Trong cơn mưa này ẩn chứa tà khí âm trầm không bình thường, bị Trần Bình An dùng mấy câu vạch trần. Nhưng mấu chốt khiến hai nhóm hào môn giang hồ ngừng gây chiến, không phải đạo lý đường đi không hẹp gì đó của Trần Bình An, cũng không phải bùa khêu đèn Trần Bình An lấy ra, mà là vì một câu nói: “Các thần tiên của Kim Quế quán vẫn chưa ra tay.”
Như vậy nghĩa là Kim Quế quán muốn lập kế hoạch chu đáo sau đó mới hành động, giả vờ yếu thế, dẫn rắn rời hang. Hoặc là không có sức kháng địch, chỉ có thể co cụm trong đạo quán, tránh né mũi nhọn.
Dù là nguyên nhân nào, đây vẫn là thần tiên trên núi đánh nhau. Cho dù có một chút tình nghĩa, đám nữ nhân đến từ nhà Yên Chi nước Vân Tiêu, cũng không muốn đặt cược tính mạng can dự vào.
Còn lão ma đầu Trúc Phụng Tiên từng gây nên gió tanh mưa máu trên giang hồ mấy nước, càng là hạng người lão luyện thành thục. Lần này lên núi là vì bắc thang tu đạo cho cháu gái, Kim Quế quán có thể thuận tiện thu nhận một đệ tử đắc ý, hai bên đều có lợi. Bang Đại Trạch không thấp hơn người khác một cái đầu, Trúc Phụng Tiên cũng không muốn làm đầy tớ cho đạo nhân Kim Quế quán.
Trần Bình An trở về chỗ cũ. Bùi Tiền lanh lợi không biết từ đâu lôi ra một phiến đá nhỏ, dùng làm ghế ngồi cho Trần Bình An. Cô bé ngồi xổm dưới đất, vừa dùng tay lau đất trên phiến đá nhỏ, vừa ngẩng đầu an ủi:
- Sư phụ, ngài vẫn rất có phong phạm, chỉ là giai đoạn thu quan có một chút khiếm khuyết, cũng không đáng kể.
Cách nói thu quan (giai đoạn giao tranh với quy mô nhỏ trong một trận cờ vây), là do Bùi Tiền thường ở bên cạnh quan sát Lư Bạch Tượng đánh cờ với người khác, đã nghe quen tai nhìn quen mắt.
Sớm chiều chung sống với bốn người trong tranh cuộn, Bùi Tiền đã học được không ít thứ. Chẳng hạn như binh pháp chiến trận của lão Ngụy, “chém giết sa trường, không được xếp thành một hàng hay trận thế ngoằn nghèo, mà cần hàng ngũ ổn định, ngang dọc ngay ngắn, cuối cùng dựa vào bản lĩnh của từng người, loạn đao chém giết”.
Cô còn học được một số quy củ cầm kỳ từ Tiểu Bạch, học với Chu Liễm mấy cách làm thức ăn nhắm rượu. Chu Liễm thấy Bùi Tiền thường tới giúp đỡ, cũng xem như cực khổ, bèn tặng cô bé một quyển tiểu thuyết du hiệp giang hồ, Bùi Tiền xem đến quên ăn quên ngủ. Cô còn xin Tùy Hữu Biên chỉ bảo rất nhiều tiếng lóng khi hành tẩu giang hồ, chẳng hạn như “muốn đi qua nơi này, để lại tiền mua mạng”, “đạo tặc to gan dám chặn đường cướp của, ăn một thương của ta”.
Lúc này Trương Sơn Phong nhìn màn mưa bên ngoài, tỏ ra lo lắng, nhẹ giọng nói:
- Mưa dầm lớn rơi lâu như vậy, tu sĩ cảnh giới Quan Hải cũng chưa chắc chịu được, trừ khi là đã sớm bố trí trận pháp dẫn mưa. Nhưng thủ đoạn như vậy, nếu quả thật do trận pháp dẫn dắt chứ không phải đạo pháp bản thân, chính là chơi trò rải tiền hoa tuyết từ trên trời xuống đất. Cho nên nhiều khả năng là tu sĩ cảnh giới Long Môn. Không biết đạo sĩ Kim Quế quán là cảnh giới nào, có thể ứng phó với cơn mưa dầm ảnh hưởng đến khí vận sông núi này hay không.
Giọng nói của Trương Sơn Phong không lớn, có điều Trúc Phụng Tiên và bà lão nhà Yên Chi đều là tông sư võ đạo trên giang hồ, chỉ cần lưu ý một chút là có thể nghe được rõ ràng.
Trúc Phụng Tiên cũng không quan tâm bị người khác nói là “nghe lén”, cười nói với bà lão:
- Nhà Yên Chi và Kim Quế quán đã có quan hệ không tầm thường, chắc là biết được pháp thuật tiên gia của quán chủ cao hay thấp chứ?
Bà lão do dự một thoáng, gật đầu nói:
- Nghe đâu quán chủ Trương Quả đã hai trăm tuổi, có tu vi cảnh giới Long Môn, giống như giao long trong mây hô mưa gọi gió.
Trúc Phụng Tiên nhíu mày nói:
- Gần đây trên giang hồ đang xôn xao, nói rằng Trương Quả bế quan mấy chục năm, lần này thuận lợi xuất quan, đã bước vào lục địa thần tiên trong truyền thuyết rồi.
Bà lão cười khổ nói:
- Địa tiên kết thành kim đan vốn xa rời trần thế, một lòng tu hành, hướng tới đại đạo, còn thu đồ đệ làm gì? Nếu đổi lại là Trúc lão bang chủ, trở thành thần tiên rồi, còn muốn nhặt tiền trên đường lầy lội sao? Có điều quán chủ Trương Quả sở hữu tư chất địa tiên, chuyện này vô cùng chân thực, chỉ sớm hay muộn mà thôi, Trúc lão bang chủ không cần hoài nghi. Cháu gái của lão bái Trương Quả làm sư phụ, tu hành ở Kim Quế quán, tiền đồ sẽ không tệ.
Trúc Phụng Tiên gật đầu, vẻ mặt tốt hơn một chút.
