Ma Thổi Đèn

Quyển 7 - Chương 26: Huyệt lăng



Cặp tê tê Huyệt Lăng một to một nhỏ, dường như từ nãy đến giờ vẫn ngủ say trong chiếc sọt tre, mãi tận khi bò lăn ra đất mới thực sự tỉnh giấc, vặn mình duỗi chân, móng cào rồn rột, nghe đã biết ngay sức mạnh kinh người. Trong đám trộm có nhiều kẻ không hiểu chuyện, sợ nó tấn công con người nên không ai bảo ai đều lùi cả về phía sau.

Lúc này Hoa Linh và Lão Tây cùng bước lên phía trước, túm chặt chiếc vòng đồng trên mình cặp tê tê, ấn chúng nằm dạt xuống đất. Hai con tê tê ra sức giã dụa, bốn cặp chân cào loạn xạ trên đất, khổ nỗi đã bị vòng đồng khóa chặt huyệt vị, nên dù có sức mạnh xuyên đá phá núi cũng không tài nào thoát được.

Loài tê tê Huyệt Lăng vốn là dị vật trên đời, diện mạo tuy giống tê tê nhưng kỳ thực khác nhau một trời một vực. Hơn hai ngàn năm trước, dân trộm mộ đã bắt đầu thuần phục tê tê bằng cách cho chúng ăn những thức ăn và dược liệu tinh túy, để chi trước của chúngtriển vượt bậc, trải qua quá trình thuần dưỡng lâu dài có thể trở thành vũ khí đào bới lợi hại dùng để trộm mộ, gọi là tê tê huyệt lăng.

Mộ cổ thời xưa đa số bên trên đắp đất thành gò, bên dưới không có địa cung minh điện, mà phần lớn chỉ là quan quách, dùng gỗ xếp tầng tầng lớp lớp thành thế Hoàng tràng đề tấu[30], rất ít lăng mộ được xây hoàn toàn bằng gạch, càng hiếm những sơn lăng đồ sộ táng trong núi, những mộ phần bằng đất đầm thông thường đều không ngăn được móng vuốt của tê tê Huyệt Lăng.

Mộ táng sau này dần rút ra kinh nghiệm chống trộm, đá dùng xây mộ càng ngày càng lớn, mức độ kiên cố cũng theo đó mà tăng lên, các khe còn được nung đồng nấu sắt đổ vào bịt kín kiến tê tê Huyệt Lăng mất đất dụng võ. Tuy vậy, đối với những mộ phần táng ở những nơi ẩm ướt lạnh lẽo này, chúng vẫn tỏ ra vô cùng hữu hiệu. Cổ thuật tê tê Huyệt Lăng đã thất truyền từ thời Đường, đến nay chỉ có Ban Sơn đạo nhân còn biết cách sử dụng nên vẫn được xem như pháp môn bí truyền của phái Ban Sơn.

Ban Sơn đạo nhân không dùng pháp “thiết huyệt” của Mô Kim và Xả Lĩnh, Mô Kim hiệu úy ỷ vào Phân kim đinh huyệt đã chính xác tuyết đối, quen dùng xẻng Hoàn Phong đào hầm; Xả Lĩnh lực sĩ người đông thế mạnh, đống đất to đến mấy cũng không cản nổi họ; còn Ban Sơn đạo nhân lại thường dùng Phân Sơn Quật Tử giáp để đào mộ, xưa nay vẫn gọi là “Tam đinh tứ giáp”. Tê tê huyệt lăng là một trong tứ giáp, ra khỏi đất Tương Kiềm Lưỡng Việt thì thuật này coi như vô dụng, nhưng bọn họ vốn giỏi tùy cơ ứng biến, vẫn có thể dùng Phân Sơn Quật Tử giáp khác, đây đều thuộc về quyết “thiết” trong khi đồ đấu của phái Ban Sơn.

Gà Gô sai Hoa Linh mang ra mấy ống tre, trong đựng đầy kiến đầu đỏ, nặng dễ đến vài cân, trước tiên phải để cho hai con tê tê Huyệt Lăng này ăn lửng bụng, rồi mới lôi chúng vào trong khe chân núi, lấy thuốc mồi rắc lên chỗ máu báo vừa nhỏ xuống khi nãy, đẩy chúng tới đó bới đất đào đá.

