Huyện Tấn Dương, tỉnh Sơn Tây, có công tử họ Nam, tên Tam Phục, thuộc dòng dõi thế gia, được dân chúng trong vùng nể trọng. Năm ấy, Tam Phục hai mươi bảy tuổi, góa vợ, chưa có con.
Tam Phục có một ngôi biệt thự ở cách tư thất chừng mươi dặm. Một sáng mùa hè, Tam Phục cưỡi ngựa đi thăm biệt thự. Ði được nửa đường, bỗng trời đổ mưa, Tam Phục bèn xuống ngựa, dắt vào đứng dưới mái cổng căn nhà bên đường để tránh mưa. Chủ nhà là một nông dân, nhận ra khách đứng ở ngoài ngõ là Tam Phục, vội giương dù chạy ra mời vào nhà ngồi chơi. Tam Phục nhận lời. Chủ nhà bèn buộc ngựa của Tam Phục vào cột cổng rồi cung kính che dù cho Tam Phục vào nhà.
Tam Phục thấy nhà nghèo lắm, chỉ có một phòng khách hẹp với hai phòng ngủ nhỏ. Chủ nhà mời Tam Phục ngồi, đi lấy nước rẩy sàn quét nhà cho khỏi bụi rồi pha trà nóng với mật ong, mời Tam Phục uống. Chủ nhà cứ đứng khoanh tay hầu chuyện Tam Phục cho tới khi Tam Phục bảo ngồi, chủ nhà mới dám ngồi.
Tam Phục hỏi:"Ông họ gì?" Chủ nhà đáp:"Tôi họ Ðậu, tên Ðình Chương" Hỏi:"Bà ấy đâu?" Ðáp:"Tiện nội mất đã được ba năm rồi!" Hỏi:"Ông được mấy người con?" Ðáp:"Tôi chỉ được một mụn con gái" Hỏi:"Tên chi?" Ðáp:"Tiện nữ tên Tố Nga" Hỏi:"Bao nhiêu tuổi?" Ðáp:"Tiện nữ mười lăm" Tam Phục cứ hỏi chuyện Ðậu ông như thế. Chợt Ðậu ông nói:"Chẳng mấy khi công tử tới tệ xá chơi, xin mời công tử ở lại dùng với tôi một bữa rượu!" Tam Phục nói:"Cũng được" Ðậu ông bèn xin phép xuống bếp làm cơm.
Lát sau, Ðậu ông bưng lên một mâm cơm với thịt gà và rượu, xin phép Tam Phục cho mình được ngồi đối ẩm, chuyện trò. Tam Phục gật đầu. Ăn xong, Ðậu ông xuống bếp bảo con pha trà mới rồi lại trở lên tiếp khách.
Tố Nga đun nước sôi pha trà, bưng khay trà lên đặt ở cửa phòng khách rồi lại quay xuống bếp. Ðậu ông ra cửa bưng khay trà vào mời Tam Phục. Tuy chỉ nhìn thấy nửa người Tố Nga thấp thoáng ngoài cửa, song Tam Phục cũng biết là Tố Nga đẹp lắm và có mái tóc xõa xuống hai vai. Trời tạnh mưa, Tam Phục xin cáo biệt.
Về nhà, Tam Phục thấy hình bóng Tố Nga cứ lởn vởn trong đầu rồi thấy lòng mình xao xuyến. Hôm sau, Tam Phục sai gia nhân đem gạo và lụa tới biếu Ðậu ông để đáp l. Từ đó, cứ ba ngày một lần, Tam Phục lại sai gia nhân đem rượu thịt tới nhà Ðậu ông để mình tới đối ẩm, chuyện trò. Lâu dần, Tam Phục với Ðậu ông trở thành bạn thân. Vì thế, Tố Nga cũng dạn dần, chẳng còn phải tránh né Tam Phục như trước nữa. Mỗi lần cha gọi pha trà, Tố Nga đã dám bưng thẳng khay trà vào phòng khách. Thấy Tố Nga, Tam Phục cứ ngây người ra ngắm. Bắt gặp Tam Phục ngắm mình, Tố Nga chỉ mỉm cười.
