Diệu Đình nghe thấy nói cưới hỏi thì thoáng giật mình.
Việc này dường như hơi nhanh thì phải.
Nhưng cô thấy các mẹ hết sức coi trọng và gấp gáp còn Trí Thành thì nhiệt tình hưởng ứng:
- Mẹ tính thế này, con xem xin nghỉ phép đi, chúng ta về Việt Nam một chuyến để ra mắt họ ngoại rồi bàn chuyện cưới xin đi.
Hai đứa cũng đến tuổi lập gia đình rồi.
- Dạ vâng ạ, con sẽ làm đơn xin phép.
Còn mua nhà thì con và Đình sẽ đi chọn mua nên các mẹ không cần lo đâu ạ.
Diệu Đình chỉ biết ngồi ngơ ngẩn nhìn mấy mẹ con Trí Thành lên kế hoạch, mỗi người một ý nhưng ai cũng mong nhanh chóng đám cưới.
- Mẹ mong có cháu bế rồi...bây giờ ba chúng ta mà có đứa cháu thì tuyệt vời nhỉ?
Trí Thành nhìn Diệu Đình nhưng cô vờ như không nghe thấy.
- Gia đình con ở Việt Nam vẫn khỏe chứ? Ngày xưa mang ơn gia đình con mà mẹ chưa về thăm lại ba mẹ con được.
- Dạ ba và dì con khỏe ạ, ba con bây giờ chỉ làm văn phòng nên cũng đỡ vất vả hơn ạ.
Mẹ Ngọc quay sang hai người bên cạnh:
- Hôm nào cả ba chúng ta về Việt Nam chơi chứ? Các bà sắp xếp đi nhé!
- Tất nhiên rồi, chúng ta đều phải về để xin cưới Diệu Đình cho Trí Thành nữa chứ?
Ngồi nói chuyện một lát, mẹ Ngọc đòi đưa Diệu Đình đi dạo nên Trí Thành ở lại trong nhà chơi bài cùng hai mẹ.
Ngồi xuống ghế đá trong vườn, bà Ngọc nắm tay Diệu Đình:
- Hai đứa tìm được nhau lại yêu nhau như này mẹ rất vui.
Hôm Thành về đây nói chuyện mà mẹ vui đến mất ăn mất ngủ.
Cảm ơn con đã tìm lại thằng bé.
- Dạ con sang Mỹ học và làm việc mục đích là vì anh ấy, thật ra con đã nản sau bao năm không tìm được nên cũng định sẽ trở về Việt Nam sau khi bảo vệ luận án phó tiến sỹ, thật may là con đã gặp được anh ấy.
- Thật ra Trí Thành vẫn canh cánh về Việt Nam tìm con nhưng lần nào cũng xảy ra chuyện.
Bà thở dài, nắm lấy tay Diệu Đình xoa nhẹ, giọng nói dịu dàng lại vang lên:
- Hồi mới sang đây, nó vất vả để theo kịp cách học của các bạn trong trường rồi mẹ còn bị bệnh nên cả công ty đều do nó vừa học vừa quản lí.
Mẹ muốn nó học kinh tế nhưng nó lại đam mê làm cảnh sát vì đã từng hứa với Trần Khôi.
Bà lặng lẽ thở dài, như nhớ lại quãng thời gian đã cũ:
- Nó vào học viện cảnh sát ở Los Angeles mặc cho mẹ ngăn cản.
Những năm đầu tiên, ở đấy họ đào tạo vô cùng khắc nghiệt, ba năm liền, nó như một con người khác hoàn toàn đến mẹ còn phải ngỡ ngàng.
Nhưng nó thì lại hoàn toàn hài lòng những năm ấy nhìn nó mẹ xót lắm, chỉ mong nó bị rớt đi nhưng lại toàn đứng đầu bảng trong trường.
Giọng nói của bà lạc hẳn đi, Diệu Đình cảm nhận bà xót con đến đứt ruột khi thấy nah vất vả như vậy.
- Ngày ra trường, nó được giám đốc Cục điều tra liên bang thu nhận về.
Trước khi đi nhận nhiệm vụ, nó đã xin mẹ về Việt Nam tìm con.
Nhưng đến gần ngày về thì bệnh của mẹ lại tái phát phải mổ gấp.
Khi mẹ ra được viện thì nó phải về cục làm việc.
Công việc đòi hỏi nó lao lực lại còn phải điều hành công ty giúp mẹ nữa.
Vì sau nó bàn với mẹ bán cổ phần và sang nhượng chuỗi hệ thống siêu thị cũng như cửa hàng tiện lợi qua đầu tư vào bất động sản.
Nói đến đây giọng bà lại đầy tự hào, ánh mắt lấp lánh niềm vui:
- Nó làm gì cũng giỏi, ở cục người ta trao tặng huân huy chương suốt lại lên làm đội trưởng trẻ nhất cục.
