Lời Nguyền Chung Tình

Chương 1: Kẻ họa tranh



Nước Vĩnh An vào những năm đầu thế kỉ 2 sau CN, thiên hạ vẫn còn không ngừng phân tranh, chiến loạn trùng trùng. Khởi nguồn của sự phân tranh này là bởi sự suy tàn của vương triều cũ. Quốc quân Ngô Duy tuổi trẻ sung mãn hốt nhiên đột tử, các hoàng thân họ Ngô nổi lên tranh chấp. Ai cũng muốn giành lấy ngai vị quốc quân cai trị thiên hạ, dẫn đến một cuộc nội chiến đẫm máu. Nội bộ bất hòa, quốc sự không có ai lo, cộng thêm thiên tai, dịch bệnh, mùa màng thất bát, đói kém tràn lan, đất nước lâm vào cảnh khốn cùng, dân chúng bi thương, phẫn hận và tuyệt vọng trước thế cuộc tàn tệ ấy. Thế nên lần lượt các cuộc nổi dậy của các thế lực khác nhau dưới danh nghĩa khởi nghĩa vì an định, vì thái bình, vì cuộc sống ấm no được rất nhiều người dân hưởng ứng.

Cuối cùng đã có mười tám thế lực nổi dậy hùng cứ các phương, tranh thiên hạ với các hoàng thân Ngô thị đồng thời không ngừng triệt tiêu lẫn nhau. Sau mười tám năm hỗn chiến, thiên hạ bây giờ còn lại năm phe thế lực hùng mạnh nhất đó là họ Ngô ở kinh thành, họ Đinh ở phía Đông, họ Từ ở phía Bắc, họ Lương ở phía Nam và họ Kiều ở phía Tây. Trong các thế lực này, chỉ có thủ lĩnh họ Ngô xuất thân từ hoàng tộc cho nên tự xưng là Ngô vương, còn các thủ lĩnh còn lại chiếm đất lập uy, xưng là sứ quân vẫn tiếp tục giao tranh, giằng co không ngừng.

Thế rồi vào một ngày, Ngô vương không bệnh mà băng. Thế tử của Ngô vương Ngô Thế Minh tuổi trẻ, thế sơ không đủ uy vọng để giành lấy vương vị với các vị thúc bá cùng tộc. Mẫu thân của Ngô Thế Minh muốn tranh thủ giữ vững thế lực, bảo hộ cho con mình nên đã liên minh với thủ lĩnh họ Đinh. Liên minh Đinh - Ngô lại tiến thêm một mức quan hệ khi cả hai sáp nhập thành một thế. Mẫu thân của Ngô Thế Minh tái hôn, gả cho Đinh gia thủ lĩnh Đinh Dũng. Để cùng cố, thống nhất liên minh, Ngô Thế Minh nhượng lại vương vị cho kế phụ, trao lại kim ấn, tôn kế phụ Đinh Dũng lên làm quốc quân, đổi xưng Đinh vương. Đồng thời Đinh Dũng cũng lại gả con gái là Đinh Ngọc Phụng cho Ngô Thế Minh làm thê tử. Thế nhưng trong đêm hôn lễ, Ngô Thế Minh đột nhiên biến mất khỏi kinh thành...

Ở lãnh cứ phía Tây, nơi của sứ quân họ Kiều.

Trên bờ sông, một thiếu niên tuấn tú trong bộ trường bào trắng, tay cầm bút vẽ, nét mặt trầm tĩnh, ánh mắt ưu tư nhìn chằm chằm vào bức họa trên giá đỡ. Trong tranh là một thiếu nữ dung mạo tuyệt mỹ, thế nhưng một nửa khuôn mặt trái lại bị vẽ thành khuyết lõm đến tận xương trông dị hình đáng sợ làm sao!

