Láng Giềng

Quyển 1 - Chương 4: Củ niễng non và hạt đậu



Từ sau chuyện đả thương nhi tử Triệu Đề cử, hễ Quả nương ra sông giặt quần áo là lại gọi Lý Quả theo cùng, giám sát không cho cậu chạy loạn khắp nơi rồi gây chuyện thị phi.

Một lớn một nhỏ, người lớn giặt quần áo, ngồi xổm ở bờ sông, cong lưng giặt đống quần áo vừa bẩn vừa thối.

Quả mẫu ra bến tàu tìm việc, giặt quần áo cho đám thủy thủ, thu nhập mỗi tháng quả thật rất ít ỏi.

Sau khi sinh Quả Muội, một dạo thân thể Quả mẫu rất yếu, nằm trên giường mãi không dậy nổi. Cuộc sống khó khăn, khổ cực khiến nàng ốm đau triền miên, giờ nàng không làm nổi việc nặng. Quả mẫu là một nữ nhân lớn lên ở trên thuyền, không biết đan dệt, nếu không đã đi thêu thùa khâu vá, vẫn còn tốt hơn giặt quần áo cho người khác.

Lý Quả không có lòng dạ nào giặt quần áo, cậu là một đứa trẻ, nhúng tay nhúng chân vào, cũng chẳng giặt sạch được. Có nhiều lúc, Lý Quả kéo cao tay áo, chân quần lên, đi chân trần giẫm vào bùn nước. Cậu tiến vào trong “bụi lau sậy” cao cao xanh biếc đang lay mình trong gió, khom người bẻ mấy củ niễng non,

Phàm là thứ có thể ăn, đều chạy không thoát khỏi “pháp nhãn” của cậu. Bờ sông là nơi cư trú của phu khuân vác, thủy thủ của bến tàu, hoàn cảnh sống dơ dáy bẩn thỉu, song ở đây rất nhiều củ niễng non mọc dại tươi tốt, mà người ăn nó cũng không nhiều.

Mỗi ngày, Lý Quả cầm cái làn đi bẻ mấy củ niễng non, về nhà luộc, làm thành một phần thức ăn cho cả nhà.

Củ niễng non không dễ cất trữ, ăn đến đâu thì mang về đến đấy, nếu không vậy thì từ sớm đã bị Lý Quả bẻ sạch, mang về nhà cất ăn dần rồi.

Từ khi bị Quả mẫu đánh một trận, Lý Quả không dám tiếp tục có ý đồ với Tịnh Công trạch nữa, tuy rằng ngày thu đúng là thời điểm tốt để hái hoa quả nhà họ.

Nhưng do là một đứa trẻ trong gia đình nghèo rớt, mỗi ngày mở mắt ra là Lý Quả lại muốn tìm đồ ăn. Đói bụng, dù cho có lúc cũng không đói mấy, chỉ là cảm giác sắp đói thôi cũng sẽ bức bách cậu đi loanh quanh.

Lấy dưa của đông gia, mận của tây gia là chuyện thường ngày, cư dân ngoài nha môn luôn đề phòng cậu, cũng không để cậu tới gần nhà. Thái độ của người lớn tổng thể sẽ ảnh hưởng nhiều tới hài tử, đến nỗi đám trẻ con ngoài nha môn cũng không chơi cùng Lý Quả, còn gọi cậu là Quả Tặc Nhi.

Lý Quả trời sinh đã như vậy, không sợ gì, đương nhiên cũng không vì bị người khác chửi mắng, xem thường mà thay đổi, chẳng qua nếu người khác ức hiếp, cậu đều sẽ nhớ kỹ.

Cuối mùa thu, Lý Quả chạy ra ruộng lượm hạt đậu cùng hạt ngũ cốc, hàng ngày cậu bưng bát lớn, đi bộ hai dặm để nhặt hạt về.

Mùa đập lũ cốc, đám trẻ con nghèo ra ruộng đặc biệt nhiều, đi trễ sẽ chẳng mò được cái gì. Vì vậy, trời còn chưa sáng Lý Quả đã xuất phát, đến chạng vạng mới trở về. Nếu gặp may, có thể lượm được đầy cả một bát đậu, nếu vận không tốt, nửa bát cũng chẳng nổi.

