Liêu Trai Chí Dị

Chương 89: Bà chúa tây hồ



(Tây Hồ chúa)

Trần Bật Giáo, tự Minh Doãn, người đất Yên, vì cảnh nhà nghèo, đi theo phó tướng quân Giả Gián, làm chân thư kí.

Nhân có việc, đậu thuyền trên hồ Động Đình, chợt thấy một con thuồng luồng nổi lên mặt nước, Giả tướng quân lấy cung tên bắn trúng lưng nó. Có con cá ngậm đuôi thuồng luồng không bỏ, thành ra bắt được cả đôi, kéo lên mạn thuyền, chỉ còn hơi thở thoi thóp. Thuồng luồng há miệng ngáp hoài, dường như kêu cứu. Trần sinh trông thấy động lòng, xin phép Giả tướng quân cho thả nó đi, sẵn trong túi có thuốc trị thương tích, chàng đùa xoa vào vết thương của nó rồi thả xuống hồ. Nó lặn hụp giây lâu rồi đi thẳng.

Hơn một năm sau, chàng nghỉ việc về bắc, lại qua hồ Động Đình, bị gió bão lớn đánh ghe lật chìm, may phúc chàng ôm được một cái phên tre, lênh đênh cả đêm mới dạt vào bờ. Khi lên rồi ngó lại thấy một cái xác cũng theo chân dạt vô. Thì ra xác tên tiểu đồng theo hầu mình. Chàng cố kéo lên bờ, nó đã chết cứng. Chàng trong lòng đau đớn rầu buồn, ngồi trơ trọi trước thây ma. Dòm quanh chỉ thấy núi non lởm chởm, hàng liễu xanh xanh, chẳng có bóng người nào lại qua hòng thăm hỏi đường sá.

Từ sáng sớm đến quá giờ thìn, buồn bực muốn chết. Bỗng dưng xác tiểu đồng cựa quậy, chàng mừng quá rờ xem, giây lát nó ộc nước ra cả thùng, rồi thì sống dậy.

Thầy trò cởi hết áo quần phơi trên mặt đá, gần trưa mới khô ráo, mặc vào mình được, tới phiên bụng đói như cào, không sao chịu nổi. Bấy giờ dắt nhau băng núi mà đi, mong gặp xóm làng để xin ăn đỡ dạ.

Mới bò lưng chừng núi, nghe tiếng rung reng, đang dáo dác suy nghĩ, thấy hai cô thiếu nữ cưỡi ngựa từ đầu kia đi tới, rong ruổi như bay. Cô nào cũng khăn lụa bịt trán, tóc cắm lông trĩ, mình vận áo tím chẽn tay, thắt lưng gấm xanh, vai mang cung tên. Qua phía nam núi, có mấy chục người ngựa đang săn trong đám cỏ tranh, đều là mĩ nữ, trang sức như nhau.

Chàng không dám bước tới, chừng thấy một người đàn ông đi bộ, trông như lính chăn ngựa mới lần đến hỏi thăm.

Người lính đáp:

- Ngài là bà chúa Tây Hồ, lên Thủ Sơn săn bắn đó.

Chàng kể lai lịch của mình và kêu đói bụng. Người lính đưa cho gói cơm khô và căn dặn:

- Chú nên tìm đường tránh xa, nếu để chúa trông thấy thì chết mất xác đó!

Nghe nói sợ quá, chàng lật đật xuống núi, thấy trong rừng rậm có bóng lâu đài, ý chừng là cảnh chùa, liền nhắm hướng đó đi lần tới. Đến nơi, thấy vách tường sơn trắng, suối nước chảy qua, cửa sơn nửa khép, có cầu đá đi vào. Chàng dòm qua cửa, thấy bên trong san sát những lầu, những gác, như cảnh thượng uyển nhà vua, trong ý tưởng chắc là vườn của một nhà sang trọng nào đó, bèn lần mò vào. Hai bên đường đi, giàn hoa vắt ngang, hương thơm nức mũi. Qua mấy ngả quanh co, vào tới một toà lâu đài khác, mấy chục cây dương liễu thành hàng cao đụng mái nhà, chim núi hát ríu rít thì hoa càng bay, cơn gió thổi phe phẩy thì lá cây tự rụng, thật là cảnh sắc đẹp mắt khoái tâm, chẳng phải cõi trần. Đi xuyên qua một lớp tiểu đình, thấy một giá đu, cao vút mây xanh, lúc đó tứ bề lặng lẽ, không có bóng người nào. Chàng nghĩ gần chốn khuê các, cho nên nhút nhát không dám vào nữa.

