Trời vừa tảng sáng Hạ Tu Ngôn đã cưỡi ngựa về phủ. Chàng đi ra nhà sau lại chẳng thấy ai ở đó thì chỉ đứng nấn ná ngoài sân một hồi không dám vào nhìn kỹ. Bác Lưu nghe tin chạy đến, thấy đúng là chàng trở lại thì kinh ngạc hỏi:
“Sao Hầu gia trở về vậy?”
“Sáng nay rảnh rỗi nên tôi trở về phủ một chuyến.”
Hạ Tu Ngôn đứng trước cổng Thùy Hoa giả vờ bình tĩnh nhìn lướt vào bên trong, hỏi:
“Nàng đâu rồi?”
“Sáng nay Thu cô nương nói muốn đi xem chợ phiên thế nào nên đã ra ngoài từ sớm rồi ạ.”
Hạ Tu Ngôn bất giác thở phào, bác Lưu lại nói:
“Hầu gia đã dùng bữa sáng chưa? Ngài ở lại dùng bữa sáng nhé?”
Tối qua chàng trằn trọc cả đêm chẳng chợp mắt được, trời chưa sáng đã cưỡi ngựa chạy về. Đến lúc ngồi trong phòng dùng điểm tâm xong thì nhịp tim mới bình thường trở lại, bỗng dưng chàng nghĩ: May mà sáng nay nàng ra ngoài sớm. Bằng không, nàng ở nơi này thì mình sẽ nói gì với nàng đây?
Thấy Hầu gia nhà mình mới sáng sớm đã vội vàng chạy về, bác Lưu cứ đinh ninh có chuyện gì quan trọng, nào ngờ Hầu gia dùng xong bữa sáng thì trở lại dáng vẻ thường ngày, ngồi ở bàn ăn ngẩn người một hồi lâu. Hạ Tu Ngôn buồn bực trong lòng nên chẳng nói gì nhiều mà chỉ gọi người làm đến dọn bàn. Lúc bác Lưu đang dọn bát đũa xuống thì nghe y hỏi:
“Hôm qua nàng có nói gì không?”
Bác Lưu kinh ngạc rồi cẩn thận ngẫm lại một phen:
“Cũng không nói gì đặc biệt ạ.”
Hạ Tu Ngôn trầm ngâm, một lúc sau lại hỏi:
“Sáng nay lúc đi ra ngoài, tâm trạng của nàng thế nào?”
Lúc này thì bác Lưu đã hiểu được vấn đề. Từ khi công chúa Minh Dương qua đời, Hạ tướng quân cả ngày bận rộn công vụ, ông và thím Trương coi như là người chứng kiến Hạ Tu Ngôn trưởng thành. Đứa bé này từ nhỏ đã không có bạn bè cùng trang lứa ở bên cạnh, lại là người sống nội tâm nên dần dần tính tình có chút quái gở. Rồi mấy năm ở Trường An mỗi ngày đều phải uống thuốc lại khiến tính tình của thằng bé càng lúc càng trầm lặng. Thế nhưng đoạn thời gian Thu Hân Nhiên đến nhà luyện tập bắn cung thì thằng bé lại vui tươi không ít.
Ông vẫn còn nhớ kỹ, khi đó mỗi ngày vào giờ Thân [1], Thu Hân Nhiên sẽ đi xe ngựa đến, khoảng giữa giờ Mùi [2] thì Hạ Tu Ngôn sẽ đem sách ra phòng khách ngồi chờ nàng. Có một lần hình như Tư Thiên Giám có việc bận, đã qua giờ Thân rồi mà vẫn chẳng thấy người đâu. Ông nhớ mình đã vào đổi hai lần trà. Lúc đó nét mặt của thiếu niên không biểu hiện gì nhưng quyển sách trên tay lại chẳng lật thêm trang mới nào. Ông lên tiếng khuyên:
[1-2]
“Tôi đoán trong cung có việc nên có lẽ hôm nay Thu Tư thần không đến được đâu. Nơi này gió lớn, hay là Thế tử về phòng nghỉ ngơi cho khỏe.”
Thiếu niên cúi đầu nhìn chằm chằm cuốn sách trên tay, nhẹ nhàng ừ một tiếng nhưng cả người lại chẳng hề nhúc nhích.
