Mắt Âm Dương I

Chương 1: Ánh lửa trên núi



Xuyên Trung vốn là vùng đất các thế lực binh gia tranh đoạt. Những năm đầu Dân Quốc, là thời hỗn chiến giữa các phe phái ở vùng người Tạng A Bối, quân phiệt Mã Văn Ninh càng đánh càng lớn, dần dần chiếm hẳn mười mấy huyện trong khu Tạng A Bối, trở thành thế lực quân phiệt có tên có tuổi khắp miền Xuyên Trung.

Dân gian đồn rằng, Mã Văn Ninh thạo nhất là đào mồ quật mả. Lúc đầu, vùng người Tạng A Bối có mấy phe phái quân phiệt cát cứ, Mã Văn Ninh sợ các phe phái quân phiệt khác thừa cơ hợp sức đánh lại, nên chỉ lén lút làm trò xấu xa đó. Theo đà biến chuyển của chiến sự, quân của Mã Văn Ninh liên tiếp thắng to, lính tráng được bổ sung với số lượng lớn, vì vậy cần một khối lượng không nhỏ vật tư hậu cần. Mã Văn Ninh không thuộc chính phủ Quốc Dân trung ương, cũng chẳng thuộc phe phái lớn nào, không có cách nào bổ sung hậu cần, đành phải tự giải quyết vấn đề.

Thời gian ấy, Mã Văn Ninh cho đào bới hàng loạt mồ mả, đập phá tháp Phật, chùa chiền, thậm chí còn thành lập hẳn một đội quân cả nghìn người chuyên đi đào trộm mộ, trang bị thuốc nổ mạnh, tìm những nơi có mồ mả, đào một cái hố sâu, chôn thuốc nổ vào đó, dẫu lăng mộ có biện pháp chống trộm cẩn thận đến mấy cũng bị công phá. Mồ mả vừa nổ tung, đội quân trộm mộ liền vơ vét của cải bên trong, còn xương cốt, thi hài thì vứt bỏ. Vào thời ấy, ở vùng A Bối hễ bắt gặp hố sâu vung vãi xương cốt, có thể khẳng định đấy là nơi lính đào mộ của Mã Văn Ninh đã đến.

Một hôm, có vị lạt ma áo quần lam lũ, chân đất, mặt đầy nếp nhăn, xem ra cũng đã ngoài năm mươi tới huyện thành A Bối, đi thẳng đến tư dinh của Mã Văn Ninh. Vị lạt ma đứng ngoài cửa gào thét như người điên, đòi vào trong gặp chủ nhân. Lính gác lôi ông ta ra phố, ông ta lại xông vào. Thấy bên ngoài ồn ào, Mã Văn Ninh cũng chú ý, bèn sai người tra hỏi rõ ngọn ngành, sau đó cho vị lạt ma kia vào phủ.

Vị lạt ma ghé vào tai Mã Văn Ninh nói gì đó, mặt Mã Văn Ninh liền biến sắc, mời ngay ông ta vào phòng kín nói chuyện. Hai người trò chuyện trong phòng kín một ngày một đêm, cơm nước có người đưa đến tận nơi. Về sau, những người biết chuyện nói rằng, vị lạt ma kia đưa đến một tấm bản đồ rách nát, bên trong có ẩn giấu một bí mật lớn.

Mã Văn Ninh cho tiếp đãi vị lạt ma rất trọng hậu, còn cử người canh gác, ngoại trừ hắn ta, không ai được tiếp xúc.

Buổi tối sau hôm vị lạt ma đến, Mã Văn Ninh gặp một cơn ác mộng. Hắn mơ thấy mình bị đặt lên một đài thiên táng rất lớn, xung quanh là các lạt ma ăn vận quái gở, đang rì rầm tụng kinh siêu độ cho hắn. Dù ý thức rất rõ mình còn sống, nhưng tay chân hắn ta lại bị xích sắt trói chặt, gần đài thiên táng bập bùng một đống lửa, trên trời rền rĩ tiếng xám kêu thê thảm, ai nghe cũng phải rùng mình. Mã Văn Ninh ra sức giãy giụa, có điều sợi xích to bằng cổ tay, khiến hắn không sao động cựa được.

Đang lúc tuyệt vọng, hắn phát hiện một vị lạt ma đang cúi đầu tụng kinh bỗng ngước lên nhìn mình, liền đưa mắt nhìn lại, mồ hôi lạnh lập tức túa ra khắp người, không tin nổi vào mắt mình nữa, lạt ma ấy không ngờ lại có bộ mặt chim.

Mã Văn Ninh sợ hãi choàng tỉnh. Hắn lập tức đi tìm vị lạt ma kia nhờ giải mộng, nhưng lạt ma nghe xong chỉ cười, không nói gì.

Tuy ham mê chuyện đào trộm mồ mả tuyệt tử tuyệt tôn, nhưng Mã Văn Ninh lại vô cùng kính nể quỷ thần. Hơn nữa, hiện giờ đương lúc các phe phái quân phiệt hỗn chiến, dù Mã Văn Ninh đã ngồi vững ở vùng Tạng A Bối, nhưng chẳng ai dám chắc đến ngày nào đó hắn không bị tiêu diệt.

Hôm sau Mã Văn Ninh cho yết thị, tìm người tài và lạt ma khắp các chùa chiền giúp hắn giải mộng. Cứ tốp này đến lại tốp khác đi, tất cả đều đưa ra những lý do vô cùng kỳ quái, nhưng chẳng có gì đáng tin hết.

Ít lâu sau, lính đào mộ theo bản đồ vị lạt ma kia cung cấp, tìm thấy ở khu người Tạng phía Tây một nơi giống hệt trong giấc mơ của Mã Văn Ninh, được tin, hắn lập tức cùng đội vệ binh đến đấy xem thử.