Ba năm trước, nó một lần nữa xin nghỉ phép về Việt Nam nhưng khi làm nhiệm vụ cuối cùng để nghỉ thì bị tai nạn khi lái xe đuổi theo tội phạm.
Vụ tai nạn kinh hoàng ấy mẹ tưởng đã mất nó hoàn toàn.
Tự dưng nước mắt bà lại lăn dài trên má, nắm lấy tay Diệu Đình mà vẫn run, có lẽ đó là cú sốc lớn với một người mẹ.
- Nó nằm đấy sống cuộc sống thực vật, mẹ chỉ biết khóc mỗi ngày.
Các mẹ không từ bỏ hi vọng mà đi tìm kiếm bác sỹ giỏi ở khắp nơi, mời bằng được họ về để chữa bệnh cho Trí Thành.
Diệu Đình thấy tim mình như bị ai đó thắt chặt lại, nước mắt nóng hổi rơi trên má.
Có lẽ vì vậy mà anh không nói với cô lí do không về tìm cô.
- Anh ấy không hề nói với con chuyện này mẹ ạ?
- Chắc nó sợ con lo lắng thôi.
Nó nằm như vậy đằng đẵng một năm trời rồi cũng tỉnh lại.
Ngày hôm ấy, các mẹ khóc như mưa, cảm ơn trời phật đã phù hộ nó.
Sau khi bình phục hẳn, các mẹ đã nhất quyết không cho nó trở về cục điều tra liên bang làm nữa nhưng một lần nữa nó lại thuyết phục được chúng ta.
Hai năm nay nó đều xin nghỉ phép để về Việt Nam nhưng chưa được duyệt.
Mẹ đã định tết này sẽ về tìm con cho nó.
Thật may mắn là hai đứa đã gặp lại nhau.
- Con cũng đã từng thất vọng khi anh ấy không về nhưng khi gặp lại thì dường như bao oán trách cũng biến mất.
Con hoàn toàn tin tưởng anh ấy, nếu đó là lí do khó nói thì con cũng không bắt anh ấy phải nói ra.
Bà nhìn Diệu Đình thấu hiểu, thầm cảm ơn.
- Đình này...con hãy giúp mẹ khuyên nó rời khỏi ngành được không?
Diệu Đình nhìn bà bất ngờ, nhưng đôi mắt của bà lại chứa đầy hi vọng và sự tin tưởng ở cô.
- Anh ấy có đam mê và hoài bão, con không thể ích kỉ bắt anh ấy dừng lại được ạ.
Bà lại dịu dàng thuyết phục cô.
- Từ ngày nó làm cảnh sát, chẳng ngày nào mẹ ngủ ngon cả.
Ngày nào cũng phải nghe thấy giọng nó mới yên lòng.
Ở đây, tội phạm manh động và nguy hiểm lắm, chúng sắn sàng giết cảnh sát hoặc trả thù bằng cách sát hại người thân.
Sau này hai đứa lấy nhau rồi mẹ không muốn con sẽ phải chịu nguy hiểm cùng nó nên con hãy khuyên nó đi, đam mê như vậy là đủ rồi, đến lúc cần phải nghĩ cho người thân và gia đình chứ? Mẹ xin con, các mẹ không bảo được nó nhưng con thì khác.
Mẹ nhìn thấy tình yêu nó dành cho con nên nếu con nói có lẽ nó sẽ nghe.
Diệu Đình bối rối, cô cũng hay phải lo lắng mỗi lần anh làm nhiệm vụ.
Cô cũng từng bị tội phạm của anh truy đuổi nên hiểu cảm giác lo lắng của mẹ anh.
Nhưng khuyên anh từ bỏ mơ ước và hoài bão liệu có quá ích kỉ không?
- Mẹ cho con thời gian được không ạ? Con sẽ nói chuyện từ từ với anh ấy.
- Ừ, mẹ tin ở con.
Mẹ mong nó sẽ từ bỏ trước khi hai đứa cưới nhau.
Mẹ muốn có cháu ẵm bồng, muốn thấy con trai mẹ hạnh phúc chứ không phải hi sinh vì tổ quốc nữa.
Bao năm qua là quá đủ rồi, mẹ không muốn hàng đêm gặp ác mộng về những nguy hiểm rình rập bên nó nữa Đình à.
Bà dựa vào vai cô trút bầu tâm sự và đặt niềm tin hoàn toàn ở cô.
Mong ước của bà là điều dễ hiểu khi bà đã trải qua giai đoạn nhìn thấy con mình ở giữa ranh giới của sự sống và cái chết.
Điều này cô hiểu hơn ai hết khi mỗi ngày đều chứng kiến ở gia đình các bệnh nhân.
- Mẹ yên tâm, con sẽ thuyết phục anh ấy ạ.
- Cảm ơn con thật nhiều..