Lẳng Lơ Tao Nhã

Chương 27: Suy nghĩ trong đêm



Trương Nguyên theo gã sai nha ra khỏi công đường thì đã thấy tiểu gia nô Vũ Lăng đang xách một chiếc đèn lồng đợi ở bên ngoài từ bao giờ. Vừa trông thấy Trương Nguyên, Vũ Lăng liền chạy lại:
- Thiếu gia, cậu đã ra rồi.

Trương Nguyên nói:
- Không phải bảo ngươi cứ về trước hay sao?

Vũ Lăng nói:
- Tiểu nhân đã về rồi, ăn cơm xong rồi mới quay lại đấy chứ. Thái thái đang mong thiếu gia lắm đó.

Trương Nguyên quay sang bảo tên nha dịch không cần đưa về nữa bởi đã có tiểu gia nô tới đưa cậu về.

Chủ tớ hai người men theo sông Phủ trở về. Vũ Lăng nói:
- Thiếu gia, cả nhà Trương Thái đã dọn đi rồi, thái thái vẫn thấy không đành lòng.

Trương Nguyên không nói gì, bụng nghĩ:
“ Khu vực Giang Nam này chuyện gia nô phản chủ không phải là ít, ta thà phải thuê công nhân chứ không thèm gia nô nữa. Thuê công nhân bất cứ lúc nào cũng có thể đuổi việc, còn gia nô mang tiếng là đến làm thuê cho nhà chủ, thực ra là để trốn khỏi phải đóng thuế mà thôi, thậm chí còn lợi dụng nhà chủ để kiếm lợi, ỷ thế làm xằng làm bậy. Mặc dù bây giờ ta chưa có công danh gì nhưng chỉ cần nỗ lực, nỗ lực không ngừng, ngày đó nhất định sẽ tới. Có công mài sắt ắt có ngày nên kim.

Nghĩ đến đây, tính trẻ con của Trương Nguyên chợt nổi lên, cười khoái trí quay sang mặt nước sông bấy giờ đang tối đen như mực, hỏi:
- Sông ơi, ngươi nói xem?

Dòng sông vẫn im lặng như tờ như ngầm đồng ý với ý nghĩ của Trương Nguyên.
Nhà Trương Nguyên vốn ít người, gia đình Trương Đại Xuân ba người chuyển đi rồi trong nhà lại càng lạnh lẽo yên ắng. Tiểu nô Vũ Lăng dùng ánh sáng của một chiếc đèn lồng lẻ loi trơ trọi rọi đường cho Trương Nguyên. Quản lí việc đóng mở cửa hàng ngày do tiểu nha đầu Thỏ Đình phụ trách.

Trương Nguyên vào trong nội viện liền trông thấy thân mẫu đang ngồi âu sầu. Bà vì chuyện gia đình Trương Thái dọn đi mà cứ rầu rĩ không vui. Người có tuổi thường nhớ đến những ân tình cũ, cho dù gia nô Trương Đại Xuân đã làm những việc có lỗi với gia chủ như vậy nhưng chuyện cha con lão bị đày đi sung quân khiến Trương mẫu Lã thị cũng không đành lòng.

Trương Nguyên hiểu được tâm ý mẫu thân, nói:
- Mẫu thân, trong nhà thiếu đi mấy người, ngày mai con sẽ đi tìm người chân chất thật thà, trung thành tuyệt đối về, rồi có ký kết đàng hoàng, hàng năm sẽ cấp tiền bạc đầy đủ, như vậy mới dễ quản lí.

Trương mẫu Lã thị đã không cần phải lo lắng về năng lực giải quyết công việc của con trai nữa rồi. Con bà thực sự đã trưởng thành, đã có thể san sẻ nỗi âu lo muộn phiền cho phụ mẫu rồi, đây chính là điều làm cho Trương mẫu Lã thị an tâm nhất. Lại nghe Hầu Huyện lệnh đồng ý kỳ thi huyện năm sau sẽ cho con trai mình tham gia ứng thí, bà lại càng vui mừng phấn khởi, xúc động nói:
- Con phải nhanh chóng làm thủ tục nhập trường xã đi, chớ để phụ sự kỳ vọng của huyện tôn đại nhân.

