Ma Thổi Đèn

Quyển 7 - Chương 24: Sơn âm



Đám trộm chặt đầu gà đốt giấy vàng, lập thành hiệp ước đồng minh: tất cả đơn dược minh châu bên trong mộ cổ đều thuộc về Ban Sơn đạo nhân, số minh khí tuỳ táng còn lại là của đám trộm Xả Lĩnh. Ngay sau đó, đèn đuốc nhất loạt được thắp sáng, đoàn người rời khỏi nghĩa trang Lão Hùng Lĩnh, mượn ánh trăng soi đường rồng rắn kéo nhau lên núi trộm mộ.

Đội quân trộm mộ đi đầu là lính công binh của La Lão Oai, gồm không ít người “cắm chân hương” tại Thường Thắng sơn. Cắm chân hương trong giới lục lâm mang hàm ý nhập bọn, đám lính này cũng giống như quân trộm mộ Xả Lĩnh, trên cánh tay đều buộc dây chu sa làm dấu.

Đám công binh còn lại chẳng khác gì lính hậu cần của phiến quân, có nhiệm vụ khiêng súng ống và thuốc nổ, mang vác các loại dụng cụ đào đất như cuốc, xẻng, rìu, ngoài ra sau lưng mỗi người còn phải đèo sọt tre lồng tre đựng một con gà trống sống. Trong tiếng gà gáy loạn xị, lính công binh xếp thành hàng rời rạc hành quân lên núi.

Đường núi mấp mô bước đi chật vật nhưng người nào người nấy mặt mày rất phấn chấn, không mảy may nghĩ tới những nguy hiểm gặp phải trong hai lần lên núi trước, vì hầu như tất cả đều mong được cùng Trần thủ lĩnh và La đại soái đổ đấu phát tài. Một khi đào được địa cung thật, phận lính quèn chẳng sơ múi gì nhiều, nhưng cứ theo lệ cũ thì cũng không dưới mười đồng bạc trắng và một bánh Phúc Thọ cao. Trộm mộ tuy là công việc nguy hiểm nhưng thời đó phiến quân bạo loạn khắp nơi, lòng người rối ren, dù trộm mộ trúng tà gặp ma vẫn còn tốt hơn làm bia đỡ đạn nơi sa trường, cái việc đào mồ quật mả này, đổ sức đổ máu ít ra còn được vài đồng bạc trắng, làm lính ăn lương cũng là vì kiếm bát cơm ăn, có mấy ai vì đánh trận mà sang quân làm lính.

Theo sau đội công binh là đám trộm Xả Lĩnh do lão Trần trực tiếp cầm đầu, hai lần trước vào núi thiệt mạng hơn trăm huynh đệ, nên vừa phải điều thêm một đội quân tinh nhuệ từ Tương Âm, ai nấy trang bị kỹ lưỡng giắt trong giắt ngoài, đều là các anh tài.

Ban Sơn đạo nhân Gà Gô dẫn theo Lão Tây và Hoa Linh đi lẫn trong đội hình Xả Lĩnh. Gà Gô đeo trên lưng sọt gà Nộ Tinh, trong người giắt theo khẩu súng ngắn hai mươi viên. Sư đệ Lão Tây tướng mạo quá đỗi đặc biệt, nhìn biết ngay là người Sắc Mục từ Tây Vực tới, tuổi đời mới ngoài hai mươi tám mà bộ râu rậm đã dài tới ngực, dáng người lại cao to vạm vỡ, trông như gã trung niên ngoài bốn mươi. Người này tính tình rộng rãi nhưng kiệm lời, chỉ răm rắp nghe theo sư huynh Gà Gô.

