"Chiều nay em đi đâu? Anh gọi điện về không thấy em ở nhà?" Phồn Di đang mở cuốn " Tạp chí hội y học Mỹ "nhưng tâm trí đang vẩn vơ mãi ở đâu. Lòng chị đang ngổn ngang trăm mối đến nỗi không biết chồng vừa hỏi gì: " Anh bảo sao cơ?" Người chồng hỏi lại câu vừa nãy, Phồn Di đáp: " Em đến hiệu sách Tân Hoa - Giang Kinh vừa mở cửa trở lại, rất bề thế!" "Có mua được cuốn gì hay hay không?" Phồn Di nghĩ ngợi rồi nhìn thẳng vào đôi mắt người chồng: " Em đứng bên quầy sách y học thì gặp mấy sinh viên đại học y Giang Kinh đang mua sách học thêm, vô tình nghe thấy họ nói về " vụ án ám sát phòng 405" gì đó, hơn chục năm qua dường như mỗi năm có một nữ sinh nhảy lầu tự tử ở phòng 405 khu nhà 13. Anh Thành, sao anh chưa từng kẻ với em chuyện ấy?"
Ánh mắt Lục Bình Thành không tỏ ra ngạc nhiên, anh chỉ thở dài, vẻ mặt rầu rầu: " Phồn Di, chắc em hiểu tại sao anh không nói với em." "Vâng em hiểu, anh không muốn em biết chuyện rồi lại nghĩ ngợi lan man, anh đang giữ gìn cho em, xưa nay anh luôn bảo vệ em để em có thể tĩnh tâm, có thể sống bình thản, yên ổn." Phồn Di gật đầu cảm kích nhìn Bình Thành. "Anh gọi điện cho em có việc gì không?" "Không có việc gì đáng kể, anh chỉ mong nhân dịp này em hãy gắng nghỉ ngơi ít hôm, tiện thể nói với em là, anh đã đặt bàn ăn ở hiệu "Thường tất Tiên", tối nay chúng ta đi ăn hiệu." Phồn Di thấy ấm lòng, chị cảm thấy mình có phần không phải với chồng. Đã lấy nhau bao năm, khi xưa chị đi du học nước ngoài và tuổi sinh nở đã trôi qua. Bình Thành trước đây vẫn có ý định sinh con, nhưng thấy Phồn Di không mặn mà thì anh cũng không ép. Anh luôn chiều vợ mọi bề, đặc biệt rất ủng hộ chị tiến bước trên con đường sự nghiệp. Phồn Di hiểu Bình Thành cũng cần sự âu yếm và cần được giúp đỡ. "Gần đây anh có ngủ được không? Hình như đêm qua anh hơi trằn trọc?" "Vẫn tạm được! Dùng mãi thuốc an thần, sắp lờn thuốc mất rồi! Lâu nay anh bận quá nhiều việc. Sắp đến cuối học kỳ rồi mà mọi chyuện vẫn bề bộn, sau đợt này đến kì nghỉ hè thì sẽ thoải mái thôi! Anh tính là, nếu em không quá bận thì đến kỳ nghỉ hè anh sẽ cùng em sang châu Âu một chuyến." Bỉnh Thành ngồi xuống bên Phồn Di. "Thế thì quá hay. Sẽ như trước đây, hễ anh nghỉ hè là em sẽ đi với anh luôn!" Phồn Di tươi cười. Bình Thành ngắm nhìn khuôn mặt nhẹ nhõm, trong sáng và trang nhã của vợ, anh thấy vừa đáng yêu cũng vừa ái ngại. Phồn Di chợt nói sang chyuện khác: "Nhưng anh còn phải ứng phó cho qua cái ngày 16 tháng 6 đã, đúng không? Liệu sự việc căng đến mức nào?"
Bình Thành đứng lên: "Sinh viên phải chịu áp lực bài vở tương đối nặng, năm nào cũng có người không chịu đựng nổi nên đã tự sát. Điều này cũng hay gặp trong các trường đại học, dặc biệt là đại học y. Nhà trường rất coi trọng chuyện này, tuy vậy chúng ta không thể coi các tin đồn nhảm nhí là một vấn đề gì đó. "Nhưng hàng năm đều có chuyện xảy ra ở phòng số 405 khu nhà 13, là ngẫu nhiên quá mức thì phải? Các anh làm công tác sinh viên, tất nhiên sẽ không tin vào những chuyện đồn đại kháo nhau, nhưng cũng không thể tốn sức ứng phó với nó chỉ vì chưa tìm ra nguyên nhân!" "Về những chuyện này em đã biết được đến đâu? Đội trưởng trinh sát giỏi nhất của công an thành phố đã từng phân tích sự việc, anh ta biết những sự việc lịch sử của căn phòng ấy, nhưng cũng không co s bất kỳ bằng chứng nào để liên hệ hai nhóm sự việc với nhau vì chính cách nghĩ đó đã là quá hão huyền!" Bình Thành đi đi lại lại trong phòng "Nhưng, những thứ xuất hiện trong ảo giác của các sinh viên kia thì sao? "Ánh trăng" có liên quan đến "Nguyệt Quang xã" ngày trước không?"
