Khi hương vị cuối xuân đầu hạ trở nên rõ ràng thì ở chiếc bảng đen phía cuối lớp học xuất hiện dòng chữ thông báo chỉ còn một trăm ngày nữa là đến kỳ thi cấp ba. Vào mỗi cuối ngày, lớp trưởng đều đi đến cuối lớp sửa lại con số trên bảng, từ ba chữ số biến thành hai chữ số, sau đó con số càng ngày càng nhỏ dần. Hiện giờ tôi như đang treo một bình truyền nước bên người, hằng ngày có rất nhiều thứ được điên cuồng bơm vào đó: kiến thức và cả sự lo lắng bất ổn. Tuy vậy mỗi ngày cũng đều có thứ chảy ra, có điều không ai nói rõ được đó là gì.
Trong lần thi thử, Khúc Thành được một trăm linh chín điểm Ngữ văn, một trăm mười hai điểm tiếng Anh, xếp thứ hạng cao trong toàn thành phố. Tôi thấy thầy giáo nở nụ cười tự đáy lòng khi khen Khúc Thành, ngón tay nắm chặt tới mức chọc thủng bài kiểm tra miễn cưỡng đạt yêu cầu của tôi. “Chúc mừng!” Tôi chạy đến chỗ anh cố làm ra vẻ vui mừng.
“Em cũng rất giỏi!” Anh nhìn thẳng vào tôi, khuôn mặt lộ vẻ vui mừng thực sự. “Có bao nhiêu người hằng ngày đều đi học mà cũng không thi qua.”
Tôi vênh mặt, giả vờ kiêu ngạo: “Đương nhiên!”
Nói vậy nhưng tại một góc khác mà anh không trông thấy, tôi đã xé vụn bài kiểm tra của mình rồi tung lên trời. Từng mảnh vụn bay lên rồi rơi xuống mặt tôi như tuyết mùa hạ.
Hồi thi cấp ba, tôi và Khúc Thành thi ở hai điểm khác nhau nhưng cách không xa lắm. Đêm hôm trước, tôi thức đến hơn mười hai giờ mới đi ngủ, hoàn toàn không cảm thấy hồi hộp. Ngày hôm sau, sau khi nhìn thấy khuôn mặt của các phụ huynh, tôi mới có cảm giác đó Ià một ngày rất quan trọng. Đi đến cổng ngôi trường xa lạ, còn sớm, trường thi vẫn chưa mở cửa. Tôi đứng trước cổng ngó quanh quất, đột nhiên phát hiện ra bóng dáng Khúc Thành đang tiến đến ngày một gần.
“Sao anh lại đến đây? Không phải bây giờ anh phải ở trường thi hay sao?”
“Vẫn kịp, anh đến thăm em.” Nói rồi anh rút ra một mẩu chocolate từ trong túi. “Ăn đi rồi vào, không bị chóng mặt mà còn tốt cho đầu óc.”
“Lúc nào cũng cho em ăn đồ ngọt, anh không sợ em béo như heo à?”
“Không sao! Anh cũng rất thích heo. Anh đi đây, thi xong nhớ gọi điện cho anh.”
Tôi đứng yên tại chỗ thưởng thức hương vị ấm áp trong lời anh nói, giống như viên chocolate đang nhẹ nhàng trượt xuống trái tim tôi và bắt đầu phát huy tác dụng. Tôi bước vào trường thi cùng với dòng người đông đúc, tìm phòng thi và chỗ ngồi, tất cả đều ngay ngắn quy củ, giống như một mảnh lụa với những đường dệt ngang dọc thẳng tắp.
Những ngày chờ kết quả giống như một cái kéo sắc đang đợi thời cơ để phát huy tác dụng, xem xem cuối cùng sẽ cắt được một mảnh vải gấm hay chỉ cắt được một đống phế liệu.
Tôi hoàn toàn không phục khi thấy điểm thi của mình trên điện thoại. Tôi như mất trí gọi đến số tổng đài báo điểm thi rất nhiều lần, nhưng con số đáng hổ thẹn kia nhất quyết không thay đổi. Thấp hơn điểm thi thử lần một, lần hai hơn năm mươi điểm, còn môn Ngữ văn của tôi thì máy chấm điểm đọc không ra.
