Lẳng Lơ Tao Nhã

Chương 4: Thỏ Đình



Từ cửa sau bước vào, đi qua một khu vườn nhỏ, theo một hành lang hẹp, sẽ nhìn thấy một giếng trời hình chữ nhật. Bên giếng trời được đặt hai chậu đường lê làm cảnh. Những bông hoa màu vàng, màu hồng đã tàn úa. Hai hướng tây, nam của giếng trời nối liền với hai dãy nhà gỗ hai tầng. Mẫu thân của Trương Nguyên là Lã thị, sống ở lầu phía nam, Trương Nguyên ở lầu phía tây. Hai bên hành lang có một dãy nhà ngói vách đất, là nhà bếp, nơi để đồ linh tinh và là nơi ở của tôi tớ trong nhà.

Tiểu nha đầu Thỏ Đình thò ra ngoài lan can, cổ vươn dài, gọi:
- Thiếu gia! Thái thái đang tìm cậu đó.

Trong các gia đình sỹ tộc Giang Nam, người dưới gọi chủ nhân là lão gia, gọi chủ mẫu là nãi nãi (bà), cũng có thể gọi chủ mẫu là thái thái. Trong nhà Trương Nguyên chỉ có hai con nha đầu, một người chính là Thỏ Đình. Trương Nguyên cũng chẳng hiểu vì sao nha đầu này lại có cái tên kỳ lạ như vậy, chắc đây là cái tên do phụ thân Trương Thụy Dương đặt cho nàng ta lúc ông mới mua về.

Mẫu thân Lã thị đã xuất hiện trên lan can lầu hai, hỏi:
- Nguyên nhi! Con đi đâu vậy? Trời nóng như thế này, nhớ mang khăn bịt mắt đấy.

Tuy linh hồn của hai đời trộn lẫn, nhưng tình cảm của Trương Nguyên dành cho mẫu thân Lã thị không hề bị ảnh hưởng chút nào. Tình cảm hiền từ thương yêu của mẫu thân ngấm vào tận xương tủy, sâu sắc đến tim gan. Vì bệnh mắt của Trương Nguyên mà Lã thị lặn lội khắp nơi tìm thầy thuốc, lo lắng đến bạc cả tóc. Cũng may, danh y Thiệu Hưng là Lỗ Vân Cốc nói chắc rằng có thể chữa được mắt cho Trương Nguyên, Lã thị mới bớt lo buồn. Những ngày qua, trước khi đi ngủ, Lã thị đều ngồi ở đầu giường của con trai, cầm quạt bồ quỳ quạt mát cho con, đồng thời cũng liên tục tụng “cầu xin đại sĩ áo trắng”. Cầu xin Nam Hải Quan Thế Âm Bồ Tát giúp cho con bà nhanh chóng sáng mắt. Trương Nguyên cứ thế dần chìm vào giấc ngủ say trong tiếng tụng kinh của mẹ, cảm thấy hết sức yên tâm.

- Hài nhi đi ra cây cầu vòm phía sau cho mát. Mẫu thân có gì chỉ bảo?
Trương Nguyên ngẩng đầu lên hỏi.

Lã thị nói:
- Phụ thân con nhờ em họ bên Tây Trương đưa thư về. Để mẹ đọc thư cho con nghe.

Tiểu nha đầu Thỏ Đinh lục tục chạy xuống lầu, nói:
- Thiếu gia, tiểu tỳ đỡ người lên lầu.
Nó đưa tay ra cầm lấy tay Trương Nguyên.

Trương Nguyên nắm lấy bàn tay của tiểu nha đầu. Thỏ Đình năm nay mới mười tuổi, bàn tay rất nhỏ, rất mềm mại. Trương Nguyên hơn hai tháng không mở được mắt, cũng chẳng nhớ nổi Thỏ Đình trông như thế nào, trong ấn tượng chỉ nhớ nó có hai búi tóc, hai con mắt to, vừa tò mò vừa e sợ ngó đông ngó tây, đúng là có chút giống thỏ. Chẳng lẽ đây là nguyên nhân của cái tên Thỏ Đình sao?

