Mê Tông Chi Quốc

Chương 162: Hồi 5: trùng lặp





Tư Mã Khôi nghe đồn, trước đây, mỗi khi thiên hạ đại loạn, là trời đất lại nảy sinh rất nhiều hiện tượng kì dị, yêu quái lũ lượt kéo về, dùng tà thuật mê hoặc con người, nên nếu anh lặp đi lặp lại chuyện cùng trải qua một việc quái lạ, thì quá nửa là dính hiện tượng “địa thị”.



Ảo cảnh này hình thành bởi rất nhiều nguyên nhân, và có thể là do âm khí tích tụ trong vách đá tạo nên. Chuyện này cũng không phải là không có bằng chứng xác thực, trước đây, quanh khu Hắc Ốc ở Trường Sa, tỉnh Hồ Nam có rất nhiều mộ cổ, mỗi khi đêm xuống, bọn thổ tặc thời Dân quốc thường mò ra kiếm chác, bọn chúng quật mồ đổ đấu.



Rồi một lần nọ, có ba tên gian tặc đi đào mả lúc nửa đêm, khi lưỡi xẻng chạm phải lớp ngói cổ, chúng phát hiện đó toàn là đá khắc hoa văn, nên lòng chắc mẩm phen này đào trúng mộ quan sang quý tộc rồi đây. Bọn chúng hớn hở mừng ra mặt, cứ ngỡ sắp phát tài đến nơi, liền hì hục vùi thuốc nổ suốt đêm, cuối cùng cũng đánh nổ được một hố thông xuống, rồi đợi khí độc bên trong bay hết, mới mon men xuống lấy hàng.



Bọn chúng vốn đã phân công rõ ràng, nhưng sau đó tên nhận trách nhiệm đứng trên gác cửa lại sợ hai tên còn lại xuống đó kiếm chác được thứ gì là đút túi làm của riêng, còn hai tên phải xuống mồ thì lại sợ lỡ đâu gặp chuyện xui rủi, chết ngạt dưới đó cũng nên. Cuối cùng, sau khi bàn bạc, bọn chúng quyết định, lần này sẽ phá luật, cả ba đều chui cả vào mộ.



Bọn chúng thắt dây gân bò, lần lượt bò xuống. Nào ngờ, cái hố vốn không sâu lắm mà ba người bò mãi đến tận khi đèn hết sạch dầu vẫn chưa bò tới nơi. Không gian tối mù mù, cả hội vẫn chưa mò đến được bức tường mà lúc trước dùng thuốc nổ phá thủng. Bọn chúng cảm thấy tình hình không ổn, biết chắc gặp phải ma, thêm vào đó là tâm lý ăn cắp run tay, khiến chúng càng nghĩ lại càng sợ, vội vàng bò giật lùi quay lại phía sau, nhưng cửa sau cũng không còn, quãng đường ngắn ngủi thẳng tắp lúc đầu, giờ đây biến thành hai đoạn không điểm đầu không điểm cuối.




Kết quả, ba tên thổ tặc hoảng loạn đến nỗi chịu chôn sống trong mồ, vì đến trước lúc chết vẫn không tìm thấy lối ra. Nửa tháng sau, một đoàn trộm mộ khác lại đến đào ngôi mộ cổ đó, bọn họ phát hiện ra ba xác chết. Tên giặc già thủ lĩnh có kinh nghiệm đầy mình đã ngờ rằng ba tên đồng nghiệp xấu số của mình vì gặp phải “địa thị” nên mới phải chết tức tưởi thế này.



Lão ta liền cho đốt giấy cỏ, hun đặc bên trong đợi sau khi khói tan hết mới chui vào, và quả nhiên bọn họ tìm thấy một con chồn tinh ngàn năm. Nói nó ngàn năm thực ra chỉ là cách nói ước lệ, bởi thực tế nó là con chồn già sống lâu năm, bộ lông đã trắng toát. Chồn thích nơi tăm tối âm u, nên thường đào ổ trong huyệt mộ, bởi vậy trong ngôi mộ cổ này toàn là nước đái của nó, mà nước đái của nó thì có khả năng sinh ra một loại mùi đặc biệt, hình thành nên cái gọi là “địa thị”.



Người hít phải mùi này vào não, sẽ nảy sinh hiện tượng ảo giác, rõ ràng là một cái hố chỉ sâu mấy chục mét, nhưng ba tên thổ tặc lại cứ loay hoay mãi trong đó và bị giày vò cho đến chết. Trên thực tế, bọn chúng từ đầu chí cuối chỉ loanh quanh một chỗ, nên nếu không phá giải được điểm then chốt này, thì cho dù kẻ xâm nhập có cứng tim bạo gan đến đâu, mười người vào cũng chín người trúng phải yêu thuật của nó.