Trương Nguyên đáp:
- Vâng. Ngày mai con còn có chút chuyện cần giải quyết, ngày kia con sẽ tới trường xã xin nhập học. Mẫu thân cứ an tâm, con sẽ cố gắng chăm chỉ học hành tiến tới.

Y Đình đứng bên cạnh lên tiếng:
- Tiểu tỳ có người họ hàng xa, nhà ở huyện Hội Kê, Xương An môn ngoại, tính tình thật thà lại rất biết điều, không muốn đi ở mà chỉ đi làm công thôi. Thiếu gia muốn thuê người thì tiểu tỳ sẽ nhờ người nhắn anh ta tới đây, nếu thiếu gia và Thái thái thấy được thì giữ anh ta ở lại.

Trương mẫu Lã thị nói:
- Được, bảo cậu ta ngày mai tới đây, nhà này ít người, cô quạnh lạnh lẽo quá.

Y Đình cười nói:
- Thái thái không phải lo đâu, đợi thiếu gia lập thành gia thất rồi trong nhà sẽ náo nhiệt lên ngay ấy mà.

Vừa nghe Y Đình nói vậy, Trương mẫu Lã thị lập tức quay sang nhìn con trai, bà mỉm cười gật đầu, trong bụng đã rất muốn bồng cháu rồi:
- Phải đó, Nguyên nhi cuối năm nay là đã sang mười sáu rồi, có thể thành thân rồi, ha ha, may mà dạo trước vẫn chưa nhận lời Mã lão nương kia. Ngưu cô nương, Mã cô nương gì chứ, giờ mắt con trai ta đã bị như vậy rồi, các cô nương đẹp đâu đến lượt nó nữa.

Trương Nguyên sợ mẫu thân muốn làm mai cho mình, vội nói:
- Mẫu thân à, con còn nhỏ mà, bây giờ phải lấy việc học làm trọng. Mẫu thân người xem Tông tử Đại huynh nhà Tây Trương đó, lớn hơn con có một tuổi mà đã đỗ tú tài rồi, cũng đã thành thân đâu. Con đã lập chí ghi danh bảng vàng, không đậu tiến sĩ thì không nghĩ tới chuyện hôn sự.

Trương mẫu Lã thị tuy rằng đọc sách không nhiều nhưng cũng là người có kiến thức, bà hiểu rõ đậu tiến sĩ là việc khó khăn như thế nào.Thân phụ Trương Nguyên là Trương Thụy Dương thi tú tài tới mười mấy năm mà còn chưa đậu, giờ Trương Nguyên nói đỗ tiến sĩ xong mới nghĩ tới chuyên thành thân, ngộ nhỡ cả đời nó không thi đỗ tiến sĩ thì chẳng phải gay go to rồi sao?Nghĩ vậy, bà liền lên tiếng ngay:
- Hài nhi à, Tông tử nhà Tây Trương đã có hôn ước với khuê nữ nhà Lưu thị rồi, chỉ là chưa chính thức thành thân mà thôi. Chuyện của con cứ để ta từ từ xem xét, con cũng đừng nóng ruột.

Trương Nguyên dở cười dở mếu:
- Hài nhi đâu có nóng ruột chứ, hài nhi chỉ một lòng chuyên tâm đọc sách mà thôi.

Trương mẫu Lã thị cười nói:
- Mẫu thân biết con rất chăm chỉ. Như vậy đi, đợi con đỗ sinh đồ rồi bàn tới chuyện này sau, thế được chưa?

Trương Nguyên gật gật đầu đáp:
- Vậy hài nhi xin nghe lời mẫu thân.
Trong lòng thầm nhủ: “Nếu mọi việc thuận lợi thì thi xong tú tài cũng phải tới năm kia, đến lúc đó tính sau vậy, cứ mượn cớ phải tham gia thi Hương thì sẽ kéo dài thêm được một năm, rồi một năm, một năm nữa...”

