Lẳng Lơ Tao Nhã

Chương 218-2: Ban ngày nghe tiếng đánh cờ vây (2)



Trần Kế Nho hỏi:

- Trương công tử chuyên nghiên cứu kinh gì?

Trương Nguyên đáp:

- Bổn kinh của Vãn bối là “ Xuân thu “ .

Trần Kế Nho cười nói:

- Quả nhiên là “ Xuân thu “ . Khả năng học hỏi vận dụng của Trương công tử rất giỏi, những lời vừa rồi rất chặt chẽ cẩn thận có thể tin được.

Trương Nguyên nói:

- Mi Công là người cơ trí, trước mặt Mi Công ai dám nói dối ạ.

Trần Kế Nho nói:

- Đổng công chuyên tâm thư họa, rất ít khi hỏi chuyện thế sự, con trai bạo ngược cũng là chuyện có thể xảy ra.

Trương Nguyên cười cười, cũng không tranh luận chuyện nhân phẩm của Đổng Kỳ Xương với Trần Kế Nho làm gì, nói:

- Mi Công thứ lỗi, vãn bối nói những chuyện vụn vặt làm quấy rầy Mi Công, quả thật rất hổ thẹn. Vãn bối có một thỉnh cầu, vãn bối và Tông Dực Thiện là bạn tốt, Tông Dực Thiện vì nguyên cớ của vãn bối mà phải chịu uất ức ở Đổng phủ, vãn bối muốn gặp huynh ấy, chỉ có điều nếu vãn bối đến Đổng phủ chắc chắn sẽ bị ăn gậy, chó dữ truy đuổi, bởi vậy muốn nhờ Mi Công giúp đỡ.

Trần Kế Nho nói:

- Hôm trước ta đã đến Đổng phủ, gặp Tông Dực Thiện làm quản môn, cũng ấm ức thay cho cậu ta và đã thỉnh cầu Đổng công đối tốt với cậu ấy, Đổng công cũng đã đồng ý rồi.

Trương Nguyên cau mày nói:

- Mi Công đã xin cho Tông Dực Thiện? E là cảnh ngộ của Tông Dực Thiện sẽ càng tệ hơn.

Nghe Trương Nguyên nói thế, Trần Kế Nho có chút không vui nhưng không thể hiện trên mặt, cười nói:

- Trương công tử xin chớ có thành kiến với Đổng công.

Trương Nguyên đáp:

- Nếu Mi Công chưa xin cho Tông Dực Thiện thì hôm nay sai người đến truyền huynh ấy đến Dư Sơn, người của Đổng thị có thể sẽ cho huynh ấy đến. Nhưng nếu đã xin rồi thì Tông Dực Thiện không thể nào đến được.

Trần Kế Nho cười nói:

- Thật sao? Vậy hãy chứng minh thử xem sao.

Nói rồi ông liền viết một lá thư rồi sai người đem đến Đổng phủ bảo Tông Dực Thiện đến Đông Dư Sơn Cư giúp ông sao chép kỳ thư “ Kim Bình Mai “ .

Trần Kế Nho rất tin vào mối quan hệ tốt giữa mình và Đổng Kỳ Xương. Năm trước Đổng Kỳ Xương đã xây một tòa lầu ở bên Bạch Long Đàm ngoại ô Hoa Đình, mệnh danh là “Lai Trọng lâu”. Tòa lầu này được đặc biệt xây dựng vì Trần Kế Nho, ông tự là Trọng Thuần, “Lai Trọng lâu” có nghĩa là chào đón Trọng Thuần. Mối giao tình gần bốn mươi năm há lại hời hợt ư.

Nhưng Trương Nguyên lại dự đoán là Tông Dực Thiện không đến được nên phải nghĩ cách khác liên hệ với Tông Dực Thiện.

Từ núi Đông Dư đến huyện thành Hoa Đình xa khoảng hơn mười dặm, đi về phải mất hơn một canh giờ. Trần Kế Nho hỏi Trương Đại và Trương Nguyên:

- Hai người biết chơi cờ vây chứ?

Trương Đại đáp:

- Vãn bối chỉ biết sơ về cờ vây nhưng nghệ thuật chơi cờ không bằng Giới Tử đệ. Giới Tử được xưng là danh thủ của Thiệu Hưng, có thể nhắm mắt đánh cờ.

Trần Kế Nho hỏi:

- Nhắm mắt đánh cờ sao?

Trương Nguyên cúi người đáp:

- Vâng.

Trần Kế Nho có chút kinh ngạc, nói:

- Vậy ta phải thỉnh giáo rồi.

