi có thể lui được rồi.



Mạc Vi Hầu kính cẩn dâng lời tạ ân, rồi cáo lui. Sau khi y đi khỏi rồi, Giang Hoài Ngọc mới hỏi :



- Còn việc truy bắt khâm phạm, các vị tiên sinh thấy nên thế nào đây ?



Lúc này, Bách Lý Hạc đã xem xong biểu chương, và đã chuyển giao lại cho Uông Triều, đoạn tiến sát cửa sổ long xa, cúi người khẽ nói nhỏ :



- Chúa công. Đại sự không nên nghị bàn trước mặt người ngoài. Thành Thế Kiệt tuy là quý tế của Chiêu Hương Viện chủ, nhưng đó là chuyện tương lai, dù có được Nghi vương ưu ái, nhưng thật ra cũng hãy còn là người ngoài. Còn Vân Trung Hạc thì đương nhiên chẳng có liên hệ gì.



Quan lão đang đứng bên cạnh nên nghe thấy, cũng gật gù ra vẻ đồng tình, đoạn lại nói thêm :



- Xem tướng mạo Vân Trung Hạc thì y mắt nhỏ môi mỏng, má hóp râu dê, trông có vẻ không phải là người kín miệng. Đại sự quan trọng không nên nghị bàn trước mặt những hạng người như thế.



Giang Hoài Ngọc khẽ nói :



- Tiên sinh có nói quá hay không ? Chứ cô gia nhận thấy Vân tiên sinh cũng đâu đến nỗi nào đâu.



Bách Lý Hạc nói :



- Chúa công lấy tấm lòng trung hậu đối xử với mọi người nên nhìn ai cũng chỉ nhận thấy những điểm tốt của bọn họ. Dù cho Vân Trung Hạc không phải là người như vậy, nhưng y cũng chưa phải là thần tử của bản triều. Cẩn thận vẫn tốt hơn.



Quan lão tiếp lời :



- Chúa công. Lão phu cũng đồng một quan điểm với Bách Lý huynh đệ. Đại sự không nên nghị bàn trước mặt người ngoài.



Sau câu nói của Quan lão, quang cảnh yên ắng một lúc lâu. Lát sau, Giang Hoài Ngọc lên tiếng gọi :



- Nghiêm khanh gia.



Giang Hoài Ngọc nghe gọi lập tức cung tay, nói :



- Tiểu thần xin đợi lệnh.



Giang Hoài Ngọc truyền :



- Cô gia có một đạo dụ cho Thái Chính Cung. Khanh hãy mang chỉ dụ của cô gia đến Thái Chính Cung một chuyến.



Nghiêm Phi Long kính cẩn nói :



- Tiểu thần cẩn tuân thượng ý.



Giang Hoài Ngọc khẽ vén rèm đưa ra một đạo dụ mà chàng vừa mới thảo xong. Một hoàng y thị nữ tiến lại nhận lấy, rồi chuyển cho Nghiêm Phi Long. Nghiêm Phi Long cung kính tiếp nhận, sau đó cẩn thận cất vào bọc hành lý.



Giang Hoài Ngọc lại nói :



- Việc này đặc biệt quan trọng, không nên để chậm trễ. Khanh hãy lập tức đăng trình.



Nghiêm Phi Long cung kính vâng mệnh, sau đó lập tức phụng chỉ lên đường. Cùng đồng hành với chàng còn có cả Vân lão và Thành Thế Kiệt. Bởi hai người họ nhận thấy không có cơ hội kiến giá, nên nhân cơ hội này mà cùng Nghiêm Phi Long đi đến Thái Chính Cung một lần cho biết. Bởi đến được Thái Chính Cung là một cơ hội quý báu mà không phải lúc nào cũng có được.



Sau khi ba người bọn họ đi khỏi, Giang Hoài Ngọc mới truyền hỏi :



- Ba người họ đã đi rồi. Vậy giờ chúng ta hãy bàn đến chính đề. Hiện đã tra ra tung tích của khâm phạm. Theo các vị tiên sinh, những việc sắp tới cần nên tiến hành thế nào đây ?



Dường như đã có chủ ý từ trước, Bách Lý Hạc lập tức trình tấu :




- Trình chúa công. Công cuộc này tuy được gọi là truy bắt khâm phạm Bạch Phát Đồng Tử, nhưng theo lão phu nhận thấy, không thể nào không truy cứu đến trách nhiệm của Thông Thiên Giáo.