Đến nơi, Mã Văn Ninh thấy đài thiên táng được bảo tồn rất hoàn hảo, quang cảnh đúng như trong mơ, nhưng kỳ lạ là, mấy trăm dặm quanh đấy không một bóng người, ngay cả động vật cùng chỉ thấy lác đác. Hắn lệnh cho quân lính lùng sục khắp phạm vi trăm dặm xung quanh mà không sao tìm thấy người có bộ mặt chim. Từ ngày đến đó, lòng Mã Văn Ninh càng thêm thấp thỏm bất an, luôn nghi ngờ có người mưu hại, đi ngủ cũng mặc nguyên quần áo.

Thấy đám lính tráng chẳng tìm được thứ gì giá trị, hắn ta đùng đùng nổi giận, lập tức điều thêm quân đến, cho đào sâu ba trượng trong phạm vi một cây số vuông.

Những tưởng việc đào bới chỉ là cơn giận nhất thời của Mã Văn Ninh, nào ngờ lại đào được một ngôi mộ cổ.

Thật ra đấy không phải mộ, mà chỉ là một hang động, bên trong đặt một cỗ quan tài bằng đá dài chín mét, rộng khoảng ba mét. Quân lính của Mã Văn Ninh loay hoay toát mồ hôi hột mới chuyển được cỗ quan tài đó về A Bối, đưa vào trong phủ, sai lính canh gác cẩn thận.

Quan tài đá về tới nơi, Mã Văn Ninh sai người mở ra trước mặt mình, không ngờ nắp quan tài đậy rất chặt, không sao nạy ra nổi. Đám lính đào trộm mộ tìm đủ mọi cách mà nắp quan tài vẫn không xê dịch mảy may. Mã Văn Ninh lại cho tìm người tài khắp nơi, nhưng chẳng tìm được ai cả.

Đương lúc bế tắc, có người đề nghị Mã Văn Ninh gọi vị lạt ma kia đến, biết đâu ông ta có thế nói rõ lai lịch cỗ quan tài này. Chẳng ngờ, ông ta vừa bước vào cửa, trông thấy cỗ quan tài đá kia, liền tái mặt cắm đầu chạy ra ngoài, bọn lính đứng đấy không thể nào lôi lại được.

Hành động của lạt ma khiến Mã Văn Ninh giật thót mình, bèn vặn hỏi nguyên do. Lạt ma quỳ xuống báy lạy Mã Văn Ninh, khẩn khoản rằng ông ta không dám ở lại nữa, bởi đây là nơi linh hồn Thất Sát Huynh Phật cư ngụ, ai đụng đến cỗ quan tài này sẽ không sống được quá mười ngày.

Thấy sự việc kỳ lạ khó hiểu, lại nghe vị lạt ma nói vậy, Mã Văn Ninh sợ mất mật. Xem ra, ngoài vị lạt ma này không còn ai biết nguồn gốc của cỗ quan tài đá nữa, thậm chí lạt ma cũng chỉ cho hắn tấm bản đồ kỳ lạ mô tả nơi cất giữ báu vật chứ không nói thêm gì khác, kể cả lai lịch xuất thân. Mã Văn Ninh một lòng muốn giữ vị lạt ma trong phủ của mình, bởi lúc này chỉ mình ông ta am hiểu về cỗ quan tài đá kia, nhất định không thể để ông ta đi được.

Vả lại, đám lính của Mã Văn Ninh có không biết bao nhiêu người sờ vào cỗ quan tài đá kia rồi, cả hắn cũng chẳng ngoại lệ, nếu vị lạt ma kia nói đúng, lẽ nào tất cả bọn họ đều không sống nổi quá mười ngày hay sao?

Lạt ma khóc lóc cầu xin được đi nhưng Mã Văn Ninh kiên quyết không chịu, ra lệnh cắt đứt gân chân ông ta, nhốt vào nơi để quan tài đá, bắt ông ta nội trong ba ngày phải mở được nắp quan tài, nếu không sẽ đem ra xử bắn.

Sáng hôm sau Mã Văn Ninh sai người mở cửa xem lạt ma ra sao, nào ngờ trong phòng trống trơn, không thấy người cũng chẳng thấy ma. Tối hôm trước Mã Văn Ninh còn cho lính canh gác, có thể nói là mấy tầng phòng ngự, cả khuôn viên đèn đuốc sáng trưng, lạt ma kia dù mọc cánh cũng không bay ra nổi, vậy thì người đi đâu mất?

Những người có mặt tại đó đều đơ ra, chẳng ai hiểu đầu cua tai nheo gì, về sau có người nói, nhất định vị lạt ma kia đã chui vào quan tài.

Mã Văn Ninh bất đắc dĩ đành đồng ý với đại đội trưởng đại đội cảnh vệ. Đầu tiên đào một cái hố, đặt hai phần ba quan tài xuống đó, chỉ để lộ phần nắp, rồi dùng thuốc nổ cho nổ tung nắp quan tài, như vậy có thể mở đưọc mà không làm hư hại những thứ bên trong.

Quả nhiên chiêu này rất diệu, nắp quan tài vỡ tung, nhưng phần chôn sâu dưới đất vẫn còn nguyên vẹn.

Mã Văn Ninh đến xem, giật mình thấy trong cỗ quan tài đá lớn kia ngoài những mảnh thi thể thì không có thứ gì khác. Thi thể trong quan tài đã nát bấy, không thể nhận rõ khuôn mặt người chết, nhưng hắn nhận ra những mảnh vải vương vãi kia chính là áo quần của vị lạt ma kia.

Mã Văn Ninh ớn lạnh khi nhận ra thi thể trong quan tài. Thực ra hắn ép vị lạt ma phải mở được nắp quan tài, chính là để ép ông ta nói ra những bí mật trong đó. Lính đào mộ của Mã Văn Ninh không thiếu người giỏi, đã nghiên cứu nắm được cấu tạo của quan tài, áo quan được làm từ một khối đá nguyên vẹn, vách quan dày chừng một mét, thuốc nổ bình thường khó mà phá vỡ nổi, song nếu dùng thuốc nổ cực mạnh, diện tích nổ nhỏ, sức công phá lớn hẳn mở ra được.