Một hôm, Tam Phục tới gõ cổng nhà Ðậu ông để vào thăm. Tố Nga ra mở. Tam Phục hỏi:"Lệnh tôn có nhà không?" Tố Nga đáp:"Gia nghiêm vừa đi vắng!" Hỏi:"Bỉ nhân có thể vào nhà ngồi chờ được không?"Ðáp:"Xin mời công tử vào!" Tam Phục bèn vào ngồi ở phòng khách. Tố Nga vào nhà trong, thầm mong cha chóng về tiếp khách.
Chờ mãi chẳng thấy cha về, Tố Nga ngại cho khách phải ngồi lâu, bèn đánh bạo bước ra, thay cha tiếp khách. Tam Phục lợi dụng thời cơ, nắm lấy cổ tay Tố Nga, buông lời chọc ghẹo. Tố Nga ngượng quá, nghiêm sắc mặt, nói: "Nhà thiếp tuy nghèo song cha con thiếp chẳng chịu để cho ai làm nhục cả! Xin công tử chớ cậy mình giàu có mà làm nhục thiếp! Gia nghiêm muốn thiếp phải đứng đắn để lấy được một tấm chồng tử tế!" Tam Phục hoảng sợ, vội chắp tay xin lỗi, nói: "Vì bỉ nhân thành tâm muốn được tiểu nương để ý nên mới trót xúc phạm, mong tiểu nương thứ lỗi cho! Bỉ nhân đã hết tang tiện nội, nay muốn xin cưới tiểu nương về làm kế thất! Nếu tiểu nương ưng thuận thì bỉ nhân sẽ nhờ người tới thưa chuyện với lệnh tôn, khỏi phải nhờ người đi kiếm giùm đám khác!" Tố Nga tỏ vẻ nghi ngờ, nói: "Thiếp thấy khó lòng mà tin được lời công tử! Công tử là con nhà dòng dõi thế gia, khi nào lại chịu đi cưới con gái một gia đình nông dân như thiếp?" Tam Phục nói: "Nếu tiểu nương chẳng tin thì bỉ nhân xin thề độc!" Tố Nga mỉm cười, nói: "Công tử cứ thử thề độc cho thiếp coi xem công tử thề độc tới mức nào?" Tam Phục bèn thề: "Bỉ nhân là Nam Tam Phục, thề sẽ hỏi cưới tiểu nương Ðậu Tố Nga làm kế thất, xin quỷ thần chứng giám. Nếu sau này, bỉ nhân bội lời thề này thì xin quỷ thần cứ xử bỉ nhân tội chết!" Thấy lời thề độc, Tố Nga mỉm cười tin tưởng, rồi để mặc cho Tam Phục muốn làm chi thì làm. Tam Phục bèn bồng Tố Nga vào phòng trong mà ân ái. Khi Tam Phục từ biệt Tố Nga, Ðậu ông vẫn chưa về.
Từ đó, ngày nào Tam Phục cũng sai gia nhân tới ngõ nhà Ðậu ông rình lén. H thấy Ðậu ông vừa ra khỏi cổng là gia nhân lại chạy về báo để Tam Phục cưỡi ngựa sang ân ái với Tố Nga.
Mười tháng sau. Một hôm Tố Nga giục Tam Phục: "Công tử cứ lén lút với thiếp mãi như thế này thì chẳng phải là kế lâu dài. Công tử đã thuận cho thiếp được núp bóng thì xin công tử hãy chính thức hỏi cưới thiếp ngay đi! Công tử mà hỏi thì chắc chắn là gia nghiêm sẽ gả ngay chứ chẳng thể nào từ chối, vì chẳng ai có thể đem lại vinh dự cho gia đình thiếp như công tử được! Xin công tử hãy xúc tiến việc cưới hỏi gấp cho, chớ để thiếp phải lo lắng mãi!" Tam Phục gật đầu.
