Thứ 4, ngày mùng bốn, Marena gọi điện và dặn tôi chuẩn bị sẵn sàng để gặp sếp lớn vào sáng sớm ngày thứ 6. Đó là bức rào cuối cùng. Ai đó hẳn nghĩ rằng ông ta muốn ra quyết định nhận tôi, hoặc không, ngay lập tức cho khỏi tốn công sức, tiền của kiểm tra. Nhưng Lindsay Warren thuộc loại người sẵn sàng bỏ thì giờ ra để chờ đợi cơ hội cúi xuống nhặt một tờ séc một nghìn đô la ai đó đánh rơi. Đưa tôi ra giải quyết đầu tiên, trước tất cả các vấn đề khác chính là quy trình của họ, giống như cách mà trước đây người ta vẫn chuẩn bị bữa tối hằng ngày cho Louis XIV ở tất cả các lều săn, chỉ để đề phòng ông ta sẽ ghé qua.
Cho đến lúc này, Marena vẫn kín như bưng. Kế hoạch vẫn là để Sic đi. Tâm lý vững vàng và kỹ năng xã hội luôn chiến thắng sự thông minh mà. Sic lại có dáng chuẩn như người mẫu chụp ca-ta-lô cho hãng thời trang Patagonia nữa. Tuy nhiên tôi vẫn biết có ba người chưa quyết định bỏ phiếu cho tôi hay cho Sic, đó là Lindsay, và hai người nào đó được gọi là Snow và Erra Hatch. Bằng cách này hay cách khác, họ đã giấu kín kết quả. Tôi không biết Boyle và Michel Weiner bỏ phiếu cho ai. Cả Marena nữa. Mặc dù cô ta thích mình, - tôi nghĩ. Và Taro… ừ, Taro cho rằng… rồi, được rồi, nói thẳng vậy… ông ta biếtmình hơi hâm. Nhưng ông ta có thể bỏ qua chuyện đó. Nhưng Boyle thì ghét mình. Cả cái lão Weiner chó chết kia cũng ghét mình. Vậy tình hình bây giờ có thể là hai chọi hai. Và lá phiếu của Lindsay dễ có trọng lượng gấp tám lần. Và vấn đề là – nếu có trẻ con ngoài kia, hãy để chúng nghe lời khôn ngoan có vẻ như xuẩn ngốc này – chưa bao giờ có chuyện người ta xét đơn thuần các phẩm chất của anh. Kể cả khi quyết định một vấn đề sống còn như ngày tận thế, mọi sự vẫn phụ thuộc vào việc người ta có thích anh hay không, anh có đẹp mã không, có tham gia hội kín nào ở New Haven không, hay tên anh có kết thúc bằng nguyên âm hay không. Đó là chuyện thường tình.
Tôi vật vã mất hai ngày liền. Sáng thứ 6, Laurence Boyle gặp Marena và tôi trong một căn phòng trần thấp, rộng và trống trải trong Khu Nghiên Cứu và Phát Triển Tạm Thời Số 4 của Stake, một khu nhà xây theo kiểu hầm boong-ke phía dưới sân vận động. Hắn hiện diện lúc bảy giờ sáu phút, với chiếc cổ áo cài kín mít khiến cái đầu nom như được vít chặt vào một chiếc ống và khoác áo vét đen. Chúng tôi uể oải lê qua một dãy khoang làm việc, trong mỗi khoang là một "ẩn sĩ" ngồi mải miết. Có vài người đang chơi bi lắc ở khu vực thư giãn giữa phòng. Họ dán mắt vào Marena như thể cô ta là nữ hoàng Amygdala (Nhân vật trong phim Cuộc chiến tranh giữa các vì sao).
- Những căn phòng này còn xuống thêm hai tầng nữa? – Boyle hỏi, hay nói cũng chẳng biết nữa. – Tất cả đều đang lập trình và thử nghiệm Hệ Thống Trận Địa Đối Không?
- Đó là một phương tiện hàng không không người lái phải không? – Marena hỏi nhưng không tỏ ra chút gì là quan tâm thực sự.
