[Đạo Mộ Bút Ký] Lão Cửu Môn

Chương 17: Tương thập cửu hương



Đê khâu tay nhà Nhị Nguyệt Hồng, tính từ khi lập gia đến nay, tổng cộng có 1027 cái, mỗi đóa hoa khắc trên đầu mỗi cái đê đều không giống nhau. Rương này có đến hàng ngàn ngăn nhỏ, đáy rương quét một lớp dầu mềm, hễ có ai xuất sư, trong nhà sẽ có người đánh riêng cho một cái đê, đem mặt khắc hoa văn trên cái đê ấn xuống đáy ngăn quét dầu mềm, đóng một con dấu ở đó. Sau khi chủ nhân cái đê chết đi, cái đê mới được trả lại về ngăn đã được đánh dấu ngày đó.

Quy củ này đặt ra là vì sợ khi những cái đê lưu lạc ngoài giang hồ, có người ngoài nhặt được lại giả mạo người họ Hồng mà hành sự, làm liên lụy đến nhiều người.

Mặc dù vậy, trên giang hồ vẫn không ít những kẻ trộm làm giả cái đê để sinh sự, chỉ mấy năm gần đây vì Trương Khải Sơn đứng lên chủ trì Cửu Môn, những chuyện như thế mới bớt dần đi. Vậy mà hôm  nay, cái đê này lại vừa khớp với hoa văn dưới đáy ngăn trong rương, đây đích thị là di vật Hồng gia rồi, không còn nghi ngờ gì nữa.

Tuyệt học gia truyền nhà họ Hồng, mấy đời gần đây rất ít người chết bất đắc kỳ tử, trong rương có mấy ngăn trống rỗng, thuộc về một nhóm người duy nhất đã mất tích từ mấy chục năm về trước trong một lần xuống đất. Nhóm người này cho đến nay vẫn không rõ tung tích, mà cái đê này lại xuất hiện ở đây, chứng tỏ mấy vị tổ tiên đó đã táng thân trong mộ rồi.

Nhớ năm đó ngôi cổ mộ trong núi sâu mà bọn họ đi tìm nằm ở khu vực rừng nguyên sinh cửa núi Đại Lung Lĩnh gần Tương Tây, nơi đó không có tuyến đường sắt nào nối với Trường Sa, cũng không thể lái xe mà đi, cưỡi la mà đi cũng phải ròng rã mất hai tuần mới đến được cửa núi.

Đại Lung Lĩnh kéo dài hơn một trăm kilomet, sau đó là núi lớn mênh mông ranh giới giữa hai đất Tương và Ngạc(1), toàn là rừng sâu núi thẳm. Sau khi xảy ra chuyện, phụ thân Nhị Nguyệt Hồng từng nhiều lần cố gắng tìm cách cứu viện, nhưng cổ mộ này vạn phần hung hiểm, đã vào mấy lần mà cũng đều hết cách, phải thối lui. Không biết phụ thân đã trải qua những gì trong đó, mà sau khi ra ngoài, liền thiêu hủy hết toàn bộ những tài liệu liên quan đến cổ mộ này, không cho phép con cháu trong nhà bén mảng đến gần đó nửa bước. Bây giờ, biết bao nhiêu năm đã trôi qua, cỏ cây lại mọc, núi non đổi thay, cho dù có người dẫn đường, nhưng muốn tìm ra vị trí cụ thể cũng không phải chuyện một sớm một chiều.

Cái đê của Nhị Nguyệt Hồng, phía trên khắc một đóa thủy tiên, cũng đã đặt trong rương này, thể hiện quyết tâm không xuống mộ lần nữa của anh. Anh vuốt ve cái đê một lúc, khiến tay dính đầy bụi, rồi mới quay đầu đốt ngọn đèn da cá mà treo lên xà nhà. Đèn làm từ da rái cá kéo căng, bên trong có các con rối hình cá thu xoay tròn do hơi nóng, đàn cá bơi trong ánh sáng loang loáng như nước, chiếu sáng cả một góc phòng – ở đó có một mô hình lập thể dựng bằng rơm rạ, là mô hình bên trong một cổ mộ.

