Kiếm Lai

Chương 199: Đầu mối và dấu vết



Trần Bình An nói:

- Ngươi lên đi.

Thôi Đông Sơn lắc đầu nói:

- Ta không lên.

Trần Bình An ôn hoà nhã nhặn nói:

- Chúng ta nói chuyện đàng hoàng, trước tiên nói đạo lý, sẽ không vừa gặp đã đánh đánh giết giết. Hơn nữa ta chỉ có một chút sức lực như vậy, nếu thật sự đánh nhau thì có thể thắng được Thôi Đông Sơn ngươi sao?

Thôi Đông Sơn lắc đầu:

- Ta sẽ không lên.

Trần Bình An nhíu mày hỏi:

- Tại sao?

Thôi Đông Sơn lớn tiếng nói:

- Ta sợ nóng, dưới đáy giếng mát mẻ hơn một chút.

Trần Bình An hít sâu một hơi, đứng dậy chậm rãi đi vòng quanh giếng cổ.

Bên dưới nhanh chóng vang lên giọng nói:

- Trần Bình An, ngươi đừng giả vờ nữa. Ngươi không nhận ta làm học trò, nhưng ta đã nhận ngươi làm thầy giáo của mình, cho nên ta không thể đánh ngươi, cũng không dám giết ngươi. Một khi ngươi khăng khăng muốn ra tay, ta chắc chắn sẽ ngậm bồ hòn làm ngọt. Còn nữa, sát khí trên người ngươi đã sắp chứa đầy cái giếng cổ này rồi, bây giờ nếu ta đi lên sẽ bị đánh, ta ngốc sao?

Thôi Đông Sơn cười ha hả nói chuyện, chân đạp trên mặt nước hơi xao động, đưa tay sờ vào tường giếng cổ, chạm vào rêu xanh mềm nhẵn lạnh buốt.

Mặc dù lời nói ung dung tùy ý, nhưng tâm tình của hắn lúc này không hề thoải mái, quả thật còn hao phí tâm thần hơn giả làm đại gia ở phủ đệ Đại Thủy, vốn liếng còn lại cũng không nhiều. Bởi vì sau khi từ đáy sông men theo nước ngầm đi tới đáy giếng, hắn lần đầu tiên ý thức được, thằng nhóc họ Trần bên trên thật sự có thể uy hiếp đến tính mạng của mình. Mặc dù không rõ Trần Bình An ẩn giấu thủ đoạn kinh hãi thế tục gì, nhưng trực giác của hắn luôn rất chính xác.

Trần Bình An đang đi lòng vòng, nhưng lại không muốn vòng vo với đối phương, dứt khoát hỏi:

- Những bản đồ địa thế đến từ huyện nha kia, có phải ngươi đã bảo huyện lệnh Ngô Diên lén động tay chân không?

Thôi Đông Sơn hô lên:

- Này này này, Trần Bình An, ngươi nói gì, ta nghe không rõ lắm.

Trần Bình An gật đầu nói:

- Vậy được rồi.

Thôi Đông Sơn lập tức nổi giận:

- Cái gì? Còn có đạo lý như vậy?

Trần Bình An nói:

- Ta chỉ hỏi ngươi một vấn đề, ngươi có tổn thương bọn Lý Bảo Bình hay không?

Thôi Đông Sơn không trực tiếp trả lời vấn đề này, hỏi ngược lại:

- Ta nói ra đáp án, ngươi sẽ tin tưởng sao?

Trần Bình An không hề do dự đáp:

- Sẽ không.

Thôi Đông Sơn giận đến giậm chân:

- Vậy ngươi hỏi cái rắm gì!

Thiếu niên phía trên không nói gì thêm. Thôi Đông Sơn vểnh tai lắng nghe, không có động tĩnh, lập tức có phần hoảng hốt, một bụng uất ức, vẻ mặt bi tráng nghĩ thầm: “Con mẹ nó, đúng là hổ xuống đồng bằng bị chó khinh. Nếu đổi thành phủ đệ Đại Thủy tối nay, tùy tiện xách một con kiến ra ném trước mặt Trần Bình An ngươi, ngươi dám lớn lối như vậy sao?”

Chỉ tiếc người ở dưới mái hiên, không thể không cúi đầu. Thôi Đông Sơn vội vàng rướn cổ kêu lên:

- Trần Bình An, Trần công tử, Trần huynh đệ, Trần đại gia, Trần lão tổ tông! Ngài nhất quyết không chịu làm thầy giáo của ta, không làm thì không làm, nhưng chúng ta không duyên không cớ lại không thù không oán, có thể đừng bất chấp đạo lý như vậy được không? Nếu như không nói tình cảm, hai ta nói một chút đạo nghĩa giang hồ cũng được!

Phía trên cuối cùng có tiếng trả lời:

- Ta đã đáp ứng với Tề tiên sinh, phải đưa bọn họ an toàn đến thư viện Đại Tùy.

Thôi Đông Sơn hoàn toàn yên lặng. Sau câu này bên cạnh giếng nước cũng im hơi lặng tiếng.

Trần Bình An vẫn luôn không tin tưởng Thôi Đông Sơn, rất dè chừng đối phương.

Ngay từ đầu lòng dạ của họ Thôi đã khó lường, điểm này không cần nghi ngờ, người mù cũng nhìn ra được.

Chẳng hạn như lần này, họ Thôi trước tiên dùng miếu Thành Hoàng làm nhạc dạo, thuận nước đẩy thuyền đến nhà trọ Thu Lô. Nhìn giống như có ý tốt, thực ra đã dùng chuyện tu hành của Lâm Thủ Nhất làm mồi nhử, khiến Trần Bình An chủ động yêu cầu tìm kiếm địa điểm cũ của miếu Thành Hoàng.

