*Chương này có nội dung ảnh, nếu bạn không thấy nội dung chương, vui lòng bật chế độ hiện hình ảnh của trình duyệt để đọc.Đàm Vân Sơn chờ mãi mới được một hôm thấy mưa nhỏ mây phai đen.
Hòe Thành bị mưa xối nửa tháng, trời sầm sì nửa tháng, đừng nói là trời trong, ngay cả mây đen chỉ hơi mỏng đi một chút thôi cũng hiếm, cho dù có thì phần nhiều cũng là ban ngày. Ấy nhưng Đàm Vân Sơn lại là một nam tử phong nhã có cái thú ngắm mây thưởng trăng chơi thuyền hóng gió.
Hôm nay chẳng biết làm sao nước không rút, mưa nhỏ lại, khác hẳn hoàn toàn với nửa tháng qua, làm người của Đàm gia bị ngập lụt tra tấn lâu ngày càng thêm hoảng sợ, từ trên xuống dưới đều về phòng sớm, đóng kỹ cửa, dĩ nhiên là chẳng có ai đi cản Nhị thiếu gia đi lung tung chung quanh.
Đàm Vân Sơn thấu hiểu tâm lý hoảng sợ của người trong nhà và thậm chí là người trong toàn thành nhưng thấu hiểu mà lại không cách nào đồng cảm được.
Y không tin trên đời này có ma quỷ.
Nào là quỷ nước, thủy yêu, hồn trẻ con lấy mạng, chẳng qua là lời đồn đại nói gì cũng tin, tự mình làm mình sợ mà thôi. Về phần mưa to lũ lụt thì chỉ là thiên tai bình thường, Hòe Thành xưa nay mưa thuận gió hòa, bỗng nhiên xảy ra chút chuyện như thế, người Hòe Thành đời đời quen yên ổn căn bản không biết phải ứng phó thế nào, nói gì tới bình thản, ung dung.
Nhưng Đàm Vân Sơn thì có cách nhìn khác.
Đằng nào cũng đã bị ngập lụt, mọi người đều đã bó tay hết cách, chỉ còn nước chờ ông trời cho tạnh, thế thì thay vì sống hoảng sợ qua ngày, chẳng bằng tìm chút chuyện vui để làm… tỉ như, có thể chơi thuyền trên đường ô hô!
Từ lúc xảy ra ngập lụt, mấy hộ nhà giàu ở Hòe Thành đã đua nhau mua thêm thuyền nhỏ đề phòng lỡ như ban ngày nước không rút thì tiện cho kẻ dưới ra vào làm việc, mua thức ăn thức mặc để dùng. Đàm gia cũng vậy, mấy chiếc thuyền con được cột vào cửa hông, sẵn sàng cho bất kỳ tình huống nào. Có điều, cơn nước lụt này luôn luôn đêm dâng ngày rút cho nên mấy con thuyền này vẫn chưa được thực sự dùng tới.
Kẻ dưới của Đàm gia lấy vậy làm may, dù gì cũng đều không có kinh nghiệm sông nước, lỡ như bị lật, lật chỗ nước cạn thì dễ rồi, lỡ lật ở chỗ nước sâu, lại không may gặp phải quỷ nước kéo cho một cái… Quả là nghĩ thôi đã khiếp.
Bọn người dưới nào biết đâu rằng chuyện “ngoạn thủy” bọn họ tránh không kịp lại là “tiêu dao du” mà nhị thiếu gia nhà họ mơ ước đã lâu.
*tiêu dao du (tiếng Trung: 逍遥游) là tên một thiên trong Nam Hoa kinh do Trang Tử (Trang Chu) viết với đề tài chính là theo đuổi một cuộc sống hoàn toàn tự do, quên đi ranh giới giữa bản thân và sự vật, đạt tới độ “vô ngã”, là tác phẩm văn xuôi kinh điển của Đạo giáo. Đọc thêm về “Tiêu dao du” và Trang Tử:
WikipediaThử tưởng tượng ngồi ung dung trên thuyền nhỏ mặc nó xuôi dòng, hai bên là những nhà những cửa thân thuộc bấy lâu, nay được bóng nước tôn lên một vẻ khác thì thú vị biết chừng nào!
Đàm Vân Sơn kiên nhẫn chờ, cuối cùng đã chờ được đêm nay, nước chưa rút, mưa lại nhỏ, quả là trời đất bao la mặc cho chàng bay lượn. Thế là, tới đêm, đợi cả Đàm trạch chìm vào yên tĩnh, y liền rón rén ra cửa hông, tháo một chiếc thuyền nhỏ thả theo dòng.
