Ly Uyên

Chương 22: Chương cuối



Mùa xuân, năm Tề Tuyên Minh thứ Tám, Hộ quốc tướng quân Thiệu Dương khởi hành về triều. Đương tân tang của Thái Hậu nhà Tề Diêu thị, Dao Kinh chìm trong màu trắng. Năm xưa, Diêu Thái hậu từng bí mật mưu đồ cùng các vương hòng lập Tề Hiển Tư làm vua. Sự bại, sau vẫn ẩn dật tại Thiên cung. Bà ta không hề gần gũi với Tuyên Minh đế Hiển Dương, song vẫn là mẹ đẻ của vua. Để trọn đạo hiếu, Tuyên Minh đế noi theo phép tổ nước Tề mà không được ngồi kiệu xe xuất hành trong vòng nửa năm. Bởi thế mà có sự lạ chưa từng thấy trong toàn bộ lịch sử Lục quốc - hoàng đế đi bộ ra cung, tới ngoài thành đích thân đón đại tướng quân, khiến cả tòa thành Dao Kinh tắc lưỡi lấy làm lạ.

Thấy đó là một cảnh tượng mà dân chúng chen nhau đồn thổi, rằng vua không mang ngựa xe, đứng đợi ngoài thành. Còn Thiệu tướng quân phi nhanh mà đến, dường như không trông thấy vua, hoặc do đang quá vui mừng mà quên xuống ngựa. Nếu không phải có tùy tùng trái phải cố ghìm con ngựa mà ngài cưỡi, e rằng tướng quân sẽ nhảy bổ vào trong thành. Sau đó tướng quân cũng không hành lễ vua tôi, chỉ chăm chăm nhìn vào trong thành Dao Kinh. Vua bước đến, nói điều gì đó với tướng quân, lúc này ngài mới hoàn toàn tỉnh ngộ, vội quỳ lạy. Cảnh tượng này khiến người ta vô cùng khó hiểu.

Sau khi Thiệu Dương về triều, Tuyên Minh đế dốc lòng ban thưởng. Thiệu Dương chỉ thưa chẳng qua mình làm trọn bổn phận thần tử, từ chối mọi ý tốt của hoàng đế. Tuyên Minh đế vốn muốn ban cho y họ Tề, sau sẽ phong vương tặng ấp, chính thức tiếp quản quân Niễn Trần. Nhưng nghe nói lúc Tuyên Minh đế để lộ ý định này trên triều, Thiệu Dương khéo léo từ chối trước mặt chúng quần thần, một mực giữ quân Niễn Trần dưới trướng Hoàn vương. Tuyên Minh đế rơi vào ngõ cụt, đành thôi, còn quân Niễn Trần đã bị thương vong nặng nề lại không còn người thống lĩnh trên thực tế, từ đó mà dần dần chìm dưới cái bóng của chính mình.

Lý do mà Thiệu Dương đem ra để từ chối vua hay phong thái lúc y kính tạ vua đều luôn khiêm nhường thỏa đáng, luôn binh quyền cầm trong tay cũng dễ dàng tự nguyện dâng ra. Thanh danh của y, cộng với sự sủng ái mà Tuyên Minh đế dành cho y, khiến hoàng đế ấm ức không biết phải làm cách nào khác. Ở một phương diện khác, dân chúng nước Tề mong mỏi vị anh hùng khải hoàn của bọn họ phải được thăng quan tiến tước, cho nên chuyện phong thưởng cho Thiệu Dương là không thể không làm, điều này khiến Tuyên Minh đế lâm vào thế tiến thoái lưỡng nan. Triều đình thì cứ mãi râm ran bàn tán, chẳng biết vị tướng quân tóc xanh công danh hiển hách lại không cầu bất cứ phong thưởng nào ấy rốt cuộc là vì thấy hổ thẹn trước sự thụ phong trước nay chưa từng có, hay là có ý định đưa hoàng đế vào chỗ khó xử trước nay chưa từng xảy ra.