Sau khi rời khỏi Dã Phu quan Đại Ly, trên đường đi thật sự quá suôn sẻ so với trắc trở trước đó. Lâm Thủ Nhất an tâm tu hành. Lý Hòe là kẻ vô tâm. Lý Bảo Bình mặc dù không nói gì, nhưng chuyện của đôi cha con Chu Hà, Chu Lộc đã khiến cô bé thương tâm. Trên đường đi cô bé là người vác hòm sách du học đúng như ý nghĩa nhất, bình thường sẽ suy nghĩ một số vấn đề kỳ lạ. Hơn nữa so với Lâm Thủ Nhất đã là luyện khí sĩ và Lý Hòe thiên phú phi phàm, Lý Bảo Bình mới là người chịu khổ nhất trên đường đi học.

Còn như Tạ Tạ và Vu Lộc, vốn do Thôi Đông Sơn mang vào đội ngũ, đó lại là chuyện khác.

Từ sáng đến tối Trần Bình An bận rộn hơn bất cứ ai, ngoại trừ chiếu cố ăn ở đi lại của ba người, lúc lên đường còn không ngừng đi thế luyện quyền, khi rãnh rỗi thì dùng đứng thế thủ ấn để bồi dưỡng thân thể, tu bổ chỗ thiếu sót. Nhưng bất kể chém giết ở núi Kỳ Đôn, hay là đối diện với ám sát âm hiểm của Chu Lộc ở trạm Chẩm Đầu trấn Hồng Chúc, hoặc là gặp phải nữ quỷ áo cưới Sở phu nhân rơi vào hiểm cảnh, cùng với trèo đèo lội suối sau khi vào nước Hoàng Đình, Trần Bình An vẫn không quên một chuyện, đó là hộ tống ba người Lý Bảo Bình đến Đại Tùy nhập học.

Tối nay ở đình nghỉ mát, trước khi rời đi Lâm Thủ Nhất đã nhắc nhở một câu, thứ mà Thôi Đông Sơn muốn lấy từ trên người Trần Bình An chưa chắc không phải là vật thật, có thể là một số thứ rất lớn hoặc vô nghĩa, liên quan đến đại đạo của người tu hành.

Lý Bảo Bình trong lúc vô tình cũng từng nói họ Thôi đánh cờ rất lợi hại. Cô và Lâm Thủ Nhất nhiều lắm chỉ tính được mấy nước tiếp theo, còn họ Thôi có thể tính được rất xa. Xa đến mức khiến cho cô, Lâm Thủ Nhất, Tạ Tạ và Vu Lộc không thể tưởng tượng, rất có thể từ lúc bắt đầu đã nghĩ đến giữa ván cờ, thậm chí là kết thúc.

Sau khi Lâm Thủ Nhất rời khỏi đình nghỉ mát, Trần Bình An nhìn cái giếng cổ kia, càng lúc càng cảm thấy vướng mắc trong lòng khó tháo gỡ.

Hắn nghĩ tới nghĩ lui, chẳng những không mạch lạc rõ ràng, ngược lại trong đầu càng rối tung. Cuối cùng hắn thật sự không có biện pháp, tạm thời gác lại tất cả chuyện rắc rối phức tạp, đưa tất cả về điểm khởi đầu.

Chẳng hạn như ở trấn nhỏ quê nhà, hay như lần đầu tiên gặp mặt.

Sau đó Trần Bình An nhớ tới một người ngoài cuộc, huyện lệnh Ngô Diên.

Có huyện lệnh thì sẽ có dinh quan, mà những tấm bản đồ địa thế lớn lớn nhỏ nhỏ trên người hắn, nguồn gốc thật sự là đến từ dinh quan kia, chứ không phải Nguyễn Tú cô nương.

Sau khi Trần Bình An trở lại phòng, bắt đầu mở những địa đồ kia ra, quan sát cả một canh giờ.

Vẫn không tìm được chân tướng chuẩn xác, nhưng hắn đã thấp thoáng nhìn thấy một mối dây.

Mối dây này nối lại với nhau trên các tấm địa đồ, có lẽ dài không đến một trượng.

Nhưng một chút độ dài này lại khiến bọn Trần Bình An gian nan khốn khổ đi lâu như vậy.

Thôi Đông Sơn giơ hai tay lên:

- Sợ ngươi rồi. Ta thề với trời có được không? Thôi Đông Sơn ta đảm bảo sẽ không tổn thương ba đứa nhóc Lý Bảo Bình, Lý Hòe, Lâm Thủ Nhất!

- Thôi Đông Sơn.

Trần Bình An hơi do dự:

- Ngươi nghiêm túc chứ?

Thôi Đông Sơn vỗ ngực khiến cho trên miệng giếng cũng có thể nghe được âm thanh:

- Tin tưởng ta một lần!

Ngay lúc này một giọng nói trong trẻo vui sướng vang lên:

- Tiểu sư thúc! Anh quả nhiên ở đây!

Lý Bảo Bình vọt tới, chạy như bay đến đình nghỉ mát, lấy đà nhảy lên, hai cánh tay mảnh khảnh gắng sức lắc lư giữa không trung, hai chân gần như đồng thời đáp xuống đất, đứng thẳng bên ngoài đình nghỉ mát. Thân thể cô lảo đảo lắc lư, cuối cùng đứng vững, thấy còn cách giếng nước cổ một đoạn, lại tiếp tục chạy nahnh tới.

Trần Bình An há hốc mồm, dở khóc dở cười, bước nhanh đến chỗ cô bé, hỏi:

- Thế nào, không ngủ được à?

