Lời hứa của Liên Đăng với Cửu Sắc là thật. Hôm ấy sau khi bị Lâm Uyên đe dọa, chắc là hươu ta sợ mất mật, tinh thần vô cùng uể oải, hai ngày liền không ăn gì tử tế. Liên Đăng muốn dỗ nó vui nên cố ý dẫn nó đến nơi chuyên nuôi hươu trong thành.
Vườn hươu chính là cơn ác mộng đối với loài hươu. Hươu được nuôi ở đây không giống trong thần cung. Lâm Uyên nuôi hươu vì sở thích, còn hươu ở đây nuôi để lấy nhung và thịt. Thế giới mạnh được yếu thua vốn là vậy. Sau khi vào đây, Cửu Sắc hơi sợ, nó có thể ngửi thấy mùi ch3t chóc của đồng loại nên cứ trù trừ giậm chân tại chỗ mãi. Liên Đăng phát hiện ra, dừng lại hỏi nó: “Đổi ý rồi à? Nếu không muốn vào thì chúng ta về thôi.”
Nó do dự, cuối cùng mong mỏi với tình yêu vẫn chiến thắng nỗi sợ. Liên Đăng khẽ xoa nó, dịu giọng nói: “Lúc chọn phải chọn cho kĩ vào đấy, ít còn hơn ẩu. Thích con nào thì mày cứ giật nhẹ tay áo tao, chúng ta dẫn nó về.”
Cửu Sắc gật đầu, đi theo cô vào trong hàng rào.
Nô chăm hươu đi trước dẫn đường, vừa đi vừa ngoảnh lại nhìn Cửu Sắc: “Hươu đẹp thế này rất hiếm. Cô nương tốn không ít công sức nuôi nó nhỉ?”
Liên Đăng trêu: “Đương nhiên rồi. Nó thông minh cực, khác với hươu bình thường, ngoài cho ăn uống ra còn phải mời thầy đến giảng Tứ thư Ngũ kinh cho nó nghe đấy.”
Nô chăm hươu tấm tắc: “Tiếc là hươu ở đây không có phúc như thế. Hươu đực nuôi đến khi sừng to là phải cưa lấy nhung. Hươu cái lớn thì giết lấy thịt đưa vào cung Đại Minh.” Gã dẫn họ vào một lối đi rất dài, cười nói: “Tiểu nhân chưa bao giờ thấy ai lấy vợ cho hươu như cô nương, nghe lạ thật đấy. Mấy lồng hươu trước mặt nuôi được mấy con hươu cái đẹp lắm, chắc công tử hươu đây sẽ thích. Chọn xong tôi sẽ dẫn đi tắm táp sạch sẽ, ăn vận thật đẹp để về dinh cùng công tử hươu.”
Liên Đăng nghe mà phì cười. So với hươu ở đây, đúng là Cửu Sắc giống như một vị công tử cao quý thật. Nó lớn lên trong thần cung, bây giờ lại đến phủ Tề vương, tính ra nó còn là hoàng thân quốc thích chính cống hơn cả cô, gọi công tử hươu cũng rất xứng.
Bọn họ chậm rãi tiến lên trước, qua một khúc quẹo thì trông thấy một bãi nuôi hươu rất lớn, bên trong lẫn lộn cả đực cả cái. Điều kiện nuôi không tốt nên mùi rất hăng. Liên Đăng che mũi, đến Cửu Sắc cũng không chịu được, hắt xì mấy cái liền.
Nô chăm hươu bắt đầu ra sức giới thiệu, con này được tám tháng, con kia mới tròn một tuổi… Liên Đăng nhìn Cửu Sắc có vẻ không mấy hứng thú. Cô quay sang hỏi nó: “Sao thế? Không thích à? Nhiều cô nương xinh đẹp thế mà không thích một ai à?”
