Lúc Mai Khê mang cát về, Thái Công đã đón ở cổng, phất phất tay nói:
- Đi vào bếp, đổ cát vào chum gạo.
- Sao ạ? Đổ cát vào trong chum gạo ấy ạ?
Mai Khê không dám tin vào tai mình.
Mai Thái Công lại nói, chòm râu cằm khẽ vểnh lên:
- Bảo cháu làm thì cứ làm đi, đừng hỏi nhiều như vậy.
Mai Khê cũng chỉ đành gãi đầu đi vào bếp, đem bát cát sông ẩm ướt đổ cả vào chum gạo. Hắn vừa đậy chum lại thì từ phía sau có một bàn tay đem nắp chum mở ra. Nghiêng người vừa nhìn, Thái Công chẳng biết từ lúc nào đã đứng ở cạnh, tay kia còn cầm một cái lưới loại dùng để bắt tôm nước cạn. Mai Thái Công cười híp mắt, cũng không nói chuyện mà úp lưới vào trong chum gạo sau đó quơ một cái rồi nhấc lên. Cả gạo lẫn cát đều theo mắt lưới rớt xuống, còn lại bên trong nặng cả nửa lưới con tôm sông lớn dài đến cả chục phân!
Từ nhỏ Mai Khê đã thấy qua đủ loại ảo thuật, nhưng chưa bao giờ gặp chuyện thần kỳ như thế! Kỳ thật ảo thuật chỉ là những kỹ xảo nhanh tay dựa trên các đạo cụ mà đánh lừa đôi mắt, thế nhưng chum gạo này không phải đạo cụ ảo thuật. Mai Khê rất rõ chuyện này, hắn ngày nào cũng lấy gạo nấu cơm từ nơi đây, cả cái lưới bắt tôm kia hắn cũng hay dùng, không có bất kỳ chỗ nào đặc biệt.
Trời rất nóng, Thái Công cởi trần, cơ thể rắn chắc cộng với làn da ngăm đen nhìn thật khỏe mạnh, ngay cả một cái đồi mồi cũng không có. Thái Công hiển nhiên không thể giấu nhiều tôm trên người như vậy, hơn nữa động tác của ông rất chậm, Mai Khê nhìn rõ ràng, cho nên hắn càng trợn mắt há hốc mồm không dám tin vào hai mắt của mình. Thái Công đưa lại lưới đầy tôm cho Mai Khê, khẽ cười nói:
- Cháu sững sờ cái gì, mau làm sạch tôm còn nhắm rượu.
Mai Khê thở dài ra một hơi, trừng to mắt hỏi:
- Ông, đây là ảo thuật gì vậy? Ông làm sao làm được? Dạy cho cháu được không ạ?
Mai Thái Công cười ha ha:
- Đây cũng không phải là ảo thuật mà là pháp thuật, pháp thuật thật sự!
Khi nói, Thái Công cố ý nhấn mạnh hai chữ "thật sự".
- Pháp thuật?
Mai Khê có chút mơ hồ. Từ nhỏ hắn đã gặp qua đủ mánh khóe lừa bịp, đương nhiên không tin thật sự có pháp thuật.
Mai Thái Công đưa tay vỗ vỗ lên đầu hắn, khẽ thở dài một hơi nói:
- Hôm nay ông làm phép trước mặt mày là muốn hỏi mày một chuyện: nếu tam thúc của mày muốn biểu diễn ảo thuật như vậy thì mày nói có thể không?
Mai Khê nghĩ nghĩ đáp:
- Trình độ ảo thuật của tam thúc cao lắm ạ, nếu bố trí chum gạo trước thì ít nhất có năm, sáu cách để lấy tôm, nhưng cháu nghĩ mãi không ra vì sao ông làm được?
Mai Thái Công:
- Tam thúc của cháu chỉ làm ảo thuật, còn ông thật sự làm phép, nhưng trong mắt người ngoài nghề thì cũng chỉ là ảo thuật mà thôi. Thằng nhóc, cháu nghĩ thông suốt chuyện gì chưa?