Lý Bảo Bình ra vẻ cụ non thở dài:

- Tạ Tạ kia ngáy khi ngủ, rất ồn ào.

Trần Bình An cười không nói gì.

Lý Bảo Bình lập tức thành thật nói: 

- Được rồi, em thừa nhận cô ta ngủ không ngáy, là do em gặp ác mộng tỉnh dậy.

Trần Bình An quay đầu liếc nhìn miệng giếng, sau đó dời mắt đi, cười hỏi:

- Gặp ác mộng gì?

Lý Bảo Bình lắc đầu nói:

- Từ nhỏ gần như mỗi ngày em đều nằm mơ, nhưng sau khi tỉnh dậy lại không nhớ được nằm mơ thấy gì, chỉ nhớ đại khái là mộng đẹp hay ác mộng.

Trần Bình An kéo cô bé trở về đình nghỉ mát ngồi xuống.

Lý Bảo Bình nói thao thao bất tuyệt:

- Tiểu sư thúc, chúng ta rời khỏi trấn nhỏ, đi được sắp nửa năm rồi. Theo như địa đồ biểu thị, lộ trình đã đi được hơn một nửa. Thời gian trôi qua thật nhanh, còn nhanh hơn em chạy nữa, đúng không? Ài, nếu Đại Tùy nằm ở cuối phía nam Đông Bảo Bình châu chúng ta thì tốt, em có thể cùng tiểu sư thúc nhìn quang cảnh biển rộng. Tiểu sư thúc, anh nói xem sông Thiết Phù, sông Tú Hoa đã lớn như thế, vậy biển còn lớn đến thế nào! Nghe anh trai em nói ở đó có một tòa thành Lão Long, đứng trên đầu tường nhìn về phía nam sẽ thấy sóng lớn cao đến mười mấy tầng lầu. Anh nói xem có ghê gớm không?

Trần Bình An cười nói:

- Nếu đi đến địa phương xa như vậy, phải mài rách rất nhiều rất nhiều đôi giày cỏ. Nhưng lần này chúng ta đi thư viện Sơn Nhai, nghe nói tới lãnh thổ Đại Tùy thì đường núi sẽ rất ít, đến lúc đó bọn em cũng không cần mang giày cỏ nữa, mua giày thoải mái mà mang.

Lý Bảo Bình cúi đầu nhìn giày cỏ chắc nịch dưới chân mình, ngẩng đầu nhếch miệng cười nói:

- Đến lúc đó em và tiểu sư thúc sẽ mang giày giống nhau, chỉ là kích cỡ khác nhau mà thôi. Chúng ta thỏa thuận xong rồi nhé.

Trần Bình An trêu chọc:

- Thế nào, ngại tiểu sư thúc tiếp tục mang giày cỏ sẽ khiến bọn em mất mặt sao?

Lý Bảo Bình ngạc nhiên, trợn to hai mắt:

- Oa, hôm nay tiểu sư thúc anh cũng biết nói đùa với người khác rồi!

Trần Bình An ngẩn người.

Lý Bảo Bình ngồi trên ghế dài, lắc lư ngón chân mang giày cỏ nhỏ, ngẩng đầu lên, vô tình phát hiện dưới mái hiên treo một chuỗi chuông gió nhỏ, bỗng nhiên nói: 

- Tiểu sư thúc, em luôn cảm thấy tiên sinh đang nhớ chúng ta.

Trần Bình An gật đầu.

Lý Bảo Bình tựa đầu vào cột đình sơn đỏ, nhắm mắt lại, nghiêng tai lắng nghe.

Giống như một luồng gió xuân cuối cùng trên thế gian lay động chuông dưới mái hiên, leng keng leng keng leng keng...

Lý Bảo Bình chờ rất lâu, kết quả không thể chờ được tiếng chuông gió thứ hai, đột nhiên nhảy xuống ghế chạy nhanh rời đi, vừa chạy vừa quay đầu vẫy tay:

- Tiểu sư thúc, em đi ngủ trước!

Trần Bình An cười vẫy tay, sau đó trở về giếng nước cổ.

Thôi Đông Sơn vẫn đợi ở chỗ cũ, không từ đáy giếng rời đi, cũng không xuất hiện ở miệng giếng.

- --------

Phía tây huyện Long Tuyền là dãy núi kéo dài, trong đó có một ngọn núi gọi là Lạc Phách. Một vị văn bí thư lang tên là Phó Ngọc, là tâm phúc số một của huyện lệnh Ngô Diên, lúc trước đã xảy ra tranh chấp với người khác ở huyện thành. Ngô Diên không muốn gây thêm rắc rối vào thời điểm mấu chốt này, càng không muốn có người dùng chuyện này để rêu rao, cho nên bảo Phó Ngọc phụ trách quan sát việc xây dựng miếu sơn thần ở núi Lạc Phách, trên thực tế xem như để tránh đầu sóng ngọn gió. 

Vào một đêm khuya trăng sáng sao thưa, người trẻ tuổi xuất thân từ thế gia vọng tộc Đại Ly nhưng lại rơi xuống làm tư lại thấp hèn này, một mình tìm đến một kẻ kỳ quái đang xây dựng lầu trúc ở núi Lạc Phách.

Sau khi người kia nhìn thấy Phó Ngọc liền cười hỏi:

- Không phải vị Ngô huyện tôn học trò của Thôi quốc sư tự mình đến tìm ta sao?

Sắc mặt Phó Ngọc hờ hững, nói thẳng vào vấn đề:

- Ngô Diên là quân cờ do nương nương an bài bên cạnh tiên sinh của hắn, còn ta là quân cờ do quốc sư đại nhân an bài bên cạnh Ngô Diên.