Cửu Sắc lắc đầu, xem ra chuyến này phí công đi rồi. Liên Đăng thở dài, định dẫn nó về, nhưng vừa mới đi được mấy bước lại nghe thấy đằng sau có tiếng bước chân hỗn loạn, một tạp dịch đang lôi đầu một con hươu cái ra khỏi chuồng. Có vẻ con hươu kia biết chuyến này lành ít dữ nhiều nên ra sức ghì móng. Tiếc là sức yếu, nó vẫn bị lôi đi xềnh xệch. Nó giương mắt nhìn bọn họ, đôi mắt to, sáng ngời đong đầy nước mắt và nỗi sợ hãi. Lòng Liên Đăng thắt lại, quay sang hỏi họ định làm gì với nó.
Nô chăm hươu đáp: “Con này cứng đầu quá. Vốn thấy nó tốt vóc, định cho đẻ mấy lứa, nhưng nó lại không cho hươu đực đến gần…” Nhớ ra Liên Đăng là con gái, gã lúng túng: “Đã thế thì chỉ còn nước đưa đến lò mổ thôi, cũng không thể nuôi báo cô được.”
Có đôi khi, duyên phận sinh ra chỉ trong chớp mắt. Cửu Sắc chạy tới ngửi cô hươu, sau đó tung tăng chạy về, giật tay áo Liên Đăng. Cô kinh ngạc: “Mày thích nó hả?”
Nó gật đầu, đưa tay tương trợ lúc nguy nan, rất ra dáng anh hùng cứu mĩ nhân. Ắt hẳn, cô hươu cũng bị Cửu Sắc làm cảm động, nhìn nó bằng ánh mắt miên man là tình ý. Theo con mắt thẩm mĩ của loài hươu thì Cửu Sắc thật sự rất anh tuấn, vừa phóng khoáng vừa phong độ ngời ngời. Chắc cô hươu cũng giống Chuyển Chuyển mê tiểu lang quân ngày trước, thuộc dạng vừa gặp đã yêu. Đương nhiên, Liên Đăng cũng chiều ý Cửu Sắc, bảo tạp dịch cởi dây thừng ra, đưa cho nô chăm hươu mấy xâu tiền để mua người thương cho Cửu Sắc.
Vỏ quýt dày có móng tay nhọn, cô hươu c4i ấy vốn vô cùng bướng bỉnh, ấy vậy mà vừa gặp Cửu Sắc đã lập tức trở nên dịu dàng như nước, không chạy lung tung mà chịu bám sát đằng sau nó. Liên Đăng như người lớn trong nhà chứng kiến chuyện chung thân đại sự của con cái đã êm ấm, lòng ngập tràn vui vẻ hân hoan. Cô thở dài bùi ngùi: “Tốt rồi, coi như mày có bạn đời rồi nhé. Đợi Đàm Nô lấy chồng nữa thôi là lòng tao không còn gì vướng bận nữa.” Cô dừng lại một lát rồi đề nghị: “Đặt tên cho vợ đi!”
Cửu Sắc liếc nhìn người thương, ngắt một nắm đông quỳ mới nảy mầm bên đường cho Liên Đăng nhìn. “Không được. Tên này không đủ nho nhã.” Cô vừa đi vừa nghĩ, bỗng nảy ra một cái tên: “Cứ gọi là Giai Nhân đi!”
Tên này rất hợp ý bọn nó, Cửu Sắc dẫn vợ về nhà, vừa đi vừa kêu e é. Liên Đăng che miệng cười, một người với hai hươu chậm rãi đi trên phố, quay về phủ Tề vương.
Sau khi về, cô nhận được tin tốt, thế cuộc đã biến chuyển theo sự sắp xếp của quốc sư. Thần Hà đã bắt Thái Diễm, hợp nhất năm vạn binh mã của phủ Đô hộ, giao nộp ấn soái, quy thuận triều đình, chỉ ít bữa nữa là có thể vào thành Trường An.
Liên Đăng rất vui, nhưng lòng lại dâng lên nỗi sợ hãi: “Vị quốc sư trong quân sẽ bị xử trí thế nào? Đã bắt giam ông ta chưa?”
Tề vương lắc đầu: “Dù sao ông ta cũng không phải người tầm thường. Tuy không thể điều khiển đại quân nhưng mười ba vạn đại quân vẫn không thể làm gì ông ta. Nhóm Linh đài lang bao vây tấn công, ông ta lại bày trận, nghênh ngang rời đi. Bây giờ cũng không biết ông ta đang ở đâu, anh đoán chắc là về Thái Thượng thần cung.”