Mai Khê mở trừng hai mắt không đáp. Thái Công nhìn hắn, khẽ cười:
- Tuổi của cháu còn quá nhỏ, chưa biết nhiều chuyện thế gian, hỏi vấn đề này đúng là làm khó cháu rồi… Thôi, nhanh đi làm một hai món rồi uống rượu với ông, ông có chuyện muốn nói với mày.
Luộc đậu quả tự mình trồng, hái thêm vài trái ớt, hấp một đĩa lớn tôm sông, lại vặt ở trong sân mấy cọng rau thơm ăn kèm, Mai Khê bày mâm đồ ăn lên cái bàn bát tiên ở chính giữa nhà, lại rót cho Mai Thái Công một chén rượu rồi ngồi ở một bên cung kính tiếp rượu dùng cơm với Thái Công.
Mai Thái Công lấy thêm một cái chén cho hắn rồi tự mình rót, Mai Khê lắc đầu nói:
- Ông, cháu không uống rượu.
Mai Thái Công nâng đũa nói:
- Nhóc, mấy hôm nữa là cháu lên thị trấn học trung học rồi, cũng coi như người lớn, uống một chén đi… Chuyện vừa rồi nhất định là mày rất kỳ quái, ông lại hỏi mày một vấn đề, trong mắt mày, các thân thích ở Mai Gia Nguyên là những người thế nào?
Mai Khê cúi đầu:
- Cháu cũng biết thân thế của mình, đương nhiên hiểu được tất cả mọi người là người tốt.
Mai Thái Công rất có thâm ý nhìn hắn:
- Tốt thì đúng là tốt rồi, nhưng cháu cũng không phải trẻ con nữa, đương nhiên biết bọn họ đều là bịp bợm giang hồ đúng không? Không cần nói thêm, kỳ thật ông hiểu mày nghĩ gì trong lòng, hôm nay cũng đặc ý nói với mày một câu về sự tích Giang Hồ Bát Đại Môn.
- Mai Khê ngẩng đầu:
- Giang Hồ Bát Đại Môn? Là gì vậy ạ?
Mai Thái Công:
- Thuật giang hồ ngày xưa chia làm Kinh, Bì, Phiêu, Sách, Phong, Hỏa, Tước, Yếu – tám môn, người trong Mai Gia Nguyên đều tính là dựa vào tám môn này đi hành tẩu giang hồ kiếm ăn. Nhưng Giang Hồ Bát Đại Môn chân chính lại không chỉ chừng này, mà là tất cả đạo thế gian. Cháu ngồi im nghe ông cẩn thận giải thích…
Tam sơn ngũ nhạc, ngũ hồ tứ hải* đều gọi là giang hồ. Tục ngữ nói miễn nơi có người sẽ có giang hồ, bất kể nghệ thuật gì trong cuộc sống cũng đều có thể gọi là thuật giang hồ, cũng nằm trong tám môn kia. Nhưng từ khi Thanh mạt Dân Quốc tới nay, cái gọi là học thuật giang hồ đã lưu lạc thành thủ đoạn lừa đảo kiếm cơm, đây là nghĩa hẹp của giang hồ, mà thế nhân ngày nay nói về Giang Hồ Bát Đại Môn cũng đã hoàn toàn theo nghĩa hẹp.
(*Tam sơn ngũ nhạc, ngũ hồ tứ hải: câu chỉ các địa danh bao quanh và nổi tiếng của Trung Quốc. Ý ở đây muốn nói đâu đâu cũng là giang hồ)
Kinh Môn chính là một chi của Giang Hồ Bát Đại Môn, chủ yếu nghiên cứu cát hung họa phúc, giải mê cho người. Những thầy tướng thầy số hiện giờ cũng xem như người giang hồ thuộc Kinh Môn. Thủy tổ của Kinh Môn là Phục Hi cùng Chu Văn Vương. Theo truyền thuyết, Phục Hi vẽ Bát Quái mà Văn Vương diễn Chu Dịch. Ngoài ra những thuật sĩ giang hồ còn có một vị tổ sư gia khác là đại thần nhà Hán Đông Phương Sóc, nghe nói Đông Phương Sóc từng mở quầy xem bói ngay trong thành Trường An. Nếu như muốn tìm hiểu về kinh điển (sách vở) của Kinh Môn, vậy có thể xem Kinh Dịch.