Loài tê tê Huyệt Lăng này cứ thấy núi là dúi đầu vào, thích nhất lớp thổ tầng nham thạch âm khí nặng nề gần huyệt mộ, chỉ thấy con nhỏ hơn húc tới trước, thân hình cong lên, vảy giáp dựng đứng, móng cào thoăn thoắt khiến người đứng bên xem cũng hoa cả mắt, khoét đất cứng mà như chọc đậu phụ, xuyên vào lòng núi dễ như trở bàn tay.

Con tê tê Huyệt Lăng lớn hơn lại bị Lão Tây giữ chặt, buộc xích sắt vào vòng đồng để nó không lao theo con tê tê nhỏ. Hai con vật này như cán cân phải đi liền với quả cân, túm chặt lấy một con thì không lo con kia đi chệch phương hướng, hay đào ngũ giữa chừng, đoạn dây xích chỉ hơi nới lỏng đủ để con tê tê to cuống lên xoay tròn tại chỗ, khoét rộng thêm lỗ con tê tê nhỏ vừa đào.

Đám trôm Xả Lĩnh tuy đều là những tay đổ đấu lão luyện nhưng chưa ai được mục sở thị phương pháp này nên cứ trố mắt nhìn. Thì ra cặp tê tê Huyệt Lăng kích cỡ khác nhau chính là sự kết hợp vây công tuyệt vời: một con chuyên đào huyệt đạo theo chiều ngang, tốc độ đào đất xuyên núi nhanh đến nỗi không thể tưởng tượng, nếu không tận mắt chứng kiến, chắc chẳng thể tin trên đời lại có loại dị thuật này.

Đường hầm tê tê Huyệt Lăng đào rộng đủ cho người ngồi xổm chui vào, góc độ song song với mặt đất, từ chân núi xiêu vẹo đâm thẳng vào trong lòng núi, khoảng cách từ đây tới địa cung sau tòa ủng thành cũng khá xa, cặp tê tê dù thần kỳ dũng mãnh vẫn phải tốn nhiều công sức nếu muốn xuyên thẳng vào địa cung.

Gà Gô lúc rảnh rỗi liền ngồi xếp bằng trên đất, nhắm mắt dưỡng thần, một khi cặp tê tê đào tới địa cung, bọn họ không biết sẽ gặp phải những nguy hiểm gì bên trong ngôi mộ cổ hình thế kỳ tuyệt này. Bên tai là những tiếng ầm ầm vang trong lòng núi, đoán chừng đám trộm Xả Lĩnh do lão Trần cầm đầu đang đặt mìn phá đá. Nhưng Gà Gô nắm chắc mười mươi, thế núi Bình Sơn kiên cố, vững chãi thế này, từ sườn núi nam phá đá chui vào chắc chắn không thể xong trước trong hai ngày. Cặp tê tê Huyệt Lăng này nếu không gặp trở ngại gì, ước chừng chỉ cần qua đêm nay là có thể vào được địa cung, không biết đơn hoàn châu tán trong mộ cổ hình dạng ra sao, nhưng đến nước này có vội mấy cũng đành kiên nhẫn chờ đợi, nhấn nha giăng lưới bắt cá mà thôi, theo đà suy nghĩ, tinh thần anh ta cũng dần phiêu du như cao tăng nhập định.

Đám trộm Xả Lĩnh đương nhiên không dám quấy rầy anh ta, liền ngồi cả dưới chân núi nghỉ ngơi. Hồng cô nương mấy hôm nay ở bên, mắt thấy Gà Gô thần cơ ứng biến, cử chỉ phóng khoáng, lời lẽ hào sảng, tuyệt nhiên không giống đám người Thường Thắng sơn trên là hai kẻ đầu sảo Trần La, dưới toàn đám trộm vô lễ thô tục, lúc nào cũng chỉ ôm giã tâm xưng vương xưng bá, thầm nhủ gả cho người này mới không phí một đời, năm xưa phát nguyện cả đời không xuất giá giờ không khỏi thấy làm hối hận, thật là “Đêm về ngắm trăng sáng trên lầu, chỉ mình Thường Nga không xuất giá”. Nghĩ đến đây cô ta khẽ thở dài, trong lòng đã quyết, từ nay về sau dù chân trời hay góc bể, tốt xấu gì cũng theo anh ta, chẳng màng tới lời thề độc năm xưa nữa, có điều không biết tay Ban Sơn đạo nhân này đã lấy vợ hay chưa?

Nghĩ đoạn, Hồng cô nương bèn hạ giọng hỏi nhỏ sư muội của Gà Gô là Hoa Linh, có điều chuyện này tế nhị không thẻ hỏi thẳng, chỉ đành vòng vèo: “Tiểu muội này, chị thấy em đẹp như hoa như ngọc thế này, năm nay đã mười bảy mười tám rồi nhỉ? Sau này ai lấy được em thực là có phúc, thế sư huynh đã định hôn sự cho em chưa?”