- Phải, - Boyle đáp. Hắn dẫn chúng tôi đến một cần thang máy khung kính lớn với một nhân viên bảo vệ mặc đồng phục xanh lá cây đứng sẵn bên trong.
- Bây giờ chúng ta đang đứng ngay dưới đường biên giới phía tây của sân vận động đa năng, - Boylle nói với tôi. Tôi miễn cưỡng gật đầu và liếc vào bản đồ định vị cá nhân:
Thang máy từ từ dừng lại. Im lặng, im lặng tiếp. Mãi rồi cuối cùng cũng có một tiếng chuông cứng đơ cung la giáng và vách tường phía bắc của chiếc hộp mở ra kèm theo tiếng rít rõ hay ho nhưng có lẽ là không cần thiết.
Phần còn lại của tòa nhà xây theo hình tròn này vẫn đang trong công đoạn cuối của quá trình xây dựng, nhưng riêng căn phòng này thì đã sẵn sàng cho công đoạn trang trí nội thất, toàn bộ được lát gỗ màu vàng và đồng thau giống như khoang dành cho báo giới tác nghiệp tại một trường đua hạng sang những năm 1930. Phía bên tay trái là một vách kính lớn nhìn ra sân cỏ và hàng chục nghìn chiếc ghế màu xanh lá cây xếp thành hình vòng cung chạy dốc xuống, tạo cảm giác chóng mặt khiến tôi những muốn lao đầu qua cửa kính và lăn lông lốc xuống tận đáy. Dưới cửa sổ, một chiếc bàn vuông cạnh trên gần duy nhất một màn hình điều khiển tinh thể lỏng chạy hết bề ngang căn phòng, màn hình được chia thành ít nhất năm mươi màn hình nhỏ hiển thị đủ loại hình ảnh, nào giá cổ phiếu, hàng hóa, bóng đá, camera giám sát an ninh, các khu vực đang thi công, chương trình Chào buổi sáng, cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ, và một vụ bạo động ở Ấn Độ, xuất phát từ vụ bạo loạn mà lần trước, ở phòng thí nghiệm của Taro, tôi đã dự đoán là sẽ lan thành tình trạng hỗn loạn toàn khu vực. Một màn hình để tiếng và giọng của cô nàng Anne-Marie hăng hái vọng ra:
- Bãi chiến trường Orlando. Thành phố đang tìm kiếm một lời giải thích.
Không có ai trong phòng cả. Thời gian ở đây như bị lãng quên. Marena lượn ra phía cuối phòng. Tôi bám theo. Tay bảo vệ thang máy đứng lại cạnh cửa. Phía sau hắn, cửa thang máy lờ đờ khép lại, trước khi đóng hẳn, nó ngừng một lát, như tất cả các cánh cửa thuộc loại ấy, rồi khép chặt lại.
Tôi cố không nhìn ra phía cửa sổ và tập trung vào các giá trưng bày. Oài, - tôi kêu thầm trong bụng. Tôi đã hình dung Lindsay Warren như một tên tội phạm bệnh hoạn trong loạt phim về James Bond. Nhưng những tên tội phạm ấy còn có chút khiếu thẩm mỹ, chí ít là trong các tập phim do Ken Adams dàn dựng. Chẳng hạn tiến sĩ No có một bức tranh của Goya, Scalamanga có một chiếc mặt nạ của người Teotihuacan màu vàng pha ngọc bích… còn trong văn phòng của Lindsay, trang trí tẻ nhạt chẳng ra cái kiểu gì. Toàn là các đồ lưu niệm thể thao, những quả bóng, gậy, vợt và áo thi đấu có chữ ký tặng. Tôi nhìn thấy một đôi găng đấm bốc nhỏ màu nâu, cũ kỹ, rạn nứt, có chữ "Jack Dempsey", với một bức ảnh của tay vận động viên đầy tai tiếng ấy lồng trong khung kính, đặt phía sau. Một tấm biển gắn trên tường ghi rằng tất cả số gỗ dùng ở đây đều được trục vớt từ những xác tàu đắm ở vịnh Honduras, dưới sàn nhà cũng có một tấm biển khác cho biết những phiến đá hoa cương màu hồng lát sàn này đã được bóc ra từ tiền sảnh của tòa nhà One Liberty Plaza sau khi nó đổ sập trong vụ 11 tháng 9. Chúng tôi dừng lại ở góc phòng phía bắc, tại