Ngồi trò chuyện với mẫu thân thêm một lúc, Trương Nguyên trở về lầu tây, luyện đại tự nửa canh giờ rồi tắm rửa lên giường đi ngủ.Thế nhưng nằm trên giường mà cậu cứ thao thức mãi không tài nào ngủ được. Bên ngoài có tiếng gọi khe khẽ của tiểu nô Vũ Lăng:
- Thiếu gia....
Không nghe thấy tiếng đáp lại, Vũ Lăng bèn thổi tắt đèn rồi nằm ngủ trên chiếc sập tre, vừa đặt lưng đã ngáy o o.

Vầng trăng hình lưỡi liềm chiếu rọi những tia sáng dịu dàng thanh khiết của nó qua khe cửa, tạo thành những đám đen lốm đón trên mặt đất thật khiến cho người đang khó ngủ không khỏi kinh sợ.

Trương Nguyên cố mở to hai mắt nhìn đầu giường, nhờ ánh sáng mập mờ của trăng mà cậu có thể nhận ra bức tranh Cát Tường đang treo trên tường. Nghĩ tới chuyện Mã lão bà muốn làm mai cho mình, rồi vừa nãy mẫu thân còn nhắc tới chuyện hôn sự nữa, Trương Nguyên cười thầm một mình. Cậu sợ rằng một ngày nào đó ngoài kia đột nhiên trống sáo tưng bừng rồi rước về cho cậu một tân nương chẳng biết đẹp xấu thế nào, tính nết ra sao đã lập tức bị bắt vào động phòng hoa trúc. Nghe nói việc thành thân giống như một ván bạc, khi cởi khăn đỏ cô dâu ra, thấp thỏm lo lắng, người thắng thì xứng đôi vừa lứa, vợ chồng hòa thuận, kẻ thua thì làm việc gì cũng không thuận, khổ sở suốt đời...

Điều này kể cũng giống như một vở kịch vậy, Trương Nguyên đương nhiên không hy vọng cuộc hôn nhân của mình như một ván bạc. Cậu muốn được tự mình làm chủ. Đầu tiên, cậu không muốn lấy một cô gái bị bó chân làm vợ, đây là điều kiện tiên quyết. May mà đây là thời Minh, chỉ khoảng 2/3 phụ nữa phải bó chân, nếu muộn thêm một, hai trăm năm nữa, muốn lấy một cô không bó chân cũng khó hơn lên trời, may ra chỉ có thôn nữ, sơn nữ, tỳ nữ, vú già là không phải bó chân thôi.

Nghĩ đến đó, hình ảnh cô gái giả nam họ Vương kia bỗng hiện lên trong đầu Trương Nguyên. Mặc dù cải trang nam nhưng với cái dáng người mảnh mai và khuôn mặt tuấn tú ấy, cô chắc hẳn phải rất xinh đẹp.Trong thời đại mà vẫn chưa sáng chế ra kính này, khổ nhất là người mắt kém không nhìn rõ được đẹp xấu. Có điều Trương Nguyên không có chút rung động nào với cô gái này cả, chẳng biết vì bản thân vẫn còn nhỏ hay là vì cô gái kia cứ mở miệng ra là đòi mua “Kim Bình Mai” làm cậu chết khiếp?

***

Sáng hôm sau, Y Đình nhờ một kiệu phu đưa tin cho người bà con xa ở Hội Kê, không tới 10 dặm đường nên ngay chạng vang tối hôm đó gia đình người đó đã tới đông đủ cả, một nhà có hai vợ chồng và hai đứa con.Hai vợ chồng đều đã trên ba mươi tuổi, người chồng tên là Thạch Song, còn người vợ tên Thúy Cô, đều là nông dân nên dáng vẻ cũng chân chất quê mùa. Hai đứa con trai, đứa lớn Đại Thạch đầu 13 tuổi, còn đứa nhỏ 9 tuổi gọi là Tiểu Thạch đầu.

Trương mẫu Lã thị thấy cả gia đình này đều có vẻ thật thà chân chất, hỏi han mấy câu thì thấy họ nói năng cũng thẳng thắn, hai đứa bé nom cũng ngoan ngoãn, trong lòng đã có vài phần ưng thuận. Quay sang Trương Nguyên, bà nói:
- Nguyên nhi à, con thấy thế nào?

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.