Ký Linh

Chương 72



Ngày ấy bên bờ Vong Uyên, Chử Chi Minh đã sợ lú cả người rồi, đến khi thiên chỉ ban ra xôn xao cả Cửu Thiên thì huynh ta mới không thể không tin, hóa ra thật sự đúng là Trịnh Bác Lão.

Nam Ngọc vẫn đóng giữ ở Tư Phàm Kiều như thường lệ nhưng không tươi cười như xưa. Chử Chi Minh thường hay thấy Nam Ngọc ngơ ngác thất thần nhưng không biết phải an ủi thế nào, chỉ biết đứng trông từ xa, lòng thấy rất khó chịu.

Cuối cùng ngày Trịnh Bác Lão vào Vong Uyên cũng đến.

Chử Chi Minh là Uyên Hoa thượng tiên, từ sáng đã đứng canh ở đài hành hình của Vong Uyên, chỗ này hơi cao hơn mép nước một chút, đứng từ đây trông qua có thể nhìn thấy Tư Phàm Kiều rõ mồn một và chiều ngược lại cũng vậy.

Bốn mắt nhìn nhau, Nam Ngọc bỗng nhiên đứng dậy nói với Chử Chi Minh câu đầu tiên kể từ khi xảy ra chuyện.

“Giúp tôi trông coi Trần Thủy một lát nhé.”

Bao nhiêu năm cùng nhau trông coi tiên hà, Chử Chi Minh không biết đã nghe câu này bao nhiêu lần. “Một lát” của Nam Ngọc có khi đúng là chỉ chốc lát, có khi lại là mấy ngày trời, tùy. Lần nào Chử Chi Minh cũng vui vẻ đồng ý nhưng thực ra trong lòng vẫn thầm trách mấy câu, chắc là lại chuồn đi chơi đây mà. Song hôm nay, Chử Chi Minh đồng ý lời nhờ vả này từ tận đáy lòng: “Ừ.”

Nam Ngọc không nói thêm gì, xoay người bỏ đi.

Chử Chi Minh buồn buồn nhìn bóng bạn đi xa. Chẳng có ai lại muốn đứng nhìn sư phụ mình bị vào đó nhưng né tránh thì không buồn hay sao? Chẳng qua là tránh qua một chỗ không có ai để đau lòng một mình mà thôi.

Mặt trời nhô lên khỏi chân mây tỏa nắng xuống dòng Trần Thủy lấp loáng nhưng không chiếu sáng được Vong Uyên sâu thẳm,

Trịnh Bác Lão bị tiên binh áp giải tới.

Chử Chi Minh mới đầu không nhận ra đối phương.

Trong ấn tượng của huynh ta, Canh Thần thượng tiên lúc nào cũng tóc tai bù xù, lông mày như cỏ dại, râu ria xồm xoàm, không chỉ không nhìn thấy rõ mặt mũi mà là chẳng thấy một chút đường nét nào hết, có cảm giác hôm nay thế này, ngày mai lại thế khác, nên bao năm qua, huynh ta đều dựa vào tiếng động để nhận diện đối phương, chỉ cần nghe thấy tiếng chuông lanh canh là chắc chắn là Canh Thần thượng tiên đang đến.

Thế nhưng hôm nay, vị Canh Thần thượng tiên phóng túng nhất Cửu Thiên đã trút bỏ mớ đồng nát sắt vụn trên người, mặc một bộ đồ màu xanh lơ, mày râu cắt tỉa, tóc tai vấn gọn gàng, lộ ra diện mạo vốn có.

Đó là một diện mạo đã trải qua thương hải tang điền nhưng không hề in dấu thời gian, mặt mày sáng sủa, có nét ung dung của kẻ hiểu rõ sự đời, thấp thoáng đôi phần kiên nghị.

