Kim Kiếm Lệnh

Chương 25: Tu la thần mỗ



Kim kiếm!

Đúng là một thanh kiếm nhỏ, làm bằng vàng ròng, trên chuôi chạm trổ hết sức tinh vi, có cẩn đủ mười ba hạt bảo thạch long lánh.

Kiếm Chính Nghĩa! Lại một cây kiếm Chính Nghĩa giả nữa?

Vệ Thiên Tường sợ hãi, thốt ra câu nói trên rồi hai tay run run cầm lấy thanh kiếm vàng đưa lên xem và nghĩ bụng :

Trước khi mình hạ sơn, Cổ thúc thúc đã trịnh trọng trao cho mình một thanh kiếm vàng! Lúc trên núi Nhạn Đãng, sáu vị thúc thúc bị kẻ thù sát hại cũng có phát hiện một thanh kiếm vàng, bây giờ mình còn đang giữ trong người.

Sau này, tại thủ trại của Diêm Bắc Thần, chính mắt mình đã trông thấy có người mang đến biếu lễ thọ một cái hộp trong đó cũng là một thanh kiếm vàng nữa! Nay Thạch Cảm Đang lúc hấp hối nhờ mình trao lại cho sư phụ hắn là Thái Nhạc lão nhân một tín vật, cũng là một thanh kiếm vàng nữa!

Chàng lẩm bẩm :

- Kim kiếm! Kim kiếm! Sao mà lắm Kim kiếm như thế này?

Nhưng trong những thanh kiếm này, cái nào mới là Kim Kiếm lệnh chân chính? Là Chính Nghĩa kiếm, dĩ nhiên chỉ một cây mới phải. Điều dám quả quyết là thanh kiếm thật phải là thanh kiếm mà sáu vị thúc thúc đã luân phiên nhau bảo vệ suốt mười ba năm nay và cuối cùng, Cổ thúc thúc đã trịnh trọng giao lại cho mình!

Nhưng chàng lại tự hỏi :

- “Có điều lạ lùng là gần đây bao nhiêu Kim Kiếm lệnh giả lại xuất hiện trên giang hồ. Cứ mỗi thanh kiếm lại gây thêm một cuộc xáo trộn hay một biến cố vô cùng quan trọng lạ lung. Không rõ những người trao kiếm kia là kẻ nào. Ồ, rắc rối quá, bí mật quá! Thiên hạ bắt trước chế ra kiếm Chính Nghĩa với mục đích gì?”

Bao nhiêu ý nghĩa quay cuồng, tranh chấp nhau trong đầu óc Vệ Thiên Tường mãi mà không được sự giải đáp nào thỏa đáng.

Tuy nhiên chàng vẫn tìm được một điều chắc chắn là, bất kỳ với lý do nào hay vì mục đích nào, việc xuất hiện của bao nhiêu Kim Kiếm lệnh giả, nhất định phải có sự liên hệ mật thiết với phụ thân mình.

Nam Cung Uyển đắng nhìn thấy chàng cứ sửng sốt, ngơ ngác như người mất trí liền dịu dàng hỏi :

- Vi ca ca, anh làm sao thế?

Vệ Thiên Tường giật mình vội đáp :

- Ồ, không có gì hết.

Nam Cung Uyển lại nói :

- Vi ca ca, thanh kiếm nhỏ bằng vàng này có phải là “Chính Nghĩa chi kiếm” hiệu lệnh của Võ lâm Minh chủ, Giang Nam Vệ đại hiệp hay không? Trước kia phụ thân tôi có nhiều lần nói đến rồi.

Vệ Thiên Tường cố ý lắc đầu nói :

- Chính tôi đây cũng không được biết lắm. Nhưng có một việc đáng để ý là mấy hôm trước, khi ở thủ trại của Diêm Bắc Thần, có người lạ mặt mang đến biếu làm lễ thọ, một thanh kiếm vàng cũng giống y như thanh kiếm này. Sau khi được Diêm Bắc Thần giải thích thì mới biết rằng đó là kiếm Chính Nghĩa của Giang Nam đại hiệp, Minh chủ võ lâm ngày trước. Khi ấy chính tôi và Sầm Phong đã nhìn thấy rõ rang.