Giang Hồ Bát Đại Môn có Kinh Môn không phải là không có đạo lý, bởi vì nó nghiên cứu thiên đạo biến hóa. Một khi tinh thông Kinh Môn thì hoàn toàn có thể suy diễn ra bảy môn học thuật giang hồ còn lại, thôi diễn cát hung họa phúc thế sự biến hóa vốn là hạch tâm của đạo thế gian. Thầy tướng số hiện đại chỉ sợ là không có bản lĩnh này, nhưng xem người qua tướng mạo vẫn là kiến thức cơ bản, coi như dùng học thuật giang hồ xem mặt để kiếm ăn.
Bì Môn, coi trọng đạo hành y tế thế. Việc hành y ở đây không chỉ có các thầy lang giang hồ mà có cả bác sĩ trong bệnh viện, thậm chí bao gồm cả thầy mo thầy tế thời cổ đại. Chỉ cần dùng các biện pháp nghiệp vụ xem bệnh cho người đều thuộc về Bì Môn. Người trong Bì Môn bái hai vị tổ sư gia là y thánh Trương Trọng Cảnh cùng dược vương Tôn Tư Mạc. Nhưng hiện giờ nói tới giang hồ Bì Môn thì phần lớn mọi người đều chỉ nhắc tới các thầy lang vườn có mặt ở bốn phương.
Bì Môn nằm ở vị trí thứ hai, chỉ sau Kinh Môn trong Giang Hồ Bát Đại Môn, địa vị cũng rất quan trọng, bởi vì nó nghiên cứu về bản thân con người. Xét sâu xa mà nói, thủy tổ Bì Môn chính là hoàng đế Hiên Viên cùng viêm đế Thần Nông, bọn họ theo truyền thuyết cũng là thủy tổ của dân tộc Trung Hoa. Kinh điển của Bì Môn đương nhiên là Hoàng Đế Nội Kinh cùng Thần Nông Bản Thảo Kinh.
Phiêu Môn, chuyên về đạo ‘vân du cầu học’. Tổ sư gia của Phiêu Môn là Khổng Tử Khổng thánh nhân, điều này sợ là rất nhiều người không ngờ đến. Mà đến ngày hôm nay, những tạp kỹ giang hồ như xiếc ảo thuật, diễn kịch sân khấu, thậm chí cả ca kỹ cũng đều tự xưng là người trong Phiêu Môn.
Sách Môn, chú trọng nghiên cứu kim cổ. Tổ sư gia của Sách Môn là Tư Mã Thiên. Đến ngày nay, những người buôn bán đồ cổ thật giả, bán xuân cung, kinh doanh tranh chữ đều tự xưng là người Sách Môn, thậm chí còn bao gồm cả đào trộm mồ.
Phong Môn, nghiên cứu địa lý núi sông toàn thiên hạ. Nghe nói tổ sư gia Phong Môn là Quách Phác, như vậy những thầy phong thủy, âm dương trạch sư hiện tại đều thuộc một môn này.
Hỏa Môn, chú trọng các loại thuật dưỡng sinh. Tổ sư Hỏa Môn là Cát Hồng Cát thiên sư, kinh điển bao gồm Bão Phác Tử, Tham Đồng Khế v.v… Như vậy luyện đan thuật, luyện kim thuật, phòng thuật đều là thuộc Hỏa Môn.
Tước Môn, chuyên về đạo làm quan. Theo truyền thuyết, tổ sư gia của Tước Môn là Quỷ Cốc Tiên Sinh, kinh điển gồm Quỷ Cốc Tử và Chiến Quốc Sách. Quỷ Cốc Tiên Sinh có hai đệ tử rất nổi danh là Tô Tần và Trương Nghi. Truyền thống Tước Môn nói thật ra là thuật tung hoành. Từ cận đại tới nay, kỹ năng mua quan bán tước, bao gồm việc dối trên lừa dưới, luồn cúi thăng quan coi như là thuật giang hồ của Tước Môn.