Trúc Phụng Tiên là võ phu cảnh giới thứ bảy, có kiêng dè tu sĩ cảnh giới Long Môn, nhưng tuyệt đối sẽ không sợ hãi. Tu sĩ cảnh giới Động Phủ và Quan Hải bị lão giế.t chết, đã có đến một bàn tay rồi.
Còn đối với một đạo sĩ cảnh giới Long Môn, tương lai có hi vọng trở thành địa tiên cảnh giới Kim Đan, Trúc Phụng Tiên sẵn lòng tôn kính, tin tưởng đối phương có đủ tư cách làm người truyền đạo của cháu gái mình. Vì chuyện này, bang Đại Trạch dự định hàng năm sẽ lấy ra một khoản tiền hiếu kính, sai người bí mật đưa đến Kim Quế quán ở núi Thanh Yêu.
Trong lòng Trương Sơn Phong thở dài, không phải người trên núi thì không biết chuyện trên núi. Trong suy nghĩ của Trúc Phụng Tiên và bà lão nhà Yên Chi, thần tiên quá xa xôi hư ảo, không dính bùn lầy. Địa tiên Kim Đan thì thế nào, chẳng phải cũng cần vất vả tích góp của cải sao?
Chuyện tu hành là chốn tiêu tiền lớn nhất thế gian, giống như động không đáy. Có điều phần lớn địa tiên, ngoại trừ tu sĩ sông núi đã quen tiêu dao tự tại, những đại tu sĩ sở hữu ngọn núi động phủ, sẽ có người trong môn phái lo liệu việc vặt, thu xếp quan hệ, mình chỉ cần dốc lòng tu đạo là được. Nói như thế, bà lão nhà Yên Chi xem như miễn cưỡng đoán đúng phân nửa.
Ngay lúc này, trong núi sâu phía xa dưới màn mưa bao phủ, bỗng nhiên sấm chớp đùng đùng, mặt đất rung động, gió lệch mưa nghiêng, lại có tiếng vang như sư tử gầm, liên tục không ngừng.
Chốc lát sau, cảnh tượng kỳ lạ chấm dứt, giữa trời đất chỉ còn lại mưa lớn đầy trời.
Sau khoảng một nén nhang, ba người Tùy Hữu Biên, Chu Liễm và Trúc Phụng Tiên trong hang đá, gần như đồng thời ngẩng đầu nhìn ra bên ngoài.
Vẻ mặt Trúc Phụng Tiên vẫn như thường, nhưng trong lòng lại căng thẳng. Trong số tùy tùng của người trẻ tuổi áo trắng kia, lại có hai người sở hữu trực giác nhạy bén không kém gì mình?
Nên biết lão là một trong tứ đại tông sư của ba nước Thanh Loan, Khánh Sơn và Vân Tiêu. Ba mươi năm trước trong trận tranh đấu với tiên nhân, lão đã bị thương một chút cơ sở võ đạo, trải qua ba mươi năm chữa thương, vẫn chưa khôi phục võ học đỉnh cao. Nhưng hổ chết xương còn không ngã, Trúc Phụng Tiên lão chỉ từ vị trí thứ hai lùi đến thứ tư mà thôi, hiện giờ vẫn là đại tông sư hoàn toàn xứng đáng.
Lần này Phật Đạo thịnh hội liên tiếp ba năm, đúng là đã dẫn tới rất nhiều tu sĩ giấu đầu lòi đuôi. Nhưng cao thủ đỉnh cấp trong giang hồ chỉ có thể đếm được trên đầu ngón tay. Sao lần này vô tình gặp gỡ giữa núi, trong thoáng chốc lại xuất hiện nhiều như vậy?
Ngoại trừ cô gái đeo kiếm dung nhan tuyệt mỹ và lão già lom khom nhìn như bình dị gần gũi, còn lại nam tử đeo đao phong thái hiên ngang và gã đàn ông lanh lợi trầm mặc ít nói, rõ ràng cũng là cao thủ giang hồ cơ sở rất vững chắc. Đây mới là nguyên nhân Trúc Phụng Tiên xem trọng người trẻ tuổi áo trắng kia. Mây từ rồng, gió từ hổ, nếu người trẻ tuổi áo trắng kia chỉ là loại mèo rắn, làm sao hàng phục được mấy vị tông sư võ học này?
Mưa dần dần nhỏ đi. Trong màn mưa, có nhiều đạo sĩ trẻ tuổi và đạo đồng nhỏ cùng nhau đi tới. Đạo sĩ Kim Quế quán cầm đầu mặt mày tuấn tú, nụ cười mê người, trong tay ngoại trừ một chiếc ô che mưa thì không có thứ gì khác. Những người phía sau đạo nhân, ngoại trừ ô của mình thì còn ôm một mớ ô giấy dầu.
Sau khi đi vào hang đá, đạo sĩ cầm đầu gấp ô giấy dầu ướt sũng, dáng vẻ ung dung, có một phong vị khác với những công tử thế gia. Hắn nhìn mọi người, mỉm cười nói:
- Có yêu nhân quấy phá, muốn dùng mưa dầm phá hư sông núi của Kim Quế quán ta. Mọi người không cần hoang mang, quán chủ của chúng ta và hai vị bạn thân từ xa đến đã thi triển thần thông. Đám yêu nhân kia đã bị chém đầu đền tội, không kẻ nào chạy thoát khỏi lưới. Các người có thể yên tâm theo ta lên núi.
Bà lão nhà Yên Chi lặng lẽ nhìn thiếu nữ Thanh Thành, trong mắt đầy vẻ kích động không thể kiềm chế. Lúc trước nghe được tiếng sấm nổi dậy, bà ta đã sớm có một chút suy đoán, ôm lòng cầu may, tâm tình xao động. Lúc này nghe đạo sĩ anh tuấn nói có bạn thân của quán chủ ra tay tương trợ, bà ta liền nghĩ đến dung mạo thần tiên trong bức tranh mà tổ sư nhà mình cất kỹ, nhất thời trăm cảm xúc lẫn lộn.