Cuối cùng, hơn một tháng sau khi bình định nước Ngụy, Thiệu Dương thụ phong Thiên Hạ tướng quân. Tuyên Minh đế nói trước chư thần, "Giang sơn nhà Tề, có bốn phần quả thuộc về Thiệu khanh. Nay, thứ phải thưởng Thiệu khanh không thể thưởng, trẫm đành lấy Thiên Hạ mà phong."

Một câu "Thứ phải thưởng không thể thưởng" đã nhẹ nhàng giấu đi những lúng túng trước sau liên quan đến việc phong thưởng này, và cũng để lại một lời tán tụng chưa từng có từ xưa đến nay cho Thiệu Dương. Bản thân Tuyên Minh hoàng đế Tề Hiển Dương, với năng lực nắm trong tay mọi mưu kế và thủ đoạn chính trị hoàn hảo, nghiễm nhiên đã chứng tỏ bản thân mình từ lâu đã có thể sánh với bất kỳ một đấng quân chủ nào khác.

Bước ngoặt này vốn không đáng để người ngoài đồn đãi, nhưng lại được truyền tụng đến xuất thần nhập hóa, vậy mà khi xem lại sử nước Tề lại chẳng thấy để lại một dấu vết nào. Người đời sau nhìn đến thì chỉ thấy một ít dòng ghi chép trong sử nhà Tề về việc Thiên Hạ tướng quân thụ phong:

"Khi Dương về triều, vua thấy công to, cười mà rằng: "Đã chẳng còn cách khác, nay phong khanh Thiên Hạ!" Dương đáp: "Thần chẳng mong hơn, chỉ xin một nguyện " Vua ngừng, lại khoát tay rằng: "Trẫm rõ nguyện của ngươi. Nay Thiên Hạ có thể ban, song nguyện khó thành."

Rốt cuộc nguyện vọng của Thiệu Dương là gì thì không thể nào biết được. Từ đó đến trăm năm sau, dân gian đất Tề còn lưu truyền câu nói "Nhất nguyện thiên hạ", trở thành chứng nhân trung thực nhất của câu chuyện này.

-

Đối với Tuyên Minh đế mà nói, những năm tháng sau chiến tranh cũng không phải ngồi mát ăn bát vàng, mà là bắt đầu những thử thách còn gian nan hơn nữa. Một mặt, hắn thuận theo lòng dân mà miễn giảm thuế má, mặt khác lại tìm trăm phương nghìn cách để tăng cường quốc khố hòng tái thiết quân đội. Thảng hoặc, dân chúng sẽ ngẫu nhiên thấy ngựa xe của Tuyên Minh đế dừng trước cánh cửa vắng lặng phủ Hoàn vương. Có một thứ khiến Tề Hiển Dương an lòng một chút rằng Đông Dao là vùng gạo thóc phì nhiêu, nông nghiệp và tiểu thương nghiệp chẳng mấy chốc sẽ phục hồi, không hề có chút gì là không an phận.

Bước sang đầu năm Tề Tuyên Minh thứ chín, giữa lúc nước Tề đang dần trở lại quỹ đạo bình thường, Hoàn vương Tề Hoàn Duyên hoăng tại Tề đô Dao Kinh. Người nước Tề dù nghe nói sau khi về kinh, Hoàn vương bệnh luôn không khỏi, nhưng vẫn không ngờ hắn qua đời lúc tuổi còn xanh. Tuyên Minh đế thống thiết khóc, xem như cha mà làm lễ táng, xây lăng Hoàn vương tại phía đông thành Dao Kinh. Lúc đưa tang, Tuyên Minh đế mặc áo tang, vịn quan tài mà lảo đảo bước không nổi. Dân chúng trong thành Dao Kinh khóc than rung trời, số người khóc đến chết lên đến quá mười.