Anh hít một hơi thật sâu, lẳng lặng nhìn mô hình này. Mỗi lần phụ thân trở về từ Đại Lung Lĩnh, người đều nhốt mình trong mật thất, dùng các que rơm rạ để dựng nên mô hình này, dường như muốn phục dựng lại kết cấu của ngôi mộ kia. Điều đó chứng tỏ lúc ấy phụ thân rất muốn chinh phục tòa cổ mộ này, nhưng đến lần cuối cùng trở về từ ngôi mộ đó, người lại tiêu hủy toàn bộ số tư liệu có được. Theo lời một người bạn già đồng hành cùng phụ thân lúc đó, trong lần cuối cùng, phụ thân đã một mình thâm nhập được vào nơi sâu nhất trong cổ mộ, trong lần đó, chắc chắn người đã nhìn thấy cái gì đó.

Nhị Nguyệt Hồng ngẩn người trong mật thất cho đến tận canh hai, bao nhiêu là suy nghĩ rối rắm như tơ vò, đến khi quay lại sân viện, nhìn thấy đèn trong phòng ngủ vẫn sáng, không khỏi có chút ân hận. Vội vàng tắm sơ qua rồi mới vào phòng, thấy vợ mình đang nằm nghiêng ở đầu giường đọc “Đoạn hồng linh nhạn ký” của Tô Mạn Thù, đọc đến say mê, chẳng hay biết Nhị Nguyệt Hồng đã vào từ bao giờ.

Cô nương nhỏ nhắn này, nhũ danh Nha Đầu, có thể nói chính là cô nương bị nhiều người ghen tỵ nhất Trường Sa. Có lẽ là bị người ghen ghét nhiều quá, nên sức khỏe quanh năm suy yếu.

Nhị Nguyệt Hồng từ tốn nằm xuống, Nha Đầu mới giật mình một chút, buông sách xuống, thổi tắt đèn, rồi ngả vào lòng Nhị Nguyệt Hồng.

“Sách uyên ương hồ điệp(2) có hay hay không?” Nhị Nguyệt Hồng nhẹ giọng hỏi bên tai nàng. Nha Đầu lắc đầu, nhắm hai mắt lại.

Ánh trăng từ ngoài song cửa chiếu vào, Nhị Nguyệt Hồng vẫn mở trừng trừng hai mắt, yên lặng nghe tiếng Nha Đầu hít thở. Dưới ánh trăng, tấm màn che loang loáng từng mảnh sáng vụn vỡ li ti kỳ lạ. Anh giơ tay lên, định kéo màn lại cho kín, chợt phát hiện, trên tay mình vẫn đeo cái đê từ bao giờ.

Anh sửng sốt  một chút, mới nhận ra mình vẫn theo thói quen, bất tri bất giác, đã đeo lại cái đê lên tay rồi.

Bên này hồ điệp uyên ương, bên kia Trương Khải Sơn đã nhốt mình trong phòng làm việc dán đầy các loại bản đồ Hồ Nam. Ông ta vẫn ngồi trước bàn làm việc, nhìn hơn mười mảnh Giáp Cốt trước mặt, thỉnh thoảng lại cầm một mảnh lên ngửi. Những mảnh Giáp Cốt này đều được phát hiện ở trong dạ dày các thi thể người Nhật, kích cỡ chỉ nhỏ bằng cái móng tay.

Loáng một cái đã quá nửa đêm, Tề Thiết Chủy buồn ngủ ríu cả mắt lại, pha cho mình một ấm trà thật đặc, cuối cùng lại làm đổ cả nước trà xuống thảm. Thấy viên sĩ quan phụ tá không chú ý, mới lập tức dịch cái bàn trà sang bên cạnh để che vết nước đổ. Bên cạnh có anh chàng sĩ quan tham mưu họ Thi đang ôm đống tài liệu đã dịch xong, căng thẳng đứng chờ Trương Khải Sơn cho mời vào. Tề Thiết Chủy bèn gọi anh ta lại, xem cặp tài liệu anh ta đang cầm trong tay.

Đây là những tài liệu thu được trên xe lửa, đa phần đều có liên quan đến địa điểm khai quật số quan tài và giám định sơ bộ. Những tài liệu này được ghi chép hết sức chi tiết, hầu như mỗi một cỗ quan tài đều có thể truy ra được địa điểm và thời gian khai quật.

“Lão thầy bói, lão thầy bói.” Trương Khải Sơn bỗng gọi hắn, Tề Thiết Chủy lập cập chạy tới, đến nơi liền không nhịn được mà ngáp một cái rõ to, Trương Khải Sơn lập tức ném một miếng Giáp Cốt vào miệng hắn.

Tề Thiết Chủy hết cả hồn, vội vàng nhổ ra, chỉ vào Trương Khải Sơn, ghê tởm không nói nên lời.