Nam Cung Uyển nghe nói rất lấy làm lạ bèn hỏi thêm :

- Thế thì đúng rồi! Trước kia, tôi thường nghe gia phụ nói rằng kiếm Chính Nghĩa này do chính tay Tử Dương chân nhân lão tiền bối, Chưởng môn phái Võ Đang đúc ra. Nó làm tiêu biểu cho cả mười ba đại môn phái để tặng Vệ đại hiệp Minh chủ, chỉ trừ chính nghĩa võ lâm. Như thế thì kiếm Chính Nghĩa làm gì có đến hai cái được!

Nhưng nàng bỗng ngạc nhiên vội nói :

- Ủa, Vi ca ca này, mau lại đây xem, tại sao ở dưới chuôi kiếm này còn có một chữ “trương” nữa?

Vệ Thiên Tường lật thanh kiếm lại xem xét thật kỹ. Quả nhiên phía dưới chuôi kiếm có lộ ra một góc giấy nhỏ, lờ mờ có chữ.

Chàng vội vàng rút ra coi thì đó là một miếng giấy xếp thật kỹ, ngay ngắn, bên trong có viết :

“Ngày rằm tháng này, đệ tử đi qua hồ Động Đình để yết kiến sư thúc”.

Nghe Vệ Thiên Tường đọc đến đây, Nam Cung Uyển ghé đầu lại hỏi :

- Vi ca ca, anh có biết vị sư thúc của Thạch Cảm Đang Sầm Phong là ai không?

Vệ Thiên Tường nói :

- Tôi có nghe thiên hạ đồn rằng Thái Nhạc lão nhân còn có một người sư đệ đồng môn tên gọi là Khai Bi Thủ Đồng Văn Kỳ, hiện ẩn cư tại Đỉnh sơn ở hồ Động Đình.

Nam Cung Uyển nói :

- Đúng đấy chính tôi cũng nghe gia phụ thường nói trong các phái ngoại gia phải tôn sùng “Bàn Thạch chưởng” của Khai Bi Thủ là số một...

Vệ Thiên Tường không chờ nàng nói hết câu, tiếp tục đọc tiếp :

“... Không ngờ sau khi gặp và chào hỏi xong, thấy sư thúc có vẻ xao xuyến suy tư, mặt mày đăm chiêu suy nghĩ, chắp tay đi đi lại lại trong sân, hình như đang có một tâm sự gì rất trọng đại chưa giải quyết được.

Đệ tử thấy vậy rất ngạc nhiên nhưng không dám gạn hỏi nguyên nhân. Đêm đó đệ tử nằm chung giường cùng Đồng sư đệ, có tìm cách dò hỏi nhưng vẫn chưa biết nguyên nhân gì.

Ngay đêm đó, sư thúc đã mất tích một cách rất lạ lùng. Mặc dù đã tìm kiếm khắp nơi nhưng không thấy dấu vết gì hết. Duy có ở đầu bàn đặt gần cửa sổ có lưu lại một dấu dao găm rất nhỏ, tựa hồ như có kẻ nào từ bên ngoài cửa sổ phóng loại truỷ thủ vào cắm sâu xuống mặt bàn, còn lưu vết lại.

Sau đó, tìm được dưới gối sư thúc thấy được hai thanh kiếm vàng này. Đem xem thử mũi kiếm vào vết sâu trên bàn thấy vừa vặn như khuôn đúc. Như thế rõ ràng là thanh kiếm nhỏ đã từ bên ngoài phóng vào. Kẻ ném kiếm phải là một kẻ thù bí mật đã từ đâu đến.

Nhưng không biết tại sao sư thúc lại đem thanh kiếm này giấu dưới gối?

Vả chăng Kim Kiếm lệnh là vật sở hữu của Võ lâm Minh chủ Giang Nam Vệ đại hiệp. Vệ đại hiệp đã tuyệt tích giang hồ trên mười mấy năm qua, hà cớ ngày nay Kim Kiếm lệnh lại tự nhiên xuất hiện?

Đệ tử nhận thấy việc này có tầm quan trọng rất lớn, đồng thời có liên quan mật thiết đến đại cuộc gần đây, nên đã dặn dò Đồng sư đệ tạm thời giữ kín, đừng để lộ ra ngoài. Ngay hôm ấy, đệ tử lập tức mang theo thanh kiếm này, gấp rút hồi sơn để xin chỉ thị sư phụ.

