Mê Tông Chi Quốc

Chương 159: Hồi 2: động to hơn núi





Cổ thuật tướng vật có câu: “Âm dương không biết, ấy gọi là ma; huyền thâm không hay, ấy xưng là thần”. Hang động khổng lồ mà hội Tư Mã Khôi phát hiện thấy trong núi Âm Sơn vừa vặn ứng với câu nói đó. Thắng Hương Lân chưa bao giờ nhìn thấy loại địa mạo địa chất nào như vậy.



Cô thò đầu vào trong quan sát một hồi, rồi càng nhìn càng thấy nó sâu hun hút, không rõ rốt cuộc sâu bao nhiêu. Cô quay sang nói với mọi người: “Các anh xem, hình như đây là trái núi bị rỗng ruột hoàn toàn vậy”. Cao Tư Dương cũng ngạc nhiên hết sức: “Trong rừng rậm nguyên sinh Đại Thần Nông Giá, huyệt động kì dị nào cũng có, nhưng tôi chưa bao giờ nhìn thấy một sơn động lại quái lạ và đáng sợ dường này”.



Nhị Học Sinh gật đầu tán đồng: “Một số huyệt động dưới Biển Âm Dụ quy mô còn lớn hơn thế này nhiều, nhưng không có cái nào trông quái dị như thế, chẳng những vậy, cảm giác thiếu hài hòa một cách đáng sợ này thực sự rất khó dùng từ ngữ để hình dung…” Hải ngọng phẩy tay: “Thế mà cũng phải khó hình dung, chuyện gì chẳng lấy được ví dụ.



Ví dụ thế này nhé, đầu chú mày là quả núi, mắt, mũi, miệng, tai là hang động trong núi, mặc kệ phần phía dưới cổ trông tròn méo héo hó thế nào, thậm chí trong não hoàn toàn trống hoác cũng không có gì quái lạ, nhưng chú thử nghĩ xem, nếu cái miệng của chú lại chiếm đến hai phần ba diện tích khuôn mặt, thì kinh dị quá đi mất.” Nhị Học Sinh nghe Hải ngọng lấy ví dụ, tuy có hơi kì lạ, nhưng lại vô cùng thích hợp, và cụm từ khái quát chính xác và trực quan nhất để hình dung huyệt động này là “động to hơn cả núi”.



Trước đây, Tư Mã khôi suy đoán, núi Âm Sơn trong truyền thuyết có lẽ được hình thành do mạch nham thạch dưới lòng đất rơi xuống, chầm chậm trôi nổi quanh vòng tròn ma quái 30° vĩ Bắc trong thủy thể. Nếu nó chỉ là một hang động trong núi sâu thì cũng không có gì kì lạ, nhưng đằng này nó lại là một trái núi bị rỗng hoàn toàn phần ruột, thật quá ngoài sức tưởng tượng.




Vì môi trường xung quanh tối đen như mực, nên anh không thể quan sát địa hình địa mạo ở đây ra sao. Tư Mã Khôi cũng không dám xác định, liệu nhật quỹ có ở trong này thật không. Tương truyền, nhật quỹ xuất hiện từ thời hằng cổ, nó là vật để đo đất trời, có khả năng tự vận hành.



Có lẽ, hoàng đế Huyên Tuyên đã lợi dụng nguyên lý về núi điện từ trong lòng đất để sáng tạo ra cỗ xe chỉ nam cũng nên. Ngoài ra, ở nơi sâu bên trong ngọn núi này còn chôn giấu rất nhiều vàng và pha lê, cỗ di hài trong chiếc hộp của Sở U Vương cũng được lấy ra từ đây, còn nhật quỹ chính là con đường thâm nhập xuống vực sâu trong núi, rồi tận cùng của con đường đó tồn tại lời giải mà những kẻ may mắn sống sót của đội khảo cổ đang muốn kiếm tìm.



Giờ đây, muốn lội nước ngược dòng, quay đầu lại cũng khó, vì vậy cả hội đành buông xuôi mọi hồ nghi, lo lắng, để bước tiếp. Tuy nhất thời không đoán được trong huyệt động có thứ gì, nhưng họ vẫn cố tự an ủi rằng: huyệt động trong núi dẫu có sâu rộng khó lường, nhưng chắc không đến nỗi là một huyệt động không đáy.



Tư Mã Khôi hạ quyết tâm liều đến cùng, anh liền bảo Nhị Học Sinh chia hết nến dưỡng khí, đuốc và đạn dược trong ba lô cho tất cả mọi người. Nhị Học Sinh vừa phân phát vật phẩm, vừa ủ ê mặt mày nói với Tư Mã Khôi: “Súng ống đạn dược thì còn nhiều, nhưng đuốc và nến tín hiệu thì dùng thanh nào hết thanh đó, nguồn năng lượng chiếu sáng như pin và cácbua cũng chỉ có hạn, nếu không dùng tiết kiệm, chỉ sợ không trụ được mấy ngày nữa đâu…” Hải ngọng nói: “Lương khô và đồ hộp còn hết sạch sành sanh rồi cơ, tôi đoán chưa đợi đến lúc trời tối, chúng ta sẽ đói đi không nổi nữa cho mà xem”.