“Không nhận ra à?” Như thể nhận ra sự ngạc nhiên của Chử Chi Minh, nhân lúc các tiên binh đang bàn giao, vị Canh Thần thượng tiên sắp sửa phải vào Vong Uyên này nhướn mày cười hỏi.

Thế này thì thấy quen thuộc rồi.

Cả Cửu Thiên cũng chỉ có duy một vị này là đến thời khắc này vẫn còn tâm trạng vui đùa mà thôi.

“Sư phụ tôi mới là cốt cách phong phạm tiên gia chân chính!” Chử Chi Minh chẳng mấy khi mới nghịch ngợm nhại theo giọng điệu của Nam Ngọc, nhại xong lại tự ngượng ngùng cười, sau đó thở dài cảm khái, “Huynh ấy đã nói câu này với tôi suốt nhiều năm, nay tôi mới tin.”

Trịnh Bác Lão nhìn quanh không thấy bóng Nam Ngọc thì đã hiểu: “Thằng oắt đấy trốn rồi à?”

Chử Chi Minh cố gắng dằn cảm xúc ngổn ngang trong lòng để nói sao cho nghe thật tự nhiên: “Ừ, huynh ấy lúc nào cũng tùy tiện như thế, nói đi là đi ngay, tôi thấy rất có thể là do học theo sư phụ của huynh ấy mới thế.”

Trịnh Bác Lão mặc sức cười to hể hả.

Cười xong, ông mới lắc đầu như thật: “Có rảnh thì khuyên cậu ta đổi sư phụ khác đi, sư phụ cậu ta thất bại quá, đến thời khắc cuối cùng chẳng có một ai buồn ra tiễn đưa.”

Bên bờ Vong Uyên chẳng có lấy nửa bóng tiên hữu, đến ngọn gió thổi qua cũng se sắt.

Chử Chi Minh không biết nên nói gì, Trịnh Bác Lão lại chủ động đi lên đài hành hình, thế là chàng cũng không nói gì nữa, cứ thế đi theo tiễn.

Đứng trên đài hành hình nhìn xuống, nước Vong Uyên như một dải lụa xanh êm ái, trơn mượt.

Chử Chi Minh đứng cách nửa bước đằng sau chếch bên hông của Trịnh Bác Lão, giữ im lặng, không thúc giục. Đây là lần cuối cùng người vào Vong Uyên nhìn ngắm thế gian nên để người ta nhìn cho thoải mái, không còn tiếc gì nữa.

Nhưng Trịnh Bác Lão mới nhìn mấy lượt thì bỗng cười to: “Xưa nói, ngày giải hết được thế cờ thì mới lại chơi cờ với nhau. Suýt thì quên hỏi, tiến triển tới đâu rồi?”

Chử Chi Minh ngạc nhiên nhìn theo hướng Trịnh Bác lão nhìn thì thấy bên bờ đối diện có một người đứng khoanh tay có vẻ như là đến tiễn, nhưng bên này Trịnh Bác Lão còn có tiên binh trông giữ và có huynh ta đứng cùng, chứ bên bờ bên kia thì chỉ có độc một bóng người, trông thật thê lương.

Ai mà ngờ được, người duy nhất đến tiễn Canh Thần thượng tiên lại là Thiên Đế.

Thiên Đế không quần là áo lượt, chỉ mặc đồ bình thường giống như một tán tiên nào đó của Cửu Thiên tình cờ đi ngang qua nên đứng lại tiễn một đoạn.

Song, Chử Chi Minh biết, Thiên Đế cố ý tới đây tiễn, cho nên, dù cách một dòng Vong Uyên và câu hỏi của Trịnh Bác Lão không đầu không đuôi nhưng đối phương vẫn trả lời: “Đã giải được một thế rồi.”

Trịnh Bác Lão lắc đầu, thái độ thất vọng dường như có thể bị gió thổi loang ra khắp bờ sông: “Bảy thế phá được một thế, ôi trình độ của ông…”

Người bên bờ bên kia trầm ngâm một hồi không nói gì rồi mới thở dài như thể nhận thua: “Một thế đó còn là người khác giải giúp tôi.”