Trương Nguyên lên đến lầu hai. Trời nóng nực, ngồi trong nhà không thể chịu nổi, đại nha đầu Y Đình mang hai chiếc ghế trúc ra đặt ngoài ban công cho Lã thị và Trương Nguyên ngồi.

Nhìn qua khe hở của lan can, Lã thị thấy Vũ Lăng đứng dưới giếng trời vẫn đang ngoác miệng cười, bèn hỏi:
- Nguyên nhi! Các con chơi gì dưới cầu đá, mà Vũ Lăng cười vui như thế?

Trương Nguyên nói:
- Hài nhi đánh một ván cờ với Trương Ngạc. Hài nhi thắng.

Lã thị cả kinh, nói:
- Con gỡ khăn bịt mắt ra ư!

Trương Nguyên nói:
- Không tháo, con chơi cờ bịt mắt.

Lã thị không biết đánh cờ, không biết đánh cờ bịt mắt khó cỡ nào, cũng không để ý, chỉ nhắc nhở con trai phải ghi nhớ lời dặn của Lỗ Vân Cốc, trong vòng một trăm ngày không được để mắt tiếp xúc với ánh sáng, sau đó đọc thư cho con nghe.

Phụ thân của Trương Nguyên là Trương Thụy Dương, năm xưa muốn lập nghiệp bằng con đường khoa cử, nhưng mãi đến năm ba mươi tuổi cũng chưa được Sinh Đồ, lãng phí thời gian làm một học trò già, nên đành kiếm con đường khác. Lão nhờ cậy chú họ bên Tây Trương là Trương Nhữ Lâm, xin được một chân Duyện sử trong Chu vương phủ ở Khai Phong, đây là một chức thư lại nhỏ không có phẩm bậc. Trương Thụy Dương vào làm trong Chu vương phủ, thế mà thoáng cái hơn mười năm. Cẩn thận tỉ mỉ, thành thành khẩn khẩn, cuối cùng cũng được thăng chức lên Duyện Sử trưởng, bậc quan cửu phẩm, bổng lộc hàng năm sáu mươi thạch gạo, quy đổi thành bạc là ba mươi lượng. Số tiền đó cũng chỉ bằng giá tiền mua năm con cá vàng của Trương Ngạc, nhưng đối với cả nhà Trương Nguyên mà nói, thì số tiền này có tác dụng rất lớn.

Nhà Trương Nguyên có một trăm hai mươi mẫu ruộng ở bờ đông Giám Hồ, mỗi năm phải nộp thuế hai đợt, mùa hạ trưng thu lúa mạch, mùa đông trưng thu gạo. Đầu năm Vạn Lịch, Trương Cư Chính cải cách thuế má, thi hành “một sợi roi tiên”, mùa hạ mùa đông không thu gạo thu mạch nữa. tất cả quy ra thành bạc nộp lên. Điều này tuy là có chỗ tiện cho dân, nhưng đối với những gia đình nông dân đàn ông cày cuốc, đàn bà dệt lụa, không có nguồn bạc mà nói, thì rất là phiền, phải mang lúa gạo đi đổi bạc. Mà mỗi độ đến tháng phải nộp thuế, thì giá lúa gạo bị ép xuống rất thấp, bán chẳng được giá nên người dân hết sức thiệt thòi. Nhà Trương Nguyên có hơn một trăm mẫu ruộng, tiền thuế phải nộp hàng năm cũng không phải là một con số nhỏ, lại còn phí giao dịch, chi dùng hàng ngày, tiền công cho nô dịch, lao công trong nhà. Có số tiền mà Trương Thụy Dương gửi về để quay vòng, gia cảnh cũng dư dả được một chút. Trương Thụy Dương được bổng lộc là ba mươi lượng bạc mỗi năm, nhưng năm nào cũng gửi về sáu mươi lượng bạc, có thể thấy làm thư lại ở Chu vương phủ cũng còn có chút màu mè.

