Ma Thổi Đèn

Quyển 3 - Chương 4: Treo ngược



Chúng tôi đâu được phép nghĩ lâu, dòng nước đã đẩy bè trôi về hướng cánh cửa hình miệng thú trong sơn động, quả cầu đá tự nhiên ấy treo lửng lơ rất thấp, chúng tôi vội cúi rạp, ép sát người trên bè để tránh. Truyện "Ma Thổi Đèn "

Đúng lúc bè sắp trôi vào miệng con thú đá, chiếc đèn rọi cực mạnh gắn ở phía trước nhấp nháy vài lần rồi tắt ngúm, có lẽ là vì bật sáng liên tục quá lâu nên ắc quy đã cạn sạch.

Tôi nghĩ bụng :" Gay rồi. Đúng lúc này ắc quy lại cạn chứ, hang động phía trước hết sức quái dị, không thể chủ quan, phải thay ắc quy trước đã, kéo bè trôi vào trong sa vào đá lật úp mất".

Tôi giơ nắm đấm lên với Tuyền béo và Shirley Dương, ra hiệu dừng lại, để họ cùng phối hợp dừng bè trước cửa hang, sau đó chống cây sáo trong tay xuống đáy để neo lại, may sao chỗ này nước chảy chậm, nếu không, chỉ một cây sào thì khó mà chống nổi sức nặng của cả chiếc bè thế này kéo đi.

Tôi thay ắc quy đèn, nó lại sáng như trước, dưới cột ánh sáng mạnh màu da cam, nhìn rõ cái đầu con thú hình thành bởi nham thạch tự nhiên nom rất giống một cái đầu rồng kỳ dị, đường nét rất mơ hồ nên không thể nhận ra có dấu vết của bàn tay con người tham gia tạo dựng hay không.

Tuyền béo vỗ vào vai tôi, ra hiệu đã nhổ cây sào giữ thăng bằng lên rồi, thấy vậy tôi cũng nhổ cây sào chặn phía trước, bè trôi theo dòng nước, lọt vào cái miệng rồng quái dị gớm ghiếc, tiến vào sơn động.

Đoạn sông này rất hẹp và rất sâu, phía trước thẳng như ruột ngựa, chúng tôi cầm cây sào chọc vào hai bên vách đá để hãm cho bè trôi chậm lại, cùng lúc quan sát kỹ các pho tượng người bằng đá treo lộn ngược trong hang.

Những pho tượng này đều ngoặt tay ra sau lưng, trong tư thế của người bị trói, môi trường dưới lòng đất ẩm ướt lạnh lẽo nên bề mặt của các pho tượng đều có màu nâu xám, các đườn nét mặt mũi đều mơ hồ không rõ, dường như bề ngoài đều bị phủ một lớp vảy mốc 1.

Nhìn bề ngoài về cơ bản không thể phân biệt rõ đặc điểm giới tính và vẻ mặt của tượng đá, xét về hình thể thì có cao thấp béo gầy, hình như ngoài tráng niên ra còn có một số thiếu niên chưa trưởng thành, các pho tượng cũng không được tạo dáng theo một tiêu chuẩn thống nhất, hoàn toàn khác với các pho tượng người bồi táng thời Tần - Hán vốn đều là tượng quân sĩ và nghệ nhân diễn trò.

Phía trên nóc hang có những sợi dây xích bằng đồng hoen gỉ xanh xỉn, treo các tượng đá ở hai bên, có sợi đã đứt tuột, có sợi buông thõng không treo gì cả, có lẽ do trải bao năm tháng nên có không ít tượng đá đã bị rơi xuống nước. Trông đám tượng đá bị treo hệt như những người chết treo cổ, thả lửng lơ cách mặt nước chừng non một thước, trong hang động tối om này bất chợt nhìn thấy chúng hẳn ai cũng phải thất kinh.