Bình Thành bỗng dừng bước: " Mấy sinh viên đã bàn tán về việc đó, là nam hay nữ? Là người như thế nào?" Phồn Di thấy vẻ mặt của chồng trở nên rất căng thẳng, chị thầm kinh ngạc và nói: " Là mấy cậu sinh viên, họ đang tìm thêm sách đọc thêm về môn Chẩn đoán và Nội khoa, chắc là sinh viên năm thứ hai thứ ba..." Bình Thành thở phào rồi nói: "Em ạ, thời đại đã khác rồi, em cũng không nên quá nhạy cảm về các sự việc trong quá khứ nữa. Các vụ nhảy lầu ở phòng 405 những năm gần đây, đã cách xa những năm tháng ấy, không thể dính dáng gì đến nhau! Đúng là cá biệt có sinh viên đang đắm đuối nghiên cứu những sự việc này, đến nỗi "tẩu hoả nhập ma", ảnh hưởng đến học tập và sinh hoạt, thật là đáng buồn! Em phải tin rằng nhà trường sẽ giải quyết tốt việc này. Năm nay phòng bảo vệ sẽ bố trí phòng đặc biệt, trước hết sơ tán các nữ sinh viên ở đó, rồi cử 6 nhân viên canh gác căn phòng 405, chia nhóm 3 người, cứ 15 phút lại đổi ca túc trực. Bố trí chặt chẽ như thế, anh không thể tưởng tượng lại còn có thể xảy ra sự kiên bất trắc gì ở phòng 405." Phồn Di gật đầu: "Có lẽ tại em quá nhạy cảm. Anh cũng nên hiểu cho em, sự việc Tiêu Nhiên vẫn nặng trĩu trong em." Bình Thành đặt hai bàn tay ấm áp và mạnh mẽ lên đôi vai Phồn Di: "Đương nhiên là anh rất hiểu, vì thế, anh luôn thận trọng, không đụng chạm đến nỗi lòng ấy của em. Và mong em cũng hiểu cho anh!" Nhấm nháp các món sơn hoà hải vị của tiệm "Thường Tất Tiên", Phồn Di thấy như đang nhai rơm, bởi tâm trạng của chị vẫn đang ngổn ngang trăm mối.
Lúc này đêm đã về khuya, Phồn Di nằm trên giường, bao kí ức ngày xưa tìm về với chị, dù chị không muốn thế. Chị càng thấy khó ngủ. Phồn Di nhớ về năm ấy, những tháng ngày u ám trong cuộc đời chị. Đầu tiên là bị thế lực của "Máy kéo" lôi chị ra khỏi Tiêu Nhiên, đến thực tập tại bệnh viên tiền tuyến ở ngoại thành phía Đông. Mùa xuân mới về được ít hôm, thì nghe nói Tiêu Nhiên bị cách ly để thẩm vấn - bởi vì anh ấy bị nghi là thành viên của tổ chức đặc vụ có tên "Nguyệt Quang xã". Ngay sau đó chị cũng bị điều tra luôn. Tổ điều tra đã nhiều lần hỏi chuyện, và đưa ra nhiều tuyên bố cảnh cáo ghê rợn. Thoạt đầu chị không để ý, và tin chắc ở sự trong sáng và nhân cách của Tiêu Nhiên, nhưng khi anh công nhận có quan hệ với "Nguyệt Quang xã" thì chị trở nên khủng hoảng.