Vẻ ngoài anh tuấn kiệt xuất, phong độ con cháu thế gia, ánh mắt hờ hững, cộng thêm lời nói lạnh lùng, hoàn toàn khác biệt với Phó Ngọc ở dinh quan gây cho người ta ấn tượng lịch sự tao nhã.

Sau khi Phó Ngọc tiết lộ thiên cơ lại vươn một tay ra, bàn tay mở rộng trước mặt đối phương.

Ngụy Bách cầm lấy một quân cờ màu đen trong tay Phó Ngọc, đưa tay ra hiệu cho Phó Ngọc ngồi xuống một chiếc ghế trúc, vẻ mặt tươi cười nói:

- Hiểu rồi. Như vậy chúng ta một người chào giá, một người trả tiền, làm chuyện ruồi bu dưới trăng thanh gió mát này?

Phó Ngọc nhìn vị thần Bắc Nhạc chính thức của nước Thần Thủy năm xưa, gật đầu một cái, nghe lời châm chọc của đối phương cũng không thẹn quá hóa giận. Hắn thản nhiên ngồi trên ghế trúc nhỏ, quay đầu nhìn lầu trúc phía xa trong bóng đêm chưa được xây xong. Lầu trúc không lớn, hao phí thời gian đã lâu nhưng vẫn chưa xây được một nửa. Bởi vì Ngụy Bách không bỏ tiền thuê đàn ông trai tráng trấn nhỏ, cũng không muốn lên tiếng với huyện nha Long Tuyền mượn một đám hình đồ họ Lư, vẫn luôn tự mình xây.

Hôm nay chỉ có mấy ngọn núi bao gồm núi Lạc Phách là không bị cấm, tiều phu thôn dân vẫn có thể vào đốn củi. Còn những ngọn núi khác đều có thần tiên các nơi sai người xây dựng phủ đệ, khí thế ngất trời, mỗi ngày trên đỉnh núi đều bụi đất tung bay.

Theo lời đồn núi Lạc Phách có hang đá dưới vách núi sâu không thấy đáy, xung quanh có thể nhìn thấy một dấu vết nghiền ép to lớn. Tư lại dinh quan và dân chúng xây dựng miếu thờ sơn thần ở núi Lạc Phách, rất nhiều người đều nói đã nhìn thấy một con rắn đen thân thể to như miệng giếng, thường đi đến khe suối uống nước. Khi nhìn thấy bọn họ, con vật khổng lồ kia không sợ hãi lùi bước, cũng không chủ động tấn công người, thản nhiên uống nước xong rồi rời đi.

Ngụy Bách làm cho mình một chiếc quạt giấy nan trúc tinh xảo trang nhã, ngồi trên ghế trúc bắt chéo hai chân, nhẹ nhàng quạt từng cơn gió mát.

Cả mùa hè năm nay gần như không có mấy ngày nóng bức, hôm nay đã sắp vào thu khiến người ta trở tay không kịp. Giống như phép chia ruộng đất mà Lý Bảo Bình dùng than vẽ ra trên mặt đất, trong thoáng chốc đã từ mùa xuân nhảy đến mùa thu.

Phó Ngọc do dự một thoáng, trước tiên nói một câu mở đầu ngoài chủ đề:

- Mặc dù trận doanh khác nhau, nhưng Ngô đại nhân là người tốt, sau này càng sẽ là một vị quan tốt.

Ngụy Bách biểu thị không đồng ý, cười nói: 

- Vậy cũng phải sống mới được.

Sắc mặt Phó Ngọc hơi khó coi.

Ngụy Bách cố ý làm như không thấy, chậm rãi phe phẩy quạt giấy nan trúc. Gió núi từ từ thổi đến, tóc mai của hắn lay động theo chiều gió, còn giống thần tiên hơn cả thần tiên. Hắn uể oải nói:

- Trong tay ta chỉ có một ít thứ có thể lấy ra làm giao dịch, không bằng trước tiên ngươi hãy nói xem ta có thể nhận được gì.

Phó Ngọc hít sâu một hơi:

- Trở thành thần Bắc Nhạc chính thức của Đại Ly!

Vẻ mặt Ngụy Bách ung dung, mỉm cười nói:

- Nếu như ta không nhớ lầm, sau trận đại chiến kia thần Bắc Nhạc chính thức của các ngươi vẫn bình yên vô sự. Hoàng đế Đại Ly cũng không thể tùy tiện tước đi một thần vị quan trọng như vậy, đúng không?

Phó Ngọc thấp giọng nói: 

- Lúc trước bệ hạ đề nghị chọn núi Phi Vân ở đây làm Bắc Nhạc mới của Đại Ly, sau đó bị gác lại. Nhưng gần đây đã có tiến triển mới, bệ hạ quyết định mạnh tay thúc đẩy chuyện này.

Ngụy Bách hỏi:

- Thật vậy?

Phó Ngọc gật đầu:

- Thật.

Ngụy Bách nghiền ngẫm cười nói:

- Có phải hơi vội vàng không? Đừng nói là Đại Tùy họ Cao, ngay cả nước Hoàng Đình mà Đại Ly các ngươi còn chưa đánh hạ, đã bắt đầu đặt Bắc Nhạc ở cuối phía nam lãnh thổ một nước sao?

Phó Ngọc trầm mặc. Miệng hắn rất kín, sẽ không tùy tiện đánh giá về quyết định của hoàng đế bệ hạ.

Ngụy Bách gấp quạt xếp lại, suy nghĩ rất lâu, cảm khái nói: 

- Đại Ly vẽ cho ta một cái bánh thật lớn.