Mãi đến giờ Dậu [3], khi mặt trời đã xuống núi mới nghe được một loạt tiếng bước chân vội vàng ở bên ngoài. Thím Trương đang ở trong sân ngạc nhiên, nói:
[3]
“Chạy chậm một chút. Tôi còn tưởng hôm nay Tư thần không đến đó chứ. Hôm nay có việc đột xuất gì sao?”
Giọng nói thiếu nữ ở trong sân vọng vào:
“Chiều nay không có việc gì nên cháu nằm trên bàn chợp mắt một chút, nào ngờ gặp đúng Chủ sự đi tuần tra, ông ấy gọi cháu đến rồi mắng cho một trận.”
Nói đoạn, nàng thấp giọng, uể oải nói:
“Lát nữa đi vào Thế tử lại mắng cháu tiếp…”
Thím Trương bật cười, nói:
“Vậy tối nay ở lại dùng cơm nhé. Thím làm cho cháu mấy món ăn ngon.”
“Vậy cháu muốn ăn canh đậu hũ như hôm qua thím nấu ạ.”
Thiếu nữ nghe sắp được ăn ngon thì vui vẻ trở lại, tựa như một chút ấm ức vừa rồi đã tan thành mây khói.
Hạ Tu Ngôn ngồi trong phòng khách khẽ hừ một tiếng. Bác Lưu liếc mắt nhìn thấy cậu đang nhếch môi cười nhạt nhưng lo lắng vừa rồi ở trong đáy mắt đã tiêu tan hết rồi.
…
Bác Lưu là người tinh tường, lúc này hớn hở nói:
“Thu cô nương trông vui vẻ lắm, còn nói tính bày một quầy xem bói ở chợ phiên, rồi còn hỏi tôi ở đó có chỗ nào ăn ngon. Tôi đã giới thiệu quán rượu Chốn Bồng Lai cho cô ấy, à còn giới thiệu cả rượu Hoa đào ở đó rất ngon rồi bảo nếu có cơ hội thì nếm thử một lần.”
Hạ Tu Ngôn sững người, giương mắt nhìn lão bộc già đang hớn hở, tỏ ra như hiểu ý thì mất tự nhiên quay mặt nhìn đi chỗ khác.
Thu Hân Nhiên bày một quầy xem bói đơn sơ tại khu phố sầm uất trong thành Hoán Châu. Nàng ngồi từ sáng đến trưa cũng chẳng làm ăn được gì. Mặt trời càng lúc càng lên cao, khi bụng nàng bắt đầu kêu rột rột mấy tiếng thì đứng dậy tính thu dọn quán rồi kiếm gì đó bỏ bụng. Ngay lúc này, một chiếc xe ngựa bỗng dừng lại ở trước quầy của nàng.
Nàng ngỡ rằng có vị quý khách nào đến, ai ngờ rèm xe vừa vén lên đã thấy Hạ Tu Ngôn đang ngồi trên đó. Thu Hân Nhiên không ngờ người vốn nên ở quân doanh lại đột nhiên xuất hiện giữa chốn phố chợ náo nhiệt này, nhất thời đứng sững ra một lúc.
Thanh niên ngồi trên xe liếc cái bát đựng tiền trống không trên bàn, hỏi:
“Đã trưa rồi vẫn chưa có ai mở hàng à?”
Thu Hân Nhiên vẫn cứ ngỡ là đang mơ, hỏi:
“Sao Hầu gia lại đến đây?”
“Tôi định đi ăn cơm. Đạo trưởng có đi cùng không?”
Sau khi mơ màng leo lên xe xong Thu Hân Nhiên mới nhớ lại mình và chàng đang cãi nhau. Có điều lúc này đã ngồi trên xe của chàng, cũng đã nhận lời mời đi ăn cơm của chàng rồi. Dân gian có câu ăn của người ta thì nói năng với người ta cũng mềm mỏng hơn, lúc này nàng cũng không thể tỏ thái độ với chàng được. Hạ Tu Ngôn lại giống như đã quên hoàn toàn chuyện hai người đang cãi nhau, hỏi:
“Em làm ăn không tốt à?”
Thu Hân Nhiên có vẻ chẳng bận tâm, nói:
“Mới đến thì đành chịu vậy. Huống hồ Hoán Châu cũng không giống Trường An.”
“Không giống điểm nào?”
Thu Hân Nhiên liếc hắn, nói:
“Thánh thượng tin bói toán, Hầu gia thì lại không.”
