Ly Uyên

Chương 1: Tự



VIỆC TÔI GẶP ĐƯỢC TRỊNH UYÊN, TRƯỚC GIỜ CŨNG KHÔNG HỀ THEO NHƯ LỜI HỌ NÓI.

____________________________________________________________________________

Mồng tám tháng hai năm Ngụy Cẩn Hâm thứ sáu, tức năm Tề Tuyên Minh thứ tám, trong ánh mắt khiếp sợ của bách tính thành Lân Tiêu, một góc phía đông của vòm trời xé toạc ra, như đã vẩy lên đó màu mực đỏ bầm màu máu dơi. Sắc đỏ ma quỷ đó theo trận lửa to thiêu đốt Ngụy cung suốt năm lần mặt trời lặn, khiến thành Lân Tiêu sáng rực như đang giữa ban ngày. Âm thanh sụp đổ của Ngụy cung hòa vào trong quầng lửa đỏ rực trong đêm tối, nghe rõ ràng kỳ lạ, dường như trăm vạn cô hồn lệ quỷ đang da diết khóc thương. Lúc trời ló rạng, mọi người nghe thấy những quân lính mặc y phục xa lạ di chuyển như con thoi giữa các giếng nước trong thành Lân Tiêu rì rầm kháo nhau, rằng chưa thấy tòa thành nào to lớn xa hoa như Ngụy Cung; và khuôn mặt của Ngụy Vương trẻ tuổi, lúc quan sát liên quân Tề Trịnh phá thành. Một khuôn mặt sáng trong, im ắng vô ngần.

Nói về sự diệt vong của nước Ngụy, các nhà sử học hậu thế từng đưa ra rất nhiều quan điểm, nhưng mãi mãi không thể tìm được điểm đồng. Rất nhiều người cho rằng nguyên nhân nằm ở vua nước Ngụy là Cẩn Hâm đế kiêu căng tự phụ, bạo tàn đa nghi. Chính bởi tính cách rất điển hình của một nhà vua mất nước ấy đã vùi chôn đi quốc gia tươi đẹp bậc nhất thời Lục Quốc - nước Ngụy. Cũng có người cho rằng, dù Ngụy Ly quả có thúc đẩy một nền chính trị khắc nghiệt, nhưng cũng có thể coi là một vị đế vương anh minh quả quyết một đời. Mọi người đều mê mải đào sâu vào các quyết sách chính trị hà khắc của Cẩn Hâm hoàng đế được chép lại trong sách sử, tầm nhìn không thể nào thoát ra được khỏi đó. Những người này quy kết nguyên nhân diệt vong của Ngụy quốc vào một vị tướng nhà Tề tội đồ cao ngút bằng trời - Thiệu Dương.

Cũng giống như bao thời kỳ ly loạn phân tranh khác, lịch sử của Lục quốc cũng chất chứa đan xen trong đó bao nhiêu truyền kỳ về những tướng hiền, thần giỏi, minh quân. Nhưng giữa mù khơi bao la đó của các danh nhân, một sử gia dù có săm soi tới đâu đi nữa cũng phải cam tâm tình nguyện giao danh hiệu "Lục quốc đệ nhất danh tướng" cho Thiệu Dương, Thiên hạ đại tướng quân dưới thời kỳ của Tuyên Minh Đế nước Tề. Từng có lúc Tuyên Minh đế cảm khái rằng: Giang sơn nước Tề, sáu phần thuộc về trẫm, bốn phần thuộc về Thiệu khanh. Nay điều có thể thưởng cho Thiệu khanh đã không thể ban thưởng, trẫm đành phong duy nhất hai chữ Thiên hạ để giữ cái nghĩa này.

Thiệu Dương bẩm sinh đã theo binh nghiệp, mười hai tuổi vào kinh, dùng trí phá được Tu La độ thủ hộ Tương Thành. Mười sáu tuổi phong tướng, mười tám tuổi bình Trần, hai mươi tuổi diệt Ngụy, lúc còn sống đã kinh qua bảy mươi trận có lẻ, hạ hơn bảy mươi thành, được ban cho danh hiệu Thiên hạ tướng quân. Hai năm sau khi diệt Ngụy, chết yểu trong ánh mắt chờ đợi của những người đợi chờ hắn bình định xong Lục quốc, có một kết thúc bi thương hoàn hảo cho một cuộc đời ngắn ngủi. Người đời sau quen ví von các tướng lĩnh trời không cho thọ mệnh như pháo hoa, xòe rực rỡ chỉ trong một tích tắc. Nhưng người đời cũng không muốn dùng cách gọi như vậy với Thiệu Dương, bởi vì sự chói sáng từ cuộc đời lẫy lừng nhưng chóng vánh của hắn, pháo hoa do bất cứ ai tạo ra cũng không so sánh được. Có lúc rất ngẫu nhiên, họ ví hắn như một trận lửa ngùn ngụt, bốc lên cao soi chiếu khắp đất trời thành sáng rực, chớp mắt sau đó không còn tung tích.

