Quản gia đi vào bẩm, “Có một phương sĩ[1] tới ngoài
cửa, ăn nói lung tung, ý là trên nhà sắc tím vờn quanh, tất có quý
nhân.” Khuôn mặt ông ta tỏ vẻ chê cười, biểu thị ý không tin.
[1] Phương sĩ: Người cầu tiên học đạo.
Lưu Triệt nghe vậy rất ngạc nhiên, thực sự hôm nay y
tới Thân phủ là do ý thích nhất thời chứ trước đó chính bản thân
cũng chưa từng nghĩ đến. Như vậy chẳng lẽ người này đúng là có thể
thông với thần linh hay sao?
“Cho người đó vào đi!”, Lưu Triệt bình thản ra lệnh.
Y làm đế vương nhiều năm nên đã quen ra lệnh, quên mất cả thân phận
làm khách của mình. Quản gia ngạc nhiên nhưng khiếp sợ khí thế toát
ra từ người của Lưu Triệt nên cũng chỉ biết vâng dạ.
“Bần đạo họ Lý, người bên cạnh gọi ta Thiếu Ông.”
Phương sĩ đứng dưới đại đường chắp tay ngẩng đầu nhìn lên, dù y phục
lam lũ nhưng dáng vẻ khá khí phách, “Bệ hạ ở đây, Thiếu Ông có lễ.”
Trần A Kiều nhíu mày, nhớ tới chuyện Lưu Triệt nửa
đời sau hết lòng tin theo phương sĩ, hao phí vô số tài lực để cầu
đạo trường sinh, chắc có lẽ bắt đầu từ vị Lý Thiếu Ông này.
“Lý tiên sinh có bản lĩnh gì?”, Lưu Triệt hỏi.
“Bần đạo có thể nói chuyện với linh hồn.”
“Trẫm cũng đang không muốn gặp người”, Lưu Triệt phất
tay. Lý Thiếu Ông không khỏi ngạc nhiên.
A Kiều nháy nháy mắt gọi Lưu Sơ lại dặn dò mấy câu.
Lưu Sơ gật đầu, nhảy xuống, đi tới trước mặt Lý Thiếu Ông, đưa hai tay
ra hỏi, “Nếu Lý tiên sinh có thể thông thần, tiên sinh có thể đoán ra
được tay nào của ta cầm hạt bí đỏ hay không?”
Dù trong lòng nhận định người này chẳng qua chỉ là
một kẻ cơ hội nhưng Trần A Kiều vẫn không khỏi sa sầm, lạnh lùng
cười bảo, “Đa tạ tiên sinh đã quan tâm tới tiểu nữ, tiên sinh cứ đoán
đi đã.”
Lý Thiếu Ông thấy thần sắc Lưu Triệt bình tĩnh nhìn
không ra vui buồn thì cắn răng đoán, “Trái.”
Lưu Sơ mỉm cười, “Tiên sinh chắc chắn như thế chứ?”
“Dĩ nhiên là chắc chắn… ở bên phải. Bên phải nặng
hơn. Công chúa, Thiếu Ông nói có đúng không?”
Lưu Sơ bật cười, ánh mắt lóe lên một tia sáng khó
hiểu. Lý Thiếu Ông nhìn thấy thì kinh hãi, vừa rồi lão đoán bừa
nhưng cô bé này thông minh từ nhỏ nên thực sự khó nắm bắt.
“Lý tiên sinh”, Lưu Triệt khép mắt lại hỏi, “Tiên sinh
bây giờ đã thấy rõ?”
“Bẩm bệ hạ,” Lý Thiếu Ông quay sang Lưu Triệt quỳ
xuống nói, “Hai tay công chúa đều không nắm vật gì, nói có hạt dưa
thì chẳng qua là nương nương muốn thử Thiếu Ông. Nương nương”, lão nhìn
Trần A Kiều, “Thiếu Ông nói đúng không?”
Trần A Kiều cười khẽ, bảo: “Tảo Tảo, xòe tay ra cho
Lý tiên sinh xem đi.”