Lòng cô bồn chồn lo lắng, mặc kệ y ẩn thân ở đâu, chỉ cần không đến tìm cô là được. Cô vội hỏi thêm: “Mấy ngày nữa thì anh trai em vào thành vậy?”
Tề vương tính một lúc rồi nói: “Nhanh thôi! Nhiều nhất là ba đến năm ngày nữa! Anh đã cho người tu sửa lại phủ Định vương cũ rồi! Thần Hà quay về có thể tạm thời ở trong phủ của anh, chờ sửa sang vương phủ xong xuôi rồi trở về cũng không muộn.”
Liên Đăng bắt đầu ngập tràn chờ mong, nhưng đại quân còn chưa đến Trường An thì tin hoàng đế băng hà đã truyền tới từ cung Đại Minh.
Thời gian rất vừa vặn, tất cả đều nằm trong tính toán. Quốc sư nhận được mật hàm thì nhắm mắt thở phào một hơi.
Nhiệm vụ của chàng ta sắp hoàn thành rồi. Bất luận chàng ta và sư phụ có hòa hợp hay không, chàng ta vẫn luôn ghi nhớ công dạy dỗ khi xưa. Kẻ làm quốc sư thì lòng phải hướng về muôn dân xã tắc. Tề vương có tướng rồng nhưng con đường đăng cơ lại nhiều chông gai, tuy rằng giấu tài nhưng binh lực trong tay vẫn luôn thua kém mấy người anh em nắm trọng binh. Chàng ta muốn phò tá quân vương thì nhất định phải diệt trừ chướng ngại giúp y. Bây giờ mọi mối uy hiếp đều đã được giải quyết, cuối cùng chàng ta cũng có thể buông tay rồi.
Lâm Uyên thay triều phục vào cung lo chuyện hậu sự cùng Tề vương. Đại quân chưa tới, biến cố có thể xảy đến bất cứ lúc nào, thế nên hoàng cung tạm thời chưa thể để tang, hết thảy đều vẫn như thường. Chỉ là thỉnh thoảng lại nghe tiếng gào khóc vô vọng của hoàng hậu, Tề vương nhìn quốc sư: “Xử trí hoàng hậu như thế nào đây? Có khi nào do cái ch3t của Lượng vương mà bà ta sẽ ăn nói linh tinh trong đại điển không?”
Quốc sư nheo mắt, ánh nắng chiếu lên kim quan tím, buông xuống theo dây lụa đính trên trâm ngọc, sắc đỏ thắm càng làm nổi bật gương mặt trắng ngần tựa tuyết. Quốc sư hơi quay sang nhìn, trong cung điện mênh m0ng tĩnh mịch, tiếng khóc của hoàng hậu nghe vô cùng thê lương. “Tôn bà ta làm Thái hậu, thiện đãi bà ta, để người khắp thiên hạ trông thấy chữ hiếu của điện hạ. Lương vương đã ch3t, bà ta cũng ngoài năm mươi rồi, bà ta sẽ không đối địch với điện hạ đâu. Cho dù bà ta có oán hận thì điện hạ cũng không tham gia lần tranh vị này, không ai có thể nắm thóp điện hạ.”
Đúng vậy, y không đánh mà thắng, đoạt được giang sơn, không một ai có thể tìm ra lỗi của y, vậy nên y chẳng hề lo sợ bất cứ sự khiêu khích nào. Tề vương yên tâm, gật đầu nói: “Vậy cứ làm theo lời quốc sư.”
Những người tới lo việc nhập liệm cho hoàng đế thấy họ đi qua thì cung kính nhường đường. Quốc sư nâng tay áo, chậm rãi bước đi, do dự một thoáng rồi hỏi: “Hai ngày nay, Liên Đăng vẫn khỏe chứ?”
“Vẫn khỏe. Tôi thấy em ấy hờ hững lắm, có lẽ đã dứt ra khỏi chuyện này thật rồi.”