Tối ấy, về nhà, Tam Phục lại nghĩ là mình dòng dõi thế gia, chẳng thể nào hỏi cưới con gái một gia đình nông dân được. Vì thế, hôm sau Tam Phục kiếm cớ nói quanh với Tố Nga để trì hoãn việc cưới hỏi, rồi nhờ bà mối để ý kiếm cho mình một nơi môn đăng hộ đối.
Tháng sau. Một hôm bà mối tới nhà Tam Phục, nói: "Lão thân đã kiếm được cho công tử một đám đăng đối rồi!" Tam Phục hỏi: "Ðám nào?" Ðáp: "Tô tiểu thư, ái nữ của Tô công!" Hỏi:"Tô công là ai?" Ðáp: "Công tử chẳng biết sao? Tô công, quán tại vùng này, được triều đình bổ nhậm đi làm quan tể ở xa, nay mới hồi hưu!" Thấy Tam Phục có vẻ còn trù trừ chưa quyết, bà mối liền tiếp: "Tô tiểu thư đẹp lắm! Sắc nước hương trời, ai nhìn thấy cũng phải mê! Còn Tô công thì giàu có lắm, hứa với ái nữ rằng khi nào vu quy, sẽ cho ngàn vàng làm của hồi môn!" Nghe thấy thế, Tam Phục bèn quyết định nhờ bà mối đi hỏi Tô thị cho mình. Bà mối tới thưa chuyện với Tô công. Tô công ưng thuận, hẹn năm sau cho nghênh hôn.
Một hôm, Ðậu ông đi vắng, Tam Phục lại tới nhà ân ái với Tố Nga. Tố Nga nói: "Thiếp muốn nói với công tử một việc quan trọng!" Tam Phục hỏi: "Việc gì?" Ðáp: "Thiếp đã mang thai với công tử. Xin công tử hãy xúc tiến việc cưới hỏi gấp cho!" Tam Phục chỉ ậm ừ rồi ra về. Từ hôm ấy, Tam Phục biệt tăm, chẳng bén mảng tới nhà Ðậu ông nữa.
Ðậu ông thấy bụng con gái mình mỗi ngày một lớn thì tra hỏi. Tố Nga thú thực. Ðậu ông bèn nhờ bà mối tới hỏi Tam Phục cho rõ thực hư. Tam Phục chối, nói: "Nếu cô ta mang thai thì bào thai trong bụng cô ta là của đàn ông nào đó chứ đâu có phải là của tôi?" Bà mối về thuật lại. Nghe thấy thế, Ðậu ông giận quá, lấy roi đánh con. Tố Nga uất ức lắm song cũng đành chịu, chẳng biết phải biện bạch với cha như thế nào để cho cha tin mình.
Sáu tháng sau. Một chiều đông, Tố Nga sanh con trai. Tối ấy, Tố Nga mệt mỏi, nằm ngủ thiếp đi. Thấy thế, Ðậu ông vội vùng dậy, bế đứa cháu đem ra sau nhà, vứt vào thùng rác. Tỉnh giấc, Tố Nga thấy mất con thì biết ngay là con mình đã bị ông ngoại vứt đi, nên lẻn ra vườn sau tìm con. Thấy con nằm trong thùng rác, vẫn còn sống, Tố Nga vội ẵm ra, chạy sang nhà Chương bà ở hàng xóm phía đông, xin ngủ nhờ.
Sáng sau, Tố Nga nhờ Chương bà tới thuật chuyện cho Tam Phục nghe. Nghe xong, Tam Phục cứ lờ đi, chẳng nói năng chi. Thấy vậy, Chương bà nói: "Cô Tố Nga nhờ tôi nhắn với công tử rằng cô ta chẳng xin công tử cưới cô ta đâu mà chỉ xin công tử nhận đứa bé, đem về nuôi thôi!" Tam Phục tỏ vẻ bực mình, nói: "Bà đừng nói nữa! Bà hãy về đi! Ðứa bé ấy đâu có phải là con của tôi?" Chương bà đành về nói lại cho Tố Nga nghe.