Hắn đứng lên, dùng quạt xếp gõ vào lòng bàn tay, quay đầu liếc nhìn lầu trúc.

- Ha ha, ánh mắt của hoàng đế Đại Ly các ngươi không tệ. Ngụy Bách ta bị A Lương đâm một đao vẫn có thể vui vẻ nhảy nhót, thừa sức làm thần Bắc Nhạc chính thức này.

Cuối cùng hắn nhìn chăm chú vào Phó Ngọc, híp mắt nói:

- Được rồi, ngươi có thể nói thử xem, rốt cuộc muốn ta làm gì?

Tại khoảnh khắc này, Ngụy Bách không còn là thổ địa tóc trắng lần đầu lộ diện trên đất bằng núi Kỳ Đôn, cũng không phải là thanh niên tuấn tú tay nâng hộp gỗ màu vàng nhạt, càng không phải là kẻ đáng thương đi sát qua vai thiếu nữ trên đường núi.

Phó Ngọc hơi khẩn trương, bởi vì người trước mắt này rất có thể sẽ trở thành thần Bắc Nhạc chính thức tương lai, có ảnh hưởng nhất cả Đông Bảo Bình châu chứ không phải một trong.

- --------

Thượng du sông Tú Hoa phía tây trấn Hồng Chúc hơn hai trăm dặm, giữa sông có một ngọn núi nhỏ lẻ loi, thường được gọi là núi Bánh Bao. Miếu thổ địa trên núi hương khói chỉ có thể xem như tạm được.

Một nam tử tướng ngũ đoản “đi ra” khỏi tượng thần cũ kỹ, sau đó đáp xuống đất, đưa tay nhấc một đồng tử áo đỏ cao bằng bàn tay ra khỏi lư hương. Đây là đồng tử hương khói còn lại trong miếu thổ địa này. Nam tử đặt hắn lên vai mình, bắt đầu đi ra ngoài. Nước sông cuồn cuộn, nam tử trực tiếp đạp trên sông mà đi.

Đồng tử áo đỏ cặp mắt lim dim ngái ngủ nằm trên vai, mắng như tát nước:

- Ông nội ngươi, sao lại quấy rầy đại gia ngủ? Lúc trước trận vây quét kia không có hiệu quả, ngươi đã tỏ ra kỳ lạ. Có phải đã gặp cô ả xinh đẹp nào trên thuyền trấn Hồng Chúc, nhưng lại không có tiền ngủ với người ta, cho nên mới bực bội?

Nam tử hiếm thấy không trừng trị gã tí hon nói chuyện cay nghiệt này, nói với giọng nặng nề: 

- Chúng ta đi trấn Hồng Chúc tìm con cá chép tinh kia, đưa cho hắn một viên đá mật rắn đến từ động tiên Ly Châu, hắn sẽ nhanh chóng trở thành thủy thần sông Xung Đạm. Nếu ngươi bằng lòng thì sau này đi theo hắn là được rồi. Hương khói trong miếu thờ thủy thần, dù sao cũng thịnh vượng hơn miếu thổ địa lớn bằng cái rắm này của ta...

Đồng tử áo đỏ đầu tiên là ngạc nhiên, sau đó tức giận, nhảy lên đánh mạnh vào mặt nam tử. Có điều đối phương dù sao cũng là một vị thổ địa thật sự, đánh như vậy chẳng khác nào gãi ngứa cho hắn. Gã tí hon vừa nhảy nhót vừa mắng như tát nước:

- Ông nội ngươi, không được sỉ nhục đại gia ta!

Cuối cùng đồng tử áo đỏ chán nản ngồi trên vai nam tử, thương tâm nghẹn ngào.

Nam tử nhếch miệng cười nói:

- Không muốn đi hưởng phúc thì thôi, thích ở nhà chịu tội thì cứ tiếp tục ở đây ăn rồi chờ chết là được, ta cũng lười quản ngươi.

Đồng tử áo đỏ nghe vậy lập tức lau nước mắt, nín khóc mỉm cười:

- Ổ vàng ổ bạc không bằng ổ cỏ nhà mình. Đúng rồi, ngươi đừng có hiểu lầm, ta chẳng hề lưu luyến gì ngươi và ngôi miếu nát kia, đại gia chỉ luyến tiếc lư hương mà thôi!

Nam tử không bình luận.

Đồng tử áo đỏ trầm mặc một lúc, nhẹ giọng hỏi:

- Ngươi là thổ địa nhậm chức lâu nhất ở châu chúng ta. Rất nhiều đồng liêu năm xưa vai vế tương đồng với ngươi, hôm nay kém nhất cũng là Thành Hoàng rồi. Ngươi rõ ràng có quan hệ không tệ với bọn họ, nhiều người muốn tới thăm viếng, vì sao ngươi nhất quyết không muốn gặp bọn họ?

Nam tử hiển nhiên không muốn nhắc đến chuyện này, im lặng không trả lời.

Đồng tử áo đỏ nương tựa với hắn lại không muốn bỏ qua cho chủ nhân của mình, lảm nhảm nói:

- Hàng xóm của chúng ta, cô ả ở sông Tú Hoa kia, mỗi lần lén nhìn ngươi thì cặp mắt đều lóng lánh nước xuân. Ngay cả đại gia ta cũng sắp không khống chế nổi nữa, vì sao lòng dạ ngươi lại sắt đá như vậy? Nếu những binh tôm tướng cá dưới tay cô ta biết được ngươi có một chút quan hệ như vậy, nào dám suốt ngày khi dễ chúng ta. Chỉ cần là thủy tộc có linh tính, có chuyện hay không cũng nhổ nước miếng về phía chúng ta, tức chết ông đây! Hại ta mỗi lần đến thành trấn dạo chơi, đồng tộc đều không muốn dẫn ta đi chơi, chê ta xuất thân kém cỏi, là kẻ nghèo hèn chân đất. Đều tại ngươi cả!