Bỗng nghe tiếng ngựa hí cổng ngoài, với tiếng con gái cười nói, chàng với tiểu đồng cùng nép mình nằm phục trong đám cây hoa. Một lát, tiếng cười tiến đến gần, nghe một cô nói:

- Bữa nay đi săn không vui, bắt được muông chim rất ít.

Một cô khác nói:

- Nếu công chúa không bắn rơi một con nhạn hôm nay, thì ra cuộc săn tốn công vô ích.

Liền đó, mấy người thị nữ áo đỏ nâng đỡ một vị thiếu nữ đến ngồi trong tiểu đình. Nàng mặc nhung phục, tuổi độ mười bốn, mười lăm, tóc mướt mình thon, vẻ đẹp hoa ngọc nhị quỳnh cũng không bì kịp. Bọn gái hầu dâng trà thơm và đốt trầm hương, khói cuộn long lanh như gấm dệt. Giây lát, nàng đứng dậy bước xuống dưới thềm, một cô gái hầu nói:

- Công chúa cưỡi ngựa nhọc mệt, giờ có thể chơi đu được chăng?

Nàng cười và gật đầu. Bọn gái hầu liền xúm lại, kẻ đỡ vai, người nâng cẳng, lại có đứa xắn quần, cầm giày, đặt công chúa lên bàn đu. Công chúa đưa hai cánh tay nõn nà, nắm lấy dây đu, chân thì nhún nhảy trên bàn đạp, nhẹ nhàng như chim én bay liệng trên mây.

Công chúa đánh đu một lúc, bọn hầu lại đỡ xuống và nói:

- Công chúa thật là nàng tiên!

Thầy trò cùng nói cười vui vẻ, kéo nhau trở về cung.

Traâg lang hé mắt dòm từ đầu tới cuối, hồn phách tê mê. Chừng tiếng người im lặng đâu đó, chàng mới thò mặt ra, đến dưới cây đu, bồi hồi tơ tưởng, chợt thấy dưới giàn có chiếc khăn đỏ, biết của các cô mĩ nữ bỏ rơi, liền lượm bỏ vào túi, rồi bước lên tiểu đình ngắm cảnh chơi. Trông thấy trên bàn sẵn có bút mực, chàng bèn lấy khăn ra, đề lên một bài thơ tức cảnh:

Người đâu tiên nữ nhởn nhơ chơi

Tung búp sen vàng rải khắp nơi

Đố chị Hằng Nga khỏi ganh ghét

Mây xanh nhẹ gót thẳng lên trời.

Đề xong, ngâm nga đắc ý rồi ra đi, tìm lại đường cũ thì mấy lớp cửa đóng then gài cả rồi. Chàng quanh quẩn không biết tính sao, quay lại dạo xem lầu nọ đài kia gần khắp lượt. Một thị nữ chợt đến, sửng sốt hỏi chàng tại sao lọt vào chốn này. Chàng vái chào nói:

- Tôi đi lạc đường, xin cô cứu cho.

- Anh có lượm được chiếc khăn đỏ nào không?

- Thưa có, nhưng đã viết chữ vào rồi làm sao?

Nói rồi lấy đưa cho nàng xem. Nàng cả kinh nói:

- Thôi, anh chết không có đất chôn rồi. Khăn này là đồ ngự dụng của công chúa, giờ vẽ bậy vào rồi, biết nói làm sao!

Chàng tái xanh mặt, năn nỉ xin lỗi. Nàng lắc đầu:

- Vào chốn cung cấm dòm dỏ, tội đã không tha thứ được rồi. Tôi nghĩ anh là học trò nho nhã, muốn lấy sự tử tế riêng mà bênh vực chu toàn giùm anh, nhưng đằng này anh lại tự gây ra tai vạ đến như vậy, thì tôi hết lối.

Nói xong vội vàng cầm khăn chạy đi.

Chàng run sợ hồi hộp, tức mình không có cánh mà bay, chỉ còn có cách vươn cổ đợi chết. Một chặp sau, người thị nữ lúc nãy trở lại, nói nhỏ với chàng:

- May ra anh khỏi chết đấy. Công chúa cầm khăn xem đi xem lại ba bốn lần, mặt không có vẻ gì tức giận, có lẽ sẽ tha cho anh đi. Thôi, chịu khó ngồi đợi ở đây, chớ có tò mò leo cây trèo tường mà dòm ngó gì, nếu bị phát giác thì không tha được đâu.