Quả nương sẽ mài đậu ra thành bột, làm bánh hấp hoặc canh bánh với nước lã, rắc tí muối vào là liền cảm thấy mỹ vị.

Một sáng sớm nọ, Lý Quả đang nhặt đậu ở ruộng, bởi vì tranh đoạt nên đánh nhau cùng một đứa trẻ nhà nghèo khác ở ngoại thành, hai đứa kéo tóc nhau, răng cắn chân đá, lăn lộn trên đất. Nhóm nông hộ đập ngũ cốc, đối với cảnh đám nhỏ choai choai ồn ào nhìn mãi thành quen, mặc kệ chẳng ai để ý tới.

Hai đứa bé từ trong ruộng lăn tới đống cành đậu, tự nhiên như chó mèo cắn nhau, tự nhiên như mây bay trên trời vậy.

Một hồi lâu, hai đứa đánh mệt, nằm nhoài lên chỗ cành đậu chất đống, gió mai thổi lành lạnh.

Đột nhiên, nghe thấy có một đứa trẻ trong nhóm nghèo hô hào bạn bè, chạy đến giao lộ. Hai đứa lật người bò dậy, vỗ vỗ lá đậu bám trên người, cấp tốc đi theo.

Lý Quả chạy đến giao lộ, chen vào nhìn, phát hiện ra cũng chẳng phải chuyện lạ gì, chẳng phải là nhi tử Đề cử cưỡi ngựa trắng, đem người hầu ra khỏi thành à.

Dăm ba người hầu đi theo, có kẻ cầm diều, có kẻ cầm hộp cơm, cầm ấm nước, hiển nhiên là muốn đi du ngoạn, thả diều ở ngoại thành.

Con ngựa nhỏ trắng như tuyết vô cùng đáng yêu, mã cụ đặc biệt xa hoa, trên cương ngựa màu đỏ còn treo lục lạc, tiếng leng keng leng keng vang dài. Nhóm hài đồng đều bị thớt ngựa con này hấp dẫn, vô cùng phấn khởi, khua tay múa chân, chạy theo đuôi ngựa.

Lý Quả không biết cái vị tiểu công tử từng cùng mình đánh nhau tên gì, cậu chỉ biết đây là con trai của quan lớn, người này rất hung ác, thế nhưng cha hắn rất tốt.

Lý Quả hồi trước đã thấy con ngựa này, không cảm thấy mới mẻ, đám hài đồng chạy theo đuôi, cậu không tham dự, thành thật quay lại ruộng kiếm đậu.

Hoàng hôn, Lý Quả nhặt được cả một bát đậu nành, mừng rỡ ôm vào lòng, men theo con đường ngoằn nghèo thật dài trở về thành.

Lúc vào thành, vừa vặn đụng phải Triệu Khải Mô vừa thả diều trở về, còn không đợi Lý Quả phản ứng lại, người đã bị ngựa của Triệu Khải Mô chặn ở dưới thành tường.

Lý Quả cảnh giác ôm chặt bát gỗ vào ngực, lưng dán lên tường thành, lập tức cậu ngửa đầu nhìn Triệu Khải Mô, một đôi mắt đen nhánh trợn thật lớn. Triệu Khải Mô cẩn thận quan sát Lý Quả, đã vào cuối thu, rốt cục Lý Quả cũng mặc một bộ đồ dài tay, tuy rằng y phục này vá chùm vá đụp mỗi chỗ một miếng, vô cùng keo kiệt.

“Làm gì?”

Mặc dù trong lòng Lý Quả đã lùi bước, song miệng lại chẳng hề yếu thế.

“Trong bát là cái gì?”

Triệu Khải Mô giơ roi ngựa lên, gõ vào miệng bát.

“Ta, không cho chạm vào!”

Lý Quả tưởng hắn muốn cướp đồ trong bát, vội vàng ngồi chồm hỗm dưới mặt đất, dùng thân thể che cái bát gỗ lại.

“Tiểu quan nhân, phụ cận có ruộng đập ngũ cốc, chắc là đi nhặt đậu.”

Người hầu Triệu Phúc sợ hai người lại xảy ra tranh chấp, liền trả lời giúp.

Triệu Phúc cũng xuất thân nghèo khó, khi còn bé đại để cũng từng đi nhặt đậu.