Shirley Dương bảo chúng tôi tạm dừng bè, bên bờ nước có một pho tượng bị tuột xích rơi xuống đất, cô chỉ vào nó nói :" Những pho tượng này tuy mơ hồ không rõ nét nhưng nhìn kiểu tóc trang phục thì hơi giống tượng thời Hán. Tôi đến tận nơi xem sao". Nói rồi Shirley Dương chỉnh luồng sáng của đèn gắn trên mũ cho tụ lại, nhảy khỏi bè, cúi lom khom xem xét pho tượng đá nằm trên bờ.

Tôi nhắc Shirley Dương :" Đeo găng tay vào, coi chừng ở đó có vi khuẩn, nếu nhiễm khuẩn thì dù có làm hô hấp nhân tạo cả vạn lần cũng không cứu nổi đâu".

Shirley Dương xua tay, ý bảo tôi và Tuyền béo đừng làm cho cô bị phân tán chú ý, hình như cô nàng đã tìm thấy cái gì đó trên pho tượng đá, bèn đeo găng tay cao su, rồi dùng con dao chuyên dụng của lính nhảy dù cạo vài đường trên thân tượng, sau đó đưa lưỡi dao lên nhìn, rồi lại khẽ ngửi nó. Cô nàng quay lại nói với chúng tôi :" Hình như tượng người này không phải bằng đá đâu".

Tuyền béo lấy làm lạ :" Không phải bằng đá? Chẳng lẽ là nặn bằng đất bùn à?"

Tôi vẫn ngồi trên bè, nhớ lại cảnh tượng trên đường cái bên bờ sông Lan Thương, bèn nói với Shirley Dương :" Tức là đắp lên người thật hay sao?Cô thử lấy lưỡi dao cắt một mẩu ra, xem xem bên trong là gì? Tấm bản đồ bằng da người đã ghi chú rất rõ, ở gần mộ Hiến vương có vài nơi chôn người tuẫn táng, nhưng không nói vị trí cụ thể là chỗ nào, biết đâu cái hang miệng rồng này chính là một trong những hố tuẫn táng ấy cũng nên".

Shirley Dương dùng con dao lính dù chích vào đùi tượng, cắt ra một miếng, quả nhiên giống hệt như cảnh tượng nhìn thấy trên đường cái, vỏ ngoài pho tượng tuy thì chắc và dai nhưng chỉ là một lớp rất mỏng, bên trong toàn là dòi bọ đã nát bét. Nhìn đám dòi chết, Shirley Dương không khỏi cau mày, lại cầm dao chích lên phần ngực pho tượng, khoét thủng vài lỗ, kết quả cũng thế, bên trong toàn là dòi chết và trứng dòi.

Shirley Dương nói với tôi và Tuyền béo :" Có lẽ đây không phải là hố chôn người tuẫn táng, nhưng có thể khẳng định rằng những pho tượng này đều dùng người thật tạo nên, và chắc chắn là có liên quan đến Hiến vương. Có lẽ đây chính là 'trùng thuật' tàn bạo khét tiếng ở miền Điền Nam thời Hiến vương rồi".

Ngoài hơn trăm pho tượng người và dây xích ra, trong hang động toàn là nham thạch hình thù kỳ dị, lô nhô lởm chởm, còn lại không thấy có gì khác. Shirley Dương quay về bè, và chúng tôi lại tiếp tục xuôi theo dòng nước chầm chậm tiến lên phía trước.

Tôi vừa điều khiển bè, vừa hỏi Shirley Dương tại sao lại nhận định rằng những tượng ấy làm từ người thật, và tại sao có thể xác định chúng có liên quan đến trùng thuật của Hiến vương?

Trên đường đến Vân Nam, Shirley Dương đã tốn không ít công sức để thu lượm các thông tin, trước khi xuất phát, từ lúc ở Bắc Kinh phàm là nơi nào có thể tìm được tư liệu lịch sử, cô nàng đều đến tìm hết, suốt dọc đường đều ngồi nghiền ngẫm. Có một học giả châu Âu đã từng nói, mỗi tấm bia mộ là một bộ tiếu thuyết trường thiên, trong mộ của các nhân vật lịch sử quan trọng thường chứa một lượng lớn thông tin về lịch sử đương thời. Có thể nói lăng mộ các vị quân vương là kết tinh của nhiều phương diện như kinh tế, văn hóa, tôn giáo của xã hội đương thời, càng hiểu biết nhiều về các tư liệu lịch sử này thì khi đi đổ đấu sẽ càng thuận buồm xuôi gió, cho nên những tay đào trộm mộ cừ khôi nhất trong lịch sử đều là những người có kiến thức sâu rộng thông tỏ cổ kim.

