Mùa hè năm ấy, Tô Dương tới sân bay để gặp anh, trước đó, bọn họ đã không gặp mặt gần hai tháng. Cô bận ôn thi cuối kỳ, anh cũng tất bật làm việc ở khắp mọi nơi trên thế giới.
Khi ấy, cứ có cảm giác thời gian như được tính theo tuần, chỉ trong nháy mắt, một tuần đã trôi qua.
Anh vốn phải bay thẳng tới Hồng Kông, bởi vì nhớ cô nên lại đổi chuyến bay, chọn chuyển máy bay ở Bắc Kinh. Vì thời gian quá eo hẹp, anh không có cách nào để chạy vào khu vực thành phố.
Thế nên, Tô Dương trốn học, tới sân bay chờ gặp anh.
Sau anh mới biết, ngày đó, cô tới sớm hai tiếng để đợi anh tại sảnh. Khi ấy, cô mặc chính bộ váy dài đỏ thẫm bó sát người này.
Kẻ đến người đi trong sảnh đến quốc tế, người cùng vật đều ảm đạm thất sắc, trong mắt anh chỉ có hình bóng của cô. Mọi cảnh vật đều tự phai mờ, cho dù muốn nhìn thứ khác cũng không thể thấy gì.
Sau đó, cô tựa như một tinh linh nhỏ, chạy ùa về phía anh.
Gần hai tháng không gặp, trên mặt cô chẳng có bất kỳ vẻ tủi thân cùng oán giận nào, ngược lại, mặt mày hớn hở, vẻ kích động tràn ra ngoài.
Vào khoảnh khắc cô cười và lao vào vòng tay anh, tất cả tình cảm đâm chồi bén rễ ở trong lòng, cho đến khi cành lá xum xuê, không chứa nổi bất kỳ thứ nào khác. Cũng chính trong hơn mười giây ngắn ngủi ấy, anh đột nhiên sinh ra cảm giác muốn kết hôn với cô, cho dù khi ấy cô mới mười tám, mà anh cũng chỉ mới hai mươi hai.
Rất muốn cưới cô, cùng cô đi hết quãng đời còn lại.
Một đời, một kiếp, một đôi người.
Lần gặp mặt ở sân bay ấy kéo dài không tới nửa tiếng, rồi anh phải qua cửa kiểm tra an ninh, bay tới Hồng Kông…
“Rốt cuộc là có đẹp không hả?” Tiếng chất vấn đầy bất mãn của Tô Dương kéo dòng suy nghĩ của anh về.
“Đẹp chứ.” Tưởng Bách Xuyên đang muốn duỗi tay ôm cô vào lòng, chợt nghe Tô Dương nói: “Không được không được, ôi mẹ ơi, thít chết em rồi, không thở nổi luôn, anh mau kéo khóa xuống giúp em!”
Cô tiến lên hai bước, xoay lưng về phía anh rồi thúc giục “Mau mau mau mau!”
Tưởng Bách Xuyên: “…”
Anh đưa tay kéo khóa, “Chặt thật đấy, vừa rồi ai kéo giúp em thế?”
Tô Dương dễ chịu thở phào một hơi, “À, em gọi cho quầy tiếp tân lên đấy.”
Cô có chút uể oải nói: “Em béo hơn trước kia nhiều quá.”
Lúc cô tìm được chiếc váy này ở nhà đã từng hưng phấn không thôi, trực tiếp nhét vào vali, muốn cho anh một kinh hỉ nhỏ vào ngày sinh nhật, không ngờ thiếu chút nữa không ních nổi bản thân vào.
Tưởng Bách Xuyên: “Béo đâu mà béo, trước kia em quá gầy thì có.”
Trước đây, cô chỉ nặng năm mươi mấy cân, hiện tại nặng khoảng năm mươi bảy cân rưỡi, nhưng so với chiều cao 174 xen-ti-mét của cô thì chẳng béo chút nào, anh còn hy vọng cô “béo” thêm mấy cân.
Tô Dương tự an ủi bản thân: “Được rồi, béo thì béo, chúng ta ăn khuya đi, không ăn thì nguội mất. Mai em lại giảm béo sau.”
Nhìn phần lưng hoàn toàn lộ ra ngoài của cô, Tưởng Bách Xuyên hỏi: “Em không thay quần áo à?”
Tô Dương: “Không, dù sao cũng không rơi xuống được, coi như đang mặc đồ hở lưng đi.”
Cô ôm tay Tưởng Bách Xuyên, nghiêng đầu nhìn người nọ: “Anh gặp được chủ tịch Dung rồi chứ?”