Mới đầu hết thảy đều tuyệt vời như trong tưởng tượng, thuyền nhỏ trôi chầm chậm, mưa nhỏ tí tách, cảnh vật thân quen giữa màn đêm và bóng nước hiện lên một vẻ đẹp khác lạ đầy mới mẻ. Đáng tiếc, chẳng biết làm sao, thuyền nhỏ xuất phát từ chỗ cửa hông, trôi quanh Đàm phủ một vòng, thế rồi dừng lại ngay trước cổng lớn sơn son. Đàm Vân Sơn thậm chí còn chưa kịp ngồi ấm chỗ.
Sau một thoáng kinh ngạc, Đàm Vân Sơn bèn hiểu ra. Nhà y nằm giữa Hòe Thành, đúng vào chỗ thế đất thấp nhất, cũng là một trong những hộ bị ảnh hưởng ngập nặng nhất do đợt mưa lớn lần này, nước từ bốn phương tám hướng đều đổ dồn về phía nhà y, nếu muốn đi chỗ khác thì thành ra ngược dòng, trừ phi chèo thuyền, bằng không thì đành phải loanh quanh tại chỗ.
Thế nhưng, một khi cố sức chèo thuyền thì chuyến “du” này còn đâu “tiêu dao”, trái với sự phong nhã, hững hờ mà Đàm Vân Sơn luôn theo đuổi. Cho nên suy đi ngẫm lại, thuyền đã không thể trôi, vậy thì nằm luôn xuống ngắm trời, nằm trong thuyền mặc thuyền lắc lư theo gió cũng có thể coi là một cái thú phong nhã.
E rằng đến ông trời cũng phải cảm động trước sự “cố chấp” của Đàm Vân Sơn, tối nay chẳng mấy khi lại được một hôm mây mù tản bớt, ló ra chút ánh sáng trên bầu trời.
Đàm Vân Sơn cứ thế ngắm, say mê trước cái đẹp của tự nhiên, đất trời, thậm chí mấy hạt mưa bụi rơi vào mặt cũng cảm thấy dịu dàng tựa như ve vuốt, sung sướng, mãn nguyện.
Sau đó…
Bỗng dưng bị một cái chuông lớn nện trúng.
Thuyền nhỏ bị đập lật úp, Đàm Vân Sơn vẫn còn mải nghĩ chuông tốt thì có tốt, to lớn khổng lồ, chỉ có điều ánh sáng bạc quanh thân chuông thật sự quá lạnh lẽo, nếu là ánh sáng vàng thì trong ấm áp còn có Phật tính, hoàn mỹ, không tì vết.
Ký Linh nhẩm đọc Tịnh Yêu chú xong liền chuyển sang trạng thái chờ chiến, nhìn chuông Tịnh Yêu chằm chằm không chuyển mắt, đợi ác yêu bị đập hóa về nguyên hình.
Chiếc thuyền nhỏ đơn sơ bị chuông Tịnh Yêu đập lật úp, bóng đen trong thuyền chỉ loáng một cái liền bị dòng nước lụt nuốt chửng, tốc độ quá nhanh, căn bản không để người ta kịp nhìn kỹ diện mạo.
Ký Linh lập tức vung tay, chiếc chuông Tịnh Yêu lơ lửng giữa không trung trong chớp mắt liền thu nhỏ về nguyên trạng, trở về trong tay Ký Linh. Chuông Tịnh Yêu vừa tới tay, Ký Linh lập tức cầm chặt, bình tĩnh nhìn đăm đăm tìm kiếm ở nơi “yêu vật” rơi xuống nước, chỉ sợ bỏ qua một gợn sóng… Nếu để yêu vật này đào tẩu mất thì không biết phải chờ bao hôm nữa.
Có rồi!
Ký Linh hơi nheo mắt một chút đầy kín đáo, nhìn chằm chằm mặt nước cách chỗ “yêu vật” bị lật thuyền khoảng hai thước, đôi mắt sáng như những vì sao hiện lên cái nhìn nguy hiểm.
Khác với vùng tĩnh lặng xung quanh, mặt nước chỗ đó đang đua nhau nổi lên những bọt nước không tạo ra tiếng, rõ ràng là có “vật còn sống” ở dưới nước!
Không thể chậm trễ, Ký Linh lại nhẩm đọc Tịnh Yêu chú, chuẩn bị cho chuông Tịnh Yêu tấn công thêm lần nữa, tuyệt đối không thể để “yêu vật” chạy thoát…
Rào…
Đột nhiên, tiếng nước ngắt ngang mạch suy nghĩ của Ký Linh.
Chỗ mặt nước nổi bong bóng khí mới rồi bỗng trồi lên một cái đầu.
Ký Linh giật mình, bất giác la lớn: “Ngươi đứng lại…”
“Ngươi đứng lại đó cho ta, chớ động cựa, không cho phép chạy…”
Hay lắm, yêu quái cướp lời thoại của nàng, giọng điệu lại còn chém đinh chặt sắt, ý tứ ngay thẳng, cương quyết… Rốt cuộc là ai bắt ai chứ!
Ồ?