vị trí có lẽ là bàn làm việc riêng của Lindsay Warren, tuy nhiên, đó không thể là bàn chính được vì nó quá lạc hậu và gọn ghẽ, hay nói chính xác hơn, những thứ đồ lộn xộn trên đó chỉ có tính chất lưu niệm. Một mô hình máy bay F-17 Hornet, một chiếc la bàn kết hợp kính lúp cổ Nabisco bằng vàng khuôn rất đẹp và một chiếc cúp lưu niệm bằng thủy tinh trong – một hình kim tự tháp do hãng Lucite chế tạo – với dòng chữ được khắc a-xít và một bầy ong mật làm từ xác ong thật lơ lửng bên trong. Cạnh đó là một quả bóng chày của hãng Rawlings đặt trong một kim tự tháp bằng thủy tinh cắt xiên. "Mark McGwire #70" – hàng chữ được khắc to tướng bằng một kiểu chữ loằng ngoằng trên mặt kim tự tháp. Thì ra đây chính là quả bóng chày vớ vẩn trị giá những ba triệu đô la đây. Với số tiền mua quả bóng này, ông có thể cứu được ba mươi ngàn đứa trẻ mắc bệnh AIDS. Tiếp đến là các giải thưởng vì lòng nhân đạo, giấy chứng nhận danh dự và các bài báo cắt ra từ Thời báo Kinh tế được lồng trong khung kính. Một bài báo trưng ra bức hình một gia đình lớn, hay đúng hơn là cả một thị tộc đông đúc, gồm đủ các sắc tộc khác nhau trên nước Mỹ, đang hớn hở nhe răng đứng xếp hàng trước tiền sảnh một khu nhà mà tôi biết rất rõ. "Với một món tài trợ khổng lồ, các nhà khoa học ở Utah sẽ bắt tay vào nghiên cứu các chứng bệnh thần kinh" – dòng tít viết. Tôi đọc phần thuyết minh bên dưới tấm ảnh:
Lindsay R. Warren, doanh nhân của thành phố Salt Lake và là con trai của Ephraim Warren – một viên phi công kỳ cựu từng tham gia chiến tranh Triều Tiên có biệt danh "Cây gậy", đã hiến tặng 1,5 tỉ đô la Mỹ cho việc nghiên cứu chứng bệnh Alzheimer và các chứng bệnh thần kinh khác. Đây là bức ảnh chụp cùng gia đình trước cửa một bệnh viện mang tên ông ở thành phố Salt Lake. Ông Warren đứng bên tay phải, ôm ba trong số mười tám đứa cháu, đứng cạnh phu nhân là bà Miriam.
Có một dãy ảnh của Lindsay chụp cùng Gerald Ford, Michael Jordan, Bush cha, Bush con, Tiger Woods, gia đình Osmond, Gladys Knight, James Woolsey và Bono. Thậm chí còn có một bức chụp ông ta hồi còn trẻ, đứng trước một chiếc xe tải cùng John Wayne, Vicky Carr, Ronald Reagan. Đến đây, nếu có thấy ông ta chụp ảnh cùng giám đốc cục tình báo trung ương J. Edgar Hoover, chúa Jesu và năm anh em diễn viên hài Marx Brothers thì tôi cũng chẳng thấy có gì là lạ nữa. Bên dưới các bức ảnh là một chiếc kệ xếp đầy các khẩu Colt Peacemaker, 1911 và các kiểu súng ngắn khác. Nhưng tất cả, trừ một khẩu, đều bị khoá nòng một cách đầy ý thức. Khẩu không bị khoá là một khẩu súng hơi Beeman/FWB C8822-CO2, được đặt trên lớp vải nhung xanh trong chiếc hộp mở nắp bằng gỗ thông liễu. Báng súng có nạm hình chiếc huy chương vàng Olympic bằng vàng với dòng đề tặng khắc nung: Với lòng biết ơn của ngài Juan Antonio Samaranch (Cực Chủ tịch ủy ban Olympic Quốc tế) – ngày 24 tháng 2 năm 2002. Tôi quay ra nhìn xuống, hướng ra phía cửa nơi chúng tôi đã bước vào, và, phải, đúng là có một bia tập bắn bằng kim loại và chất dẻo hỗn hợp treo trên tường với những vết đạn cỡ 0,177 li bám chi chít quanh hồng tâm. Đồ chăn bò. Lũ thô tục. Thời buổi này chẳng còn ai quan tâm đến nghệ thuật thiện xạ nữa.Ngay cả súng phun nước cũng có bộ phận ngắm laser.