Trịnh Bác Lão không ngờ đối phương lại thành thật như vậy, ngạc nhiên phá lên cười.

Thiên Đế bùi ngùi nhìn ông: “Tôi cứ tưởng ông không chịu đến Cửu Thiên Bảo Điện chơi cờ nữa là vì tôi kém cỏi thật. Giờ nghĩ lại đúng là tự dưng chịu tiếng oan cả trăm năm, oan quá.”

Trịnh Bác Lão cười càng lớn hơn: “Nếu tôi nói nguyên nhân cũng có một phần là do ông thực sự quá hay đi rồi còn đòi đi lại, không tài nào chấp nhận nổi thì có phải ông sẽ thấy được an ủi hơn chút không?”

Thiên Đế cười nhưng nụ cười cứ buồn dần.

Chử Chi Minh nghe câu hiểu câu không nhưng có thể cảm nhận rõ tình cảm trong cuộc trò chuyện qua lại này không phải của quân thần, mà là của những người bạn cũ.

Gió bỗng ngừng thổi, bờ Vong Uyên thoáng chốc lặng đi đến lạ.

Chử Chi Minh nãy giờ vẫn mải nhìn Thiên Đế ở bờ đối diện bỗng có một dự cảm nào đó, vội đưa mắt về nhưng vẫn muộn một bước.

Một bóng áo xanh ngang qua tầm mắt, Trịnh Bác Lão đã nhảy xuống Vong Uyên.

Mặt nước gợn lên chỉ thoáng chốc rồi lập tức quay về yên ả.

Chử Chi Minh cúi đầu xuống xem tới thất thần.

            “Nếu tôi nói nguyên nhân cũng có một phần là do ông thực sự quá hay đi rồi còn đòi đi lại, không tài nào chấp nhận nổi thì có phải ông sẽ thấy được an ủi hơn chút không?”

Lắng tai nghe dường như tiếng người nói vẫn còn vẳng đưa trong gió kèm theo thái độ ngông nghênh, châm chọc.

Chử Chi Minh đã từng tiễn rất nhiều người vào Vong Uyên nhưng chưa từng thấy ai để lại lời cuối là một câu châm chọc.

Đằng sau thân cây tiên ở một góc kín đáo gần đó, Nam Ngọc tựa lưng vào thân cây, cắn chặt tay, im lặng khóc.



Ánh sáng của Yến Hành tựa như một ngọn đèn trong màn đêm chỉ ra hướng đi đại khái giữa Vong Uyên mịt mùng. Nếu không có ánh lưu ly này, dù Đàm Vân Sơn có xuống Vong Uyên cũng không biết nên xuống ở khúc nào, đi tìm ở phương nao.

Trong khoảng thời gian một tháng, Thiên Đế dốc toàn lực của Cửu Thiên để làm dây thừng tiên rồi cùng chúng thượng tiên đi ra bờ Vong Uyên, cột tiên vật vào một đầu thừng tiên ném xuống Vong Uyên thử mấy lần cho đến khi có thể cùng các thượng tiên hợp sức kéo lên một cách thuần thục mới thôi.

Đàm Vân Sơn xuống phàm nhờ Bạch Lưu Song làm một sợi dây thừng Tử Kim dài hơn cái lần trước.

Không ngờ lúc xuống Bạch Quỷ Sơn lại gặp Phùng Bất Cơ lên núi thăm sói trắng. Thế là chuyện chàng muốn xuống Vong Uyên xem như tất cả các đội hữu đều đã được biết.

Bạch Lưu Song nhận lời làm dây thừng Tử Kim nhưng nói rõ là lúc xuống Vong Uyên, nàng phải được đứng trông ở bờ sống, Phùng Bất Cơ cũng đòi đi theo, dù sao lên Cửu Thiên một người cũng là lên mà hai người cũng là lên, tóm lại là khăng khăng muốn đứng chờ ở bờ sông.