Yêu đầu cướp được lời của nàng còn chưa chịu thỏa mãn, lại còn…hì hà hì hục tiến lại chỗ nàng?!
Người đang nằm trong thuyền thì chuông từ trên trời giáng xuống.
Đàm Vân Sơn đang nhàn hạ thư thái chỉ kịp nhìn thấy chiếc chuông lớn thì thuyền đã lật, đất cát lẫn với cỏ rác sặc vào miệng vào mũi, cho dù có quân tử như ngọc đến đâu cũng không cách nào mỉm cười coi như gió thoảng mây trôi được.
May rằng từ nhỏ y đã thích chơi ngoài sông hộ thành, người trong nhà lại không quản nghiêm nên tài bơi lặn không thành vấn đề, nhanh chóng lấy lại thăng bằng, đạp chân một cái, trồi lên mặt nước, tiếp đấy liền trông thấy cách đó không xa, dưới gốc cây hòe cao lớn có một bóng người gầy guộc. Trong phạm vi mấy chục trượng chỉ có mỗi một vị khách không mời mà đến này, tay còn đang cầm thứ gì đó lập lòe sáng khá quen mắt, nếu đó không phải đầu sỏ gây chuyện, Đàm Vân Sơn uống hết nước cả thành này!
Chỉ một thoáng, Đàm Vân Sơn đã bơi tới dưới gốc hòe. Quả nhiên, nhìn thì như đứng trên mặt nước, kỳ thực là đứng trên chậu gỗ, ngẩng đầu nhìn lên trên nữa, còn khoác cả áo tơi, tất nhiên rõ rành rành phải là người, đây cũng là nguyên do y dám lại gần không chút do dự… Ơ, cuối cùng chuyển mắt nhìn lên mặt tên đầu sỏ gây chuyện, Đàm Vân Sơn sửng sốt, cả bụng lời lên án ngừng lại ngang cổ họng, cuối cùng hóa thành một câu nhũn nhặn hữu lễ…
“Cô nương vì đâu lại phá thuyền tôi?”
Dù rằng “yêu đầu” dính nước bùn đầy thảm hại nhưng vẫn có thể mang máng nhận ra diện mạo tuấn dật ôn hòa nhã nhặn khiến người ta khó lòng thấy ác cảm, lại thêm giọng nói êm ái tựa tiếng suối trong như thể có một sự ân cần hết sức tự nhiên, dù là Ký Linh từng gặp vô số yêu quái cũng bất giác muốn nói thêm với y mấy câu.
Tất nhiên, quan trọng hơn nữa là dù “yêu đầu” đã bơi lại cạnh nàng nhưng hương Phù Đồ thì vẫn bay về hướng chỗ chiếc thuyền nhỏ bị đắm.
Ký Linh ngồi xổm xuống, để sát que hương Phù Đồ đã cháy gần hết vào người “yêu đầu”, làn hương vẫn chẳng hề mảy may có chút hứng thú nào với vật ấy, kiên định, cố chấp lướt qua đỉnh đầu của y, phi tới chỗ lòng nó hướng về.
“Cô nương, tại hạ còn sống, dâng hương phải chăng là hơi sớm?”
“Yêu đầu”… lại còn rõ lắm lời.
Ký Linh biết bản thân nhận nhầm, dưới nước rõ ràng là một nam tử vô tội. Nàng hơi hối hận vì đã lỗ mãng, tất nhiên phải nhận lỗi trước: “Xin lỗi, tôi tưởng huynh là yêu quái.”
Đời này Đàm Vân Sơn chưa từng được coi trọng như thế, đồng thời là, phải chịu đả kích tới thế: “Tại hạ giống yêu?”
Ký Linh cảm thấy chuyện này không thể hoàn toàn chỉ trách mỗi mình: “Huynh nằm trong thuyền, tôi cách xa nhìn không rõ nhưng nghĩ cũng biết, nào có người nào lại nhè thời tiết thế này ra ngoài chơi thuyền chứ?”
Ừ, lời giải thích này vô cùng hợp lý, Đàm Vân Sơn chọc chọc một ngón tay vào “vật cưỡi” của giai nhân: “Xin lỗi, lần sau tôi cũng ngồi chậu gỗ.”
Ký Linh: “…”
Đàm Vân Sơn biết chừng mực dừng lại, dù sao bản thân cũng đang ở dưới nước, người ta thì ngồi trong chậu, dẫu thế nào y cũng không thể làm cái chuyện vĩ đại như ném cô nương đó xuống nước, đành phải nhanh chóng quay về chuyện gốc: “Cho dù tại hạ là yêu, cô nương thấy tôi cũng nên chạy, cớ sao lại động thủ?”
