Kim Sơn Hồ Điệp

Chương 45: Phố Clay (1)



Băng qua đám đông, Hoài Chân chạy một mạch ra khỏi phố Sacramento và Grant Ave tấp nập náo nhiệt. Tới khi tin chắc Ceasar không đuổi theo tìm cô tính sổ, lúc này mới thong thả đi về nhà.

Mặt trời lại ló dạng. Đi rồi lại đi, cô ngẩng đầu bất giác cười phì, cũng chẳng biết bản thân đang cười gì, có điều trong lòng đã bình tĩnh lại.

Hoài Chân trông thấy có rất người chen chúc nhau ở trước cửa tiệm giặt giũ A Phúc, khá là ồn ào.

Lại gần thêm, đưa mắt thấy các dì các cô mặc sườn xám ngồi trên ghế nói chuyện nhà cửa; ở đầu kia, Vân Hà và Thiên Tước nằm trên tủ kính, không biết đang bàn bạc cái gì.

Các dì đều cầm theo hạt dưa, vừa cúp hạt vừa nói chuyện say sưa. Lúc vào cửa, Hoài Chân nghe thấy bọn họ đang nói về Hoàng Văn Tâm, sau khi mình bước chân qua cửa thì ai cũng nhìn sang, nói, “Đây là con bé sau đấy, trông dáng dấp không tệ.”

Một người khác đưa hạt dưa lên miệng cắn rồi nhổ vỏ ra, vừa nhai vừa nhìn cô từ đầu đến chân, “Lên lớp 9 rồi hả? Sau này phải giống Vân Hà vào cấp ba, rồi lên đại học, năm sau cũng tham gia thi Miss Chinatown đi, để phố người Hoa ở San Francisco chúng ta được dịp thơm lây.”

Trong số bọn họ có người Hoài Chân biết, có người lần đầu gặp. Hoài Chân thở hổn hà hổn hển chưa lấy lại sức, đang do dự thì Vân Hà ở phía bên kia lên tiếng gọi: “Hoài Chân, lại đây giúp chị chút.”

Cô nhoẻn miệng cười, “Các dì cứ từ từ nói chuyện ạ.” Rồi lập tức thở phào, thoát thân đi đến chỗ Vân Hà và Thiên Tước.

Sau lưng yên lặng một hồi rồi tiếp tục đề tài: “Có đẹp hay đi học cũng vô dụng, tốt nghiệp đại học vẫn không tìm được công việc tốt. Phải thông minh như con gái lớn nhà họ Hoàng, biết con gái trẻ tuổi vốn liếng không là bao, chọn đúng bạn trai mới là lẽ phải. Sau này kết hôn ở Anh rồi, đến lúc về hẳn cũng nở mày nở mặt lắm.”

“Thế thì cũng phải vào đại học trước đã. Không vào đại học thì đi đâu chọn bạn trai? Không phải ai ai cũng có dáng vẻ và bản lĩnh kia.”

Người nói vô tâm, người nghe hữu ý. Vừa dứt lời, bà Hoàng xưa nay hay so đo với bà Trần lập tức biến sắc, “Đầu óc thông minh thì là thông minh, chứ dáng dấp có ra gì. Nếu không vì sao top năm trên xe hoa không có nó? Nói thì hay ho, còn không phải là làm nền à.”

Hoài Chân và Vân Hà nhìn nhau cười, trong lòng đã rõ nhưng không nói ra.

Thiên Tước làm đến hôm nay mới được nghỉ, anh đã đến “Cavallo Scalpita” suốt một tuần rồi. Hôm nay khó lắm mới xin nghỉ nửa ngày về phố người Hoa đón năm mới, thế mà lại bị ông chủ người Ý mắng một trận, nói người Trung Quốc chỉ biết giở trò, khăng khăng muốn trừ hết tiền công trong ngày của anh, lúc này mới chịu cho anh đi.

Hoài Chân hỏi anh công việc mới thế nào, Thiên Tước thở dài, hai mắt đỏ ửng cố gắng kiềm chế. Anh không nói gì, bởi vì mọi thứ khó mà nói ra.

Có điều bây giờ anh thật sự có chuyện cần giúp đỡ. Gần đây mới nhận được tiền lương, anh muốn gửi tiền về cho cha mẹ ở quê Phúc Châu, đồng thời cũng viết một bức thư cho anh chị. Nhưng anh chỉ đi học hai năm tiểu học, rất nhiều chữ không biết viết nên mới đến đây nhờ vả Vân Hà. Vân Hà sợ có sai chữ nên lại gọi Hoài Chân đến kiểm tra.