Trong lịch sử Trung Quốc có rất nhiều vị có tên Hiến vương, có điều những vị này không sống cùng thời đại, ngoài Hiến vương ở nước Điền ra, mấy vị Hiến vương khác đều không ở Vân Nam, thậm chí sau khi nghĩa quân Thái Bình Thiên Quốc lập nước ở Thiên Kinh cũng từng phong tước Hiến vương. Cả thời Chiến quốc và Ngũ đại, cũng đã có danh hiệu Hiến vương. Giống như danh hiệu Trung Sơn đã lần lượt được xuất hiện trong lịch sử với tư cách là quốc hiệu và vương hiệu, cho nên có thể nói các vị Hiến vương này đều không liên quan gì đến nhau.

Vị Hiến vương mà chúng tôi sắp ra tay đổ đấu là một vị vu vương 2 ở nước Điền cổ đại, trùng thuật của ông ta sử dụng vong linh người chết làm vật trung gian, càng dùng nhiều oan hồn thì uy lực của tà thuật càng ghê gớm. Quá trình và thủ đoạn sử dụng người chết để tạo ra "trùng" cực kỳ phức tạp, những pho tượng làm từ người thật trong hang động này, xét từ kiểu chết dị thường và mức độ biến chất của nấm mốc, đều hoàn toàn trùng khớp với các thủ đoạn của Hiến vương. Điều này chứng tỏ đây là một địa điểm bí mật để thực thi trùng thuật thời cổ đại.

Shirley Dương phán đoán rằng con đường sông chảy xuyên núi này được khai mở vào cùng thời điểm Hiến vương xây lăng mộ, lợi dụng những hang động đá vôi thiên nhiên, cộng với sức người sửa sang thông tuyến, để tiện cho việc vận chuyển vật liệu xây cất vương lăng, vận chuyển đường thủy có lẽ là con đường tắt thích hợp nhất với địa hình nơi đây.

Những người chết bị làm thành tượng mà ta thấy trong hang động này, rất có thể đều là các nô lệ hoặc thợ xây lăng. Để bảo vệ bí mật lăng mộ Hiến vương, sau khi đã xây cất hoàn tất, hoặc sau khi thi thể Hiến vương nhập liệm, những người này đã bị các thuộc hạ trung thành của Hiến vương trói chặt toàn thân, rồi bị buộc phải nuốt một loại thuốc "trùng dẫn", nút chặt "thất khiếu" 3, sau đó dùng xích treo trong hang động, bỏ cho chết ngạt , một là để bảo vệ các bí mật bên trong vương lăng, hai là dùng họ để hù dọa những kẻ từ bên ngoài tình cờ lạc bước vào con đường bí mật này.

Trùng dẫn là loại thuốc viên dùng trong một loại trùng thuật nào đó, sau khi con người nuốt vào, nó sẽ ký sinh và đẻ trứng trong cơ thể, chỉ cần ba đến năm ngày, toàn bộ huyết dịch, cơ thịt và nội tạng người ấy biến thành dinh dưỡng cho ấu trùng, ấu trùng sẽ chiếm lĩnh không gian trong cơ thể đó. Vì chỉ trong thời gian ngắn cơ thể đã mau chóng mất hết nước nên da người héo khô rất nhanh, cứng lại như vỏ cây hoặc như một lớp đá, trứng trùng bị yếm khí không thể biến thành ấu trùng, cứ giữ mãi trong trạng thái ngủ đông, và có thể giữ được vài ngàn năm môi trường râm mát. Vì vậy, nếu ngày nay làm vỡ lớp da bên ngoài tượng người thì vẫn có thể lập tức xuất hiện vô số ấu trùng của trùng dẫn còn tươi tựa như đàn dòi béo vậy, nhưng tùy điều kiện tồn tại khác nhau nên cũng có khả năng bên trong chỉ là những trứng sâu đã khô đét từ lâu.