Ký Linh rất hiếm khi tiết lộ thân phận của bản thân với người bèo nước gặp nhau, trước hết là do không cần thiết, thứ nữa là chưa chắc đối phương đã hiểu được, thường thì giải đáp được câu này chắc chắn lại có thêm câu sau. Thế nhưng vị trước mặt đây dù sao cũng tại vì mình mới bị rơi xuống nước còn mất công bơi lại đây hỏi chuyện, nàng đành trả lời thật lòng: “Tôi làm bắt yêu.”
Vốn tưởng Đàm Vân Sơn nghe xong sẽ lại truy vấn giống những người trước, không ngờ y chỉ lẳng lặng nhìn nàng một hồi rồi tế nhị đáp: “Trên đời này không có yêu.”
Ký Linh vừa nghe liền hiểu đối phương coi mình là đồ lừa đảo.
Trên đời có rất nhiều người không tin vào ma quỷ, vị dưới nước đây chẳng phải người đầu tiên cũng không đời nào là người cuối cùng. Người không cùng tư tưởng khó nói chuyện với nhau, nàng cũng chẳng buồn phí hơi, chẳng qua trước lúc chào nhau, nàng vẫn muốn thỏa mãn chút lòng hiếu kỳ của bản thân: “Cho dù là đi chơi thuyền thì cũng phải đi chỗ nọ chỗ kia chứ, ban nãy huynh dừng ở đằng kia không nhúc nhích, lại còn không ngồi mà nằm xuống, nằm xuống thì thấy được gì?”
Đàm Vân Sơn không ngờ Ký Linh không biện bạch với mình mà lại đổi đề tài, có điều vậy cũng tốt, vốn tính y cũng chẳng thích tranh luận đúng sai: “Thưởng nguyệt.”
Ký Linh những ngỡ mình nghe lầm, bất giác ngẩng đầu nhìn lên trời, ngoài mây đen mưa phùn, chẳng còn gì khác.
Người ở dưới nước còn giơ tay chỉ cho nàng: “Ngay sau đám mây ở hướng đông kia kìa, cô nương nhìn kỹ đi.”
Ký Linh thề dù có nhìn mù cả hai mắt nàng cũng không nhìn ra được.
Thôi vậy.
Không hợp tính, không cùng tư tưởng, đến ngắm trăng cũng không hợp, có muốn giữ gìn cái duyên bèo nước gặp nhau này cũng khó lắm. Ký Linh cột chuông Tịnh Yêu vào lại bên hông, tính tắt hương Phù Đồ, cáo biệt vị nam tử dưới nước.
Ngay lúc nàng chuẩn bị tắt hương, làn hương bỗng lóe lên một luồng sáng tím.
Ký Linh kinh hoảng, ngẩng phắt đầu lên nhìn. Làn hương vốn vẫn quẩn quanh chỗ chiếc thuyền đắm bỗng hóa thành tử quang, phi thẳng qua bức tường vây cao ngất lao vào trong tòa phủ trạch bề thế!
*tử quang: ánh sáng tím
Ký Linh buồn phiền ân hận, tại nàng sơ suất.
Tuy vị dưới nước đây không phải yêu nhưng không có nghĩa rằng dưới nước không có yêu.
Đàm Vân Sơn thấy Ký Linh không nhìn trời mà chỉ lo nhìn chằm chằm vào bức tường vây của nhà mình, thầm cảm thấy một dự cảm chẳng lành: “Sao thế?”
Ký Linh chỉ tay vào chiếc cổng lớn sơn son: “Huynh quen người trong nhà này chứ?”
Đàm Vân Sơn dở khóc dở cười: “Vô cùng quen.”
Ký Linh hiểu ra: “Nhà huynh?”
Đàm Vân Sơn gật đầu, gật rất mạnh, suýt thì uống phải nước.
Ký Linh không rảnh để tâm tới huynh ta, chỉ vội nói: “Mau dẫn tôi vào nhà huynh!”
Đàm Vân Sơn sửng sốt: “Vào nhà tôi?”
Ký Linh nhìn đăm đắm vào bức tường bao cứ như thể có thể nhìn xuyên qua nó vào trong sân: “Tử quang hiện, yêu nhập trạch.”
Ký Linh tự nhận rằng bản thân đã nói đầy nghiêm trang, cao thâm, cực có sức thuyết phục, vậy mà đợi mãi vẫn không thấy người dưới nước đáp lại gì.
Không biết trời đã tạnh mưa từ lúc nào, dưới tầng mây đen có cơn gió đêm lạnh thổi qua giữa bầu không khí tịch lặng… và ngượng ngùng.
“Cô nương…” Người dưới nước cuối cùng cũng lên tiếng.
Ký Linh thở phào, cúi xuống nhìn y, chăm chú lắng nghe.
“Nghe tôi khuyên một câu, lừa đảo rốt cuộc cũng không phải kế lâu dài, đồng tiền không chính đáng rồi sẽ dẫn người ta đi sai đường, hà cớ gì không quay đầu, trở về chính đạo?”
“…”
Chuông Tịnh Yêu của nàng đâu!!!