Hoa Linh chưa nghe nói đến tục lệ này nên ngạc nhiên hỏi: “Chị à, sao hôn sự của em lại do sư huynh quyết đinh được? Bố mẹ em vẫn còn, tuy đều ngã bênh nhưng…”

Hồng cô nương nói: “Theo lý mà nói, lệnh tôn lệnh đường sức khỏe không tốt, đại sự nên để sư huynh em lo liệu mới phải. Trai khôn dựng vợ gái lớn gả chồng, có câu củ cải nhổ lên thì đầu bờ mới rộng, em lấy chồng thì anh em mới yên tâm được. Nhìn sư huynh em suốt ngày mặt cau mày có, hình như tâm sự trùng trùng, cũng không biết anh ấy đã nghĩ tới chuyện của em chưa nữa, anh ấy…anh ấy đã có vợ chưa? Chắc cũng chưa đâu nhỉ?”

Hoa Linh mới mười bảy tuổi, lại ít giao tiếp với người ngoài sao hiểu được ý tứ của Hồng cô nương, chỉ thấy mấy chuyện cô ta hỏi có phần kỳ quặc. Nhưng trong đám người Xả Lĩnh có rất nhiều kẻ từng trải tình trường, thính tai nhanh mắt, đã đoán được quá nửa suy nghĩ của Hồng cô nương, thấy cô ả cứ xoắn lấy tiểu cô nương kia hỏi dò Ban Sơn đạo nhân có vợ hay chưa thì không khỏi cười thầm, không ngờ mỹ nhân băng giá như ả cũng biết rung động.

Càng nghĩ lại càng thấy buồn cười, một trong số họ không nhịn được liền cười lên thành tiếng, Hồng cô nương nghe thấy thì biết ngay chuyện đã hỏng bét, khi nãy nóng vội không nghĩ âm thanh trong khe núi vốn vang vọng, giờ thì những lời gan ruột đều bị nghe thấy cả rồi.

Cô ta bực bội vung tay lên tát cho người kia gãy hai cái răng cửa, những người còn lại đều biết đến sự lợi hại của người đàn bà này, ngoài đầu sỏ Xả Lĩnh ra, đến La Lão Oai cô ta còn dám đánh nữa là, lũ lâu la Thường Thắng sơn ai có gan chọc vào cô ta. Cả đám vội nghiêm mặt lại, làm vẻ thản nhiên như không có chuyện gì, bầu không khí bỗng trở nên gượng gạo vô cùng.

Hồng cô nương mặt nóng phừng phừng, chỉ muốn tìm ngay cái lỗ nẻ để chui xuống. Đúng lúc ấy, Lão Tây từ trong đường hầm chui ra, dắt theo hai con tê tê Huyệt Lăng, thông báo với Gà Gô: “Đã đào tới sơn lăng, phong sinh thủy khởi.”

“Phong sinh thủy khởi” là tiếng lóng thường dùng khi đào mộ, “phong” có nghĩa là trong mộ không có âm khí tích tụ, không khí lưu thông. Tòa ủng thành phía trước bị phong tỏa cô lập để làm thành một cái bẫy mộ giả, nên bên trong không thấy dấu vết trùng độc. đường hầm hai con tê tê Huyệt Lăng đào vừa hay xuyên thẳng vào cái địa đạo bịt kín ngay sau ủng thành. “Thủy” ám chỉ của cải hoặc minh khí, có thủy chứng tỏ có minh điện địa cung thực sự.

Gà Gô nghe thế liền đứng bật dậy, lập tức lệnh cho mọi người chuẩn bị tiến vào đường hầm. Bản thân anh ta đeo riêng một chiếc đèn bão, kiểm tra hai khẩu mô de hàng Đức quốc lắp đầy đạn, lấy một mảnh lụa đen che kín mít, chỉ để lộ hai con mắt. Những người còn lại đều nhanh chóng chuẩn bị, tháo rời thang rết chia nhau mang theo, hàng ngũ chỉnh tề đợi lệnh ngay trước đường hầm.

Gà Gô thấy mọi người đã tập hợp đầy đủ, liền bế gà Nộ Tinh ra khỏi sọt tre, con gà trống lông cánh sặc sỡ, móng vuốt vàng kim, dường như cũng có thể cảm thấy có tử địch ẩn nấp trong mộ cổ Bình Sơn, biết hôm nay thế nào cũng có trận huyết chiến sống còn, tức thì nghển cổ ngó quanh, dang rộng hai cánh, cất cao tiếng gáy, thần thái vô cùng phấn chấn.