Khi tổ điều tra tiếp tục căn vặn, Phồn Di thấy thấp thỏm, tuy chị nhiều lần tự nhắc mình phải kiên quyết không phụ lòng tin cậy của Tiêu Nhiên, nhưng hình như tổ điều tra đánh hơi thấy điều gì đó... họ càng o ép chị dữ dội hơn. Thoạt đầu chị hoang mang mất tự chủ, sau đó rơi vào trạng thái trầm cảm nặng nề. Chính vào lúc này, một thực tập sinh lớp trên đã đến với chị, đó là Luc Bình Thành. Bình Thành đang là thực tập sinh năm cuối, cùng làm với Phồn Di ở khoa nội. Khi biết anh là sinh viên của đại học y số 1 Giang Kinh, Phồn Di rất ngạc nhiên. Vì bệnh viện tiền tuyến vốn là nơi thực tập cho sinh viên đại hoc y số 2 Giang Kinh. Bình Thành giải thích rằng bệnh viện tiền tuyến chủ yếu phục vụ công nhân của vài nhà máy lớn ở ngoại thành phía đông Giang Kinh. Những công nhân này sống thì gian khổ, hưởng thụ thì ít, rất cần được ưu tiên chăm sóc tốt, cho nên anh đã từ bỏ cơ hội thực tập ở bệnh viên Nhân dân của thành phố, và được nhà trường nỗ lực đưa anh sang làm "con nuôi" của đại học y số 2 Giang Kinh, "đi xuống cơ sở" là bệnh viện tiền tuyến tương đối gian khổ thực tập. Những lời này khiến Phồn Di hết sức xúc động. Về sau, khi tổ điều tra và phái "tạo phản" càng ráo riết theo dõi chị, chị hết cách để tiếp xúc với Tiêu Nhiên, thì Bình Thành trở thành bến cảng giúp chị tránh cơn bão tố. Đồng thời với việc tổ điều tra bám riết Phồn Di, thì phái "tạo phản" cũng một mực dồn ép chị phải "tỏ rõ lập trường". Cho đến một hôm, quá mệt mỏi cả thể xác lẫn tinh thần và muốn chấm dứt sự hành hạ tâm thần bất tận ấy, Phồn Di đã nói với tổ diều tra rằng mình không còn là bạn gái của Tiêu Nhiên nữa. Tiêu Nhiên biết tin này, anh vô cùng đau xót , gọi điện đến yêu cầu gặp chị một lần cuối. Phồn Di không còn can đảm để đi gặp anh. Tối hôm đó chị ngồi nép mình bên Bình Thành cho đến tận khuya.
Tin Tiêu Nhiên nhảy lầu tự sát bay đến, và Phồn Di thực sự suy sụp tinh thần. Thoạt đầu mất ngủ liền mấy đêm, ban ngày cũng không thể đến bệnh viện để làm việc, suốt ngày đêm chỉ ngồi ngây dại bên cửa sổ, thậm chỉ từng muốn giã biệt thế gian để đi theo Tiêu Nhiên - Phồn Di vẫn yêu anh tha thiết, ý nghĩ chết theo người yêu vẫn thấp thoáng hiện lên. Ngay Trịnh Kim Tùng còn có can đảm ấy nữa là! Tuy nhiên Phồn Di vẫn nuôi hy vọng, vẫn ngóng chờ ngày ánh dương lại đến.
May sao Bình Thành luôn ở bên chị, anh động viên chị cố chịu đựng vượt qua được những ngày này. Thấy Phồn Di phờ phạc như người mất hồn, nhà trường đã để cho chị được nghỉ tĩnh dưỡng ít lâu. Khi trở lại trường, Phồn Di được biết các sinh viên từ khoá này trở lên đều phải ngừng học tập, đi đến các nông trường của bộ đội miền biên cương để "giáo dục lại". Phồn Di cùng một số bạn được bố trí vào một đại đội ở vùng Hoán Nam. Sau đó ít lâu, một đợt sinh viên khác cũng được cử đến, Phồn Di nhận ra khuôn mặt thân quen: Lục Bình Thành. Hồi tưởng lại bao chuyện xưa, Phồn Di bất giác lệ rơi lã chã. Bình Thành nằm bên, anh giở mình, và chợt thở dài trong giấc ngủ mơ màng. Phồn Di chợt thấy lòng mình trùng xuống, chỉ có chị mới biết Bình Thành trông có vẻ khoẻ mạnh song đã từ lâu anh mắc chứng mất ngủ. Đáng lo hơn nữa là anh có tiền sử mắc bệnh mộng du, tuy hiếm khi phát bệnh, nhưng cũng đủ khiến Phồn Di phải đi cùng anh cầu cứu các chuyên gia. Thuốc của họ rất có hiệu quả, chứng mất ngủ của Bình Thành đã được khống chế một thời gian rất dài.
Nhưng đêm nay chị có một linh cảm chẳng lành. Quả nhiên, chỉ một lát sau khi chị nghĩ đến điều này thì Bình Thành từ từ ngồi dậy. Phồn Di khẽ gọi: "Anh Thành!" Bình Thành hoàn toàn không hay biết, Phồn Di hiểu rằng anh đã lại bắt đầu mộng du.
Anh xuống giưòng, bước lên vài bước, rồi ra đứng trước cửa sổ phòng ngủ nhìn bầu trời đêm đen kịt, đôi môi mấp máy như định nói điều gì đó. Phồn Di nhớ đến lời dặn của bác sĩ hãy tìm cách ghi lai lời của Bình Thành nói trong lúc mộng du để giúp cho việc phân tích sau này. Chị vội lần tìm chiếc máy cát-sét mi-ni và ấn nút ghi. Quả nhiên Bình Thành đã nói mấy câu ngắn, tiếc rằng ngữ điệu lại rất kỳ quái - cũng như các câu nói lúc ngủ mê, không sao nghe rõ được. Bình Thành đứng im một lát, rồi quay người rời xa cửa sổ. Phồn Di vừa thở phào, thì lại thấy chồng mình đi chân không ra khỏi phòng ngủ. Chị đi theo và nghĩ sẽ lựa lúc để gọi anh tỉnh lại. Đây là một cách điều trị mà chuyên gia từng điều trị cho Bình Thành đã nói với chị, trái ngược với cách của dân gian vẫn bảo nhau là "tuyệt đối không được đánh thức người đang mộng du". Đánh thức người mộng du, thực tế là "liệu pháp chán ghét" - để cho bệnh nhân hiểu rằng mình đã bị mộng du, họ sẽ kiểm điểm lại hành vi bệnh trạng của mình, để ức chế sự phát sinh lần sau.