Tố Nga bế con tới thẳng nhà Tam Phục, xin vào gặp mặt. Người canh cổng không cho vào. Tố Nga nói: "Ðứa bé này là con của chủ ông! Nếu ông không cho tôi vào thì nhờ ông vào nói với chủ ông rằng tôi chẳng cần chủ ông phải cưới tôi làm vợ song đứa bé này là con của chủ ông, chẳng lẽ chủ ông lại nỡ để cho nó bị chết đói chết rét hay sao?" Người canh cổng vào trình lại với Tam Phục. Tam Phục nói: "Ra bảo nó bế con cút đi! Nếu nó không chịu đi thì cứ để mặc nó ngồi ở ngoài ngõ chứ không được cho vào trong nhà!" Người canh cổng vâng dạ rồi ra nói lại. Tố Nga cương quyết không đi, cứ ngồi lỳ ở ngoài ngõ, ôm con mà khóc. Tới tối, rồi tới khuya, đói chẳng có chi ăn, rét chẳng có chi đắp.
Sáng sau, người canh cổng ra mở cổng thì thấy cả hai mẹ con đều đã chết cóng. Xác Tố Nga ngồi tựa vào thành cổng, hai tay còn ẵm đứa con ở trong lòng. Tam Phục nghe tin, liền sai gia nhân chạy đi báo cho Ðậu ông hay. Ðậu ông vừa kinh hãi vừa phẫn uất, vội chạy tới đem xác hai mẹ con về, mua quan tài chôn cất.
Hôm sau, Ðậu ông làm đơn kiện Tam Phục, đem lên nạp ở huyện đường. Quan tể đọc đơn, sai lính đi bắt Tam Phục vào huyện đường. Quan hỏi: "Ðứa bé ấy có phải là con của nhà ngươi không?" Tam Phục chối, đáp: "Bẩm đại quan, không!" Quan bèn cho điều tra. Nha lại phúc trình rằng đứa bé ấy đúng là con của Tam Phục. Quan bèn kết tội Tam Phục bất nghĩa, xử phạt mười năm tù ở. Tam Phục vội nhờ người đem vàng tới hối lộ quan. Quan nhận hối lộ rồi tha bổng Tam Phục.
Ðêm ấy, Tô công nằm mộng thấy một thiếu nữ, tay ẵm con, đầu xõa tóc, tới nhà mình, nói: "Tiểu nữ là Ðậu Tố Nga, bị tên Nam Tam Phục dụ dỗ cho y ân ái thì y sẽ cưới làm kế thất. Nay tiểu nữ đã có con với y thì y lại hắt hủi cả hai mẹ con để đến nỗi hai mẹ con cùng bị chết cóng. Y lại nhờ bà mối đi hỏi cưới lệnh ái và đã được tôn ông ưng thuận. Bây giờ, xin tôn ông hãy từ hôn với y để tránh cho lệnh ái khỏi bị ải tử. Nếu tôn ông chẳng tin lời tiểu nữ thì sau này xin tôn ông chớ oán trách là tiểu nữ chẳng có lời báo trước!" Nói xong, thiếu nữ biến mất. Tỉnh giấc, Tô công lo sợ lắm, toan từ hôn với Tam Phục nhưng rồi thấy Tam Phục giàu có nên lại nổi lòng tham, cho rằng mộng mị chỉ là chuyện hão huyền. Vì thế, Tô công vẫn quyết định gả con gái cho Tam Phục.
Tới ngày nghênh hôn, Tam Phục thấy Tô thị mi thanh mục tú, có ngàn vàng hồi môn thì mừng lắm. Tuy nhiên, trong suốt ngày cưới, Tam Phục thấy Tô thị lúc nào cũng âu sầu buồn bã thì lại rất ngạc nhiên. Tới tối, khi động phòng hoa chúc, Tam Phục thấy Tô thị cứ ứa nước mắt khóc, bèn hỏi: "Từ sáng tới giờ, lúc nào ta cũng thấy nàng âu sầu buồn bã! Rồi bây giờ lại khóc là nghĩa làm sao?" Tô thị chẳng đáp, làm Tam Phục càng ngạc nhiên. Thế rồi Tam Phục thấy Tô thị cương quyết chẳng chịu thân thiết với mình. Tam Phục bắt đầu linh cảm thấy một điều chi bất tường nên rất bồn chồn.