Cuối năm Tề Tuyên Minh thứ mười, Thiên Hạ tướng quân nhiễm chứng bệnh nặng, hoăng tại Dao Kinh, năm ấy y mới tròn hai mươi hai tuổi. Tin dữ này cùng với việc Hoàn vương hoăng thệ cách nhau chưa đầy một năm. Thành Dao Kinh còn chưa hoàn toàn hồi phục từ sự bi thương, lại tiếp tục bị nỗi đau buồn dồn dập ép tới hít thở không thông. Tuyên Minh đế bèn hạ chiếu, trong vòng ba năm, trong đất Tề không được cưới xin, mừng thọ, mừng ngày sinh, lại cho xây lăng Tướng quân ở phía Tây thành Dao Kinh, ở hướng nhìn thẳng vào tòa lăng mộ rộng lớn khí phái của Hoàn vương. Theo dân gian kể lại, lý do Tuyên Minh đế sắp xếp như vậy là vì muốn hai con người mà hắn thân cận nhất, cũng nể trọng nhất, vì hắn mà vĩnh viễn bảo vệ Dao Kinh. Cũng có lời đồn nói rằng diệt Ngụy xong rồi nhưng bệ hạ vẫn canh cánh mối lo Thiên Hạ tướng quân công cao chấn chủ, đã giam lỏng y từ mấy tháng trước đó. Tướng quân là uất ức mà chết.

Cũng năm ấy, sức khỏe của Tuyên Minh đế đột ngột biến động, có hơn một tháng cáo bệnh không vào triều. Mất đi cả hai cánh tay trái phải, giờ đây Tuyên Minh đế càng hẹp hòi hơn cả trước kia, đã mấy lần hắn toan phát binh diệt Trịnh, đón Hoàn Lan đại trưởng công chúa trở về. Lúc đó Minh An đế nước Trịnh tuổi còn quá nhỏ, toàn bộ triều chính đều do Hoàn Lan đại trưởng công chúa cùng ba vị trọng thần nắm giữ. Mấy lần Tuyên Minh đế nảy sinh ý định diệt Trịnh đều bị Hoàn Lan đại trưởng không chúa khéo léo lo liệu chu toàn, khó có thể tiến hành.

-

Nhiều sự việc đã xảy ra. Có những việc là tôi tận mắt chứng kiến, nhưng phần nhiều là dạng nghe hơi nồi chõ ven đường. Cũng như đất cát đường quê và cỏ mọc um tùm dưới chân, những tin kiểu này không biết đâu là thật, đâu là giả. Tôi bước chân vào Tề đô Dao Kinh lần đầu tiên trong đời thì đã là mùa thu năm Tề Tuyên Minh thứ mười, tức là hai tháng sau khi Thiệu Dương chết. Thành Lân Tiêu bị phá cách đó chưa được ba năm, còn việc Trịnh Uyên phản Ngụy bỏ trốn cũng mới tròm trèm tám năm về trước.

Vậy mà, tất cả bè bạn và kẻ thù của tôi, những người tôi yêu thương hay căm hận, những điều tôi sợ hãi hay chán ghét... tất thảy những thứ tôi quan tâm, đều đã mất.

Lúc còn tại thế, phụ thân từng nói, thế gian này có quá nhiều chuyện, rốt cuộc là cả một đời người cũng chẳng thể nào thay đổi mảy may. Mà cả một đời người thì có bao nhiêu lần tám năm? Mà phụ thân chưa hề nói cho tôi biết, rằng những thay đổi ấy dù có thể mất cả đời cũng không thể xảy ra, ấy vậy mà lại luôn luôn xảy ra chỉ trong chớp mắt.