“Kiều Kiều!” Lưu Triệt nhìn A Kiều, đột nhiên hỏi,
“Kiều Kiều tin cõi đời này thật sự có người có thể thông thần?”
A Kiều im lặng, nếu là trước đây thì dĩ nhiên nàng
sẽ nói rằng không tin. Thế nhưng sau khi bản thân gặp những chuyện kỳ quái
cho tới giấc mộng như thật như ảo trước lúc sinh con vào năm Nguyên
Quang thứ sáu thì nàng đã không dám nói chắc chắn.
“Có lẽ”, A Kiều ngần ngừ, “trên đời này thật sự có
người như thế. Nhưng A Kiều càng tin là trên đời có nhiều người lừa
gạt lấy tiền hơn”, tựa như Lý Thiếu Ông vậy.
Vào cuối năm Nguyên Thú thứ tư, quan Nội đình Trương
Thang hồi báo, Lý Thiếu Ông đã tự vẫn ở phủ Đình úy, trước khi
chết khai rằng từng gặp bệ hạ một lần ở lầu Chung Cổ vào năm Nguyên
Sóc thứ năm, ngày đó ngẫu nhiên trông thấy trên đường định đánh cuộc
cầu công danh phú quý một lần, ai ngờ thất bại mạng vong.
Năm Nguyên Thú thứ năm, Lưu Triệt xây dựng đài Bách
Lương ở Thượng Lâm Uyển, cao chừng mười trượng, vì dùng gỗ bách hương
làm rường cột nên có tên như vậy. Từ trên đài Bách Lương có thể quan
sát hết quang cảnh Thượng Lâm Uyển trong tầm mắt. Ngày khánh thành
đài Bách Lương, Lưu Triệt thiết yến chiêu đãi các triều thần, A Kiều
cùng đi dự.
“Trong bữa tiệc hôm nay chỉ luận tài văn thơ, bất kể
là vua tôi hay triều thần.”, Lưu Triệt hưng phấn nói, “Mỗi người làm
một câu thơ thất ngôn, dùng thơ diễn tả công việc. Ai làm được thơ mới
được ngồi chiếu trên.”
Hoàng đế đã nói như vậy, hơn nữa đây cũng không phải
là chuyện quá khó khăn nên mọi người đều phụ họa. A Kiều chỉ cười
nhẹ, “Mọi người làm thơ đi còn thần thiếp không tham gia đâu.”
Tư Mã Tương Như mỉm cười đáp, “Tuân mệnh!” Hắn xoay
người lại phân bảo mấy câu, lát sau đã thấy một nhạc sư cung đình
mặc áo lam cầm đàn bước vào, bái chào, “Tham kiến bệ hạ, Trần nương nương,
các vị đại nhân.”
Lưu Triệt gật đầu, nói, “Chọn ra mấy bản vừa đàn vừa hát là
được.”
Nhạc sư áo lam cúi đầu vâng dạ rồi ngồi lên chiếc ghế đã được
cung nhân bày sẵn ở một bên, bắt đầu chơi đàn. Tiếng đàn vang lên réo rắt, A Kiều
nghe ra kỹ năng chơi đàn của người này còn cao hơn cả Trác Văn Quân, cao vút sục
sôi giống như thiên quân vạn mã xung trận, chỉ là mặc dù tiếng đàn rất trung
chính nhưng lại không có nét tình tứ dịu dàng mà sâu lắng như của Trác Văn Quân
nên vẫn coi như thua một bậc.
Tiếng đàn bỗng nhiên trầm xuống một tia ai oán, nhạc sư cất
giọng ca một khúc nổi tiếng trong Nhạc phủ[2] thời Hán tên là Chiến thành nam.
[2] Nhạc phủ: Bộ phận các quan đời Hán chuyên sưu tập thơ ca
và âm nhạc dân gian. Đời sau cũng gọi những thể thơ và tác phẩm làm theo loại
này là Nhạc phủ.
“Chiến đầu thành nam,
Chết nơi đất bắc,
không mồ chôn quạ đen rỉa thịt
Ta táng thân mỏ quạ, thương thay khách anh hào!