Nhưng vị lạt ma có thể chui vào trong quan tài dày một mét, thi thể lại bị xé tan từng mảnh, quả là chuyện khó hình dung.

Về sau, trong đám lính đào mộ có người phát hiện thi thể của vị lạt ma giống như bị chim kền kền rỉa nát. Ở khu vực của người Tạng, họ từng đào bới rất nhiều mộ cổ, có những quý tộc người Tạng được thiên táng, về sau thu xác về, thi thể cũng nát bấy như vậy, kẻ chấp hành thiên táng chính là chim kền kền.

Vị lạt ma bị nhốt trong phòng kín lại chui vào quan tài đá, rồi bị chim kền kền thiên táng, chuyện này thật quá ly kỳ. Đám lính của Mã Văn Ninh đi đào mồ quật mả chứng kiến biết bao nhiêu chuyện ly kỳ, trong lăng mộ thứ kinh khủng gì cũng có cả, vậy mà trước tình cảnh này, vẫn không khỏi rùng mình ớn lạnh.

Theo lời vị lạt ma kia, họ đưa quan tài đá về để đã bốn ngày, lại thêm một ngày hôm nay nữa, vậy là những người đã đụng vào quan tài đá chỉ còn sống được năm ngày.

Cả đời Mã Văn Ninh tung hoành suốt dải Xuyên Trung, từng tơ tưởng mình được trường sinh bất lão, chứ chưa bao giờ nghĩ cuộc đời của mình chỉ còn có năm ngày. Bây giờ vị lạt ma kia đã chết, không còn cách nào phá giải lời nguyền kia nữa, nghĩ đi nghĩ lại, hắn ta đành cho người tu sủa lại quan tài, tìm một nơi nào đấy chôn xuống.

Đám lính đào trộm mộ của Mã Văn Ninh chôn xong cái quan tài, trên đường về A Bối đụng phải một phe phái quân phiệt khác phục kích, bị tiêu diệt gần hết. Càng quái lạ hơn nữa là, năm hôm sau Mã Văn Ninh mất tích ngay trong tư dinh, mấy hôm sau người nhà mới tìm được thi thể hắn ta trên mái nhà, đã bị lũ kền kền rỉa nát thành từng mảnh, xương thịt tơi tả.

Mã Văn Ninh chết, thế lực quân phiệt của hắn ta như rắn mất đầu, không đầy ba tháng sau thì tan rã, một thế lực quân phiệt khác lại chiếm cứ địa bàn này.

Sự việc ly kỳ lan truyền đi nhanh chóng, cả vùng Xuyên Trung không ai không biết.

Năm Dân Quốc thứ hai mươi hai, ở vùng ven phía Tây Xuyên Khang, trận đại chiến giữa hai quân phiệt Lưu ở Xuyên Trung đã gần đến hồi kết. Quân đoàn 21 của Lưu Tương được Tưởng Giới Thạch giúp sức, dựa vào hỏa lực của máy bay, pháo lớn, liên tiếp phá thành nhổ trại, buộc quân đoàn 24 của Lưu Văn Huy phải rút về bảo vệ Mi Sơn - Gia Định. Hai bên lấy sông Mân làm ranh giới, kịch chiến suốt nửa tháng trời, quân đoàn 24 yếu thế, đành bỏ phòng tuyến sông Mân, rút về Nhã An và gửi điện thông báo cho cả nước biết họ "lui về Tây Khang chi viện quốc phòng".

Lưu Văn Huy thua liểng xiểng chỉ còn mười mấy trung đoàn tàn binh bại tướng tổng cộng chưa đầy một vạn binh mã, uy phong của quân đoàn 24 đã trôi theo dòng nước.

Lưu Văn Huy dẫn đám tàn quân rút về hướng Xuyên Tây, đóng ở Tây Khang. Lưu Tương toàn thắng, không để cho Lưu Văn Huy có cơ hội nghỉ ngơi, liền cử hai viên tướng Điền Tụng Nghiêu và Đặng Tích Hậu dẫn đầu hai cánh quân chủ lực thâm nhập vào Tây Tạng, truy kích tiêu diệt tàn quân của Lưu Văn Huy. Hai người này đều là nhân vật lăn lộn nửa đời nơi mũi tên hòn đạn, dọc đường truy sát cho đám tàn quân của quân đoàn 24 đến không còn manh giáp, xác chết đầy đồng.

Đội cảnh vệ của Lưu Văn Huy bị truy đuổi bỏ chạy tán loạn, chui lủi khắp nơi, dần tiến vào đất Tạng. Hơn trăm quân sĩ không có hậu cần cung cấp lương thực súng đạn, đành quay sang làm thổ phỉ đi cướp của dân Tạng. Vùng này giáp với phía Tây Xương Đô, xung quanh đều là núi non, cao hơn mặt biển mấy nghìn mét, đất rộng người thưa, trong vòng mấy trăm dặm chỉ lác đác vài ba bóng người.

Dọc đường đi binh mã mệt mỏi, lương thực và nước uống cướp được đã hết từ một ngày trước. Đã vào thu, bãi cỏ trên núi mọc um cỏ dại, khô héo còi cọc, khó mà có thú hoang. Đám lính này vốn là đội bảo vệ Lưu Văn Huy ở Xuyên Trung, quen được sung sướng, không thể chịu đựng nổi cảnh khổ cực của lính dã chiến. Thời ấy, lính tráng Tứ Xuyên quen với nếp sinh hoạt tùy tiện, kỷ luật lỏng lẻo, quân cảnh vệ trước mặt cấp trên thì tỏ ra nghiêm túc, nhưng sau lưng lại không coi ai ra gì, kiêu căng, vô lễ.