Tâm tình nam tử không tệ, cười nói:

- Con không chê mẹ xấu, chỉ có ngươi nói nhảm nhiều.

Đồng tử áo đỏ trợn trắng mắt, tức giận nói:

- Những năm này ta cũng nghe rất nhiều lời đồn. Có người nói năm xưa ngươi đã chọc giận đại nhân vật của Lễ bộ kinh thành Đại Ly, lúc người ta kéo người nhà tới thắp hương tế tự, ngươi không cung phụng cho tốt thì thôi, còn rất không khách sáo với bọn họ. Còn có người nói ngươi gây họa cho hoàng hoa khuê nữ của một phủ đệ tiên gia, khiến cho ải tình khó qua, làm chậm trễ đại đạo. Chưởng môn bèn gây áp lực cho triều đình Đại Ly, muốn ngươi làm thổ địa trông chừng ngôi miếu nát này cả đời. Lại có...

Nam tử cười nói:

- Được rồi, được rồi, mấy lời đồn linh tinh lỗi thời, ta cũng đã quên rồi. Ngươi đoán mò cái gì, hoàng đế không gấp mà thái giám lại gấp.

Đồng tử áo đỏ lại nhảy lên đánh vào mặt nam tử:

- Ngươi nói ai là thái giám?

Nam tử không để bụng thằng nhóc xúc phạm người trên này, đột nhiên từ trong người lấy ra một viên đá xanh nhạt lấp lánh đặt trên vai:

- Đây là đá mật rắn trong truyền thuyết, để cho ngươi mở mang kiến thức một chút. Thủy tộc, nhất là loài thuộc giao long, một khi nuốt vào bụng, chỉ cần có thể chịu đựng không chết, tu vi cảnh giới sẽ gia tăng vượt bậc. Hơn nữa không có hậu hoạn, giống như linh đan diệu dược hàng đầu của tiên gia.

Đồng tử áo đỏ vội vàng dùng hai tay đỡ “tảng đá lớn cao cỡ nửa người” kia, tò mò hỏi:

- Ai cho ngươi vậy? Vì sao hắn không trực tiếp đưa cho con cá chép có tên giả Lý Cẩm kia?

Nam tử lắc đầu nói:

- Khi đó lười hỏi, bây giờ lười đoán.

Đồng tử áo đỏ hai tay ôm mặt, khóc không ra nước mắt: 

- Ông trời ơi, sao ta lại gặp phải một chủ nhân không biết vươn lên như vậy! Ông trời phù hộ, hãy bồi thường cho ta một tiểu cô nương hoạt bát đáng yêu, sắc nước hương trời, tri thức lễ nghĩa, xuất thân vọng tộc làm vợ đi!

Nam tử lấy đá mật rắn đi, trêu chọc:

- Chỉ bằng ngươi? Kiếp sau đi.

Đồng tử áo đỏ nổi giận đùng đùng, leo lên đầu nam tử, ngồi trong mớ tóc lộn xộn, an tĩnh một lúc, sau đó bắt đầu lắc lư trái phải.

Nam tử hỏi:

- Ngươi làm gì thế?

Đồng tử áo đỏ thở phì phì nói: 

- Những lời vừa rồi của ngươi quá tổn thương người khác, ta muốn đại tiện trên đầu ngươi.

- Ba ngày không đánh, bóc ngói trên nhà! (1)

Dưới cơn nóng giận, nam tử xách thằng nhóc kia lên, đột nhiên ném sang bờ bên kia.

Đồng tử áo đỏ quay cuồng giữa không trung, vui sướng cười lớn:

- Ai da, cảm giác giống như tiên nhân đang ngự kiếm bay lượn vậy!

Nam tử đạp sông đi về phía trước, vừa bực vừa buồn cười nói:

- Đồ nhóc con chết tiệt.

- --------

Một luồng khói đen cuồn cuộn từ lòng đất tràn ra, xuất hiện trước phủ đệ to lớn có treo tấm biển “Tú Thủy Cao Phong”, ngưng tụ thành hình người. Tòa nhà lớn vốn không khí trầm lặng, lúc này trăm ngàn ngọn đèn lồng đồng thời sáng lên, ánh sáng đỏ ngút trời.

Một cô gái sắc mặt trắng như tuyết từ trong phủ bay lướt ra, dừng lại trước tấm biển, vẻ mặt nghiêm nghị hầm hầm nói:

- Ngươi còn tới làm gì? Thế nào, lúc trước ngươi phát điên thiếu chút nữa đã phá hư chân núi nguồn nước của ta, chưa đánh đã ghiền hay thế nào?

Chẳng biết vì sao Sở phu nhân lại không mặc bộ áo cưới đỏ tươi kia nữa.

Âm thần nói:

- Cô có muốn rời khỏi nơi này không? Nếu muốn thì cần phải trả cái giá không nhỏ, chẳng hạn như để ta làm chủ nhân mới của phủ đệ này.

Sở phu nhân một tay ôm bụng cười lớn:

- Đồ điên, lần này ngươi đúng là bị thần kinh thật rồi.

Âm thần mặt không cảm xúc nói:

- Cô biết ta không phải đang nói đùa. Cô không muốn đi thư viện Quan Hồ, vớt bộ hài cốt kia dưới đáy hồ lên sao? Không muốn tìm kiếm manh mối báo thù cho hắn? Đã kéo dài nhiều năm như vậy, nếu còn chần chừ nữa, có lẽ kẻ thù năm xưa đều đã thoải mái an hưởng tuổi già, sau đó lần lượt chết già rồi.