Yếu Môn, giảng giải về những việc muộn phiền. Đây là một môn học vấn thâm ảo, thời vận kém liên tục gặp chuyện xấu thì phải làm thế nào để tai qua nạn khỏi? Tổ sư gia Yến Môn nghe nói là Chu Nguyên Chương, cũng có người cho là Liễu Hạ Thác, nói chung vẫn chưa biết chính xác. Ngày nay, việc xin ăn, đòi nợ tống tiền, giả trang tăng ni hóa duyên lừa người, thậm chí bỏ thuốc mê đều có thể tính là người trong Yếu Môn.
Theo những điều trên, Giang Hồ Bát Đại Môn bao la vạn tượng, gồm tất cả những thủ đoạn và đạo lý khắp thế gian. Bản thân học thuật giang hồ không có thiện ác tốt xấu, thế nhưng người giang hồ lại có tốt xấu lẫn lộn. Mà Giang Hồ Bát Đại Môn ở cận đại cơ hồ đều chỉ còn tạp kỹ giang hồ, thuộc nghĩa hẹp của "phiêu bạt giang hồ".
Thời xưa, người trong giang hồ có hai loại chú trọng: "Lý" cùng "Tiêm", hay còn xưng là "Thuật" cùng"Đạo". "Lý" chỉ phương pháp, ví dụ như cách buôn bán hoặc nghiên cứu tâm lý con người xem dùng cách nào mới có thể đạt tới mục đích. "Tiêm" thì chỉ bản lĩnh thật, công phu thật sự cùng truy cầu đại đạo. Chẳng hạn như hành y trong Bì Môn, "Lý" nói lên làm thế nào để cố ra vẻ huyền bí mà lừa dối người, còn "Tiêm" nói lên tu vi y đạo chân chính.
Mọi việc làm trong thế gian đều không thể bỏ ngoài hai chữ "Lý" và "Tiêm", nếu không dù có bản lĩnh thật sự cũng chưa chắc đã có người chịu phục, như việc từ xưa đến nay, người có tài nhưng không gặp thời thấy rất nhiều. Tục ngữ nói "Tiêm trung lý, liễu bất khởi, lý trung tiêm, tái thần tiên", nôm na tức là "có tài mà không biết cách sống thì không khá lên nổi, còn vừa có tài vừa khôn khéo thì có thể thắng cả thần tiên" chính là đạo lý này. Nhưng đi tới cận đại thì những nghệ nhân thuật sĩ hành tẩu giang hồ lại biến tướng thành chuyên dùng thủ đoạn hãm hại lừa gạt, phần lớn sa vào tà đạo. Kỳ thật, bản thân học thuật giang hồ là một môn học vấn vô cùng uyên thâm, nếu thuần thục vận dụng được đạo trong đó đủ để hành tẩu thiên hạ.
Nói đến đây, Mai Thái Công nhấp một ngụm rượu, để đũa xuống hỏi:
- Giờ cháu đã có câu trả lời cho việc lấy tôm từ chum gạo chưa?
Mai Khê chớp tròng mắt nghĩ nửa ngày:
- Hiểu rõ một chút ạ
Mai Thái Công gật gật đầu:
- Hiểu một chút là được rồi, đạo lý còn lại từ từ nghĩ cho rõ ràng đi. Kỳ thật học thuật giang hồ đều không phải là vô dụng, mà phải xem người dùng nó ra sao. Làm thiện hay làm ác chỉ ở trong một ý niệm. Giang hồ to lớn như thế không phải chỉ là lừa gạt hay diễn xiếc, thế gian chính là giang hồ, chẳng cần phân ra Bát Đại Môn làm gì cả.