Bây giờ, phía sau có quân đoàn chủ lực 21 truy kích, trước mặt là rừng núi hoang vu, sống chết khó lường, tương lai mờ mịt, nội bộ gần một trăm con người này cũng đâm ra lục đục, mâu thuẫn. Một số chủ trương quay lại, chiếm một ngọn núi làm bá vương trên Trà Mã cổ đạo, nhiều lắm là gặp bọn lính truy kích, có thể đầu hàng thì đầu hàng, nếu không đầu hàng thì liều một phen, như vậy còn dễ chịu hơn ở đây chết đói; số còn lại đòi vượt qua núi tuyết Mai Lý để vào Xương Đô, từ đấy sẽ phát triển tiếp.

Đôi bên bất đồng ý kiến, tranh chấp mỗi lúc một căng thẳng, hai viên đại đội trưởng của hai đội cảnh vệ đánh nhau trước, bọn họ vừa ra tay thì quân lính dưới quyền cũng náo loạn, nhất loạt lên đạn bắn nhau.

Đang đánh nhau bất phân thắng bại, bỗng một người lính trông thấy nơi đỉnh núi phía xa có khói đen bay lên, còn thấp thoáng ánh lửa. Anh ta quên cả đánh nhau, lớn tiếng kêu gọi anh em cùng nhìn lên. Đám tàn quân đang nộ khí xung thiên, sát khí đằng đằng nhất loạt đổ dồn ánh mắt về phía ngọn núi kia, lúc này trời đã nhập nhoạng tối, đám khói như mây đen từ đỉnh núi phía xa bay đến, bên dưới còn có ánh lửa, nom tình hình này, hình như ở đây đang có cháy lớn.

Mọi người lúc đầu còn ngơ ngác, rồi cùng reo hò hoan hô, có lửa tức là có người, nghĩ nhiều làm gì, cứ đến đấy tìm miếng ăn rồi sẽ tính sau. Mọi người thấy một tia hy vọng, liền bỏ hết tranh chấp, dưới sự chỉ huy của hai viên đại đội trưởng, họ cùng dìu đỡ thương binh, đi về phía ngọn núi kia.

Giữa muôn trùng núi non, ngọn núi kia trông cũng không xa lắm. Nhưng đi rồi mới biết vách núi cheo leo dựng đứng, leo lên thật khó khăn. Đám lính đang bị cái đói giày vò, bất chấp khó khăn, cố leo lên, leo bốn năm tiếng đồng hồ mới lên đến đỉnh.

Leo lên đến nơi mới biết, ánh lửa đã biến mất từ lúc nào rồi. Núi rất lớn, nếu cháy rừng phải cháy suốt mấy ngày đêm, vậy mà làm thế nào chỉ trong chốc lát lửa đã tắt?

Gần một trăm tàn quân đứng trên núi, run cầm cập trong gió lạnh, đèn pin của họ chỉ soi sáng được vài chục mét, chỉ thấy xung quanh toàn là bóng tối. Hai viên đại đội trưởng quyết định xóa bỏ xích mích, cùng nhau bàn mưu tính cách, dù sao cũng không thể ngồi trên đỉnh núi này chờ chết đói hoặc chết rét.

Hai người bàn nhau hồi lâu, cuối cùng quyết định chia làm hai cánh đi xuống theo hai ngả, nếu phát hiện có động tĩnh gì đó thì đốt lửa báo hiệu cho nhau biết.

Họ chặt cành khô làm đuốc, mỗi người một bó, tạo thành hai con rồng lửa men theo hai triền núi Đông Tây, tiến sâu vào rừng cây. Đại đội Hai đi về phía Tây, đại đội trưởng tên là Vương Uy, một thanh niên chưa đến ba mươi tuổi. Vương Uy tính tình nóng nảy, chỉ cần tranh cãi vài ba câu lập tức rút dao động súng, là một nhân vật rất khó chọc vào.

Vương Uy không thấy ánh đuốc của đại đội Ba đâu nữa, liền gọi Triệu Nhị mặt rỗ, quân sư của anh ta đến. Triệu Nhị mặt rỗ tầm tuổi Vương Uy, trước đây đều là sinh viên đại học Yên Kinh, chịu ảnh hưởng của cao trào yêu nước, đến Tứ Xuyên làm lính của Lưu Văn Huy, mấy năm nay Đông chinh Bắc chiến, trải qua sự kiện quân đội Tứ Xuyên đảo chính và trận chiến Xuyên Đông, cho đến ngày Lưu Văn Huy và Lưu Tương đánh nhau, họ theo bại binh của Lưu Văn Huy rút khỏi Mạch Thành,nơi đây.

Hai người sống trong quân ngũ gần mười năm, đã rèn đúc nên tình cảm thân thiết. Triệu Nhị thời nhỏ bị bệnh đậu mùa, mặt rỗ chằng rỗ chịt, gã cao cao gầy gầy, đánh trận không giỏi nhưng lắm mưu mẹo. Hồi đánh nhau với quân phiệt Dương Sâm, dựa vào chủ ý của gã mà Vương Uy đánh thắng khá nhiều trận, bởi thế Vương Uy nhất mực coi trọng gã.

Nhị Rỗ tấp tểnh chạy tới, đưa tay chào theo quân lệnh, miệng hô:

- Triệu nhị báo cáo đại đội trưởng!

Vương Uy đang buồn bực, thấy Nhị Rỗ đứng không nghiêm, liền đá cho gã một cái, chửi ngay:

- Đồ chó đẻ, bảo đến nhanh lên, chết ở xó nào mà bây giờ mới đến?

Nhị Rỗ phủi dấu chân ở mông, cười hì hì, nói:

- Thưa chỉ huy, em ở kia để quan sát địa hình ạ. Không xác định rõ phương hướng, chúng ta làm sao tìm được đường ra?