Đàm Vân Sơn không làm sao được đành phải về Cửu Thiên nói mãi Thiên Đế mới đồng ý cho hai người lên tiên giới vào ngày chàng xuống Vong Uyên nhưng ngoại trừ bờ Vong Uyên, không được đi bất kỳ nơi nào khác.

Giờ đây, ngày ấy cuối cùng đã đến.

Đàm Vân Sơn cạo đầu cho mình lần thứ hai.

Lúc cạo lần đầu không quen tay nên đánh vật một hồi lâu, lần này chỉ cần vài nhát là đã cạo sạch nhẵn đám tóc mới mọc lại.

Chỉnh sửa tóc tai xong, chàng mới tắm rửa đốt hương, ăn mặc chỉnh tề đi ra bờ Vong Uyên.

Trời về chiều, ánh tịch dương nhuộm ráng đỏ lên tất thảy làm bờ Vong Uyên toát lên vẻ ấm áp hiếm hoi.

Thiên Đế và chúng thượng tiên đã chờ sẵn bên bờ. Đàm Vân Sơn từ xa đã tìm kiếm trong đám đông, cuối cùng chỉ thấy Bạch Lưu Song và Phùng Bất Cơ mà không thấy Nam Ngọc.

Đàm Vân Sơn cũng hiểu. Buổi sáng vừa đưa tiễn sư phụ, đâu thể bình thường trở lại nhanh như vậy được.

Chỉ mong lúc chàng xuống Vong Uyên trở về, Nam Ngọc đã vượt qua được – nếu như chàng còn về.

“Huynh xuống đi cứu người hay đi thành thân thế!” Từ lúc được Lễ Phàm thượng tiên đón lên Cửu Thiên Tiên Giới, Bạch Lưu Song không được đi đâu nên đã ở bên bờ sông hít gió cả buổi chiều tà, vốn đang buồn bực lại trông thấy Đàm Vân Sơn chỉn chu như tân lang, lập tức hiểu ngay vì sao mình phải lãng phí thời gian chờ nãy giờ, chỉ muốn xông lên cắn người.

So ra thì Phùng Bất Cơ thân thiện hơn nhiều, huynh ta ân cần hỏi han mấy câu, tất nhiên, phần lớn sự quan tâm là dành cho bộ tóc của chàng.

Đàm Vân Sơn không được tiếp thêm chút sức mạnh tinh thần hữu ích nào từ phía các đội hữu đành bất đắc dĩ nhìn Thiên Đế.

May là Cửu Thiên chí tôn không làm chàng thất vọng, nhìn một cái liền sai thượng tiên đứng bên đưa thừng tiên cho chàng.

Đàm Vân Sơn cầm một đầu dây thừng, nhìn dọc theo sợi thừng, không nhìn thấy đầu kia dài tới đâu, cứ như thể dài vô cùng tận.

“Bao nhiêu thân dây leo vạn năm Cửu Thiên có đều đã chặt hết để làm, nếu thế rồi mà còn không giúp ngươi xuống được tới đáy Vong Uyên thì ngươi chỉ còn có thể tự cầu phúc cho mình.”

Thiên Đế hờ hững nói như nói đùa nhưng mọi người đều hiểu đấy là nói thật.

Xuống Vong Uyên là “thập tử” mà khó tìm được “nhất sinh”.

“Ta và các thượng tiên ở đây sẽ giúp ngươi giữ chắc thừng tiên,” Thiên Đế nghiêm mặt, “nhưng khó nói có thể trụ được bao lâu…”

Đàm Vân Sơn cột chặt thừng tiên vào hông, ngẩng đầu lên, thở dài: “Tôi cũng không biết mình có thể trụ được bao lâu.”