Sở phu nhân đột nhiên trầm mặc, sau đó hỏi một vấn đề mấu chốt:

- Cho dù ta bằng lòng giao nơi này ra, ngươi dựa vào đâu mà khiến triều đình Đại Ly chấp nhận thân phận của mình?

Âm thần trả lời qua loa:

- Ta tự có cách, không cần phu nhân quan tâm.

Sở phu nhân lơ lửng trên không, xoay người nhìn về tấm biển kia, lại quay đầu nhìn về đường núi phía xa.

Năm xưa ở nơi đó, có một người đọc sách vóc dáng gầy nhom, lưng đeo một hòm sách cũ, loạng choạng bước đi trong đêm mưa. Có lẽ vì muốn tăng thêm can đảm, hắn vừa đi vừa lớn tiếng ngâm nga điển tịch của Nho gia.

Thư sinh nghèo vào kinh đi thi, ánh mắt của hắn rất sáng ngời.

Sở phu nhân bồng bềnh đáp xuống đất, hỏi:

- Tấm biển này có thể giữ nguyên không?

Âm thần gật đầu nói:

- Có gì không thể? Nhiều nhất trăm năm, ta sẽ trả lại phủ đệ này nguyên vẹn cho phu nhân.

Sở phu nhân chậm rãi bước tới trước, đi sát qua vai âm thần, cứ như vậy đi về phía xa.

Cô lẩm bẩm nói:

- Sông núi tương phùng, lại không trùng phùng.

Sau đó quay đầu cười nói:

- Mấu chốt của phủ đệ nằm ở tấm biển. Ta đã từ bỏ quyền khống chế với nó, sau này có thể lấy được mấy phần khí vận núi sông, phải xem bản lĩnh của ngươi rồi.

Âm thần nghi hoặc hỏi:

- Cô không hận vương triều Đại Ly sao? Vì muốn cô tiếp tục trấn giữ khí vận nơi này, bọn họ đã cố ý che giấu chân tướng.

Sở phu nhân không nói lời nào, bồng bềnh đi xa.

- --------

Trong rừng núi phía bắc nước Hoàng Đình có một ngôi biệt thự. Mặc dù sông núi hiểm trở, nhưng vì trên vách núi ở bờ sông gần đó có khắc chữ khó hiểu, mỗi chữ đều lớn như nón rộng vành, khiến cho du khách không ngừng kéo đến. Cộng thêm tòa nhà này đã xây một con đường núi rộng rãi có thể cho xe ngựa qua lại, cho nên không tính là ít dấu chân người, thỉnh thoảng sẽ có người đi qua tá túc hoặc nghỉ ngơi.

Chủ nhân biệt thự là một ông lão bảy mươi tinh thần quắc thước, thân phận không tầm thường, là thị lang Hộ bộ tiền nhiệm của nước Hoàng Đình. Ông ta luôn rất hiếu khách, dù người đến nhà là quan to quyền quý hay tiều phu nông thôn đều sẽ khoản đãi nhiệt tình.

Tối nay trăng tròn, trên rừng núi và nước sông phủ kín ánh trăng. Một ông lão xách theo ngọn đèn lồng lờ mờ, dưới nách kẹp một quyển sách cổ ố vàng, một mình rời khỏi nhà, xuống núi đi đến bến thuyền không có một chiếc thuyền nào. Ông ta từ trong tay áo lấy ra một mô hình thuyền gỗ lớn chừng ngón cái, nhẹ nhàng ném vào trong nước. Khi còn cách mặt nước một trượng, thuyền gỗ nhỏ đột nhiên biến lớn, cuối cùng biến thành như thuyền bình thường rơi xuống, làm bắn lên vô số bọt nước, trong đêm khuya yên tĩnh thanh thế rất kinh người.

Ông lão bước lên thuyền nhỏ không có mái chèo, giơ đèn lồng trong tay lên, sau đó buông ngón tay, rút quyển sách dưới nách ra. Chiếc đèn lồng kỳ lạ vốn nên rơi xuống lại lơ lửng giữa không trung, phát ra ánh sáng trắng nhu hòa.

Ông lão ngồi xếp bằng, một tay cầm sách một tay lật. Thuyền nhỏ tự động chạy ra khỏi bến thuyền, đi về phía sông lớn nối liền với dòng nước. Tốc độ lật sách của ông ta rất chậm. Tối nay là lần đầu tiên nước sông yên tĩnh, thuyền nhỏ gần như không hề chao đảo.

Khi thuyền đi đến dưới vách đá kia, ông ta mới ngẩng đầu lên, nhìn về những văn tự cổ xưa  không ai có thể giải đáp được.

Thực ra trước đây không lâu đã có người đưa ra đáp án chính xác. Đó là một thiếu niên áo trắng của vương triều Đại Ly, thoạt nhìn chỉ mười lăm mười sáu tuổi, lại có thể một lời vạch trần thiên cơ, nói đó là “từ ngữ mà Thiên Đế răn dạy giao long, do Lôi Bộ Thiên Quân tự tay khắc lên”. Cho dù ông lão đã trải qua vô số lần xuân đi thu đến, tại khoảnh khắc đó nội tâm vẫn sóng to gió lớn, chỉ là ngoài mặt không lộ ra mà thôi.

Ông lão dời mắt đi, tâm tình phức tạp, khẽ thở dài một tiếng.

Cây muốn lặng mà gió chẳng ngừng.

Dưới mặt nước sông lớn bị chiếc thuyền nhỏ đè ép, tất cả thủy tộc như cá tôm rắn cua rùa gần như đều nằm rạp xuống đáy sông, run lẩy bẩy.