Tưởng Bách Xuyên: “Ừ, buổi đàm phán khá suôn sẻ.”
Tô Dương cười, vui vẻ lắc lư cánh tay anh, không hỏi nhiều nữa. Cô không quá hiểu chuyện tài chính, chỉ cần biết anh thuận lợi là được.
Vào phòng khách, Tưởng Bách Xuyên hất cằm về phía bát ma lạt thang[1]: “Em mua ở đâu thế?”
[1] Ma Lạt Thang là một món canh cay nổi tiếng của Trung Quốc có thể ăn kèm tiết vịt, đậu phụ hay viên cá, thịt.
Quanh đây không bán những món ăn vặt này.
Tô Dương ngồi khoanh chân bên bàn, chỉ về phía đối diện, ý bảo anh cũng ngồi xuống, đoạn nói: “Thời nay có cái gọi là Mỹ Đoàn[2] takeaway, có nó là mẹ không cần lo em ăn không đủ no nữa.”
[2] 美团/ 团购 (Mỹ Đoàn – Meituan) là một trang web thanh toán tiền ăn qua mạng, được giảm phần phần trăm.
Tưởng Bách Xuyên bất đắc dĩ bật cười. Anh vào phòng vệ sinh rửa tay rồi mới ngồi xuống, “Sao em cứ thích ăn mấy món thiếu dinh dưỡng này thế?”
Tô Dương cầm một xiên cánh gà nướng, bắt đầu cắn xé, “Ma lạt thang và đồ xiên là mỹ vị trần gian, hôm nay lại là sinh nhật của em, em ăn gì anh không quản được.”
Cô đưa một bát cho anh: “Ăn ma lạt thang đi, em không làm cay đâu.”
Sau đó, cô lại bưng một phần cháo gạo kê đóng gói: “Mua riêng cho anh đấy.”
Tô Dương rầu rĩ hừ một tiếng: “Ừm, em muốn uống bia thì anh sẽ cho chắc?”
Anh liếc cô: “Ở đấy mà tưởng, bao giờ sinh xong, em muốn uống thì anh sẽ uống cùng.”
Tô Dương đỡ trán, lại nữa lại nữa.
Bây giờ nói ba câu đều không rời em bé.
Cô bưng ly sữa, cạn ly với anh: “Bố áo bông[3], chúc anh một năm mới suôn sẻ.”
[3] Bên Trung Quốc hay ví von con gái là áo bông tri kỷ của cha, Tô Dương gọi Tưởng Bách Xuyên là “Hài nàng cha” (孩她爹 – chỉ rõ đứa trẻ có giới tính nữ) vì anh mong chị sinh con gái.
Tưởng Bách Xuyên cười, rất không biết xấu hổ mà nói: “Cảm ơn mẹ áo bông, sinh nhật vui vẻ nhé.”
Tô Dương: “…”
Sau khi uống trà thay rượu, Tô Dương ăn nhiệt tình, lúc gặm thịt xiên nướng, lúc cắn ma lạt thang.
Tưởng Bách Xuyên nhìn eo cô, chẳng chút lưu tình: “Đồng à, em vào phòng thay quần áo được không?”
Tô Dương đang ăn bò viên, không nghĩ rằng anh lại nói chuyện, cô hỏi: “Sao thế?”
Tưởng Bách Xuyên do dự một hồi rồi mới nói: “Anh sợ tí nữa bụng em căng đứt cả chỉ mất.”
Tô Dương: “…”
Cô nhìn anh với ánh mắt lạnh thấu xương, thật lâu sau, cô nói: “Tưởng Bách Xuyên, lúc ăn và lúc ngủ không được nói chuyện, anh đào đâu ra lắm câu nhảm nhí vậy!”
Tưởng Bách Xuyên nín cười, cúi đầu ăn cháo gạo.
Tô Dương tức tối nuốt không trôi, đứng dậy vòng sang hành hung anh một trận, “Tưởng Bách Xuyên, anh đáng ghét chết đi được! Sao anh không nói cái hay mà cứ nói cái dở thế hả!”
Cô càng nghĩ càng tức, ngoạm một phát lên cổ anh. Tưởng Bách Xuyên bật cười, ôm cô vào lòng, “Được rồi được rồi, em đừng nhiễu nữa, mau ăn đi.”
Tô Dương giận dỗi: “Em không ăn!”
Tưởng Bách Xuyên với tay sang cầm bát đũa của cô, “Ăn đi, đừng ăn no quá là được, ăn xong mình xuống nhà đi dạo.”
Tô Dương khinh khỉnh liếc anh, chiếm được tiện nghi mà còn khoe mẽ: “Thực ra em hết hứng ăn rồi, là anh xin em ăn đấy nhé!”