Không buồn thừa lời nửa câu, Ký Linh chẳng nói chẳng rằng, ngồi luôn xuống, cầm đĩa… khua nước chèo đi!
Lấy chậu gỗ làm thuyền, lấy đĩa sứ làm chèo, đời này Đàm Vân Sơn lần đầu gặp một nữ tử thoát tục, phóng khoáng, không câu nệ như thế. Nếu không phải đối phương tỏ cái vẻ thề phải lừa gạt tới cùng đó thì y thực sự bằng lòng cứ im lặng đứng ngắm nhìn thế này.
Oạp…
Rào…
Oạp…
Rào…
“Huynh đi theo tôi làm gì?” Vị ở dưới nước nọ sải sải tay khỏe khoắn dăm ba cái đã bơi ngang tầm với chậu gỗ của nàng.
“Giờ cô nương muốn vào nhà tại hạ, há lại có lý không cho tại hạ vào theo?”
Cái gọi là phong độ chính là dù mặt có lấm lem bùn đất thì cũng chẳng hề ảnh hưởng tới cung cách nói năng nhã nhặn, bình thản, ung dung của người ta.
Ký Linh thề trong số đám yêu nàng đã bắt, không con nào làm nàng phải nôn nóng, sốt ruột như người này, đối phương lại còn bình tĩnh, ôn hòa, thái độ thân thiện hữu ái làm nàng không cách nào trở mặt, chỉ còn nước thở dài bất đắc dĩ: “Cho dù huynh có đi theo thì cũng có thể đứng dậy lội nước để đi mà, sao phải bì bõm bơi như thế?”
“Được.” Không ngờ Đàm Vân Sơn lại rất dễ nói chuyện, lập tức đồng ý ngay, thế nhưng vẫn chẳng thấy người có thay đổi gì, vẫn chỉ có một cái đầu và một chút bả vai lộ trên mặt nước.
Ký Linh chịu thua: “Thế thì huynh đứng lên đi chứ.”
Đàm Vân Sơn tỏ vẻ vô tội ra mặt: “Tôi đã đứng rồi.”
Ký Linh cẩn thận quan sát, quả đúng là đối phương đã đứng vuông góc với mặt nước, vậy mà vẫn không thấy thay đổi gì, ngạc nhiên hỏi: “Nước đã sâu vậy rồi à?”
Đàm Vân Sơn thở dài: “Nhà tôi ở đây là chỗ thế đất thấp nhất trong thành, nước các nơi đều đổ hết về đây, biết làm sao được.”
Ký Linh liền hiểu ngay, chẳng trách chậu gỗ trôi tới đây thì chẳng chịu trôi tiếp nữa, nước bốn phương tám hướng đều dồn về đây, chậu gỗ còn trôi đi đâu được nữa.
Hiểu rõ ngọn ngành, Ký Linh tiếp tục khua nước, muốn tới cửa lớn càng nhanh càng tốt. Dù bị công tử dưới nước coi là đồ lừa đảo nhưng phủ trạch lớn như vậy, chủ nhà kiểu gì cũng không thể giống vị công tử kỳ lạ dưới nước nhằm đêm mưa đi thưởng nguyệt kia. Vậy nên có vào được nhà hay không, chẳng phải do một câu của huynh ta quyết định.
Ký Linh vừa nghĩ vừa khua nước, tới khi chậu gỗ dịch được một trượng, nàng mới phát hiện vị công tử dưới nước không đi theo nữa. Quay đầu lấy làm khó hiểu thì thấy huynh ta vẫn bất động, mặc dù không nhìn thấy dưới nước nhưng vẫn có thể đoán ra huynh ta vẫn đứng ở chỗ cũ.
*1 trượng = 10 thước
“Sao vậy?” Tuy ghét đối phương đi theo cản trở nhưng đối phương không đi theo quả lại làm người ta thấy không vững dạ.
Vị nam tử đó chớp chớp mắt mấy cái rồi mở miệng nói: “Nhà tôi ở đây là chỗ thế đất thấp nhất trong thành, nước các nơi đều đổ hết về đây, biết làm sao được…”
Ký Linh: “…”
Là do trí nhớ của nàng bị lẫn lộn hay là do vị nam tử này bỗng nhiên mất trí nhớ, lời này không phải vừa mới nói xong sao!
“… Thì sao?” Không chịu nổi sự im lặng và chờ đợi không biết khi nào mới hết, Ký Linh nghiến răng nghiến lợi hỏi thêm hai chữ. Nàng thề, sự nhẫn nại nhất trong đời mình đều đã dâng hiến cho Hòe Thành.
Cũng may, có vẻ đối phương đã lĩnh hội được ý nghĩa của nét mặt của nàng nên dâng ra nốt câu sau: “Cho nên không phân tốt xấu đã đập chìm thuyền của người khác như cô nương vừa rồi là vô cùng nguy hiểm. Phàm là người nào bơi không giỏi thì rất dễ tai nạn chết người.”