Phồn Di đi theo ra phòng khách, Bình Thành đi thẳng ra cửa, bước ra ban công. Mọi lần mộng du trước kia anh chưa từng làm thế này! Bác sĩ từng dặn dò Phồn Di: người mộng du không hề biết mình đang mộng du, khả năng gây tác hại cho bản thân tuy nhỏ nhưng không phải là không có. Bước ra ban công tầng thứ 12, đúng là một tình huống rất nguy hiểm. Chị đang định gọi lại thì thấy anh đang dờ đẫn nhìn xuống phía duới, giọng nghèn nghẹn lẩm bẩm mấy tiếng, anh bỗng giơ hai tay đưa mạnh lên, rồi quay người lại ngay. Tuy bất chợt đối mặt với vợ nhưng hình như anh không nhìn thấy gì, anh đi qua, bước đi rất nhanh, trong chớp mắt đã đến ngay cửa chính và mở rộng cửa. "Anh Thành!" Phồn Di gọi to. Bình Thành sững người, quay lại nhìn, vẫn không nhìn thấy vợ, anh quay người bước ra khỏi nhà. Phồn Di chạy ào ra, nhưng đôi chân mạnh mẽ của Bình Thành lướt đi như bay, rồi anh chạy xuống cầu thang, Phồn Di không dám gọi nữa sợ hàng xóm thức giấc, chị đành chạy xuốn cầu thang bám theo Bình Thành. Có lẽ chỉ một lát sau cả hai đã xuống hết mười hai tầng cầu thang. May mà sau khi ra khỏi khu nhà, Bình Thành bỗng đi chậm lại, lững thững đi vài bước rồi dừng, mắt anh nhìn xuống đất rồi lại ngửng đầu nhìn lên. Phồn Di nhìn theo hướng Bình Thành đang nhìn, hướng đó là ban công tầng 12 nhà mình.
Chị ôm chặt Bình Thành, gọi vào tai anh: "Anh Thành, tỉnh lại đi! Đã hết ngủ mê rồi, mình quay về đi nghỉ thôi!" Rồi Bình thành cũng đã ngủ say, nhưng Phồn Di thì không sao ngủ được nữa. Chị đứng đậy, bước ra khỏi phòng ngủ, sang phòn đọc sách, đeo tai nghe lai những câu nói mê vừa nãy ghi âm. Câu đầu tiên nói ở trước cửa sổ, hình như có 8 chữ nhưng âm thanh quá kém. Tua lại, sau khi nghe lại đến vài lần, chị chợt thấy âm điệu này quen quen. Chị cố nhớ lại... thì ra đây là tiếng địa phương Tấn Nam - quê của Bình Thành. Bình thường anh nói tiếng phổ thông rất chuẩn, khi trò chuyện với cha mẹ, anh cũng không nói tiếng địa phương. Có một lần đi cùng anh về Sơn Tây thăm mẹ chồng bị ốm nặng, Phồn Di lần đầu tiên nghe Bình Thành dùng tiếng địa phương nói chuyện với bà con họ hàng.
Tuy nhiên chị cũng không lạ gì tiếng Sơn Tây. Khi công tác ở trong nước, chị từng tiếp xúc với không ít bà con với Bình Thành ra đây chữa bệnh. Chị cố gắng tìm lại cảm giác về tiếng địa phương này, nghe lại vài ba lần nữa, cuối cùng đã ang áng nghe ra, hình như bình Thành nói là: "đốm lửa tuy nhỏ, đốt cháy đồng cỏ". Nếu mình nghe đúng là thế, thì câu này có hàm ý gì? Chị lai nghe tiếp hai chữ Bình Thành nói ở ban công, cũng là tiếng địa phương Tấn Nam, nhưng kì lạ thật, hình như anh cố nén giọng, nói như nghèn nghẹn. Hai chữ này không nói nhanh, Phồn Di nghe vài lần, rồi hầu như có thể khẳng định đó là hai chữ "ánh trăng". Theo như hai cô gái gặp lúc ban ngày đã nói, thì "ánh trăng" đã từng tồn tại trong bộ não của các cô sinh viên đã nhảy lầu, và họ đoán rằng "vụ án mưu sát 405" và "ánh trăng" có liên quan chặt chẽ đến nhau. Tại sao hai chữ này lại xuất hiện trong đầu Bình Thành?