Tưởng Bách Xuyên: “…”
Tô Dương tiếp tục ăn không ít, sau khi ăn xong, Tưởng Bách Xuyên dọn qua phòng khách rồi đưa cô xuống nhà tản bộ.
Nửa đêm trên phố vắng bóng người.
Tô Dương cùng Tưởng Bách Xuyên đan tay vào nhau, tản bộ trên vỉa hè. Chợt, cô buông tay anh ra, vượt trước một bước, sau đó xoay người bước lùi.
Tưởng Bách Xuyên đi chậm lại, phối hợp với bước chân cô.
Anh đưa tay phải cho cô.
Tô Dương cầm tay anh, nói: “Thứ hai tới em sẽ qua Đức, phải ở bên kia một tuần hoặc lâu hơn thế.”
Tưởng Bách Xuyên nhìn cô: “Anh sẽ qua đấy thăm em.”
Tô Dương: “Nhưng cuối tuần anh cũng phải về New York làm việc mà.”
Tưởng Bách Xuyên bảo: “Anh vẫn sẽ bớt thời gian qua Đức.”
Tô Dương tiến về trước hai bước, hôn lên khóe môi anh. Tưởng Bách Xuyên cầm tay cô rồi nhét vào túi áo mình.
Hai người gần như dính lấy nhau mà đi, cô lùi một bước, anh tiến một bước.
Gần nửa tiếng sau, dạ dày Tô Dương mới dễ chịu hơn phần nào. Cô đề nghị: “Lạnh quá, mình về đi anh.”
Tưởng Bách Xuyên nhìn đồng hồ, thấy đã sắp mười hai giờ ba mươi phút, anh dắt cô về nhà. Chưa được mấy bước, di động rung lên, là cuộc gọi từ bố Tưởng.
Trong lòng Tưởng Bách Xuyên có chút căng thẳng, sao bố lại gọi điện vào giờ này?
Anh nhanh chóng bắt máy.
“A lô, bố, có chuyện gì thế ạ?”
Bố Tưởng khoan thai đáp: “Chẳng có chuyện gì cả.”
Tưởng Bách Xuyên: “…” Anh hơi ngừng lại: “Bố à, bố thấy quấy rầy giấc ngủ của người khác sau hơn nửa đêm là hành vi thỏa đáng ạ?”
Bố Tưởng: “Ngủ? Con đang ngủ trên đường đấy à?”
Tưởng Bách Xuyên: “…”
Bố Tưởng nói: “Tưởng Bách Xuyên, đêm hôm con không ở yên trong khách sạn mà chạy ra ngoài làm gì? Con có biết video con cùng Tô Dương chen lấn trên đường giữa đêm hôm đã bị người ta đăng lên mạng rồi không?”
Trước đây, vì không có thời gian nên ông chẳng mấy khi lên mạng, dù có thì cũng là để xem tình hình chính trị đương thời, nhưng từ khi Weibo phụ của mẹ Tưởng bại lộ, ông thường lên Weibo dạo một vòng.
Đêm nay, trước khi ngủ, ông lên xem tin trên Weibo như thường, không ngờ lại thấy video về Tưởng Bách Xuyên.
Tưởng Bách Xuyên: “Bố gọi cho con chỉ vì chuyện này thôi sao?”
Bố Tưởng: “Cũng không hẳn, ngày kia ông nội quay lại Thụy Sĩ rồi, con không về một chuyến à?”
Tưởng Bách Xuyên khẽ giật mình: “Nhanh vaayj ạ?”
Bố Tưởng hừ một tiếng: “Không về để tức tới mức vào viện vì con chắc.”
Nghĩ tới việc Tưởng Bách Xuyên suốt ngày phô bày tình cảm ở trên mạng, bố Tưởng thở dài: “Tưởng Bách Xuyên, con thay đổi rồi.”
Tưởng Bách Xuyên: “…”
Bố Tưởng nhắc tới chuyện công ty của dì Kiều Cẩn, hỏi có phải là anh làm hay không.
Tưởng Bách Xuyên chẳng hề giấu diếm, “Là con đấy, người nào cầu tình cũng vô dụng thôi.”
Bố Tưởng vốn không định dính vào vũng nước đục này, ông không muốn hỏi nhiều, mà có hỏi cũng chỉ tổ làm mình ấm ức.
Trước khi cúp máy, bố Tưởng lại dặn dò: “Ông con sẽ bay vào buổi sáng ngày kia, con gắng về tiễn ông ra sân bay nhé.”
***
Tưởng Bách Xuyên và Tô Dương trở về Bắc Kinh.