Hoài Chân cúi đầu nhìn, trên đó đã viết hơn nửa trang giấy:

“Tía, má, hai và chị dâu:

… Hôm nay là ngày mồng năm năm mới, nhà ăn Ý ăn mừng quốc khánh nên đã mời tụi con ăn bánh ngọt miễn phí. Hôm nay là ngày quốc khánh, tuy hai năm qua kinh tế không khấm khá lắm, nhưng gần đây đã có chuyển biến tốt rồi, người ở đất nước này thật sự rất biết hưởng thụ. Quên nói với mọi người, con đã đổi việc rồi, một ngày làm công năm tiếng, có thể kiếm được 60 đô, đổi ra được 230 đồng, từ nay về sau mỗi tháng không chỉ có thể gửi thêm cho nhà 2 đô, mà còn có thể tích góp không ít tiền. Đợi tích đủ rồi, con sẽ đón tía má đến Hoa Kỳ, ngồi xe lửa đi tàu thủy, du lịch hưởng phúc khắp nơi… À đúng rồi, nhà hàng mới còn bao ăn cả sáng lẫn trưa, đều là đồ Tây trong nhà hàng nước ngoài… Con còn tự đặt mua cho mình hai bộ Âu phục, cũng đã cắt tóc rồi. Gần đây đi trên đường, mấy cô gái tóc vàng phương Tây đến quán toàn nhìn con…”

Vân Hà xì hai tiếng, mắng, “Nhìn anh hả? Hà Thiên Tước, anh đúng là không biết xấu hổ!”

“Bức thư này đâu chỉ cho mỗi tía má với chị dâu anh đọc, chắc chắn chị dâu sẽ đưa cho bà mai đọc nữa. Nếu không để con gái người ta biết anh tuấn tú nhã nhặn thì sao người ta thích mình được?” Hà Thiên Tước cười hề hề, trông khá là đắc chí.

Tuy nói có chút giở trò vặt, nhưng trong thư anh lại khen nước Mỹ rất tốt, lại không đề cập đến chuyện mình vất vả nơi xứ lạ ra sao, đọc kỹ bức thư, quả thật làm người ta chua xót.

Thiên Tước phải về Cavallo Scalpita để lau bàn, dán thư xong thì hớt ha hớt hải chạy đến Wells Fargo, cho Hoài Chân và Vân Hà mỗi người một vé xem “Nữ hoàng nhiệt đới”, nghe nói là khách nhà ăn tặng cho phục vụ Ý, cô ấy không có thời gian xem nên Thiên Tước mua lại với giá rẻ, lấy làm quà tặng năm mới cho hai cô gái.

Nhắc đến “Nữ hoàng nhiệt đới”, tiếng Anh của Thiên Tước không tốt, có lẽ không nhận ra mấy chữ tiếng Anh to tướng viết trên vé là “múa thoát y”. Vân Hà và Hoài Chân cầm tấm vé, thật sự có phần dở khóc dở cười.

Một buổi chiều trôi qua, Vân Hà đột nhiên quyết định, “Có người tặng vé thì không thể không xem được, không bằng nhân cơ hội này đi mở mang tầm mắt, xem xem rốt cuộc là biểu diễn gì đi?”

Hoài Chân nhìn cô một lúc rồi cười đáp được, “liều mình bồi quân tử” thôi.

Hai người cất giấu tấm vé đi, tránh bị cha Quý phát hiện trước.

Đám bà cô kia ồn ào rôm rả đến tận bảy tám giờ mới chịu về, bà Trần phải đợi con gái cùng về Oakland, đến khi Trần Bối Đế mặt mũi hồng hào tới tìm bà thì đã sắp chín giờ, không bắt kịp chuyến xe cáp cuối cùng rồi. Trần Bối Đế nói không bắt xe kịp, ở lại khách sạn Trung Hoa một đêm rồi về cũng không sao. Bà Trần nổi giận, nói, “Học hành không lo học, bạn trai cũng không lo tìm, không biết đi lung tung đâu, người không biết còn tưởng mày cũng có phần ở Miss Chinatown đấy. Từ nhỏ đến lớn, mày không sánh bằng Văn Tâm thì cũng thôi đi, giờ nhìn hai đứa con nhà họ Quý xem, một đứa chịu đi học, đứa nhỏ mới đến Mỹ mà cũng đã tìm được bạn trai rồi…”

Hoài Chân không lạ gì trước sự dạy dỗ của các bà mẹ dành cho con gái.