Vua Tuyên Đức rất sùng bái việc xem bói đoán ý trời nên kéo theo bá tánh Trường An cũng có thói quen xem bói hỏi quẻ. Hạ Tu Ngôn không tin vào những thứ này nên Hoán Châu không có nhiều đạo sĩ đương nhiên làm ăn sẽ khó khăn hơn. Thanh niên ngồi trên xe thoáng mím môi cười, hỏi:
“Em vẫn còn giận tôi à?”
Cô gái cũng cười nói:
“Nào dám chứ.”
Hạ Tu Ngôn đưa nàng đến một quán rượu có tên là Chốn Bồng Lai. Hai người đến hơi sớm, trong quán chưa có thực khách nào. Hầu bàn dẫn đường cho hai người đến một gian phòng riêng ở lầu hai, ân cần giới thiệu các món ăn đặc sắc trong quán, phần lớn là các món ăn của Giang Nam. Ở vùng đất Tây Bắc này đúng là muốn ăn mấy món đó quả không dễ. Chỉ tính chi phí vận chuyển cá tôm cua mực từ mấy ngàn dặm đến đây đã thấy tốn kém, sợ rằng ăn một bữa ở nơi này phải chi ra không ít tiền.
Hạ Tu Ngôn gọi thêm một vò rượu. Hầu bàn nghe vậy liếc mắt nhìn hai người một lượt, nhanh nhẹn đáp:
“Được rồi, hai vị quý khách vui lòng chờ một lát.”
Thu Hân Nhiên cảm thấy ánh mắt của hầu bàn nhìn nàng có vẻ rất sâu xa thì cảm khái nói:
“Có lẽ trong mắt của bá tánh nơi đây, mấy người đến ăn ở quán rượu như thế này phần lớn là người có cuộc sống xa hoa phóng túng.”
Hạ Tu Ngôn liếc nàng, nói:
“Vậy em nên trân trọng bữa ăn này, bằng không sau này chẳng còn cơ hội như vậy đâu.”
Thu Hân Nhiên híp mắt, giơ đũa lên nói:
“Không sao, nếu nhỡ có ai nhận ra ngài thì cứ nói bữa ăn này là tôi mời.”
Khung cảnh ở quán rượu Chốn Bồng Lai thanh tĩnh và u nhã. Sau khi rượu thịt được bưng lên thì Thu Hân Nhiên chẳng còn rảnh nói chuyện nữa. Trong gian phòng trang nhã chỉ còn nghe được tiếng đũa và tiếng chén sứ khẽ chạm nhau. Nàng ăn lửng dạ mới ngẩng đầu lên thấy người đối diện chẳng ăn mấy thì hỏi:
“Sao ngài không ăn lại nhìn tôi làm gì?”
“Tôi không hợp mấy món này.”
Thu Hân Nhiên kinh ngạc hỏi:
“Vậy sao ngài lại chọn nơi này?”
“Vì rượu ở đây ngon.”
Hạ Tu Ngôn nhìn nàng rồi châm cho nàng một chén rượu. Thu Hân Nhiên ngắm nhìn rượu trong chén thấy rượu màu hồng nhạt, toả mùi hương thơm ngát.
“Đây là rượu gì thế?”
“Rượu này tên là Hoa đào. Ở khu vực Tây Bắc này chẳng có mấy cây đào, vì cây hoa đào rất khó sống được nơi đây. Thế nhưng những quán rượu lớn nhỏ trong thành đề ủ rượu Hoa đào này. Em có biết vì sao không?”
Nàng đương nhiên không biết. Vậy lại nghe chàng nói:
“Bởi vì nơi đây có sự tích liên quan đến rượu này.”
Thấy nàng tỏ ra hiếu kỳ, Hạ Tu Ngôn chầm chậm kể tiếp:
“Nghe rằng có một cô gái vì theo đuổi người trong lòng mà lặn lội từ Giang Nam đến biên thuỳ. Tiếc rằng người trong lòng của nàng lại đang tòng quân chuẩn bị lên chiến trường nên đã nhẫn tâm từ chối tình cảm của cô gái đó. Mấy năm sau, khi chàng trai bình an trở về thì điều đầu tiên hắn làm chính là đến nhà cô gái cầu hôn. Nhưng dẫu chàng trai đó đến bao nhiêu lần, cô gái cũng không chịu gặp mặt. Cứ thế đến lần cuối cùng, từ sáng sớm chàng trai đã đến đứng chờ trước cửa nhà của cô gái, đến khi trời tối mịt cô gái mới bằng lòng gặp hắn. Chàng trai vui mừng khôn xiết, nhưng cô gái lại lạnh lùng nói rằng: ‘Em đã chờ đợi chàng rất nhiều năm rồi. Bây giờ em muốn trở về quê cũ, ủ rượu Hoa đào. Lúc này em nên về lại quê hương thôi’.”