Thiên Đế băn khoăn hồi lâu, cuối cùng không nhịn được vẫn muốn thử khuyên một lần: “Nếu bị đứt, ngươi phải ở lại Vong Uyên mãi mãi nhưng chưa chắc đã được đoàn viên với Ký Linh.”

“Vậy thì tùy số vậy. Một ngày không tìm được thì tôi tìm ngày hai, mười năm không tìm được thì tôi tìm trăm năm.” Đàm Vân Sơn cười, “Chí ít thì vẫn có hy vọng.”

Cột xong thừng vàng, chàng đi lại chỗ Bạch Lưu Song và Phùng Bất Cơ.

Bạch Lưu Song đưa cho chàng dây thừng Tử Kim một cách không mấy tình nguyện, vừa xem chàng cột dây vào người vừa lẩm bẩm: “Đã có thừng tiên rồi còn bắt tôi làm cái này làm gì, chốc nữa đứt là cái chắc…”

Đàm Vân Sơn cột thừng Tử Kim còn chắc hơn thừng tiên: “Đâu thể nói vậy được. Chớ quên, chính dây thừng Tử Kim của cô đã làm ánh sáng của Yến Hành xuất hiện.”

“Nhưng sau này đâu có sáng lại nữa, không phải huynh đã cầm dây thừng Tử Kim thử mấy lần rồi đó sao,” Bạch Lưu Song không mấy tin tưởng, “chưa biết chừng chỉ là trùng hợp tình cờ, không liên quan gì đến thừng Tử Kim của tôi.”

Đàm Vân Sơn biết nàng sợ hy vọng lắm thất vọng nhiều, bèn vỗ vỗ cặp dây thừng cột vào hông, đáp đầy khí khái: “Mặc kệ, dù sao có gì cột được đều cột hết vào. Cô và Phùng Bất Cơ ở trên này niệm kinh cầu phúc cho tôi nhé.”

Bạch Lưu Song ngẩn ra: “Tôi không biết niệm kinh.”

Thấy nàng coi là thật, Đàm Vân Sơn bật cười: “Vậy thì hú lấy mấy tiếng, nghe thấy tiếng cô là tôi biết ngay bờ ở đâu.”

Bạch Lưu Song chớp chớp mắt, thoắt cái liền bỗng biến thành sói: “Hú ú…”

Đàm Vân Sơn còn bình tĩnh chứ chúng thượng tiên thì giật mình không nhẹ, nhất là những vị đã ở trường kỳ trên Cửu Thiên bỗng thấy một con sói yêu lớn như thế hiện nguyên hình lại còn hú lên thì hơi không chịu nổi.

Đàm Vân Sơn bật cười sờ tai sói trắng.

Sói trắng ngoan ngoãn im lặng, bên cạnh lại có người bảo: “Suýt thì tôi tưởng mình đang ở Bạch Quỷ Sơn.”

Đàm Vân Sơn ngạc nhiên ngẩng đầu lên.

Nam Ngọc chê bai ra mặt, trông mắt sưng không rõ lắm.

Bạch Lưu Song không phải kẻ thích chịu thiệt, lập tức phản đòn.

Nam Ngọc khó nhọc lắm mới lôi được sói trắng xuống khỏi người, ngừng đùa, nghiêm túc nhìn Đàm Vân Sơn: “Chúng tôi chờ huynh đưa Ký Linh về.”

Đàm Vân Sơn gật nhẹ.

Đứng bên bờ sông, ngẩng đầu nhìn tịch dương, nắng chiều như lửa nhưng không ấm áp là bao. Song, Đàm Vân Sơn không cần tới hơi ấm của nó, bởi hơi ấm trong cơ thể chàng, là Ký Linh gom góp, là các bạn hữu tặng cho, ấm và giàu sức sống.

Nhắm mắt lại, Đàm Vân Sơn đổ người về trước, nhảy xuống Vong Uyên.