Chết có chỗ chôn đâu,
Cho xác thân yên nghỉ,
Chết tránh được hay sao?
Nước biếc lao xao,
Cỏ lau xào xạc;
Phiêu kỵ trên chiến trường ngã gục,
Ngựa lưng không hí tiếng bồi hồi.
Phòng trúc lạnh bi ai,
Hỏi gì nam?
Tính chi đất bắc?
Lúa không gặt Vua ăn gì được?
Nguyện trấn an trung thần chăng?
Nghĩ đến triều thần,
Triều thần đền đáp lại:
Vì triều đình lập công,
Quyết chí chẳng trở về!”
Tiếng ca trong vắt, khẳng khái bật âm, có sự hào hùng khi vó
ngựa giày xéo Hung Nô, có cái bi lụy của người biệt ly trên sông Dịch Thủy. Lưu
Triệt bất giác cất lời khen hay, hỏi, “Trẫm cũng không biết trong số các nhạc
sư Nhạc phủ lại có nhân tài như vậy, ngươi tên là gì?”
Người kia liền quỳ xuống đáp, “Tiểu nhân là nhạc sư bậc ba ở
Nhạc phủ tên gọi Lý Diên Niên, khấu tạ bệ hạ tán thưởng.”
“Lý Diên Niên?” Trần A Kiều hơi giật mình, bấy giờ mới quan
sát cẩn thận người đang quỳ trên đài kia.
“Dạ, Trần nương nương”, Lý Diên Niên hành lễ chào A Kiều rồi
ngẩng đầu nhìn lên, thái độ không tự ti cũng không kiêu ngạo. Mặc dù thần sắc
phong thái của hắn không bằng Tiêu Phương nhưng cũng rất nhã nhặn ôn hòa, có
duyên ngầm, dùng một sợi dây cột tóc màu làm vẻ thanh tao. Người này chính là
anh trai của Lý phu nhân đẹp nghiêng nước nghiêng thành. A Kiều thầm nghĩ, đã đến
lúc người phi tần được sủng ái nhất triều Hán Vũ Đế này bước ra vũ đài rồi.
“Kiều Kiều”, Lưu Triệt không khỏi nghiêng người sang hỏi, “Có
chuyện gì vậy?”
“Không có gì đâu”, A Kiều khẽ mỉm cười, hỏi, “Lý nhạc sư có
một muội muội phải không?”
Lý Diên Niên sửng sốt, cung kính bẩm, “Đúng vậy.”
“Được bao nhiêu tuổi rồi?”
“Năm nay vừa mới tròn mười tám.”
“Ồ”, A Kiều trầm ngâm, trông thấy vẻ mặt tò mò của Lưu Triệt
bèn mỉm cười nói, “Ta chỉ nghĩ là một nhân tài giống như Lý nhạc sư thế này thì
muội muội chắc chắn phải là trang tuyệt sắc rồi.”
Lý Diên Niên đắn đo mãi, cuối cùng nói, “Sao bằng được phong
thái của nương nương.”
“Lý cô nương như đóa hoa đang độ xuân sắc”, A Kiều tán
dương, “Thế đã nhận lời với ai chưa vậy?”
“Vẫn chưa”, Lý Diên Niên cụp mắt xuống, nói, “Mấy năm trước
đây, thần làm ca ca nên vốn cũng đã có tính toán cho nó nhưng Công chúa trưởng
Bình Dương thấy nó hợp ý nên muốn nó đi theo người cho đỡ buồn. Đây là phúc của
muội muội nhưng chuyện hôn nhân cũng vì vậy mà bị chậm trễ.”
Chuyện mới kể đến đây thì Lưu Triệt dựa vào những hiểu biết
với tỷ tỷ của mình đã rõ hết ngọn ngành. Y hừ một tiếng, lạnh nhạt bảo, “Lui xuống
đi!” Lý Diên Niên dập đầu tạ ơn, khom người lui ra.
Lưu Triệt nhìn Trần A Kiều làm vẻ mặt thản nhiên thì chẳng
biết tại sao lại thấy lửa giận trào dâng trong lòng, bèn hỏi, “Kiều Kiều luôn
không nghi ngờ gì đối với trẫm sao?”