Giang Hoài Ngọc hỏi :



- Ý tiên sinh là … ?



Bách Lý Hạc nói :



- Thông Thiên Giáo chủ mặc dù đã biết Bạch Phát Đồng Tử là công địch của cả giang hồ tam giới, là những tội đồ đã từng phạm rất nhiều trọng tội, dấn sâu vào Tà đạo, và cũng đã từng bị nhị vị Thánh đế thân hành nghiêm trị, thế mà vẫn công nhiên hậu thuẫn cho hắn nhiễu loạn giang hồ, tàn hại bách tính lương dân. Vì thế, Thông Thiên Giáo chủ chẳng thể nào thoát khỏi trách nhiệm.



Quan lão cũng nói :



- Những thảm cảnh diễn ra gần đây trong võ lâm tuy là chủ trương của Bạch Phát Đồng Tử, nhưng phần lớn lại do Thông Thiên Giáo thực hiện. Do vậy, nếu truy cứu trách nhiệm thì Thông Thiên Giáo chủ cũng phải có tội.



Uông lão đứng phía bên kia cỗ long xa cũng tiếp lời :



- Chúa công. Theo ngu kiến của lão thần, Bạch Phát Đồng Tử chỉ giữ địa vị Phó Giáo chủ trong Thông Thiên Giáo. Vậy nên, hung phạm đầu sỏ trong vụ này phải là Thông Thiên Giáo chủ mới phải. Nếu chỉ trừng phạt một mình Bạch Phát Đồng Tử mà không truy cứu đến Thông Thiên Giáo chủ thì chính là bỏ gốc tìm ngọn, còn đâu là vương pháp nữa. Cúi mong chúa công thẩm xét.



Uông Triều vốn xuất thân từ giới quan trường nên ngôn phong và ngữ cách có khác hẳn với Quan lão và Bách Lý Hạc. Trong ba người họ, chỉ có mình Uông lão tự xưng là lão thần, và sử dụng những ngôn từ khiêm nhường của kẻ thần tử như lão vẫn đã từng sử dụng khi còn đương chức.



Mà thật ra thì Uông lão cũng không cần phải xưng hô như vậy. Bởi lão cùng với Quan lão và Bách Lý Hạc là những nguyên lão trọng thần, đã từng theo Giang Hoài Ngọc từ thuở hàn vi nên rất được chàng kính trọng, không những đã được miễn trừ một số lễ nghi, không phải hành lễ xưng thần, mà còn được Giang Hoài Ngọc kính trọng, gọi là tiên sinh. Trong số những người theo phụng sự chàng, duy chỉ có ba lão là được hưởng những đặc ân ấy mà thôi.



Nghe những lời trình tấu của Uông lão, Giang Hoài Ngọc hơi nhẹ thở ra một tiếng, đoạn nói :



- Có cần phải thế hay không ?



Quan lão nói :



- Chúa công. Cần phải vậy mới được.



Thấy Chu Kỳ Xương nãy giờ vẫn đứng yên lặng bên long xa, chưa có ý kiến gì, Giang Hoài Ngọc mới hỏi :



- Chu khanh gia. Ý khanh thế nào ?



Nãy giờ, chỉ có một mình họ Chu là chưa lên tiếng. Không phải là y không có ý kiến, bởi dù gì thì y cũng đã được người võ lâm tôn xưng là Vạn Bác Thư Sinh. Mà bởi vì địa vị của y không giống như bọn Quan lão. Y không phải là nguyên lão trọng thần, danh từ “tiên sinh” không phải dùng để chỉ y. Do vậy, y phải chờ đến lúc chúa công phán hỏi mới có thể tấu trình.



Được hỏi, họ Chu mới cung kính nói :



- Trình chúa công. Ý kiến của thần cũng giống như của tam vị Tổng quản. Hiện thời, hung phạm đầu sỏ gây nhiễu loạn võ lâm, tàn hại bách tính vẫn chính là Thông Thiên Giáo. Chỉ cần nghiêm trị Thông Thiên Giáo, tình trạng loạn lạc trong võ lâm sẽ giảm đi đáng kể.