Trời đã xế chiều, việc lành dữ ra sao chưa nhất định, mà bụng đói như thiêu như đốt muốn chết. Một lát, thị nữ cầm đèn đi tới, một cô khác thì xách giỏ cơm bầu rượu đem ra cho chàng ăn. Chàng săn đón dò hỏi tin tức, nàng nói:

- Vừa rồi tôi thừa dịp nói với công chúa liệu định có thả anh học trò trong vườn thì thả cho ra đi, không thì đói bụng chết. Công chúa ngẫm nghĩ rồi bảo trời tối rồi, đuổi người ta đi đâu bây giờ? Rồi công chúa dạy đem cơm ra cho ăn, thế tức không phải là điềm dữ đâu!

Chàng băn khoăn lo lắng suốt đêm, không sao yên tâm cho đặng. Qua hết giờ thìn, thị nữ lại xách cơm ra cho ăn. Chàng năn nỉ nói giùm. Nàng đáp:

- Công chúa không bảo giết, cũng chẳng bảo tha. Tôi là kẻ dưới đâu dám nhắc nhở lôi thôi.

Cho tới mặt trời xế bóng, chàng mong đợi mãi không thấy gì, bỗng thấy thị nữ hơ hải chạy đến, nói không ra hơi:

- Thôi chết đến nơi rồi. Kẻ nào nhiều chuyện không biết, đi nói lộ ra cho vương phi hay. Vương phi đòi lấy chiếc khăn xem rồi quăng xuống đất, la mắng ngông cuồng rầm rĩ. Vậy e tai vạ của anh không còn xa nữa.

Chàng nghe hết hồn hết vía, mặt nhợt ra không còn sắc máu, quỳ mọp dưới đất, van lơn cầu cứu.

Chợt nghe tiếng người xôn xao đến gần, nàng vội lảng đi chỗ khác. Mấy người vác hèo cầm dây, hầm hầm bước vào định trói chàng giải đi. Trong đám có một thị nữ nhìn kĩ chàng rồi la thất thanh:

- Tưởng ai, té ra Trần lang đây mà!

Nàng nói và ngăn bảo đừng trói:

- Khoan đã! Khoan đã! Đợi tôi tâu với vương phi xem sao.

Nàng lật đật chạy đi giây lát, trở lại nói rất lễ phép:

- Vương phi xin mời Trần lang vào.

Chàng run sợ đi theo, qua mấy chục lần cửa, đến toà cung điện, ngoài treo rèm ngọc móc vàng, liền có mĩ nữ cuốn rèm lên và xướng tâu:

- Trần lang vào chầu.

Một thiếu phụ ngồi trên, bào phục cực kì lộng lẫy. Chàng cúi đầu mọp mình nói:

- Thần là người ở xa xôi tới đây, rủi lạc vào chốn tôn nghiêm, muôn đội ơn trên tha thứ.

Vương phi vội vàng đứng dậy, tự đỡ tay chàng và nói:

- Nếu không nhờ có tiên sinh, thì tôi đâu còn tới ngày hôm nay. Bọn tôi tớ chẳng rõ nguồn cơn, đến nỗi thất lễ với quý khách, lỗi đó lấy gì chuộc đặng.

Lập tức sai dọn tiệc hoa, rót rượu bằng chén ngọc, ân cần thết đãi. Chàng mờ mịt chả hiểu duyên cớ ra sao. Vương phi nói:

- Đại ơn tái tạo, bấy lâu chưa được báo đền, lòng hằng cắn rứt. Con gái tôi được chàng đề thơ vào khăn, âu hẳn là duyên trời tác hợp. Vậy ngay đêm nay, tôi cho làm lễ thành hôn.

Chàng đã khỏi chết, lại sắp có vợ đẹp, thật là sự mừng ra ngoài tưởng tượng, tinh thần lúc bấy giờ vui sướng ngây ngất, không tả ra được.

Trời mới tối, một thị nữ đến bẩm:

- Thưa phò mã, công chúa đã sửa soạn xong rồi, xin mời ngài đi hành lễ.

