Lẳng Lơ Tao Nhã

Chương 275-2: Thư nhà đỡ ngàn vàng (2)



Nhưng ở chỗ Tiêu Thái sử này lại không ngớt ca ngợi, nói Trương Nguyên hiếu học suy nghĩ sâu xa, học hành vượt trội, chỉ trong một tháng ngắn ngủi đã vượt cấp học lên Thành Tâm Đường. Tiêu Thái sử nghe xong hẳn là rất sung sướng. Lúc này thấy hai người Tống Thừa Miễn, Mao Lưỡng Phong thừa dịp Cố Tế Tửu không ở Quốc Tử Giám, nghĩ kế gây hấn khai trừ học tịch của Trương Nguyên, ông tất nhiên rất tức giận. Một giám sinh nếu như bị khai trừ học tịch rồi thì coi như bị hủy hoại tiền đồ, cả đời người được mấy cái chín năm?

Lúc này chắc khoảng cuối giờ thìn, mưa vẫn còn rơi tí tách. Tiêu Thái sử liền ra lệnh chuẩn bị kiệu, dẫn theo hai tùy tùng tới Nam Kinh Lễ Bộ thăm hỏi Lễ Bộ Thượng Thư Lý Duy Trinh, ông dặn dò Trương Nguyên ở lại Đạm Viên chờ tin tức. Tiêu Thái sử đi rồi, Tiêu Nhuận Sinh an ủi Trương Nguyên:
- Giới Tử chớ lo, chắc chắn không thể tước bỏ học tịch của đệ được đâu.

Trương Nguyên nói:
- Đa tạ Nhuận Sinh huynh.

Tông Dực Thiện trong lòng nghĩ: “Giới Tử nói muốn đổi thân phận cho ta, để ta tham gia khoa cử, ta thấy hay là thôi đi, trước hết cứ theo thầy Tiêu để có chút học vấn đã, về sau làm phụ tá cho Giới Tử. Nếu ta tham gia khoa cử, một khi bị phát hiện Giới Tử cũng khó trốn tội, tiền đồ khoa cử, con đường quan trường, đâu đâu cũng là đấu đá cấu kết. Môn sinh bạn cũ của Đổng thị càng để ý soi xét Giới Tử, ta không thể để cho Giới Tử vì ta mà bị người ta nắm được thóp.

Trương Nguyên kêu Mục Chân Chân lên lầu, bảo cô về Thính Thiền Cư thông báo cho bọn Tiểu Vũ một tiếng, bảo Lai Phúc, Tiểu Vũ đến Đạm Viên hầu hạ, còn phải nghĩ cách báo cho Đại huynh và Tam huynh biết, đề phòng hai người họ bị Mao Giám thừa giận cá chém thớt.

Tiêu Nhuận Sinh nói:
- Ta từng là giám sinh, Quốc Tử Giám ta rất thông thuộc, để ta đi nói với Tông Tử và Yến Khách, Yến Khách ở Chính Nghĩa đường, còn Tông Tử? Ồ, Tu Đạo đường.

Tiêu Nhuận Sinh và Mục Chân Chân đi rồi, Trương Nguyên mở bao giấy dầu mà Mục Chân Chân để lại. Bốn phong thư bên trong còn chưa kịp xem, hắn xem bì thư trước, một bức là của mẫu thân Lã Thị, nhưng chữ trên bì thư lại không phải bút tích của mẫu thân, có lẽ là nhờ người viết, ba bức còn lại lần lượt là thư của tộc thúc tổ Trương Nhữ Lâm viết cho hắn, đại huynh và tam huynh, đều là thông qua dịch trạm gửi đến.

Trương Nguyên thầm nghĩ: “Đạm Nhiên vì sao không gửi thư đến, thư ta gửi cho nàng nhất tề được gửi cùng với thư của mẫu thân và tộc thúc tổ mà?”

Trương Nguyên bóc thư của mẫu thân ra xem trước, ba trang giấy trúc, nét chữ ngay ngắn, giọng thư có chút trúc trắc, hẳn là do viết không thường xuyên. Đây đúng là thư mẫu thân Lã Thị tự tay viết, Trương Nguyên chợt thấy ấm lòng, ba trang giấy trúc viết kín, chắc mẫu thân ít nhất phải mất một canh giờ để viết, đều là kể lể những chuyện vụn vặt, kể hết từng nô tỳ nô bộc trong nhà. Mẫu thân nói rằng Y Đình mười chín tuổi rồi, nên sớm gả chồng, nhưng chưa thấy ai phù hợp, tiêu chuẩn của Y Đình cũng không thấp; còn nói Thỏ Đình mười hai tuổi, phải được chăm sóc cẩn thận, còn hai huynh đệ Đại Thạch Đầu, Tiểu Thạch Đầu đều cao lớn thêm rồi, còn nói hai gốc cây quế ở vườn sau năm nay nở hoa sớm, hương thơm vô cùng.