Tất nhiên phần lớn các sử gia chỉ cười nhạt trước giả thiết rằng một cá nhân có thể xoay chuyển vận mệnh Lục quốc. Họ cho rằng cung điện nước Ngụy, được xây dựng uốn lượn theo thế núi trải dài trăm dặm là bằng chứng rõ ràng nhất. Lịch đại quốc quân nước Ngụy đều ỷ lại vào thế nước cường thịnh, đòi hỏi xa xỉ vô cùng, việc xây cất tiến hành qua ba triều vua liên tiếp mà không biết rằng phải để cho bách tính nghỉ ngơi dưỡng sức. Do đó, nước Ngụy mà Ngụy Ly kế thừa là khung xương của một con thú to lớn, kềnh càng nhưng bên trong trống rỗng, không thể chịu nổi dù chỉ một nhát đâm. Vì vậy không cần tới liên quân Tề Trịnh tiến công, thanh kiếm mất nước đã lửng lơ treo trên đầu đế vương Ngụy quốc. Các lão cung nhân kể lại rằng khi đêm phủ điện Vô Lương mênh mông heo hút, thường nghe thấy văng vẳng tiếng chuông tang, khóc thương cho nạn tai đã gần kề.

Lý do mà nước Ngụy sụp đổ đã khuất lấp sau bụi mờ của lịch sử, khó lòng thấy rõ. Rốt cuộc trong muôn lời truyền tụng của người đời, chỉ có mồi lửa dẫn tới liên quân Tề Trịnh tấn công nước Ngụy là rõ ràng, minh xác nhất. Tất cả mọi sử gia hậu thế đều có các phân tích, diễn giải về giai đoạn lịch sử đó, khi Ngụy quốc Bình Loạn hầu - Thế tử Viên Duẫn Đàn tự ý thả con tin Uyên của nước Trịnh. Để rồi Trịnh Uyên về nước đăng cơ, liên Tề phạt Ngụy, trực tiếp chôn vùi Ngụy quốc từng lớn mạnh không gì bì kịp. Trên trang sách sử chỉ kể qua một cách sơ lược, họ múa bút vẩy mực viết nên một vở kịch hài không thể nào tưởng tượng ra nổi trong chốn cung đình, diễn tả những trò bóng bẩy, diễm tình cực độ. Đó là lúc thiếu thời Bình Loạn hầu thế tử đã nhất kiến chung tình với Trịnh Uyên, vốn là độc chiếm của Cẩn Hâm Đế, ra sao. Sau khi thừa kế ngôi Hầu đã bị Trịnh Uyên mê hoặc, thả y ra khỏi biên giới. Rồi vận dụng binh quyền trong tay thế nào để giúp Trịnh Uyên leo lên vương vị, và cuối cùng tự vẫn trước đại điện của Ngụy cung, máu tuôn năm trượng, vấy bẩn lá cờ Hắc Báo bằng gấm xanh đã bị khói lửa chiến tranh nhuốm thành màu đỏ thẫm.

Họ thậm chí còn vẽ chuyện y như thật, rằng đêm trước khi thành Lân Tiêu bị phá - "Vua ở trong cung thết yến quần thần, ca múa thăng bình, sai Duẫn Đàn mặc chiến giáp ngồi bên tay phải. Ca vãn, Duẫn Đàn bước tới quỳ mà thưa: "Thần tự thả Trịnh Uyên, biết không thể tha, vốn muốn chết ngoài chiến trận báo đền bệ hạ, không ngờ chỉ càng vật vờ qua đoạn tháng. Nay sự nguy tới mức này, thần không dám phụ bệ hạ lần nữa. Thưa xong cam bái, tự sát ngoài điện." Các sử gia già mồm thường còn chêm vào sau đó một câu: "Một lần sảy chân, hận ngàn đời", lấy cảnh đó mà hầu người đời sau.

Tất cả chỉ là dối trá.

Viên Duẫn Đàn không chết. Đêm trước khi thành Lân Tiêu bị phá, bách tính tràn khỏi thành chạy trốn lẫn vào khói bụi mịt mù, không một con mắt nào chứng kiến được sự hủy diệt huy hoàng nhất trong lịch sử Lục quốc. Nhân vật trong đoạn sử tự vận tạ tội bị các sử gia say sưa phóng bút thật ra là Ninh quốc Hầu năm xưa đã thất thủ ở Tu La độ - Hạ Viễn.

Viên Duẫn Đàn sở dĩ phải đi, là vì bệ hạ nói với tôi: - "Đệ không đáng phải chết trong thành Lân Tiêu."

Tôi là Viên Duẫn Đàn, thư đồng lúc nhỏ của Ngụy Ly, Tổng đốc binh mã, Bình Loạn Vương do chính Cẩn Hâm Đế gia phong - Viên Duẫn Đàn.

Tất nhiên tôi quyết định ra đi. Hai mươi năm tôi sống trên đời đã có nếp quen phải nghe lời người ấy. Bạn chơi đùa của tôi khi còn nhỏ, tri kỷ của tôi thuở thiếu niên, hôm nay đầu đội mão hắc báo long, thân mặc triều phục màu tía ánh vàng, ung dung mà tàn khốc, Cẩn Hâm Đế - Ly.

Còn việc tôi gặp được Trịnh Uyên, trước giờ cũng không hề theo như lời họ nói.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.