Nói rồi Hoàng Nhữ Hanh xoay người đi về phía Đổng Tổ Thường, Đổng Tổ Thường giờ đã được gia nhân đưa khăn lau sạch máu mũi, nhưng má trái có hằn rõ dấu tay, quả thực là bị đánh, lão liền hỏi: ] - Đổng sinh, ai đánh ngươi?
Đổng Tổ Thường tức giận chỉ Trương Nguyên:
- Chính là hắn.
Hoàng Nhữ Hanh ngạc nhiên hỏi:
- Trương Nguyên, thật là ngươi?
Trương Nguyên khom người nói:
- Ngụ Dung tiên sinh, chi bằng đến thảo đường học sinh sẽ báo cáo ngọn nguồn sự tình với tiên sinh, học sinh đọc sách thánh hiền, biết phép tắc lễ nghĩa, sao có thể vô cớ đánh người được.
Đổng Tổ Thường cả giận nói:
- Tên tiểu tử Trương Nguyên kia, chớ có bẻm mép, ngươi nho đồng mà đánh sinh đồ, hôm nay ta quyết không tha cho ngươi.
Hoàng Nhữ Hanh cau mày, thấy Trương Nguyên nho nhã lễ độ, lại là một thiếu niên thư sinh yếu đuối, đâu giống người quát tháo hung tợn. Trái lại Đổng Tổ Thường lại có thái độ hung dữ, lồng lộn gào thét, bên cạnh có mấy gia nô, nếu nói là Đổng Tổ Thường đánh Trương Nguyên thì lão tin ngay, nhưng Trương Nguyên mà đánh Đổng Tổ Thường thì kiểu gì cũng có ẩn tình.
Hoàng Nhữ Hanh nói:
- Chớ nên ồn ào trước cửa chùa, hãy đến thảo đường để nói cho rõ ràng.
Đổng Tổ Thường kêu lên:
- Tên tiểu tử Trương Nguyên bắt người hầu của ta đi rồi!
Trương Nguyên nói:
- Bẩm tiên sinh, người hầu của Đổng sinh là Trần Minh đã bị người của Chức Tạo thự áp giải đến phủ nha Hàng Châu rồi.
Hoàng Nhữ Hanh không rõ rốt cuộc đã xảy ra chuyện gì, sao lại còn dính líu đến cả người của Chức tạo dệt, liền nói:
- Cứ tới trước thảo đường nói cho rõ ràng.
Nói rồi cùng Tiêu Nhuận Sinh quay người đi thẳng.
Trương Nguyên và Mục Chân Chân, Vũ Lăng đi theo sau hai thầy trò Hoàng Nhữ Hanh. Đổng Tổ Thường hung tợn trừng mắt nhìn Trương Nguyên, ngẫm nghĩ một chút rồi cũng đi theo. Đoàn người đi vòng qua chùa Tịnh Từ, ven theo con đường nhỏ hẹp chỉ đi được từng người một nhằm hướng Cư Nhiên thảo đường ở hướng tây đi tới. Cư Nhiên thảo đường ở dưới đình Cư Nhiên, đình Cư Nhiên ở bên ngoài động hoa sen, thạch nhũ trong động đẹp lung linh, nhìn tinh xảo hơn điêu khắc, cảnh trí tuyệt đẹp. . .
Thảo đường có năm gian: gian chính giữa rất rộng rãi, hai mặt phía nam và phía bắc không xây tường, đây là nơi dạy học thường ngày, có thể chứa được hai mươi đến ba mươi người nghe giảng, lúc này có hơn mười sĩ tử đang chờ.
Hoàng Nhữ Hanh vào gian thảo đường ở bên trái rồi ngồi xuống. Trương Nguyên, Đổng Tổ Thường đi vào đứng thẳng. Mục Chân Chân, Vũ Lăng và người hầu của Đổng thị đều chờ ở bên ngoài thảo đường, chỉ không thấy Tông Dực Thiện đâu.
Hoàng Nhữ Hanh nhìn Trương Nguyên điềm tĩnh tự nhiên và Đổng Tổ Thường đang nổi giận đùng đùng, lão mở miệng nói:
- Hai người các ngươi ai nói trước?
Đổng Tổ Thường nói:
- Tiên sinh cũng đã thấy rồi, Trương Nguyên ẩu đả ta.
Hoàng Nhữ Hanh mắt nhìn Trương Nguyên, chờ đợi Trương Nguyên giải thích, đã thấy Trương Nguyên nói:
- Tiên sinh, vị Đổng công tử này cũng theo học ở môn hạ của tiên sinh sao?
Hoàng Nhữ Hanh “ Ừ “ một tiếng rồi nói:
- Ta sẽ đối xử bình đẳng, theo lẽ công bằng, ngươi không cần e dè.