“Cái lưỡi ông này là nhất rồi, nếm ra được vị gì nào?” Trương Khải Sơn hỏi, Tề Thiết Chủy phun nước bọt phì phì, khạc nhổ liên tục, “Ớt dây mười chín vị, tương dầu hạt tía tô, đây là gia vị bên Động Khẩu Tương Tây à?” Nói rồi sắc mặt lại tím tái, muốn nôn mửa.

“Long cốt tùy táng, những Giáp Cốt này đều phải sắc với thuốc bắc, dùng để phòng ngừa những biến đổi bệnh lý của thi thể trong quan tài, tránh gây truyền nhiễm cho người khác trong lúc nhập liệm. Những người Nhật này sau khi mắc bệnh, cũng hy vọng thuốc ngấm trong Long cốt có thể trị được sâu bệnh trong cơ thể họ. Nhưng thằng cha nào thiếu não lại đổ Thập cửu hương và dầu tía tô vào nồi sắc thuốc? Nhất định là cao nhất nhà ông cố ý làm vậy, để báo cho chúng ta biết nơi xe lửa này hướng đến.” Trương Khải Sơn lạnh lùng nói: “Vị cao nhân này, đùa bỡn đám người Nhật phải chạy vòng vòng. Giống như ông, giả heo xơi thịt hổ.”

Tề Thiết Chủy chỉ vào Trương Khải Sơn đang tìm lá trà khắp phòng, cãi cùn: “Ta thế nào lại giả heo!”

Thi sĩ quan nghe mùi bãi nôn của Tề Thiết Chủy, sắc mặt cũng bắt đầu tím bầm. Trương Khải Sơn đi tới trước tấm bản đồ lớn, nhìn khu vực Tương Tây Tương Bắc: “Xe lửa đi từ hướng này đến, đến đất Ngạc là đường sắt bị nổ đứt rồi, xe lửa nhất định là từ vùng núi này tới, trong vùng núi này có lẽ giấu đường ray khác đây, phần nhiều là liên quan đến núi mỏ. Toàn bộ khu vực này toàn là núi mỏ, nhưng chỉ có một số gia đình nhà quê vài vùng là dùng Thập cửu hương để ăn thôi, ở đây, ở đây, và đây nữa.” Trương Khải Sơn chỉ vào mấy chỗ trên bản đồ. “Chắc chắn chiếc xe lửa đến từ đây, cứ tìm mấy tấm bản đồ chi tiết các vùng này, chúng ta tìm từng cái một là tra ra được, ngày mai lên đường.”

Tề Thiết Chủy nhìn Trương Khải Sơn, vừa súc miệng vừa lắc đầu quầy quậy: “Phật gia, tâm hồn tôi bị tổn thương, không đi.”

Trương Khải Sơn không quay đầu lại, lặng lẽ nói: “Quân phòng thủ Trường Sa quá quan trọng, tộc nhân của ông vì báo tin cho chúng ta mà ngay cả mạng cũng mất, chứng tỏ trên đường còn rất nhiều tin tức khác của Tề gia nữa, chuyến này ông tuyệt đối đừng từ chối.”

———————

(1) Tương là tên gọi khác của Hồ Nam, Ngạc là tên gọi khác của Hồ Bắc.

(2) Sách uyên ương hồ điệp: các tác phẩm theo phái “uyên ương hồ điệp”, dùng ngôn ngữ hiện đại để nói trong bối cảnh hiện đại cho dễ hiểu thì chính là truyện ngôn tình =))

Tô Mạn Thù (1884-1918) tên thật là Tử Cốc, pháp danh Mạn Thù, hiệu Nguyên Anh. Ông là nhà thơ, nhà văn, họa sĩ và là dịch giả cuối thời Thanh. Cha ông là Tô Kiệt Sinh, một Hoa kiều sống ở Nhật, mẹ ông là người Nhật. Năm 1894, ông theo cha về Trung Quốc, sau lại qua Nhật học. Ông là một nhà thơ tài năng, học thức uyên bác, từng dịch nhiều thơ Tây phương sang chữ Hán, ngoài ra còn viết một số tiểu thuyết bằng văn ngôn đơn giản, đa số là bi kịch ái tình hôn nhân, nổi tiếng nhất là tiểu thuyết mang tính tự truyện “Đoạn hồng linh nhạn ký”, có ảnh hưởng trực tiếp đến phong trào “Uyên ương hồ điệp phái” sau này.

Tác phẩm này đã được nhà thơ Bùi Giáng chuyển dịch sang tiếng Việt với tựa là “Nhà sư vướng lụy”.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.