Hoa Linh lại có tướng mạo khá giống Gà Gô, ngoài đặc điểm mũi khoằm mắt sâu ra thì chẳng khác gì người Hán, bên người lúc nào cũng mang theo một gùi thuốc. Đám Ban Sơn đạo nhân hiện giờ có thể ra ngoài trộm mộ chỉ còn ba người bọn họ. Lần này vào núi Bình Sơn, cả ba đều mang theo Phân Sơn Quật Tử giáp vô cùng nặng, xưa nay vật này luôn là bí mật của phái Ban Sơn, chưa ai từng tận mắt thấy họ sử dụng, ngay cả lão Trần là trùm sỏ Xả Lĩnh cũng không được tường tận.

Vùng Tương Tây có tổng cộng tám trăm ngọn núi, ba ngàn con sông, cách cổng trời mười bước leo, địa hình thế núi so với nơi khác đều rất đặc biệt. Đám trộm tới được Bình Sơn thì trời đã sáng rõ mặt người, chỉ thấy xung quanh núi cao rừng sâu, xanh ngắt một màu. Bên trong khe núi sương mây âm u, yêu khí bao trùm, đâu đâu cũng thấy vẻ yêu dị tà quái, cũng may lần này lên núi lại kéo cả đội quân hùng hậu, sát khí nặng nề trên người đám lính đã giúp xua tan lớp sương mù ma quái.

Lão Trần mời Gà Gô tới xem địa hình Bình Sơn, hai phái Ban Sơn Xả Lĩnh đều không có bản lĩnh xem thế núi dò địa mạch như Mô Kim hiệu uý, song được cái lão Trần giỏi dùng quyết “văn”, trong núi chỗ nào có địa cung lớn ra sao lão đều đã thăm dò được ngay từ đầu, toà ủng thành có giếng thuỷ ngân bẫy tên đã bị cát chảy vùi lấp, nhưng có lẽ còn minh thành đại điện, ước chừng vị trí nằm ngay giữa lòng núi.

Có điều cấu tạo Bình Sơn toàn là đá xanh nên rất khó nhìn sắc cỏ phân vết bùn, tìm ra lối vào thực sự của mộ đạo địa cung, cũng có lẽ chẳng có lối vào nào khác ngoài toà thành bẫy đã bị lấp đá đổ chì kín mít từ khi niêm phong minh điện kia. Nếu muốn vào mộ cổ trộm bảo vật, chắc chỉ còn cách trèo xuống khe nứt trên đỉnh núi, thông thẳng tới hậu điện, có điều giữa hậu điện và đại điện cũng bị bít kín bằng đá tảng, lính tráng phải đông đảo mới mong dịch chuyển được.

Lão Trần đưa ra kế hoạch: đầu tiên thả lũ gà trống giải quyết gọn ghẽ bọn trùng độc ẩn nấp trong khe núi và hậu điện, sau mới dùng thuốc nổ mở đường tới thẳng minh điện, hoặc vẫn dùng thuốc nổ mở đường làm chủ đạo, chọn một nơi kém kiên cố nhất trên triền núi rồi cho nổ mìn từ đấy, sau đó đào thằng tới địa cung. Đây là cách đám lực sĩ Xả Lĩnh hay làm, tuy khả thi nhưng tốn rất nhiều thời gian lẫn sức người sức của.

Gà Gô quan sát Bình Sơn, trầm ngâm giây lát, ngọn núi này quả thật đặc biệt, dáng núi xiêu vẹo như sắp đổ, thân núi có nhiều vết nứt lớn như dao chém, nhìn tổng thể ngọn núi giống như một chiếc bình cổ, e đúng là bình quý đựng tiên đơn từ trên trời rơi xuống, nếu không lấy đâu ra một thứ tạo vật thần kỳ như vậy? Nhìn mãi nhìn mãi, anh ta bỗng sực nghĩ, đã không vào được từ đỉnh núi, sao không tiến vào từ chân núi?

Núi Bình Sơn đổ nghiêng tạo thành một góc nhọn so với mặt đất, trong góc dây leo chằng chịt, nước chảy róc rách, cùng với thế đổ của vách đá, góc càng vào sâu càng hẹp, ánh sáng mặt trời bị mây mù núi đá che khuát, khiến chân núi lúc nào cũng như bao phủ bởi màn đêm.