Vương Uy biết tổ tiên Nhị Rỗ là thầy phong thủy, nghe nói đời cụ tổ có một cao nhân được mời vào cung xem phong thủy cho vua Càn Long, tổ tiên còn để lại bí thuật xem long mạch địa nhãn. Đáng tiếc, Trung Quốc gặp buổi loạn lạc, trong ngoài đều rối ren, chẳng ai còn để tâm đến những chuyện mắt không trông thấy tay không sờ đến ấy làm gì. Thời nhỏ, Nhị Rỗ rất say mê phong trào học sinh, dù cha gã dốc lòng dạy dỗ, nhưng Nhị Rỗ lại không để tâm học hành, chỉ biết chút ít bên ngoài mà thôi.

Những chuyện ấy đều là Nhị Rỗ kể với Vương Uy khi đã ngà ngà say, còn dặn đi dặn lại đừng nói cho ai hết. Vương Uy cũng nửa tin nửa ngờ, bởi những điều Nhị Rỗ nói, hễ không phải lúc giao chiến căng thẳng thì chẳng có gì đáng tin, mười câu thì có đến chín câu là giả.

Vương Uy chẳng còn lòng dạ nào mà đùa cợt với Nhị Rỗ, bèn hỏi thẳng đã quan sát thấy gì chưa. Nhị Rỗ cau mày suy nghĩ, nói:

- Chỉ huy, tôi thấy chỗ này không được ổn lắm. Ở đây núi liền núi, mây núi dày đặc, dãy núi tuyết Mai Lý chạy về phía Đông, có thế rồng uống nước. Nhưng ngọn núi này bị vây khốn bởi nhiều núi khác, long khí chạy về hướng Đông, biến nó thành nơi bế khí dưỡng thi, là đất chẳng lành.

Nghe Nhị Rỗ nói vậy, Vương Uy cảm thấy ở đây có thể xảy ra chuyện kỳ lạ gì đó, liền hỏi thêm:

- Anh có nhận ra khói đen và ánh lửa chúng ta vừa trông thấy là chuyện gì không?

Nhị Rỗ vê vê chòm râu dê, nghe nói đó là chòm râu tổ tiên gia truyền lại, độ dài của mỗi sợi râu đều có quy tắc riêng, để chòm râu ấy lúc xem phong thủy có thể mở ra thiên nhãn, khó lòng xem trật. Ông tổ của gã hồi xưa được vua Càn Long rất coi trọng, ban thưởng mũ lông công hàng tứ phẩm, gia cảnh tương đối sung túc, trước ngày liên quân tám nước vào Bắc Kinh, gia đình cũng coi như giàu có. Liên quân tám nước vào Bắc Kinh, chúng đốt sạch cướp sạch, kho vàng nhà ông ta bị liên quân cướp, từ đấy họ Triệu sa sút, đến đời gã thì chỉ còn lại chòm râu dê này thôi.

Mỗi lần nhắc lại chuyện xưa Nhị Rỗ đều nước mắt nước mũi ròng ròng, hơn nữa chỉ nhắc lại khi uống rượu, làm cho mọi người không còn lòng dạ nào để uống, một mình gã tha hồ đánh chén cho thật no say. Đó là mẹo vặt của Nhị Rỗ, về sau anh em biết tỏng ngón này, lúc uống rượu không thèm mời gã nữa.

Nhị Rỗ suy nghĩ giây lát rồi nói:

- Cái nơi bế khí dưỡng thi này nói chung người sống không nên đến, nhưng đám khói đen ấy giống như khói người đốt vậy, lạ thật.

Vương Uy ngẫm nghĩ, muốn biết rốt cuộc có chuyện gì, phải xuống tận nơi xem mới được, liền ra lệnh cho tra xét đến cùng. Vương Uy và Nhị Rỗ dẫn đầu, triền núi phía bên này đỡ dốc hơn, như vậy đường xuống dài hơn, cây trên núi chết khô gần hết, đi cũng không đến nỗi vất vả. Đi được một quãng nghe dưới chân núi có tiếng nước chảy ào ào, réo gào đinh tai nhức óc. Vương Uy ngạc nhiên, hỏi:

- Tại sao ở đây lại có thác? Lúc chúng ta đến có thấy sông lớn chảy qua đâu?

Nhị Rỗ nói:

- Có gì lạ đâu, núi tuyết Mai Lý từ đây chảy về phía Tây, hình thế giống như con rồng nước ngóc đầu, mà ngọn núi vô danh này lại chắn ngang đường tiến về phía Đông của mạch núi, nếu không xuyên qua được ngọn núi này thì khí thế hùng vĩ của nó làm sao có thể trải dài ngàn dặm xuyên suốt Đông Tây?

Đại đội cảnh vệ số Hai của Vương Uy xuống đến thung lũng, quả nhiên như lời Nhị Rỗ, một ngọn thác lớn từ trên lưng chừng núi đổ xuống, chảy vào con sông lớn dưới thung lũng xuôi về Đông. Ngọn thác đổ xuống thật mạnh mẽ, cảm giác như cả thung lũng đang rung chuyển, khiến bốn năm chục con người đi trên bờ kinh hãi vô cùng, tai ong ong hết cả. Bỗng Nhị Rỗ kêu lên:

- Chỉ huy nhìn xem, ở kia có khói.

Sâu bên trong thung lũng bỗng có ánh lửa, khói đen bốc lên mù mịt. Vì quá xa, không thấy rõ, hình như có nhiều người đang hát ca nhảy múa quanh đống lửa.

Vưong Uy giật thót mình bảo Nhị Rỗ:

- Quái đản thật, mấy trăm dặm quanh đây không có bóng người, bỗng dưng ở đâu ra lắm thế?

Nhị Rỗ cũng ngẩn cả người ra, hơn chục năm nay họ đi Nam về Bắc, tính mạng treo nơi đầu gươm mũi giáo, bất cứ việc kỳ quái gì cũng đã gặp, nhưng cảnh tượng này mới thấy lần đầu, gã ta cũng lấy làm kinh hãi. Bốn năm chục binh sĩ chưa ai thấy cảnh này bao giờ, ai nấy đều xôn xao là gặp phải ma, đúng là chuyện chẳng lành.