Mấy ngày gần đây, lại phát hiện có một người bịt mặt đã bí mật theo dõi, bám sát đệ tử từ trong bóng tối. Xét ra trình độ võ công của kẻ này có phần vượt xa đệ tử nhiều lắm. Vì vậy nên việc đì về tận Bàn Thạch lĩnh để diện trình sư phụ chưa biết có thể thực hiện được hay không, đệ tử chưa thể quả quyết dự đoán trước được.

Đệ tử Sầm Phong kính trình

Ngày 22 tháng 9 năm...”

Sau khi đọc nốt một hơi xong bức thư này, Vệ Thiên Tường bỗng thấy xúc động trong lòng, suy nghĩ :

- “Kim kiếm này phát hiện được dưới gối của Đồng Văn Kỳ! Như thế, sự mất tích của Đồng Văn Kỳ, phải chăng cũng gần tương tự như trường hợp mất tích của Giang Bắc đại hiệp Diêm Bắc Thần? Vì ngay sau khi Diêm Bắc Thần nhận được thanh Kim Kiếm lệnh của người vô danh mang đến, liền bị bí mật mất tích ngay”.

Rồi chàng băn khoăn tự hỏi :

- “Khai Bi Thủ Đồng Văn Kỳ tại sao bị mất tích, do bàn tay kẻ nào đây? Căn cứ vào kỹ thuật của Thạch Cảm Đang Sầm Phong thì có người từ ngoài cửa sổ phóng kiếm vào cắm ngay trên bàn. Đó có lẽ là hành động cảnh cáo. Đồng Văn Kỳ đã đem Kim kiếm cất xuống dưới gối nằm. Ngay từ khi ấy ông trở nên suy tư, ủ rũ có lẽ vì lo sợ. Nhưng kết cục, ông đã bị mất tích một cách ly kỳ bí mật!

Việc mất tích của hai nhân vật quan trọng này có nhiều điểm gần giống như nhau. Trường hợp của Diêm Bắc Thần thì cứ như lời nói đã phát ra từ miệng của Giang hồ thập nghĩa thì chính lão ấy là kẻ thủ phạm mưu hại phụ thân mình. Nếu vậy chả lẽ Khai Bi Thủ Đồng Văn Kỳ cũng là người cùng tham dự vào việc đó hay sao?

Còn một chuyện rắc rối hơn nữa, là tại sao có kẻ chủ mưu rập khuôn chế ra những thanh Kim kiếm giả. Phải chăng vì sợ phụ thân mình tái hiện giang hồ ra tay trả thù, mới tạo ra Kim Kiếm lệnh giả dung để uy hiếp tinh thần nhưng cao thủ có liên hệ rồi giết họ luôn để bịt miệng?”

Nghĩ đến đây, Vệ Thiên Tường cảm thấy dòng tư tưởng của mình đã có mạch lạc dần dần và đã có vẻ hợp lý hơn.

Nhưng còn một việc là sáu vị thúc thúc nhất định không phải là những kẻ đồng mưu với họ, nhưng tại sao sau khi sát hại cũng để Kim kiếm lại là vì lẽ gì?

Sau cùng chàng quả quyết :

- À, phải rồi! Đây cũng là một trường hợp sát nhân diệt khẩu rồi! Sáu vị thúc thúc, sau bao nhiêu năm hoạt động có thể đã tra cứu tìm ra được tông tích những người tham dự cuộc bao vây ám hại phụ thân mình rồi. Phải, nhất định như thế rồi.

Kẻ gian nào đã bắt chước chế ra kiếm Chính Nghĩa, sát hại cả sáu vị thúc thúc cùng một lúc, nếu chẳng phải là Thiên Diện giáo thì còn ai vào đây nữa?

Hèn chi bọn chúng tìm cách đoạt lại thanh Kim Kiếm lệnh bị lọt vào tay Sầm Phong để khỏi làm tiết lộ bí mật ra bên ngoài.