Gà Gô khẽ gật đầu, không cần biết con gà trống có hiểu tiếng người hay không, vẫn dặn dò nó một lượt trước mặt mọi người, bảo rằng nó là Nộ Tinh được cứu khỏi lưỡi dao trong nhà dân bàn Kim Phong, giờ có bao nhiêu tài nghệ hãy trổ hết ra đi, khỏi uổng uy danh gà Nộ Tinh, cũng không ơn cứu mạng của Ban Sơn đạo nhân.

Mười mấy tên trộm Xả Lĩnh thấy vậy cũng biết gà Nộ Tinh có thể quét sạch rắn rết trùng độc trong mộ. Bọn họ đã tận mắt chứng kiến con sâu rết sáu cánh dưới khe sâu xuyên qua sương dày bay lên, tuyệt không phải thứ súng đạn thông thường có thể chống chọi, lòng thầm nhủ chỉ cần con gà trống này đuổi hết lũ trù rết kia đi, giúp Ban Sơn Xả Lĩnh lấy được báu vật trong mộ cổ thì từ nay về sau gọi nó một tiếng “ông gà” cũng không hề gì, sinh mạng của cả bọn giờ đều trông vào nó cả.

Gà Gô lập tức cử ra bốn người, hai người lên núi báo tin cho lão Trần. Từ chỗ này chốc chốc lại nghe thấy tiếng nổ mìn phá đá vang lên, có lẽ lính công binh trên núi vẫn chưa nổi ra được manh mối nào, đường hầm dưới chân núi dù sao cũng đã đào xong, phải bảo lão Trần đưa người xuống hợp sức. Hai người còn lại đứng ngoài đường hầm phụ trách liên lạc.

Bố trí xong xuôi đâu đấy, anh ta liền dẫn những người còn lại chui vào đường hầm. Đám trộm mang theo trên người rất nhiều đinh sắt, cứ đi được một đoạn lại đóng lên vách hầm hai cái đinh bắt chéo nhau, treo lên một chiếc đèn lồng đơn giản thắp sáng làm dấu.

Vào trong mới thấy địa đạo xuyên núi mà cặp tê tê Huyệt Lăng đào được thực rộng rãi bằng phẳng, người ở bên trong chỉ cần hơi khom lưng là di chuyển được. Bên trong địa đạo ngoài đất cứng còn có rất nhiều nham thạch kiên cố, vậy mà hai con tê tê vẫn có thể xuyên qua, đám người Xả Lĩnh thấy vậy không khỏi chậc lưỡi khen ngợi cổ thuật trộm mộ bằng tê tê Huyệt Lăng quả nhiên ghê gớm.

Chiều dài đường hầm ngắn hơn so với dự tính của Gà Gô, nhưng cũng đến mấy trăm bước chân. Đám trộm thận trọng lần mò từng bước, rất lâu mới đi hết đường hầm, chỉ vừa chui ra liền gặp ngay một đoạn đường dốc, đá lát trên mặt đường dã bị nạy tung, soi đuốc xung quanh thì thấy dưới chân dốc bị một khối đá to tướng chặn ngang, bịt kín lối đi, men theo con dốc đi lên, trên cao là vòm đá xanh khổng lồ.

Giữa các khe kẽ đá của bức tường đá, thi thoảng gặp một hai con rết đang cuống cuồng đào tẩu, vật tính vốn tương sinh tương khắc, loài rết gặp gà Nộ Tinh khắp nào lửa gặp nước, một khi đụng phải chỉ còn có cách bỏ chạy tháo thân. Các loài trùng độc trong núi thường nhả độc trong đêm hoặc ở những nơi tối tăm, vừa nghe gà Nộ Tinh gáy một tiếng đã không dám nhả độc nữa, chỉ lo rúc vào khe núi sâu, tránh loài thiên địch này càng xa càng tốt.

Gà Gô biết trong mộ cổ có nhiều cạm bẫy nên không dám chủ quan, cứ từ từ men theo con dốc tiến lên phía trước, đám trộm cõng thang rết xúm xít xung quanh. Đi chưa được bao xa thì bắt gặp trên vách đá có một tấm bia đá lớn, đề bốn chữ như rồng bay phượng múa, Gà Gô xách đèn lại xem, thấy bốn chữ đó là “Hồng trần đảo ảnh”, không biết là ý gì.