Và ngày 16 tháng 6 đã gần kề, anh ấy phải chịu áp lực quá lớn chăng? Hay là anh ấy có điều gì đó đang giấu mình? Anh ấy chưa bao giờ nói với mình là ở đại học y Giang Kinh bao năm qua liên tiếp nhảy ra các vụ nhảy lầu? Vì sợ sẽ đụng đến nỗi đau của mình, thật không? Nếu sớm biết chuyện, chắc mình sẽ lập tức liên hệ ngay đến cái chết của Tiêu Nhiên. Tại sao lại xảy ra các vụ nhảy lầu? Lẽ nào lại quái đản như hai cô sinh viên kia đã nói? Phồn Di thấy hướng suy nghĩ của mình có phần rối loạn, chị đứng lên pha tách trà rồi lại ngồi xuống bình thản ngẫm nghĩ: tại sao hễ nghe đến "vụ 405" mình lại bứt rứt không yên? Hình như không chỉ vì căn phòng 405 là phòng ký túc xá định mệnh của Tiêu Nhiên. Thế thì còn vì cái gì khác nữa? Có lẽ, hồi tưởng rành rọt quá khứ sẽ khiến cho những điểm nghi vấn đã nhạt nhoà lại được hiện lên rõ nét.
Trước tiên là việc Bình Thành chuyển trường học, có thể nói điều này chưa từng nghe nói đến trong các trường đại học ở thời kì ấy. Cái gì đã khiến anh có thể chuyển trường một cách thuận lợi? chẳng lẽ vì nhiệt tình muốn phục vụ giai cấp công nhân? Chính Bình Thành nói, anh đã học hết phần đại cương ở đại học y số 1 Giang Kinh, ở Giang Kinh rộng lớn có hàng chục bệnh viện lớn nhỏ, anh ấy lại chẳng tìm được một người bạn cũ để nhờ? Tại sao mình vừa đến bệnh viện Hoán Nam thì anh ấy lò dò đến, và ngẫu nhiên làm cùng với mình luôn? Quyền phát ngôn lựa chọn nông trường bộ đội, thường nằm trong tay phái "tạo phản" đang "nắm" nhà trường, nhưng Bình Thành thì không có cái vai trò ấy. Ở nông trường, tại sao chỉ ít lâu sau khi mình và anh ấy đã chính thức yêu nhau, thì cả hai cùng nhận được lệnh khẩn "vì thiếu cán bộ y tế" nên điều động về bệnh viện thị trấn, ít lâu sau lại lên huyện, rồi về thành phố Bang Phụ? Tất cả đều như bước lên một con đường đã được sắp đặt "phẳng phiu". Cho đến thập kỉ 70, Bình Thành được điều về bệnh viện Giang Kinh, còn mình - vì vẫn còn dư âm của chuyện xưa tan nát cõi lòng, nên vẫn khăng khăng ở lại An Huy.
Có quá nhiều vấn đề. Phồn Di buồn bã đứng lên đi đi lại lại mấy bước. Chị biết đêm nay mình sẽ mất ngủ. Từ lúc chiều đến giờ, chị cứ do dự chẳng biết có nên đọc bản phô-tô “Hồ sơ Nguyệt Quang xã” mà Âu Dương Sảnh đưa cho không? Chị không tin rằng, chỉ qua một thời gian ngắn, chị sẽ có can đảm đọc nó - chứng trầm cảm nghiêm trọng tuy đã được khống chế, nhưng bác sĩ vẫn dặn dò phải gắng tối đa không để cho tâm trạng bị xáo trộn. Đọc nhật ký của Tiêu Nhiên, chắc chắn tâm trạng của mình sẽ biến động dữ dội, vậy nên hãy tránh thì hơn. Trên đường trở về nhà, Phồn Di đã mấy lần định đứng lại mở ra xem nhưng rồi lý trí của chị vẫn kiểm soát được. Lúc này đêm dài đằng đẵng, chị không muốn lại mệt óc để cân nhắc nữa, quyết định sẽ mở cuốn nhật ký của Tiêu Nhiên ra đọc, coi như để thư giãn vậy. Chị mở va-li du lịch lấy tập phô-tô hồ sơ đó ra, thoáng nhìn đã biết ngay là chữ của Tiêu Nhiên, nét chữ thân quen này đã trôi đi xa lắm, chị thấy đau xót, và hiểu rằng mình đã quyết định sai lầm, chỉ e không có can đảm để đọc nó nữa.
Phồn Di không đọc nội dung nhật ký, mà chỉ giở rất nhanh lướt nhìn các trang hồ sơ. Sau phần nhật ký là một số trang ghi chép với nhiều dạng chữ viết khác nhau, chắc là tổ điều tra ghi các nội dung thẩm vấn Tiêu Nhiên. Bỗng Phồn Di nhìn thấy một kiểu chữ viết quen quen. Trên một tờ giấy viết thư có in hàng chữ “Ủy ban cách mạng đại học y số 2 Giang Kinh”, thấy viết rõ ràng “Báo cáo nội bộ về hoạt động của “Nguyệt Quang xã” trong thời gian gần đây”, thấy tất cả thảy có 5 tờ, ghi chú ở phần cuối cùng là hai chữ: “Tinh hoả”
Đốm lửa tuy nhỏ, đốt cháy đồng cỏ. Đây chính là bút tích của Lục Bỉnh Thành.