Lại nghe Trương Nguyên nói:
- Tiên sinh, học sinh có một thỉnh cầu, muốn có vinh dự đọc một bài văn của Đổng sinh, việc này có liên quan lớn đến việc Đổng sinh bị đánh, mong tiên sinh chấp thuận.
Hoàng Ngụ Dung rất lấy làm lạ, Trương Nguyên không giải thích vì sao ẩu đả Đổng Tổ Thường, lại đề xuất muốn xem chế nghệ của Đổng Tổ Thường, còn nói có can hệ lớn lao tới việc Đổng Tổ Thường bị đánh, thật sự rất khó hiểu. Lão liền lật giở tập bài văn, tìm ra một bài văn mà Đổng Tổ Thường vừa nộp hôm trước, đề mục là câu “ Phát nhi giai trung tiết “ trong “ Trung Dung “ . Đổng Tổ Thường này làm văn rất tốt, Hoàng Nhữ Hanh mặc dù không ưa nhân cách của Đổng Tổ Thường, nhưng vẫn khen ngợi chế nghệ của y.
Trương Nguyên đón lấy cuốn văn, vừa thấy nét chữ đẹp đẽ, trong lòng liền cười lạnh:
- Đây chính là nét chữ của Dực Thiện.
Hắn lại nhìn bài văn, cách viết văn khởi, thừa, chuyển, hợp và hoán chuyển chủ khách thành thục, không phải là văn phong của Dực Thiện thì là của ai?
Trương Nguyên cung kính trả lại cuốn văn cho Hoàng Nhữ Hanh rồi nói:
- Tiên sinh xem văn của Đổng sinh viết, có cảm thấy người không bằng văn hay không?
Hoàng Nhữ Hanh không vui nói:
- Trương Nguyên, chớ nói nhăng nói cuội, hãy nói chuyện ở trước sơn môn đi đã.
Trương Nguyên nói:
- Tiên sinh, học sinh dám đoán chắc, văn của Đổng sinh đều là do người khác viết thay, người viết thay này chính là gia nô của Đổng sinh.
Hoàng Nhữ Hanh nói:
- Ngươi nói là Tông Dực Thiện!
Tông Dực Thiện là người theo hầu Đổng Tổ Thường đến học. Đổng Tổ Thường đi học bữa đực bữa cái, nhưng Tông Dực Thiện không bao giờ vắng mặt, bởi vì là người hầu của Đổng thị nên Hoàng Nhữ Hanh cũng không khiến anh ta làm bài tập, chỉ có một lần lão hỏi “ Tức tâm tức lễ “ thì các học trò đang ngồi đều phân tích không rõ, Hoàng Nhữ Hanh thấy ánh mắt Tông Dực Thiện sáng ngời, liền cho Tông Dực Thiện trả lời. Tông Dực Thiện đáp:
- Cái từ trong mà ra gọi là lễ: cái từ ngoài mà vào gọi là phi lễ. Cái từ trời rơi xuống gọi là lễ, cái đạt được từ người khác gọi là phi lễ. Không học, không nghĩ, không lo, không nỗ lực, không nhìn được, không biết mà tới thì gọi là lễ; tai nghe mắt thấy, tâm tư suy đoán, mô phỏng bắt chước người khác mà tới thì gọi là phi lễ.
Hoàng Nhữ Hanh rất là tán thưởng, thầm nghĩ Đổng Huyền Tể thật sự còn tốt hơn cả Đông Hán đại nho Trịnh Huyền, ngay cả người hầu trong nhà đều biết thơ. Chỉ có điều từ đó về sau lão có hỏi nhiều lần nhưng Tông Dực Thiện đều lắc đầu nói không biết.
Đổng Tổ Thường biến sắc, kêu lên:
- Nói hươu nói vượn, văn này sao lại là nô bộc làm, thật là chuyện nực cườii!
Nói xong y cười lạnh liên tục, ra vẻ những điều Trương Nguyên nói là rất xằng bậy.
Trương Nguyên nói:
- Ngụ Dung tiên sinh, học trò đề xuất việc này chỉ là muốn chứng minh Đổng sinh nhân phẩm ti tiện, cũng không cần ra đề mục khác, tiên sinh chỉ cần bảo Đổng sinh đọc thuộc lại một lần bài “ Phát nhi giai trung tiết”, học trò đảm bảo y sẽ không đọc được.
Hoàng Nhữ Hanh còn chưa mở miệng, Đổng Tổ Thường liền chỉ vào Trương Nguyên kêu lên:
- Ta vì sao phải đọc cho ngươi nghe, dựa vào cái gì phải đọc cho ngươi nghe!
Trương Nguyên mỉm cười không nói, chỉ nhìn Hoàng Nhữ Hanh.
Hoàng Nhữ Hanh đã tin đến bảy, tám phần, liền nói:
- Đổng sinh, đây là bài văn mấy ngày trước của trò, trò đọc thuộc lại phần phá đề, thừa đề đi.