Do vì đường xá xa xôi, nên hai ba năm Trương Thụy Dương mới về Thiệu Hưng một chuyến, ở lại không đầy hai tháng thì lại phải đi. Tình cảm của Trương Nguyên đối với phụ thân tương đối nhạt nhẽo. Lần này mắt của Trương Nguyên bị bệnh nghiêm trọng, Lã thị vốn định viết thư cấp báo cho Trương Thụy Dương, nhưng sau đó được Lỗ Vân Cốc chữa trị, nên mới tính là đợi trị khỏi rồi mới viết thư.

Cho nên Trương Thụy Dương không hề biết chuyện mắt con trai bị bệnh. Trong thư lão nói Trương Nguyên đã mười lăm tuổi rồi, đừng có chỉ lo chơi đùa, nên vào trường đọc sách, ba bốn năm sau việc học thành công rồi, sẽ tham gia kỳ thi huyện. Kỳ thi huyện mỗi năm thi một lần, chỉ cần mỗi lần thi đều tiến bộ được về thứ bậc là tốt rồi. Trước ba mươi tuổi cố gắng thi đỗ tú tài, như vậy là có thể được miễn quân dịch …

Trương Nguyên không khỏi lắc đầu: “trước ba mươi tuổi thi đỗ tú tài, yêu cầu này là cao hay là thấp đây?”

Lã thị thấy con trai lắc đầu, lại cho rằng con trai không muốn đến trường đọc sách, vội nói:
- Phụ thân con không biết tình hình của con gần đây, việc đọc sách đi học đương nhiên phải đợi mắt con khỏi rồi mới nói. Con không thích đọc sách cũng không sao, chỉ cần mắt của con trai ta khỏi là được. Đọc sách hay không cũng là chuyện thứ yếu thôi .

Bệnh mắt của Trương Nguyên khiến cho Lã thị sợ hãi lắm rồi. Nếu mắt của con trai không khỏi được, đến việc lấy vợ còn khó, cho nên bà ta chỉ cầu mong cho con trai qua khỏi, những việc khác đều không nghĩ đến.

Trương Nguyên mỉm cười nói:
- Mắt của hài nhi nhất định sẽ khỏi, đọc sách cũng phải đọc, mẫu thân cứ yên tâm.

- Con ngoan, con trai ngoan.
Trương mẫu Lã thị, hai bên tóc mai đã điểm bạc, mặt mày hớn hở, “Nguyên nhi trải qua cơn bệnh này, không những hiểu chuyện lễ phép, tính tình cũng trầm ổn hơn nhiều. Chỉ mong mắt của Nguyên Nhi sớm ngày khỏi hẳn”.

Đại nha đầu Y Đình nhìn mặt đoán lòng, thấy Lã thị vui vẻ, bèn góp lời:
- Thiếu gia đang đọc sách rồi đó, thái thái không biết sao? Trương Thái đọc sách cho thiếu gia nghe tới mức cổ họng khản cả rồi.

Cùng sống trong một sân viện, Trương mẫu Lã thị làm gì lại không biết chuyện con trai nghe đọc sách. Lã thị tuy là vui mừng, nhưng cũng lo thầm, cũng suy nghĩ giống như tiểu hề nô Vũ Lăng, cho rằng đây là dấu hiệu không hay, dường như con trai đang cố gắng thích ứng với cuộc sống của một người mù. Bà ta không hề biết rằng con trai mình bây giờ hết sức nhanh trí, sách chỉ cần nghe đọc qua một lần là hầu như đã thuộc làu. Có tài năng thiên phú như vậy, không đọc sách, không thi khoa cứ, há chẳng phải lãng phí hay sao.