Vưong Uy từ ngày vào lính đánh nhau, chưa biết sợ là gì, lúc này thấy binh lính dưới quyền ngần ngại không muốn đi tiếp, anh ta liền lớn tiếng:

- Tiến lên, gặp thứ gì cũng có súng của ông đây rồi!

Nói rồi, Vương Uy xăm xăm đi trước, Nhị Rỗ vội theo sau. Chỉ huy đã tiến, lính tráng đâu dám trái lệnh, tất cả ào ạt tiến lên. Đi được một quãng xa, họ phát hiện trong thung lũng lớn lại có thung lũng nhỏ, một bên vách núi có một hang động lớn bằng chiếc xe quân sự, đến đây thì tầm mắt bị chặn lại, không thể trông thấy ánh lửa ởbên trong, nhưng khói trong hốc kia vẫn bay ra, cay chảy cả nước mắt. Lẫn trong khói có mùi hôi thối. Vương Uy ở trong quân mười mấy năm ngửi thấy mùi này lập tức cau mày, là mùi thi thể cháy khét. Đánh nhau trong mùa nóng bức, lúc thu dọn chiến trường, một số xác chết được kéo đi chôn, những xác không thể chôn đành phải đốt để đề phòng phát sinh dịch bệnh, mùi xác cháy thường rất khó chịu, hễ ngửi thấy thì phải đến mấy ngày sau không nuốt nổi miếng ăn.

Nhị Rỗ hỏi:

- Thưa chỉ huy, có nên đốt lửa báo cho đại đội Ba biết mà vào đây không?

Vương Uy phẩy tay, nói:

- Không cần. Chuyện vặt này mà phải đốt lửa báo tin, bọn họ cười cho. Anh gọi mười người nữa đi theo tôi, những người khác canh giữ cửa hang, nếu có người chạy ra bắt sống được thì bắt sống, nếu không bắt sống được thì phải giữ lấy xác, nghe rõ cả chưa?

Uy tín của Vương Uy trong quân đội không phải ngày một ngày hai mà tạo dựng được, anh vừa ra lệnh, lính tráng liền đồng thanh đáp lại: "Rõ!"

Cả nhóm chui vào thung lũng phía trong, đi chừng mấy trăm mét, không gian mỗi lúc một rộng hơn, thung lũng bên trong có hình bầu dục, trong đó lại có bốn căn nhà gỗ, cửa không khóa, Vương Uy vừa đẩy, cửa liền mở, trên cánh cửa bụi bặm bám thành một lớp dày.

Nhị Rỗ và một người nữa vào nhà xem xét, bên trong có kê một chiếc phản gỗ, trên vách treo đầy cung nỏ, dụng cụ đi săn, áo lông và da thú, nhưng tất cả đầy bụi bặm, chứng tỏ đã lâu rồi không có người đến đây.

Vương Uy cho người kiểm tra cả ba căn nhà gỗ kia, phát hiện đồ dùng sinh hoạt thường ngày trong nhà còn nguyên vẹn, nhưng tất cả đều phủ một lớp bụi dày, giống như căn nhà thứ nhất. Vương Uy nói:

- Nhị Rỗ, vừa rồi chúng ta thấy có người nhảy múa quanh đống lửa, nhưng tại sao ở đây lại có vẻ như rất lâu không có người sống rồi?

Nhị Rỗ gật đầu:

- Đúng là lạ thật, cứ theo bí thuật phong thủy tổ tiên của tôi truyền lại thì đất này là đất dưỡng thi, người sống không thể ở được, nhưng nơi này lại có dấu vết con người sinh sống. Chúng ta đứng ở thác nước nhìn vào trong thung lũng này rõ ràng thấy có rất nhiều người, thế mà vào đây lại phát hiện người sống ở đây đã mất tích từ rất lâu rồi.

Lúc ấy, một người lính đi ra phía sau kiểm tra chạy vào báo cáo ở đấy có một bệ đá rất lớn, hình như ánh lửa phát ra từ đấy.

Vương Uy được tin lập tức dẫn những người khác theo người lính kia vòng ra sau rừng cây, ở đó có một khe núi, phía trên hai vách khe liền nhau, bên dưới chỉ hở ra một khe vừa một người chui lọt. Người lính dẫn đường chui vào trước, Vương Uy và Nhị Rỗ theo sau, khoảng đất trống phía sau khe núi tương đối rộng rãi, dưới đất có một bậc đá độ dốc khá cao, nếu leo lên có thể lên đến lưng chừng núi, trên đó có một bệ đá rất lớn.

Lúc này trên bệ đá đèn đuốc sáng rực, khói đen bốc lên mù mịt khiến mọi người nôn ọe ra cả nước xanh nước vàng.

Nhị Rỗ "ọe" một tiếng, chửi đổng:

- Đồ chó má, tám phần là trò tà thuật gì rồi, nửa đêm đốt xác chết, mẹ kiếp, đến là buồn nôn!

Vương Uy đưa tay ra hiệu, mười hai người liền chia thành sáu nhóm, mỗi nhóm hai người, năm nhóm leo lên, nhóm còn lại ở dưới canh chừng, đề phòng bất trắc. Hai người phối hợp với nhau, một người ở bên trái bậc đá, người kia ở bên phải bậc đá liền kề sau, nhóm tiếp theo lại ở bậc đá liền kề sau nữa, tuần tự mà leo, phát hiện tình huống gì lập tức nổ súng.

Mười con người thận trọng leo mãi lên tít trên cao, bệ đá nơi lưng chừng núi nom hệt cái miệng của bóng đêm đang há to, đợi họ nối đuôi nhau chui vào.

Hai người leo lên đầu tiên nói nhỏ với nhau:

- Trên này không có người.

Nghe được câu ấy, Nhị Rỗ buột miệng "ơ!" một tiếng, vừa rồi có ánh lửa, lại có kẻ đốt xác chết, trên bệ đá không lý nào lại không có người. Vương Uy khẽ đẩy Nhị Rỗ, ý bảo gã đừng có ngẩn ra đó, mau mau leo lên.

