Phạm Trân đóng vai Ngô Dụng. Trương Nguyên nhìn thấy ông chú mình là Trương Nhữ Lâm ngồi trên một chiếc ghế tre dưới gốc cây nhãn bên cạnh vườn, tay cầm chung trà mỉm cười, cha của Trương Đại là Trương Diệu Phương đứng một bên, Trương Nguyên bèn dẫn Dương Thạch Hương và Kim Bá Tông đi tới bái kiến. Trương Nhữ Lâm nghe nói hai sinh đồ họ Dương và họ Kim từ Thanh Phổ tới nhờ Trương Nguyên biên tập sửa sang văn bát cổ liền cười nói:
- Học trò nhỏ mà lại kiểm tra biên tập thì ta chưa nghe thấy bao giờ.
- Học trò Giới tử huynh không tầm thường… thi huyện, thi phủ đều đỗ đầu, sang năm được dự thi hương là chuyện trong dự liệu. Tại hạ đã đọc qua chế nghệ của Giới Tử huynh, thật không hổ danh văn bát cổ.
Trương Nhữ Lâm cười nói:
- Dương tú tài mà mời Trương Nguyên biên sách, sách có bị đục khoét thì chớ có trách hắn.
Dương Thạch Hương cười nói:
- Không bao giờ, không bao giờ, tại hạ đang muốn mượn danh tiếng song án thủ của Sơn Âm Trương thị và Giới tử huynh.
Trương Bính Phương và cháu trai Trương Đại là bận rộn nhất. Tướng mạo, y phục, khí trượng của 108 vị anh hùng Thủy Hử đều do hai người này định đoạt. Bọn họ nói ai không giống người trong Thủy Hử là liền tìm người khác, căn cứ theo sách của Thi Nại Am và tranh vẽ của Lý Long Miên…
Pháp gấm cung gấm dùng để may y phục cho các nhân vật đều được mua từ Dương Châu. Trương Nguyên nhìn thấy một vị hắc Đại Hán tay cầm hai lưỡi búa trông giống Lý Quỳ hơn cả Lý Quỳ trong phim truyền hình của hậu thế sau này, vị Đại Hán lùn Tống Giang cũng không biết tìm ở đâu ra, tướng mạo trung hậu còn hơn cả Lý Tuyết Kiện, ngoài các nhân vật Thủy Hử còn có người đóng chư thần Lôi bộ, quan âm đại sĩ và thuộc hạ Long vương, trang điểm ăn diện hoa mỹ vô cùng, Trương Nguyên nhìn có cảm giác lóa cả mắt.
Lúc này hai cha con Mục Kính Nham và Mục Chân Chân đều tới. Mục Kính Nham râu tóc đều nhuộm thành màu đỏ, khuôn mặt rộng, bên tóc mai dính lên một nốt ruồi, trên nốt ruồi còn đính mấy sợi lông màu đen…Trong tay lão cầm một ngọn đao chế bằng gỗ được quét một lớp sơn màu bạc, giống hệt với nhân vật được miêu tả trong sách.
Lại nhìn Mục Chân Chân, được trang điểm như nữ tướng, mặc áo giáp mềm, thắt đai thô, tay cầm nhật nguyệt song đao, khí khái anh hùng, dưới chân cô ta là đôi giày đầu phượng gót cao ba tấc, khiến vóc dáng cao lớn hơn, mặt mày mỹ lệ.
Trương Nguyên thầm nghĩ:
- Có lẽ một ngày Chân Chân sẽ theo ta ra chiến trường với thân phận nữ tướng.
Ngày hôm đó Kịch viên Tây Trương vô cùng náo nhiệt, Trương Nguyên dành thời gian viết bài “Dương hòa nghĩa thương ký”, mời môn khách Tây Trương viết thư pháp tốt là Ngô Đình viết chữ to trên một dải lụa màu vàng. Sáng sớm ngày hôm sau, buổi du hành cầu mưa long trọng bắt đầu, xuất phát từ Trạng Nguyên Đệ vòng qua Sơn Minh một vòng, rồi lại từ cầu Việt Vương đi tới Tiền Túc Vương Từ, sau đó lại vòng về. Đây là hành trình ngày thứ nhất, vài ngày sau đó phải đi đến bờ hồ Giám và các thôn làng ở Sơn Âm để diễu hành cầu mưa, bức trướng bắt mắt “Dương hòa nghĩa thương ký” cũng do hai người hầu của Tây Trương cầm giương khắp nơi. Ba người Trương Nguyên, Dương Thạch Hương và Kim Bá Tôn từ sáng sớm đã đợi ở đầu phía tây cầu Việt Vương, muốn xem nhân vật Thủy Hử diễu hành cầu mưa. Mặt trời vừa mọc, đám người cầu mưa kéo đến, chiêng trống vang trời, đàn sáo inh ỏi, dẫn đầu là hai tấm biển lớn, bên trên có viết ba chữ lớn ‘Mưa kịp thời’, bên trái bên phải mỗi bên một tấm. Dương Thạch Hương cười nói:
- Lẽ nào phải dùng nhân vật Thủy Hử để cầu mưa, thế hóa ra tên hiệu của Tống Giang là mưa kịp thời, thế lại hợp với tình cảnh.