Rồi dẫn chàng lên điện, tức thời đàn sáo trỗi lên inh ỏi, khắp nơi kết hoa treo đèn, mấy chục tiên cô phò công chúa cùng chàng làm lễ giao bái. Mùi thơm xạ hương sực nức trong ngoài.

Đoạn tân nương tân lang dắt nhau về buồng riêng, tình tự ân ái. Chàng hỏi công chúa:

- Tôi là người trôi nổi tha phương, thuở giờ chưa được hân hạnh bái yết, đã phạm tội bôi lọ vào chiếc khăn quý báu, được khỏi rìu búa là may rồi, ai còn gá nghĩa nhân duyên. Thật là cái phúc tôi không dám tưởng đến.

Công chúa nói:

- Mẹ em là vương phi của đức vua hồ này và là con gái Giang Dương Vương, năm ngoái về thăm nhà, ngẫu nhiên dạo chơi trong hồ, bị mũi tên bắn trúng. Nhờ có chàng cứu mà được thoát nạn, lại xức thuốc cho vết thương được lành, cả nhà em cảm bội, canh cánh bên lòng chẳng quên. Chàng đừng cho em là phi loại mà nghi ngại điều chi. Em theo Long Quân, đã được bí quyết trường sinh, nguyện cùng chàng hưởng chung cái thú muôn đời bất tử.

Bấy giờ chàng mới biết ra công chúa là thần. Lại hỏi trong đám gái hầu, sao có một đứa lại nhận được mặt, công chúa đáp:

- Hôm đó chàng ngồi trên thuyền ở hồ Động Đình, hẳn trông thấy một con cá nhỏ ngậm đuôi thuồng luồng bị thương mà không rời bỏ, tức là con hầu ấy.

Chàng tỉ tê hỏi nữa:

- Hôm bắt được tôi trong vườn, đã không giết chết, sao lại chần chừ không chịu thả đi?

Công chúa cười và nói:

- Em đọc bài thơ, trong bụng thật là yêu mến cái tài của chàng, nhưng không có quyền tự chủ, thành ra băn khoăn tơ tưởng cả đêm, nỗi khổ ấy có ai hiểu thấu cho mình?

Chàng tha thiết:

- Nàng thật là Bão Thúc của tôi đó! À, còn thị nữ vẫn đem cơm cho tôi là ai?

- Nó tên là A Niệm, người tâm phúc của em.

- Vậy tôi phải đền ơn nó cách nào bây giờ?

- Đừng lo, sẽ có ngày nó hầu hạ chàng, chừng đó hãy lo đền ơn cũng không muộn mà.

- Còn đại vương thân phụ em, hiện nay ở đâu?

- Ngài đi theo Hoàng Đế đánh giặc Xuy Vưu chưa về.

Vợ chồng ăn ở với nhau mấy hôm, chàng nghĩ ở nhà mình mất bặt tin tức, chắc là trông mong dữ lắm, bèn viết thư báo tin bình yên, sai thằng tiểu đồng về trước, cho gia nhân yên lòng.

Chẳng dè mấy ngày thần tiên là hàng năm cõi trần. Nhà chàng từ hôm nghe tin đắm thuyền ở hồ Động Đình, vợ con sô gai để tang đã hơn một năm rồi. Tiểu đồng đem thư về, mới hay tin chàng còn sống. Nhưng âm hao cách trở, người nhà e chàng vui sống cuộc đời trôi nổi, trước sau khó nỗi trở về quê nhà.

Cách nửa năm sau, thình lình chàng về, ngựa xe cực sang, trong túi đầy nhóc vàng ròng ngọc báu. Từ đó trở nên nhà giàu hàng vạn, tối ngày đàn ngọt hát hay, rượu ngon gái đẹp, tiêu xài hết sức hào phóng, dù những nhà giàu sang mấy đời cũng không theo kịp.

Luôn bảy tám năm, chàng ở nhà với vợ, sinh hạ năm con, mà ngày nào cũng như ngày nấy, tụ họp bạn bè khách khứa ăn uống, cung phụng cực sang. Có người hỏi gặp gỡ món nào mà sẵn tiền lắm của như thế, chàng nói thật cả, không giấu giếm chút nào.

Có người bạn chơi từ nhỏ, tên là Lương Tú Tuân, đi làm quan ở miền nam hơn mười năm mới về, qua hồ Động Đình, trông thấy một chiếc du thuyền cửa sổ sơn son, bao lơn thếp vàng trông cực đẹp, bên trong có tiếng đàn hát thanh tao, dập dờn trên mặt sóng hồ, thỉnh thoảng lại thấy mĩ nhân mở hé cửa sổ đứng ngắm phong cảnh.