Đi hết con dốc rồi lại băng qua một cây cầu đá chạm nổi rồng mây, cảnh vật hiện ra trước mắt vô cùng lộng lẫy. Bên trong huyệt động to lớn là vô số đại điện trùng trùng gác mái, điện vũ cao ngất, lầu các cheo leo, mái cong đấu củng chen nhau, rường hoa cột đẽo lặng lẽ thâm nghiêm, đèn đuốc sáng rực trong điện ngoài điện, tầng tầng lớp lớp không thấy điểm dừng, ánh lên nét huy hoàng riêng có của gạch vàng ngói ngọc.

Bụi đá bay lên từ tầng nham thạch trong động trông rực rỡ như khói hương bảng lảng chốn cung điện Thiên Hà, toát lên một vẻ thần bí tịch mịch khó mà tưởng tượng, không khác gì tiên cảnh nhân gian trong thiên động. Có điều trong lòng núi âm u kỳ lạ, lại bị mây khói bao trùm, khiến người ta có cảm giác không thật, cứ hư hư ảo ảo như mộng thủy cung, chả trách trên bia văn ghi là “Hồng trần ảo ảnh”.

Thì ra Bình Sơn kiên cố song dáng núi lại xiêu nghiêng theo năm tháng, thành ra trên thân núi có rất nhiều khe nứt to nhỏ, từ ngoài nhìn vào khó mà thấy được. Lòng núi này là nơi có phong thủy cực quý, sinh khí không ngừng lưu thông nên cổ vật chôn bên trong dù qua nhiều năm vẫn còn như mới, chén lưu ly, nến vạn niên trong lầu đài điện các, nhất nhất được sắp đặt theo bố cục tinh cung, nhiều mà không loạn, vô cùng chặt chẽ.

“Tiên cung” này vốn là nơi thờ cúng trong quá trình Hoàng gia cất đơn luyện dược, bắt đầu được xây dựng từ thời Tần Hán, lưu giữ rất nhiều dấu tích khác nhau của các triều đại, nhưng tất cả đều mang cốt cách Hoàng thất. Bên trong những chiếc chén lưu ly đều là nến thiên niên, đuốc vạn niên quý báu, ánh sáng tuy leo lét nhưng ngàn năm không tắt, hiện tại mới chỉ cách mấy trăm năm nên đa phần vẫn sáng như xưa, đặc biệt những chiếc chén lưu ly bát bảo vẫn còn lấp lánh trong ánh nến bập bùng.

Đám trộm đi theo Gà Gô, thấy tiên cảnh trong núi Bình Sơn đều ngây ra như phỗng, nhìn đến lờ cả mắt, dù tham lam đến đâu có nằm mơ, họ cũng không nghĩ lại có tòa minh điện to thế này, chỉ tính riêng mấy cây đèn cổ kia thôi cũng đã lấy không hết rồi.

Hoa Linh ra ngoài đổ đấu chưa đầy nửa năm, chẳng có mấy kinh nghiệm, chỉ thấy sâu trong tòa cung điện này có yêu khí bao trùm, không khỏi thầm run sợ, níu chặt cánh tay Gà Gô, nấp sau lưng anh ta: “Sư huynh này, nơi kỳ quái trước mặt…giống như cung điện đạo quan luyện đơn, sao có thể là minh điện chôn người chết?”

Gà Gô mười ba tuổi đã theo các tiền bối Ban Sơn đạo nhân đi trộm mộ, để lăng dẫn mổ cổ chư hầu vương quy mô hoành tráng đều đã đào qua, địa cung trong các sơn lăng tuy xa hoa tráng lệ nhưng không thấy nơi đâu có tiên cảnh tráng lệ thế này. Dường như toàn bộ kiến trúc trong danh sơn đạo giáo đều được đặt vào đây, song âm khí nơi này quá nặng nề, giống như quỷ cung chứ chẳng có chút khí tiên nào.

Nghe Hoa Linh hỏi vậy, Gà Gô bèn đáp bừa: “Ăn uống để cầu thành thần tiên? Ha ha… Đó chẳng qua chỉ là giấc mộng xuân của mấy tay hoàng đế mà thôi, về sau sơn hà tan nát, tiên cung kim điện này chẳng phải đã biến thành mộ phần cho đại tướng quân nhà Nguyên đó sao. Ta đây phải xem Thi vương Tương Tây trong tiên cung thế nào…xem nó rốt cuộc ba đầu sáu tay, hay mình đồng da sắt?”

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.