Gà Gô tuy không hiểu về thuật phong thuỷ nhưng vốn là kẻ tinh nhanh, cũng biết nhìn bùn phân đất. Khe đá dưới chân núi trăm ngàn năm không có ánh mặt trời, chính là bối âm địa, vậy mà lại xuất hiện dây leo rậm rạp, chứng tỏ chân núi không phải toàn nham thạch, nếu từ đó đào thông lên trên, chắc sẽ tốn ít công sức hơn đào từ trên xuống.

Mọi người bàn bạc hồi lâu, cuối cùng quyết định chia quân thành hai lộ, lão Trần và La Lão Oai dẫn đội công binh tới lưng chừng núi đào lỗ gài mìn, nổ mìn phá đá đào mộ đạo, còn Gà Gô dẫn người của Ban Sơn và một toán quân Xả Lĩnh xuống chân núi kiếm lối vào. Lần này nhân lực dồi dào, chia nhau hành động như thế, dù lộ quân nào đắc thủ trước, báu vật trong mộ cổ Bình Sơn cũng coi như nắm chắc trong tay.

Số gà trống gom được đều giao cho lão Trần sử dụng, đủ để tiêu diệt trùng độc trong lòng mộ cổ. Tiếng gà gáy giữa núi rừng âm u xua tan hoàn toàn lớp sương độc khí độc trong khe núi, rết lớn rết nhỏ hình như biết khắc tinh xuất hiện nên bảo nhau trốn biệt trong gốc cây khe đá, không dám cựa quậy, sao còn dám nhả độc hại người nữa. Cánh quân lão Trần bận bịu với việc nghe đất tìm huyệt, đặt mìn, chuyện này không nhắc tới nữa.

Chỉ nói đến cánh quân của Gà Gô mang theo mỗi con gà Nộ Tinh sau lưng thủ lĩnh, ngoài hai Ban Sơn đạo nhân là Hoa Linh và Lão Tây, còn có Hồng cô nương dẫn theo mười mấy tên trộm Xả Lĩnh tương trợ. Bọn họ chuẩn bị xong xuôi, bèn vòng ra sau núi, đường xuống chân núi chẳng dễ xơi tẹo nào, từ lưng đèo tới chân núi toàn vách đá dốc đứng, không có lấy một lối đi, cả bọn phải bám vào vách núi mà bò xuống.

Khắp vách núi là những mỏm đá đâm ngược lên hoặc chĩa thẳng xuống, tuy có thể mạo hiểm leo bám, nhưng nếu phải kẻ nhát gan, chỉ cần nhìn thôi cũng đủ cứng cả bắp chân. Đám Ban Sơn đạo nhân Gà Gô đều là những tay to gan lớn mật, nhóm anh em Xả Lĩnh do Hồng cô nương chỉ huy cũng là cao thủ Thường Thắng sơn, dùng thang rết móc vào vách đá hiểm trở trèo xuống không tốn chút sức nào.

Gà Gô thấy thang rết móc vách núi tuy cấu tạo đơn giản nhưng lại là công cụ đào mộ độc đáo sáng tạo, tác dụng cực lớn, không khỏi thầm khâm phục món đồ bí truyền của phái Xả Lĩnh.

Đoàn người như lũ vượn vọp đu dây bám thang tụt xuống, ngẩng đầu nhìn lên chỉ thấy cổ và thân bình Bình Sơn xanh ngắt một màu, cao vợi trên đỉnh đầu. Nhìn từ xa, chỉ thấy ngoài thế núi kỳ thú vách đá hiểm trở, cũng chẳng có gì đáng sợ, nhưng xuống tới chân núi rồi mới nhận ra ngọn núi đá xanh này quả thật hùng vĩ thâm nghiêm, ngàn vạn mỏm đá lớn cứ treo nghiêng giữa trời như vậy không biết đã mấy ngàn mấy vạn năm. Nếu chẳng may cả quả núi này bỗng dưng đổ xuống, dân chúng chỉ còn nước thịt nát xương tan, đến thần tiên cũng khó tránh nổi hoạ, đám tộm tuy to gan lớn mật vẫn không khỏi run sợ trước hiểm thế Bình Sơn, hơi thở bất giác nặng nề hẳn.

