Sau khi Trần Bình An hoàn toàn hôn mê, tại cầu thang giữa tầng một và tầng hai, thằng bé áo xanh cuối cùng buông cánh tay cô bé váy hồng ra. Cô bé chạy như bay lên lầu, mặt đầy nước mắt, khóc lóc giống như một con mèo hoa nhỏ. Cô vừa bắt mạch cho Trần Bình An, kiểm tra tình trạng của thần hồn, vừa quay đầu nức nở nói:
- Tại sao ngươi lại cản ta, ngươi vong ân phụ nghĩa, lòng lang dạ sói... Nếu lão gia chết rồi, ta sẽ liều mạng với ngươi...
Thằng bé áo xanh mặt trầm như nước:
- Bảo ngươi là con ngốc còn không chịu. Nếu hấp tấp quấy rầy khí tức của Trần Bình An vận chuyển, ngươi sẽ bị luồng kiếm khí xem là kẻ địch, chẳng những đánh cho ngươi gần chết, còn sẽ làm lỡ thời cơ chứng đạo của Trần Bình An, không chừng còn hại chết hắn. Vốn là một cơ duyên thật tốt, cứ thế bị ngươi biến thành một tai họa.
Cô bé váy hồng thương tâm nghẹn ngào nói:
- Cả người lão gia đều là máu, lão gia sắp chết rồi. Lần này ngươi hài lòng rồi chứ? Ta không ngốc! Ngươi vốn thèm muốn đá mật rắn của lão gia, lão gia không nên dẫn ngươi về đây. Ngươi không có lương tâm, lão gia đối xử với chúng ta tốt như vậy...
Thằng bé áo xanh khẽ nhảy lên, ngồi xổm trên lan can trúc xanh, tức giận nói:
- Trần Bình An chết hay sống không phải do ngươi nói, với chút đạo hạnh của ngươi thì biết cái rắm gì.
Tiếng khóc của cô bé váy hồng càng lúc càng nhỏ, bởi vì cô phát hiện hai luồng khí tức giai đoạn đầu trong cơ thể Trần Bình An, mặc dù có vẻ hỗn loạn và gấp gáp, nhưng lúc này đã dần dần ổn định lại. Giống như sông núi gặp nhau, lúc đầu dòng nước va vào đá bắn lên ngàn cơn sóng, không ngừng xao động, cảnh tượng nguy hiểm, nhưng theo thời gian trôi qua lại trở nên an tĩnh. Hồn phách thần ý run rẩy kịch liệt vì đau đớn cũng được trấn an, bắt đầu từ kêu gào biến thành nức nở.
Trần Bình An chìm vào giấc ngủ sâu, gương mặt đen nhẻm vặn vẹo dữ tợn từ từ khôi phục bình thường, cuối cùng giống như trẻ con trong tã lót ngủ rất say sưa.
Cô bé váy hồng mừng rỡ, mặt đầy nước mắt, thấp giọng nói với thằng bé áo xanh:
- Lão gia không sao rồi, thật sự là đang ngủ.
Thằng bé áo xanh trợn trắng mắt, đứng lên, xem lan can như hành lang bắt đầu đi dạo.
Trần Bình An vừa ngất xỉu, cô bé váy hồng lại không có chủ kiến, đành phải cầu viện thằng bé áo xanh:
- Kế tiếp phải làm sao?
Thằng bé áo xanh đi tới đi lui trên lan can, trầm ngâm không nói gì. Thật ra hắn chỉ biết được sơ sài, cũng không dám đoán bừa phải xử lý Trần Bình An như thế nào.
Hắn đúng là thèm muốn đá mật rắn của Trần Bình An, nhưng nếu nói hắn thừa dịp người khác gặp nguy để ném đá xuống giếng, vậy thì đã xem thường vị huynh đệ tốt của thủy thần Ngự Giang này rồi. Hắn thà dùng một quyền chính diện đánh chết Trần Bình An, quang minh chính đại cướp lấy đống đá mật rắn như núi nhỏ kia, chứ sẽ không hành động lén lút. Xông pha giang hồ phải nói một chút đạo nghĩa, đây là quy củ mà hắn vẫn luôn tuân thủ.