Mỗi lần đến mùa thu, người trưởng thành sẽ nâng công cụ lên đập vào quả đậu, quả đậu bị tách vỏ, hạt đậu liền rơi xuống, luôn có mấy hạt đậu bắn ra rất xa, rơi vào bụi cỏ, khe đá, lẫn vào bùn đất. Đám trẻ con nghèo sẽ tới tìm nhặt về.

“Còn nghĩ nó gần đây thành thật như vậy, không qua nhà trộm đồ, hóa ra là chạy tới ruộng đậu.”

Triệu Khải Mô thấy tẻ nhạt, vỗ lên mông ngựa, liền dẫn người hầu rời đi.

Lý Quả lúc này mới từ dưới đất đứng lên, mừng rỡ y như là vừa sống sót sau tai nạn, cậu nâng bát gỗ, từ xa xa đi theo phía sau đội ngũ Triệu Khải Mô —— hai người về cùng đường.

Triệu Khải Mô mấy lần quay đầu lại quan sát Lý Quả, suy nghĩ của Lý Quả vốn không ngừng lay chuyển, hết nhìn đông lại ngó sang tây, nên không phát hiện ra.

Tân triều từ ngày lập quốc đến nay đã lâu, con cháu tôn thất đông đảo, Triệu cha mặc dù là hoàng tộc, nhưng cũng là đi qua khoa cử tiến vào hoạn lộ. Đường làm quan của hắn cũng không quá thuận lợi, có thời gian tám năm liền bị giáng chức, cũng từng bị đẩy tới Lĩnh Nam.

Bởi vì đi tới địa phương điều kiện gian khổ, mà thê tử lại mảnh mai, Triệu Khải Mô tuổi nhỏ, Triệu cha không nỡ lòng mang gia quyến đồng thời chịu khổ.

Của hồi môn của thê tử cực kỳ phong phú, nhà mẹ đẻ là gia đình hiển quý nơi kinh thành, nàng liền mang theo ấu tử dựa vào nhà mẹ đẻ, ở lại kinh thành, một mình nuôi nấng Triệu Khải Mô.

Cái gọi là cha chưa từng dạy con là vậy, trưởng tử Triệu Khải Thế làm người cẩn thận nhân hậu, mà ấu tử Triệu Khải Mô này theo Triệu cha thấy thì lại là tập tính công tử bột, vẫn cần uốn nắn thẳng, nên mới mang theo bên người.

Triệu Khải Mô kỳ thực cũng không lệch nhiều, bảo hắn đọc sách, cũng sẽ nghiêm túc đọc sách, dạy hắn đạo lý, hắn cũng thông tuệ có thể hiểu. Chỉ là tuổi còn nhỏ quá, khó tránh khỏi tính tình trẻ con, thường ngày lại rất được mẫu thân, ngoại tổ gia cưng chiều, làm việc không biết nặng nhẹ.

Bởi vì ở chợ đánh nhau cùng đứa nhỏ hàng xóm, bị Triệu cha cấm túc một tháng, Triệu Khải Mô liền quyết định, không tính toán với tiểu tử kia nữa.

Lần này ra ngoài thả diều, gặp phải Lý Quả, Triệu Khải Mô chẳng qua cũng là hiếu kỳ, quan sát cậu, chứ không định gây chuyện thị phi.

Đến Tây Hôi Môn, Triệu Khải Mô dừng chân nhìn lại, hắn thấy Lý Quả chậm rì rì đi tới, sau đó đi vào một nhà dân sát bên bờ tường. Đó là tòa nhà nghiêng ngả, rách rưới. Triệu Khải Mô bất giác nhìn lâu hơn, nghĩ nhà này xây ở cửa Tây Hôi Môn, thực sự khó coi.

Không thể nghĩ như vậy được.

Triệu Khải Mô nghiêng đầu, vài ngày trước đó cha mới bảo hắn viết: “thương lẫm thực nhi tri lễ tiết, y thực túc nhi tri vinh nhục” (khi nào kho lúa của bách tính sung túc mới hiểu lễ tiết; áo cơm no ấm mới có thể hiểu vinh nhục.), còn giảng giải một phen, dạy hắn hiểu đạo lý này, hiểu được thương cảm hạ dân.

Triệu Khải Mô nghĩ: Đạo lý ta đều hiểu, nhưng mà tên tiểu tử hung hăng này, dựa vào cái gì dám đến trộm hoa Mạt lị bảo bối của ta.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.