Trở về thung lũng nằm sâu bên trong rừng, trên lưng Pa Kèo là một chiếc balo đã bạc màu. Chiếc balo cũng bình thường như bao chiếc balo khác, nhưng bên trong balo đựng một con gấu bông cỡ trung bình, có vẻ như con gấu hơi to so với chiếc balo nên Pa Kèo không thể kéo hết khóa của balo lại nên phần đầu con gấu bông vẫn nhô ra bên ngoài.
Vẻ mặt vui sướng, tinh thần phấn khởi hồi hộp bởi gần 3 năm sau khi rời khỏi làng cùng với ông già người Thái kia, đây là lần đầu tiên Pa Kèo quay trở về làng. Sinh ra và lớn lên trong ngôi làng nhỏ bé, ẩn mình với thế giới bên ngoài. Pa Kèo là một người ham mê võ thuật, bởi từ nhỏ anh đã bị bắt nạt do ngoại hình có phần nhỏ bé hơn những đứa trẻ khác. Nhưng Pa Kèo không chấp nhận điều đó, để bù đắp lại bất lợi về mặt thể hình, Pa Kèo tập trung vào luyện tập sự dẻo dai, bền bỉ cũng như tốc độ. Chẳng biết từ bao giờ, ham mê võ thuật lại ăn sâu vào máu của Pa Kèo, không còn là những cuộc đánh nhau vô bổ nữa, Pa Kèo đi khắp nơi để học tập và rèn luyện. Ngay cả khi đã cưới vợ, sinh con, niềm đam mê ấy cũng không nguội lạnh. Và rồi, trong một lần tình cờ, từ một hội thi đấu võ thuật, được cho là tổ chức giao lưu giữa các đồng bào dân tộc thiểu số. Chẳng ai nghĩ một người với vóc dáng nhỏ bé như Pa Kèo lại dành chiến thắng, bước ra từ cuộc thi, khi định quay trở về làng thì có một người đàn ông ước chừng gần 60 tuổi tìm đến Pa Kèo với ý định thách đấu. Nhìn vẻ ngoài của ông già này tuy rắn chắc, biết đó cũng là người luyện võ, nhưng vì độ tuổi quá chênh lệch nên Pa Kèo từ chối, mặc dù ông ta nói Pa Kèo cũng chẳng hiểu gì.
Nhưng suốt trên quãng đường đi, ông ta cứ bám theo Pa Kèo nhất định không từ bỏ. Mặc dù Pa Kèo thoắt ẩn, thoắt hiện, với tốc độ và sự nhanh nhẹn của mình tưởng rằng Pa Kèo sẽ dễ dàng cắt đuôi ông ta, nhưng không, chỉ một lúc sau ông ta lại xuất hiện. Quá bực bội, Pa Kèo chấp nhận đánh với ông ta một trận, giữa rừng núi hoang vu, hai cao thủ đối đầu nhau, một người vừa là vô địch hội thi võ, một người chỉ là một ông già người Thái Lan.
Vậy mà, kết quả cuối cùng đã ngã ngũ một cách chóng vánh, Pa Kèo bị ông già kia đánh cho đến không bò dậy được. Chỉ sau những đòn cùi trỏ và lên gối tưởng chừng rất đơn giản nhưng mồm miệng đầy máu, Pa Kèo chỉ chạm được vào chân ông ta khi gục xuống đất bất tỉnh. Sau đó Pa Kèo mới biết, người đàn ông này là một bậc thầy về quyền thuật Thái Lan. Hơn nữa, ông ta cũng sống trong rừng nên việc Pa Kèo muốn lợi dụng địa hình rừng núi để cắt đuôi ông ta không khiến ông ta gặp trở ngại.
Ông ta đợi đến khi Pa Kèo tỉnh lại mới toan bỏ đi, thì lúc này Pa Kèo mới ngỏ ý muốn xin đi theo ông ta để học võ. Hai người bất đồng ngôn ngữ, nhưng qua những lời nói bằng hành động, cũng như Pa Kèo quỳ xuống xin bái sư thì người đàn ông kia cũng hiểu ý. Nhận thấy Pa Kèo có tố chất, mặc dù thể hình khiêm tốn, nhưng rất nhanh nhẹn, thắng không kiêu, bại không nản, sẵn sàng bái người mạnh hơn để làm thầy, điều này không phải ai cũng làm được. Nhìn ra được ý chí quyết tâm của Ka Pèo, ông già quyền Thái kia đã đồng ý. Từ hôm đó, Pa Kèo rời bỏ quê hương đi theo thầy sang Thái để học võ.