Năm xưa bà ta vẫn còn trẻ, lúc tổ sư hấp hối đã bảo bà ta và một vị sư tỷ cầm hai đầu tranh cuộn, mở tranh ra để tổ sư nhìn vị nam tử trong tranh lần cuối cùng.
Lần này bọn họ không ngại vất vả hộ tống Thanh Thành lên núi tu đạo, là do vị nam tử thần tiên kia sai người truyền tin cho nhà Yên Chi. Đây là lần đầu tiên y chủ động nói chuyện với nhà Yên Chi sau hơn trăm năm, vì vậy trên dưới sư môn đều vô cùng mừng rỡ.
Lúc này đạo sĩ anh tuấn khí chất xuất trần cười nói:
- Những ô giấy dầu này, mặt ô tuy bình thường, nhưng cán ô lại do tiền bối trong quán chúng ta dùng cành quế linh khí chế tạo thành, có thể chống lại mưa gió yêu tà. Dù là qua rừng núi, vào ao hồ, hay là một mình đi giữa nghĩa địa ban đêm, tay cầm ô cành quế của đạo quán chúng ta, sẽ không cần lo lắng quỷ quái quấy nhiễu, bọn chúng sẽ tự động tránh xa. Quán chủ lo lắng trong chư vị có phụ nữ và trẻ con chưa từng tập võ, cho nên bảo chúng ta xuống núi đưa ô.
Đạo sĩ anh tuấn nói xong, liền đưa ra hơn mười chiếc ô cành quế đặc sản của Kim Quế quán.
Một đạo đồng nhỏ môi hồng răng trắng, đã sớm nhìn thấy bạn cùng lứa duy nhất là Bùi Tiền. Chờ khi sư thúc bảo đưa ô, hắn lập tức bước nhanh đến chỗ tiểu cô nương đen nhẻm, vừa đưa ô cành quế trong tay vừa nhếch miệng cười.
Bùi Tiền cũng không thích mấy cái ô tồi tàn của Kim Quế quán, có điều Trần Bình An đang ở bên cạnh, vẫn phải nói một chút “sư quy gia pháp”. Cô khéo léo từ chối ô giấy dầu của đạo đồng nhỏ, sau đó ngoan ngoãn cảm ơn thằng nhóc kia.
Đạo đồng nhỏ hơi băn khoăn, nói:
- Không thể xem thường cơn mưa dầm này, rất dễ tổn thương dương khí con người. Những người thân thể yếu đuối, hoặc là số mệnh không tốt, trong thoáng chốc sẽ gieo vào mầm bệnh, đến lúc đó uống thuốc cũng vô dụng. Dù sao ô này là đạo quán chúng ta cho các người mượn, cũng không thu tiền, sao lại không cần? Cầm đi, cán ô cành quế cũng không nặng.
Bùi Tiền chỉ hận mình không thể trợn trắng mắt.
Thấy đạo đồng nhỏ đáng yêu kia nghiêm túc giải thích cho Bùi Tiền sự lợi hại của cơn mưa dầm này, Trần Bình An cười cười, xoa đầu Bùi Tiền, bảo cô bé cầm lấy ô giấy dầu. Sau đó hắn nhìn vị đạo sĩ anh tuấn kia, hỏi:
- Vị đạo trưởng này, nghe nói quý quán đang mở cửa thu nhận đệ tử. Không biết những người xứ khác vừa dịp đến đây như chúng ta, có thể lên núi vào quán đứng ngoài quan sát, làm phiền một phen hay không?
Vị đạo sĩ anh tuấn kia mỉm cười gật đầu, nói:
- Đương nhiên có thể. Sau khi lên núi, chỉ cần nhận một quyển sách nhỏ, chú ý một số cấm kỵ Đạo môn ghi chép trong đó là được.
Đạo đồng nhỏ lập tức quay đầu nói với đạo sĩ anh tuấn:
- Tiểu sư thúc, con đã thuộc làu những hạng mục trong sách rồi, hay là để con nói cho vị công tử này nghe?
Đạo sĩ anh tuấn mỉm cười nói:
- Nếu công tử chịu nghe ngươi ồn ào, ngươi cứ theo công tử lên núi là được.
Trần Bình An ôm quyền cảm ơn hai vị đạo sĩ Kim Quế quán một lớn một nhỏ, cười nói:
- Đa tạ đạo trưởng, làm phiền vị đạo trưởng nhỏ này.
Sau đó hắn quay đầu nhìn Từ Viễn Hà và Trương Sơn Phong. Hai người khẽ gật đầu, ra hiệu chuyện lên núi vào quán không có gì bất ổn, thậm chí có phần mừng rỡ với chuyện này.
Kim Quế quán quanh năm đóng cửa từ chối tiếp khách, khiến cho người ngoài không thể nhìn thấy phong thái trong đó. Dưới núi nước Thanh Loan có lời đồn, những hoa quế màu vàng trong cảnh tượng đặc sắc thiên nữ rải hoa của chùa Bạch Thủy, chính là bắt nguồn từ mấy cây quế già ngàn năm phía sau Kim Quế quán. Còn có một vị tiên nhân vân du trời đất đáp xuống, ghé thăm đạo quán, chỉ vào cây quế thốt lời vàng ngọc: “Đây giống như cây được trồng trên cung trăng vậy”. Bây giờ có thể lên núi vào quán xem cây, đúng là một chuyện may mắn.
Lúc trước trâu đất màu vàng cũng không đi vào hang đá. Dù sao nó xuất thân yêu vật, lần này lại gặp phải biến cố, một khi khiến cho tu sĩ Kim Quế quán nghi thần nghi quỷ, Trần Bình An sẽ phải giải thích rất nhiều.
May mà trâu đất màu vàng rất am hiểu đường lối trên núi, ở cách xa hang đá dùng tiếng lòng báo cho Trần Bình An. Sắp tới nó sẽ ẩn nấp dưới núi chờ đợi, trừ khi địa tiên tuần tra, nếu không sẽ không bị phát hiện hành tung. Trần Bình An bèn bảo nó cẩn thận một chút, có chuyện thì cứ chạy nhanh lên núi Thanh Yêu, hắn sẽ ra mặt nói chuyện rõ ràng.