Thiếu niên đã ở bên bờ sông này vẽ tranh bảy ngày rồi. Không biết đã vẽ được bao nhiêu bức nhưng tất cả đều cùng một dạng chính là vẽ dung mạo của vị thiếu nữ bị khuyết nhan này. Thật kì lạ! Thiếu niên cứ liên tục vẽ vẽ cùng một dung mạo, chẳng lẽ là muốn tìm người? Muốn tìm người thì cũng không lạ gì, nhưng lạ ở chỗ là thiếu niên này cả đời chưa từng ra xuất môn khỏi cửa phủ, đột nhiên tỉnh lại sau một hồi bạo bệnh liền là chạy đến bờ sông, không ngừng không nghỉ vẽ ra dung mạo của vị cô nương trong tranh. Sau đó thì ngồi thất thần nhìn ra bờ sông như chờ như ngóng. Lục Hồng, mẫu thân của vị thiếu niên này nhìn đứa nhi tử hành động kì lạ thế này, không giấu được hiếu kì và lo lắng liền bước đến lay gọi hắn hỏi:

- Phi nhi! Con đã ở đây bảy ngày rồi, vẫn không chịu về nhà sao?

Thiếu niên khẽ lắc đầu, tay vẫn không ngừng động tác. Lục Hồng thở dài:

- Phi nhi! Con quen biết vị cô nương này thế nào? Con muốn tìm người, mẫu thân sẽ cho người tìm giúp con. Con vừa khỏi bệnh, đừng ở đây nữa! Về thôi, có được không?

Thiếu niên lại lắc đầu. Đúng vậy, hắn không thể nói bởi vì hắn là một kẻ câm. Chẳng những câm mà còn bị kêu là tên "bại tử".

Lục Hồng nhìn đứa con cưng ruột thịt của mình mà trong lòng đau thắt. Đứa nhỏ này vừa sinh ra thân thể đã èo uột, nhiều bệnh đáng thương. Phụ thân hắn chỉ có hai người con trai, nhưng huynh trưởng của hắn được phong quang quí trọng bao nhiêu thì hắn lại bị ghẻ lạnh, bị khinh thường chán ghét bấy nhiêu. Hắn là bị câm bẩm sinh cho nên phụ thân hắn cảm thấy hắn chỉ có thể là một tên ăn hại chẳng được tích sự gì. Lại thêm từ ngày hắn ra đời, trong nhà liên tục xảy ra những chuyện không may. Phụ thân hắn cho rằng là hắn chính là một kẻ tai ương thành ra khiến gia tộc bất lợi cho nên thật không ưa được vào mắt. Nếu không phải mẫu thân hắn Lục Hồng là sủng thiếp của lão thì có lẽ mẫu tử hắn đã bị ném thẳng cổ ra khỏi cửa rồi.

Lục Hồng lo sợ hắn càng ở lâu trong phủ thì càng khiến phụ thân hắn chán ghét thêm, vì thế nàng xin cho hắn được dời ra ngoài dựng một tiểu phủ cách xa đại môn quyền quí của phụ thân hắn. Ở đây, hắn một mình một phủ. Bên trong phủ có gia nhân, nô dịch hầu hạ tận tình. Mười mấy năm trôi qua hắn vẫn lãnh đạm bình dị trải qua như thế, một bước cũng chưa từng ra khỏi cửa phủ. Ngoài mẫu thân hắn Lục Hồng ra, có một người nữa thỉnh thoảng cũng hay ghé qua thăm hỏi chính là đại ca của hắn Kiều Vũ Phong. Còn hắn, hắn chính là Kiều Vũ Phi, nhị công tử của sứ quân Kiều Vỹ, người đứng đầu ba châu vùng đất lĩnh Tây này. Trong khi đại ca hắn từ lâu sớm đã theo phụ thân xông pha trận mạc, oai trấn tứ phương, Kiều nhị công tử hắn chỉ là một kẻ vô dụng vừa câm vừa ngốc, được người ta hình dung bằng hai từ bệnh phu nhu nhược. Hắn trong mắt phụ thân Kiều Vỹ sớm đã là một kẻ không tồn tại.