Trương Nguyên nói:

- Vãn bối đâu dám nhắm mắt đánh cờ với Mi Công, có thể được Mi Công chỉ giáo, vãn bối không thắng cũng đã rất vui rồi.

Trương Nguyên cung kính ngồi xuống bên cạnh bàn cờ, cầm lấy một quân cờ trắng đi trước. Những việc khác thì nhường người lớn tuổi trước, nhưng khi chơi cờ vì để thể hiện sự tôn trọng, nên lần đầu giao thủ đều là do vãn bối đi trước. Trương Nguyên không biết khả năng chơi cờ của Trần Kế Nho như thế nào nên cố hết sức đi cờ thật vững. Sau khi đi được hơn ba mươi quân, hắn cảm thấy khả năng chơi cờ của Trần Kế Nho cũng không phải quá cao siêu. Hắn liền sử dụng một chiêu lừa dưới góc bên phải, chiêu này chắc chắn không có ở triều Minh. Quả nhiên Trần Kế Nho đã bị trúng kế. Cái gọi là trúng kế hoàn toàn không phải là nhiều quân cờ sắp chết mà là cục diện đã bị cờ trắng của Trương Nguyên chiếm ưu thế. Khả năng chơi cờ của Trần Kế Nho không kém, ông có thể nhìn ra những chiêu lừa nguy hiểm hoặc quá rõ ràng, chỉ có chiêu lừa cao cấp này mới có thể đánh lừa được ông. Dần dần, cờ trắng của Trương Nguyên ưu thế đi trước một nước giờ đã tăng lên hai nước.

Đánh hơn một trăm quân cờ, Trần Kế Nho cảm thấy trên bàn cờ đã không còn chỗ có thể thắng nữa, bèn lắc đầu nói:

- Trương công tử là cao thủ cờ vây, lão phu không phải đối thủ. Ta có một nữ đệ tử rất giỏi cờ vây, để ta gọi đến chơi ván tiếp theo với công tử.

Liền ra lệnh cho tiểu đồng đi gọi Vi Cô đến.

Trương Nguyên và đại huynh Trương Đại bốn mắt nhìn nhau, cả hai người đều rất mong đợi, ai cũng muốn gặp lại nữ lang mặc áo vải đội nón trúc kia.

Một lát sau, có tiếng bước chân rất nhẹ, mùi hương hoa lan thoang thoảng xông vào mũi mọi người. Nữ lang mặc áo vải đội nón trúc nhẹ nhàng bước đến Lỗi Kha Hiên, duyên dáng thi lễ với Trần Kế Nho, đôi mắt xinh đẹp nhìn quanh một lượt, hiên phòng sinh động hẳn lên.

Trần Kế Nho đứng dậy nói:

- Vương Quan, vị này là Sơn Âm Trương Nguyên Trương công tử, tài hoa hơn người, đánh cờ rất giỏi, ta vừa mới thua cậu ấy, ngươi hãy đấu một ván với cậu ta, lão phu sẽ ngồi xem.

Nữ lang vừa là “Vi Cô” lại vừa được gọi là “Vương Quan”, rốt cuộc là tên gì? Trần Kế Nho tại sao lại gọi nàng đến đấu cờ với một nam tử lạ mặt?

Nữ lang mặc áo vải đội nón trúc không chút xấu hổ liền đồng ý, nhìn Trương Nguyên một cái rồi đến bên bàn cờ quan sát kĩ cục diện ván cờ của Trần Kế Nho và Trương Nguyên, nàng nói:

- Trương công tử xin mời.

Nàng ngồi xuống bên bàn cờ, bắt đầu thu cờ. Trương Nguyên giúp nàng cùng thu và phân loại quân cờ đen trắng, nhìn đôi tay mềm mại xinh đẹp tinh tế của nữ lang, mu bàn tay trắng như ngọc, còn trắng hơn cả quân cờ trắng, móng tay được sửa mượt mà không tỳ vết, đây tuyệt đối là mẫu bàn tay đẹp tuyệt đỉnh của hậu thế.

Nữ lang này khoảng mười bảy mười tám tuổi, khí chất ung dung, lúc thu cờ tình cờ chạm phải tay của Trương Nguyên, cũng không hề biến sắc mà vẫn lẳng lặng thu hết quân cờ rồi nói:

- Trương công tử đã thắng một ván nên ván này tiểu nữ sẽ đi trước.

Trương Nguyên đáp một tiếng:

- Mời.