Các loại điển tịch kể cả dã sử, ghi chép về trùng thuật tương đối ít, cho nên những ngày qua Shirley Dương chỉ tra cứu được chừng này thông tin, còn về lý do tại sao phải biến cơ thể người sống thành hình thái sâu nhộng, dùng đám sâu nhộng này vào việc gì, thì chịu không thể biết.

Không chỉ trong núi Già Long mới lắm tượng người kiểu này, mà ở các vùng núi lân cận có lẽ cũng còn vài nơi như vậy nữa. Pho tượng chúng tôi gặp trên đường cái ven sông Lan Thương, có thể là do đất đá trên núi bị nước mưa xói mòn lở lói, nên tượng bị rơi xuống đường. Tuy nói Hiến vương chỉ cai quản một góc khu vực biên ải miền Nam,nhưng từ sư việc có vô số nô lệ bị chế tạo thành tượng kiểu này, cũng có thể nhận ra sự tàn bạo vô tình dưới ách thống trị của Hiến vương ở khu vực miền Tây Vân Nam thời xưa như thế nào.

Nghe Shirley Dương phân tích xong, tôi và Tuyền béo đều rùng mình sởn gai ốc, lúc đầu còn tưởng là tượng đất nung giống kiểu Binh mã dõng, hóa ra lại là làm từ người thật, hai thằng không nén nhịn được mà ngoảnh đầu nhìn lại thì đám tượng người như ma quỷ bị treo cổ kia đã mất hút trong bóng tối đen kịt phía sau lưng, không nhìn thấy nữa.

Tôi càng nghĩ càng cảm thấy quá tàn bạo, bất giác ngoác miệng ra chửi :" Con mẹ cái bọn vua chúa ngày xưa, thật chẳng coi con người ra con người, trong mắt bọn quý tộc, nô lệ thậm chí không bằng con trâu con ngựa. Người ục ịch như Tuyền béo mà làm nô lệ thời ấy, chắc sẽ được làm vật tế, một mình cậu bằng ba người khác".

Ngồi ở giữa bè, Tuyền béo đang mân mê cái đèn rọi gắn trên mũ bảo hiểm, đập tay hai phát, cũng đã trở lại trạng thái bình thường, nghe thấy tôi đá đểu bèn đáp :" Quên cụ nhà cậu đi Nhất ạ! Những lời cậu vừa nói đã bộc lộ rõ cái bản chất ngu si vô học. Theo tôi biết, người thời cổ đều hãnh diện khi được chọn làm người tuẫn táng hoặc để tế thần, đó là một niềm vinh hạnh không gì bì được. Cái chuyện lựa chọn người tuẫn táng ấy được làm rất nghiêm ngặt, phải xét đến tận các cụ tam đại, ai có chút tì vết về mặt chính trị là bị loại ngay, có cả đàn người viết huyết thư tình nguyện mà còn không đến lượt, cực kỳ hợp với cái hạng người giả bộ tích cực như cậu ấy. Cậu mà sống thời đó chắc chắn sẽ rất bốc đồng, thế nào cũng nhảy cẫng lên mà hô, hãy đem tôi ra tế trời đi, tôi là thích hợp nhất để đốt đèn trời 4 nhất đấy, tổ quốc nhân dân chờ tin tốt lành của tôi, vì thắng lợi, mang tôi đi đốt đèn trời đi ..." Truyện "Ma Thổi Đèn "

Tôi điên tiết quá thể, cái mồm thằng chó Tuyền béo này cũng thất đức quá :" Người tôi đâu có lắm mỡ như cậu, làm sao mà hợp đốt đèn trời được? Cậu ..."

Shirley Dương ngắt lời hai chúng tôi :" Hai anh có thôi không thì bảo? Sao cứ nói được mấy câu là cãi nhau um lên thế nhỉ? Hai anh có nhận ra điều gì bất ổn không? Đường thủy này khác hẳn với lời chị chủ quán trọ miêu tả ..."