Thấy Giang Hoài Ngọc vẫn hãy còn trầm ngâm chưa quyết, Bách Lý Hạc vốn dĩ hiểu khá rõ tính cách của chàng, liền nói thêm :



- Chúa công. Trong chuyện này thật ra vẫn hãy còn một vấn đề vi diệu, nhưng không tiện công bố với thiên hạ. Lão phu xin nói ra đây để chúa công thẩm xét.



Giang Hoài Ngọc nói :



- Tiên sinh hãy cứ trình bày.



Bách Lý Hạc nói :



- Chúa công còn nhớ những chuyện đã xảy ra cho Nghi vương vào độ hai năm trước, khi Nghi vương mới vào Trung Nguyên.



Giang Hoài Ngọc hỏi :



- Ý tiên sinh muốn nói …



Bách Lý Hạc nói :



- Lần đó, Nghi vương mới vừa rời Trường Thanh Cung vào đến Trung Nguyên, hãy còn chưa kịp có thời gian đi du ngoạn các nơi danh thắng, là đã bị gian nhân mưu hại, chỉ thiếu chút nữa là đã mất mạng rồi. Và sau đó vương gia đã phải chịu lắm điều khổ nhọc. Cũng chính vì chuyện đó mà Bang chủ Bang khất cái là Hà Vĩnh Tuấn mới bị đức Diêm Quân hỏi tội, giờ đây vẫn còn đang phải cố gắng thu thập cho đủ một vạn công đức để chuộc tội ấy.



Giang Hoài Ngọc nói :



- Chuyện đó cô gia cũng đã từng được nghe biểu ca nói qua. Nhưng dường như biểu ca không hề lấy đó làm phiền lòng.



Bách Lý Hạc nói :



- Tuy vương gia tỏ ra không để tâm đến chuyện ấy. Nhưng theo lão phu nhận xét, trong lòng vương gia cũng chẳng cảm thấy thích thú gì đâu.



Quan lão xen lời :



- Đương nhiên rồi. Gặp phải hoàn cảnh như vậy, bảo vương gia cảm thấy thích thú sao được ?



Bách Lý Hạc nói tiếp :



- Vương gia trong lòng không vui, chỉ vì chưa có dịp nên vương gia chưa tiện hỏi đến đấy thôi. Bằng chứng là suốt bấy lâu nay, kẻ địch duy nhất mà Thái Chính Cung nhắm đến, trước sau vẫn chỉ là Thông Thiên Giáo, mặc dù nhiễu loạn võ lâm không chỉ có Thông Thiên Giáo mà còn có cả Cửu Trùng Giáo nữa.



Thấy Giang Hoài Ngọc đã có vẻ xiêu lòng, lão lại nói thêm :



- Chúa công. Hiện giờ vẫn còn có không ít thế lực đang lăm le xưng hùng xưng bá, mưu đồ thống trị võ lâm. Việc nghiêm trị Thông Thiên Giáo thật ra hãy còn có thêm tác dụng nữa là răn đe kẻ khác, khiến từ nay chúng không dám lộng hành, làm điều càn quấy tàn ngược. Nếu như chúa công không muốn trừng phạt bọn Thông Thiên Giáo thì cũng nên khiến chúng tuân phục vương sư, khép chúng vào vòng cương tỏa. Có như vậy mới khỏi lo về sau.



Ngẫm nghĩ giây lát, Giang Hoài Ngọc mới nói :



- Tiên sinh nói cũng phải. Vậy chúng ta cứ làm thế đi.



Bách Lý Hạc vâng dạ. Và Quan lão lại truyền lệnh khởi trình.



Trên quan đạo Bắc Nam …




Đoàn xa giá đang rầm rộ kéo đi. Cũng vẫn Thanh Long, Huyền Vũ nhị đàn đi trước mở đường. Bạch Hổ, Chu Tước nhị đàn bảo giá trước sau. Tám đội thị vệ vây quanh long xa. Hộ vệ hai bên là bọn Quan lão, Uông lão, Bách Lý Hạc và Chu Kỳ Xương. Nghi trượng dàn bày. Cờ quạt, lọng tán uy nghiêm tề chỉnh.



Đột nhiên, mọi người lại nghe từ phía xa có thanh âm truyền đến :



- Thần, Kim Chỉ Thần Ma, chưởng quản Cửu Trùng Giáo, xin được triệu kiến.