Lương dòm kĩ trong thuyền, thấy một người đàn ông thiếu niên, dựa đầu gác vế mĩ nhân, bên cạnh có hai cô son trẻ chừng đôi tám, thay phiên nhau hầu hạ đấm bóp. Ban đầu, Lương nghĩ chắc là một vị quan lớn nào đó ở miền Tương Sở, nhưng lấy làm lạ sao chẳng có người hầu lính gác nào cả. Chừng nhướng mắt nhìn kĩ, té ra bạn cũ Trần Minh Doãn, liền đứng ra mạn thuyền kêu gọi rùm lên.

Chàng nghe tiếng kêu, bèn sai dừng chèo, ra trước mũi thuyền, mời Lương qua chơi.

Lương qua, trông thấy những món ăn thừa, la liệt trên bàn, mùi rượu hãy còn sực nức. Trần sai dẹp hết để dọn tiệc khác.

Giây lát, năm ba nàng hầu xinh đẹp, tíu tít châm trà rót rượu, các món sơn hào hải vị bày ra ê hề, toàn là thứ lạ, thuở nay mắt Lương chưa thấy bao giờ. Lương kinh hoảng hỏi bạn:

- Cách biệt mười năm không gặp nhau, sao anh phú quý đến thế này ư?

Chàng cười đáp:

- Anh khinh thằng khố dây này không thể mở mặt với đời hay sao?

Lương hỏi:

- Ban nãy có người đàn bà cùng ngồi uống rượu là ai?

Chàng đáp:

- Mẹ trẻ nhà tôi đó.

Lương càng lấy làm lạ, hỏi chàng đem cả gia quyến đi đâu đấy.

Chàng nói:

- Đi về miền tây.

Lương còn muốn hỏi nhiều chuyện nữa, nhưng chàng vội sai lũ ca nhi trỗi giọng đàn hát vang rền, làm như sấm đánh ù tai, rồi thì đũa chén và trúc tơ xen hoà ồn ào, che lấp cả những tiếng nói cười, không nghe được nữa.

Thấy gái đẹp nhởn nhơ trước mắt đông đầy, Lương thừa lúc ngà ngà say, cất tiếng nói lớn:

- Anh Minh Doãn có cho thằng bạn cũ này được hưởng thú bay hồn không nào?

Chàng cười xoà nói:

- Bạn say lắm rồi. Tuy nhiên tôi có thể tặng cho cố nhân để cưới một cô hầu cực đẹp nhé!

Nói đoạn, liền sai thị nữ lấy ra một trái minh châu sáng ngời để tặng Lương và nói:

- Với của này, anh có thể cưới một mĩ nhân tuyệt thế, như hàng con Lục Châu của Thạch Sùng ngày xưa cũng không khó gì. Như vậy để tỏ ra tôi không keo cú với bạn cũ từ ngày còn để chỏm với nhau.

Kế lại nói tiếp, ngỏ ý kiếu từ:

- Hiện tôi có việc cần kíp, rất tiếc không thể cùng bạn ngồi đối diện đàm tâm được lâu hơn nữa.

Liền đó tiễn Lương về thuyền, rồi hô thuỷ thủ thuyền mình mở dây đi thẳng.

Lương về, ghé thăm nhà Trần, thì ra chàng đang ngồi ngất ngưởng uống rượu với khách, trong bụng càng lấy làm lạ, liền hỏi:

- Vừa mới hôm kia gặp anh trên hồ Động Đình, về đây hồi nào mà nhanh quá vậy?

Chàng nói:

- Đâu có chuyện ấy. Tôi vẫn ở nhà mà!

Lương bèn thuật rõ mọi sự đã thấy, khiến cho mọi người cùng lắc đầu lè lưỡi, cho là một chuyện quái lạ.

- Anh trông gà hoá cuốc hay sao chớ! Nói vậy thì ra tôi có phép thuật phân thân ở hai nơi được ư?

Ai nấy cũng lấy làm lạ, nhưng nghĩ mãi chẳng hiểu đầu đuôi ra sao.

Về sau, chàng thọ tới tám mươi mốt tuổi mới mất. Khi liệm thi thể, gắn kĩ rồi mà thấy hòm nhẹ như không, mở ra xem thì quan tài trống rỗng.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.