Đi thêm mấy bước, nước từ các nhũ đá thấm ra rỏ tí tách xuống đầu, lạnh thấu xương, cả đám đành đội nón lá khoác áo tơi, xách đèn bão tiến về phía trước, chốc chốc lại phải đưa tay ra gạt đám dây leo thòng lòng trước mặt, chậm chạp nhích lên từng bước. Vách núi trên đỉnh đầu ngày càng thấp xuống, không khí xung quanh ẩm ướt vô cùng, ai cũng cảm thấy ngột ngạt khó thở.

Thêm mấy trăm bước nữa, trước mặt hiện ra một cái ao do nước mưa trong núi tích tụ thành, mặt đất bị nước lạnh ngâm trong nhiều năm, lõm xuống thành ao. Ao rất sâu, mặt nước nổi đầy bèo tấm, nước trên nhũ đá liên tục rỏ xuống khiến mặt ao cứ lăn tăn gợn sóng, lại thêm rất nhiều dây leo rủ xuống lòng ao. Gà Gô thấy dưới chân núi quả thực có động thiên hiếm có, chứng tỏ phán đoán ban đầu của mình là đúng. Có điều nơi này thâm u nhỏ hẹp, ao nước lại sâu, nếu muốn tiếp tục tiến vào trong chỉ có cách đu dây nhảy qua, cách này đối với Gà Gô đương nhiên không khó, nhưng những người khác thì chưa chắc đã ổn, không lẽ lại dầm mình trong nước hồ lạnh thấu xương mà bơi qua? Nghĩ đến đây, hàng chân mày hắn khẽ cau lại.

Hồng cô nương nhìn ra ý hắn, liền bảo thuộc hạ lấy thang rết kết thành dạng lưới, ruột tre vốn rỗng nên sức nổi cực lớn, có thể làm bè vượt ao.

Gà Gô bèn gật đầu tán thưởng, nhanh chóng bước lên bè tre ghép bằng thang rết, giơ cao cây đèn bão xác định rõ hướng đi, đoạn lệnh cho mọi người khoát nước lái bè tiến lên phía trước, ba chiếc bè tre rẽ nước trôi ra giữa ao.

Đi được nửa đường, Hồng cô nương đang đứng trước mũi bè chợt thấy trong bóng tối dường như có hàng loạt tiếng bò lúc nhúc, cô cũng là người có nhãn lực tốt nhưng không thể so với lão Trần sinh ra gặp kỳ duyên, trong lòng cổ mộ còn có thể mở to mắt cú, chứ nơi tối đen thế này thì chịu, không sao nhìn rõ được.

Hồng cô nương từng tận mắt trông thấy những loại độc vật sinh trưởng trong núi Bình Sơn, ngờ rằng phía trước không lành, vội rút ra ba cây phi đao, dồn hết thần lực chăm chăm hướng về phía trước, hễ có thứ gì xuất hiện, lập tức dùng thủ pháp của Nguyệt Lương Môn găm cho nó mấy phát rồi tính.

Gà Gô cũng phát hiện thấy điều bất ổn từ sớm, nhưng hắn vốn là tay lão luyện nên vẫn dỏng tai nghe ngóng đoán định tình hình. Bè tre càng tiến tới âm thanh phía trước lại càng rõ ràng hơn, như thể có cả một đàn chuột đang đua nhau gặm nhấm, chí chí chách chách không biết bao nhiêu con. Trong đầu chợt loé lên một ý nghĩ, hắn vội la lớn “Nằm xuống!” rồi ấn ngay Hoa Linh đứng bên nằm úp xuống bè tre.