Vương Uy và Nhị Rỗ lần lượt lên đến nơi, vừa đưa mắt nhìn liền kinh hoàng phát hiện ra trên bệ đá rộng thênh thang này không có ai hết. Cả hai toát mồ hôi lạnh, những người khác thì không nói, nhưng hai người lên đầu tiên biến đâu rồi?

Vương Uy nhìn quanh, thấy bệ đá trên lưng chừng núi này khá rộng, đủ chỗ cho một đơn vị bộ đội mấy nghìn người xếp hàng. Ở giữa lại có một bệ đá nhỏ diện tích chừng mươi mét vuông, trông như một cỗ quan tài, xung quanh có bốn mươi chín chậu lửa thật lớn kê trên trụ đá, bên trong đốt củi khô.

Hai người đưa mắt nhìn nhau, nhóm thứ ba đằng sau đứng dưới thềm đá hỏi tình hình thế nào, Vương Uy bèn lệnh cho họ cứ đợi ở đấy đừng lên nữa, mười lăm phút sau nếu anh ta và Nhị Rỗ không có động tĩnh gì, họ phải lập tức tụt xuống đất, rút khỏi thung lũng.

Người của nhóm thứ ba thấy những lời của Vương Uy rất lạ lùng, nhưng chỉ huy đã có lệnh, họ cũng không dám hỏi thêm gì.

Vương Uy và Nhị Rỗ mỗi người mỗi bên, nắm chắc tay súng tiến về phía bệ đá nhỏ, xung quanh yên tĩnh đến rợn người, chỉ có vài tiếng nổ củi khô lép bép trong chậu lửa. Dưới ánh lửa, bóng núi non xung quanh hiện lên hết sức rùng rợn, như sắp xông tới vồ người. Vương Uy vốn rất táo bạo, ngoài chiến trường giết người như thái rau, nhưng lúc này cầm súng đi về phía bệ đá nhỏ, anh cũng không khỏi rờn rợn, cảm thấy hình như trên đó có thứ gì đang nằm, trông lờ mờ hình dáng một con người. Anh định hỏi Nhị Rỗ, nhưng mở miệng mấy lần vẫn không sao cất lời nổi.

Vương Uy càng nghĩ càng hoang mang, cảm thấy việc này quả là không bình thường. Đúng lúc ấy, Nhị Rỗ bỗng sấn lên chạy vụt đến trước bệ đá nhỏ, nổ súng đoàng một tiếng.

Vương Uy giật nảy mình, tiếng súng của Nhị Rỗ lan đi trong thung lũng, ngón tay Vương Uy đặt trên cò súng hơi ấn xuống, chỉ chờ cho cái vật nằm trên đài kia bật dậy, anh ta sẽ nổ tiếp một phát nữa.

Đột nhiên, Nhị Rỗ cười phá lên, nói:

- Mẹ kiếp, là người bằng đất nung!

Vương Uy thở phào chạy đến xem, vừa trông thấy nó, anh đã hít vào một hơi khí lạnh, đấy không phải người mà rõ ràng là chim, hay có thể nói là người chim.

Chỉ thấy tượng người bằng đất nung nằm giữa bệ đá, dáng cao to hơn người bình thường, có tay chân, nhưng không phải mặt người, mà là mặt một con chim. Phần giữa gương mặt gồ lên, mắt và miệng giống hệt chim, trên người quấn áo lông vũ bảy màu.

Vương Uy nói vói Nhị Rỗ:

- Gương mặt này giống mặt chim ưng nhỉ?

Nhị Rỗ gật đầu:

- Là kền kền, kền kền mà người Tạng dùng để cử hành thiên táng ấy.

Vương Uy nhớ ra ngay, liền nói:

- Chẳng lẽ đây là đài thiên táng ư?

- Nhìn quang cảnh chắc là không sai, nhưng đài thiên táng này lạ lắm, sao lại đặt tượng người mặt chim ở đây nhỉ? Họ muốn người thiên táng làm thế nào đây?

Người Tạng đa phần tin theo Phật giáo Tạng truyền, mà tư tưởng nòng cốt chính là thuyết luân hồi. Nghi thức thiên táng của người Tạng có hàm ý để linh hồn thoát ly khỏi túi da thối là thân xác, bay lên thiên đường hoặc rơi xuống địa ngục, tiếp tục luân hồi. Trước đây Vương Uy cũng đã nhìn thấy nhiều đài thiên táng, nói chung tất cả đều được đặt trên núi, gần chùa chiền, nếu cần cử hành thiên táng, cũng tiện mời ngay Phật sống hoặc lạt ma trong chùa tụng kinh siêu độ. Đây là lần đầu anh Uy thấy đài thiên táng dựng giữa lưng chừng núi.

Vương Uy chăm chú nhìn mặt người chim hồi lâu, anh luôn cảm thấy người chim đang chằm chằm nhìn mình, ánh mắt của nó rất sắc, hồ như ẩn giấu điều gì đó khiến người ta không sao hiểu được, anh ngấm ngầm hoảng sợ.

Nhị Rỗ đi vòng quanh bệ đá rồi bất ngờ dồn sức đẩy tượng người mặt chim nằm trên đó. Bức tượng rất nặng, Nhị Rỗ đẩy mãi vẫn không nhúc nhích.

- Nhị Rỗ, anh điên đấy à, đừng làm bậy. - Vương Uy nói.

Nhị Rỗ vẫn ra sức đẩy:

- Thưa chỉ huy, chỉ huy đến đây giúp một tay đi, dưới pho tượng này có vấn đề.

Nghe Nhị Rỗ nói vậy, Vương Uy biết gã đã phát hiện ra chuyện gì đó, liền đến giúp. Hai người ra sức đẩy mà bức tượng chỉ hơi nhúc nhích. Vương Uy liền quay xuống dưới gọi to:

- Các người còn ngây ra đó làm gì, mau lên đây giúp một tay.