- Họ đang ở trong phòng hội thảo, - đó là tiếng một người phụ nữ, có lẽ là nhân viên lễ tân hoặc thư ký, bất thần hiện ra từ một chỗ nào đó, và đó té ra là Ashley 1. Cô ta dẫn Marena, Boyle và tôi đi vòng qua chiếc bàn, qua một cánh cửa phía bên trái dẫn vào một hành lang lát ván. Đường hành lang dẫn xa ra khỏi bãi cỏ và đi sâu vào trong lòng khán đài giống như chiếc bánh rán khổng lồ bao quanh. Một cánh cửa duy nhất đang để mở ở cuối đường, chúng tôi lục tục kéo nhau vào một phòng hội thảo lớn, vuông chành chạnh và tối lờ mờ, không hề có cửa sổ, khắp bốn bức tường che những tấm rèm nhung màu trắng, bên trên phủ một lượt vải nhựa trong. Chúng tôi loẹt quẹt tiến về phía một cánh cửa ở đầu bên kia.
- Xin lỗi các vị về đống lộn xộn này, - Laurence nói. - Bao giờ chúng tôi dọn dẹp xong và bố trí đội ngũ đón tiếp thì… ái chà, nơi này sẽ khá đặc biệt đấy. – Hắn mở cánh cửa và dẫn chúng tôi vào một phòng họp lớn hơn, cũng vuông chành chạnh như cái hộp. Các bức tường được trang trí những bức bích họaxấu xí mô tả cảnh sống thời kỳ đồ đá cũ, những cánh đồng đầy hoa trái với những con lười khổng lồ, thú răng chạm, loài phô-rô-ha-ci và những gia đình có vẻ như người nguyên thuỷ. Bức tường đằng xa hơn cũng treo một tấm bản đồ Tây Bán Cầu thời cổ đại, với một đường dát vàng mà theo tôi đoán là tượng trưng cho con đường Jaredite (Theo kinh thánh Mormon, Jaredite là những người đã vượt biển đến châu Mỹ và sáng lập nền văn minh cổ đại ở đây), chạy ngoằn nghoèo từ vịnh Chesapeak xuống đến Trung Mỹ. Chúng tôi tiếp tục đi hết căn phòng đến một cánh cửa nữa. Nó dẫn thẳng đến cái hộp thứ ba.