Hạ Tu Ngôn nói đến đây bỗng dừng lại. Thu Hân Nhiên vội hỏi:
“Sau đó thế nào?”
“Sau đó…”
Chàng bỗng im lặng, đột nhiên đổi câu hỏi:
“Lần trước em nói muốn rời khỏi Hoán Châu. Em đã tính sẽ đi đâu chưa?”
Thu Hân Nhiên không nghĩ tự dưng chàng lại hỏi chuyện này, nhất thời nghẹn lời.
“Mặc dù tôi chưa suy nghĩ kỹ nhưng trước tiên cứ đi nhìn ngắm xung quanh một chút. Có lẽ nhờ vậy mà tôi hiểu ra cũng nên.”
“Hiểu ra cái gì?”
Lúc hỏi câu này, Hạ Tu Ngôn nhìn nàng bằng ánh mắt sâu thẳm, tựa như đáp án của nàng vô cùng quan trọng với chàng. Vì thế nàng nghiêm túc đáp:
“Hầu gia có nhớ đã từng hỏi tôi vì sao học bói toán hay không?”
Lần này đến lượt Hạ Tu Ngôn sững sờ. Nàng nói tiếp:
“Hầu gia đã thức tỉnh tôi. Khi tôi còn bé, bởi vì sư phụ tôi nói đối với bói toán tôi có thiên phú hơn người nên tôi đã học nó. Nhưng khi tôi lớn lên, tôi phát hiện ra mình không biết tại sao lại học bói toán.”
“Trong những người học bói toán, có người giống như thầy Bạch, ở trong cung cấm sâm nghiêm thay Đế vương xem sao tính quẻ; cũng có người giống như sư phụ tôi, ẩn cư trên núi cao rừng sâu, truyền dạy cho đệ tử; cũng có người vì kế sinh nhai, lăn lộn giữa dân gian xô bồ kiếm miếng cơm manh áo. Tất cả bọn họ đều biết mình học bói toán để làm gì…”
Nàng nhẹ nhàng chạm vào mấy món ăn trên bàn, vẻ mặt mê mang nói tiếp:
“Còn tôi thì lại không biết vì sao mình học bói toán.”
Hạ Tu Ngôn không ngờ mình lại là nguyên cớ của chuyện này. Chính chàng cũng không còn nhớ rõ mình đã nói lời đó lúc nào, nhất thời không biết nên nói gì, qua một hồi lâu mới hỏi:
“Vậy làm sao em mới biết được?”
Thu Hân Nhiên buồn rầu nói:
“Chuyện ngộ đạo này cũng không nói rõ được. Có đôi khi chỉ trong nháy mắt đã hiểu rõ mọi thứ, cũng có đôi khi nghĩ cả đời vẫn không hiểu được cái gì.”
Hạ Tu Ngôn nhỏ giọng hỏi:
“Nếu như cả một đời vẫn không thể nghĩ ra thì làm thế nào?”
“Người học bói toán ở trong thiên hạ nhiều như vậy, cũng chẳng mấy người ngộ đạo.”
Thu Hân Nhiên giả vờ lạc quan nói:
“Trên đời chẳng ai giống ai cả, có một số người không hề nghĩ đến việc này nhưng họ vẫn sống tốt đấy thôi.”
Hạ Tu Ngôn lẳng lặng nhìn nàng, nói khẽ:
“Nhưng nếu em mãi vẫn không nghĩ ra, vậy em muốn nghĩ cả đời sao?”
Thu Hân Nhiên không trả lời câu hỏi này ngay, quay đầu nhìn ra ngoài cửa sổ, qua một hồi mới đáp:
“Có lẽ là vậy.”
Nàng nói xong lời này, cả quán rượu tựa như chìm vào yên tĩnh.
Thu Hân Nhiên quay đầu lại, lên tinh thần, chuyển đề tài nói:
“Ngài vẫn chưa nói cho tôi nghe sự tích kia sau đó thế nào. Hai người đó cuối cùng sẽ chia xa ư?”