Tôi vẫn thường hồi tưởng, vào buổi tối cuối cùng ấy ở Lân Tiêu, bệ hạ thết yến quần thần trong cung. Đương ăn uống linh đình, văn thần võ tướng lần lượt nối nhau tự sát theo nước mất. Máu tràn đầy mặt đất. Khóc cười hô quát khoa trương lênh láng của đám đông cũng tràn đầy mặt đất. Cuối cùng, các triều thần đều giương mắt nhìn tôi - họ nghĩ, kẻ cuối cùng phải rút kiếm tự vẫn không ai khác chính là tôi. Cái chết của tôi sẽ là đỉnh điểm của buổi tiệc điên cuồng đó. Tôi đưa mắt nhìn bệ hạ đang ngồi nghiêm trên điện. Ngài nhìn thấu hết tất cả những gì xảy ra trước mắt, dốc cạn từng chén, lại từng chén.

Tảng sáng hôm sau, ở điện Thanh Hoa, bệ hạ nói với tôi câu từ giã. Ngài bảo, Duẫn Đàn, để đệ phải trà trộn trong đám đông dân chạy nạn mà ra khỏi thành, tủi thân đệ - Nhưng đệ, nhất định đệ phải giúp trẫm đem túi gấm này đưa đến tận tay Trịnh Uyên. Ngài im bặt một hồi, lại nói, đệ mau đi đi. Chúng ta chỉ nói đến đây, không ai được quay đầu lại.

Tôi gật đầu, không biết mình còn gì khác để lên tiếng. Tôi quỳ lạy đấng quân vương của mình một lần sau cuối, đoạn, xoay người bước vào dòng hoảng loạn rối ren trong thành Lân Tiêu.

Mà ngài, ở phía sau, thốt nhiên cất giọng: "Tiểu Viên!"

Đó là cách gọi khi đùa giỡn lúc chúng tôi còn ở thuở thiếu niên, lâu lắm rồi tôi chưa từng nghe lại. Mà bỗng dưng lúc xoay người đi, bệ hạ lại giống như thời còn làm Thái tử, để cho tôi thấy nụ cười đắc ý của ngài như một đứa trẻ con thực hiện được âm mưu, cứ như là đang nói: Đã bảo nói xong rồi không được quay đầu lại, đệ thua rồi.

Tôi lại như từ xa xưa ấy, dùng ánh mắt phản đối để nói cho ngài biết tôi đã biết rõ mánh khóe của ngài. Bệ hạ không cần quay đầu lại cũng có thể thấy tôi rời đi, trò chơi này từ lúc bắt đầu đã không có một chút công bằng. Bệ hạ hiểu ý, cười cười, phất tay với tôi, rồi như cũ xoay người tiến vào trong nội điện.

Lần này, đến lượt tôi không cần quay đầu lại cũng có thể nhìn thấy ngài rời đi. Cho đến bây giờ bệ hạ vẫn luôn là như thế, không muốn chịu thiệt, cũng không chịu thua. Tôi nghe ngài khoái trá nói: "Tiểu Viên, vẫn là ta thắng."

Sau khi ra khỏi thành tôi mới nghe nói Thiệu Dương đã không còn trong quân. Tàn quân Niễn Trần không ai kiểm soát. Khi đó, tôi có chần chừ một chốc, định trở về để bảo vệ bệ hạ. Nhưng vừa lúc tôi dừng chân, cửa thành Lân Tiêu đã đóng chặt lại rồi.

Sau đó, tôi ngoái lại nhìn, thấy thủ cấp của bệ hạ bị quân Tề treo cao cao trên vọng gác. Hửng lên từ phía đông, nắng sớm mai của ngày hôm ấy soi lên những đường nét đẹp đẽ an yên trên khuôn mặt của bệ hạ, nom như một pho tượng thần tắm trong một vầng hào quang, cao quý không ai sánh bằng.

Sau khi ra khỏi thành, tôi cứ đi về hướng Tây, đến kinh đô Ly Hâm nước Trịnh trước, rồi sẽ đi về phía Tây của Lân Tiêu để đến những nơi mà tôi đã thấy, hoặc chưa, hoặc là cứ thế mà đi mãi. Tôi hơi lo lắng, không biết phải làm sao để đưa túi gấm này đến tay của Tĩnh Hoài đế. Vậy mà ở Lân Tiêu, lại nghe tin Tĩnh Hoài đế băng tại Tương Thành.

