[Lão Cửu Môn] Phiên Ngoại Trần Bì A Tứ

Chương 19: Tục nhân như kiến



“Ối chao, rõ thật là ‘hữu duyên thiên lý lai tương ngộ’. Ngài đây chính là Trần Bì gia đó ư?” Gã văn thư coi như cũng là một nhân vật có số có má, tuy mồ hôi đã tứa ra đầy trán, nhưng vẫn lập tức chắp tay trước Trần Bì: “Ngày nói mà xem, duyên phận mới khéo làm sao, ngài đây rồng thần thấy đầu không thấy đuôi, lại hạ cố đùa bỡn kẻ tiểu nhân này một phen như thế, đích thực là phóng khoáng lắm.”

Trần Bì có chút hụt hơi, mới nãy phải gánh mấy cái rương rõ là nặng đi đến tận đây, thể lực tiêu hao hơi nhiều, hắn bèn quay đầu lại nhìn gã văn thư, trong đầu thầm nghĩ đến chuyện Hoàng Quỳ, rồi lại lấy làm lạ vì sao gã văn thư lại tìm đến mình, rõ là bực mình.

Gã văn thư nói xong, không chờ Trần Bì kịp phản ứng, lập tức bày toàn bộ lễ vật ra, nói: “Một ngàn văn tiền này, coi như là lễ tạ ơn Trần Bì gia giúp bang tôi trừ hại, đó rặt những kẻ ăn hại trong bang, món tiền này vừa đúng cái giá mà Trần Bì gia niêm yết. Còn số y phục này là lễ vật gặp mặt, chủ tôi có nhã ý, nếu những thức này hợp lòng ngài, xin được mời Trần Bì gia một bữa cơm có được hay chăng?”

“Bang ngươi? Bang ngươi là bang nào?” Trần Bì nhìn một ngàn văn tiền, bỗng dưng giật mình, ngồi phắt dậy.

Trong nháy mắt đó, trong lòng Trần Bì dường như có chút gì đó thay đổi, cái cảm giác này nhoáng một chớp mắt rồi biến mất, hắn không tài nào nắm bắt kịp.

Cả cuộc đời hắn, đây là lần đầu tiền có người mang lễ vật đến dâng tặng hắn, còn nói với hắn những lời lẽ khách sáo đến vậy.

“Khà khà.” Thấy phản ứng của Trần Bì trước món tiền này, gã văn thư mới nhẹ người một chút, “Đúng là thứ tục nhân, một ngàn văn tiền là đổi sắc mặt ngay được, quả nhiên y như những gì Ban Đà tiên sinh đã dự tính”, gã thầm nghĩ. Rồi hít một hơi, cười nói: “Bang tôi, bang tôi chắc chắn Trần Bì gia đã quen, gần đây không biết bang tôi đã đắc tội gì với Trần Bì gia, khiến Trần Bì gia phải hạ cố tống tiễn Thủy Hương nhà chúng tôi xuống suối vàng, vừa khéo chủ tôi chướng mắt ả ta, đã định xử lý ả ta từ lâu rồi. Không ngờ Trần Bì gia lại tiện tay làm giúp, thực là cảm tạ lắm lắm, nhưng chẳng qua, điều này chứng tỏ Trần Bì gia nhất định đã có chỗ nào hiểu lầm bang chúng tôi rồi, nên chủ tôi đã chuẩn bị sẵn một bàn cơm rượu ở gian Hậu Đức trong Bách Bình Lâu, mời Trần Bì gia đến bàn chuyện cho rõ ràng. Sau này, cái nghề trăm xu của ngài, Hoàng Quỳ chúng tôi còn cần rất nhiều, mong có dịp hợp tác với Trần Bì gia.”

Trần Bì coi như cũng hiểu đại khái: “Ngươi là người của Hoàng Quỳ?”

“Thưa phải. Tiểu nhân trông coi sổ sách.”

“Người của các ngươi đang ở Bách Bình Lâu chờ ta đến ăn cơm?” Trần Bì đột nhiên phá lên cười, kích động đến nỗi vung tay vung chân.

“Tiệc rượu đã chuẩn bị xong cả rồi.” Gã văn thư cũng hí hửng nhìn Trần Bì, gã biết Trần Bì đã hoàn toàn mắc trúng cái bẫy mà Ban Đà đã bày sẵn.

Gã vào bang Hoàng Quỳ đã được nhiều năm, xưa nay vẫn luôn đi theo Ban Đà tiên sinh. Người đàn ông trung niên này tuy lắm khi dở hơi, nhưng mắt nhìn người thì rất chuẩn, đa phần y nhìn một cái là thấu tim đen, thế là chỉ cần nhẹ nhàng bố trí một chút, là y như rằng khiến con mồi bước đi theo đúng những gì mà y đã tính toán sẵn, kể từ đó về sau, sự sống chết của con mồi hoàn toàn nằm trong tầm kiểm soát của tay Trường Bào này.

“Tục nhân như kiến, gẩy thì nó đi, mà miết thì nó chết.” Trường Bào vẫn thường nói như vậy. Y tự đánh giá mình rất cao, hồi mới đầu nhiều người còn nghĩ con người này vào Hoàng Quỳ chắc chẳng sống được bao lâu, nào ngờ nhoắng cái đã nhiều năm trôi qua, những kẻ dám động vào y đều chết oan chết uổng cả. Không những Đại Ca vô cùng tín nhiệm y, mà những kẻ thủ hạ khi nghe y mạnh miệng nói lời ngông cuồng cũng chẳng dám không tin nữa, bởi những lời ngông cuồng nếu không biến thành xàm ngôn, thì tất sẽ biến thành dự ngôn. Đám mãng phu thì sợ Pháo Đầu, nhưng cả thảy ba bang năm phái khác đều kỵ Hoàng Quỳ, phần nhiều chỉ vì một gã Ban Đà này mà thôi.