Tháng sau, Tô công tới nhà con rể thăm con gái. Người canh cổng mở cổng mời vào, rồi chạy vào báo tin cho chủ biết. Từ cổng vào nhà có hai ngả, ngả trước xuyên qua vườn hoa, ngả sau xuyên qua vườn đào. Tô công theo ngả sau mà vào. Khi xuyên qua vườn đào, chợt nhìn thấy một thiếu nữ treo cổ trên cành, dáng dấp trông giống con mình, Tô công kinh hãi quá, vội chạy tới để coi thì thấy đúng là con mình. Tô công cực kỳ hoảng sợ, vội chạy vào phòng khách để tìm con rể song lại chạy lạc vào phòng ngủ. Thấy một thiếu nữ lạ ngồi trên giường của con gái mình, Tô công vừa sợ vừa giận, vội quay người chạy ra. Tam Phục ngồi trong phòng khách chờ nhạc phụ. Thấy nhạc phụ chạy vào phòng ngủ, Tam Phục ngạc nhiên, vội chạy vào theo. Vừa tới cửa phòng ngủ thì thấy nhạc phụ từ trong phòng chạy ra, Tam Phục càng ngạc nhiên hơn. Tam Phục toan lên tiếng hỏi thì chợt thấy nhạc phụ lên tiếng quát: "Ta vào đây qua ngả vườn đào, thấy vợ anh treo cổ chết trên cành! Anh làm chi mà để cho nó phải tự ải? Còn thiếu nữ đang ngồi trên giường kia là ai?" Tam Phục chẳng hiểu đầu đuôi sự thể ra sao nên cực kỳ hoảng hốt, luýnh quýnh la lên: "Trời ơi! Sao lại có chuyện lạ thế này? Nhạc phụ để con coi xem!" Rồi tới gần giường xem thiếu nữ là ai thì bỗng thấy thiếu nữ ngã lăn xuống đất mà chết. Tam Phục nhìn kỹ thì nhận ra là xác Tố Nga. Tô công tới gần, hỏi: "Thiếu nữ này là ai?" Tam Phục đành phải thú thực mọi chuyện với nhạc phụ. Thấy xác Tố Nga phảng phất giống thiếu nữ trong giấc mộng đêm nọ, Tô công vừa căm tức Tam Phục lại vừa hối hận là đã gả con gái cho Tam Phục. Vì thế, Tô công lẳng lặng bỏ về.
Tam Phục nhờ người lên huyện đường trình quan tể về việc vợ mình tự ải và xin được phép mai táng. Mặt khác, Tam Phục sai gia nhân đi báo cho Ðậu ông biết về việc xác Tố Nga đang ở nhà mình. Ðậu ông nửa tin nửa ngờ, chạy ra mộ con coi thì quả nhiên thấy mộ con đã bị đào tung, quan tài bật nắp, xác con biến mất. Ðậu ông bèn sang nhà Tam Phục xin xác con, đem ra mộ chôn lại.
Ðậu ông đang phẫn uất về việc con mình bị chết oan, nay lại thấy xảy ra vụ này thì cho là Tam Phục đã dàn cảnh để làm chuyện dâm ô. Bèn lại làm đơn kiện Tam Phục, nạp quan tể. Quan thấy chuyện hoang đường, chưa biết xử ra sao. Tam Phục sợ quá, lại lấy vàng nhờ người đem hối lộ. Quan nhận hối lộ rồi dẹp vụ án. Tam Phục cũng sai gia nhân đem chút tiền bạc tới biếu Ðậu ông để cho câu chuyện được êm xuôi.