Có lần thủy thần huynh đệ say mèm, đã nói với hắn một câu rất có học vấn: “Đạo nghĩa giang hồ không thể quá nhiều, nhưng vẫn nên có một chút. Nếu không nói đạo nghĩa, cho dù là một con chân long sớm muộn gì cũng sẽ chết đuối trong giang hồ.”
Tâm thần thằng bé áo xanh rét lạnh, sau đó trước mắt tối sầm lại. Hắn ngẩng đầu lên, phát hiện có một vị thần tiên áo trắng đang đứng bên cạnh mình, vẻ mặt tươi cười nhìn xuống mình.
Ngụy Bách mỉm cười nói với thằng bé áo xanh:
- Rắn nước nhỏ, ngươi không định giết lão gia nhà ngươi, ta thật bất ngờ.
Thằng bé áo xanh ghét nhất gương mặt tươi cười anh tuấn của kẻ này, giống như hai người bẩm sinh đã xung khắc, nhất là khi Ngụy Bách dùng giọng điệu bề trên chế nhạo mình. Hắn không nhịn được chửi như tát nước:
- Ban đầu ông đây không giết cả nhà ngươi, đúng là hối hận!
Tay áo rộng của Ngụy Bách phất phơ, tiêu sái nhảy xuống lan can, nhẹ nhàng vỗ đầu thằng bé áo xanh một cái, cười ha hả nói:
- Nghịch ngợm.
Một cái vỗ nhìn như hời hợt, lại khiến cho hai chân thằng bé áo xanh dạng ra, trượt chân ngồi phịch xuống lan can, đau đến mức khiến hắn ôm đũ.ng quần, nhe răng trợn mắt. Nếu đổi thành nơi khác, dù là một ngọn núi đồng núi sắt cũng có thể bị hắn ngồi sụp, nhưng lầu trúc nhỏ này lại kiên cố vững chắc một cách khác thường.
Ngụy Bách ngồi xuống bên cạnh Trần Bình An, nắm lấy cổ tay của hắn, thấy mạch đập ổn định, đây là một dấu hiệu tốt.
Cô bé váy hồng thấp giọng hỏi:
- Ngụy tiên sư, bên ngoài trời lạnh, có cần dời lão gia vào trong nhà không?
Ngụy Bách cười nói:
- Ngươi là loài thuộc giao long, bẩm sinh có sức đề kháng với hè nóng hay đông lạnh, cho nên cảm giác không rõ ràng. Thực ra lầu trúc này có một điểm tốt, đó là đông ấm hè mát. Cho dù là một người bình thường, trời tuyết lớn đứng trong lầu trúc cởi hết y phục, cũng sẽ không bị tổn thương gân cốt do giá rét. Cho nên cứ để mặc lão gia nhà ngươi nằm ngủ ở đây, đừng nên di chuyển.
Cô bé váy hồng thở phào một hơi, vội vàng cúi người cảm ơn Ngụy Bách.
Ngụy Bách không để bụng chuyện này, cười hỏi:
- Trần Bình An có mang theo quần áo sạch để thay không?
Cô bé váy hồng lắc đầu nói:
- Chuyến này lão gia lên núi chắc là không định ở lâu, trong gùi không hề có quần áo.
Ngụy Bách nhíu mày, nhìn y phục trên người Trần Bình An giống như ngâm trong máu, đợi hắn tỉnh lại vẫn ăn mặc như vậy thì không được, bèn đề nghị:
- Các ngươi đi vào trấn nhỏ mua quần áo, hoặc là đến ngõ Nê Bình lấy quần áo cũng được, đi nhanh về nhanh. Không lâu nữa chắc Trần Bình An sẽ tỉnh.
Thằng bé áo xanh vứt cho cô bé váy hồng một nén vàng:
- Ngoại trừ mua quần áo mới cho lão gia, cũng chuẩn bị mấy bộ cho hai chúng ta.
Cô bé váy hồng cười nói:
- Ta không cần.
Thằng bé áo xanh nghiêm mặt nói:
- Ta chỉ khách sáo với ngươi một chút thôi.
Cô bé váy hồng hơi thương tâm, nhanh như chớp rời khỏi lầu trúc, sau đó chạy như bay xuống núi.
Thằng bé áo xanh ngồi yên trên lan can, quay lưng về phía Trần Bình An nằm dưới đất và Ngụy Bách đang ngồi, suy nghĩ phức tạp.