Ông lão cất đèn lồng và sách, người và thuyền cùng nhau đắm chìm trong ánh trăng yên tĩnh. Ông ta lại biến ra một bầu rượu, không vội uống rượu mà nhìn quanh, thổn thức nói: 

- Thổi tắt đèn đọc sách, cả người đều là trăng.

- Xưa nay thánh hiền đều im bặt, chỉ có kẻ say để tiếng đời. Uống rượu, uống rượu!

Ông lão cười ha hả, bắt đầu uống rượu, một ngụm tiếp một ngụm. Bầu rượu nho nhỏ thoạt nhìn sức chứa chỉ khoảng một cân rưỡi, nhưng ông ta đã uống không dưới trăm hớp rượu.

Cuối cùng ông lão uống đến say mèm, đầu lắc lư, tiện tay ném bầu rượu kia vào sông lớn, sau đó ngả xuống phía sau, nằm trên thuyền nhỏ ngủ say.

Thuyền nhỏ tiếp tục đi ngược dòng. Đột nhiên đầu thuyền hơi nhếch lên, rời khỏi mặt nước, sau đó cả con thuyền dập dềnh bay lên, càng lúc càng cao.

Thuyền nhỏ xuyên qua tầng tầng biển mây. Sông lớn đã biến thành một sợi tơ, cả nước Hoàng Đình biến thành một hạt đậu nành, Đông Bảo Bình châu thì biến thành chiếc bình một tấc.

Khi ông lão thong thả tỉnh lại, không biết thuyền nhỏ đã rời xa mặt đất bao nhiêu, gần vòm trời đến đâu.

Thuyền nhỏ khẽ lắc lư, lại đi đến một con sông lớn. Nhưng không giống với nhân gian, con sông này dường như không có đầu cuối, quần sao lấp lánh, vô cùng rực rỡ.

Vẻ mặt ông lão bi thương, môi run rẩy, lẩm bẩm nói:

- Rượu đâu?

Ông ta lại nằm xuống nhắm mắt lại, giống như nhớ đến những hồi ức khó chịu nhất, vẻ mặt thống khổ, không ngừng rủ rỉ:

- Rượu của ta đâu, rượu của ta đâu, rượu đâu...

Tỉnh rượu chẳng hay trời lẫn nước, đầy thuyền mộng đẹp lướt ngân hà.

- --------

Một nho sĩ tiêu sái đứng trên vách đá bên bờ sông lớn, chờ đợi chiếc thuyền nhỏ kia trở về.

Người này chính là Thôi Minh Hoàng của thư viện Quan Hồ, một trong hai đại quân tử Nho gia nổi tiếng nhất Đông Bảo Bình châu, từng đích thân tham dự sự kết thúc của động tiên Ly Châu.

Sau khi nhận được hai bức mật thư, hằn liền chạy đến nơi này, muốn thay mặt quốc sư Thôi Sàm và lão Dương ở trấn nhỏ làm giao dịch với con giao long già này.

Bởi vì Đại Ly hôm nay sở hữu nửa con chân long cuối cùng trên thế gian.

Đây là thẻ đánh bạc lớn nhất, thực ra cũng là thẻ đánh bạc duy nhất.

- --------

Địa điểm cũ của miếu Thành Hoàng, nhà trọ Thu Lô.

Miệng giếng và đáy giếng có hai thiếu niên tuổi tác gần nhau, nhưng thân phận lại khác xa nhau.

Trần Bình An nhẹ nhàng bước lên ven rìa miệng giếng, hơi nghiêng tới trước, nhìn về phía dưới giếng nước âm u, gọi một tiếng:

- Thôi Đông Sơn.

Hai tay Thôi Đông Sơn đặt phía sau người, ngẩng đầu lên, cười híp mắt nói:

- Thế nào, cuối cùng đã nghĩ thông rồi à?

Trần Bình An tiếp tục nói:

- Lần đầu chúng ta gặp mặt, ngươi tự xưng là gì ấy nhỉ?

Trong nháy mắt, Thôi Đông Sơn đột nhiên cảnh giác, da đầu ngứa ran, nội tâm sôi trào.

Tiếp đó một cầu vồng sáng trắng như tuyết từ miệng giếng đâm vào đáy giếng.

Kiếm khí trút xuống như thác nước, tràn ngập cả giếng.

- --------

Chú thích:

(1) Ba ngày không đánh, bóc ngói trên nhà.

Bảo thị có hai đứa con trai rất phá phách, khiến bà tức giận mỗi ngày phải đánh chúng một trận. Hai anh em bị đánh mới ngoan ngoãn một chút, nhưng sang ngày hôm sau lại tiếp tục quậy phá. Đến mùa thu hoạch lúa mì, chồng của Bảo thị làm ăn bên ngoài bị té gãy chân, không thể về nhà. Công việc thu hoạch đều dồn hết cho bà, bận đến mức không có thời gian quản lý hai đứa con trai. Sau khi thu hoạch xong, bà mệt mỏi nằm xuống giường ngủ say. Đến nửa đêm có mưa to, bà bị nước mưa trên nóc nhà nhỏ xuống làm tỉnh giấc, bèn thắp đèn xem thử, mới phát hiện ngói trên nóc nhà đã bị bóc đi mấy miếng. Bà biết là do hai đứa con nghịch ngợm gây ra, bèn mắng chúng: “Giỏi lắm, hai thằng nhãi các ngươi, ba ngày không đánh các ngươi, các ngươi đá bóc ngói trên nhà rồi”. Về sau câu này được dùng để chỉ trẻ con nghịch ngợm đáng bị đánh. 

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.