Quốc sư khựng bước, nét mặt vô cùng bi ai. Quả nhiên, cô đã chẳng còn để tâm nữa rồi. Đến cuối cùng, tình yêu của chàng ta chẳng còn lại gì hết. Oán ai đây? Tự làm tự chịu thôi. Chàng ta cúi đầu, hồi lâu sau mới gật đầu đáp: “Có lẽ như thế… sẽ tốt hơn cho nàng. Thần biết nàng không thể tha thứ cho thần, cũng không muốn nhìn thấy thần, thần không dám xuất hiện trước mặt nàng nũa, chỉ đành ngắm nàng từ xa!” Đoạn, chàng ta vái dài với Tề vương: “Chờ điện hạ đăng cơ, xin hãy chỉ hôn cho nàng một mối lương duyên, phải tìm người chững chạc đáng tin, đảm bảo kiếp này nàng được phú quý vô ưu.”
Tề vương kinh ngạc: “Quốc sư định từ bỏ sao?”
Chàng ta mím môi cười, không từ bỏ thì sao đây? Chàng ta đã không còn thời gian nữa, chẳng lẽ cứ bám lấy cô rồi ba tháng sau lại khiến cô phải trải qua sinh li tử biệt thêm lần nữa sao? Đủ rồi, đã quá nhiều lần rồi, cô cũng mang thân xác máu thịt, cũng sẽ không trụ nổi. Lâm Uyên cúi đầu ngẫm nghĩ: “Có rất nhiều thứ, thần không cho nàng được… Nếu điện hạ chọn được ai tốt thì nhất định phải nói cho thần, thần muốn đích thân kiểm tra, nhân phẩm tốt thì thần mới yên tâm giao nàng cho người khác. Hãy tìm trong vòng ba tháng. Ba tháng sau thần phải bế quan, không biết bao giờ mới xuất quan. Sắp xếp thỏa đáng được trong ba tháng thì lòng thần cũng yên tâm.”
Tề vương nhìn quốc sư, rốt cuộc tình cảm phải như thế nào mới có thể chắp tay nhường cô gái mình yêu cho người khác? Gút mắc giữa họ khó mà nói hết trong đôi lời, tuy rằng y chưa bao giờ tham gia nhưng lại cũng có phần trong đó. Bởi lẽ đại nghiệp của y đã làm liên lụy đến quốc sư, thế nên y cũng phải có trách nhiệm. Y nợ ân tình nên đương nhiên rất sẵn lòng đồng ý: “Tôi sẽ tìm kiếm rồi trao đổi với quốc sư trước, được quốc sư bằng lòng rồi mới vun vào cho quận chúa. Chuyện ra nông nỗi này, tôi cũng không biết bắt đầu nói từ đâu, nhưng lòng tôi đều hiểu hết, đến lúc luận công ban thưởng, quốc sư muốn gì?”
Muốn gì ư? Không phải là hoàng đế thì có thể đáp ứng mọi yêu cầu. Ví như Liên Đăng, khát khao lớn nhất hiện giờ của chàng ta chính là cô, y có thể hạ chỉ bảo cô tươi cười với chàng ta được không? Chàng ta thở dài, lại thẫn thờ nhìn vầng dương: “Thần không có yêu cầu gì, nếu muốn luận công ban thưởng thì mong điện hạ hãy phong tước hiệu công chúa cho Liên Đăng! Mười sáu năm qua, nàng đã chịu khổ nhiều rồi, sau này hãy để nàng được an nhàn hưởng vinh hoa đến già.”
Tề vương không ngờ quốc sư lại diễn tấu cái trò khổ tình này, kể từ khi có kí ức, y vẫn luôn vô cùng kính sợ quốc sư. Một người trẻ mãi không già, chấp chưởng thiên văn lịch pháp hơn trăn năm, có đại trí, mưu sâu, kết quả lại bại bởi chữ tình. Để rồi giờ này, quốc sư có mạnh mẽ cướp đoạt hay khúm núm nhũn nhặn cũng đều vô dụng. Dường như ngoại trừ tác thành cho Liên Đăng ra, chàng ta đã không còn lựa chọn nào khác.
Quốc sư có công định quốc với y, chút ban thưởng nho nhỏ ấy chẳng đáng nhắc đến. “Được. Để thế tử Định vương kế thừa tước vị, còn Liên Đăng thì phong làm công chúa, đảm bảo họ được ăn sung mặc sướng. Nhưng… quốc sư thật sự nỡ để em ấy lao vào lòng người khác ư?”
