Trên đường đi, Thạch Bình Nhi kể với tôi nhiều chuyện về hồi cô còn bé và về người chị gái. Các chuyện linh tinh ấy tôi chẳng mấy để ý nghe, tôi chỉ chú ý xem xung quanh có gì lạ hoặc có gì biến đổi không. Thậm chí tôi vừa đi vừa lấy cuộn giấy vệ sinh trong túi đeo ra xé thành mảnh nhỏ rắc xuống đường đi. Hai chúng tôi đi chừng gần chừng một cây số thì Thạch Bình Nhi bỗng dừng lại, tôi cũng dừng bước và còn khẽ đẩy cô ta một cái, hỏi tại sao phải dừng lại. Thạch Bình Nhi chỉ chiếu đèn pin xuống phía dưới, tôi nhìn theo. Thấy bên dưới chân cô là một cái hố sâu hoặc là một cái vực sâu cũng nên, vì ánh đèn pin không thể rọi xuống tận đáy. Tôi vội tựa lưng nép sát vào vách đá bên cạnh, rồi Thạch Bình Nhi cũng đứng tựa vách đá ngay sát bên tôi, cô nói: “Hết đường đi rồi!”
Tôi lia đèn pin khắp xung quanh. Phía trước mặt chúng tôi là một tuyến hang động tựa như một con sông sâu, bên trên toàn là thạch nhũ buông rũ xuống, bên dưới là một khoảng tối đen không nhìn thấy gì hết. Nói cho đúng hơn, trước mặt chúng tôi là một hang động thênh thang, không gian của nó là hình tròn, trông như hình quả trứng gà mà hai đầu có hai hốc cửa, phía trước mặt chúng tôi chính là “lòng” quả trứng gà khổng lồ ấy. Tôi điều chỉnh tăng độ sáng của đèn pin, rồi chiếu thẳng về phía trước, có thể thấy lờ mờ ở đầu bên kia có một cửa động cũng to na ná như cửa bên này, hai cửa cách nhau chừng một chục mét. Cự ly này, dù tôi lùi lại hàng trăm mét để lấy đà cũng không thể nhảy sang.
Tôi quay lại nhìn Thạch Bình Nhi, nói: “Muốn sang được bên kia, chúng ta phải tìm cách đi xuống dưới đáy, sau đó lại trèo lên. Như thế sẽ an toàn nhất.” Nghe tôi nói xong, Thạch Bình Nhi cài đèn pin lên vai, sau đó áp sát người xuống mép vực, quan sát bên dưới, rồi cô ngẩng đầu nói: “Anh nhìn xuống mà xem!”
Nói rồi cô đứng lên. Tôi cũng cài đèn pin lên vai, nằm rạp xuống nhìn, chỉ thấy dưới đó tối om, nhưng có thể nhận ra ở gần mép vực có thứ gì đó giống như một lớp sương mù đang bồng bềnh lên xuống. Phía dưới nó là những măng đá nhọn hoắt chĩa lên, nếu chúng tôi đi xuống thì cũng không có chỗ nào mà đứng; nếu liều lĩnh nhảy xuống thì sẽ bị măng đá đâm vào người, nhiễm trùng rồi phát sốt.
Tôi đứng lên nhìn phía trước mặt, rồi hỏi Thạch Bình Nhi: “Cô có đem cái thứ gì đó không… cái thứ vẫn nhìn thấy trong phim, trông tựa như cung nỏ. Mũi nỏ được buộc sẵn dây, chúng ta sẽ bắn sang bên kia, sau đó chúng ta buộc dây vào người rồi bám theo dây mà sang?”
Thạch Bình Nhi lắc đầu: “Không. Có thừng và có cả móc nữa, nhưng anh nhìn xem, hình như bên kia không có chỗ để móc câu bám chặt, bên này thì toàn là thạch nhũ hễ đụng vào là gãy vụn thành cát, dù chúng ta có thừng quăng sang được bên kia nhưng hễ hơi căng thì cũng tuột ra, không chịu nổi trọng lượng.”