Tư Mã Khôi đã nghe không ít những chuyện dân gian kì dị kiểu này, nhưng tất cả những câu chuyện đó đều xảy ra vào thời kì rất xa xưa, khi đó con người còn thưa thớt, núi còn hoang, đất còn vắng, còn tồn tại những loài yêu quái như chồn tinh ngàn năm, yêu quái rắn đầu người.



Nhưng bây giờ, như cánh rừng rậm nguyên sinh Đại Thần Nông Giá này, không biết bao nhiêu quả núi đã bị đốn thành đồi trọc? Thì cho dù vẫn tồn tại những con vật mà con người chưa biết, e rằng cũng không dễ nhìn thấy chúng nữa, bởi vậy, thời cận đại rất ít nghe kể những chuyện quái lạ đại loại như vậy.



Căn cứ vào kinh nghiệm và những chuyện từng nghe trước đây, Tư Mã Khôi nhận định, hội anh đã trúng “địa thị”, tuy không biết là yêu quái gì, nhưng chỉ cần cắn rách ngón chỏ, rồi một khi cảm giác đau xuất hiện thì ảo giác kia sẽ biến mất, nếu không thạch thất phía sau vách đá lại lần nữa xuất hiện và không biết bao giờ mới kết thúc.



Nào ngờ, chiêu này cũng không ăn thua, mà tận cùng của thạch thất vẫn là vách đá với ba huyệt động như trước, mọi người mệt muốn chết, thở hổn hà hổn hển, vậy mà cơn ác mộng không ngừng lặp đi lặp lại vẫn dai dẳng đeo bám. Hội Tư Mã khôi càng lúc càng hoảng sợ, nghe tiếng động vọng lại từ bên kia vách đá, rồi cảm thấy sau lưng không lành, vội quay lại thì đã phát hiện một cương thi đang tiếp cận gần mép ngoài của quầng sáng từ ngọn đuốc.



Nó di chuyển từ bóng tối dần ra chỗ sáng, trên khuôn mặt trắng xám, ánh mắt như nước tù trong đầm đen kia vẫn không thay đổi. Mọi người lạnh tái toàn thân, vội vàng quay mũi súng ra sau bắn, nhưng cũng không dám dây dưa lâu với chúng, vừa nổ súng, cả hội vừa rút lui vào trong huyệt động dưới vách tường.



Tư Mã Khôi và Hải ngọng quanh năm lăn lộn trong chốn núi cao rừng sâu, nên quen hành quân đường trường, nhưng các thành viên còn lại thì đã sức cùng lực kiệt nên khó lòng trụ thêm được nữa. Tư Mã Khôi biết rõ, có trốn sâu nữa vào trong hang thì cũng không giải quyết triệt để được vấn đề, nên bây giờ đội khảo cổ phải nhanh chóng tìm thấy lời giải về ẩn số hang động cổ trong lòng núi Âm Sơn.



Nghĩ vậy, anh liền rút một hộp long tủy trong ba lô Nhị Học Sinh, châm lửa rồi lần lượt vứt vào ba huyệt động. Lửa quả nhiên có tác dụng tạm thời cản đường đám cương thi đang ùn ùn kéo đến. Mọi người chỉ sợ thế lửa yếu đi, bọn cương thi lại ùa tới, đến lúc đó sẽ không gì có thể cản trở được bước chân của chúng.




Cả hội cắn chặt răng tiếp tục chạy sâu vào trong, mãi đến khi nhìn thấy vách đá, thì nhịp chân mới giảm chậm đôi chút để thở. Quy mô của gian thạch thất khá lớn, mỗi căn áng chừng mấy trăm mét vuông, không gian bên trong âm u tối thui. Tư Mã Khôi quay người quan sát, anh nhìn thấy ánh lửa bập bùng trong huyệt động ở phía sau, nhưng khi đi xuyên qua vách đá, thâm nhập thạch thất, thì không thấy ánh lửa đâu nữa.



Trong sơn động sâu hút và rộng lớn thế này, tầm nhìn có hạn đã khiến ngũ giác của con người dường như đều giảm sút. Tư Mã Khôi thầm kêu khổ, anh bật đèn quặng soi khắp bốn phía trên vách đá. Cao Tư Dương mệt muốn quỵ xuống, cô thấy tim phổi như sắp nổ tung đến nơi, tim đập thình thịch như trống gõ; nhân lúc này, cô chống hai tay vào đầu gối thở gấp.