Chàng ta không nói gì, lặng thinh hồi lâu rồi mới cất lời: “Không nỡ… thì sao chứ? Thần đã tính sai một số chuyện nên phải tự gánh chịu hậu quả. Bây giờ vẫn chưa tìm được ông ta, không biết ông ta kia đang ở đâu. Tôi sợ ông ta sẽ quay lại gây nguy hiểm cho Liên Đăng.”
“Tôi đã phái người gấp rút đi điều tra rồi.” Tề vương đi xuống bậc thềm cùng quốc sư, lúc đi qua hồ Thái d1ch, y hỏi dò: “Nếu tôn sư một lòng mong mỏi Liên Đăng, sao quốc sư không…”
Sao không tặng cô cho sư phụ ư? Lòng chàng ta bỗng hơi tức giận, không chịu được bất cứ đả kích nào, cũng không thể chịu được việc ân sư mà chàng ta vẫn luôn kính trọng lại động lòng với người con gái của chàng ta. Lâm Uyên thà để ngọc nát đá tan còn hơn là dâng tặng Liên Đăng cho y.
“Bây giờ ông ta sống cũng chỉ như cái xác không hồn. “Kinh độ vong” chỉ triệu hồi được hai hồn sáu phách của ông ta, vẫn còn một hồn một phách đang lưu lạc đất trời, không nhập thân xác được, thế nên ông ta rất khó giữ bình tĩnh. Liên Đăng không thể ở bên một người không có năng lực tự kiềm chế được, ông ta sẽ làm tổn thương nàng. Hơn nữa thời gian của ông ta cũng không còn dài. Không tìm thấy kinh thư thì thần hồn ông ta sẽ dần tan biến, nhiều nhất là nửa năm một năm nữa thôi, cơ thể ông ta sẽ dần khô héo, cuối cùng trở thành xác ch3t.”
Tề vương không hiểu nhiều về thế giới mà quốc sư kể, cũng rất khó có người hiểu được những điều chàng ta nhìn thấy. Giống như âm dương chênh lệch vậy, dưới ánh dương chói lọi, ở những nơi họ không thể chạm đến vẫn luôn tồn tại vô số yêu ma quỷ quái. Quốc sư là người hành tẩu giữa hai thế giới, đôi khi biết càng nhiều thì lòng càng mệt mỏi. Giữ được ánh trăng nhưng không níu được làn gió, chuyện hối tiếc của họ nhiều hơn đám phàm phu tục tử giống y rất nhiều.
“Mất một hồn một phách, phải chăng sẽ giống đồ ngốc, không quan tâm gì hết?”
“Ừm. Hồn phách đầy đủ thì mới hiểu được phải kiềm chế tình cảm của mình. Nếu hồn phách khuyết thiếu thì mặt ác sẽ không bị che đậy, chẳng khác nào loài thú.: Chàng ta nâng tay áo, nhìn mặt hồ trong suốt tựa gương, lẩm bẩm: “Tôi từng nói với ông ta nhất định phải tìm được “Kinh độ vong”. Ông ta quá nôn nóng, không hỏi nguyên cớ mà đã giết luôn Định vương trong cơn nóng giận. Bây giờ tung tích kinh thư đã thành câu đố, không một ai biết ở đâu nữa.”
Chàng ta không kể tình huống của mình cho tề vương. Chuyện này hệ trọng, phải giấu giếm đôi chút thì mới tốt cho tương lai của Liên Đăng. Để y biết rằng chàng ta chỉ bế quan, có thể rời núi bất cứ lúc nào, dù có nắm hoàng quyền to lớn thì y cũng vẫn có điều kiêng kị, sẽ chừa lại một con đường cho hai anh em Liên Đăng. Còn về chuyện có thể giấu giếm tin chàng ta ch3t được bao lâu thì chắc hẳn là đến khi Phương Châu già đi. Lúc đó tất cả đều đã già, nếu có biến cố thì cũng coi như cả đời suôn sẻ. Còn chuyện họ có được ch3t tử tế hay không thì đành xem vận mệnh.