Thạch Bình Nhi nói thế, hóa ra lại gợi ý cho tôi. Nếu thạch nhũ bên này rất dễ vỡ thì những măng đá dưới kia cũng thế chứ gì? Nghĩ đến đây, tôi mở túi lấy dây thừng ra, rồi bảo Thạch Bình Nhi đưa tôi cái móc câu, tôi buộc dây vào móc câu và ném xuống thật mạnh. Cú ném này lại phát ra tiếng “tõm” bên dưới, thì ra dưới đó là nước. Thế là rõ rồi. Tôi rút móc câu lên, sờ vào, đúng là bị dính nước. Tôi mỉm cười, nói: “Chúng ta mắc lừa rồi, tôi nhớ ngày xưa đi chơi động thạch nhũ, từng nhìn thấy những chỗ rất sâu, bên dưới toàn là măng đá trông như hình nấm lộn ngược.” Tôi chỉ tay lên phía trên đầu. Thạch Bình Nhi nhìn theo, đưa tay lau mồ hôi trán, rồi nói: “Đơn giản là thế, mà tôi lại quên béng! Thảo nào nhìn thấy bên dưới có hơi nước bồng bềnh.”
Chả trách lúc bắt đầu soi đèn pin xuống, tôi nhìn thấy bóng mình hắt lên… À, không! Tôi vội can Thạch Bình Nhi đang định bước xuống dưới đó, tôi nói: “Cô soi đèn pin lần nữa xem sao?” Thạch Bình Nhi soi đèn xuống, rồi ngẩng nhìn tôi. Tôi nói: “Cô không phát hiện ra điều gì lạ à?” Cô ta lắc đầu. Tôi chỉ xuống bên dưới, nói: “Nếu dưới kia toàn là nước thật, thì nó nhất định phải phản quang, và chúng ta phải nhìn thấy bóng mình chứ? Nhưng lúc này thì không thấy gì hết.”
Thạch Bình Nhi nhìn xuống, rồi cô vội đứng thẳng lên, mặc bộ đồ leo núi, sau đó cầm bình nước uống một hụm, và hỏi tôi: “Vậy bây giờ ta phải thế nào? Chắc sẽ không quay trở lại đường cũ chứ? Dẫu quay lại cũng vẫn là tử lộ.”
Tôi lắc đầu, tôi cũng chịu không biết. Rồi tôi ngồi xuống tựa lưng vào vách đá. Lúc trước thì không sao vì vẫn còn đường để mà đi, tuy không biết phía trước sẽ là gì, dù sao chúng tôi vẫn cứ là hoạt động, đầu óc cũng bớt nghĩ ngợi lung tung. Bây giờ bỗng dừng lại, trong đầu toàn hiện ra đủ các thứ chẳng đâu vào đâu, càng nghĩ lại càng thấy sợ. Tôi đang ra sức cốc vào đầu mình thật mạnh thì Thạch Bình Nhi nói: “Hay là chúng ta cứ thử đi xuống xem sao? Em cảm nhận rằng nước ở dưới đó không có chất ăn mòn, nếu có, thì cái móc sắt đã có vấn đề ngay rồi. Và, dù nó có chất độc, chúng ta chỉ cần giữ không bị dính vào người là được. Bộ quần áo mặc bên trong là bộ đồ chống nước tuyệt đối, có thể lặn dưới nước an toàn, chắc sẽ không vấn đề gì hết.”
Tôi lắc đầu, không muốn mạo hiểm kiểu này. Còn chưa rõ nước nông sâu ra sao, và nếu nước có độc tố, người bị chìm trong đó thì khó tránh khỏi phải uống vài hụm nước vào bụng, chết luôn dưới nước và không biết gì nữa.