Khoảnh khắc vào nước, Đàm Vân Sơn không cảm thấy Vong Uyên có gì khác với những con sông khác, chẳng qua là nước hơi lạnh hơn một chút, tối hơn một chút, nhìn đâu cũng chỉ thấy một màu xanh tối đen. Nhưng có một điều, giống như Bạch Lưu Song đã nói, ở dưới Vong Uyên có thể hô hấp được bình thường.

Cảm giác này khác hoàn toàn với chuyện ăn hoa Bạch Tuyền xong có thể đi lại dưới nước, hoa Bạch Tuyền là để tránh nước còn ở Vong Uyên là thực sự bị nước vây quanh, thậm chí có thể cảm nhận rõ nước đang chảy qua tai mắt mũi miệng.

Không có nhiều thời gian để nghĩ lan man, Đàm Vân Sơn đạp nước, di chuyển sâu xuống bằng tốc độ nhanh nhất có thể.

Thế nhưng, chàng chóng nhận ra chàng không cần phải tốn công sức vì bên dưới Vong Uyên như có một lực hút đang chủ động kéo chàng ngày càng đi sâu xuống vùng nước tối hơn.

Mới đầu lực hút đấy chỉ hơi một chút giống như khi cưỡi gió để bay nhưng dần dần lực ấy bắt đầu mạnh lên, tốc độ kéo chàng xuống cũng ngày càng nhanh!

Tốc độ quá nhanh dẫn đến nước đập vào mặt rất mạnh, giống như nước đang nện từng cú từng cú đấm vào mắt, Đàm Vân Sơn không thể làm gì khác hơn ngoài nhắm mắt lại nhưng hai tay vẫn giữ chắc lấy cặp thừng ở hông và chiếc đèn cung đình Nhật Hoa đeo trước ngực.

Bảo vệ lấy hai thứ này, còn lại thì cứ tùy Vong Uyên kéo!

Nước sông lạnh buốt làm các giác quan bị mất độ nhạy, Đàm Vân Sơn không biết mình bị kéo xuống bao lâu, đến khi đã dừng lại, chàng vẫn còn có cảm giác tưởng như đang bị cuốn đi.

Mở mắt ra, xung quanh tối om.

Nhật Hoa Bảo Châu làm cả U Thôn ba năm luôn sáng như ban ngày cũng chỉ có thể chiếu sáng một vùng chừng ba thước xung quanh, coi như chỉ sáng được mỗi mình chỗ chàng.

Đàm Vân Sơn đứng im không nhúc nhích một hồi lâu, cuối cùng các giác quan cũng bình thường trở lại giúp chàng nhận ra có điểm bất thường.

Đầu tiên chàng thử quơ quơ tay, không hề có cảm giác đang ở trong nước, vừa không sờ thấy nước mà cũng không cảm thấy áp lực của nước, tay chàng có thể cử động linh hoạt như thường. Chàng lại thử co chân đạp đạp, bên dưới mềm mà chắc, cực giống như đứng trên nền đất của Cửu Thiên, vừa có đất, vừa có mây.

Chàng khom lưng cho đèn Nhật Hoa thấp xuống sát dưới chân để soi xem bên dưới có gì.

Nhưng chẳng nhìn thấy gì hết, giống như Bạch Lưu Song nói, cả một vùng tối om, mờ mịt, hư vô.

Đằng sau bỗng có một cơn gió mạnh thốc tới!

Đàm Vân Sơn có dự cảm không ổn liền tránh ngay đi, không biết thứ gì từ màn đêm lao ra chụp hụt rồi lại chìm vào màn đêm.

Đàm Vân Sơn ngừng thở, đối phương thì chẳng, vẫn thở phì phò trong đêm tối, không hề che giấu sát ý.

Không chần chừ, Đàm Vân Sơn liền tung chưởng ngay về phía tiếng thở, cứ đánh trước một tia sét tiên mở đường đã!