Vân Hà cũng cảm khái, phố người Hoa quả thật khá nhỏ, nhà ai có chuyện hư hỏng gì là không đến mấy ngày, trên bàn mạt chược ở hội đồng hương sẽ bay đầy tin đồn. Từ khi phố người Hoa có một Hoàng Văn Tâm, các bà mẹ người Hoa đều dạy con gái rập khuôn theo đó: chuyển vào nhà trọ đắt đỏ, dạy con gái nói tiếng Anh, cho học đàn dương cầm múa ba-lê vào đại học, quen tiến sĩ du học Mỹ hoặc bạn trai da trắng chịu đi châu Âu kết hôn…

Các bà cô đi rồi, để lại vỏ hạt dưa đầy đất. Hai người thu dọn một hồi mà mệt đến nỗi đầu đầy mồ hôi, bèn nấu hai thùng nước nóng lớn cùng đi vào phòng tắm tắm. Lúc này Hoài Chân mới kể cho Vân Hà nghe chuyện vô sỉ mà Trần Bối Đế đã làm ở khách sạn trong hai ngày qua, khiến Vân Hà tức giận không thôi.

“Đổi chỗ khác làm mấy thứ chuyện xấu đó không được sao, sao cứ phải bị xấu hổ mất mặt với người da trắng chứ, cứ làm như con gái chúng ta ai ai cũng có phần, sau này bị chửi cũng chỉ biết im lặng chịu đựng…”

Vốn cô cũng tức giận, nhưng cái câu làm chuyện xấu ai cũng có phần làm Hoài Chân buồn cười. Hai người lại nói xấu Trần Bối Đế một hồi cho hả giận, sau đó bàn bạc một lúc, quyết định để Vân Hà báo cho Văn Sênh, để Văn Sênh quyết định có nên nói cho chị mình biết không.

Rất nhiều cửa hàng đơn sơ trong phố người Hoa vẫn chưa hoàn thiện được hệ thống thoát nước. Gần đây hai người đều mệt lả, Hoài Chân nhân lúc còn chút sức lực bèn bảo cô về phòng ngủ trước, sau đó kéo thùng nước ra ngoài đổ vào cống rãnh ở đối diện đường. Lại về dọn dẹp phòng tắm, phát hiện Vân Hà đang nhét vụn xà bông dùng hết vào trong chiếc tất cũ. Vừa thấy cô quay về đã giận mắng, “Nhìn em là biết xưa nay được chiều quen rồi… Như thế còn đủ dùng một tuần đấy, suýt nữa bị em vất rồi.”

Hoài Chân ngạc nhiên, cảm thấy cách làm này khá hay. Lại có chút xấu hổ, liên tục xin lỗi cô ấy, nói lần sau không dám nữa.

Hai người nhao nhao về phòng, Vân Hà nằm trên giường cô không chịu đi. Hoài Chân bèn nói, “Sao chị biết em có đồ chưa tặng chị?” Sau đó lấy ra một chiếc hộp quà xinh xắn ở trong ngăn kéo, đưa cho Vân Hà, “Chúc mừng năm mới.”

Vân Hà mở hai ba bận, phát hiện là một chiếc cáo ngực. Lần trước hai người từng vào tiệm đồ lót ở phố Columbia, Hoài Chân thử cùng cô ấy cho đến trưa, cuối cùng vì giá ba đô mà không thể không đặt xuống. Hoài Chân âm thầm ghi nhớ kích thước kiểu dáng, hai ngày trước Quốc Khánh có đi qua, phát hiện có đại hạ giá, thế là không chút do dự đi vào mua. Hôm khác lại mua thêm hộp quà và giấy gói, vụng về quấn thêm ruy băng hồng không biết có đẹp không.

Vân Hà rất vui, mặt đỏ bừng, xấu hổ nhận quà. Hoài Chân lập tức nói, “Phụ nữ trên Nhật báo Kim Sơn có nói rồi, không mặc áo ngực là sẽ bị xệ đó!”

Vân Hà trở mình, “Em học được từ báo cũng nhiều nhỉ, còn học gì nữa không?”

Hoài Chân giang tay giang chân nằm ngửa, chớp mắt nói, “Nhiều lắm.”

May mà có chuyên gia tình yêu Smith và chuyên mục phụ nữ, nếu không không biết phải lấy cớ đâu ra cho một đống kiến thức đời sau của cô nữa.