Thiên Diện giáo tái hiện giang hồ, đã kết nạp thu hút không biết bao nhiêu là cao thủ võ lâm. Những bọn người như Quỷ Kiến Sầu Lục Thừa, Nhân Yêu Hách Phi Yên, đã được chúng kết nạp vào hàng ngũ. Cả đến Trí Giác thiền sư cũng hợp tác với chúng rồi. Còn Lao Sơn Đỗ Thanh Phong, Lý Thành Hóa, lẽ dĩ nhiên, không cần nói cũng nhận thấy là đồng mưu với chúng rồi.

Nam Cung Uyển đọc xong những hang chữ của Sầm Phong rồi, liền quay đầu nhìn lại Vệ Thiên Tường. Nàng thấy Vệ Thiên Tường có vẻ suy tư nghĩ ngợi điều gì nên bất giác hỏi lớn :

- Vi ca ca, có phải anh đang suy nghĩ đến trường hợp mất tích của Khai Bi Thủ Đồng Văn Kỳ chăng? Ồ, mà cách đây mấy hôm trước, Diêm lão đầu cũng mất tích như vậy. Quả nhiên là việc lạ lùng. Tại sao bao nhiêu nhân vật đã nổi tiếng một thời từ lâu năm đều lần lượt bị mất tích cả như vậy?

Rồi nàng chợt nghĩ đến chuyện gì, nói tiếp, có vẻ khẩn trương hơn :

- Ủa, mà phải rồi! Con người có đại danh lẫy lừng nhất trong thiên hạ là Minh chủ võ lâm, Giang Nam đại hiệp Vệ Duy Tuấn, chả phải đã mất tích từ mười ba năm trước rồi sao? Hình như bây giờ đại hiệp Minh chủ đã có tin tức lại rồi đấy, ca ca nhỉ.

Vệ Thiên Tường nghe nhắc đến phụ thân mình, trong long không khỏi bị xúc động, chàng vội vàng xếp kỹ tờ giấy lại, gói chung với thanh kiếm vàng, cẩn thận cất vào người rồi thản nhiên cười nói :

- Việc giang hồ thực thực, giả giả biết đâu mà lường, ân oán dính líu vô cùng phức tạp, không ai có thể quyết đoán được một cách rành mạch rõ rang.

Nam Cung Uyển nói :

- Phải rồi, chính gia phụ có nói: “Một cá nhân nào, chỉ cần bước chân vào giang hồ mang tiếng thị phi và vướng điều ân oán ngay tức khắc”. Cũng vì vậy mà ông ta không muốn để một mình tôi tự ý hạ sơn để xông pha vào giang hồ.

Vệ Thiên Tường muốn nhân dịp ấy để bắt sang câu chuyện khác nên tươi cười ngay :

- Nếu vậy, bây giờ cô nương chưa phải hạ sơn rồi sao?

Nam Cung Uyển cũng cười xòa rồi nũng nịu nói :

- Thật ra không dễ dàng gì được hạ sơn đâu. Lúc đó nếu không có Chử thúc thúc đến Giang Nam, tôi nhân dịp cố nài xin và nhờ ông ta nói họ mới được đi đấy chứ.

Vệ Thiên Tường ngạc nhiên hỏi :

- Ủa, còn Chử thúc thúc của cô nương đâu rồi?

Nam Cung Uyển nói :

- Trong khi ở nhà trọ, tôi lén để lại một mảnh giấy rồi chuồn luôn ra ngoài. Ối cha, hôm ấy không phải chính mắt anh cũng trông thấy rồi sao! Sở dĩ tôi cố tình ẩn nấp và kéo anh cùng lánh mặt là chỉ sợ ông ấy trông thấy mà thôi.

Vệ Thiên Tường cười nói :

- À, có phải cô muốn chỉ con người cao lênh khênh, xương xương hôm ấy là Hỏa Ảnh Tử đấy không?

Nam Cung Uyển gật đầu nói :

- Phải đấy, Vi ca ca, anh nhớ dai lắm, còn nhớ được cả ngoại hiệu của Chử thúc thúc nữa. Ông ta tên gọi là Vô Kỵ, hiệu Hỏa Ảnh Tử. Bản lãnh ông ấy thật cao cường nhất là lối sử dụng hỏa khí quả nhiên là thiên hạ vô địch.

Vệ Thiên Tường sực nhớ lại nói :

- Phải rồi, hèn chi hôm ấy ông ta đã ra tay đốt cả gia trang Diêm Bắc Thần. Như thế giữa ông ta cùng Diêm Bắc Thần có một mối thù sao?