Phồn Di cảm thấy hơi chóng mặt, cố gượng để đọc bản báo cáo này. Càng đọc chị càng thấy kinh hoàng. Nửa đầu của báo cáo, nói về tình hình từ 1966 Ủy ban cách mạng đại học y Giang Kinh - dưới sự giúp đỡ của Uỷ ban cách mạng các trường đại học toàn thành phố - đã tóm được một loạt thành viên “Nguyệt Quang xã” vẫn đang bí mật hoạt động. Từ bản báo cáo này, nhận ra rằng chính đồng chí “Tinh Hỏa” đã dùng bí danh “Liễu Tinh” để thâm nhập nội bộ tổ chức “đặc vụ” này, nắm được quy luật hoạt động của “Nguyệt Quang xã”, từ đó giăng lưới vét sạch cả bọn phản cách mạng. Nửa sau của báo cáo, chủ yếu ghi chép quá trình triển khai điều tra thẩm vấn chu đáo tỷ mỉ ra sao, cuối cùng làm rõ Tiêu Nhiên là thành viên cuối cùng của "Nguyệt Quang xã", đánh dấu chấm hết tuyệt đẹp cho quá trình phá "vụ trọng án Nguyệt Quang xã" trải suốt 10 năm. Và, người tổ trưởng luôn đứng sau họat động của tổ điều tra, chính là đồng chí “Tinh Hỏa”- người viết bản báo cáo này. Tuy “Tinh Hỏa” không trực tiếp tham gia thẩm vấn Tiêu Nhiên nhưng anh đã rất thành công trong việc phân hóa, làm tan vỡ “những thế lực thông cảm” với Tiêu Nhiên, dùng áp lực mạnh buộc người yêu của Tiêu Nhiên phải tuyên bố “vạch rõ gianh giới” với Tiêu Nhiên, đồng thời thu được chứng cứ quan trọng chứng minh anh ta đã tham gia hoạt động của "Nguyệt Quang xã".
Đáng tiếc, bản báo cáo này không viết rõ “chứng cứ quan trọng” cụ thể là thứ gì, có lẽ nó chỉ là cuốn nhật ký này. Cũng không viết ai đã cung cấp chứng cứ, nhưng hình như ngầm chỉ ra rằng chính Khổng Phồn Di đã “trở về với chính nghĩa”, khai ra Tiêu Nhiên. Thảo nào Âu Dương Sảnh nhìn mình hằn học như thế.
Điều này mới khiến Phồn Di phải rùng mình: thì ra Lục Bỉnh Thành là một con người như thế! Tay Phồn Di run run, nhưng chị lập tức an ủi: ở cái thời đại ấy, thì hành động của Lục Bỉnh Thành là biểu hiện của cách mạng - thậm chí là cao thượng, là vinh quang. Có vô số người đã mắc những sai lầm kiểu này. Trong thời kỳ mới, họ sửa chữa sai lầm, đổi mới vươn lên không làm hại ai nữa, là tốt rồi. Thậm chí chị nghĩ rằng trong báo cáo này Bỉnh Thành đã cố ý miêu tả chị là “đã nâng cao giác ngộ cách mạng”, ngụ ý rằng chị khai ra Tiêu Nhiên – là sự bảo vệ cho chị.
Lúc này đã có thể hiểu, tại sao trong khi các sinh viên khác vẫn đang phải “rèn luyện” thì mình đã trở thành một bác sĩ. Có một điều đáng sợ là, xưa nay Bỉnh Thành vẫn luôn giấu chị. Chuyện này, anh ấy có thể giấu chị lâu như thế, ổn thoả như thế, liệu còn có những chuyện gì khác vẫn đang chôn giấu trong lòng anh ấy không? Phồn Di không còn tâm trí nào để đọc nhật ký của Tiêu Nhiên nữa, vì chị đã cảm giác được rằng tất cả đều bắt đầu từ một sai lầm rất lớn, không thể khắc phục, và ngoài cả sự tưởng tượng của chị. Chị cảm thấy một nỗi sợ hãi mơ hồ, bèn vội vã cất ngay đám giấy tờ vào xắc du lịch, chị rất sợ Bỉnh Thành phát hiện thấy. Hôm nay chị mới nhận ra rằng, người đàn ông đã chung sống với mình bao năm qua xa lạ biết chừng nào! “Em đang làm gì thế?” Phồn Di suýt kêu lên, quay đầu lại, chị chưa kịp hòan hồn nhìn Bỉnh Thành đang đứng sau lưng chị. “Bỉnh Thành! Thì ra là anh làm em giật cả mình…. Em… không ngủ được, nên ra đây thu dọn các thứ.” Dưới ánh đèn sáng choang, sắc mặt anh có phần uể oải và khô cứng: “Em đừng vội, để sau hãy thu dọn, có gì mà không thu dọn được chứ.”