Tương Thành, đó là nơi năm ấy tôi cản bước Lý Hạo Kỳ, hộ tỗng Tĩnh Hoài đế về nước. Lúc đó, cậu ấy ở nơi phân cách hai mảnh đất Trịnh - Ngụy mà chấp nhất không chịu bỏ đi, cứ nhìn tôi bằng ánh mắt trong veo, thấu suốt.

Về sau tôi cứ nghĩ, lúc ấy, cậu ta thực ra là muốn khóc.

-

Tôi mang theo túi gấm đến Ly Hâm, đợi Tĩnh Hoài đế được hạ táng, sau đó đem túi gấm lặng lẽ chôn tại hoàng lăng. Hoàng lăng rộng lớn, tôi không thể biết rốt cuộc Tĩnh Hoài đế được chôn cất tại nơi nào, nhưng dù túi gấm này có mang ý nghĩa gì đi nữa, tôi nghĩ lúc Trịnh Uyên bước vào đại Ngụy cung, cậu ấy đã hiểu được rồi.

Đây cũng là cách duy nhất mà tôi có thể nghĩ ra để làm được mà điều bệ hạ gửi gắm.

Lúc dừng chân tại Ly Hâm, tôi bắt đầu nghe mọi người dùng "Đông Dao" để gọi thay cho "Lân Tiêu". Một bài ca dao trẻ con từ đất Tề cũng bắt đầu lan sang Trịnh, chẳng mấy chốc sau đã lan khắp đầu tường ngõ phố, được bọn trẻ con tóc búi quả đào lanh lảnh hát như bài ca dao năm nọ tại Lân Tiêu. Tôi chưa bao giờ có dịp nghe cho hết bài ca dao này, chỉ nhớ mang máng khúc mở đầu là: "Vạn dặm trời trong vợi. Đệm cỏ mướt mát xanh. Đời kẻ ở người đi, nghe ta ngâm Thiên Hạ".

Cũng cùng thời gian đó, từ phương đông truyền đến tin tức Thiên Hạ tướng quân chết tại Dao Kinh. Thiệu Dương có tiếng tăm rất tốt trong quân, cũng một mực phản đối Tuyên Minh đế diệt Trịnh. Cái chết của y mang lại một nỗi sợ hãi chưa từng có đối với nước Trịnh. Cảnh tượng Ly Hâm lâm vào khiếp hoảng không thể chịu nổi dù chỉ một ngày gợi cho tôi nhớ lại Lân Tiêu hai năm về trước, cũng là lý do cuối cùng để tôi tiếp tục hành trình ra đi.

-

Từ Dao Kinh đi nữa về tây, dân cư dần dà thưa thớt. Ở vủng trước kia là hai nước Trần, Vệ, dân chúng đã di cư về vùng lân cận Dao Kinh. Duy ở một vài địa phương nơi ba nước giáp ranh thì còn thôn xóm làng mạc đông đúc. Những nơi này đứng ngoài chiến loạn rất lâu, cuộc sống dung dị chân chất, nom như đào nguyên tiên cảnh.

Hôm ấy, tôi đi ngang qua cửa một hiệu thuốc, nhác thấy bên trong có bóng lưng một thanh niên nam tử đang nói lời tạ ơn với ông chủ. Ông chủ hiệu thuốc luôn miệng nói không cần tiền thuốc, rằng cháu của ông ta ham chơi, mải mê trong núi bị lạc đường, may nhờ có nam tử này giúp mới tìm được, đưa về nhà.

Làm thiện được thiện, làm ác gặp ác, cuộc sống của người ở làng quê vốn là giản dị như thế. Tôi vừa dợm cúi đầu bước đi, lại thấy thanh niên nam tử lấy thuốc lúc nãy cũng bước ra khỏi tiệm định dắt dây cương ngựa. Bất giác, tôi đối diện với y.