Hạ Tu Ngôn uống hết chén rượu, buông mắt nhìn chén rượu trong tay, hơi dừng lại một lúc mới nói:
“Cuối cùng, cô gái đó trở về quê cũ, chàng trai nọ trồng một rừng đào ở gần nhà của mình. Hàng năm, chàng sẽ ủ một vò rượu Hoa đào ở dưới gốc cây. Đến bây giờ thì trong thành hễ nhà nào có ma chay sẽ dùng rượu này.”
Thu Hân Nhiên nghẹn lời, không tin được nhìn chàng chằm chằm, đột nhiên cảm thấy rượu trong chén hơi khó uống. Hạ Tu Ngôn nhìn qua, cười khẩy một tiếng rồi lấy chén rượu trên tay của nàng, nói:
“Tôi lừa em thôi, vậy mà em cũng tin.”
Nói đoạn, chàng ngửa đầu uống cạn chén rượu của nàng. Thu Hân Nhiên vừa giận vừa buồn cười, hiếu kỳ hỏi:
“Sao Hầu gia lại lừa tôi?”
“Rượu này đắt như thế sao lại dùng cho lễ ma chay được.”
Vậy cuối cùng đôi trai gái kia thật sự chia xa ư? Câu chuyện Hạ Tu Ngôn kể chẳng thổn thức động lòng chút nào nhưng chẳng hiểu sao trong lòng nàng lại cảm thấy nuối tiếc thay cho đôi trai gái đó.
Đang miên man suy nghĩ, Hạ Tu Ngôn bỗng lên tiếng:
“Sau khi Tề Khắc Đan trốn khỏi Vương đình, cháu trai Mạch Ni của hắn lên ngôi vương, xưng thần với Đại Lịch. Lúc này Tề Khắc Đan chết rồi, coi như giải quyết được mối hoạ trong lòng của Mạch Ni. Thánh thượng lệnh cho tôi áp giải binh lính của Tề Khắc Đan về Quyên Phục, vương đô của Đạt Việt, lúc đó sẽ đi ngang qua thảo nguyên Khách Đạt. Chẳng phải lúc trước em đã từng hâm mộ sư tỷ của mình có thể đi đến vùng đất ngoài biên giới sao, đến lúc đó tôi có thể dẫn em theo cùng.”
Hạ Tu Ngôn thấy nàng vui vẻ như thế, mấp máy môi định nói thêm gì đó, nhưng cuối cùng chỉ nói:
“Chờ sau khi quay về từ chuyến đi Quyên Phục, nếu em vẫn còn muốn rời đi, tôi sẽ tự mình tiễn em ra khỏi thành.”
Lúc trước nàng giận Hạ Tu Ngôn đã mạnh mẽ bắt ép mình tới Hoán Châu, lúc này chàng lại tự động thả người thì nàng hơi luống cuống, lắp bắp nói:
“Sao tự dưng Hầu gia lại đồng ý yêu cầu của tôi thế?”
Đồng ý yêu cầu của nàng? Hạ Tu Ngôn nhìn nàng, nói khẽ:
“Em đã lặn lội từ ngàn dặm xa xôi đến Hoán Châu, nếu em muốn điều gì tôi đương nhiên sẽ đồng ý.”
Tiếc rằng lời này quá nhỏ, Thu Hân Nhiên không nghe rõ ràng. Nàng hỏi lại:
“Hầu gia đã nói gì vậy?”
Thanh niên lắc đầu. Thu Hân Nhiên nhìn vò rượu trên bàn, vươn tay định cầm nó lên. Hạ Tu Ngôn thấy vậy lại lấy nó trước. Trong vò rượu chỉ còn một chút rượu, chàng ngửa đầu uống cạn, dù một giọt cũng không để lại, cuối cùng chàng còn khẽ lắc vò rượu không cho nàng xem, vẻ mặt như mấy đứa con nít.
Đuôi mắt của chàng ửng đỏ, bờ môi còn vương chút rượu, dáng vẻ phong lưu tuấn tú. Thu Hân Nhiên nhìn chàng, nhịp tim bỗng chốc đập nhanh hơn mấy lần, nhất thời chẳng giận nổi đành bất đắc dĩ lắc đầu, cuối cùng không so đo với chàng vì không cho mình nếm thử rượu Hoa đào nữa.