Đạo quán nằm trên đỉnh núi Thanh Yêu, đường xá lầy lội không dễ đi. Từ chân núi đến bên ngoài sơn môn đạo quán, đường nhỏ nhiều nhất chỉ chứa được ba người đi kề vai, không cần hi vọng ngồi xe ngựa lên núi. Từ đó có thể thấy, Kim Quế quán quả thật không muốn giao tiếp với dưới núi lắm.
Lúc trước bọn Trần Bình An đi tới cung Thanh Hổ núi Thanh Cảnh, được xây dựng tới ba ngàn bậc đan thang, còn to lớn khí phái hơn cầu thang trong hoàng cung nhà đế vương.
Kim Quế quán không lớn, chỉ chứa bốn năm chục đạo nhân tu hành. Các lộ nhân sĩ mang theo vãn bối lên núi, đã sớm mời người xây dựng nhà cỏ giữa sườn núi Thanh Yêu làm nơi cư trú, Kim Quế quán cũng không ngăn cản chuyện này.
Có một số môn phái giang hồ ánh mắt linh hoạt, hơn nữa vốn là thế lực ở nước Thanh Loan. Bọn họ thấy Kim Quế quán dễ nói chuyện, bèn dứt khoát thuê mấy chục trai tráng khởi công xây dựng nhà cửa giữa sườn núi, quy mô không thua gì nhà trọ quán rượu ở nơi sầm uất.
Kim Quế quán là một đạo quán nằm trong rừng rậm không thường nhìn thấy. Từ trong lời nói của vị đạo trưởng anh tuấn kia, mọi người mới biết được, đồ đệ mà quán chủ thu nhận sẽ được ghi vào gia phả vàng ngọc do triều đình nước Thanh Loan ban hành. Chỉ cần làm môn hạ của quán chủ Trương Quả, cho dù là nhập tịch, cũng sẽ trở thành một tiên sư gia phả. Có lẽ đây mới là lý do chủ yếu, khiến cho hào môn giang hồ và gia đình quyền quý dẫn theo vãn bối trong nhà chen chúc kéo đến.
Chỉ có những cung lớn Đạo giáo mới chia ra tam đô ngũ chủ thập bát đầu (1). Kim Quế quán chỉ có bốn năm chục người, dĩ nhiên không rườm rà như vậy. Ngoại trừ quán chủ Trương Quả thì còn bảy tám chấp sự. Đạo sĩ anh tuấn Hứa Bá Thụy là cổ đầu (người coi trống) của Kim Quế quán, dù sao đạo quán có nhỏ đến mấy, hai thứ chuông trống vẫn rất quan trọng.
Lão thần tiên Trương Quả sẽ tiến hành thu đồ đệ vào ngày mốt. Bang Đại Trạch của Trúc Phụng Tiên là một trong số mấy cường hào ở nước Thanh Loan, đã sớm dùng số tiền lớn xây dựng một hành cung tránh nắng giữa sườn núi, hao phí hơn mười vạn lượng bạc trắng, cực kỳ nổi bật trong đông đảo kiến trúc. Xem ra Trúc Phụng Tiên rất tự tin với chuyện cháu gái trúng tuyển.
Nhà Yên Chi cũng đã thuê người xây dựng một biệt viện sân vườn. Nhưng Hứa Bá Thụy lại dứt khoát nói:
- Lưu Thanh Thành, Trúc Tử Dương, hai người các ngươi có thể theo bần đạo vào quán. Kim Quế quán đã dọn ra hai gian phòng trang nhã rồi.
Sau đó hắn cười nói với Trần Bình An:
- Đạo quán đơn sơ, đãi khách không chu đáo. Hiện giờ chỉ còn lại hai gian phòng, nếu công tử chịu vào ở một mình, có thể theo bần đạo lên núi. Còn nếu không muốn chia tay với bằng hữu, lại không có nơi khác để ở, bần đạo có thể ra mặt, giúp công tử nói chuyện với một số quý nhân quen biết ở nước Thanh Loan, xin ở nhờ vài ngày. Chuyện này cũng không trở ngại, ngược lại còn là một thiện duyên.
Trúc Phụng Tiên cười lớn nói:
- Hứa đạo trưởng cần gì phải phiền phức như vậy, để nhóm người công tử đến chỗ ta ở là được.
Bà lão nhà Yên Chi cũng muốn mời nhóm Trần Bình An, chỉ tiếc bọn họ đều là nữ nhân, phải tránh hiềm nghi, thật sự không tiện mở miệng, đành trơ mắt nhìn thiện duyên lớn này bị những võ phu t.hô tục của bang Đại Trạch cướp đi.
Mưa núi đã tạnh, Trần Bình An hỏi thăm Hứa Bá Thụy hôm nay có thể đi xem cây quế trong đạo quán hay không. Hứa Bá Thụy cười bảo dĩ nhiên là được, nhưng phải cần hắn dẫn đường, người ngoài không thể tùy ý đi lại trong đạo quán.
Thế là Trần Bình An dẫn theo Bùi Tiền, Trương Sơn Phong và Từ Viễn Hà tiếp tục lên núi. Bốn người trong tranh cuộn thì đi theo “lão ma đầu nước Thanh Loan” Trúc Phụng Tiên, tới chỗ ở của bang Đại Trạch.
Đạo đồng nhỏ thích đến gần làm quen với Bùi Tiền, ôm một bó ô giấy dầu thu lại sau khi mưa ngừng. Chẳng có cách nào, trong đạo quán thì hắn nhỏ tuổi nhất, còn lại phần lớn là đám người già cổ hủ, răng không thừa được mấy cái, nếu không thì cũng là đạo sĩ nghiêm túc như tiểu sư thúc Hứa Bá Thụy. Khó khăn lắm mới gặp được một người bạn cùng lứa để tán gẫu, đạo đồng nhỏ đương nhiên rất vui mừng.
Bùi Tiền thì có phần không kiên nhẫn, sao lại gặp phải một con chim sẻ nhỏ líu ríu như vậy? Người tu đạo trên núi, chẳng phải đều nên giống như người mù, người câm, người điếc sao?