Đôi mắt rỡ ràng kiên định mà trong veo nhân từ ấy, cho đến nay tôi cứ nghĩ rằng mình sẽ chẳng còn cơ hội được thấy lần nào nữa.

Y trông thấy tôi, cũng là sững sỡ, như muốn thốt lên điều gì rồi lại dằn xuống. Cuối cùng, mỉm cười gọi: "Viên công tử."

Tôi cũng gật đầu chào, "Thiệu công tử."

Lúc ngước nhìn lên, khéo sao ánh mắt lại phóng về nơi xa, thảng hoặc có thể nhìn thấy bóng hình nặng nề của tòa lăng tướng quân lặng im quạnh quẽ. Thiệu Dương phỏng đoán được nghi hoặc của tôi, nhẹ nhàng giải thích, "Đó là ý của bệ hạ." Lúc nói, y có vẻ xấu hổ, quả nhiên không phải là người giỏi về giao tế ứng đối.

Thốt nhiên, tôi bỗng cười thầm bản thân nông cạn. Nếu sách sử đã có thể có một Bình Loạn vương nước Ngụy tự vẫn trước điện, thì tất nhiên cũng có thể có một Thiên Hạ tướng quân nước Tề bệnh nặng chết đi. Thế gian này giả giả, thực thực, sao có thể nhìn cho rõ, nói cho tận tường.

Tôi và y, một cách miễn cưỡng, cũng xem là cố nhân gặp lại. Khi xưa, trong hoàn cảnh hai quân đội đối chọi nhau, hiểu biết về đối phương không thể gọi là không sâu, vậy mà hôm nay lại chẳng nghĩ ra còn có thể nói được điều gì. Hàn huyên sơ sài mấy câu, y nhìn thuốc vừa bốc lúc nãy đang cầm trong tay mà cười áy náy, "Đã nói với người nhà là sẽ về sớm --- xin cáo từ trước."

Sau đó, y phóng người lên ngựa, chào tôi một câu giã biệt, từng động tác đều nói lên dấu tích của quãng đời chiến chinh lưng ngựa. Ở góc đường cạnh đó có bốn năm đứa trẻ đang hướng về bóng lưng của y mà vẫy tay reo hò hẹn gặp lại, mãi đến khi y đi xa lắm rồi, chúng mới vỗ tay mà hát ca.

Rằng:

Vạn dặm trời trong vợi, hoa cỏ biếc như nhung

Đời kẻ ở người đi, nghe ta ngâm Thiên Hạ:

Quân tử chết vì bạn. Nâng kiếm, đến Dao Kinh

Tuổi mười lăm, mặc giáp. Mười tám, khiển hùng binh

Bỏ mình nào hối tiếc, anh hào trấn toàn quân

Gầm gào quân mười vạn, trùng trùng diệt Ngụy đình

Về triều trước mặt rồng, cười thưa, bốn biển lặng

Vua hỏi, ước mong chi. Tướng lặng im không đáp

Công lao sao bì kịp, thưởng xiết mấy cho vừa

Nay xưng danh Thiên Hạ, ngàn năm chói quần anh.

(Tình xuyên không vạn lý, phương thảo lục bỉ nhân.

Khứ lưu bình sinh ý, thính ngã thiên hạ ngâm.

Quân tử tử tri kỷ, đề kiếm nhập dao kinh,

Thập ngũ quải chinh y, thập bát khiển hùng binh.

Thân tử hà túc tích, hào khí quán trường anh,

Tiêu tiêu thập vạn kỵ, hạo hạo đạp ngụy đình.

Hồi triêu yết thiên tử, tiếu ngôn tứ hải định,

Thiên tử vấn sở tư, tương quân thả trầm ngâm.

Kỳ công thế vô thất, phong thưởng hữu cùng tẫn,

Kim dĩ thiên hạ danh, thiên tái thước quần anh.)

Hết

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.