Cao Tư Dương thấy hành động của Tư Mã Khôi hơi lạ, nên không nhịn được hỏi: “Anh định tìm thứ gì thế?” Tư Mã Khôi nói: lúc trước tôi thấy người Nhị Học Sinh bê bết máu, mới tiện thể quệt một ít, rồi ấn dấu tay vào vách đá làm ký hiệu, rõ ràng ở chỗ cạnh huyệt động này, nhưng con mẹ nó gặp ma hay sao ấy, bây giờ bốc hơi chẳng thấy đâu cả.



Cao Tư Dương kinh ngạc nói: “Anh lên cơn rồ à? Chỗ này làm sao có thể có ký hiệu mà anh để lại ở phía sau chứ?” Tư Mã Khôi hiểu rõ ý đồ của mình, anh chỉ muốn xác nhận xem rốt cuộc cả hội đang phải đối mặt với tình cảnh gì. Anh suy đoán, chỉ có hai khả năng mà thôi: thứ nhất là địa hình trong sơn động giống nhau như đúc, thứ hai là mọi người đang lặp đi lặp lại một hành động trong sơn động.



Anh hiểu “vật gì cũng có lý riêng của nó”, và vạn vật vạn việc đều trên cõi đời chỉ xoay quanh một chữ “lý” đó. Đầu tiên, anh vốn nghĩ khả năng thứ nhất xem chừng có vẻ hợp lý hơn, nhưng những gì đang hiển hiện trước mắt lại khiến anh cảm thấy dường như chữ “lý” này bị lật đổ.



Nếu núi Âm Sơn vẫn hoàn chỉnh, thì nó còn cao hơn nhiều so với phần mà mọi người nhìn thấy bây giờ. Vì do trong núi có một hang động khổng lồ, nên hình thể ngọn núi vốn sừng sững chỉ còn lại một phần ba, động đá thông với cửa động, có thể đánh ký hiệu là thạch thất số 0, còn dưới chân vách đá của thạch thất số 0 lại có ba huyệt động chạy thẳng vào nơi sâu hơn, và không gian sau khi đi xuyên qua vách đá được đánh ký hiệu là thạch thất số 1.



Điểm khác biệt giữa thạch thất số 0 và thạch thất số 1 là: không gian ở thạch thất số 1 tương đối khép kín, không thông với cửa động. Phía chân vách đá ở tận cùng của thạch thất số 1, lại là ba huyệt động khác, thông đến nơi sâu hơn, gọi là thạch thất số 2, và kết cấu của gian thạch thất số 2 cũng giống y đúc thạch thất số 1, nên nếu gian nào cũng đánh ký hiệu, thì nơi mọi người đang đứng, có lẽ đã là thạch thất số mấy chục rồi.



Thế nhưng nhiều dấu hiệu lại chứng tỏ, không gian trong sơn động không thể tồn tại địa hình hoàn toàn giống nhau, vậy nếu loại trừ khả năng thứ nhất “địa hình hoàn toàn giống nhau” ra, thì chỉ còn khả năng thứ hai, là: trong sơn động chỉ có một gian thạch thất, và mọi người đang không ngừng chui qua chui lại không gian cố định này, nên cảnh ngộ lúc này cũng tương tự với cơn ác mộng khủng khiếp mà mọi người đang phải mơ hết đêm này đến đêm khác.



Tư Mã Khôi nói vắn tắt suy đoán của mình cho cả hội nghe. Mọi người thất kinh, chân tay đờ ra không biết phải làm gì, không hẹn mà cùng muốn hỏi: “Sao có thể xảy ra chuyện quái dị thế được?” Nhưng đúng như những gì Tư Mã Khôi vừa nói, địa hình trong huyệt động núi Âm Sơn chắc chắn là đo thiên địa tạo hóa hình thành.



Vì tầng đá trầm tích bên trong sơn động đều có vết sóng gợn tự nhiên, bởi sự tồn tại của địa chất gợn sóng này chí ít cũng phải có lịch sử hàng trăm triệu năm, và trong huyệt động dưới vách đá cũng có những dấu vết gợn sóng tương tự như vậy, mà tất cả đều tự nhiên, không hề có dấu vết can thiệp của bàn tay con người.




Vả lại, quy mô của hang động cổ đại này rất hoành tráng, nên con người tuyệt đối không thể làm ra một kiệt tác vĩ đại dường ấy. Nhưng vấn đề là, những gian thạch thất kéo dài vô cùng vô tận trong hang động này lại hoàn toàn giống nhau. Nếu cứ xem tất cả hang động trên thế giới tuy kì dị và thiên biến vạn hóa, thì cũng không thấy hang động nào có hai gian hoàn toàn giống nhau.