Nàng ngơ ngác một chút rồi đáp, “A Kiều không dám.”
Lưu Triệt đột nhiên đứng dậy, phất tay bỏ đi, tấm áo bào đế
vương màu đen tôn quý khuất dần trong tầm mắt mọi người kéo theo một viễn cảnh
không hay. Từ khi Trần hoàng hậu quay về Trường Môn năm Nguyên Sóc thứ sáu, đây
là lần đầu tiên bệ hạ tỏ vẻ tức giận đối với nàng. Trước sự nghi hoặc của các
triều thần, Trần A Kiều vẫn ngồi ở trên đài mỉm cười nhàn nhạt như trước, dường
như những tức giận của bậc cửu ngũ chí tôn với nàng vừa rồi chỉ là một thoáng bụi
trần. “Các vị cũng giải tán đi thôi”, nàng đứng lên nói rồi xoay người bước xuống
đài.
Từ đài Bách Lương có thể nhìn thấy hồ Côn Minh mênh mông mờ
mịt, hơi nước như sương khói, vẳng nghe tiếng thủy quân thao luyện, sát phạt.
“Trần nương nương!” Một viên nội thị áo xanh lặng lẽ đi tới,
hạ giọng bẩm, “Bệ hạ đã về điện Tín Hợp.”
Trần A Kiều gật đầu đáp, “Ta đã biết!”
Điện Tín Hợp là điện chính của Thượng Lâm Uyển, trước nay vẫn
là chỗ ở của bệ hạ khi tới Thượng Lâm Uyển, lần này tới đây hai người ở chung.
Nàng trở về điện Tín Hợp thì trời đã tối, đám cung nhân thắp hai hàng nến dài ở
bên trong soi tỏ cả tòa cung điện tráng lệ sáng như ban ngày.
“Kiều Kiều!” Lưu Triệt nhắm mắt, “Nàng cảm thấy trẫm sẽ mang
về thêm một Vệ Tử Phu nữa sao?”
A Kiều đang dang tay cho thị nữ thay y phục, nghe vậy im lặng
một lúc lâu mới nói, “Bệ hạ có tính được trăng quên đèn, A Kiều cũng biết rồi
mà.”
Hồi năm Kiến Nguyên thứ hai, chính vì Vệ Tử Phu xuất hiện đã
gây ra một vết rạn nứt trong mối tơ duyên hòa hợp giữa Hoàng đế và Hoàng hậu.
Lưu Triệt nhẹ nhàng kéo A Kiều lại, dịu dàng nói, “Đôi khi trẫm lại muốn nàng cứ
khóc toáng lên như năm đó. Ít nhất cũng chứng minh được rằng trẫm đang thật sự
có nàng.”
A Kiều phì cười, “Bệ hạ đúng thật là mâu thuẫn. Năm đó thiếp
khóc toáng lên thế nhưng lại khiến cho bệ hạ chán ghét mà ruồng bỏ.”
Lưu Triệt im lặng, hôn lên cổ A Kiều. Nàng rùng mình theo bản
năng, liền phát hiện dường như y đang tức giận.
“Mưa nào ngược lên trời, nước đổ rồi khó hốt.”
Có nhiều thứ một khi đánh mất thì sẽ vĩnh viễn chẳng còn
quay lại.
Không bao lâu sau, Công chúa trưởng Bình Dương cũng biết được
chuyện ở Thượng Lâm Uyển. Nàng ta ngồi ở trong phủ Bình Dương hầu, cặp mày nhíu
chặt.
“Mẫu thân!” Bình Dương hầu Tào Tương bước vào nói, “Mẫu
thân, Mạt Nhi có thai rồi, hài nhi cho nàng tĩnh dưỡng, chuyện trong phủ phải
phiền đến mẫu thân.”