Lần đó, hắn đột nhiên trở cơn nửa đêm thổ huyết. Lang y đến xem bệnh báo rằng hắn sẽ không qua khỏi ba ngày. Nhị phu nhân Lục Hồng nghe tin tức tốc từ đại phủ Kiều gia chạy đến xem hắn, vì hắn mà khóc đến thê lương. Thế nhưng qua đêm thứ ba, hắn chẳng những không chết mà tự nhiên khỏe lại, còn muốn xuống giường, làm một chuyện mà bấy nhiêu năm nay hắn chẳng bao thử đó là cố sức mở miệng. Lục Hồng nhìn đứa con ú ớ khào khào mà cố gắng phát âm, thật lòng nàng đau đớn vô hạn. Cuối cùng, sau khi cố gắng vô hiệu, hắn cũng cam chịu, ngồi im nghe Lục Hồng an ủi tâm tình. Sau đó, hắn liền là bất quản ngày đêm chạy đến bờ sông ngồi ở đó không ngừng vẽ cho đến tận lúc này.

Lúc này, số tranh mà hắn vẽ ra được chắc cũng đã đến mấy trăm bức. Lục Hồng giở từng bức xem xem, rồi lại cứ thở dài. Đứa con này là nghĩ điều gì đây? Hắn gặp qua nữ nhân kì quái này ở đâu mà lại vẽ ra những bức họa chân thực đến đáng sợ thế này? Nếu thật sự hắn muốn nữ nhân này...? Ôi không! Đứa con này hắn...Hắn làm sao có thể thích nữ nhân được? Lục Hồng tự nghĩ rồi lại tự phủ định suy nghĩ của mình. Sau đó nàng lại quay sang nha hoàn Minh Hương, giao sấp tranh cho nàng ấy rồi phân phó:

- Ngươi mang số tranh này đến nha môn, sai bọn hắn dò tìm người trong tranh này đi!

- Dạ, nhị phu nhân!

Minh Hương đáp lại một tiếng, tay đỡ lấy sấp tranh từ tay của Lục Hồng. Vô tình, lúc nàng vừa đón lấy Lục Hồng đã buông tay, đúng lúc lại có một cơn gió phất qua, thổi sấp tranh tung bay khắp cả ngã đường, bay xuống cả hướng dòng sông trước mặt. 

Trên dòng sông, một chiếc thuyền nhẹ lướt qua. Trên thuyền có rất nhiều gia nhân hộ tống. Ở khoang thuyền, có hai thiếu nữ. Một người thân ảnh thanh mảnh, y phục màu vàng nhạt, bộ dáng khoan thai, đeo chiếc khăn mỏng che mặt đang thanh tĩnh luyện chữ. Người còn lại là nha hoàn, dung mạo cũng khá thanh tú, ưa nhìn đứng ở phía sau chu đáo mài mực châm trà. Vốn là quang cảnh đang tốt đẹp như thế, cho đến khi một bức tranh từ trên bờ sông bay đến, dừng lại và rơi xuống trước mặt thiếu nữ đang luyện chữ kia. Nàng vừa nhìn bức tranh liền sửng sốt. Nhưng người phản ứng kinh phẫn bộc lộ ra lại là thiếu nữ ở phía sau nàng. Nghê Thu trợn trừng mắt nhìn bức tranh sau đó vội nhàu nát ném đi, còn tức khí lớn tiếng quát:

- Là kẻ khốn kiếp xấu xa nào? Sao có thể họa ra bức tranh đáng sợ thế này? Hắn...hắn chính là lớn gan tạo tội, muốn nguyền rủa tiểu thư.