Nghe lệnh chỉ huy, cả tám người bên dưới vội vã leo lên, tất cả chung tay cùng đẩy pho tượng đất nung sang một bên.

Vừa nhìn xuống dưới bệ đá, cả mấy người giật nảy mình. Nhị Rỗ kêu to:

- Cha mẹ ơi, sao cái bệ đá này lại trong mờ?

Chính giữa bệ đá nhỏ, vốn bị pho tượng che khuất, có khảm một khối đá trong mờ, nhỏ hơn bức tượng đôi chút. Giữa khối đá thấp thoáng một bóng đen, Vương Uy nhìn mãi không biết là thứ gì, bèn quay sang hỏi Nhị Rỗ.

Nhị Rỗ nhìn ngó một hồi, liền bảo mọi người chụm đuốc lại, chín bó đuốc soi sáng rực phía trên bệ đá, bấy giờ mọi người mới nhìn rõ.

Bóng đen bên trong bệ đá kia là người, hai con người nằm co, ôm nhau theo một tư thế quái gở, nhìn rất kỳ dị.

Hơn nữa còn có thể khẳng định đây là hai con ngườì thật sự, bằng xương bằng thịt. Vương Uy phải đổi mấy góc độ để nhìn cho kỹ, bởi khối đá trong mờ này rất khó nhìn xuyên qua, nếu không tìm được góc độ thích hợp thì chỉ thấy ở giữa là một khối đùng đục, nhưng nếu nhìn từ góc độ phù hợp, có thể thấy rất rõ. Đột nhiên mắt Vương Uy máy một cái, lòng chợt lạnh buốt. Từ góc độ của mình, anh có thể nhìn rõ quần áo trên người bọn họ, hai người này mặc quân phục lính Tứ Xuyên.

Bệ đá này gắn chặt với mặt đất, không để hở một mảy may, trông như thể nối liền với nền đất vậy. Càng kỳ lạ hơn nữa là, khối đá trong mờ cũng dính liền với bệ đá, không hề có dấu vết hàn gắn, như được sinh ra từ bệ đá vậy.

Mọi người căng mắt ra nhìn đi nhìn lại mãi vẫn không sao hiểu nổi. Bọn họ tìm suốt mấy tiếng đồng hồ vẫn không thấy khe kẽ nào trên bệ đá, vậy mà sao hai người kia vừa lên đây chừng năm phút đã chui tọt vào đó được?

Hai người lính mặc quân phục Tứ Xuyên nằm co, tư thế hệt như bào thai nằm trong bụng mẹ, gương mặt bọn họ hết sức mơ hồ, không sao nhìn rõ được.

Nhị Rỗ đi vòng quanh bệ đá, bảo Vương Uy:

- Chỉ huy có để ý không, mấy chậu lửa trên bệ đá này bụi phủ dày đến cả ngón tay rồi, củi trong chậu cũng phủ đầy mạng nhện, hình như chậu lửa này không phải người đốt đâu.

Vưong Uy đang rối trí về việc hai ngưòi lính chui vào trong bệ đá kia, nghe Nhị Rỗ nói vậy, lòng càng nặng nề hơn, bèn hỏi:

- Lửa này không phải người đốt, lẽ nào là ma đốt à?

Nhị Rỗ vẫy tay gọi sáu người ở phía sau đến, bảo họ xuống thung lũng lấy lên một ít đất, bệ đá này được đục đẽo rất bằng phẳng, không có lấy một mẩu gạch ngói vụn, mấy người đều làm theo lời Nhị Rỗ, người lấy quân trang bọc đất bưng lên. Nhị Rỗ lại bảo họ dùng đất dập tắt ngọn lửa trong chậu kia. Lửa tắt, mọi người mới trông thấy xung quanh bệ đá có ánh xanh lập lòe.

Vương Uy hỏi:

- Ánh lân tinh này sao lại bay lơ lửng giữa không trung?

Nhị Rỗ đáp:

- Bệ đá này ít ra cũng phải cả năm trời không người lai vãng rồi, nhưng chậu lửa kia vẫn tự cháy được, là vì lân tinh trong không khí rơi vào chậu lửa, góp nhặt từng ngày, tới khi tích tụ được một lượng nhất định, lại gặp lúc thời tiết chuyển sang nóng nực, sẽ bén vào cành khô, bốc cháy thành ngọn lửa. Nhưng lân tinh trong xương người lơ lửng giữa không trung thế này, chắc chắn dưới đất có bảo bối nào tác quái đây.

Góc bệ đá kề sát vào núi dày đặc ánh lân tinh lơ lửng, kết thành một khối lớn bằng cơ thể người, trông vô cùng kinh hãi. Nhị Rỗ đến trước đám lân tinh, cầm lấy đèn pin từ tay một người lính, soi xuống nền đất, phát hiện chỗ tiếp giáp giữa bệ đá và vách núi vốn không phải liền lạc không một khe hở, mà có một khe nứt dài chừng ba mươi phân, nhìn vào trong tối om om không trông thấy đáy, bèn thưa với Vương Uy:

- Chỉ huy, để tôi xuống dưới xem thử.

Vương Uy quát:

- Đồ con rùa, đang lúc căng thẳng này đừng gây thêm rắc rối cho ông!

Nhị Rỗ khăng khăng nói:

- Nơi này rất kỳ lạ, nếu không phá giải được cục diện này, e rằng mọi người chẳng ai sống nổi đâu. Chỉ huy tin tôi đi, trong những thời điểm then chốt, Nhị Rỗ tôi đã bao giờ làm hỏng việc đâu, tôi nhất định phải xuống cái khe này.

Vương Uy chủ yếu chỉ lo Nhị Rỗ làm ẩu sẽ bị mất mạng, nhưng thấy gã cứ khăng khăng đòi xuống dưới, anh cũng bó tay. Nhị Rỗ quấn mấy vòng dây thừng quanh người, nhờ người giữ, rồi ngậm đèn pin vào miệng, từ từ tụt xuống cái khe kia.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.