Vân Hà trêu ghẹo, “Thế người kia có biết em biết nhiều như vậy không?”

Không thấy đáp lại.

“Hoài Chân?”

Thì ra đã ngủ rồi. Hai chân thò ra khỏi chăn, cánh tay rũ xuống ngoài giường, chiếc vòng màu tím nhạt trượt đến cổ tay.

Đôi mắt bình yên nhắm lại, lông mi dài che đi mặt. Cửa sổ vẫn chưa khép, trăng sáng chiếu vào, có thể nhìn thấy nốt ruồi màu đen dưới lông mi.

Vân Hà ồ lên, nghiêng người sang tò mò nhìn kỹ: sao ngày trước không phát hiện nốt ruồi giọt lệ này nhỉ?

***

Mấy ngày sau, vào buổi sáng khi đồng phục học sinh ở trường công lập Viễn Đông đưa đến, Hoài Chân thay đồng phục đứng trước gương, đột nhiên phát hiện nốt ruồi này, cũng ngẩn ngơ một lúc.

Có điều cô nhanh chóng ý thức được, Mộng Khanh ở vùng núi Việt Bắc cửa lớn không ra cửa phụ không bước, còn mình ở California ánh nắng dồi dào lại chăm hoạt động tích cực, chỉ trong vòng hai tháng ngắn ngủi đã có sắc tố lắng lại, cũng có nốt ruồi rồi.

Có lẽ còn có chỗ khác nữa, nhưng không dễ phát hiện như ở trên mặt.

Sau khi phát hiện ra điều này, Hoài Chân chợt hiểu ra, nên chú ý chống nắng thôi.

Nhưng cô cảm thấy đây không phải chuyện gì xấu, dù gì cũng chẳng mấy ai thích nghe người ta nói “cô rất giống với ai đó” hay “tên cậu cũng giống tên bạn này ở lớp khác”.

Có tương tự thì có so sánh, giống y hệt còn đáng ghét hơn.

Chí ít về diện mạo đã có chút điểm khác biệt Mộng Khanh rồi, không phải sao? Nếu không cô cũng đã không tốn nhiều công sức như thế chỉ vì để tranh thủ cho mình một tấm thẻ căn cước viết hai chữ to “Hoài Chân”.

Đồng phục của trường là một chiếc áo màu xanh lam với váy xếp li màu đen —— trang phụ nữ sinh dân quốc điển hình. Vân Hà rất ghét bộ đồ này, nhưng Hoài Chân lại cực thích, cho đến ngày đầu tiên mặc vào đã không muốn cởi ra.

Tiền tiêu vặt rồi tiền công đi làm, tiền mừng tuổi thêm 65 đô la kia, vào sáng sớm ngày mùng mười đầu năm dưới sự mềm rắn đủ cả của A Phúc, cô đã gửi vào ngân hàng Wells Fargo theo định kỳ bốn tháng, lãi suất hàng tháng là 1,5%. Hoài Chân cảm thấy cũng tốt, dù gì cô cũng không chắc liệu cổ phiếu Kodak có sinh lãi trong tháng 4 tới hay không, cũng không thể cứ treo cổ trên một thân cây mãi được.

Với cả cô không thể cứ nợ Ceasar tám nghìn đô cả đời mãi được, có thể sớm ổn thỏa trả tiền lại là tốt nhất.

Nhắc đến Ceasar, ngày hôm đó khi đổi tiền, cô vốn định chia 65 đô la với anh. Nhưng mới bước ra khỏi nhà cái là nhớ lại chuyện mình vừa làm, quả thật cô không có can đảm nói với anh, “Đúng là có hơi kích động nên không nhịn được đã chạm vào anh. Tôi không có ý gì khác đâu, anh đừng để trong lòng.”

Nghe có phải là giấu đầu hở đuôi, càng xóa càng đen không?

Hoài Chân không biết phải đối mặt với anh thế nào, dứt khoát co đầu rụt cổ, kéo dài được ngày nào hay ngày đó.

65 đô bỏ cũng bỏ không, không bằng gửi vào ngân hàng, đến cuối không phải là đưa cho anh cả sao.

Cứ tưởng thấy anh đã là chuyện một hai tuần sau, đến khi đó cũng có thể vờ như quên chuyện này. Lại chẳng ngờ, vào mùng mười năm mới khi cô sắp tựu trường, vào ngày đi làm đầu tiên trong năm ở phòng khám, Ceasar lại đến.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.