Nam Cung Uyển nói :

- Tôi không được biết chắc chắn. Tuy nhiên cũng có thể giữa hai người đã có sự hiềm thù từ trước.

Vệ Thiên Tường bỗng nhớ lại câu bí mật mười chữ, do miệng của Giang Hoài thập nghĩa phát ra trước khi ngã chết, không khỏi bực tức và hằn học nói :

- Đốt hết! Hay lắm! Cũng nên đốt sạch cho rồi! Lão tặc họ Diêm bị con chết, tài sản cháy sạch, kể ra cũng là sự báo ứng nhãn tiền, đáng lắm, đáng lắm!

Nam Cung Uyển thấy chàng nghiến răng hằn học nói ra câu ấy, ngạc nhiên vô cùng, vội hỏi :

- Vi ca ca, giữa anh và Diêm Bắc Thần cũng có mối đại thù sao?

Vệ Thiên Tường ngại ngùng sợ bị tiết lộ thân thế mình, vội vàng tìm cách cải chính ngay :

- Không, giữa tôi và ông ta chưa hề quen biết thì làm sao có điều ân oán được. Tuy nhiên lão tặc đó đã mượn cớ chúc thọ dùng thuốc độc sát hại biết bao nhiêu anh hùng, bè bạn cũ. Tội ác ấy, dù hắn có bị bằm thây cũng chưa chuộc lại hết.

Nói đến đây, chàng tiếp luôn câu chuyện khác để đánh trống lảng :

- Này Uyển muội, cô chỉ lo mải nói chuyên mà quên cả lương khô. Bây giờ ruột gan đang kêu réo đòi ăn đấy.

Nam Cung Uyển bỗng nhớ lại, đưa mắt nhìn trời đã sắp tối rồi, cười đáp :

- Phải, chúng ta cần ăn ngay để được ngủ sớm. Ngày mai còn đi ngắm cảnh mặt trời mọc chứ. Anh nhắc vừa đúng lúc lắm. Thôi, hãy dùng lương khô đỡ dạ cho rồi.

Hai người bày lương khô ra ăn ngon lành.

Nam Cung Uyển lấy cả bầu nước mang theo sẵn bên mình chia nhau uống mấy hớp rồi bước theo Vệ Thiên Tường vào trông nhà tránh gió.

Lúc này là sơ tuần tháng mười. Bên ngoài gió núi thổi lộng ù ù, lạnh buốt tận xương. Nhưng hai người đều có nội công mầu nhiệm, rét lạnh không xâm nhập vào người nổi nên dung ngồi lạnh một đêm cũng không có lý gì hết.

Một đêm đã qua!

Không bao lâu trời gần sáng.

Nam Cung Uyển ngủ một giấc khá ngon tinh thần thoải mái. Nàng mở bừng đôi mắt, sửa soạn lại khăn áo vùng đứng lên kêu lớn.

- Vi ca ca, bây giừo đã mấy giờ rồi!

Vệ Thiên Tường tươi cười đáp :

- Hãy còn sớm và kịp chán.

Chàng vừa đúng dậy, Nam Cung Uyển đã nắm áo kéo đi ra khỏi nhà.

Bầu trời mây mờ phủ kín, mù mịt khắp nơi. Lúc này đã sang hẳn. Trong nháy mắt, bầu trời trắng đục đã biến thành năm màu sặc sỡ. Mây cuốn ráng bay, vừng thái dương từ từ ló dạng.

Cảnh tượng quả nhiên tuyệt đẹp.

Nam Cung Uyển vỗ tay reo cười :

- Ồ, đẹp quá, đẹp quá! Vi ca ca tôi đã nhìn thấy bể Đông rồi! Có phải đó là bể đông không?

Nàng vừa nói, bỗng từ phía sau có tiếng một bà già nói :

- Vô Tà, trong hai đứa, đứa nào là môn hạ của lão yêu bà?

Vệ Thiên Tường và Nam Cung Uyển cùng giật mình kinh hãi.

Tiếng nói từ đâu đến chưa dám chắc, nhưng có lẽ chỉ cách độ năm trượng, võ công như hai người mà không thể phát giác ra được, đến nỗi chừng lên tiếng mới hay.