Sau tấm biển ‘Mưa kịp thời’ lại là hai tấm biển lớn ‘Mưa thuận gió hòa’ và ‘Đạo tức dân an’. Dân chúng đến xem đều vui mừng tán thưởng, bám rất sát tấm bảng này là các nhân vật trong Thủy Hử, râu đỏ, râu quai nón, người đàn ông lùn đen, người đàn ông cao to, hòa thượng to béo xách thiền trượng, đầu đà cầm giới đao, thư sinh thổi sáo trúc, thiếu niên xăm mình, giống như các nhân vật trong tranh của Lý Long Miên được thần tiên thổi hồn vào, từng người từ trong tranh bước ra, người xem ven đường chật kín, mắt nhìn không dời, tiếng hò rèo không dứt, cầu mưa như vậy cũng là một kiểu lạc quan và lòng tin khi phải đối mặt với thiên tai. Trương Nguyên đeo kính thủy tinh, hắn đã nhìn thấy Mục Chân Chân. Mục Chân Chân bôi vạch đỏ ngang trán, mình mặc chiến giáp, tay cầm nhật nguyệt song đao, đôi mắt xanh thẳm được ánh nắng chiếu vào nom rất có thần, lông mày nhíu lại, trông có vẻ rất nghiêm trang, ánh mắt chậm rãi nhìn quét đám người, chợt thấy Trương Nguyên đeo đôi kính dị thường, thiếu nữ đọa dân này lập tức mặt mày xấu hổ, vội đảo mắt nhìn về hướng khác, một lúc lâu sau mới quay đầu lại tìm, nhìn thấy thiếu gia đeo kính vẫn đang mỉm cười nhìn mình, mặt nàng lại càng đỏ hơn.
Ở bên trái Mục Chân Chân là một người đàn bà mập mạp, bên phải là Mục Kính Nham, vốn Mục Kính Nham đóng quỷ tóc đỏ Lưu Đường thì không nên ở bên cạnh Hộ Tam Nương. Nhưng lúc này cũng không có ai bận tâm đến điều này, người đóng vai chú lùn Vương Ải Hổ cũng không biết ở đâu, người thấp, bị lấp trong đám người rồi.
Vũ Lăng đột nhiên kêu lên:
- Thiếu gia mau nhìn kìa, tam công tử cũng ở trong Thủy Hử.
Trương Nguyên nhìn lên, quả nhiên Trương Ngạc đội mũ dây tua, mặc y phục màu lục, trong tay phe phẩy quạt sái kim, hai bên tả hữu đều có một nữ tử xinh đẹp đi cùng, hai nữ tử này đều thoa phấn, mặc áo cài thân, để lộ ra thân thể vô cùng xinh đẹp, õng ẹo cợt nhả, vừa nhìn là biết ngay gái lầu xanh.
Hai người Dương Thạch Hương, Kim Bá Tông cũng đã nhìn thấy Trương Ngạc, Trương Ngạc ăn vận theo kiểu lãng tử đi chơi phố, Thủy Bạc Lương Sơn có nhân vật này sao, hai người đều thấy rất buồn bực, hỏi Trương Nguyên rằng Trương tam công tử đóng vai gì?
Trương Nguyên cười nói:
- Ta biết rồi, Tam huynh ta đóng vai Tây Môn Khánh.
Kim Bá Tông nói:
- Tây Môn Khánh không nằm trong số thiên cương địa sát Lương Sơn mà, không phải bị Võ Nhị Lang giết chết ngay từ đầu rồi sao?
Trương Nguyên cười nói:
- Tam huynh ta đóng vai Tây Môn Khánh trong một cuốn sách khác, Tây Môn Khánh trong cuốn sách đó không bị Võ Tòng giết chết, mà bị đàn thê thiếp hưởng hết diễm phúc. Tam huynh ta cực kỳ tán thưởng viên Tây Môn Khánh đó.