Lã thị chỉ cho rằng con trai mình nghe đọc sách là để cho đỡ buồn liền nói:
- Hai đứa nhỏ Trương Thái, Vũ Lăng chữ nghĩa cũng chẳng biết nhiều, đọc không xong. Chẳng bằng để mẫu thân bỏ tiền ra mướn hai học trò đến đọc cho con nghe, mỗi ngày ước chừng mất một tiền. Chuyện này Trương gia nhà ta cũng lo được.

Trương Nguyên đang định mở miệng bảo mẫu thân không cần lo lắng, thì nghe Trương Thái ở dưới lầu bẩm báo:
- Thái thái, Mã bà bà ở ngõ Chỉ Thủy muốn bái kiến thái thái.

Trương mẫu Lã thị nói:
- Mời Mã bà bà vào.
Nói xong bà liền dặn dò Y Đình đi đón Mã bà bà.

Trương Nguyên hỏi:
- Mẫu thân! Mã bà bà này là ai?

Trương mẫu Lã thị nói:
- Là người mà ta gặp lần trước, khi đi thắp hương ở chùa Đại Thiện. Mã bà bà là người rất nhiệt tình, nghe nói mắt con không tốt, Mã bà bà nói Quan Thế Âm Bồ Tát ở núi Phổ Đà cứu khổ cứu nạn, đi đến núi Phổ Đà thắp hương mới có thể giải trừ được kiếp nạn. Lần này đến chắc là muốn hỏi mẫu thân, mười chín tháng hai sang năm có dẫn con cùng đi đến núi Phổ Đà thắp hương hay không ấy mà.

Trương Nguyên vội nói:
- Mẫu thân, mắt của con không có vấn đề gì lớn nữa rồi, tĩnh dưỡng một thời gian nữa là khỏi thôi. Núi Phổ Đà ở hải ngoại, sóng gió khó lường, mẫu thân đừng đi. Bồ Tát thì ở miếu nào cũng có, lòng thành tất sẽ linh thiêng. Trong nhà có tiền dư dả thì đem giúp đỡ những người nghèo khó, làm chút việc thiện là tốt nhất.

Lã thị dò xét con trai một lượt, trong lòng thầm nghĩ “Nguyên nhi nếm mùi đau khổ của bệnh mắt, quả là khác trước rồi”. Nghĩ vậy, bà liền gật đầu nói:
- Vậy thì đợi qua vài năm nữa, chờ con lớn lên rồi tự mình đi đến Phổ Đà dâng hương lễ tạ vậy.

Trong lúc hai mẹ con nói chuyện với nhau, Mã bà bà đã lên đến trên lầu. Với bộ dạng hơn sáu mươi tuổi, căn bản là không cần đến Y Đình nâng đỡ, tay chân bà ta còn linh hoạt lắm, chưa nói đã cười:
- Trương nãi nãi, lão bà này quấy rầy rồi. Vị này chính là thiếu gia của phủ ta đây hả? Quả nhiên tuấn tú, vầng trán đầy đặn, mày thanh mục tú. Mắt đã đỡ hơn chút nào chưa? Có Bồ Tát phù hộ, mắt của thiếu gia nhất định sẽ khỏi…

Mã bà bà này nói năng thật là nhanh lẹ, giống như lưỡi kéo cắt “cách cách cách cách” vậy. Hàn huyên với Trương mẫu Lã thị một lúc, bèn nói có chuyện quan trọng cần bàn, Trương mẫu Lã thị bèn dẫn bà ta vào trong phòng bí mật bàn bạc.

Trương Nguyên ngồi trên ghế trúc nơi ban công, khe khẽ phe phẩy quạt. Bây giờ thính lực của hắn nhạy bén hơn người, mẫu thân và Mã bà bà kia bàn bạc nhỏ giọng trong phòng hắn đều nghe thấy rõ mồn một. Chẳng ngờ là Mã bà bà này không phải đến để mời mẫu thân hắn Lã thị đi đến núi Phổ Đà dâng hương, mà là đến làm mai mối cho hắn!

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.