Tư Mã Khôi nói: “Nếu trong thời gian ngắn mà chưa tìm thấy lối ra khỏi vòng tròn ma quái, thì tất cả mọi người sẽ biến thành xác chết trong núi Âm Sơn, vì vậy những chuyện khác đừng bận tâm vội, mà trước tiên trụ được ngày nào hay này đó đã”. Nói xong, anh cầm bút viết lên mu bàn tay mấy hàng chữ để tự nhắc nhở mình: “Khi bắt đầu xuất hiện dấu hiệu mất trí nhớ, tuyệt đối đừng quên bắn một phát vào đầu”.



Ghi xong, anh lấy lại tinh thần, chuẩn bị chui vào trong thăm dò tình hình, nhưng vừa mới bước được vài bước, thì đột nhiên anh ngửi thấy một mùi hôi thối của tử thi bốc lên từ phía sau, cái mùi đó đã nhiều lần xuất hiện trong Biển Âm Dụ Đại Thần Nông Giá, và dường như đó là lão thổ tặc chuyên hái thuốc và tiêu lộc.



Tư Mã Khôi vừa nghĩ đến đây, tim đã thắt lại như bị ai bóp nghẹt: “Chẳng lẽ lại là tên Lão Xà luyện công phu cương thi đó thật sao?” Lúc tượng thần thú “tải” rơi xuống lòng thủy thể, Tư Mã Khôi đã tận mắt nhìn thấy gã bị con quái ngư nuốt mất quá nửa thân người, chỉ thò mỗi cái đầu và cánh tay ra ngoài miệng cá.



Dầu gã có dị thuật thiên phú hay uống linh chi ngàn năm, thì vẫn chưa đến trình độ 72 phép thần thông biến hóa, bởi vậy, dù không bị chôn thây trong bụng cá, thì cũng tuyệt đối không thể sống thoát khỏi đại nạn, và chắc chắn gã đã sớm biến thành cỗ tử thi về cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.



Thế nhưng sao cỗ tử thi của gã thổ tặc đang trôi nổi trong làn nước bao la cuộn sóng, lại xuất hiện ở núi Âm Sơn được? Đầu Tư Mã Khôi lóe lên một suy nghĩ, anh vội quay người lại sau, phát hiện hội Hải ngọng vẫn ở sát ngay bên, chỉ duy Nhị Học Sinh là biến mất dạng. Mọi người đều là những người từng bước chân qua địa ngục, chịu đựng mọi sự khảo nghiệm ác nghiệt, lăn lộn bao năm nơi đường biên của sự sống và cái chết, nên giờ khá hiểu nhau, ba người còn lại thấy Tư Mã Khôi đột nhiên quay người lại, thì đều cảm thấy tình hình phía sau có biến, nên ai nấy vội vàng tản ra mấy bước, tay cầm chặt súng, giơ cao đèn quay lại phía sau, nhưng chỉ thấy sau lưng một khối đen sì sì, không hề có hơi khí của người sống.



Mọi người nhớ là Nhị Học Sinh vừa mới ở quanh đây, tay còn cầm đèn pin soi loạn xạ, thế mà mới trong thời gian chớp mắt, sao bảo biến mất là biến mất ngay được. Tư Mã Khôi phát hiện mùi tử khí càng lúc càng nồng nặc, anh ra hiệu bảo cả hội tiến từ từ về phía trước, ánh sáng đèn quặng cũng từ từ đẩy về trước theo từng bước chân.




Chùm sáng đột nhiên soi thấy khuôn mặt của Nhị Học Sinh trong bóng tối, khuôn mặt trắng bệch, ngũ quan méo méo, hai mắt trợn trừng, miệng há rộng, cả thân người cứng đơ, bất động, và rõ ràng là đã tắt thở. Phía sau lưng cậu ta thò ra một khuôn mặt khác, khuôn mặt quái dị, ướt ròng ròng, trông như mặt vượn cổ, trên má còn hằn rõ một vết dao rạch, vết rạch đó giống như khuôn miệng đứa trẻ, đang hé ra cười, bên trong lộ ra phần da thịt trắng bệch, mủn nát.