Sau khi về đến nhà, Tưởng Bách Xuyên không thay quần áo mà nói với Tô Dương: “Anh qua nhà một chuyến nhé, mai ông nội về Thụy Sĩ rồi.”
Tô Dương cũng kinh ngạc: “Sớm vậy á? Em còn tưởng ông sẽ ở lại một thời gian đấy. Em với anh cùng về thăm ông đi.”
Trong khoảng thời gian này đã xảy ra quá nhiều chuyện, Tưởng Bách Xuyên không muốn về nhà, cô cũng không quá muốn đối mặt với ông cụ nên vẫn luôn trì hoãn chưa qua. Sau khi cô cùng Tưởng Bách Xuyên lĩnh chứng, hai năm nay, ông bà nội vẫn chưa về nước. Hàng năm, hai vợ chồng sẽ qua Thụy Sĩ để thăm hỏi hai cụ.
Thái độ của ông cụ đối với cô xem như ổn thỏa, mỗi khi cô qua đó, ông cụ vẫn rất lịch sự, cho dù không hài lòng, ông cụ cũng chưa bao giờ thể hiện rõ ở trước mặt cô. Nhưng cô biết, ở nhà họ Tưởng, ông cụ Tưởng coi trọng nhất là dòng dõi; người lớn tuổi, tư tưởng cũng bảo thủ như tuổi tác.
Tưởng Bách Xuyên nói với cô, ông cụ chính là như thế, vừa ngoan cố vừa cường ngạnh, muốn quản từng người trong nhà, nhưng chẳng ai thèm đoái hoài tới lời ông cụ nói.
Đặc biệt, lấy chú tư cầm đầu, rất thích đối chọi với ông cụ.
Tưởng Bách Xuyên bảo: “Không được, ông nội không ở nhà tổ mà đang ở nhà anh. Chờ hôm nào bố anh tự tới mời em về nhà, em tâm tình lại tốt thì về sau.”
Tô Dương: “…”
Tưởng Bách Xuyên tiếp tục: “Sáng mai anh sẽ ra sân bay tiễn ông nội, tới lúc đó em cùng đi nhé.”
Tô Dương suy nghĩ: “Vậy cũng được.”
Lúc Tưởng Bách Xuyên tới nơi, bố mẹ anh đang trò chuyện với ông nội ở trong phòng khách.
Nhìn thấy anh, không ai thèm phản ứng, mẹ Tưởng còn hung hăng liếc xéo anh một cái.
Tưởng Bách Xuyên: “…”
Bà vẫn còn ghi hận chuyện tài khoản Weibo phụ bị lộ.
Biết anh về, ông cụ Tưởng lại không ngẩng đầu, chỉ chậm rãi thưởng thức trà. Tưởng Bách Xuyên ngồi xuống bên cạnh ông cụ, “Ông nội.”
Lúc này, ông cụ Tưởng mới từ từ ngẩng đầu lên, sau khi nhìn anh đăm đăm nửa ngày, vẻ mặt trầm ngâm suy tư, nghi hoặc hỏi: “Là Trì Hoài phải không?”
Tưởng Bách Xuyên: “…”
Tưởng Trì Hoài là em họ của anh.
Ông cụ Tưởng nói: “Trì Hoài à, cháu đừng để bụng nhé, ông vốn đã già cả, trí nhớ kém, mấy ngày nay lại bị cái thằng Bách Xuyên hư hỏng chọc giận không nhẹ, trí nhớ cứ như một nồi bột nhão ấy. Bây giờ nhìn ai cũng thấy quen mắt, chỉ là không nhớ nổi người nào với người nào thôi.”
Tưởng Bách Xuyên: “…”
Ông cụ Tưởng uống một ngụm trà, “Nếu cháu không gọi một tiếng ông nội, ông còn tưởng cháu là thằng Tiểu Ngũ đang muốn tìm đường chết mà mắng mỏ đấy!”
Tưởng Bách Xuyên vẫn lặng yên như trước.
Anh đương nhiên biết ông nội cố ý, lẳng lặng đứng dậy ngâm một ấm trà cho ông cụ.
Ông cụ Tưởng cũng ngừng giả ngốc, hỏi anh: “Cháu mà về thì chú năm nhất định cũng cùng về theo nhỉ?”
Đều là chuyện biết rõ ở trong lòng, Tưởng Bách Xuyên không đi Dubai, ông cụ cũng biết.
Nhưng không ai nói toạc ra.
Tưởng Bách Xuyên: “Cháu có việc nên về trước, chú năm vẫn đang ở Dubai, chắc phải hơn mười ngày nữa thì mới có thể kết thúc hành trình ở bên kia.”