8h ngày 14 tháng 6 Sáng ra, Bỉnh Thành lại hăm hở cưỡi xe đạp đi làm. Anh vừa đi khỏi, Phồn Di cũng dậy ngay, bắt đầu từ phòng đọc sách, chị tìm kiếm khắp nhà. Chị cũng không biết mình đang tìm kiếm cái gì, hoàn toàn không có mục đích. Có lẽ chị nhằm loại trừ mối nghi ngờ của người chồng.
Trên bàn là một vài cuốn sách giáo dục học và mấy sổ “Bản tin tham khảo mà gần đây anh chưa kịp đọc trong giờ đi làm. Có một tập “Hóa đơn / Ghi chép chi tiêu “ cũng đặt trên bàn. Chị biết anh là một nòng cốt của Đảng uỷ Viện y học lâm sàng, một số tín hiệu gần đây cho thấy có thể anh sẽ được đề bạt làm hiệu phó, cho nên anh liên tục đi công tác, anh tập hợp các hóa đơn, đủ mọi hạng mục, đúng là thượng sách. Đang định lướt qua cái bàn thì chị chợt nghĩ: nên tìm hiểu Bỉnh Thành hay đi đâu, thì cũng không có gì là dở cả, ít ra cũng có thể chứng minh anh đi đâu, có giấu mình hay không ?
Đọc hóa đơn, phiếu chi … là chuyện cực kỳ đáng ngán, Phồn Di giở vài tờ phiếu chi gần đây, thấy các địa chỉ anh đi đến đều khớp với các điều anh đã nói với chị trước đó. Khi nhìn thấy một phiếu ghi chi tiêu ghi ngày đầu tháng 5, chị bỗng chững lại. Chị nhớ rằng, anh đã nói lần ấy là đi Nam Kinh dự hội nghị bàn về giáo trình y khoa do Bộ y tế và Ủy ban giáo dục cùng triệu tập. Nam Kinh khá gắn bó với Vô Tích quê chị, mấy năm trước cha mẹ chị lần lượt qua đời nhưng chị vẫn còn nhiều người thân ở quê, chị vẫn rất nhớ thương họ. Tờ khai chi tiêu này bao gồm vé tàu hoả khứ hồi, phí nghỉ khách sạn, và hóa đơn đi taxi. Nhiều năm làm công tác nghiên cứu khoa học đã tôi luyện cho chị có đôi mắt sắc sảo, chị vừa thoáng nhìn đã nhận ra ngay có điều bất thường. Lại nhìn kỹ từng tờ vẽ, chị thấy nổi cộm một điều nghi vấn lớn.
Chị phát hiện ra rằng, tấm vé tàu từ Nam Kinh trở về Giang Kinh ghi 10 giờ ngày 7 tháng 5 tàu chạy. Vì là tàu tốc hành, nên khoảng trưa ngày 8 sẽ về đến Giang Kinh. Nhưng, tám “Vé thống nhất của taxi thành phố Giang Kinh” cùng tên trong tập phiếu khai này, thì lái xe ghi là ngày 9 tháng 5. Tại sao lại chênh nhau một ngày? Phồn Di nhìn kỹ hai tấm vé tàu hỏa bằng bìa cứng, rõ ràng là có dấu hiệu của kiểm soát vé – là vết “bấm” riếng của nhân viên trên tàu làm, thường là lưu lại bên mép tấm vé bằng bìa cứng ahi cái “răng” nhỏ. Có lẽ mình đã đa nghi, rõ ràng là anh ấy lên tàu hỏa trở về Giang Kinh, chắc là anh lái xe taxi đã ghi nhầm ngày trên vé xe, chỉ là viết nhầm thôi, khi viết ngoáy, số 8 và số 9 cũng dễ lẫn lộn kia mà!
Nhưng chị lại nhìn tấm vé chuyến đi khỏi Giang Kinh, thì chị lại nghĩ khác. Vết soát vé để lại trên tấm vé tàu đi khỏi Giang Kinh, là hai “răng” có quy tắc, cái răng nhỏ có hình chữ nhật. Nhưng tấm vé trở về Giang Kinh tuy có 2 cái răng nhỏ ấy, nhưng lại không phải hình chữ nhật. So sánh tiếp hai tấm vé, còn thấy khoảng cách giữa hai răng lại cũng khác nhau.