Tuyền béo nói :" Cái bà chủ quán ấy đã bao giờ vào đây đâu? Chị ta chẳng qua cũng chỉ nghe đám công nhân khai thác đá kể lại mà thôi, đúng không? Cũng khó tránh khỏi đôi chút sai lệch, nghi thần nghi quỷ làm gì cho mệt".

Tôi nói với Shirley Dương và Tuyền béo :" Chưa chắc chị ta đã nói sai đâu, quãng sông chúng ta vừa đi qua nước chảy xiết, có thể là vì mấy hôm nay mưa to, mặt sông rất rộng, có lẽ là do hai nhánh sông đã hòa làm một. Chúng ta chỉ mải giữ bè cho thăng bằng, góc quét của đèn pha lại hẹp, tầm nhìn cũng bị hạn chế, rất có thể đã đi nhầm vào một nhánh rẽ".

Tuyền béo cuống lên :" Thế thì phiền hà rồi. Chi bằng quay lại tìm đường. Đừng lại như lần trước ở ổ nhện, đâm đầu vào mê cung rồi tí nữa không ra được. Chúng ta cũng không mang theo nhiều lương khô đâu đấy".

Tôi nói với Tuyền béo :" Nếu đúng chỉ là một nhánh rẽ trên sông thì khỏi phải lo, nước sông chỉ chảy theo một hướng, cuối cùng đều xuyên qua núi Già Long rồi đổ vào Khê Cốc của sông Rắn, cho nên tuyệt đối không có chuyện lạc đường đâu. Con sông này lại rất thẳng, rõ ràng là sông đào do con người khai thông, như Shirley Dương đã nói rồi đấy, có thể là đường thủy để vận chuyển vật liệu xây lăng mộ Hiến vương. Chúng ta đi tiếp, chắc chắn không thể nhầm đường".

Shirley Dương nói :" Anh Nhất nói đúng đấy, thời cổ, khi xây cất lăng mộ lớn, người ta thường dùng đường thủy để vận chuyển đá xây dựng, ngày xưa những người thợ xây lăng nhà Tần thường hát rằng 'Cam Tuyền lấy đá xây lăng, dòng sông Vị Thủy bởi chưng nghẹn dòng'. Chỉ hai câu ngắn gọn này cũng đủ để hình dung lăng Tần Thủy Hoàng hoành tráng đến đâu, chỉ vì vận chuyển đá mà làm tắc nghẽn cả dòng sông Vị Thủy".

Tuyền béo nói :" Sông Vị mà mình thấy hồi đi Thiểm Tây ấy à, so với con sông đó thì sông này cùng lắm cũng chỉ như cái cống nước thôi. So với Tần Thủy Hoàng thì tay Hiến vương chỉ được coi là một anh nghèo còm cõi. Chúng ta đi đào mộ hắn là rất nể hắn rồi... Ối ... sao thế này?"

Chiếc bè đang chầm chậm xuôi theo dòng chảy, bỗng như va phải vật gì đó dưới nước, lắc mạnh một cái, sau đó lại trở lại bình thường. Nhưng tiếp đó dưới nước vọng lên những âm thanh đùng đục của vật kim loại nặng nề đang khuấy nước. Tôi, Tuyền béo và Shirley Dương đều cùng thấy dấy lên một cảm giác chẳng lành. Không xong rồi, chỉ e bè đã đâm phải cái chốt thiết bị đánh bẫy đặt dưới lòng sông này ... --------------------------------

1 Mốc đá biến chất, không độc.

2 Tức "vua phù thủy".

3 Tức bảy lỗ trên cơ thể gồm 2 mắt, 2 lỗ mũi, mồm và 2 tai.

4 Nguyên tác : điểm thiên đăng, thời xưa còn gọi là đốt đèn người, là một hình phạt cực kỳ tàn khốc, người chịu hình phạt này bị lột hết quần áo, quấn vải quang người rồi nhúng vào vại dầu, đến đêm, sẽ bị treo lộn người đầu chúc xuống đất, chân chổng lên trời, và đốt lửa. An Lộc Sơn đời Đường chính là bị xử tử theo cách này

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.