Trong con mắt Lã Thị, đứa con Trương Nguyên dường như rời nhà lâu lắm rồi, cho nên có rất nhiều chuyện bà muốn nói với con, Giám Hồ điền trang, kho lương Dương Hòa, Hội Kê Thương thị, Sơn Âm Tình Vũ…

Đọc thư của mẫu thân, lòng Trương Nguyên vô cùng an tâm, dường như tất cả mọi sự tranh chấp đều không liên quan tới hắn, chỉ còn lại hình ảnh nước chảy qua chiếc cầu nhỏ ở Sơn Âm thành. Mẫu thân còn nói mười chín tháng sáu là ngày Quan Âm Phật đản, Thương tiểu thư phái người đến hẹn gặp mẫu thân tại chùa Đại Thiện, bởi vì ngày đó cũng là sinh nhật của Trương Nguyên, mẫu thân nói lan man rất nhiều chuyện của Thương tiểu thư, tình cảm tràn trề giấy mực không kể xiết được.

Trong thư Tộc thúc tổ Trương Nhữ Lâm trách Trương Nguyên, nói Trương Nguyên đảo Đổng là nhất thời vui vẻ khoe khí phách, hậu hoạn vô cùng, nhắc nhở Trương Nguyên đề phòng Quốc Tử Giám Ti Nghiệp Tống Thời Miễn, nói rõ quan hệ của Tống Thời Miễn và Đổng Kỳ Xương.

Trương Nguyên cũng không để ý lời trách cứ của tộc thúc tổ, đây là lời nói khách sáo của bề trên, hậu sinh vãn bối ở bên ngoài gây chuyện, dù không bị thiệt thòi nhưng làm trưởng bối dĩ nhiên phải mắng, mà tộc thúc tổ cũng thật sự quan tâm đến hắn. Tộc thúc tổ nhắc nhở hắn tạo mối quan hệ tốt với Cố Tế tửu và Lý Thượng thư, khi cần thì trổ hết tài năng, đó là điều cần thiết.

Tông Dực Thiện chu đáo, đoán được Trương Nguyên còn chưa ăn điểm tâm, liền sai người hầu nấu một bát há cảo lớn mang đến cho Trương Nguyên ăn. Ba người Mục Chân Chân, Vũ Lăng và Lai Phúc đã đến. Trương Nguyên sai Vũ Lăng và Lai Phúc tới Tương Chân quán bên sông Tần Hoài dò la, xem rốt cục đã xảy ra chuyện gì?

Hôm thi ở cống viện, Vũ Lăng đã từng theo bọn Trương Nguyên đi cựu viện một chuyến, biết vị trí của Tương Chân quán, liền lập tức cùng với Lai Phúc che dù đi. Trương Nguyên đem thư của mẫu thân gửi đưa cho Mục Chân Chân xem, trong thư mẫu thân cũng nhắc tới Mục Chân Chân.

Mục Chân Chân theo Trương Nguyên đi Thanh Phổ từ tháng ba năm trước, Trương Nguyên ở trên thuyền dạy cô học chữ, về sau cũng không hề gián đoạn. Bây giờ Mục Chân Chân đã nhận biết mặt chữ còn hơn cả Vũ Lăng. Ngay cả <Sử ký> cô cũng có thể xem được tương đối. Nhưng đọc thư thì đây vẫn là lần đầu tiên trong đời, Mục Chân Chân cảm thấy vui sướng vô cùng, đây là cái hay của việc biết chữ, không còn như nhìn bức vách nữa rồi, về sau cô còn muốn viết thư cho phụ thân Mục Kính Nham nữa.

Người hầu của Tiêu thị tới báo, có người muốn gặp Giới Tử tướng công, cũng không có danh thiếp, tự xưng chủ nhân họ Hình.

- Họ Hình.

Trương Nguyên nhíu mày, ngoại trừ Nam Kinh Thủ Bị thái giám Hình Long ra hắn không biết ai khác họ Hình cả, liền cùng Tông Dực Thiện cùng nhau đến sảnh đường đằng trước, thấy một người đàn ông áo ngắn đứng ở hành lang bên ngoài sảnh, xách nón trúc trong tay, vành nón còn nhỏ giọt nước.