Ông cụ Tưởng “À” một tiếng, đều cùng có ý tưởng đen tối như nhau, có hỏi cũng bằng không.
Ngược lại hỏi: “Tô Dương đâu? Sao không qua đây cùng cháu?”
Tưởng Bách Xuyên đáp: “Sáng mai chúng cháu sẽ tiễn ông ra sân bay ạ.”
Ông cụ không hỏi nhiều, nói với anh: “Đánh một ván cờ với ông nhé?”
Tưởng Bách Xuyên đồng ý.
Mẹ Tưởng lấy bàn cờ cho hai ông cháu rồi rót trà.
Lúc bưng trà lên, bà đưa cho ông cụ Tưởng một ly trước, giọng điệu dịu dàng: “Bố à, con để trà ở đây nhé.”
Sau đó, khi đưa trà cho Tưởng Bách Xuyên, mẹ Tưởng mặt không đổi sắc đặt mạnh ly trà lên bàn, vài giọt trà còn bắn tung tóe ra ngoài.
Tưởng Bách Xuyên: “…”
Sau này, anh chỉ sợ mình sẽ không có ngày lành ở nhà.
Vừa dọn bàn cờ xong, Tưởng Bách Xuyên nhận được tin từ Giám đốc Hà: [Bàng Lâm Bân đã tới Thượng Hải vào chiều nay.]
Bàng Lâm Bân là chủ công ty quản lý tài sản Doãn Lâm, chú của Bàng Việt Hy, cũng là bố của Cố Hằng.
Tưởng Bách Xuyên đáp: [Tôi biết rồi.]
May mà tối hôm qua anh gặp được Chủ tịch Dung, nhưng lần này, nếu Bàng Lâm Bân đã tự mình qua đây, chưa chắc kế hoạch của anh có thể thuận lợi được cổ đông biết đến.
Ông cụ Tưởng chỉ bàn cờ, “Ngây ngốc cái gì, bắt đầu đi!”
Tưởng Bách Xuyên cất di động, “Vâng ạ.”
Nửa tiếng sau, ông cụ Tưởng trực tiếp ném quân cờ màu trắng trong tay lên bàn cờ, “Tưởng Bách Xuyên, cháu thua rồi, đây là trình độ chơi cờ lúc cháu sáu tuổi đấy!”
Tưởng Bách Xuyên mím môi, không lên tiếng. Anh theo ông nội học cờ vây từ nhỏ, trình độ tầm tầm, sau lại ở bên Tô Dương, Tô Dương cũng thích chơi cờ, chỉ là trình độ không tốt, nhưng anh vẫn đánh cờ cùng cô.
Mấy năm nay, tuy không còn chơi cờ nhiều như khi còn bé, nhưng trình độ của anh cũng không thụt lùi. Hôm nay, bởi vì trong đầu có việc, lòng dạ không yên, anh tự đẩy bản thân vào đường chết.
Hơn nửa tiếng sau, ván cờ kết thúc.
Ông cụ Tưởng bắt đầu sắp xếp bàn cờ, hỏi anh: “Còn muốn tiếp tục không?”
Tưởng Bách Xuyên gật đầu, phân loại quân cờ cùng ông cụ.
Ông cụ Tưởng nhìn anh một cái, biết anh gặp chuyện khó giải quyết trên phương diện làm ăn nhưng không hỏi, trái lại sâu xa nói: “Lúc cháu còn nhỏ, ông đã từng nói với cháu, kẻ địch lớn nhất của một người là chính mình chứ không phải ai khác. Khi cháu chiến thắng bản thân, không để mắt tới bất kỳ người nào, cháu sẽ đánh đâu thắng đó.”
Dứt lời, ông cụ Tưởng chỉ bàn cờ, “Cháu nhìn đi, vừa rồi cháu đánh cờ với trình độ gì thế hả! Chuyện lớn cỡ nào mà cháu lại tự loạn trận cước như vậy! Phải dùng cùng một chiến thuật tâm lý để đánh bại phòng tuyến trong lòng đối thủ mạnh, đây là điều ông đã dạy cháu từ khi còn nhỏ, nhưng hiện tại thì sao? Tưởng Bách Xuyên, cháu hãy tự hỏi bản thân mình đi, cháu đã làm được mấy phần?”
Tưởng Bách Xuyên khẽ nuốt nước bọt.
Anh thầm thì: “Ông nội, cháu biết rồi ạ.”
Ông cụ Tưởng “Ừ” một tiếng.
Sau đó, trong phòng khách yên tĩnh chỉ còn lại trận đánh cờ chuyên tâm, lặng lẽ.