Dù dằn vặt mãi mới nói ra nhưng cuối cùng người ta cũng nói ra được câu mà nàng quả thực không cách nào phản bác.
Ký Linh lặng thinh, một lúc sau mới thành tâm nói: “Tại tôi lỗ mãng. Rất xin lỗi.”
“Không hề gì.” Nam tử dưới nước mỉm cười hài lòng, nhanh chóng đáp lời, tươi cười rạng rỡ làm người ta thực sự rất muốn đập y một cái.
“Tại hạ là Đàm Vân Sơn.”
Ký Linh vừa định khua nước tiếp thì đối phương lại thêm vào một câu như vậy.
Có qua mà không có lại thì bất lịch sự, nàng đành phải báo tên: “Ký Linh.”
“Hai chữ nào? Viết ra sao?”
“…”
Thấy chiếc chuông buộc bên hông cô nương lừa đảo bắt đầu hơi lóe lóe lên thứ ánh sáng quen thuộc, Đàm Vân Sơn thức thời ngậm miệng.
Y không tin thế gian có yêu nhưng tin rằng trên thế gian, có người có thể tu luyện được kỳ thuật đạo pháp có uy lực vĩ đại, tỷ như biến ra một cái chuông điên khổng lồ chẳng hạn. Cho nên, vì an toàn, chớ chọc vào hổ thì hơn.
Một người một chậu cùng tới trước cửa lớn của Đàm phủ. Đàm Vân Sơn bơi tới chỗ bậc thềm trước cửa thì dừng lại, rào rào đứng dậy, phần lớn cơ thể rời khỏi nước.
Y phục màu nguyệt bạch ướt nước bùn nhưng chẳng những trông không thê thảm mà ngược lại, do bị ướt dán vào người, ôm lấy vóc dáng cao lớn của Đàm Vân Sơn nên so với lúc ngâm dưới nước thì bớt đi chút nho nhã, nhiều thêm mấy phần sáng sủa, ung dung.
*màu nguyệt bạch: màu trắng hơi lam. Người xưa cho rằng trăng không phải màu trắng thuần mà là màu trắng hơi xanh lam. Áo màu nguyệt bạch ngày xưa:
Ký Linh kinh ngạc nhìn một lúc lâu, cuối cùng nói ra miệng: “Bậc thềm nhà huynh sao xây cao thế?”
Đàm Vân Sơn cứ tưởng nàng định phát biểu cao kiến gì, chờ một lúc lâu lại nhận được một câu như thế, bất đắc dĩ phải giải thích: “Nhà tôi ở nơi đất thấp, chỉ cần trời mưa hơi lớn một chút thì cho dù nhà khác không ngập, nhà tôi nhất định vẫn bị nước vào. Đến đời ông tôi cuối cùng không chịu được nữa, vừa hay trong nhà cũng có tiền bèn trùng tu lại cả tòa nhà. Nghe nói bên dưới chống bằng gỗ thô và chèn đá hộc. Tóm lại thì đã nâng hẳn cả tòa nhà cao lên ba thước. Nghe cha tôi nói, kể từ đó trở đi, nhà không còn bị ngập nữa.”
Ký Linh nhìn nhìn phần nước ngập ngang chân Đàm Vân Sơn, giữ thái độ nghi ngờ trước hai chữ “không còn” này.
Đàm Vân Sơn hiểu ý chế nhạo của nàng, cũng thừa nhận: “Năm nay mưa quả là quái dị…,” sau đó trước khi Ký Linh nhíu mày, nói nốt nửa câu sau, “nhưng thiên tai là thiên tai.”
Ký Linh không tranh cãi với huynh ta, đứng dậy, bước ra khỏi chậu gỗ, không chút do dự đứng xuống nước. Nước lập tức ngập ngang chân, hơi lạnh thấu xương như bị kim châm làm nửa người bên dưới của nàng lạnh rùng mình. Khó chịu hơn nữa là cũng bị nước ngập ngang chân nhưng với Đàm Vân Sơn thì chỉ chớm quá đầu gối nên người ta đi lại nhẹ nhàng, còn với nàng thì nước lên tới tận đùi, nhìn kiểu gì cũng không thể nói là “cạn”.
Ký Linh không cam lòng, ngẩng cao đầu lên hòng vãn hồi lại việc thất thế do vấn đề chiều cao.
Đàm Vân Sơn không hề hay biết, ngược lại còn giật mình trước hành động đứng xuống nước đầy dứt khoát của nàng, thầm nghĩ cả Hòe Thành này cũng không thể tìm được cô nương nào dám nhảy vào nước bẩn mà không hề mảy may có chút ngại ngần nào như thế, thản nhiên như thể không phải đứng giữa nước lụt mà là giữa khu vườn muôn hoa. Quả nhiên, làm lừa đảo thật không dễ gì, lại còn phải dám bất chấp bất cứ giá nào nữa.