Mà cứ cho là có giống nhau thật đi nữa, thì cùng lắm cũng chỉ có hai gian, và người ta sẽ miễn cưỡng giải thích sự trùng hợp ấy là hi hữu, còn nếu ba gian thì người ta gọi là điều thần kì; chứ còn có vô số gian như thạch thất trong núi Âm Sơn này, thì dẫu có giải thích đó là điều thần kì gì đi nữa, thì e ràng đến quỷ cũng không tin nổi.



Giờ đây, mọi người đều đã tận mắt chứng kiến và chắc không có chuyện nhìn lầm, hơn nữa, cảm giác nhoi nhói đau trên cơ thể và hơi thở gấp gáp đều là bằng chứng về tình cảnh hiện tại của cả hội chứ không phải “ảo cảnh mê cung” giống như Tư Mã Khôi suy đoán lúc đầu, càng không phải kết cấu quái dị giống như ngôi nhà ma Winchester mà Nhị Học Sinh kể khi trước.



Vậy thì chỉ còn một khả năng, đó là mọi người đang lặp đi lặp lại đi qua cùng một gian thạch thất. Cao Tư Dương không lý giải được nguyên nhân, cô hỏi Tư Mã Khôi: “Nếu xác định quả thực nơi chúng ta từng đi qua chỉ là một gian thạch thất, vậy tại sao anh không tìm thấy vết dấu tay mình để lại lúc trước?” Tư Mã Khôi gãi đầu giải thích: “Có lẽ vì chúng ta lặp lại hành động, chứ không lặp lại thời điểm phát sinh, thạch thất trong sơn động vẫn cố định bất biến, chỉ có điều mỗi lần xảy ra, đều là một lần hoàn toàn mới, nên mọi dấu vết để lại mới biến mất như vậy”.



Hải ngọng nghe xong vỗ đùi cái đét, nói: “Gay to rồi! Thế nếu chúng ta chạy chậm một bước, thì cũng biến mất luôn à? Cậu bảo có xảy ra khả năng này không?” Tư Mã Khôi nói: “Cậu thử là biết liền chứ gì!” Hải ngọng lưỡng lự: “Chúng ta vẫn chưa tu luyện đến cảnh giới sẵn sàng hiến thân cho thí nghiệm để tìm ra chân lý, nên bây giờ tốt nhất là chạy cho nhanh!” – Nói xong, anh giúp Tư Mã Khôi, kéo lê Nhị Học Sinh đang thở không ra hơi, co cẳng chạy.



Khi nãy, Thắng Hương Lân đã ngồi thở một hồi, giờ có thể miễn cưỡng mở miệng nói chuyện, cô vừa đi vừa hỏi Tư Mã Khôi: “Ý anh là… chúng ta đang đi qua đi lại một gian thạch thất sao?” Tư Mã Khôi gật đầu: “Ngoại trừ khả năng này ra, thì không còn cách giải thích nào hợp lý hơn, nếu không phải tôi đi nhiều hiểu rộng, thì cũng không thể nghĩ ra cách suy đoán này.



Đen đủi hơn, bây giờ chúng ta phải chạy không ngừng, vì chỉ cần ngừng một cái, thì cho dù không bị biến mất trong thạch thất, cũng bị bọn cương thi đuổi theo xé xác. Mà chúng ta người trần mắt thịt, nên thể lực rồi có lúc phải suy kiệt, nếu cứ chạy mãi thế này cũng không phải cách, trước khi mệt đến chết, phải nghĩ ra kế sách gì thoát khỏi cảnh ngộ khốn cùng này mới được”.



Thắng Hương Lân nói: “Tôi cảm giác có lẽ còn nguyên nhân khác, chỉ là chúng ta chưa phát hiện ra mà thôi”. Nhị Học Sinh đang co rúm người để thở, cũng dần điều hòa trở lại, cậu ta há hốc mồm nói ngắt quãng: “Tôi…. tôi cảm thấy, tôi phát hiện… phát hiện ra nguyên nhân đó rồi, ngoại trừ sự trùng lặp hết lần này đến lần khác trong sơn động… còn có… còn có một việc khác rất quái dị…” Hải ngọng giơ tay cốc vào đầu Nhị Học Sinh một cái đau điếng, rồi lên giọng kể cả: “Nhóc con nhà chú nhai nhầm thuốc à? Nói nghe dễ thế! Đến anh Hải ngọng còn chưa phát hiện ra, mà chú đòi phát hiện được á?” Nhị Học Sinh nói: “Vì anh… chỉ trố mắt lên nhìn, còn tôi… tôi luôn luôn… quan sát.



Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.