Gần 3 năm ở Thái Lan, không một ngày Pa Kèo lười nhác luyện tập, và tất nhiên, khi học một điều gì đó thì người ta mong muốn được công nhận. Nơi ông già người Thái kia ở cũng là một ngôi làng trong núi, ở Thái Lan lúc bấy giờ cứ 2 năm họ sẽ tổ chức một đại hội võ thuật, phạm vi giới hạn là khắp các nước trong khu vực, thậm chí là cả người Châu u. Khi biết được đến đại hội này, Pa Kèo đã xin sư phụ 2 năm sau cho phép mình tham gia. Tất nhiên ông già quyền Thái đồng ý.
Và bây giờ, Pa Kèo đang trên đường trở về nhà với vị trí thứ 4 toàn đại hội, mặc dù không thể đi sâu hơn nữa, nhưng đó là vẫn là một thành tích không tưởng đối với một người Việt Nam, chưa kể đến, so với tất cả những đối thủ tham dự, Pa Kèo là người có thể hình nhỏ nhất. Pa Kèo đã phải chịu thua trước một tay đấm đến từ Nga, một gã với thân hình hộ pháp, mặc dù có tốc độ, nhưng bất lợi về thể hình không thể giúp Pa Kèo chiến thắng trong khi những đối thủ đã lọt vào vòng trong cũng đều là thứ dữ. Nhưng quan trọng nhất, Pa Kèo đã giúp sư phụ đánh bại kẻ thù truyền kiếp. Trong quá khứ, sư phụ của Pa Kèo từng bất phân thắng bại, nên sau này đến đời đệ tử, mối thù võ học ấy vẫn tiếp tục kéo dài. Và lần này, sư phụ của Pa Kèo đã chiến thắng bởi Pa Kèo đã đánh bại đối thủ cũng là đệ tử của người kia.
Cơ thể bầm dập, mặt vẫn còn sưng húp sau trận đánh cách đây 2 ngày. Nhưng những điều đó không khiến cho Ka Pèo thấy đau đớn, bởi chỉ còn một quãng đường nữa thôi, Ka Pèo sẽ trở về làng, con gái anh sau 3 năm chắc hẳn đã lớn hơn nhiều, Pa Kèo đang tưởng tượng đến khuôn mặt vui mừng của vợ mình sau ngần ấy thời gian không gặp. Tất cả, tất cả những điều đó khiến cho Pa Kèo rảo những bước chân nhanh hơn nữa. Và đây rồi, băng qua vách đá trước mặt, Pa Kèo sẽ nhìn thấy thung lũng Y nơi ngôi làng của anh đang nằm ở đó.
Nhưng, đứng trên cao nhìn xuống, mọi thứ hiện ra trước mắt khiến cho Pa Kèo sững sờ. Phía dưới thung lũng, tất cả chỉ còn lại một màu đen ám khói, làng mạc, cây cối, tất cả đều đã bị thiêu cháy rụi. Không hiểu chuyện gì đã xảy ra, Pa Kèo bước vào làng, mọi thứ chỉ còn lại là đống tro tàn. Và rồi, điều kinh khủng nhất Pa Kèo không muốn nhìn thấy, đó chính là xác người, toàn bộ xác của người dân trong làng đã bị thiêu cháy đen xì, họ nằm cạnh nhau, chân tay co quắp do bị trói.
Pa Kèo hạ chiếc balo xuống, anh lật từng cái xác đen thui không còn thể nhận diện ra được ai với ai. Nhưng vẫn có một thứ mà Pa Kèo nhận ra, trong số những thi thể ấy, có một thi thể vãn còn đeo trên tay chiếc lắc bạc, là món quà mà Pa Kèo mua cho vợ khi dành được giải nhất trong hội thi võ gần 3 năm trước. Đau đớn hơn, khi nằm bên cạnh xác của vợ anh là một cái xác nhỏ hơn với phần tay đang níu lấy cơ thể của mẹ, vợ con anh đều đã chết.
Pa Kèo khóc nức nở, ôm chặt hai cái xác bị thiêu cháy ấy vào lòng, Ka Pèo ngẩng mặt lên trời gào thét trong vô vọng, nỗi đau của người đàn ông đó có lẽ phải chạm tới những áng mây xanh trên bầu trời giữa núi rừng hoang vu, cô quạnh. Chiếc balo đựng con gấu bông đổ xuống nền đất đen đầy bụi than, phần bông trắng phau trên đầu con gấu chạm đất, lấm những vệt bẩn đen xì. Có lẽ cả những con chim rừng cũng cảm nhận được nỗi đau đớn ấy nên chúng nháo nhác bay khỏi những lùm cây mỗi khi tiếng gào thét ấy lại vang lên.
[.......]
3 tháng sau....Tại trại giam Thanh Phong, sau đúng 18 tháng tù, ông Tuấn bước ra khỏi trại giam với một tâm trạng bồi hồi khó tả, đây không phải là lần đầu tiên ông mãn hạn tù, lần trước là cả một quãng thời gian dài, 10 năm, lần đó khi ra tù, trong lòng ông Tuấn là niềm hạnh phúc, sự mong đợi, hi vọng khi ở nhà vợ chờ, con trông. Và sau 10 năm, ông có thể làm lại cuộc đời, ít nhất là ông từng nghĩ như vậy.