Từ đó, tự nhiên nhà Tam Phục cứ suy dần, tiền vào thì ít, tiền ra thì nhiều. Năm sau, Tam Phục nhờ bà mối đi kiếm vợ khác cho mình. Bà mối kiếm mãi chẳng được vì người nào trong vùng cũng đều biết chuyện Tam Phục, chẳng ai chịu gả con gái cho. Bà mối bèn tới nói với Tam Phục: "Bây giờ trong vùng này chẳng ai dám gả con gái cho công tử nữa! Nếu công tử muốn hỏi vợ thì phải đi hỏi ở xa. Lão thân biết một đám ở xa, đăng đối với công tử lắm, song chẳng biết công tử có thuận chăng?" Tam Phục hỏi: "Ðám nào?" Ðáp: "Tào nương, con gái của Tào tiến sĩ!" Hỏi: "Ở tận đâu?" Ðáp:"Ở Sơn Ðông! Nếu công tử thuận thì lão thân sẽ sang đó hỏi!" Tam Phục chẳng muốn cưới vợ ở xa song vì thấy chẳng còn nơi nào ở gần chịu gả con gái cho mình nên đành ưng thuận. Bà mối bèn sang Sơn Ðông hỏi Tào nương cho Tam Phục. Khi về, bà mối tới nói với Tam Phục:"Tào ông đã bằng lòng gả Tào nương cho công tử, hẹn ba tháng nữa sẽ cho nghênh hôn!" Tam Phục bèn nhờ bà mối đem sính l sang Sơn Ðông.
Hai tháng sau. Trong dân gian có tin đồn triều đình sắp ra lệnh bắt cung nữ ở các địa phương. Vì thế, nhà nào có con gái đã hứa hôn cũng cho người đưa con về nhà chồng ngay, chẳng cần đợi ngày cưới.
Trong làng của Tam Phục có một vị cử nhân họ Diêu, gia pháp rất nghiêm, có cô con gái tên Tố Tố. Tuy Tam Phục giao du với Diêu ông song vẫn chưa được biết mặt Tố Tố. Một hôm, Tam Phục chợt nghe tin Tố Tố vừa bị bạo bệnh mà thác, liền tới nhà Diêu ông để viếng tang. Tới nơi, Tam Phục thấy linh cữu Tố Tố đã được đậy nắp, đặt giữa phòng khách. Viếng tang xong, Tam Phục xin cáo biệt. Hôm sau, Diêu ông làm l mai táng cho con.
Cũng ngày hôm ấy, Tam Phục đang ngồi trong phòng khách thì chợt thấy người canh cổng chạy vào báo có xe ngựa của Tào ông cho đưa Tào nương sang. Tam Phục vội bảo người canh cổng ra mở cổng mời vào. Xa phu vừa cho xe vào đậu trước cửa phòng khách thì từ trên xe có một bà vú bước xuống, đỡ một thiếu nữ xuống theo, dắt vào phòng. Bà vú chào Tam Phục, nói: "Thưa công tử, triều đình đang ra lệnh bắt cung nữ ở Sơn Ðông gấp lắm. Vì thế, Tào ông nhà lão tì quyết định sai lão tì đưa Tào nương sang đây với công tử ngay, chẳng thể chờ ngày cưới được!" Tam Phục thấy ngoài xa phu ra, chỉ có cô dâu với bà vú nên cũng nghi ngờ, hỏi: "Tại sao lại chỉ có một mình lão bà đưa dâu sang? Chẳng có khách khứa nào đi đưa dâu hay sao?" Bà vú cười, đáp: "Thưa công tử có chứ! Xe cô dâu chạy trước, chở đầy quần áo, nữ trang và của hồi môn nên chẳng còn chỗ trống cho khách đưa dâu ngồi. Khách ngồi trên ba xe sau, cũng sắp tới rồi!" Bà vú bèn ra bảo xa phu khuân mấy rương quần áo, nữ trang và của hồi môn của cô dâu vào phòng khách rồi dặn dò cô dâu mấy lời. Xong, bà vú chắp tay vái chào Tam Phục rồi xin phép lên xe. Xa phu liền phóng xe ra khỏi cổng.