Nó nói lên điều gì ? Bỉnh Thành đã không dùng tấm vé này, nhưng tự anh đã “bấm” thành hai cái răng để làm bằng chứng báo cáo tài vụ thanh toán? Tại sao anh phải làm thế? Phồn Di nghĩ mãi nghĩ mãi rất lâu, đưa ra nhiều giả thiết…cho đến lúc chính mình cũng thấy thật vô lý: chẳng lẽ một con người từng có một đoạn đời đen tối, thì không thể có hiện tại và tương lai trong sáng đàng hoàng nữa? Liệu có phải mình đã quá đa nghi không nhỉ?
Nhưng Phồn Di vẫn muốn loại trừ một giả thiết táo tợn và đáng sợ nhất. Sau khi Phồn Di nhấn vào máy nhắn tin của Âu Dương Sảnh, rất nhanh chóng chị đã nhận được điện thoại trả lời: “ Cô Phồn Di, cháu và Hinh đang ở đây, mỗi người cầm một ống nghe.” Nên bắt đầu nói từ đâu nhỉ? Phồn Di hơi ngập ngừng, rồi hỏi: “ Tôi nhớ là Hinh nói rằng đã chứng kiến một sự kiện nhảy lầu ở Nghi Hưng, người ấy trước kia cũng ở phòng 405, cũng từng nhảy lầu, nhưng đã may mắn sống sót. Cháu còn nhớ mình đi Nghi Hưng, hôm nào không?” “Cháu còn nhớ, là ngày 8 tháng 5.” Hinh khẳng định. Một chuỗi các cảnh ngộ hôm đó, đến nay cô vẫn còn nhớ như in. “Trời ơi” Phồn Di kinh hãi kêu lên. Chị lại càng do dự, có nên nói cho hai cô gái này biết bí mật về Lục Bỉnh Thành hay không? Phồn Di vốn luôn rất có ý thức giữ kín bí mật đời tư, nhưng lúc này chị thoáng cảm thấy mình càng biết nhiều thì nguy hiểm sẽ càng tiến đến gần. “ Để tôi kể từ đầu nhé. Tối qua tôi đã mở đọc hồ sơ "Nguyệt Quang xã" mà hai cháu đưa cho, thấy rằng rất có thể chồng tôi cũng liên quan đến "Nguyệt Quang xã". “ “Ôi!” Hinh và Sảnh cùng kêu lên: “Chú ấy là ai ạ?” “Anh ấy là phó bí thư Đảng uỷ Viện y học lâm sàng của các cô, tên là Lục Bỉnh Thành !” Sau khi nghe Phồn Di kể xong phát hiện của mình qua tập hồ sơ, Diệp Hinh nói: “Thật không ngờ chú ấy lại là Liễu Tinh! Một loạt các thành viên của "Nguyệt Quang xã" đã bị chú ấy tố giác, tuy không trực tiếp bị chết bởi bàn tay chú ấy, nhưng chú ấy không thể thoái thác trách nhiệm!”
Hinh lập tức nhớ ra ngay rằng dù sao Lục Bỉnh Thành cũng là chồng Phồn Di. “Cô ạ, có lẽ cháu không nên nói về chồng cô như thế!” “Không sao. Tôi cũng vừa mới biết anh ấy là tổ trưởng “tổ điều tra chuyên án "Nguyệt Quang xã" năm xưa, tôi và Tiêu Nhiên bị gây sức ép nặng nề, đều là ý của anh ấy đưa ra.” Phồn Di không dám nghĩ thêm về cái năm ấy nữa, tất cả - đều ngầm nói rằng kể từ năm ấy, cuộc đời chị đã đi chệch hướng. “Vậy thì chú ấy nhất định phải biết ai đã bán đứng chú Tiêu Nhiên!” Sảnh nói. Hinh nói: “Khỏi cần hỏi nữa, đã không phải là cô Phồn Di thì rõ là Trịnh Kình Tùng rồi!” ”Điều này càng chứng tỏ Kình Tùng không thể là cùng chết với chú Tiêu Nhiên. Liệu có phải là tự sát hay không, đó là một câu hỏi lớn!” “Cháu nghĩ là, chắc chắn Thẩm Vệ Thanh không muốn tự sát, nhưng rồi chị ấy cũng rơi xuống lầu, liệu có ai đứng sau đẩy xuống không?” Hinh nhớ lại căn hộ của Vệ Thanh, nếu cánh cửa thông ra ban công mở ra, thì một ai đó sẽ rất dễ đẩy chiếc xe lăn ra sát lan can của ban công rồi xô xuống, Vệ Thanh cũng không còn cơ hội để chống lại. Phồn Di đang định nói mối nghi ngờ của chị về chuyến đi Nam Kinh của Bình Thành, nhưng chị lại kìm lại. Biết nói thế nào đây? Nghi ngờ chồng là hung thủ giết người? Chỉ một tấm vé tàu hỏa, thì có thể nói lên điều gì? Chị và Sảnh giao hẹn sẽ tiếp tục liên lạc, đặt máy xuống rồi chị vội vã ra khỏi nhà. Chị muốn được nghe thêm các ý kiến khách quan về người chồng của mình.