Sau khi đã thỉnh ý Giang Hoài Ngọc, Quan lão truyền lệnh cho xa giá tạm dừng lại, đoạn truyền :



- Chúa công ban chỉ tuyên triệu Kim Chỉ Thần Ma ứng hầu.



Ngay lập tức, tại trường xuất hiện một lão đạo tuổi quá lục tuần, vận đạo bào mới tinh, gương mặt gầy gò, tướng mạo khắc khổ, nhưng cặp mắt ưng sắc lạnh lóng lánh ánh tinh quang.



Lão đạo hạ thân xuống khoảng đất trống cách xa giá đến mấy mươi trượng, sau đó kính cẩn tiến lại, phục lạy tung hô :



- Thần, Cửu Trùng Giáo chủ Kim Chỉ Thần Ma, xin tham kiến chúa công, văn thành võ đức, phúc khí trường tồn. Chúc cầu ngọc thể kim an vạn phúc.



Giang Hoài Ngọc truyền :



- Khanh hãy bình thân.



Kim Chỉ Thần Ma tạ ân đứng dậy. Giang Hoài Ngọc hỏi :



- Khanh xin triệu kiến có việc chi thế ?



Kim Chỉ Thần Ma kính cẩn nói :



- Trình chúa công. Thần đã tra ra tung tích của Bạch Phát Đồng Tử, nên đến bẩm tấu lên chúa công.



Đoạn lão cung kính trình lên một tờ biểu chương. Quan lão bật cười, nói :



- Thật đáng tiếc. Ngươi đã đến muộn mất rồi. Thất Tinh Lâu cũng đã tra ra được tung tích của hắn, và đã dâng biểu lên chúa công. Chúa công đã truyền ghi công đầu cho Thất Tinh Lâu rồi.



Kim Chỉ Thần Ma vừa thất vọng, vừa ngượng ngùng, tiến thoái lưỡng nan. Thấy vậy Giang Hoài Ngọc mới nói :



- Thôi được rồi. Khanh cứ trình biểu chương cho cô gia xem qua.



Một hoàng y thị nữ liền tiến lại nhận lấy biểu chương, rồi mang đến trình lên Giang Hoài Ngọc. Xem xong, chàng nói :



- Địa điểm cũng không khác với phát hiện của Thất Tinh Lâu, nhưng lại có thêm tin tức về Thông Thiên Giáo chủ. Từ đâu mà khanh biết được Thông Thiên Giáo chủ đang bế quan luyện công ?



Kim Chỉ Thần Ma cung kính tâu :



- Trình chúa công. Tin tức ấy có được là do thần khai thác tên đệ tử của Bạch Phát Đồng Tử. Chắc chắn không sai đâu ạ.



Quan lão hỏi :



- Ngươi tin chắc như vậy ư ?



Kim Chỉ Thần Ma nói :



- Thật ra thần đã nhận được tin tức từ mấy hôm trước, nhưng vì phải thẩm tra lại nên mới trình tấu lên chúa công hơi muộn. Theo kết quả thẩm tra thì Thông Thiên Giáo chủ quả đang bế quan luyện công.



Quan lão gật gù nói :



- Nếu thế thì hay lắm. Rất tiện cho chúng ta hành động.



Giang Hoài Ngọc nói :



- Khanh đã có công tra ra tin tức ấy, vậy quả nhân cho khanh được ghi công thứ hai, sau này sẽ luận công ban thưởng.



Kim Chỉ Thần Ma cả mừng, dâng lời tạ ân. Dù sao thì được ghi công thứ hai vẫn hơn là không có. Lão đến muộn nên đành chịu vậy.



Giang Hoài Ngọc lại nói :



- Thôi được rồi. Khanh hãy cho điều động nhân thủ đến đó ngay đi. Giờ khanh có thể lui được rồi.



Kim Chỉ Thần Ma vâng dạ, cáo lui. Sau khi lão đã đi khỏi, Giang Hoài Ngọc lại bảo Bách Lý Hạc :



- Bách Lý tiên sinh. Tiên sinh hãy truyền chỉ cho các lộ lập tức điều động nhân thủ đến vị trí ẩn náu của Bạch Phát Đồng Tử, theo kế hoạch mà hành sự.



Bách Lý Hạc vâng dạ, đi truyền chỉ. Đoàn xa giá lại tiếp tục lên đường.



Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.