“Tôi là một con kiến, là gỗ mục, là hòn đá nát vụn tồn đọng bùn cát tanh tưởi, là một phần trong ngàn vạn sự sống trên hành tinh xanh này.”
“Sống là đau khổ, chết đi mới là món quà mà thế giới này ban ân cho loài người.”
Lông mày Lưu Hòa cau lại theo câu văn cuối cùng, ông gọi Từ Ngộ đến văn phòng trong giờ tập thể dục.
“Thầy đã đọc bài văn mà em nộp rồi, lần này em vẫn viết rất tốt.”
Nghe thầy giáo nói vậy, Từ Ngộ nở nụ cười xấu hổ.
“Nhưng mà…” Ông đột ngột chuyển chủ đề. “Dạo gần đây phong cách làm văn của em dường như đã khác trước?”
Từ Ngộ sửng sốt, nhỏ giọng hỏi: “Viết như vậy… không ổn sao thầy?”
Thấy cô đột nhiên tỏ vẻ căng thẳng, thái độ của Lưu Hòa mới buông lỏng một chút, ông xua tay: “Không không. Chỉ là thầy hơi tò mò, sao đột nhiên em lại thay đổi phong cách?”
Từ Ngộ suy nghĩ một chút rồi trả lời: “Có lẽ là bị ảnh hưởng bởi cuốn sách gần đây em đang đọc ạ.”
“Ồ? Gần đây em đang đọc sách gì?”
“Quyển sách lần trước thầy đề cử, [Sống] của Dư Hoa ạ.”
Lưu Hòa hơi sững sờ, ông cân nhắc rồi nói: “Tuy rằng câu chuyện bên trong rất khó khăn trắc trở, nhưng đây thật sự là một cuốn sách dạy người ta ‘sống’.”
“Thưa thầy.” Từ Ngộ nói. “Em không hiểu, cuộc đời của Phúc Quý đã khổ như vậy rồi, tại sao anh ta vẫn còn muốn sống chứ?”
Có lẽ là bị ảnh hưởng bởi thái độ nghiêm túc của học sinh, hoặc có lẽ là vì chút cố chấp lờ mờ ẩn sau câu nói của Từ Ngộ, Lưu Hòa đột nhiên im lặng trong giây lát.
“Bởi vì Phúc Quý rất dũng cảm, sống cần có nhiều dũng khí hơn chết. Mặc dù anh ta chỉ là một nhân vật nhỏ, nhưng anh ta lại dũng cảm hơn bất kì ai.”
Từ Ngộ vẫn không hiểu: “Thưa thầy, em nghĩ Phúc Quý là một nhân vật quan trọng.”
Lưu Hòa kiên nhẫn đợi câu nói tiếp theo của cô.
Từ Ngộ siết chặt nắm tay, cô hơi căng thẳng, nhưng vẫn nói với giọng điệu bình tĩnh vững vàng: “Trên thế giới này không có nhiều người dũng cảm được như Phúc Quý, hơn nữa cuộc sống của phần lớn mọi người đều không khốn khổ như của anh ta, nhưng bọn họ lại chọn cách trốn tránh và chết đi chỉ vì một vài nỗi đau khổ nhỏ nhoi nào đó. Bởi vì những nỗi đau tưởng chừng như không đáng nhắc đến ấy lại chiếm trọn tình cảm của bọn họ.”
“Chúng ta không nên bảo mọi người hãy cứ dũng cảm đối mặt với nỗi đau.”
“Có lẽ, chỉ có Phúc Quý mới có thể sống sót sau nỗi đau như vậy. Nhưng nhìn từ góc độ khác, anh ta chỉ là một nhân vật hư cấu dưới ngòi bút của tác giả mà thôi. Trên thế giới này thật sự có người giống như anh ta – đủ dũng cảm để đối mặt với tất thảy nỗi khó khăn gian khổ trên đời hay không?”
Câu hỏi cuối cùng tổng kết lại phần trình bày của cô. Từ Ngộ đem hết tất cả những khó khăn, nghi ngờ, sự mông lung với cuộc sống ra để xin giáo viên chỉ bảo.
Lưu Hòa có lẽ cũng hiểu thứ đang khiến cô rối rắm là gì.
Câu hỏi mà ai cũng có trong hành trình sống của mình – Sống là gì? Tại sao người ta lại sống?
“Em đã đọc [Sống], vậy nhất định em đã biết Dư Hoa nói gì. ‘Người ta sống vì chính bản thân mình chứ chẳng vì điều gì khác’. Thật ra những lời này cực kỳ thuần túy. Sống chính là tiếp tục tồn tại, chúng ta không nên thêm vào nó quá nhiều ý nghĩa bên trong. Nó cũng đơn giản giống như việc ăn và ngủ vậy, khi chúng ta không nghĩ về ý nghĩa của nó, thì việc ‘sống’ này sẽ trở thành một niềm vui.”
Lưu Hòa đã trả lời vấn đề của cô, nhưng Từ Ngộ vẫn mắc kẹt trong cái lồng suy nghĩ của mình không thoát ra được.
Chẳng hạn như – Khi niềm vui nhỏ nhoi của cuộc sống cũng bị nỗi khốn khổ cướp đi, khi không thể thỏa mãn việc ăn và ngủ, thì rốt cuộc con người tồn tại là vì cái gì?
Cô cảm thấy mặc dù thầy giáo có học thức rất uyên thâm, nhưng chưa chắc ông có thể hiểu được vấn đề của cô. Niềm vui và nỗi buồn của con người không thể chia sẻ được, cô không có được kiến thức thông thái của thầy, thầy cũng không thể cảm nhận được nỗi khổ của cô.
Thế nên cô đáp: “Em hiểu rồi thưa thầy.”