Nếu không phải đương lúc thời thế rối ren, thì việc Ban Đà phải đích thân đối phó với loại tiểu quỷ như Trần Bì thực là điều hạ mình lắm. Nhưng có lẽ cũng vì chuyện Thủy Hương mà Ban Đà mới kiên định như thế.

Gã văn thư âm thầm suy tính, rồi nhìn Trần Bì. Tiếp theo đây, gã sẽ cung kính dẫn Trần Bì đến Bách Bình Lâu, trên đường đi gã sẽ nịnh hót hết lời, người khác chắc chắn sẽ lườm nguýt gã vì đối đãi đặc biệt như thế với một tên ăn mày, nhưng gã không thèm để bụng đâu, bởi vì sau khi đưa Trần Bì vào bao sương trong Bách Bình Lâu, tất cả mọi chuyện sẽ chấm dứt hẳn. Thậm chí Trường Bào sẽ không bao giờ hỏi đến chuyện này một lần nào nữa, đúng thế, Trường Bào sẽ không bao giờ ghi nhớ một cái bẫy y tùy tiện sắp đặt để giết toi một mạng người đâu.

Quả nhiên, Trần Bì đứng lên, bước đến trước đống lễ vật, lôi từ trong rương ra một bộ quần áo, ướm thử một cái. Gã văn thư cười thầm trong bụng, thầm nghĩ thằng ranh này ấy thế mà còn biết làm đỏm cơ đấy, rồi thấy Trần Bì bỗng dưng vắt bộ quần áo lên vai mình. Gã còn chưa kịp phản ứng, một nhát dao bén ngót xiên thẳng vào tim gã.

Văn Thư giật nảy cả người, thấy trước ngực máu tóe ra đầm đìa, Trần Bì bèn chèn bộ quần áo lên, ra sức nhồi vào vết thương trước ngực gã. Gã văn thư vẫn không dám tin vào điều vừa xảy ra, rồi từ từ ngã sấp xuống vị trí của Trần Bì.

Trần Bì nhìn xung quanh, thấy không ai chú ý, mới xoa xoa tay, quay ra cởi quần áo xuống, đến rương lễ vật tìm một bộ khác, ăn mặc thật chỉnh tề. Hắn tự thấy mình cũng có đến mấy phần oai phong. Nhét một ngàn văn tiền vào người, giắt thêm hai khẩu súng Nhật, Cửu Trảo Câu và con dao gọt dứa, rồi lên đường đến Bách Bình Lâu.

Hắn không nhìn thấy, Trường Bào đang đứng trên một cái cây gần đó, chứng kiến hết thảy. Thấy gã văn thư ăn một dao, Trường Bào vui vẻ rời đi.

Y liệu được Trần Bì là hạng người như vậy, nhưng cũng thực không ngờ Trần Bì lại giết người như thế. Thật là thô tục.

Kẻ bị mưu hại vĩnh viễn không bao giờ biết mình đang bị mưu hại, gã văn thư nhìn Trường Bào mưu hại biết bao nhiêu người, xưa nay luôn cho rằng bản thân chỉ là kẻ ngoài cuộc, nhưng đó mới chính là nỗi bi ai của tục nhân. Sắc mặt Trường Bào đột ngột sa sầm, y nhớ đến ngày hôm trước, gã văn thư xông lầm vào phòng y, lúc ấy tiểu thiếp của y không kịp vào gian trong, đôi chân nhỏ của tiểu thiếp mà y vẫn thường đùa bỡn ấy không ngờ lại bị gã văn thư kịp liếc mắt nhìn một cái.

Đôi mắt cá chân ấy nhỏ xinh như đầu đũa, chỉ e không còn tìm lại được một đôi mắt cá xinh xắn đến như vậy nữa, hơn nữa, gã văn thư lại rất được việc. Y đã mất ngủ suốt mấy đêm liền, nhưng vẫn không thể chấp nhận được chuyện cặp mắt heo của gã văn thư lại nhìn thấy đồ vật riêng tư của mình, mẹ kiếp thật, sau hôm ấy thế nào gã ta cũng sẽ mơ màng tơ tưởng đến cặp chân ấy, nói không chừng, còn vừa tơ tưởng vừa thủ dâm nữa. Chuyện này, làm sao mà y có thể chịu đựng được cơ chứ?

Toàn thân Trường Ba nổi da gà, trong lòng khổ sở khôn cùng. Trong khi đánh chết tươi nàng tiểu thiếp, nước mắt y giàn dụa, sướt mướt như một kẻ mít ướt vậy, vào lúc ấy y đã thề, rằng gã văn thư kia thế nào cũng phải chết, để đền mạng cho con nha đầu mệnh khổ này.

Y nhảy xuống khỏi cành cây, có mấy gã thuộc hạ đang chờ sẵn dưới tán lá, Trường Sam liếc mắt một cái, “Đi báo với đại ca, Trần Bì giết văn thư của ta, coi thường Hoàng Quỳ, ta phải lấy mạng hắn.” Gã thuộc hạ kia chạy đi, những người còn lại tuân theo lệnh của Trường Bào, lẳng lặng bám theo Trần Bì đến Bách Bình Lâu.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.