Sau khi rời khỏi vòng tay của sư môn và trưởng bối, thiếu nữ Lưu Thanh Thành của nhà Yên Chi tỏ ra rụt rè, còn cháu gái Trúc Tử Dương của Trúc Phụng Tiên thì không sợ trời không sợ đất, vẫn luôn hỏi thăm Hứa Bá Thụy một số lời đồn trên giang hồ liên quan đến Kim Quế quán.
Hứa Bá Thụy có lẽ là một người tính tình ôn hòa, kiên nhẫn trả lời từng câu, không thêm mắm thêm muối, cũng không che che giấu giấu, khiến Trúc Tử Dương theo đó sinh ra thiện cảm với Kim Quế quán.
Lưu Thanh Thành lấy can đảm, nhẹ giọng hỏi thiếu nữ mặt tròn của bang Đại Trạch:
- Hóa ra ngươi không phải tên là “Vãn Thượng” à?
Trúc Tử Dương vỗ trán một cái, bất đắc dĩ nói:
- Sao lại có người giang hồ ngây thơ như ngươi vậy?
Không trực tiếp nói Lưu Thanh Thành là ngu ngốc, đã xem như Trúc Tử Dương hạ miệng lưu tình rồi.
Khóe mắt Trúc Tử Dương liếc thấy thanh đoản đao tinh xảo bên hông Lưu Thanh Thành, trên vỏ trúc có khắc hai chữ “Tối Nhĩ”, bèn cười hỏi:
- Đoản đao này của ngươi rất đẹp, cho ta xem thử nhé?
Lưu Thanh Thành lắc đầu, rụt rè nói:
- Đây là di vật của thái thượng tổ sư, không thể tùy tiện đưa cho người khác.
Trúc Tử Dương còn muốn nài nỉ. Hứa Bá Thụy mỉm cười nói:
- Trúc Tử Dương, không nên ép buộc người khác. Sau này nếu thành đồng môn tu hành thì phải chú ý.
Trúc Tử Dương có ấn tượng không tệ với vị đạo sĩ anh tuấn này. Hơn nữa hắn là một trong số đệ tử đích truyền của quán chủ, rất có thể sẽ là sư huynh của mình ở Kim Quế quán. Nghe hắn nói như vậy, cô liền bỏ qua cho thiếu nữ nhà Yên Chi tính tính yếu đuối bên cạnh.
Lưu Thanh Thành dùng ánh mắt cảm kích nhìn đạo sĩ, người sau chỉ cười trừ.
Trần Bình An nhìn hai thiếu nữ sắp trở thành người tu hành trên núi, bỗng dưng nhớ đến năm xưa ở nước Thải Y, đã gặp được một thiếu nữ luyện khí sĩ đeo lục lạc, từng cùng hắn kề vai chiến đấu, hàng yêu trừ ma. Mặc dù đạo hạnh của cô không cao, nhưng cũng không gây phiền phức, là một cô nương có tấm lòng hiệp nghĩa. Sau đó cô đã trở thành đệ tử của Thần Cáo tông được người khác hâm mộ.
Còn gặp được đôi huynh muội khổ cực trong phòng chứa củi, hôm nay hai đứa bé kia cũng xem như nửa người tu hành rồi.
Thế sự huyền diệu chỉ trong những việc thường ngày.
Sau khi tới đạo quán, Trúc Tử Dương và Lưu Thanh Thành được đạo sĩ dẫn đến nơi trú ngụ. Đạo đồng nhỏ thì theo các sư huynh đi cất ô cành quế. Những đồ vật này rất quý giá, nghe Hứa tiểu sư thúc nói, nếu bán cho người dưới núi, một chiếc có thể đáng giá mấy ngàn lượng bạc, không hổ là cành quế “cung trăng” cắt xuống từ cây quế tổ tông.
Đạo đồng nhỏ mơ mộng xa xôi, một cán ô cành quế đã đáng giá như vậy, nếu quy sáu cây quế ra tiền để bán, núi Thanh Yêu nhà mình không phải sẽ biến thành một ngọn núi vàng thật lớn sao?
Hứa Bá Thụy dẫn nhóm người Trần Bình An băng qua đạo quán yên tĩnh không lớn, đi tới cửa sau.
Mưa tạnh trời trong, tầm mắt sáng ngời rộng rãi. Những cây quế cao lớn cổ xưa, cành lá tươi tốt. Cây quế chính giữa lại càng chọc trời. Hứa Bá Thụy lần lượt giới thiệu tên của mỗi cây quế già, cùng với những vị cao nhân trên núi từng đứng dưới cây nói những lời tuyệt diệu. Trình bày một cách rõ ràng vắn tắt, nhưng vẫn không mất đi sự thú vị.
Giữa những cây quế có đường đá xanh ngang dọc đan xen, dưới bóng cây có bàn đá ghế đá. Bàn đá phía dưới cây quế tổ tông, mặt bàn còn được đạo quán khắc họa thành bàn cờ. Hứa Bá Thụy dừng lại ở đây một lúc, dùng ngón tay vuốt qua mặt bàn cờ, cười bảo bàn cờ này cũng không phải dùng dao khắc thành, mà là một vị kiếm tiên xứ khác du lịch đến đây, dùng miệng phun ra kiếm khí sắc bén “đo đạc” tạo thành.
Đạo nhân trong quán đã từng dùng thước đo cẩn thận xem xét, phát hiện khoảng cách ngang dọc không sai lệch chút nào. Cho nên vị kiếm tiên kia ít nhất cũng phải là cảnh giới Kim Đan, thậm chí có thể là một vị kiếm tiên cảnh giới Nguyên Anh hiếm thấy ở Bảo Bình châu.
Nói đến đây, Hứa Bá Thụy thần thái rạng rỡ, mỉm cười nói:
- Rất lâu trước kia, trong quán chúng ta có một vị tiền bối muốn truy xét ngọn nguồn, đã từ vạn dặm xa xôi đi tới miếu Phong Tuyết, núi Chân Vũ, núi Chính Dương và vườn Phong Lôi, tìm kiếm hỏi thăm vị kiếm tiên kia.