Mai Khê nhíu mày lại hỏi:
- Ông hiểu nhiều đạo lý như vậy, tại sao các thúc bá lại…
Hắn chỉ nói ra một nửa rồi im miệng. Mai Thái Công nhìn hắn một cái, cười khổ nói:
- Bọn họ là thôn dân quê nghèo, chẳng qua học chút thủ đoạn kiếm miếng cơm ăn mà thôi, chẳng lẽ còn muốn họ nói cái gì trị quốc an bang sao? Cháu hiểu là được… Học thuật giang hồ không thể lạm dụng, con cháu Mai Gia Nguyên tự có quy củ, ví như nhà tứ cô của cháu buôn bán đồ cổ nhưng tuyệt không được phép đào trộm mồ mả quấy nhiễu âm trạch, tạo đồ giả cổ cũng nhất định phải lưu lại ký hiệu độc môn của mình cho người trong nghề biết… Có điều những người tương tự khác ở trên đời có những quy tắc này không thì ông cũng không xen vào được.
Mai Khê lại hỏi:
- Vậy họ có công phu thật sự không ạ?
Thái Công nở nụ cười:
- Đương nhiên có, nếu không có lấy chút tài nghệ thì sao lăn lộn nổi trên giang hồ? Nhưng phần lớn vẫn là dựa vào học thuật giang hồ che giấu tai mắt người. Không nói đâu xa, cháu học ở tam thúc bộ Đả Hầu Tiên kia chính là tuyệt kỹ, ảo diệu trong đó chỉ sợ ngay cả tam thúc của cháu cũng không rõ bao nhiêu.
Mai Khê đến đây hứng trí:
- Tuyệt kỹ Đả Hầu Tiên cháu học xong rồi ạ, nhưng tại sao con của tam thúc đến giờ vẫn chưa học xong hả ông?
Mai Thái Công:
- Có nhiều chuyện phải dựa vào tính tình, tư chất, ngộ tính, người không học được thì cả đời không học được. Đôi khi chúng ta chỉ có thể nhớ kỹ phương pháp cùng yếu quyết trong đó để truyền lại cho đời sau, không cắt đứt truyền thừa mà thôi. Kỳ thật bộ Đả Hầu Tiên pháp của cháu còn xa mới được đầy đủ, tổ tiên truyền xuống bao nhiêu đời rồi, thất lạc bớt cũng là không có cách nào thay đổi.
Mai Khê đảo đảo con mắt nghĩ thêm mấy chuyện:
- Ông ơi, hôm nay ông bắt tôm là dùng pháp thuật gì thế ạ? Có thể dạy cháu không?
Mai Thái Công lấy tay vuốt chòm râu dài, mặt hơi đắc ý nói:
- Pháp thuật này có cái tên rất vang dội, gọi là Thần Tiêu Thiên Lôi, là bí kỹ truyền tay của tộc trưởng các đời ở Mai Gia Nguyên.
Vừa nghe kia là bí kỹ truyền đời của tộc trưởng, Mai Khê có chút mất mát, cúi đầu nhìn mâm cơm không nói tiếp. Vốn hắn muốn học, thế nhưng bản thân hắn chỉ là một đứa trẻ bị vứt bỏ được nhặt về nuôi, còn không có tư cách học bí kỹ truyền các đời tộc trưởng. Mai Thái Công đương nhiên nhìn thấy hết biểu cảm của hắn, giọng dò hỏi:
- Mai Khê, cháu đang thất vọng lắm hả? Kỳ thật hôm nay ông làm phép trước mặt cháu là định dạy cho cháu.
Mai Khê sáng mắt lên, chợt lại yếu ớt nói:
- Nhưng mà cháu…
Mai Thái Công cắt lời hắn:
- Tuy ông không biết cháu sinh ra từ đâu, nhưng cháu ở Mai Gia Nguyên mà lớn, cũng họ Mai, là người một nhà với chúng ta. Ông quan sát cháu đã lâu rồi, cháu tính tình thuần chính, tư chất lại tốt, trong con em gia tộc chỉ có cháu là thích hợp học pháp thuật truyền đời của Mai Gia Nguyên nhất. Ông không trông cậy cháu làm cái gì, chỉ hi vọng cháu tiếp tục truyền thừa nó xuống. Ông đã lớn tuổi rồi, cũng đã tới lúc tìm truyền nhân thích hợp.