Trần Bình An ngủ một ngày một đêm mới tỉnh lại, sau khi tắm rửa thay quần áo sạch, cả người tinh thần khoan khoái. Không mang giày cỏ, hắn để chân trần đứng trong hành lang tầng hai lầu trúc, bàn chân đầy vết chai dày như sắt đá. Vết chai sớm nhất là khi còn nhỏ bị giày cỏ thô ráp mài ra, sau đó lại bị đá núi cát sỏi, cỏ cây bụi gai từ từ gia tăng. Giữa búi tóc của hắn còn giắt cây trâm bạch ngọc kia, có tám chữ nhỏ do hắn tự tay khắc. Hắn ôm kiếm gỗ hòe trong ngực, nhìn về phương nam xa xa, ngơ ngơ ngẩn ngẩn.
Ngụy Bách đi rồi trở lại, mang theo một ít dược liệu, bảo cô bé váy hồng giúp nấu thuốc để Trần Bình An bồi bổ nguyên khí. Trần Bình An đã quen tự mình làm mọi chuyện, muốn đi nấu thuốc, nhưng cô bé váy hồng nhất quyết không chịu, gương mặt nhỏ đỏ bừng nhíu lại giống như mưa gió sắp tới. Trần Bình An không chịu nổi dáng vẻ đáng thương này, đành phải chán nản bỏ qua.
Thằng bé áo xanh chạy đi dạo chơi xung quanh, giống như chủ nhân một nước đang tuần tra lãnh thổ. Hôm nay hắn đi lên núi, trên đó có ngôi miếu sơn thần, thờ phụng một pho tượng sơn thần kỳ quái có chiếc đầu hoàng kim. Miếu thờ chưa hoàn thành, còn thiếu một chút công đoạn kết thúc. Cho nên ở đó có quan lại Công bộ nha môn Đại Ly và tu sĩ nghe lệnh triều đình phụ trách giúp đỡ, cộng thêm trai tráng dân chúng trấn nhỏ và hình đồ di dân, vàng thau lẫn lộn.
Lúc này Ngụy Bách đứng bên cạnh Trần Bình An, cười nói:
- Một trận xung đột lung tung như vậy, dù sao cũng không chịu khổ uổng phí, cuối cùng đã sắp đến cảnh giới thứ ba rồi.
Trần Bình An gật đầu nói:
- Còn nhanh hơn nhiều so với suy nghĩ của ta, vốn tưởng rằng ít nhất phải mất dăm ba năm nữa.
- Khó nói chuyện, không thú vị, đi đây.
Ngụy Bách bật cười, lắc đầu rời đi, lần này không bay tới bay lui mà đi từng bước xuống cầu thang.
Sau khi bóng dáng của Ngụy Bách biến mất, Trần Bình An vỗ vỗ ngực, lẩm bẩm nói:
- Ta biết ngươi không cam lòng, không muốn ở cùng với ta. Kiếm tu Tào Tuấn kia nhất định có chỗ hơn người, mới khiến ngươi kích động như vậy. Chuyện này cũng bình thường, kiếm tu cảnh giới thứ tám thứ chín, một vị thần tiên trên núi lớn như vậy, đương nhiên mạnh hơn ta rất nhiều. Nhưng không có cách nào, ngươi là do Văn Thánh lão gia tặng cho ta, vì vậy trước khi ta chết ngươi không thể đi đâu cả...
Trong ngực hắn truyền đến một cơn đau nhói, cổ họng khẽ nhúc nhích muốn phun ra một ngụm máu tươi. Hắn cắn chặt răng, cưỡng chế nuốt ngụm máu tươi kia xuống, nói hàm hồ không rõ:
- Mặc dù không biết chân tướng ra sao, nhưng ta cũng đoán được đại khái. Ngươi có thể dễ dàng gi.ết chết ta, nhưng vì một số nguyên nhân nên không thể giết, do đó tình cảnh của ngươi rất khó xử, đúng không?
Chốc lát sau, hắn vươn tay lau hai vệt máu chảy ra từ mũi:
- Không sao, ta còn có mấy bộ quần áo sạch trên núi. Hơn nữa tiểu nha hoàn của ta là trăn lửa, c.ởi quần áo giặt xong là có thể hong khô tiếp tục mặc. Ngươi có bản lĩnh thì cứ tiếp tục chạy lung tung giữa kinh huyệt. Ha ha, không phải Trần Bình An ta khoác lác với ngươi, chút đau khổ này thật chẳng là gì, lúc năm tuổi ta đã trải qua đau đớn còn lớn hơn nhiều.