Mọi người vừa kinh hãi, vừa ngạc nhiên, kẻ mới đến không phải Lão Xà thì còn ai vào đây nữa, vết thương trên mặt gã là do Hải ngọng phi dao vào. Tên gian tặc này giỏi sử dụng “tứ khí ngũ vị”, luyện được món công phu mình đồng da sắt, dẫu bị chôn sống trong mộ huyệt, vẫn còn thể nhịn thở sống dậy.



Nhưng lúc này, xem bộ dạng gã thật thảm hại, nơi lẽ ra là hai con mắt vằn đỏ tia máu, thì giờ đây chỉ còn một cặp hốc đen ngòm, trên người gãy liền mấy khúc xương sườn, lòi cả đoạn trắng ởn ra trước ngực, trông gã đúng là đã chết đến mức không thể chết hơn được nữa, không còn dấu tích nào của người sống.



Có lẽ gã biến thành cương thi, rạch nát bụng cá thoát thân, âm hồn chưa tiêu tan nên bám theo thân xác tàn tạ, mò đến tận đây. Mọi người vừa đau lòng vì cái chết của Nhị Học Sinh, vừa kinh ngạc với cỗ thi biến của gã thổ tặc. Tư Mã Khôi cảm thấy luồng khí lạnh thấu xương khiến da nổi hết gai ốc, tất cả những chuyện quái dị lúc trước xảy ra trong tượng thần thú “tải”, giờ đây đều hiện lên trong đầu anh.



Khi ấy, anh đã bỏ ngoài tai mọi điều cấm kỵ, liều lĩnh mở chiếc hộp đồng của Sở U Vương, bị di hài trong hộp thu hút, rồi âm phong trong đáy động bỗng nhiên nổi lên, mây từ dày đặc ùn ùn phun ra, có lẽ đó chính là lúc lũ yêu quái, mà bích họa Sở quốc miêu tả là “tiên nữ trong hộp” xuất hiện.



Cùng thời điểm đó, Hải ngọng bị rơi vào sương đen và tử vong tại trận, mọi người buộc phải lùi vào trong lòng tượng thần thú trốn tránh, sau đó, Hải ngọng đột nhiên hoàn hồn sống dậy, khiến gã thổ tặc kinh sợ chạy ra khỏi động, rồi sa chân vào trong màn sương đen, không rõ tung tích thế nào.



Đến khi hai bên gặp lại nhau, thì Tư Mã Khôi lại thấy một cánh tay đen sì sì của Lão Xà thò ra khỏi miệng cá, và dường như gã đã mất mạng trong sương đen, nhưng bị yêu quái trong mây từ chui vào cơ thể, và dường như lũ yêu quái được mô tả trong bích họa, buộc phải mượn xác người chết, thì mới có thể rời khỏi sương đen.



Bọn chúng phải làm tê liệt con mồi trong khoảnh khắc, biến họ thành trạng thái cứng đơ, rồi sau đó mượn xác của họ đi lại. Điều kiện để chúng có thể sử dụng cái xác vĩnh viễn là khiến kẻ cho mượn xác phải chết hẳn, nếu không chủ nhân cái xác vẫn còn khả năng sống lại; đó cũng là cách giải thích hợp lý duy nhất về hiện tượng Hải ngọng đột nhiên trở thành “vịt giời nhập tràng” lúc trước.



Bởi vậy, cái xác theo chân đội thám hiểm đến núi Âm Sơn không phải là Lão Xà, mà là “tiên nữ”, kẻ nhiều lần xuất hiện trong bích họa của Sở quốc. Nhưng nếu gã thổ tặc đó là cương thi, chết rồi mà vẫn chưa siêu thoát được thì còn dễ đối phó, vì kiểu gì cũng còn có hình có chất, còn thứ quỷ quái mô tả trong bích họa vu thuật thời Sở, thì không biết rốt cuộc là thứ chết tiệt gì, bây giờ chỉ có thể khẳng định một điều, thứ đó trốn trong xác của gã thổ tặc và trôi theo dòng nước đến đây.



Gã thổ tặc kia tuy có cơ thể rắn chắc hơn người bình thường, nhưng trôi nổi bấy nhiêu thời gian trong biển nước cuồn cuộn mênh mông, cũng không thể tránh khỏi sắp mủn như mùn, bởi vậy, nó mới muốn tìm một cái xác mới để thay thế. Nó bám theo hơi thở và nguồn sáng để đến tận cửa động, Nhị Học Sinh bất cẩn nhất nên bị nó ra tay khống chế, cậu ta liền rơi vào trạng thái thể xác cứng đờ.




Trong khoảnh khắc ngắn ngủi như vậy, hàng loạt nghi ngờ và suy đoán ùa đến trong đầu Tư Mã Khôi, anh biết rõ: bây giờ phải lập tức ra tay, nếu không đợi “nàng tiên” kia thoát ra khỏi cái xác của gã thổ tặc, rồi chui vào cơ thể đang cứng đờ của Nhị Học Sinh, thì có thuốc tiên cũng không cứu chữa được.