“Huynh không cản tôi à?” Ký Linh cầm vòng đồng đang định đập cửa thì dừng lại.
Tất nhiên nàng mong Đàm Vân Sơn không cản mình nhưng Đàm Vân Sơn không cản thật thì nàng lại thấy không yên tâm. Dẫu gì đối phương cũng nhận định rất chắc chắn rằng nàng là lừa đảo.
Đàm Vân Sơn ung dung chờ nàng gõ cửa, không ngờ sự phóng khoáng của mình lại khiến đối phương cảnh giác. Đúng là hết nói nổi.
“Dù sao cũng không cản được, tội gì phải phí công.” Đàm Vân Sơn nhún nhún vai, đáp thật lòng.
Ký Linh thật không hiểu người này. Nếu nói y lơ mơ thì trông y lại có vẻ rất thông hiểu, nói y khôn khéo thì lại không phải. Dù gì, nếu đổi lại là Ký Linh, cho dù đánh không lại, nàng cũng phải liều chết một phen với quân lừa đảo.
Cốc cốc cốc…
Đàm Vân Sơn là khôn hay ngốc chẳng liên quan gì với nàng, đã biết điều tránh ra thì nàng càng vui vẻ.
Cốc cốc cốc…
“Có ai ở nhà không? Tại hạ Ký Linh, nhân sĩ Linh Sơn, gặp yêu nhập trạch, sợ sinh tai họa, mạo muội tới đây, đuổi ma hàng yêu, phò trợ chính nghĩa, không lấy một xu, ngã Phật từ bi, thiện tai thiện tai.”
Ký Linh nói vang, rõ, trời lại đã tạnh mưa, ếch nhái côn trùng thì lại càng đã lâu ngày không nghe tiếng, cho nên sự tĩnh lặng làm nổi bật hẳn lên giọng nói của nàng lan xa văng vẳng trong gió đêm.
Đàm Vân Sơn ôm trán, trước khi cảm nhận được cái đẹp trong giọng nói của đối phương thì đã hết hồn bởi “bài từ gõ cửa” lung tung beng kia. Cái khác không nói, riêng tám chữ cuối, quả là có thể làm Thái Thượng Lão Quân lẫn Phật tổ Như Lai phải nổi giận cùng nhau hạ phàm.
*Thái Thượng Lão Quân: tôn hiệu của một vị thần tiên tối cao trong Đạo giáo. Âm dương, ngũ hành, tu tiên đều là các phạm trù của Đạo giáo.
Tuy không biết vị “thầy pháp” này tu Đạo hay tu Phật nhưng người trong nhà rõ ràng cũng không thèm để ý chuyện này, lúc mới gõ thì không thấy có động tĩnh gì nhưng vừa nghe thấy là tới đuổi ma hàng yêu thì lập tức có tiếng chân chạy vội ra, chỉ thoáng chốc đã ra tới chỗ cửa.
Cọt kẹt một tiếng, cánh cửa lớn sơn son hé ra một cái khe rộng bằng nửa người. Gã sai vặt canh cửa ló đầu ra nhìn thấy Ký Linh trước tiên, đang định nói chuyện thì lại giật mình trông thấy Đàm Vân Sơn: “Nhị thiếu gia?! Sao nhị thiếu gia lại chạy ra ngoài vậy?”
Đàm Vân Sơn gãi mũi như thể cố nghĩ xem nên trả lời thế nào.
Ký Linh tốt bụng trả lời giúp: “Thưởng nguyệt.”
Không ngờ gã sai vặt chẳng hề bất ngờ chút nào, vẻ mặt bất đắc dĩ như thể muốn nói “quả nhiên là thế”: “Xin nhị thiếu gia đừng làm chuyện kỳ quặc nữa, hồi sau lão gia hỏi tới lại mắng tôi không canh cửa.”
Đã có cả người mất tích, tin đồn quỷ nước đồn đãi ầm ĩ khắp nơi, Đàm lão gia không cho người nào xuất môn, trừ khi cần mua đồ dùng, còn không thì mọi người chỉ ở trong phủ không ra nửa bước, trước hết là sợ ra ngoài lỡ có gì sơ sẩy, thứ đến là sợ rước họa vào nhà.
Ký Linh không biết chuyện này, chỉ kinh ngạc trước thái độ của gã sai vặt với Đàm Vân Sơn. Một tên người dưới mà dám nói chuyện với nhị thiếu gia như vậy, rốt cuộc là do quan hệ đôi bên quá tốt hay là do thiếu gia quá yếu đuối, người dưới quá tùy tiện?
Có điều, phàn nàn thì phàn nàn, gã sai vặt vẫn nhanh chóng mở cửa, dẫu gì cũng là thiếu gia nhà mình, về tình về lý thì đều phải nhanh nhanh đón vào.