Lưu Hòa vui mừng nở nụ cười nhẹ nhõm với Từ Ngộ.
“Thật ra thầy cảm thấy bài văn lần này em viết rất được.” Ông nói. “Nhưng em biết đó, bài thi lần này được chấm bởi năm giáo viên khác nhau. Phong cách yêu thích của mỗi giáo viên cũng khác nhau, vậy cho nên…”
Từ Ngộ ngây ngốc nhìn Lưu Hòa lấy ra một bài thi từ trong ngăn kéo, bài thi Ngữ Văn của cô.
Từ Ngộ cũng nhìn thấy điểm số ở trang đầu tiên, mực nước màu đỏ tươi thấm xuyên qua cuộn giấy trắng, thấy mà giật mình.
Đó là kiểm tra thấp nhất mà cô từng nhận được.
“Điểm lần này của em không cao cho lắm, chủ yếu bị trừ nhiều ở phần viết văn.” Lưu Hòa lật giấy sang đến phần làm văn. “Thầy hỏi giáo viên chấm phần làm văn, cô ấy nói cô ấy rất ấn tượng với bài văn của em.”
Lưu Hòa nhìn ánh mắt có phần sửng sốt của Từ Ngộ, ông bỗng nhiên mềm lòng.
“Giáo viên kia nói, bài văn của em quá tiêu cực, còn có một chút ý ‘Vì làm văn nên mới gượng sầu’ [1].”
[1] Một câu trong bài “Đề tường trạm dịch trên đường Bác Sơn”. Nguyên văn được để ở cuối chương. Câu trên đặt trong ngữ cảnh tình huống ý giáo viên bảo Từ Ngộ viết hơi “giả” và “sáo”.
“Em…”
Từ Ngộ há miệng muốn nói, nhưng lại không biết làm sao để phản bác cho bản thân.
Tiêu cực, gượng sầu.
Có lẽ trong mắt giáo viên kia, tuổi tác và thân phận của cô còn chưa đủ để viết nên một bài văn kiểu này.
Tuổi trẻ còn chưa biết mùi vị của nỗi buồn thì làm sao có thể bàn đến nó?
Cô im lặng, cụp mắt xuống.
Lưu Hòa hiếm khi nhìn thấy cô học trò cưng của mình sa sút tinh thần như vậy, ông không muốn giết chết sự nhiệt huyết trong sáng tác của cô nên lập tức bổ sung: “Nhưng thầy thì rất thích bài văn này của em, mặc dù nó không phù hợp lắm với hệ tư tưởng chính thống, nhưng thầy có thể cảm nhận được những gì em muốn biểu đạt.”
“Em phải biết rằng, bất kể khi nào, mong muốn được biểu đạt luôn là một loại tài sản vô cùng đáng quý.”
Lời của ông khiến Từ Ngộ cảm thấy mình được an ủi đôi chút.
“Em biết rồi thưa thầy.”
Lưu Hòa đưa bài thi cho cô, an ủi: “Tuy lần kiểm tra này không được như mong đợi, nhưng chúng ta vẫn còn có lần sau, em đừng nhụt chí.”
Từ Ngộ miễn cưỡng nặn ra một nụ cười, gật đầu với ông.
“Được rồi, em về đi.” Lúc Từ Ngộ xoay người đi, Lưu Hòa đột nhiên bổ sung thêm một câu: “Có điều, lần sau viết văn, dàn ý của chúng ta vẫn nên đi theo hướng giá trị chủ đạo, như vậy thì sẽ đảm bảo hơn.”
“Vâng ạ, em chào thầy.” Từ Ngộ tạm biệt thầy giáo, sau đó xoay người rời khỏi văn phòng.
Cô hiểu Lưu Hòa muốn nói gì – Trong nền giáo dục thiên về thi cử như hiện nay, những gì cô viết ra phải là những gì giáo viên muốn nhìn thấy, là tích cực, là nguồn năng lượng đúng đắn.
Cô hiểu được những nguyên tắc này. Khi cầm bút lên, cô đã có suy nghĩ để cho mình buông thả.
Ít nhất thì giây phút đặt bút viết kia cô đã hạnh phúc. Mặc dù vì niềm vui sướng khi được tự do biểu đạt mà cô đã phải trả cái giá đắt là thất bại trong một kỳ thi.
Từ Ngộ bỗng cảm thấy, mình cũng là “nhân vật quan trọng” gan dạ và dũng cảm.
_______
Đột nhiên rời khỏi văn phòng ấm áp, gió lạnh đầu đông từ khắp nơi thổi tới khiến Từ Ngộ hơi tỉnh táo lại, tóc tai tán loạn.
Thế nhưng sự thư thái này chẳng kéo dài được bao lâu. Xế chiều hôm đó, điểm số các môn được công bố.
Lần này môn Ngữ Văn sở trường của Từ Ngộ bị thấp hơn rất nhiều điểm, cũng vì thế mà thứ hạng của cô bị tụt rất nhiều. Chu Tư Diễn là người đầu tiên biết tin, cậu dừng lại ở đầu danh sách như thường lệ, nhưng lại nhìn thấy tên của mình bất ngờ in ở vị trí thứ nhất.
Cậu ngạc nhiên nhìn xuống dưới, ánh mắt lướt qua rất nhiều cái tên mới nhìn thấy điểm Từ Ngộ ở dưới chót.
Từ danh sách khối xã hội bên kia, Chu Tư Tư chạy tới, vỗ vai Chu Tư Diễn: “Anh, không ngờ đó, khoảng thời gian này anh thức khuya học hành cực khổ, cuối cùng cũng có tác dụng rồi!”
Nhưng cậu lại ngơ ngác nhìn em gái mình.