Còn lần này, đã là lần thứ 2, thời gian chỉ là 18 tháng, so với một người ăn cơm tù có thâm niên như ông Tuấn thì đây không phải quãng thời gian dài. Hơn 1 năm qua, ở trại giam Thanh Phong, ông Tuấn đã làm được nhiều việc, trong tù, nhưng một lần nữa, ông được sống lại với những cảm xúc, với đam mê, với những hoài niệm xuyên suốt quãng đời đã qua. Giờ đây, khi đặt chân ra khỏi nhà tù, ông không biết phải đối mặt với thực tại ra sao. Vợ ông đã chết bỏ lại 2 đứa con nhỏ, ông không biết liệu các con của ông có chấp nhận một người bố thân mang đầy tội trạng thế này hay không..? Ông cũng sợ rằng gia đình Vân sẽ chưa thể bỏ qua cho ông, dù Vân chết là do tai nạn, nhưng nghĩ kỹ lại, cả cuộc đời của Vân đã vì ông mà khốn khổ, nói cách khác, ông Tuấn đã vô tình giết chết vợ mình, hoặc ông chính là nguyên nhân đẩy vợ cùng các con vào hoàn cảnh khốn khổ.
Khẽ vỗ vào vai ông Tuấn, Liêm giám thị mỉm cười:
- - Nhiều câu hỏi quá phải không...? Cho dù cậu có là người mạnh mẽ, có là người bản lĩnh đến đâu nhưng suy cho cùng cậu vẫn là một người bố. Tôi cũng đã nghe hết về những câu chuyện của cậu. Thật hiếm có một tù nhân nào lại khiến cho từ giám thị cho đến bạn tù quan tâm đến vậy. Ở cậu có chút gì đó, tôi tạm gọi là ma lực thu hút những kẻ xung quanh. Nhưng cậu lại không phải là một người cha tốt, một người bố tốt....Có lẽ những năm tháng bôn ba giang hồ, rồi những năm dài ở trong tù đã khiến cậu quên mất bản năng này. Nhưng hãy nhớ, cậu vẫn còn cơ hội làm lại cuộc đời, cậu may mắn hơn những người khác, hãy trân trọng điều đó. Gần 2 năm qua chúng ta tuy thân phận quản giáo với tù nhân, nhưng thực chất tôi luôn coi cậu như một người bạn. Chứng kiến những gì cậu làm cho mọi người và cho cả tôi, tôi thực sự cảm kích.......Thế cho nên, hãy gặp lại nhau trong một hoàn cảnh khác, không phải là nhà tù nhé.
Dúi vào tay ông Tuấn 3tr, Liêm giám thị cười:
- - Vậy mà tôi cứ tưởng khi cậu mãn hạn, bên ngoài này sẽ có xe to, xe nhỏ đưa đón chứ. Nhưng như thế thì đâu còn là Tuấn " Điên " nữa.....Số tiền này là để đi đường, hãy về và gặp lại bọn trẻ, chăm lo cho chúng, dành tất cả những gì mà trước đây cậu chưa làm được cho chúng, hãy ở bên cạnh chúng nhiều nhất có thể.
Lời nói của Liêm giám thị có chút nghẹn ngào, bởi hơn ai hết, Liêm giám thị hiểu rõ nhất nỗi đau khi không được ở gần con cái. Con gái của ông vẫn đang chống chọi lại căn bệnh ung thư hiểm nghèo, và bản thân ông cũng biết, lúc này đây, ở gần con được ngày nào với ông là hạnh phúc ngày đó, thời gian của con gái ông không còn nhiều nữa. Nói chuyện với ông Tuấn, Liêm giám thị cũng chính là đang bộc bạch tâm sự của mình.
Ông Tuấn chìa tay ra bắt lấy tay của Liêm giám thị, ông Tuấn nói:
- - Cảm ơn giám thị, gần 2 năm qua đã nhờ giám thị không ít. Hi vọng sau này sẽ còn cơ hội để gặp lại. Tôi sẽ ghi nhớ những gì giám thị nói ngày hôm nay.
Ra khỏi tù, không một ai đến đón, nhưng người đàn ông ấy vẫn hiên ngang bước đi trên con đường đầy nắng và gió bụi. Đúng với cái cách mà bao năm qua ông ấy vẫn đương đầu, ông Tuấn bước đi không một lần quay đầu lại nhìn nhà tù, Liêm giám thị đứng đó tiễn, ông nhìn theo cho đến khi bóng dáng của gã tù trung niên ấy khuất dần rồi biến mất.