Tĩnh lặng.

Cái tĩnh lặng làm người ta ớn lạnh xương sống.

Đàm Vân Sơn kinh ngạc. Kể cả là lúc ban đầu chưa dùng thành thạo sét tiên thì cũng chỉ không đủ mạnh chứ chưa bao giờ phát sinh tình huống không thể thi triển được!

“Hú ú…”

Tiếng hú bất thình lình giữa không gian tĩnh lặng nghe đến là thảm thiết, Đàm Vân Sơn giật nảy mình, lập tức chàng lại bị đối phương bổ nhào tới một lần nữa, làm ngay một phát cắn trúng vai!

Đau nhói!

Cuối cùng, Đàm Vân Sơn cũng nhìn thấy hình thù yêu thú. Đầu giống sói, lại mọc thêm sừng, thân mình như trâu, đè chàng tới mức không thở nổi!

Không trông cậy vào tiên lực nữa, Đàm Vân Sơn dùng tay không cậy mõm nó ra, cứu lấy vai mình! Đồng thời đạp mạnh một cước vào bụng nó!

Yêu thú tru lên một tiếng rồi bỏ chạy.

Đàm Vân Sơn không nhìn thấy, chỉ có thể phán đoán dựa vào âm thanh nghe mỗi lúc một xa. Đúng là một con vật thức thời.

Chàng đã đoán được sẽ bị tấn công nhưng không ngờ rằng dưới Vong Uyên lại không thể dùng được tiên thuật.

Chàng lần tay sờ xuống cẳng chân, cảm giác quen thuộc giúp chàng vững tâm lại: May là chàng còn mang theo cả dao. Tuy vừa rồi không dùng tới nhưng xem ra sau này phải dựa cả vào nó.

Thế mới nói, làm người không được quên cái gốc của mình.

“Có tài thật nhỉ…” Lại một giọng nói vang lên trong bóng tối, không thể hiện ác ý mà thậm chí còn khen ngợi.

Đàm Vân Sơn không nhận ra người đó ở đâu nhưng vẫn đáp: “Đã trông thấy rồi sao không lại giúp?”

Người trong bóng tối đáp: “Không phải không muốn giúp mà là thực sự không giúp được. Vừa rồi nếu là ta thì không biết đã chết bao nhiêu lần rồi.”

Đàm Vân Sơn tháo đèn cung đình khỏi ngực giơ ra trước soi nhưng vẫn không nhìn thấy gì thêm, đành phải nói: “Muốn nói thì lại đây nói, còn tránh nữa thì xin lỗi, tiễn khách.”

Người trong bóng tối hình như sửng sốt, sau đó cười to: “Ngươi đúng là thú vị thật đấy, đây có phải nhà ngươi đâu, tiễn khách cái gì.”

Đàm Vân Sơn nhíu mày, thấy người này điên điên khùng khùng mà chàng thì lại chưa rõ tình hình ở đây ra sao nên không tính nói chuyện tiếp nữa, xé một mảnh áo quấn vết thương ở vai lại.

Chàng không nhìn thấy người nọ nhưng người nọ lại nhìn thấy rõ chàng, người nọ nói: “Khỏi cần mất công. Trừ phi ngươi chết, nếu không thì chẳng cần quan tâm vết thương lớn nhỏ gì, ở đây đều sẽ tự khỏi.”

Đàm Vân Sơn dừng tay, bán tín bán nghi.

“Nhìn là biết ngay ngươi mới tới, ngốc lắm.” Người nọ nói xong bước ra khỏi bóng tối.

Cuối cùng Đàm Vân Sơn cũng thấy rõ hắn. Quần áo rách nát, tóc dài lộn xộn che nửa mặt, chỉ nhìn thấy một con mắt với nửa chiếc miệng.

Tuy vẻ ngoài trông hơi thê thảm nhưng đúng là hình người, còn về phần trước khi vào Vong Uyên là người hay tiên thì khó mà phân biệt được.