Lưu Mạt là con gái của Lương vương, mấy năm trước Công chúa
trưởng Bình Dương và Lương vương đã làm chủ gả cô cho Tào Tương, coi như kết
tình thông gia giữa hai nhà. Lưu Tịnh cũng khá hài lòng đối với nàng dâu khôn
khéo có khả năng và biết khoan dung với những thê thiếp trước của Tào Tương, có
điều là vẫn chưa có con trai. Bây giờ cô mang thai thì cũng coi như là giải được
một mối tâm sự.
“Mẫu thân biết rồi!” Lưu Tịnh cau mày nói, “Con đi gọi
Nghiên Nhi đến đây.”
Không nhiều người biết chuyện năm Nguyên Thú thứ hai nhưng
Lưu Tịnh lại coi đó là một mối sỉ nhục. Mặc dù Lưu Triệt sau đó ban thưởng rất
nhiều để thể hiện rằng tình cảm của y đối với tỷ tỷ không hề thay đổi, nhưng một
người tâm khí cao ngạo như nàng ta thì làm sao nuốt trôi được mối hận này. Nàng
ta trăm phương ngàn kế tìm kiếm một người con gái có thể át đi vẻ đẹp của Trần
A Kiều, cuối cùng trời cũng không phụ lòng người, tìm được Lý Nghiên là em gái
của Lý Diên Niên mang về dạy dỗ, chỉ chờ đến sang năm là hiến tặng cho đệ đệ.
Nàng ta hiểu rất rõ đệ đệ của mình, Lưu Triệt tính tình phụ bạc, mặc dù hôm nay
si mê A Kiều nhưng A Kiều dù sao cũng không còn trẻ tuổi, sẽ có một ngày bị y
chán ghét vứt bỏ. Lý Nghiên trẻ trung xinh đẹp chính là vũ khí tốt nhất để
giành lấy ân sủng của Lưu Triệt.
Lưu Tịnh siết chặt nắm tay, nếu cả hai con đường đều không
thông thì Bình Dương này sẽ dựa vào lực lượng của mình mà tạo ra con đường thứ
ba. Quả thật, Lý Nghiên không thể nào đạt được đến mức độ như của Trần A Kiều
và Vệ Tử Phu nhưng thế của Vệ Tử Phu hôm nay đã suy còn A Kiều thì… Lưu Tịnh
tin tưởng rằng chỉ cần Lưu Triệt không sủng ái A Kiều thêm nữa thì Trần A Kiều
sẽ thất bại còn thảm hại hơn cả hồi năm Nguyên Quang thứ năm.
Lưu Tịnh cười nhạt, “Trần A Kiều, ta đã có thể đưa được Vệ Tử
Phu lên để hủy hoại ngươi lần đầu tiên thì cũng có thể đưa Lý Nghiên lên để hủy
hoại ngươi lần thứ hai.”
“Công chúa trưởng!” Ngoài rèm vang lên tiếng con gái thánh
thót như chim oanh rồi một đôi tay mềm mại trắng như tuyết vén rèm lên. Một thiếu
nữ mặc y phục màu đỏ nhạt uyển chuyển bước vào. Cô ngẩng mặt lên, dung nhan tỏa
sáng rạng rỡ khiến châu báu khắp cả gian phòng đều ảm đạm đi mấy phần, ngay cả
Lưu Tịnh là phụ nữ cũng không khỏi động lòng. Người con gái như vậy mới đáng được
gọi là nghiêng nước nghiêng thành. Lưu Tịnh chợt nhớ lại câu hỏi của Trần A Kiều
ở Thượng Lâm Uyển, tại sao A Kiều lại biết đến sự tồn tại của Lý Nghiên? Chẳng
lẽ nước cờ mà nàng ta hao phí hết tâm trí bày ra này lại không đáng một xu
trong mắt người khác.
Lưu Tịnh bất giác quan sát cô gái kia kỹ lưỡng hơn, tuổi
xuân rực rỡ, gương mặt hồng tươi dịu dàng có thể hớp hồn phách bất cứ người đàn
ông nào. Nhưng so với Trần A Kiều thì thế nào? Nàng ta mường tượng lại hình ảnh
người con gái xinh đẹp, lả lướt yêu kiều trong ký ức, cảm thấy do dự.