Thấy tôi do dự chưa quyết định, Thạch Bình Nhi lại cởi bộ đồ leo núi ra, định đi xuống dưới kia. Tôi kéo ngay cô ta lại. Sắc mặt Thạch Bình Nhi bỗng tỏ ra rất vui, chắc cô đoán rằng tôi muốn cùng đi xuống với cô. Tôi nói: “Chúng ta biết nhau chưa lâu nhưng cũng có thể gọi là có duyên với nhau. Cô hãy cho tôi biết địa chỉ gia đình, đưa cho tôi cả chìa khóa nhà cô nữa. Cô chết rồi, khi nào rỗi tôi sẽ rẽ qua quét dọn nhà cửa cho, và ngày này sang năm tôi sẽ thắp hương, đốt nhiều tiền giấy, vàng mã cho cô. Ở thế giới bên kia, cô hãy phù hộ cho tôi được khỏe mạnh và sống lâu muôn tuổi là được!”
Thạch Bình Nhi hất tay tôi ra, nói: “Anh có thể đứng đắn một chút không đấy? Lúc này mà vẫn còn đùa được?”
Tôi nói: “Thì tôi đang khuyên cô mà! Mọi ngày cô luôn rất bình tĩnh, sao bây giờ lại nôn nóng đi tìm cái chết thế này?”
Thạch Bình Nhi ngồi luôn xuống đất, nói: “Vậy theo anh thì nên làm gì? Bây giờ tiến không được, lùi không xong, chẳng lẽ cứ ngồi đây mà chết khô à?”
Tôi ngả đầu vào vách đá, nhắm mắt, nhưng một luồng sáng đã rọi ngay vào mắt tôi, tôi vội đưa tay lên che mắt, nói: “Kìa, đừng chiếu đèn vào mắt người ta! Mù mắt như chơi đấy!”
Thạch Bình Nhi: “Chiếu cho anh mù mắt mới phải! Đàn ông mà chẳng có đầu óc, can đảm cũng không… À khoan đã, anh tránh ra!” Bị Thạch Bình Nhi đẩy mạnh, tôi bèn ngồi nhích sang bên. Thạch Bình Nhi soi đèn pin vào chỗ tôi vừa tỳ đầu lên và xem xét cái gì đó, tôi vội ngoảnh sang nhìn, thấy chỗ vách đá ấy có một số hình vẽ và chữ viết, nhưng chúng có màu ố vàng, không thể nhận ra là gì.
Thạch Bình Nhi quan sát rất kỹ, miệng thì lẩm bẩm gì đó. Tôi hỏi cô trên đó là những gì, cô ta cứ phớt lờ. Tôi đành ngồi sang bên chờ cô ta xem xong. Một lúc lâu sau, Thạch Bình Nhi mở túi đeo lấy giấy bút ra, bảo tôi cầm đèn soi lên vị trí đó để cô ghi chép. Lát sau, cô ngẩng đầu lên, nói: “Trên đó khắc Nhị thập bát tú của thiên văn cổ đại, trên dưới phải trái hợp lại trông hơi giống bùa chú của Đạo giáo. Em đã từng nhìn thấy những thứ này, nó cũng nằm trong quyển hạ của bộ sách kia. Bùa chú in lại từ cuốn “Đạo tạng” thời cổ mà quyển hạ có ghi chép, rất giống bùa chú này. Chỉ khác ở chỗ, 28 vì sao ở đây bố trí bên trên 14 bên dưới 14, tức là ngược với bùa chú mà em đã nhìn thấy.”
Nói rồi Thạch Bình Nhi chỉ tay lên hình vẽ trên vách đá: “Anh nhìn chỗ này này, bên cạnh còn khắc một số chữ, hoàn toàn không phải chữ Hán.” Tôi áp lại nhìn, nói: “Có vẻ như là tiếng Anh?” Thạch Bình Nhi lắc đầu: “Không, không phải tiếng Anh, mà là hơi giống các ký tự tiếng La Mã.”