- Ông ấy đã bái kiến rất nhiều kiếm tu nổi tiếng, cuối cùng đưa ra một kết luận. Vị kiếm tiên kia rất có thể là người đứng đầu cảnh giới Nguyên Anh ở Bảo Bình châu, vườn chủ của vườn Phong Lôi, Lý Đoàn Cảnh Lý đại kiếm tiên. Đáng tiếc sau khi vị tiền bối kia trở về đạo quán, lại không có tâm sức đến vườn Phong Lôi xác nhận. Sau đó trăm năm, chuyện này đã thành một vấn đề chưa được giải quyết.
Trần Bình An tâng bốc:
- Ta đã từng thông qua tranh cuộn tiên gia trên một chiếc thuyền, nhìn thấy Lý vườn chủ vườn Phong Lôi xuất kiếm, rất lợi hại. Nghe nói sau khi Lý vườn chủ kết thúc mối hận cũ với núi Chính Dương, đã binh giải rồi. Cũng không biết vườn Phong Lôi có tìm được người chuyển thế của vị kiếm tiên này hay không, để y trở lại sơn môn tu hành, tiếp tục hương khói đạo duyên.
Hứa Bá Thụy kinh ngạc nói:
- Lý đại kiếm tiên đã binh giải qua đời rồi?
Xem ra trăm năm gần đây, Kim Quế quán đúng là không hỏi thế sự.
Trần Bình An cười nói:
- Nghe nói là vậy, có điều chân tướng thế nào, ta cũng không dám suy đoán lung tung. Lý đại kiếm tiên tu vi thông thiên, không chừng là đang tìm kiếm thời cơ phá vỡ vách chắn cảnh giới Ngọc Phác.
Lưu Bá Kiều của vườn Phong Lôi, xem như là một trong số bằng hữu trên núi ít ỏi của Trần Bình An. Có lần vì tiên tử Tô Giá, Lưu Bá Kiều còn ngự kiếm đuổi theo thuyền của Trần Bình An, hai bên đã gặp mặt một lần.
Cho nên đối với chuyện Lý Đoàn Cảnh binh giải, Trần Bình An biết đó là sự thật. Có điều chuyện lớn như vậy, hắn là bằng hữu của Lưu Bá Kiều, đương nhiên không tiện khẳng định với người ngoài, tự hào vì mình biết được nội tình.
Trần Bình An đã quen nhìn việc nhìn người một cách tỉ mỉ, đột nhiên phát hiện khi mình thuận miệng nói ra “cảnh giới Ngọc Phác”, ánh mắt Hứa Bá Thụy lại xuất hiện biến hóa nhỏ bé.
Lúc này hắn mới tỉnh ngộ, không phải tất cả luyện khí sĩ đều biết xưng hô của năm cảnh giới cao, thậm chí có người cả đời chỉ có thể trơ mắt nhìn lên hai chữ “địa tiên”. Giống như Chu Hà năm xưa, khăng khăng cho rằng điểm cuối võ đạo là cảnh giới thứ chín Sơn Điên, không thể cao hơn được nữa.
Có điều với tâm cảnh của Trần Bình An hôm nay, đã không để ý tới loại sơ suất không quan trọng này nữa. Hành tẩu giang hồ, kết ân oán với võ phu thuần túy, hoặc là lên núi ngắm cảnh giao tiếp với luyện khí sĩ, nếu chỉ muốn cầm mà không muốn thả, chưa chắc đã là chuyện tốt. Một số lời gọi là tiết lộ thiên cơ, không chừng có thể bớt đi rất nhiều phiền phức.
Sau khi xem những cây quế thần tiên của Kim Quế quán, chuyến dạo chơi đạo quán cũng hạ màn. Hứa Bá Thụy dẫn nhóm người Trần Bình An đến ngoài sơn môn, trịnh trọng mời bọn họ ngày mốt tới đây xem lễ, còn nói sẽ giúp sắp xếp chỗ ngồi.
Trần Bình An cảm ơn, sau đó đi xuống sườn núi. Đi được hơn trăm bước, Từ Viễn Hà nhìn lại, thấy Hứa Bá Thụy vẫn đưa mắt nhìn nhóm người bọn họ rời đi, bèn quay đầu nhẹ giọng cười nói:
- Vị Hứa đạo trưởng này là một người có tâm, sau này nhất định sẽ sống không tệ ở Kim Quế quán.
Trần Bình An gật đầu nói:
- Phủ đệ tiên gia trên núi, dù sao cũng cần một người đại diện, đối nhân xử thế một cách cẩn thận chặt chẽ.
Trương Sơn Phong có phần thương cảm, hiển nhiên là nhớ đến sư môn của mình. Xông pha bên ngoài mấy năm, chung quy vẫn nhớ đến cái mũi sùi đỏ và tiếng ngáy như sấm của sư phụ. Nếu không gặp được Trần Bình An và Từ Viễn Hà, e rằng vị thiên sư khác họ chưa được ghi vào gia phả núi Long Hổ này, đã sớm chán nản trở về Bắc Câu Lô Châu rồi.
Đến viện lớn của bang Đại Trạch, đã có một quản sự khôn khéo giỏi giang chờ ở cửa lớn, hơi nghiêng người khom lưng, dẫn bọn Trần Bình An đến chỗ ở.
- -------
Tại một gian nhà trang nhã tĩnh mịch nằm phía sau Kim Quế quán, còn sâu hơn chỗ cây quế, Hứa Bá Thụy đang lễ độ cung kính đứng ở trong sân.
Hành lang dưới mái hiên rộng rãi sạch sẽ, dưới bậc thang có ba đôi guốc gỗ và giày. Trong nhà có một lão đạo nhân siêu trần thoát tục, chính là quán chủ Trương Quả, tu sĩ cảnh giới Long Môn.
Còn có hai vị khách quý đã “trượng nghĩa ra tay” trấn áp những kẻ gây rối, đó là thanh niên cường tráng Khương Uẩn, cùng với đại đô đốc Vi Lượng của nước Thanh Loan.