Bụng quặn đau một trận như dời sông lấp biển. Trần Bình An để chân trần đứng trên hành lang, ôm lấy kiếm gỗ hòe trong ngực, ánh mắt kiên nghị, chỉ là giọng nói khó tránh khỏi hơi run rẩy:
- Nếu ta kêu đau một tiếng, sau này ngươi sẽ là tổ tông của ta.
Mười tám kinh huyệt, mười tám quan ải, trong đó giữa sáu và bảy, giữa mười hai và mười ba, giống như tồn tại hai rãnh trời không thể vượt qua. Trước đó Trần Bình An vận chuyển khí tức, chỉ có thể một hơi đi qua sáu khiếu huyệt. Mặc dù khí tức còn chưa đến mức nỏ mạnh hết đà, nhưng giống như phía trước đã không còn đường nữa, chỉ có thể đâm đầu vào tường, nhiều lần không có hiệu quả.
Lần này sau khi dung nhập phôi kiếm màu bạc từ trong tay vào trong người, vẫn không thể chạm đến quan ải thứ bảy kia, nhưng giữa sáu và bảy giống như cổ chai đã được nới rộng ra. Tựa như có người đang cẩn thận xây cầu sửa đường, bắt đầu có thể loáng thoáng thấy quang cảnh bờ bên kia, lần sau càng gần hơn lần trước.
Hơn nữa so với luyện quyền đi thế rèn luyện thân thể, kiếm khí ngang dọc trong cơ thể lại càng rõ rệt, giống như muốn buộc Trần Bình An phải kiêm tu cả trong ngoài. Tựa như một ngọn núi lớn, trước đó Trần Bình An vẫn luôn muốn mở núi làm đường, nhưng không biết bắt đầu từ đâu, phải san bằng mọi chông gai, tiến triển cực chậm. Kết quả sau khi phôi kiếm đi vào khiếu huyệt, giống như thằng bé áo xanh hiện ra chân thân dạo chơi giữa núi non trùng điệp, tự nhiên xuất hiện một “đường núi” rất đơn sơ. Trần Bình An chỉ cần đi theo sau đuôi hắn, không ngừng tu tu sửa sửa, đào đào lấp lấp là được.
Trần Bình An không sợ chịu khổ, nhưng trên đời không có mấy người thích chịu khổ, hắn đương nhiên cũng không ngoại lệ. Nhưng nếu chịu khổ có thể đổi lấy lợi ích, hắn sẽ không hề do dự tự mình chuốc khổ. Bởi vì nhiều năm một thân một mình, sống một cách gian nan khốn khổ, hắn đã hiểu được một đạo lý. Người sống trên đời, rất nhiều người làm rất nhiều chuyện, chịu khổ chỉ là chịu khổ mà thôi. Một phần cày bừa một phần thu hoạch? Còn phải xem ông trời thích ngủ gật có đồng ý hay không.
Trần Bình An vẫn muốn để phần lớn gia sản ở tiệm rèn của Nguyễn cô nương, núi Lạc Phách quá hỗn tạp, hắn thật sự không yên tâm. Trước đó nếu không nhờ Lý Hi Thánh, dù Trần Bình An đang đứng ở cổng nhà mình trong ngõ Nê Bình, e rằng cũng phải chịu thiệt thòi lớn. Chẳng trách thằng bé áo xanh lúc nào cũng nhắc tới câu thiền ngoài miệng là “giang hồ hiểm ác”.
Trần Bình An lắc đầu sang một bên, đột nhiên đưa tay che miệng, máu tươi từ giữa kẽ ngón tay thấm ra. Hắn há miệng lớn hít thở, mở lòng bàn tay một màu đỏ tươi, tức giận nói:
- Kế tiếp ta muốn xuống núi xây dựng phần mộ cho cha mẹ ta, khoảng thời gian này chúng ta tạm thời ngừng chiến, thế nào?
Phôi kiếm vốn đang định đụng vào vách tường một khiếu huyệt, lúc này chậm rãi yên tĩnh lại, giống như ngầm chấp nhận thỉnh cầu của Trần Bình An.