Căn phòng này nhỏ hơn hơn hai phòng trước, chỉ rộng khoảng một ngàn feetvuông. Ở đây có cái gì đó hơi khác thường thì phải. A, tôi thấy rồi. Phải rồi. Các bức tường, trần nhà, sàn nhà lót đệm, chiếc bàn họp hình vuông và ngay cả những chiếc ghế dựa hiệu Aeron hầu như trống không, tất cả đều hơi mờ mờ, như thể chúng được làm từ cùng một loại thuỷ tinh đục sẫm màu. Tôi đoán đó là một loại giấy phim, nghĩa là nếu người ta chiếu một đoạn phim thực tế ảo đã được chỉnh sửa đặc biệt lên tấm màn hình khổng lồ tạo bởi các bức tường, trần và sàn nhà thì bề mặt của mọi đồ đạc đều sẽ hoà vào cùng màn hình và biến mất khiến anh có cảm giác như đang lướt qua sa mạc dưới mặt trời sắp lặn, hay trong một hang băng đá dưới mặt nước, hay trong một bộ phim mà không cần đến kính không gian ba chiều. Ngay lúc này, ba trong số bốn bức tường đang để chế độ chắc là màn hình chờ với hình ảnh những gợn sóng mờ ảo màu lơ xám phủ trên nền xanh lục sẫm, còn trên bức tường đối diện với chúng tôi , chỉ lác đác có bốn màn hình nhỏ đang mở. Chiếc nhỏ nhất và nằm xa nhất về bên tay trái đang chiếu một bản tin mới về tình trạng hỗn loạn ở Tiểu lục địa (Tức là Tiểu lục địa Ấn Độ, nơi xảy ra sự việc mà Jed đã tự đoán đúng). Chiếc thứ hai lớn hơn để hình ảnh xoay đề được dựng trên máy vi tính của Sleeker, một loại giày thể thao kiểu dáng mới với phần đế giày không có rãnh ma sát và dày một cách kỳ cục. Màn hình lớn nhất là một kiểu hình ảnh sâu ba chiều. Trông nó hệt như một ô cửa sổ thật, nhìn ra phong cảnh của một cánh rừng không được tự nhiện cho lắm với hai thiên thần toả ánh hào quang đang bay lượn giữa các ngọn cây ở cảnh sau phía bên trái, ở cảnh trước là một người đàn ông mặc đồ đen đang quỳ, quay lưng lại: đó là nhà tiên tri giáo chủ Joseph Smith.
Bốn người đàn ông da trắng tuổi quá trung niên đang ngồi cạnh bàn, phía gần với chúng tôi, đang uể oải nhấm nháp bên máy chiếc liễn đựng bánh nướng xốp và bánh hoa quả hầu như còn nguyên. Ngoài ra, còn có mấy chiếc bình và ca đựng một số thứ chắc chắc là trà thảo mộc, một chiếc bánh phủ sô-cô-la, hình như cũng chưa ai đụng đến, với một cây nến pháo hoa đã cháy hết cắm bên trên. Mấy người đàn ông, một hói đầu, một tóc bạc trắng, một chưa hói trụi với chòm râu gần ra dáng râu dê và người thứ tư, trẻ nhất, đầu phủ một lớp lông tơ cứng, thưa, ngắn, màu nâu vàng, đang nói:
- …Điểm đáng chú ý nhất của Sleeker là người ta có thể trượt mà không cần băng, - cái đầu nâu vàng nói với giọng ân cần của người bề trên. -Chúng có thể di chuyển như giày trượt có bánh, trên hầu như mọi địa hình bằng phẳng, nhưng lại nhẹ hơn và hãm tốc độ tốt hơn. Như vậy, có thể di chuyển với tốc cao, nhưng có thể dừng ngay lại và xử lý bóng.
- Còn lũ trẻ con, chúng quen với loại giày này rồi chứ? – Đầu Hói hỏi.
-Ồ quen rồi, - Đầu Nâu Vàng đáp. – Thực ra, cảm giác ở đây giống như làm quen với một môn thể thao không chínhh thống thôi. Như trượt ván trên tuyết chẳng hạn. Một môn thể thao tự phát, năng động, kết hợp giữa tinh thần đồng đội và tố chất cá nhân. Tôi hình dung rằng trò chơi này sẽ có sức truyền cảm của tinh thần một người vì mọi người như môn bóng đá lẫn tính hài hước lạ mắt của đấu vật chuyên nghiệp.
- Nhưng sẽ không đơn điệu như đấu vật, phải không?
- Dĩ nhiên là không, - Đầu Nâu Vàng đáp. – Đây là một môn thể thao đòi hỏi thực sự khắt khe.
- Ta dừng lại một chút nhé, - Đầu Hói nói. Ông ta đứng lên và chậm rãi quay người lại ba mươi độ để nhìn chúng tôi. Ba người còn lại xoay ghế và, như theo hiệu lệnh, đồng loạt gượng đứng lên trên hai chân sau.