Ba người còn lại đều kinh hãi cực độ. Hải ngọng thấy khuôn mặt quái dị như vượn cổ kia đang thập thò phía sau Nhị Học Sinh, liền điên tiết hét lên: “Tiên nhân cái thằng sống dai như đỉa!” – Vừa mắng, anh vừa giương khẩu súng săn Canada trong tay lên bắn. Tư Mã Khôi vội vàng ngăn lại: “Đừng dùng vũ khí, nó là yêu quái trong bích họa của Sở quốc đấy”.



Nhưng Tư Mã Khôi vẫn nói chậm nửa giây, Hải ngọng đã kịp bóp cò, chỉ nghe “pằng” một tiếng, lửa súng lóe lên, không rõ cái xác của gã thổ tặc di chuyển như thế nào mà trong nháy mắt đã âm thầm đứng sừng sững ngay trước mặt, Hải ngọng lạnh buốt tận tim gan, lông tóc dựng ngược hết cả lên, anh chưa kịp nói tiếng nào thì lưỡi đã cứng đờ, đổ vật xuống đất như khúc gỗ.



Tư Mã Khôi thấy đầu của cái xác bị súng săn bắn nát tươm, nhưng hai tay vẫn tự động vồ lấy thân thể cứng đơ của Hải ngọng, cổ họng phun ra một luồng khí đen cơ hồ có hình có chất, xộc thẳng vào trong miệng Hải ngọng, Tư Mã Khôi nhìn mà gai lạnh khắp người. Anh rất am hiểu thuộc tính của mọi vật trong thiên hạ, tuy không rõ “tiên nữ” trên bích họa vu thuật thời Sở rốt cuộc là thứ gì, nhưng trong khoảnh khắc chớp giật, anh đã nhận ra bản chất của vật này vô cùng âm lạnh, bởi thế nó mới bám đuổi theo nhiệt độ và ánh sáng.



Đèn pin mà Nhị Học Sinh cầm trong tay là công cụ chiếu sáng mà cả hội tìm thấy trong tàu ngầm Z-615, độ sáng của nó hơn hẳn đèn quặng gắn trên mũ Pith Helmet của những người còn lại, bởi vậy, Nhị Học Sinh là người bị tấn công đầu tiên, còn Hải ngọng sử dụng súng săn, ánh sáng và luồng nhiệt tỏa ra từ súng lớn hơn ánh sáng của đèn pin, nên nó bỏ mặc thân thể đang cứng đơ của Nhị Học Sinh, quay đầu lao vào mục tiêu hấp dẫn hơn, súng cầm tay, đầu gắn đèn, là Hải ngọng.



Tư Mã Khôi thấy tình hình cấp bách, không còn cách nào khác, đành phải nổ súng, trước tiên phải dụ nó chui ra khỏi thể xác của Hải ngọng đã, tiếng súng chưa dứt, anh đã phát hiện khối sương đen trong cái xác đã giãy giụa chui ra, bọc lấy luồng âm phong, bay vèo đến trước mặt, nhưng chưa kịp chạm vào người anh thì nó lại quay sang hướng Thắng Hương Lân và Cao Tư Dương đang đứng.



Thì ra, Thắng Hương Lân cũng là người nhanh trí không thua kém gì Tư Mã Khôi, cô biết “tiên nữ” đã chui vào người ai thì kẻ đó sẽ nguy hiểm đến tính mạng, cô ngăn Cao Tư Dương đang chuẩn bị nổ súng, rút thanh đuốc trong ba lô ra, định huơ huơ trước gió, hòng đánh lạc hướng nó ra xa, nào ngờ đám sương khí đó đến nhanh quá, vừa mới châm lửa, bó đuốc đã mờ tịt.



Gân xanh trên trán Tư Mã Khôi không ngừng giật giật, lòng thầm nghĩ bây giờ kéo dài được giây nào hay giây đó, anh cướp ngọn đuốc trong tay Thắng Hương Lân, rồi lao đi nhanh như một mũi tên. Tư Mã Khôi cảm thấy luồng khí lạnh buốt tận xương tủy đang bám riết sau lưng. Anh định thuận thế quăng thanh đuốc ra xa, sau đó nằm rạp xuống đất né tránh, đợi qua cơn này sẽ từ từ nghĩ cách xoay chuyển tình thế, nào ngờ trước mắt tối rầm rầm, anh không thể phân biệt được phương hướng trong hỗn loạn, vả lại anh dùng sức quá đà, không điều chỉnh được cự li, nên đã nhảy bổ vào một khe núi sâu hút, cả thân người anh như diều đứt dây, chỉ nghe “vù” một tiếng rồi cứ thế rơi tự do.



Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.