Đàm Vân Sơn đi lướt qua Ký Linh, cất bước đi qua ngưỡng cửa, lội nước vào trong.
Gã sai vặt chuyển mắt nhìn lại Ký Linh nhưng miệng vẫn hỏi Đàm Vân Sơn: “Nhị thiếu gia, vị này là?”
Đàm Vân Sơn đã vào trong cửa, cuối cùng cũng có chút phong thái của gia chủ: “Ngẫu ngộ ở cửa, nàng nói là làm bắt yêu, hùng hồn tuyên bố yêu nghiệt đã vào Đàm gia. Ta không tin, nàng bèn gõ cửa.”
Tuy đối phương chỉ trần thuật tình hình thực tế nhưng Ký Linh nghe ra rõ rành rành cái ý phủi sạch “ta không biết nàng, sau này có xảy ra chuyện gì cũng không liên quan tới ta”, lòng thầm nhủ kẻ này vô duyên vô cớ bị nàng làm rơi xuống nước còn không giận, nghĩ nàng là kẻ lừa đảo cũng không tránh nhưng “tự bảo vệ mình” thì rất gọn gàng dứt khoát.
Có điều, trước mắt không phải lúc để nghiên cứu, tìm hiểu vị nam tử kỳ lạ này…
“Tại hạ Ký Linh, sư phụ là Linh Sơn Thanh Đạo Tử, hành tẩu giang hồ, trừ yêu đuổi ma, không lấy tiền của gia chủ, cũng không phải lừa đảo. Hiện giờ yêu tinh đã vào Đàm gia, sự tình khẩn cấp, mong mau chóng thông bẩm.”
Lúc nãy cách một cánh cửa, gã sai vặt chỉ nghe được loáng thoáng, giờ hai chữ “yêu tinh” lọt rõ vào tai, tức thời sắc mặt đại biến, bàng hoàng hoảng hốt, không đợi Ký Linh nói xong đã xoay người chạy vào trong nhà để thông bẩm, chạy gấp như chạy lũ vậy.
Ở cửa chỉ còn Đàm Vân Sơn.
Ngoài cửa vẫn là Ký Linh.
Đàm Vân Sơn nói: “Không phải cô nương nói là tử quang nhập trạch sao, sao lại biến thành yêu tinh?”
Ký Linh nghiêng đầu: “Dù sao cũng là tai họa, nói yêu tinh thì người ta dễ để tâm hơn.”
Đàm Vân Sơn bội phục: “Cô nương quả nhiên kinh nghiệm phong phú.”
Ký Linh chắp tay: “Không dám không dám, cũng mới xuống núi hai ba năm.”
Đàm Vân Sơn: “…”
Y trào phúng chứ nào phải ngợi khen, đâu cần thực sự khiêm tốn thế.
Tất nhiên Ký Linh hiểu cái ý ở ngoài lời nhưng Đàm Vân Sơn thích nói quanh co thì nàng cũng vui vẻ giả ngu.
Có điều, có một chuyện nàng nghĩ mãi mà không ra, tranh thủ lúc không có ai bèn hỏi thẳng luôn: “Công tử đã quyết định phủi sạch quan hệ với tôi thì cứ hồi phủ là được, đã chuồn ra được tất nhiên cũng chuồn về được, cớ gì phải theo tôi đi gõ cửa, còn bị gã sai vặt trách móc?”
Đàm Vân Sơn nghe vậy thì xốc lại tinh thần, nở nụ cười thong dong, khôi phục lại phong thái ung dung: “Không phải tôi muốn gõ cửa để nghe trách móc mà là tôi phải đi theo cô nương.”
Ký Linh nhíu mày: “Đi theo hay là đi giám sát tôi?”
Đàm Vân Sơn vẫn mỉm cười: “Hiểu thế nào cũng được.”
Ký Linh thở dài: “Đàm công tử chớ trách tôi nói thẳng, nếu như tôi muốn hành ác, chỉ e có mười công tử cũng không ngăn được.”
Nụ cười trên mặt Đàm Vân Sơn đơ ra, ngượng ngùng chớp mắt mấy cái rồi bỗng ngẩng đầu lên cảm thán một câu: “Tôi biết ngay là sẽ rất đẹp.”
Đời này Ký Linh chưa từng gặp ai nói chuyện thiếu tập trung như thế, quả là một sự vũ nhục với người nói chuyện cùng, thế nhưng cơ thể phản ứng còn nhanh hơn tâm trạng, rất tự nhiên cũng ngẩng đầu lên theo Đàm Vân Sơn.
Sau đó, Ký Linh chợt ngẩn ra.
Chẳng biết mây mù đã tản bớt tự lúc nào, ngay ở chỗ lúc mới rồi Đàm Vân Sơn chỉ cho nàng xem, một vầng trăng non uốn câu tỏa sáng vằng vặc.