Đàm Vân Sơn giơ Bảo Châu lên tính nhìn kỹ hơn nhưng người nọ lại nổi giận đập tay chàng: “Mau bỏ xuống. Mau bỏ xuống. Đã kéo một con súc sinh tới rồi còn chê ít à?”

Đàm Vân Sơn tránh nhanh nên mới không bị hất đèn cung đình bay đi mất, chàng bực bội: “Làm cái gì đấy!”

“Ta cứu mạng ngươi đấy!” Người nọ ngang nhiên đáp, “Chỗ này tối tăm mịt mùng, chỉ có mỗi ngươi sáng lên, đám súc sinh kia không cắn ngươi thì còn cắn ai nữa?”

“Cắn tôi thì chúng được gì?” Tuy hỏi vậy nhưng Đàm Vân Sơn cũng đã lặng lẽ bỏ đèn cung đình xuống, cố gắng hết sức che Bảo Châu lại song vẫn có chút ánh sáng lọt ra ngoài.

“Cần gì phải được gì, thích cắn thì cắn, không thì sao còn gọi là súc sinh chứ.” Người nọ nhún vai, chẳng để tâm lắm, ngược lại, lại quan tâm vai Đàm Vân Sơn: “Ngươi bỏ miếng vải ra đi, phỏng chừng giờ đã hết chảy máu rồi.”

Nhờ hắn nói vậy, Đàm Vân Sơn mới để ý thấy quả thực vai đã không đau như lúc nãy nữa, quay qua nhìn, hình như vết máu thấm ra vải cũng không có xu thế lan rộng ra hơn, chàng bèn tháo luôn miếng vải ra xem thực hư.

Đang tháo dở thì một con dao găm đâm thẳng về phía ngực chàng!

Đàm Vân Sơn chẳng buồn nhìn, tung chân đá bay con dao đi, sau đó bổ nhào lên người đối phương, lập tức kề dao lên cổ!

“Đừng giết tôi! Xin tha mạng!” Người nọ la tướng lên, đúng là linh hoạt ra trò.

Đàm Vân Sơn tức lắm, không rõ là tức vì bị tấn công hay vì đối phương coi mình là thằng ngu: “Kẻ vào Vong Uyên đều là hạng cùng hung cực ác. Con mới cắn ta một phát kia chẳng có gì lạ, như ngươi mới là lạ đấy, biết không?”

Người nọ ngưng bặt tiếng kêu la thảm thiết.

Hắn nhìn Đàm Vân Sơn chằm chằm như thể lưỡi dao kề cổ còn lâu mới quan trọng bằng chuyện được giải đáp thắc mắc: “Ngươi bảo chỗ này gọi là… Vong Uyên à?”

Rõ ràng hai chữ đấy rất lạ lẫm với y, lạ lẫm đến mức phải mất công hồi tưởng lại mới nhắc lại được tên.

Đàm Vân Sơn đờ ra trong một thoáng, không dám chắc là đối phương hỏi đùa hay hỏi thật. Đã bị mãi mãi không được luân hồi rồi, sao có thể đến chính mình bị ném vào đâu cũng không biết. Dù có là yêu thì cũng cần Thiên Đế hạ chỉ, mà bốn chữ “hình phạt Vong Uyên” trong thiên chỉ thì tuyệt đối là phải để mọi kẻ chịu hình nghe thật rõ.

“Ngươi gọi nơi này là gì?” Chàng không trả lời mà hỏi ngược lại.

Người nọ đáp rất tự nhiên: “Nơi này thì là nơi này thôi.”

Đàm Vân Sơn có dự cảm chẳng lành: “Thế ngươi tên là gì?”

Người nọ trầm tư suy nghĩ rất nghiêm túc nhưng cuối cùng lại ngơ ngác đáp: “Ta quên rồi…”

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.