Vừa nghe dứt câu, cả hai đã cùng quay đầu nhìn lại.

Thì ra kẻ phát ra tiếng nói là một lão bà tóc bạc như tuyết, mặc bộ quần áo màu huyền, mặt xương xương, da nhăn dúm. Tay lão bà cầm một thanh gậy sơn đỏ, trên đầu gậy có treo lủng lẳng một thanh đoản kiếm màu, vỏ chạm trổ lốm đốm, dài chừng hai thước. Đôi mắt lão bà chớp sang loang loáng cứ nhìn tròng trọc vào hai người.

Phía sau lão bà có một đôi nam nữ thanh niên, chính là hai anh em họ Tu mới gặp cách đây mấy bữa.

Người thiếu niên áo đen tên Tu Vô Tà đưa tay chỉ vào Vệ Thiên Tường nói :

- Mỗ mỗ, hắn đấy.

Tu Ngoc Nhân lướt nhẹ vè phái Nam Cung Uyển, miệng nhoẻn một nụ cười rất xinh.

Lão bà tóc trắng đắn đo một chút rồi nhìn kỹ lại. Bà thấy trước mặt có hai chàng thiếu niên thư sinh mặt mày sang sủa, nhân phẩm thanh nhàn, xem qua như hai cành cây ngọc nên đã nảy xinh ra một niềm cảm xúc thân mật và suy nghĩ :

- “Chà, cả hai đứa đều dễ mến cả. Chỉ đáng tiếc nó là môn hạ của lão yêu bà. Nếu không thì chọn bất cứ đứa nào cho con bé Ngọc Nhân của ta cũng hết sức xứng đôi vừa lứa”.

Vệ Thiên Tường nhìn thấy anh em họ Tu và bà cụ già tóc bạc vừa xuất hiện bất ngờ nơi đây trong lòng hơi sửng sốt. Hơn nữa, lời nói của lão bà có vẻ không hiền, hình như họ tính đến đây với dụng ý gây chuyện cùng bọn mình.

Chàng chững chạc tiến lên mấy bước, vòng quyền nói :

- Không ngờ trên đỉnh núi Thái Nhạc lại được gặp lại hiền huynh, muội. Còn vị lão bà tiền bối này là ai, xin cho biết để tiện việc xưng hô.

Tu Vô Tà chỉ cười lạt một tiếng rồi nín thinh.

Lão bà tóc bạc tái mặt nói :

- Thằng bé này có phải tên Vi Hành Thiên không?

Vệ Thiên Tường cúi mình lễ phép đáp :

- Vãn bối chính là Vi Hành Thiên. Không biết lão bà có điều gì dạy bảo?

- Mầy là môn hạ của Cưu la lão yêu bà, tất nhiên phải biết rõ bà ta ở đâu?

Vệ Thiên Tường sửng sốt nói :

- Thưa lão bà bà, đó là bà bà đã hiểu lầm rồi. Sư phụ vãn bối đâu phải...

Lão bà tóc bạc đột nhiên cầm gậy dộng mạnh xuống đát nói lớn :

- Hiểu lầm sao được. Mầy không phải là người đã sử dụng Tu La thất kiếm hay sao? Trước mặt già này mà mầy còn tìm cách chối quanh hả?

Vệ Thiên Tường sực nhớ lại chính hôm đó mình đã thi thố một chiêu của Tu La thất kiếm. Lúc Tu Vô Tà lướt ra đi có nói lại “ngươi là môn hạ của lão bà La Sát, sẽ có người tìm gặp ngươi để thanh toán”. À phải, nếu không sử dụng kiếm pháp này, làm gì có sự dây dưa rắc rối hôm nay.

Nghĩ thế rồi chàng nghiêm sắc mặt nói :

- Thưa lão bà bà, quả thật vãn bối đây không phải là môn hạ của Cưu La lão bà như lời lão bà vừa nói.

Lão bà lắc lư cái đầu, tóc bạc tung bay phất phới, khanh khách cười lớn và nói :

- Tu La kiếm quyết từ bốn mươi năm qua đã bị Cưu La lão yêu bà lấy trộm mang đi, Tu La thất kiếm chỉ còn lại năm kiếm mà thôi. Nếu mầy không phải môn đệ của lão yêu bà thì là môn hạ của ai mà sử dụng nổi Tu La thất kiếm?