Nữ lang mặc áo vải đội nón trúc này có vòng eo thon thả, hai ngón tay phải thon thả như cọng hành mùa xuân cầm lên một quân cờ trắng, đặt lên bàn cờ bằng gỗ phỉ kêu một tiếng “cạch”, tư thế tao nhã, tiếng cờ đặt xuống cũng trong trẻo rất êm tai. Ban ngày nghe tiếng đánh cờ là một chuyện thú vị, huống hồ là có một nữ lang xinh đẹp mỹ miều đang ngồi trước mặt. Trương Đại đứng phía sau Trương Nguyên xem cờ nhưng mắt lại không rời khỏi khuôn mặt của nữ lang. Trương Nguyên nghĩ thầm:

- Mỹ sắc quả nhiên là vũ khí lợi hại, dùng để chơi cờ ít nhất cũng có uy lực của hai quân cờ.

Nữ lang này thực sự quá đẹp, Trương Nguyên ngồi đối diện cũng phải phân tâm đành phải cụp mắt xuống nhìn vào bàn cờ, giống như lão tăng nhập định vậy, trong lòng triển khai thế cờ, chỉ có thời khắc tiếng quân cờ rơi xuống mới đưa mắt nhìn bàn cờ. Khả năng chơi cờ của nữ lang quả nhiên cao hơn Trần Kế Nho, dáng vẻ thanh lịch tao nhã nhưng khi hạ quân cờ lại rất linh hoạt sắc bén, xoay xoay quân cờ thật sự rất hung dữ. Trương Nguyên biết đấu cờ với nữ tử dễ hơn với nam tử. Nữ tử đều chơi cờ kiểu cố sức chiến đấu nhưng nữ lang này là ngoại lệ.

Trương Nguyên lấy lại tinh thần, trở nên trầm tĩnh. Khả năng chơi cờ của Trương Nguyên tuy vẫn chưa đạt đến cảnh giới nhập thần, tọa chiếu nhưng bản lĩnh tính toán của hắn có thể khiến bản thân phát huy khả năng đến cực điểm. Cuộc đấu cờ rất gay gắt, mấy quân cờ đen trắng giằng co nhau, chiến đấu ở góc biên lan tỏa toàn cục.

Trần Kế Nho mỉm cười nhìn hai người chơi cờ, ông rất thích nghe tiếng quân cờ trong không gian yên tĩnh, thầm nghĩ: “Thanh sắc ngu tình, sao bằng một ván cờ hay này.

Trận chiến khó hòa giải, nhất thời vô ý sẽ thua ngay. Đương lúc Trương Nguyên nhắm mắt suy tư, nữ lang liền di di ngón tay nhìn Trương Nguyên, thầm nghĩ: “Nhắm mắt đánh cờ, thật hiếm thấy”.

Trần Kế Nho ngồi bên cạnh nói:

- Trương Giới Tử có thể nhắm mắt đánh cờ, trí nhớ hơn người.

Nữ lang “vâng” một tiếng, nghĩ thầm: “Nghe nói tiểu tam nguyên của Thiệu Hưng Trương Giới Tử có khả năng ghi nhớ hơn người, không biết lời đồn đại có quá khoa trương hay không?”

Trần Kế Nho thấy ván cờ này của hai người còn phải đánh lâu, liền ra ngoài Lỗi Kha Hiên hỏi người đưa thư đến Đổng phủ sao vẫn chưa về, bây giờ đã đúng giờ Ngọ nhưng gia nô đưa thư cho Đổng phủ đã đi hơn nửa canh giờ rồi.

Lại qua gần nửa canh giờ, ván cờ trong Lỗi Kha Hiên đã kết thúc. Thế cờ đen của Trương Nguyên thắng một quân rưỡi. Khả năng chơi cờ của nữ lang thật sự rất mạnh, bàn cờ này Trương Nguyên đã phát huy rất tốt, sử dụng kiến thức cờ vây đi trước bốn trăm năm cũng chỉ thắng nhỏ. Đương nhiên vào thời này người đi trước không thêm mục, nữ lang chấp cờ trắng đi trước là chiếm lợi thế rất lớn, nếu như áp dụng thế thêm mục trả tù binh ở hậu thế thì cờ đen của Trương Nguyên còn thắng nhiều hơn.

Nữ lang thua cờ, đôi mắt xinh đẹp mở thật lớn, dáng vẻ vô cùng kinh ngạc nhưng không nói gì mà lo thu cờ rồi rời khỏi Lỗi Kha Hiên.

Trần Kế Nho giữ Trương Đại và Trương Nguyên lại dùng cơm, khi đang uống trà nói chuyện phiếm sau bữa cơm mới thấy gia nô đưa thư cho Đổng phủ quay về, chỉ có điều gã trở về có một mình. Đổng Kỳ Xương không có thư hồi âm, chỉ có một lời nhắn nói là Đổng lão gia thân thể không khỏe, ngày khác sẽ đến thăm Mi Công mà không nhắc đến chuyện của Tông Dực Thiện.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.