Sau đó Trần Bình An một mình xuống núi, vác cái gùi chứa phần lớn đồ đạc. Hắn tìm được Nguyễn Tú ở tiệm rèn, nhờ nàng giúp đỡ cất đồ đạc vào ngôi nhà đất vàng kia.
Nghe nói Trần Bình An tính sửa mộ, Nguyễn Tú muốn giúp đỡ. Nhưng Trần Bình An lại lắc đầu từ chối, nói rằng chuyện này không lớn, hắn dùng tiền mời vài thợ thủ công là đủ rồi, hơn nữa số tiền này hắn bỏ ra được.
Nguyễn Tú cũng không kiên trì, chỉ nói nếu cần giúp đỡ thì cứ thông báo một tiếng, không cần khách sáo.
Trần Bình An cười khổ nói, nếu thật sự khách sáo với nàng thì hắn cũng sẽ không đến đây chuyến này.
Nguyễn Tú mỉm cười.
Không còn nỗi lo về sau, Trần Bình An liền cầm bạc đi vào trấn nhỏ, rất nhanh tìm được người. Sau khi hỏi lão nghệ nhân một ít quy củ và lễ tiết liên quan đến tu sửa phần mộ, bàn bạc giá cả xong xuôi, lại chọn một ngày lành hoàng đạo bắt đầu thi công. Từ đầu đến cuối Trần Bình An đều nhìn chăm chú, có thể giúp được thì giúp, nếu không tiện thì sẽ không nhúng tay vào, tất cả nghe theo phân phó an bài của đám nghệ nhân già.
Có lẽ do thiếu niên đưa nhiều bạc, hơn nữa còn phụ giúp, khiến cho đám thợ thủ công cảm thấy thiếu niên rất thành tâm, nhờ đó tất cả đều thuận lợi không có khó khăn gì. Cuối cùng cẩn thận tỉ mỉ sửa xong phần mộ, cũng không khác mấy so với nhà bình thường, không thể xem là hào hoa xa xỉ. Hơn nữa chữ trên bia mộ đều do Trần Bình An tự mình thức suốt đêm khắc lên.
Sau khi trả tiền công, Trần Bình An khom lưng cảm tạ nhóm người kia, một mình mang theo đồ tế trở lại ngôi mộ. Lúc bố trí đồ tế, hắn do dự một hồi, cuối cùng mang một bình rượu ngon đến kính rượu cho cha, lại nhìn sang ngôi mộ của mẹ, gãi đầu nói:
- Mẹ, hình như cha chưa từng uống rượu, mẹ cho ông ấy uống một lần nhé.
Hắn lại khẽ quay đầu, cười nói với một ngôi mộ khác kế bên:
- Cha, nếu không quen uống rượu, hoặc là khiến mẹ không vui, phải báo mộng cho con, lần sau sẽ không mang cho cha nữa.
Hắn đổ bình rượu kia xuống, vuốt mặt, nhếch miệng nói:
- Cha, mẹ, các người không nói gì, vậy con xem như các người đã đồng ý rồi.
Sau đó hắn đi đến mộ thần tiên một chuyến, thành thạo vái lạy mấy pho tượng thần.
Trần Bình An không xây cầu trải đường khắp nơi, mà lựa chọn mộ thần tiên này. Dùng danh nghĩa của Nguyễn Tú, thuê thợ thủ công tu sửa những tượng thần đổ nát ngổn ngang kia, hắn bỏ tiền còn nàng ra mặt. Nguyễn Tú không biết nguyên nhân, nhưng cũng không truy hỏi gì, chỉ gật đầu đồng ý.
Trong đại nạn lần trước, giữa màn đêm tất cả dân chúng trấn nhỏ đều có thể nghe được tiếng nổ ở mộ thần tiên, giống như tiếng pháo vang lừng.
Tượng thần càng thưa thớt, cũng càng tàn phá. Trần Bình An nghe theo đề nghị của Nguyễn Tú, lần này tu sửa trên quy mô lớn, trên nguyên tắc là giữ nguyên như cũ, cố gắng bảo trì nguyên dạng. Nếu không thể bảo đảm khôi phục trạng thái cũ, cũng chỉ bảo đảm tượng thần được dựng lên sẽ không sụp đổ lần nữa, tuyệt đối không tự ý chỉnh sửa, cho nên đã tạm thời xây dựng những lán trúc để che gió che mưa.