Bọn Hồng cô nương nghe vậy cũng giật mình, vội ngồi thụp xuống. Chỉ thấy bên tai vù vù hỗn loạn, từ khe đá trước mặt bỗng ào ra một bầy dơi lớn, tựa như một trận cuồng phong đen ào tới giữa không gian chật hẹp của vách đá và mặt ao. Bầy dơi quá đông, lại hoảng loạn nên bay loạn xị đâm cả vào nhau rơi xuống ao nước hoặc va đầu vào vách đá, kêu lên thảm thiết, âm vang cả núi.

Một tên trộm Xả Lĩnh đứng trên bè tre phản ứng hơi chậm liền bị lũ dơi xúm lại. Chúng hoàn toàn không có chủ ý tấn công con người, song vì vừa bị kinh động, đụng phải thứ gì liền vô thức cắn bừa theo bản năng để bảo toàn mạng sống, móng vuốt lũ dơi rất sắc nhọn, cào trúng một nhát có thể tước cả mảng da thịt. Tên trộm giãy giụa tránh né thế nào cũng vô dụng. Chỉ trong chốc lát da thịt trên người hắn đã bị tước sạch, còn trơ lại bộ khung xương nham nhở máu thịt rơi tõm xuống nước, tiếng kêu thảm trước khi chết của hắn như còn vọng lại giữa vách đá âm u.

Gà Gô không ngờ trong khe núi này lại có nhiều dơi đến vậy, cái khó ló cái khôn, anh ta vội vỗ mạnh vào lồng gà sau lưng, gà Nộ Tinh lập tức cất tiếng gáy vang, âm thanh dội xuống mặt nước. Gà gáy sáng vốn là điềm báo âm dương phân chia giữa trời và đất, loài dơi chỉ xuất hiện khi đêm tối, vật tính thiên nhiên tương khắc, gà Nộ Tinh lại không phải vật thường, quả nhiên bầy dơi đông đúc nghe tiếng liền bay tan tác, không dám bén mảng tới gần bè tre nữa, chẳng bao lâu đã tản đi không còn một mống.

Đám trộm vừa vào núi đã mất đi một mạng, ai cũng rùng mình ớn lạnh, cảm thấy mới xuất quân đã gặp điểm bất lợi thật chẳng tốt đẹp gì. Đời họ tuy đã quen với cảnh đầu rơi máu chảy, chẳng lạ lẫm gì chuyện sống chết, cũng biết trộm mộ mất vài mạng người là chuyện thường, nhưng cái chết của người anh em vừa rồi quá đỗi tàn khốc, khiến ai nấy chứng kiến đều dựng tóc gáy.

May sao bầy dơi đến nhanh đi lại càng nhanh, chiếc bè tre cũng sắp sửa cập bờ. Núi Bình Sơn cắm xuống lòng đất chính tại nơi này, quanh chân núi toàn đá vụn, không ai có thể tiếp cận chỗ hẹp nhất, chỉ cần đứng thẳng ngẩng đầu liền va phải nham thạch lạnh ngắt phía trên.

Mọi người theo Gà Gô nhảy lên bờ, chợt nghe có tiếng chóp chép như người đang uống nước, ai nấy đều kinh ngạc, giơ đèn soi bốn phía, bỗng buột miệng kêu “á” một tiếng.

Dưới ánh đèn tù mù, họ thấy trong khe núi có tới mười mấy đụn đất, như một dãy mồ nằm san sát bên nhau, bị nước xối bùn rơi, những chiếc quan tài dưới mộ đều lộ cả ra ngoài. Trong số đó có một cỗ áo quan gỗ để mộc bắt mắt, máu tươi tanh tưởi rỉ ra từ nắp áo quan, một con báo nhỏ đang nằm phục trên nắp áo quan, thè lưỡi liếm lấy liếm để vũng máu đen.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.