- Các vị không cần đứng dậy đâu, - Marena nói. – Không cần đâu mà. – Cô ta đi vòng qua chiếc bàn, ôm khá thân mật lão Đầu Vàng Nâu và ôm qua quýt hoặc bắt tay những người còn lại. Laurence cũng là tương tự, trừ khoản ôm hôn. Tôi bỏ mũ xuống. Thỉnh thoảng tôi vẫn quên bỏ mũ khi ở trong nhà. Tôi vẫn mặc chiếc áo vét mặc đi từ nhà còn thắt cà vạt, một chiếc cà vạt cổ lỗ mượn của một gia đình theo đạo Mormon trọ ở phòng bên khách sạn, vì thế tôi cảm thấy mình ít nhiều đáng kính. Song với những người này, trong tôi có khi vẫn như một thằng hề.
Marena dẫn tôi đến chỗ họ và giới thiệu tôi với Đầu Hói trước tiên. Ông ta là trưởng lão Snow và ông ta trọc lốc không một sợi lông ngoại trừ lông mi và lông mày. Tôi thậm chí không chắc ông ta có móng tay không nữa. Ông ta bắt tay tôi khá chặt, so với một bóng ma. Người tiếp theo chừng sáu mươi tuổi, tên là Ezra Hatch. Ông ta có mái tóc trắng phơ, phồng tướng như cái mũ bảo hiểm chụp lên đầu, trên mình vận một bộ đồ quần áo thể thao bảnh chọe như đang đi nghỉ ngoài bãi biển. Nhưng dưới bộ đồ đó có thể vẫn là bộ áo lót của thầy tu dòng thành ngày cuối. Ông ta xiết tay tôi cứ như chúng tôi là bạnhọc cũ ở không không bằng. Người có chòm râu dê thì tên là Orson gì đó. Ông ta vận chiếc áo len đồng phục của Warren. Tất cả bọn họ đều khá thân thiện. Khoan. Nói cụ thể hơn một chút nhé: Người Mỹ luôn mặc định thái độ của mình là phải tỏ ra vui vẻ và thân thiện thái quá, nhưng thái độ ấy lại bị cản trở bởi tình huống hiện tại. Chúng tôi vẫn đang trong giai đoạn khó xử sau một thảm hoạ lớn, khi mà ai aicũng thấy đáng ra mình nên có cảm giác đau buồn và thông cảm nhưng thực tế lại chẳng cảm thấy gì hết.
Lindsay Warren là người có mái tóc nâu vàng phát biểu lúc nãy. Hoá ra ông ta cũng là người cao nhất trong số họ. Ông ta tiến ba bước về phía chúng tôi với dáng đi tập tễnh mà tôi dám cá năm ăn một là do chấn thương khi đá bóng. Trên thực tế, đó là một thứ phụ kiện bắt buộc của giới doanh nhân tuổi trung niên ở Utah. Cứ thử đi bộ qua vài khu nhà ở đường Temple vào ngày chủ nhật mà xem, tôi đảm bảo sẽ có ít nhất ba tay Silver (Nhân vật thủy thủ thọt chân trong truyện Đảo giấu vàng) tập tễnh đi ngang qua anh, trên đường đến với sự cứu rỗi. Warren đi một đôi giày thể thao màu xanh lá cây của hãng nhà, vận bộ đồ thể thao của UNICEF trên có in những bức hình minh hoạc sặc sỡ của cuốn sánh Những đứa trẻ ở Many Lands. Chỉ còn thiếu bộ tócmàu da cam và chiếc mũi khoai tây nữa thôi là đủ bộ. Ông ta có khuôn mặt ưa nhìn nhưng khắc khổ vì dãi dầu của người Anglo-Saxon, với những nếp nhăn trên ổ mắt nom như nét chạm khắc cân xứng trên Tượng đài Cổng chào. Ông ta khoảng năm mươi tuổi đúng không nhỉ? Ông ta nhuộm tóc đúng không? Ông ta dán mắt vào tôi bằng ánh mắt của một tay thuỷ thủ lõi đời và đãi tôi những cái bắt tay rắn rỏi và đĩnh đạc hết chỗ nói, làm tê dại nốt chỗ dây thần kinh cổ tay còn lại của tôi. Với tôi, trò bắt tay lúc nào cũng gây lúng túng, và tôi chấm điểm ứng xửa của mình lần này là bốn điểm.