Thỉnh thoảng Trần Bình An lại đến hai cửa tiệm ở ngõ Kỵ Long ngồi một chút, sau đó tiếp tục bận rộn. Trước ba mươi tết hắn muốn vào núi Lạc Phách một chuyến, tìm thằng bé áo xanh và cô bé váy hồng.
Sau khi Nguyễn Tú biết được tin này, nói là vừa khéo muốn đi xem thử công việc xây phủ ở núi Thần Tú, thế là cùng Trần Bình An vào núi. Sau đó cũng không mỗi người đi một ngả, mà là nửa đường thay đổi chủ ý, nói là muốn đi xem lầu trúc của Trần Bình An, lần trước chỉ nhìn qua loa nên muốn đến xem kỹ hơn. Trần Bình An đương nhiên sẽ không từ chối.
Lúc Trần Bình An và Nguyễn Tú xuất hiện ở chân núi, thằng bé áo xanh đứng trên lan can tấm tắc lấy làm kỳ lạ, hai tay ôm sau đầu, hai chân cắm rễ bất động, thân thể lắc lư trước sau trên lan can giống như đu dây, lẩm bẩm nói:
- Một cô nương tốt như vậy biết tìm ở đâu? Rõ ràng là duy nhất trên trời dưới đất, nếu lão gia không biết quý trọng sẽ bị trời phạt. Thật đấy, lời này ta nói đúng với lương tâm.
Cô bé váy hồng cũng cho rằng như vậy:
- Tú Tú cô nương thật sự rất tốt.
Trần Bình An và Nguyễn Tú chậm rãi lên núi. Nguyễn Tú nói rằng trước đó nàng đã nhận được thư từ trạm Chẩm Đầu gởi tới, sau đó quả thật có một lão đạo nhân mắt mù dẫn theo thiếu niên què chân và tiểu cô nương mặt tròn đi vào trấn nhỏ, đến cửa tiệm ở ngõ Kỵ Long tìm nàng. Nhưng ba thầy trò đã tiếp tục đi lên phía bắc, nói là muốn đến kinh thành Đại Ly thử vận may.
Trần Bình An nhớ tới lão đạo nhân từng chung hoạn nạn kia, lại nghĩ đến Lâm Thủ Nhất và “Vân Thượng Lang Lang Thư” mà hắn tu hành, bèn hỏi Nguyễn Tú một số chuyện liên quan đến ngũ lôi chính pháp. Chỉ tiếc trước giờ Nguyễn Tú không có hứng thú với mấy thứ này, không biết được nhiều, chỉ có thể kể lại một ít lời đồn.
Trên đường trò chuyện, Trần Bình An biết được năm nay Nguyễn sư phụ đã thu ba đệ tử ký danh. Một tên thiếu niên mày dài họ Tạ, mặc dù mấy đời cư trú ở ngõ Đào Diệp, nhưng đến đời này của hắn thì gia cảnh sa sút, nếu không nhờ gia nhập tiệm rèn thì chắc phải bán cả nhà tổ dời sang ngõ khác. Hắn còn có một chị gái và một em trai.
Sau thiếu niên họ Tạ, một thiếu nữ đến từ miếu Phong Tuyết đã trở thành đệ tử thứ hai. Theo như Nguyễn Tú nói, cô nương kia ở trong miếu Phong Tuyết thuộc dạng thiên tư bình thường, hình như đã phạm phải sai lầm lớn nên bị trục xuất khỏi sư môn, mới tìm đến Nguyễn Cung đã tự lập môn phái.
Nguyễn Cung nói cô thực ra tâm chí không ổn, làm chuyện gì cũng theo bản năng muốn tìm một đường lui trước. Cô có thể ở lại, ông ta cũng sẽ chỉ điểm kiếm thuật cho cô, nhưng sẽ không nhận cô làm đồ đệ. Cô làm tạp dịch ở tiệm rèn rất lâu, có một ngày tự mình chém đứt ngón cái của tay cầm kiếm, sắc mặt nhợt nhạt tìm đến Nguyễn Cung, nói rằng từ hôm nay trở đi sẽ bắt đầu luyện kiếm tay trái, luyện lại từ đầu.