Lúc này ba người đang ngồi quanh một cái bàn, mỗi người ăn một tô mì chay, trộn măng, nấm và mấy loại rau dại mọc vào mùa xuân trong rừng núi, còn có bột chiên và mì nước đun lửa nhỏ, mùi thơm tràn ngập.
Sau khi Hứa Bá Thụy nói qua cách nhìn sơ lược của mình với nhóm Trần Bình An, quán chủ Trương Quả cười bảo đệ tử lui xuống nghỉ ngơi.
Lão đạo sĩ hỏi:
- Là trùng hợp, hay là bị bọn họ biết được ngọn nguồn tìm tới?
Vi Lượng ngẫm nghĩ, nói:
- Trùng hợp thôi. Nếu không phải Hứa Bá Thụy mặt mũi lớn, đám người này vốn đã đi chặn cửa phủ nhà ta rồi.
Hắn lại quay đầu nhìn Khương Uẩn, hỏi:
- Nhìn vừa rồi sắc mặt của ngươi thay đổi, chẳng lẽ là quen biết người này?
Khương Uẩn gật đầu nói:
- Là người bản xứ động tiên Ly Châu, lần đầu tiên gặp mặt còn là một dân chúng bình thường, hôm nay đã thay đổi hoàn toàn, thiếu chút nữa đã không nhận ra được. Tính tình thì không tệ, có điều ta suy đoán người này dính dáng đến không ít chuyện. Lúc trước gặp nhau ở bến thuyền Phong Vĩ, ta cũng không dám nói chuyện nhiều với hắn.
Vi Lượng cười nói:
- Đã là người sinh trưởng ở động tiên Ly Châu, có thế nào cũng không kỳ quái.
Khương Uẩn không phản bác chuyện này. Những người bên ngoài mang tiền đồng kim tinh tới tìm cơ duyên như hắn, thực ra vẫn kém xa người bản xứ ngồi chờ phúc duyên rơi xuống đầu.
Có điều trong số những người xứ khác, Khương Uẩn xem như khá may mắn, có thể mang đi dây khóa rồng đã luyện hóa thành vật bản mệnh, đây là một niềm vui bất ngờ. Ngay cả tu vi như sư phụ hắn cũng cảm thấy kinh ngạc vui mừng, cười bảo Khương Uẩn không chừng đã đoạt đi không ít khí vận của họ Khương Vân Lâm, mới có vận may lớn như vậy.
Khi đó dây xích buông xuống giếng nước động tiên, bị hắn nhìn trúng. Sau khi lấy được, sư phụ tìm bằng hữu giúp đỡ giám định, đã đưa ra một kết luận. Nó là di vật quý giá của một đại tu sĩ, ít nhất là cảnh giới Tiên Nhân, trước khi phá giải tất cả bí thuật cấm chế, đã là một món nửa tiên binh hàng thật giá thật.
Nghe đồn cấp bậc cao nhất của loại dây khóa rồng này được gọi là dây chém rồng, uy thế còn lớn hơn giỏ long vương có thể giam cầm giao long địa tiên viễn cổ. Đại tu sĩ chỉ cần ném nó ra, sẽ có thể ung dung trói giao long lại, rung tay một cái là có thể lột da rút gân giao long tại chỗ, chỉ để lại xương sống và một viên ngọc châu.
Có điều cơ duyên lớn nhất động tiên Ly Châu không phải là những “vật chết” này, mà là năm con vật nhỏ kia. Chẳng phải cứ đào đất ba thước là có thể tìm thấy, mà phải dựa vào số mệnh. Khương Uẩn còn không thấy được mặt mũi của chúng.
Lão đạo nhân Trương Quả bỏ đũa xuống, vỗ vỗ bụng, nói:
- Không ăn ngũ cốc nhiều năm, vì chiêu đãi hai vị khách quý các người nên phá lệ một lần, cảm giác cũng không tệ.
Ông ta lại híp mắt cười hỏi:
- Vi đại đô đốc, lần này Kim Quế quán hao tốn sức lực như vậy, mở cửa thu đồ đệ, còn cố ý tiết lộ bí mật cây quế tổ tông nhà ta có thể luyện hóa nửa tiên binh. Để cho những kẻ bất chính trà trộn vào trong, sau đó đóng cửa đánh chó, giúp nước Thanh Loan các người đánh chết mười mấy tên tu sĩ từ bên ngoài đến. Hoàng đế họ Đường không tỏ ý một chút sao?
Vi Lượng cười nói:
- Tỏ ý? Có chứ, không phải ta đang ngồi đây ăn một tô mì chay sao?
Trương Quả đưa tay chỉ vào Vi Lượng, trách móc:
- Tổ sư gia đạo quán năm xưa nói không sai, đúng là vắt cổ chày ra nước. Chẳng trách lại truyền lời xuống, bảo Kim Quế quán ít giao tiếp với phủ đô đốc của ngươi.
Vi Lượng còn thừa nửa tô mì chay, đã bỏ đũa xuống. Kết quả lại bị Khương Uẩn cầm qua, không nói gì khác ăn ngấu nghiến. Vi Lượng làm như không thấy, nói với quán chủ Trương Quả:
- Ngươi nên biết hài lòng đi. Ban đầu xây dựng Kim Quế quán, vốn chẳng có hương khói gì. Là ai mời được Lý Đoàn Cảnh tới chỗ các ngươi ăn mì chay? Còn có lần này, Khương đại công tử của họ Khương Vân Lâm, Trương Quả ngươi tự mình mời được à? Một tô mì chay rẻ tiền, cho dù ngươi bưng đến trước mặt người ta, Khương Uẩn sẽ chịu cầm đũa lên sao?
Khương Uẩn vẫn vùi đầu ăn mì, cũng không nể mặt Vi Lượng, nói hàm hồ không rõ:
- Một đôi đũa là đủ rồi, mì chay cho thêm mấy tô là được.
Trương Quả cười ha hả, tâm tình rất tốt. Trong ấn tượng của ông ta, con cháu họ Khương Vân Lâm ai nấy đều mắt cao hơn đầu. Nhưng vị tu sĩ trẻ tuổi Khương Uẩn này thì lại khác, đã kết bạn đồng hành với Vi Lượng, quan hệ còn tâm đầu ý hợp, chắc không phải xuất thân từ dòng bên họ Khương. Vậy thì thú vị rồi.