Vệ Thiên Tường định nói thật là Tu La thất kiếm do Tu Linh Quân chân truyền cho, vả lại hai kiếm cuối cùng cũng chính do Tu Linh Quân suốt hai mươi năm ẩn cư trong Thủy Liêm động đã âm thầm nghiên cứu và bổ túc thêm lên.

Nhưng khi nghe khẩu khí của lão bà tóc bạc, chàng có linh tính đoán rằng có lẽ trong Tu La môn tất nhiên đã có xảy ra lắm chuyện không được êm đẹp và gây rắc rối cho sự tu luyện của Tu Linh Quân.

Chàng suy nghĩ một lúc rồi lễ phép giải thích :

- Thưa lão bà bà, vãn bối không bao giờ dám nói dối cùng một bậc trưởng thượng tiền bối. Thật ra kiếm pháp này do một vị tiền bối ẩn cư truyền cho. Lúc truyền dạy, vị tiền bối ấy cũng có nói qua Tu La thất kiếm là môn bí truyền và hai thế kiếm chót là do ông ta đã tổn phí tâm huyết suốt hai chục năm trời để sáng chế bổ túc thêm chứ quyết không phải do Cửu La bà truyền lại như lời lão bà vừa nói.

Lão bà tóc bạc, mắt lộ hào quang hét lớn :

- Nếu vậy kẻ ấy là ai? Hãy nói mau!

Vệ Thiên Tường tỏ vẻ khó chịu nói :

- Vị lão tiền bối ấy ẩn cư độn thế đã từ lâu. Ông ấy không cho phép vãn bối được tiết lộ danh tánh của ông nên vãn bối khó long nói được. Kính mong lão bà miễn chấp.

Lão bà khẽ hừ một tiếng rồi gật đầu nói :

- Được rồi. Dù mầy không chịu nói ra danh tánh của sư phụ mầy cũng được, lão bà đây không cưỡng ép làm gì. Tuy nhiên, chỉ cần hai đứa bây nhận được điều kiện của già này thì cũng có thể chuyển được chiến tranh thành hòa bình ngay.

Tu Vô Tà muốn xúi dục lão tổ mẫu ra đi là để được bà giúp mình trừng trị cho hả giận. Khi nghe khẩu khí của tổ mẫu đột nhiên xoay chiều, từ gay cấn đã trở nên hòa nhã, trong lòng y hoảng hốt vội gọi lớn :

- Mỗ mỗ...

Lão bà tóc bạc liền nói :

- Khỏi cần nói, già này đã có chủ trương rồi.

Tu Vô Tà nín thinh không dám hé nửa lời.

Vệ Thiên Tường thấy đối phương buộc hai đứa mình phải nhận một điều kiện của bà thì đoán có lẽ đây phải là những điều kiện khó khăn lắm.

Nhưng chàng bỗng nhớ lại lời nói của Tu Linh Quân “sau này nếu gặp người nào có kiếm pháp tương tự, phát ra một lúc năm kiếm thế bất kỳ họ có thái độ khó khăn như thế nào cũng phải hết sức khéo léo mà đối xử cho êm đẹp”.

Lời nói ấy bây giờ còn văng vẳng bên tai như nhắc lai. Chàng nghĩ bụng :

- “Tu Linh Quân đối với mình ơn dày nghĩa trọng, có thể nói là mình đã mang một cái ơn tái tạo. Bất cứ là những người trong Tu La môn có ẩn tình riêng hay dù lão bà tóc bạc này có đủ điều kiện gì khó khăn đến đâu, mình cũng phải cố gắng đúng mức, nếu nhịn được là nhịn ngay, nhận được thì nhận ngay”.

Suy nghĩ xong, chàng kính cẩn đáp :

- Xin lão bà cứ chỉ dạy. Nếu năng lực vãn bối có thể đảm đương, vãn bối đâu dám không tuân mệnh.

Lão bà cười khà khà rồi nói :

- Lời nói của lão bà này thốt ra nặng như núi, kẻ nào dám cãi lại.

Xem tiếp hồi 26 Chiến tranh hóa ra hòa bình

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.