Vị tiểu thư cũng không nói tiếng nào. Nàng đứng dậy nhìn lên hướng bờ sông thì kinh ngạc. Ở trên bờ có rất nhiều bức tranh đang tung bay khắp nơi. Là chuyện quái quỉ gì nơi ấy nhỉ? Những bức tranh kia có phải không cũng liên quan đến mức tranh này? Ý nghĩ vừa nảy lên, tiểu thư quay sang Nghê Thu, giọng vẫn nhỏ nhẹ nói:

- Chúng ta lên bờ xem thử!

Đoàn thuyền ghé vào bến. Vị tiểu thư được bốn bên gia nhân hộ vệ bước lên bờ. Nghê Thu cũng đi cạnh bên nàng, thận trọng quan sát tìm kiếm. Trên đường, các nàng cũng nhặt được rất nhiều bức tranh. Tất cả cũng đều là một dạng giống nhau với bức mà các nàng nhặt được trên thuyền, là tranh vẽ dung mạo đáng sợ của một thiếu nữ khuyết nhan. Nghê Thu bất mãn, quay sang đám hộ vệ ra hiệu đi tìm xem nơi xuất phát của số tranh này. Đáng tiếc, bọn họ chỉ nhìn thấy một chiếc giá đỡ và bút vẽ ở bên bờ sông nhưng lại không thấy người. Bởi vì người vẽ tranh lúc ấy đã bị Lục Hồng mang lên tửu lầu cách đó mấy căn ép dùng bữa.

Sau khi quan sát một vòng, chờ đợi một lúc vẫn không thấy người kia quay lại. Vị tiểu thư ấy bất chợt nổi ý tò mò, nàng bước đến bên giá đỡ. Trên ấy hiện đang còn một bức tranh chỉ mới vẽ một nửa, và bởi vì vẽ một nửa cho nên trên kia vẫn chưa vẽ ra nét khuyết lõm dị dạng đáng sợ như những bức họa kia. Đinh Ngọc Phụng nhìn vào tranh kia, chợt cầm bút đề lên nét chữ thanh tao: Đinh Ngọc Phụng.

Lúc Kiều Vũ Phi dùng bữa xong, khó khăn lắm mới cự nự thành công, thoát khỏi quản chế của mẫu thân để trở về chỗ cũ bên bờ sông tiếp tục ngồi ngốc đấy mà vẽ ra người trong suy nghĩ. Thế nhưng lúc này, khi nhìn thấy dòng chữ thanh mảnh kia, danh tự kia liền khiến Kiều Vũ Phi không thể nào bình tĩnh. Hắn khổ sở cầm theo bức tranh có dòng chữ chạy khắp xung quanh dò hỏi từng người. Khốn nỗi, hắn không nói được, chỉ ú ớ chỉ trỏ cho nên không ai hiểu hắn muốn hỏi cái gì? Mãi cho đến khi hắn hỏi đến lão bá bán nước chè bên đường, thế nhưng lão hiểu, liền chỉ tay về hướng bến sông nói:

- Lúc nãy ta thấy có một vị cô nương dẫn theo tùy tùng từ bến thuyền kia đi lên đã đến bên giá vẽ của nhà ngươi đề lên mấy chữ này sau đó đã xuống thuyền rời đi mất.

Kiều Vũ Phi liền tức tốc mang theo bức tranh chạy thẳng xuống bến thuyền. Đáng tiếc vẫn đến trễ, thuyền đã rời bến rất xa. Gần đó lại không có chiếc thuyền nào khác để đuổi theo. Kiều Vũ Phi không cam tâm. Lại nghĩ, đường sông này thẳng tắp song song với đường bộ, nếu đúng như dự đoán, chiếc thuyền kia hẳn sẽ phải đi hết đoạn sông này đến cửa sông lớn sau đó mới rẽ. Hắn tranh thủ thời gian đi bằng đường bộ, có khi sẽ chặn được thuyền ấy trước khi đến cửa sông. Thế là hắn bất chấp tung thân cướp lấy con ngựa gần đó tức tốc phi chạy trên đường, liều mạng đuổi theo chiếc thuyền trên sông. 


Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.