Dương Thạch Hương ngạc nhiên hỏi:
- Còn có kỳ thư bậc này sao, tên là gì vậy?
Trương Nguyên nói:
- Gọi là “Kim bình mai”.
Trương Ngạc nhìn thấy mấy người bọn Trương Nguyên, liền cười hì hì đi tới, hai kỹ nữ kia cũng theo sau, Trương Ngạc cười hỏi:
- Dương huynh, Kim huynh, có biết ta đóng vai gì không?
Dương Thạch Hương, Kim Bá Tông đồng loạt lắc đầu nói:
- Thật sự khó đoán.
Trương Ngạc cười ha ha, hỏi Trương Nguyên:
- Giới Tử đệ có biết ta là ai không?
Trương Nguyên cười nói:
- Tam huynh đóng giả ai thì đệ biết, Tây Môn Khánh đại quan nhân, chỉ không biết hai vị này đóng vai gì?
Hắn chỉ vào hai kỹ nữ, trong đó có một kỹ nữ hắn đã gặp lần trước ở Bách Hoa lầu.
Trương Ngạc cười đắc ý, thò tay nâng cằm của kỹ nữ bên trái rồi nói:
- Vị này đương nhiên là Phan Kim Liên quyến rũ lẳng lơ rồi.
Rồi y lại ôm eo của kỹ nữ bên phải nói:
- Cô ta chính là Lý Bình Nhi có cặp mông trắng nõn.
Hai kỹ nữ cười hì hì, dùng quạt tròn quạt cho Trương Ngạc, cực kỳ xu nịnh.
Trương Nguyên nói:
- Tam huynh, huynh thế này là làm nhiễu loạn Lương Sơn, huynh bảo Võ Nhị Lang biết giấu mặt vào đâu.
- Ta đi trước, việc cầu mưa quan trọng hơn, hẹn gặp lại.
Nói rồi y cùng hai kỹ nữ vượt lên trên đội ngũ, xuyên vào sau lưng hòa thượng Lỗ Chí đang gánh thiền trượng và Võ Tòng đang vác giới đao, tay vịn vào vai hai kỹ nữ, tung chân lên đá khiến người bán hàng rong Hội Kê đóng vai Võ Tòng ngã sóng xoài, người này bò dậy kinh sợ hỏi:
- Tam công tử, đang yên đang lành công tử sao lại đá tiểu nhân?
Người đóng giả Phan Kim Liên sớm được Trương Ngạc dặn dò, tiến lên duyên dáng nói:
- Thúc thúc bị kinh sợ rồi, từ sau khi ca ca ngươi chết, ta gả cho Tây Môn đại quan nhân này. . . Cuộc sống vui vẻ hạnh phúc, thúc thúc có gì muốn nói không?
Người bán hàng rong đóng giả Võ Tòng không hiểu ra sao cả, sững sờ ở tại chỗ.
Đội ngũ nhân vật Thủy Hử diễu hành cầu mưa đã đi qua, phía sau là hàng ngàn người dân náo nhiệt đi theo.
Lúc này đã đến quảng trường Tiền Túc Vương Từ, trên cầu Việt Vương lại trống không, ánh nắng chiếu rọi xuống dòng sông cạn im ắng, thuyền lớn giờ không thể đi lại trên sông, chỉ có những con thuyền nhỏ thì vẫn có thể gắng gượng qua lại.
Trương Nguyên nói với hai người Dương Thạch Hương và Kim Bá Tông:
- Nơi này cách phủ của Quý Trọng tiên sinh không xa, ba chúng ta đến đó thăm hỏi, các huynh thấy thế nào?
Dương Thạch Hương nói:
- Hai người chúng ta không chuẩn bị lễ lạt, danh thiếp cũng không mang theo, không dám mạo muội, hay là để ngày mai hãy đến bái kiến.
Trương Nguyên nói:
- Cũng được, vậy bây giờ chúng ta đi về hay là đi Tiền Túc Vương Từ tiếp tục xem các anh hùng Thủy Hử?
Dương Thạch Hương nói:
- Ta nghe nói Quý Trọng tiên sinh thanh cao kiêu ngạo, nói năng thẳng thắn, nếu ta mạo muội đến nhờ viết tựa văn, e sẽ bị lúng túng. Hay là Giới tử huynh đến đó thăm dò trước, nếu Quý Trọng tiên sinh đồng ý làm hộ lời tựa thì hai chúng ta sẽ tới nhà bái kiến, như vậy ổn thỏa hơn một chút, Giới tử huynh thấy thế nào?