Vi Lượng do dự một thoáng, nói:
- Trương Quả, tiểu nha đầu của nhà Yên Chi kia, sau này phiền ngươi chiếu cố nhiều hơn.
Trương Quả nở một nụ cười đầy thâm ý, hỏi:
- Dao rọc giấy “Tối Nhĩ” mà tiểu nha đầu đeo bên hông, chắc là đồ vật năm xưa ngươi tặng cho một cô gái tổ sư nhà Yên Chi đúng không?
Vi Lượng thở dài một tiếng.
Trương Quả cũng không được đằng chân lân đằng đầu. Những tình thù hồng trần này, thực ra mỗi tu sĩ năm cảnh giới trung ít nhiều đều sẽ có. Quay đầu nhìn lại giống như mây khói thoảng qua, chỉ xem tu sĩ có nhớ tình cũ hay không mà thôi.
Ân thù dưới núi năm xưa, sau khi một bên trở thành tiên gia, tình huống sẽ trở nên rất phức tạp.
Tu sĩ nhớ thù, ân oán trăm năm còn như mới. Thường sẽ có hào môn gia tộc ở một số địa phương, đột nhiên gặp phải tai bay vạ gió, bị nhổ cỏ tận gốc không chừa một mống.
Tu sĩ nhớ tình, vậy con cháu đời sau của một người nào đó dưới núi, sẽ có thể lặng lẽ hưởng thụ ân huệ tổ tiên. Có lẽ ngay cả chính bọn họ cũng không biết, vì sao có thể nhiều lần tránh được kiếp nạn, trong xa xăm giống như có một bàn tay lớn che mưa che gió cho bọn họ.
Trương Quả nói:
- Người có tư chất tốt nhất trong đó là tiểu khuê nữ của bang Đại Trạch, cháu gái của Trúc Phụng Tiên, hôm nay đã là luyện khí sĩ cảnh giới thứ ba, chắc là người duy nhất có tư chất địa tiên. Tiếp theo là tiểu cô nương của nhà Yên Chi, có hi vọng cảnh giới Động Phủ, nhiều nhất là cảnh giới Quan Hải. Ngoại trừ Trúc Tử Dương và Lưu Thanh Thành, trong bảy người còn lại, ta thấy không ai có thể bước vào năm cảnh giới trung.
Vi Lượng và Khương Uẩn đồng thanh nói:
- Chưa chắc.
Ánh mắt Trương Quả sáng lên:
- Là người nào?
Vi Lượng chỉ cười không nói.
Khương Uẩn ngẩng đầu lên, cũng không trả lời, lại thay đổi đề tài, hỏi Vi Lượng:
- Yêu vật thuộc trâu đất kia, ngươi không quan tâm sao? Chẳng phải từ lâu ngươi đã muốn thu nó vào dưới trướng, để nó làm vật cưỡi của thần linh Bắc Nhạc nước Thanh Loan các ngươi?
Vi Lượng lắc đầu nói:
- Bỏ đi, chuyện cơ duyên chỉ có thể thuận thế mà làm, cố bẻ dưa thì sẽ không ngọt. Thần linh Bắc Nhạc đã sớm nói với ta, con trâu đất này nhìn như hiền lại vô hại, nhưng thực ra tính tình mạnh mẽ. Yêu vật cảnh giới Long Môn, có ai muốn bị gò bó ở một ngọn núi, cả đời bị một vị thần linh núi cao cưỡi lên người? Vào thần đạo rồi, đây chính là kết cục vĩnh viễn không thoát thân được. Một khi kích phát hung tính của nó, đối với núi sông Bắc Nhạc sẽ là họa chứ không phải phúc.
Trương Quả tấm tắc nói:
- Nếu yêu này có thể trấn giữ núi Thanh Yêu của bần đạo, sẽ là một chuyện tốt đôi bên cùng có lợi. Chẳng qua là hai bên ngang vai ngang vế, Kim Quế quán sẽ xem nó như cung phụng hộ sơn. Vi đại đô đốc, ngươi cảm thấy khả thi không?
Vi Lượng vẫn lắc đầu, ánh mắt thâm trầm, mỉm cười nhắc nhở:
- Ngươi tốt nhất đừng trêu chọc Trần Bình An kia. Người này sau khi rời khỏi động tiên Ly Châu, rất có thể đã thành môn hạ đệ tử của một vị cao nhân Pháp gia. Chắc ngươi biết rõ phong cách hành sự của đệ tử Pháp gia chúng ta, trên núi dưới núi đều đối xử như nhau.
Trương Quả bất đắc dĩ nói:
- Biết rồi, tứ đại quỷ khó dây trên núi, bao gồm kiếm tu rắm chó, người nợ đao của Mặc gia, đạo sĩ của phòng Sư Đao, cuối cùng là đệ tử Pháp gia các ngươi không nói lý nhất.
Vi Lượng cười hỏi:
- Chúng ta không nói lý?
Trương Quả hơi chột dạ, đột nhiên cười nói:
- Vậy sao Vi đại đô đốc ngươi không nói lý với yêu vật trâu đất kia đi?
Vi Lượng hờ hững nói:
- Pháp lý thế gian, dùng người làm gốc.
- --------
Chú thích:
(1) Tam đô ngũ chủ thập bát đầu: những chức vị trong chế độ thập phương tùng lâm của Đạo giáo.
Tam đô bao gồm đô quản, đô giảng, đô thụ.
Ngũ chủ bao gồm đường chủ, điện chủ, kinh chủ, hóa chủ, tĩnh chủ.
Thập bát đầu bao gồm khố đầu, trang đầu, đường đầu, chung đầu, cổ đầu, môn đầu, trà đầu, thủy đầu, hỏa đầu, phạn đầu, thái đầu, thương đầu, ma đầu, niễn đầu, viên đầu, đoàn đầu, đàn đầu, tịnh đầu. Căn cứ theo tùng lâm (cung quán) lớn hay nhỏ để bố trí.