Còn có một nam tử trẻ tuổi không thích nói chuyện, là người cuối cùng trở thành đệ tử ký danh của Nguyễn sư phụ. Khi bắt đầu mùa đông có trận tuyết rơi đầu tiên, hắn đã quỳ bên cạnh giếng nước một ngày một đêm, khẩn cầu Nguyễn sư phụ nhận hắn làm đồ đệ. Có thể là do sự chân thành kiên định, Nguyễn sư phụ đã nhận hắn vào tiệm để rèn sắt đúc kiếm.
Nhắc đến những chuyện này, vẻ mặt Nguyễn Tú vẫn bình tĩnh, giống như đang nói chuyện của gà mẹ và đám gà con lông xù kia vậy.
Trần Bình An không nhận ra vấn đề của người bên cạnh, cũng không ý thức được điểm này. Khi đó hắn đang suy nghĩ những chuyện có liên quan đến “trên núi”. Hắn biết chỉ cần trở thành người tu hành, không có người nào là đơn giản. Bên cạnh hắn có Lâm Thủ Nhất, Vu Lộc, Tạ Tạ càng là nhân tài xuất chúng. Nhưng thông qua mấy câu nói của Thôi Đông Sơn, đồng thời trò chuyện với Nguyễn Tú, Trần Bình An đại khái đã hiểu được một chuyện. Cho dù đã thành công lên núi, trở thành thần tiên trong mắt dân chúng, thực ra vẫn bị chia thành nhiều loại. Hóa ra chuyện tu hành mở đầu khó, trung gian khó, vẫn luôn khó đến cuối cùng.
Gần đây Trần Bình An xem như đã có nhận thức về chuyện này. Bởi vì sau khi sửa mộ xong, phôi kiếm lại bắt đầu giở trò xấu, khí thế càng dào dạt, quậy phá lung tung trong khiếu huyệt của hắn, thế như chẻ tre. Cho nên ngõ Nê Bình lại có thêm một kẻ thường xuyên đi đường lảo đảo, giống như uống rượu say, hoặc là ngồi ở mộ thần tiên ho sặc sụa, nếu không thì cũng ở trong nhà tổ đóng cửa không ra, lăn lộn trên giường gỗ.
Gần tới lầu trúc, Nguyễn Tú hỏi:
- Ba mươi tết ngươi cũng ở trên núi sao?
Trần Bình An lắc đầu nói:
- Không đâu, chắc chắn phải về ngõ Nê Bình ăn tết. Hôm đó sẽ đi viếng mồ trước, trở lại nhà tổ còn phải dán câu đối xuân, chữ phúc, thần giữ cửa, ăn cơm giao thừa xong lại phải gác đêm, sáng sớm bắt đầu đốt pháo. Hơn nữa hai cửa tiệm ở ngõ Kỵ Long cũng cần phải dán, có quá nhiều chuyện để làm, đến lúc đó nhất định sẽ rất bận.
Nguyễn Tú hỏi:
- Ta giúp ngươi nhé?
Trần Bình An cười lắc đầu:
- Không cần, không cần, nghe có vẻ rất bận nhưng thực ra mọi chuyện lại rất đơn giản.
Thằng bé áo xanh và cô bé váy hồng nghe nói phải xuống núi về ngõ Nê Bình ăn tết, đều không có ý kiến gì.
Lúc Trần Bình An thu dọn đồ đạc, đột nhiên hỏi:
- Nếu dán câu đối xuân và thần giữ cửa ở lầu trúc này, có khó coi không?
Thằng bé áo xanh nói như đinh đóng cột:
- Đương nhiên khó coi. Đỏ phối với xanh lá, đúng là tầm thường không chịu được. Lão gia, chuyện này tôi quyết không ưng thuận.
Cô bé váy hồng cũng khẽ gật đầu, đồng ý với quan điểm của thằng bé áo xanh.
Trần Bình An bất đắc dĩ nói:
- Ta chỉ thuận miệng nói thôi, các ngươi không thích thì bỏ đi.
Thằng bé áo xanh thử thăm dò:
- Nhiều nhất là dán một chữ xuân hoặc chữ phúc.
Trần Bình An cười nói:
- Được rồi.