Tam Phục ngắm nhìn Tào nương, thấy cũng xinh đẹp, bèn tới gần trêu ghẹo, đùa cợt chớt nhả. Tào nương nghiêm nét mặt, nói: "Thiếp đi đường xa mệt mỏi, xin tân lang cho thiếp được vào phòng nằm nghỉ một lát. Tới tối, thiếp sẽ xin hầu tiếp tân lang!" Tam Phục bèn dẫn Tào nương vào phòng ngủ. Tào nương liền cởi bỏ nữ trang, quần áo, rồi lên giường nằm. Thấy điệu bộ của Tào nương giống hệt điệu bộ của Tố Nga, Tam Phục đã cảm thấy chẳng vui, song chưa tiện hỏi. Chợt thấy Tào nương kéo chăn trùm kín đầu để ngủ, Tam Phục hỏi: "Nàng trùm kín đầu như thế thì làm sao mà thở?" Tào nương đáp: "Thiếp có thói quen này từ hồi còn nhỏ, xin tân lang chớ để tâm!" Tam Phục bèn bỏ ra phòng khách, chờ đón ba xe khách đưa dâu.
Chờ đến tối cũng chẳng thấy chi, Tam Phục sinh nghi, bèn chạy vào phòng ngủ hỏi Tào nương. Thấy Tào nương vẫn còn trùm chăn kín đầu, Tam Phục liền lớn tiếng gọi: "Nàng nằm nghỉ đã thấy đỡ mệt chưa? Dậy đi cho ta hỏi một câu!" Chẳng thấy tiếng đáp, Tam Phục bèn chạy tới giường lật chăn ra coi thì thấy Tào nương đã tắt thở. Tam Phục kinh hãi quá, chẳng hiểu tại sao Tào nương lại chết bất thần như thế! Tam Phục vội sai bốn gia nhân tức tốc sang Sơn Ðông báo tin cho Tào ông hay.
Bốn gia nhân tới nhà Tào ông, vào báo tin thì Tào ông kinh ngạc, nói: "Gia nữ hiện đang ở nhà đây, chứ ta có cho ai đưa nó sang bên ấy bao giờ đâu?" Bốn gia nhân nghe thấy thế thì chỉ biết giương mắt nhìn nhau, chẳng hiểu đầu đuôi câu chuyện ra sao.
Sáng sau, Diêu ông ra thăm mộ con thì thấy mộ con đã bị khai quật, quan tài bật nắp, xác con biến mất. Diêu ông kinh hãi quá, chẳng hiểu kẻ đào mộ con mình muốn cướp xác con mình để làm chi. Quanh quẩn bên mộ hồi lâu, Diêu ông đành ra về. Vừa về tới nhà thì lại nghe tin cô dâu mới của Tam Phục là Tào nương ở Sơn Ðông, sáng qua vừa được bà vú đưa sang nhà Tam Phục thì tối qua đã bất thần lăn ra chết. Diêu ông liền tới nhà Tam Phục để viếng tang.
Thấy Diêu ông sang viếng tang, Tam Phục bèn dẫn vào phòng ngủ cho coi xác Tào nương. Vào phòng, Diêu ông giật mình kinh hãi vì thấy xác Tào nương chính là xác con gái mình. Diêu ông giận quá, chẳng nói chẳng rằng, vội bỏ về ngay, chẳng thèm chào Tam Phục lấy một lời. Tam Phục sững sờ kinh ngạc, chẳng hiểu đầu đuôi câu chuyện ra sao.
Về nhà, Diêu ông bèn làm đơn kiện Tam Phục về tội đã đào mả con mình, đem xác về nhà làm chuyện dâm ô. Quan tể bèn cho lính đi bắt Tam Phục tới huyện đường thẩm vấn. Tam Phục trình bày sự thực song quan chẳng tin vì Tam Phục đã nổi tiếng là một kẻ có nhiều thành tích vô hạnh ở trong vùng.