Mai Khê có một chút vui sướng trong lòng, cũng có vài phần khẩn trương, sau một lúc lâu mới hỏi:
- Tại sao lại là cháu ạ?
Mai Thái Công hỏi ngược lại:
- Vì sao không thể là cháu? Cháu học hết Đả Hầu Tiên, bộ tiên pháp này ngay cả tam thúc của cháu cũng không có luyện thành một thức cuối cùng, nếu bàn về tư chất ngộ tính, cháu là tốt nhất. Thêm nữa ngoại trừ cháu ra, một đời thanh niên ở Mai Gia Nguyên chẳng còn viên ngọc nào nữa, ông vốn cũng tìm nhiều năm rồi.
Mai Khê không dám nói tiếp, mấy lời này Mai Thái Công coi như động viên hắn cũng được, nhưng nếu truyền ra ngoài, khẳng định đắc tội thanh niên cả thôn. Mai Khê có muốn học pháp thuật từ ông nội không? Dĩ nhiên muốn, hắn lúc này chẳng qua mới là thiếu niên mười lăm tuổi, đổi lại ai trong lứa tuổi đó cũng đều muốn. Mai Khê hỏi sang một chuyện khác:
- Ông, ông định lúc nào thì dạy cho cháu ạ?
Mai Thái Công cười khà khà hai tiếng:
- Tuy rằng tư chất và ngộ tính của cháu không tồi, nhưng bản tính một người như thế nào thì còn cần khảo sát lịch lãm. Mai Gia Nguyên chỉ là một chảo nhuộm nhỏ, thế gian mới thực sự là chảo nhuộm, chờ cháu ra bên ngoài học tập một phen, lúc cháu tròn hai mươi tuổi ông mới có thể dạy cháu. Rất nhiều việc cháu nhất định đều phải trải qua mới có thể khiến ông yên tâm.
Mai Khê:
- Yên tâm? Thế nào mới khiến ông yên tâm ạ?
Mai Thái Công:
- Học phép có rất nhiều chú ý, chỉ có tư chất và ngộ tính còn chưa đủ, nếu tính tình không đoan chính, ngược lại có thể tạo thành họa, ông cháu ta nói một chuyện xưa này đi…
Thời đại Dân Quốc, Mai Thái Công có một người em họ đằng nội tên là Mai Thái Năng, tư chất không tồi, rất được trưởng bối yêu thích, được tộc trưởng Mai thị đời trước chọn làm truyên nhân, nhưng sau khi dạy dỗ một thời gian lại phát hiện Mai Thái Năng phẩm hạnh không tinh khiết nên không tiếp tục dạy nữa mà đổi sang Mai Thái Công tư chất kém hơn một chút. Có điều Mai Thái Năng dù sao cũng là con cháu trong nhà, trưởng bối không có nhẫn tâm phế đi tu vi của ông ta.
Mai Thái Năng học phép bỏ dở nửa chừng, nhưng cũng nắm được một môn "tuyệt kỹ", chính là nếu coi trọng tiểu quả phụ nhà ai trong vòng mười dặm thì sẽ có cách làm cho người ta buổi tối chủ động tới nhà của ông ta mà nhảy vào lồng ngực. Thời gian đầu ông ta sống thật khoái hoạt, người chung quanh thì vừa hận vừa sợ, nhưng biết ông ta có pháp thuật lại không dám trêu chọc. Sau này giải phóng, Mai Thái Năng bị giải phóng quân kéo đi làm bia.
- Làm bia? Đi chế tạo bia ngắm để người ta luyện bắn súng ấy ạ?
Mai Khê nghe đến đó nhất thời kịp phản ứng.
Mai Thái Công thở dài một tiếng:
- Luyện cái gì, là bị người ta xem làm bia ngắm, chết trong mưa đạn.
Khi nói chuyện, vẻ mặt Mai Thái Công có chút chua xót, con mắt híp lộ một tia thê lương.
- Vị tên Mai Thái Năng kia có một môn pháp thuật lạ thật, ông nội có biết không ạ?