Những bài văn mà Tông Dực Thiện viết xong, Đổng Tổ Thường đều không hề xem qua, thì sao có thể đọc thuộc phá đề, thừa đề. Y thẹn quá hóa giận nói:
- Ngụ Dung tiên sinh vì sao lại giúp đỡ Trương Nguyên làm khó xử học sinh, ai mà nhớ được những bài văn đã làm trước đây chứ!
Trương Nguyên nói ngay:
- Ta thì lại nhớ rõ, ta từ khi học chế nghệ tới nay tổng cộng đã viết ba trăm sáu mươi ba bài bát cổ văn, bài nào ta cũng có thể đọc thuộc, Đương nhiên, Ngụ Dung tiên sinh chưa có xem bài văn trước kia của ta nên ta cũng không thể tự chứng minh được. Nhưng người đang ở đây, muốn tự chứng minh mình trong sạch là chuyện rất đơn giản. Chi bằng thế này, mời Ngụ Dung tiên sinh ra đề, ta cùng với Đổng sinh cùng đề viết văn, nếu ta viết văn không bằng Đổng sinh, thì ta đây mặc cho Đổng sinh xử trí, có thể đưa quan phủ trị tội ẩu đả sinh đồ, nhưng nếu Đổng sinh viết không ra ….
Hắn đổi giọng, lạnh lùng nói:
- Thì cái loại cặn bã này phải bị mọi người phỉ nhổ.
Đổng Tổ Thường ngoài mạnh trong yếu nói:
- Ta vì sao phải cùng ngươi đánh cuộc viết văn, ngươi muốn viết văn thì tự ngươi viết.
Trương Nguyên hướng ra Hoàng Nhữ Hanh khom người nói:
- Mời tiên sinh ra đề mục.
Hoàng Nhữ Hanh hỏi Đổng Tổ Thường:
- Trò có cần viết văn ngay tại chỗ không?
Đổng Tổ Thường nói:
- Ta hôm nay bị Trương Nguyên đánh trọng thương, làm sao còn có thể viết văn, ta chỉ xem hắn viết thôi.
Nói xong, lấy tay xoa xoa thắt lưng, càng nắn bóp thì càng đau, thật sự bị thương không nhẹ, hận tới mức nghiến răng kèn kẹt.
Hoàng Nhữ Hanh cũng muốn thử một chút tài học của Trương Nguyên, liền hỏi:
- Trương Nguyên, Đổng Tổ Thường không chịu viết văn, ngươi còn đồng ý viết hay không ?
Trương Nguyên nói:
- Học trò tới đây, chính là muốn thỉnh giáo tiên sinh, có cơ hội như vậy bỏ qua sao được.
Hoàng Nhữ Hanh liền đứng lên nói:
- Cũng tốt, ngươi cứ ngồi đây, lấy đề mục là “ Hòa dã giả, thiên hạ chi đạt đạo dã”, viết một bài bát cổ văn dài ba trăm chữ trở lên.
Trên thư án đã có sẵn bút mực, Trương Nguyên ngay ngắn ngồi xuống, suy ngẫm một lúc lâu, rồi cầm bút viết, chỉ cần thời gian hai khắc, bài bát cổ văn dài hơn ba trăm chữ đã viết xong, hắn đứng dậy đưa bài văn còn chưa khô mực cho Hoàng Nhữ Hanh xem.
Hoàng Nhữ Hanh xem thoáng qua, gật đầu khen:
- Văn hay, quả nhiên là thiếu niên tài tử, danh bất hư truyền.
Lão nhìn Đổng Tổ Thường nói:
- Đổng sinh, ngươi thật sự không đồng ý viết văn? Nếu không chịu viết thì ngươi cũng không cần học ở Cư Nhiên thảo đường nữa, ta không dạy được ngươi, ngươi về Tùng Giang để Đổng Công đích thân dạy ngươi.
Đổng Tổ Thường nói:
- Học sinh hôm nay thân thể đau đớn, không viết được, ngày mai lại đến viết văn.
Dứt lời, y hốt hoảng đi ra.
Đổng Tổ Thường lúc trước nổi giận đùng đùng đòi phải nghiêm trị Trương Nguyên, giờ thì hốt hoảng bỏ đi, ngay cả việc bị đánh cũng không cố truy cứu nữa, việc này chẳng khác nào không đánh đã khai. Hoàng Nhữ Hanh vốn tưởng rằng Đổng Tổ Thường phẩm hạnh tuy kém cỏi nhưng có tài, tuyệt đối không ngờ các bài văn của Đổng Tổ Thường đều do gia nô làm hộ, điều này khiến cho bậc tài học đoan chính Hoàng Nhữ Hanh vô cùng tức giận, cực kỳ khinh miệt Đổng Tổ Thường, trong lòng cũng hiểu rõ Đổng Tổ Thường đi lần này chắc chắn là sẽ không quay lại nữa.