Thằng bé áo xanh hơi chột dạ:
- Lão gia ngài không nhớ thù với tôi sao? Nếu quả thật muốn có mùi vị năm mới, chúng ta có thể thương lượng. Chẳng hạn như lão gia ngài tặng tôi một viên đá mật rắn không bình thường, tôi sẽ chủ động giúp dán câu đối xuân, dán đầy lầu trúc từ trên xuống dưới, từ trong ra ngoài cũng không sao.
Trần Bình An thưởng cho hắn một cái gõ đầu:
- Ta cám ơn ngươi.
Sau khi xuống núi, Nguyễn Tú chia tay với bọn họ, đi về hướng núi Thần Tú.
Bất tri bất giác đã là ba mươi tết rồi.
Cùng đi đến mộ, trở lại ngõ Nê Bình, dán câu đối xuân lên cửa. Thằng bé áo xanh và cô bé váy hồng một người nói dán lệch, một người nói không lệch, khiến Trần Bình An cũng lúng túng tay chân.
Lúc ăn cơm giao thừa, Trần Bình An đã chuẩn bị một bàn thức ăn phong phú, không quên cho hai đứa trẻ mỗi người một viên đá mật rắn bình thường. Thằng bé áo xanh không nói gì khác ném vào trong miệng, cắn rất giòn giã, tươi cười giống như một đóa hoa. Cô bé váy hồng cẩn thận cúi đầu ăn, vẻ mặt hạnh phúc.
Buổi tối dưới bàn đặt một chậu than nhỏ, ba người đều gác chân ở ven rìa chậu than. Bọn họ củng đã thay quần áo mới. Trên bàn bày một đống thức ăn từ tiệm nhà mình mang tới. Trước người Trần Bình An đặt một quyển sách, một cuộn thẻ trúc và một con dao khắc.
Hắn muốn gác đêm, năm này qua năm khác đều như vậy. Chỉ là năm nay có khác biệt, hắn không còn một mình nữa.
Cô bé váy hồng cắn hạt dưa. Thằng bé áo xanh hai tay nâng cằm nhìn Trần Bình An, cười hỏi:
- Lão gia, lão gia, qua năm mới rồi, ngài có cao hứng thưởng thêm cho tôi một viên đá mật rắn không?
Trần Bình An mượn ánh đèn còn sáng hơn năm trước một chút, nghiêm túc đọc sách, cũng không ngẩng đầu lên:
- Sẽ không.
Thằng bé áo xanh không chán nản, ngược lại cười rất vui vẻ, hỏi:
- Lão gia, sáng mai đốt pháo, để tôi làm nhé?
Trần Bình An ngẩng đầu lên, mỉm cười gật đầu:
- Được.
Nói xong lại quay đầu nhìn cô bé váy hồng. Cô bé vội vàng bỏ hạt dưa trong tay xuống, làm động tác đáng yêu hai tay bịt lỗ tai. Trần Bình An cũng làm mặt quỷ với cô, sau đó tiếp tục cúi đầu đọc sách.
Hai đứa trẻ nhìn nhau cười, sau đó tâm đầu ý hợp cùng nhìn lên đỉnh đầu thiếu niên. Nơi đó có một cây trâm không nổi bật, viết tám chữ nhỏ, nội dung có liên quan đến người đọc sách.
Chuyện này cũng giống như câu đối xuân rốt cuộc có dán lệch hay không, giữa bọn họ có tranh chấp ngầm. Thằng bé áo xanh cảm thấy không hề phù hợp với lão gia, còn cô bé váy hồng thì cảm thấy rất thích hợp.
Qua giờ tý là năm mới rồi.
Thằng bé áo xanh đã sớm lên giường ngủ say. Cô bé váy hồng được Trần Bình An khuyên nhủ, cũng nằm sấp xuống bàn ngủ gà ngủ gật. Trần Bình An một mình gác đêm, trong nhà chỉ có tiếng lật sách khe khẽ.
Khi ánh bình minh đầu tiên ló dạng trong trời đất, Trần Bình An nhẹ nhàng đứng dậy đi mở cửa nhà, ngẩng đầu nhìn về phía đông. Đột nhiên hắn không kìm được khẽ ho một tiếng, sau đó há miệng phun ra một vệt cầu vồng sáng trắng như tuyết dài hơn một tấc. Hóa ra là một thanh phi kiếm nho nhỏ trong vắt, yên lặng lơ lửng trong sân, lộ ra mũi nhọn.