Trương Nguyên không biết người đàn ông này, nhưng người đàn ông kia dường như đã từng gặp Trương Nguyên, không nhầm Tông Dực Thiện thành Trương Nguyên, chắp tay trước ngực cúi chào Trương Nguyên:
-Trương công tử, tiểu nhân phụng lệnh gia chủ, mời Trương công tử đi thỉnh giáo một số chuyện.

Trương Nguyên hỏi người đàn ông kia:
- Quý chủ nhân họ Hình sao, quen biết tại hạ ở nơi nào vậy?

Người đàn ông nói:
- Mùng chín tháng bảy, ở hồ Huyền Vũ.
Khi nói xong lời này y ngẩng lên nhìn, gặp ánh mắt của Trương Nguyên vội cúi đầu xuống.

Trương Nguyên gật đầu nói:
- Tại hạ biết rồi, chỉ là tại hạ hiện giờ đang có việc, nhất thời đi không tiện, không biết ngày mai, ngày kia tới có được không?

Gã đàn ông kia nói:
- Trương công tử, xin tránh ra một chỗ nói chuyện.

Trương Nguyên "Ừ" một tiếng, đi đến lều trà ở bên trái sảnh đường, đứng lại ở ngoài cửa, gã đàn ông kia theo tới, khom người nói:
- Trương công tử chẳng lẽ là phiền não vì chuyện ở Quốc Tử Giám?

Trương Nguyên nhướn mày, thầm nghĩ:
- Chuyện mới xảy ra sáng sớm nay, tin tức của Hình thái giám này quả thật linh thông, khắp nơi đều có tai mắt ?

Người đàn ông kia hạ giọng nói:
- Một tiểu Giám thừa quèn thì có thể làm được gì. Trương công tử là người mà gia chủ tiểu nhân kính trọng. Ở Nam Kinh, không ai có thể bắt nạt công tử, công tử yên tâm, việc ở Quốc Tử Giám tiểu nhân sẽ thay công tử xử trí thỏa đáng. Hiện tại, kính mời công tử đi gặp chủ nhân nhà ta trước đã, thế nào?

Trương Nguyên nghe người đàn ông kia nói như vậy, nghĩ chắc là việc mở đường ở Án sơn Hoàng Lăng đã được Hình Long giải quyết, trong lòng tất nhiên là vui vẻ, bèn nói:
- Thầy Tiêu đã vì việc của tại hạ mà tới Lễ Bộ, dặn dò tại hạ ở đây đợi lệnh, sau giờ ngọ tại hạ sẽ tới bái kiến quý chủ nhân được không?

Gã đàn ông kia nói:
-Tốt lắm, tiểu nhân đầu giờ Mùi lại đến đợi Trương công tử đại giá.
Dứt lời, hành lễ với Trương Nguyên rồi lui ra phía sau mấy bước, đội nón lá vành trúc lên, đi nhanh.

Tông Dực Thiện tới hỏi:
- Giới Tử, lại có chuyện gì vậy?

Trương Nguyên cười nói:
- Không có gì. Gã đàn ông kia là người của Nam Kinh Thủ Bị Hình thái giám. Việc này Dực Thiện huynh tạm thời không cần nói với thầy.

Tông Dực Thiện nhướn mày, kinh ngạc nói:
- Việc giảm thương thuế gần đây chính là kế sách của Giới Tử ?

Tông Dực Thiện tâm tư nhạy bén, nghe được Trương Nguyên và Hình thái giám quen biết, lập tức liên tưởng đến tin đồn đang lan truyền trong thành mấy ngày gần đây rằng Hình thái giám dốc hết sức thúc đẩy giảm 2/10 thuế ở toàn vùng Long Giang.

Trương Nguyên "Ồ" một tiếng nói:
- Việc giảm thương thuế đã thi hành rồi sao, không biết ý kiến dân chúng Kim Lăng như thế nào?

Tông Dực Thiện nói:
- Tất nhiên là hoan nghênh, chẳng những thương nhân vui mừng khôn xiết, mà dân chúng cũng vui vẻ trông thấy, bởi vì thương thuế nặng, buôn bán trao tay cũng rất đắt. Giảm thương thuế, thì thương nhân tứ phương cũng muốn đến, hàng hóa lưu thông nhanh hơn, giá hàng cũng giảm xuống. Bề ngoài xem ra việc giảm thuế chỉ có lợi cho thương nhân, nhưng thực ra tứ dân đều được lợi.

Trương Nguyên vui vẻ nói:
- Kiến thức của Dực Thiện huynh quả là không tầm thường, lòng ta cảm thấy được an ủi.

Tông Dực Thiện mỉm cười nói:
- Những việc Giới Tử làm ta hoàn toàn ủng hộ, Giới Tử huynh cũng biết đấy, Tông Dực Thiện ta chưa bao giờ là người lắm miệng.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.