Hoặc... đây chính là số mệnh của tôi, tuy tôi vô cùng không muốn nghĩ như vậy.
Tôi biết Khúc Thành có lẽ cũng tra được điểm của tôi, vì sau khi thi xong anh có hỏi số báo danh của tôi, đổi lại tôi cũng biết được số báo danh của anh. Khi thấy điểm của anh từ điện thoại, tôi đã cố kìm nén nhưng không hiểu sao nước mắt vẫn cứ rơi, đó là ba chữ số vô cùng ấn tượng. Sau khi biết điểm thi, tôi khóa trái cửa nhốt mình trong phòng, bó gối ngồi gục xuống nền nhà, không muốn gặp bất kỳ ai. Khi Khúc Thành gọi điện lần thứ ba, tôi tắt máy; lúc Trần Niên đứng ngoài cửa gọi tôi ra ăn cơm, rồi nghe tiếng ông như tiếng ở đâu đó rất xa trong vũ trụ vọng lại, hoàn toàn không chân thực.
Đây không phải là lần đầu tiên tôi ngắm nhìn quá trình mặt trời mọc, nhưng lại là lần tôi cảm thấy mơ hồ nhất. Bầu trời hiện lên những đường vân lớn nhỏ khiến tôi cảm thấy mình như đang bị ngạt nước. Nước mắt trên tay áo vẫn chưa khô, gương mặt đanh cứng lại như có thể cạo ra được hạt muối. Tôi chạy đến cạnh giường lục tìm thanh chocolate chỉ còn một nửa đang dần chảy nước, bỏ tất vào miệng, vị ngọt lịm dừng lại nơi đầu lưỡi, khi xuống đến cổ họng tất cả chỉ còn vị đắng ngắt.
Thì ra mọi việc trên thế gian đều thuộc dạng vật cực tất phản (*). Khi bạn càng dồn hết tâm huyết và hy vọng vào một điều gì đó, bạn càng sợ thua. Nhưng không ai có thể đảm bảo rằng mình sẽ thắng một trăm phần trăm.
(*). Sự việc khi đi đến cực điểm sẽ dần phát triển theo hướng ngược lại.
“Mộng Mộng, mở cửa ra, con phải ăn gì đi chứ?” Trần Niên lại đến gõ cửa phòng tôi khi trời vừa hừng sáng, tôi đờ đẫn nhìn cánh cửa rồi cầm cặp sách ném mạnh vào đó, trong phòng lập tức biến thành bãi hỗn độn, sách, túi bút, bình nước, phiếu dự thi… tất cả đều nhất loạt rơi xuống sàn. Tiếng gõ cửa im bặt, tôi không thể hình dung vẻ mặt của Trần Niên lúc này ra sao.
Đúng lúc đó có tiếng chuông cửa. Tôi nghe tiếng bước chân của Trần Niên xa dần. “Chú, cháu…”
Quả nhiên là anh. Đồng hồ trên mật bàn chỉ sáu giờ ba mươi lăm.
“Vào đi, cháu đến khuyên nó đi.” Trần Niên mở cửa cho Khúc Thành vào nhà. “Hôm qua, từ lúc biết điểm thi, nó đều ở trong phòng, không ăn không uống, haizz...”
”Trần Mộng, mở cửa!” Giọng anh vẫn bình tĩnh như thế, hơn nữa còn mang hàm ý ra lệnh khiến người khác không thể kháng cự, trước giờ tôi vẫn ngoan ngoãn phục tùng theo anh. “Em như thế này có tác dụng gì không?”
Không có, tôi biết chứ. Tôi cuộn tròn người nằm trên sàn, qua khe cửa sát nền nhà nhìn thấy đôi giày thể thao màu trắng của anh. Không có tác dụng, nhưng ít nhất tôi có thể lựa chọn không làm cái bóng suốt ngày bám dính phía sau anh.
“Trần Mộng...”
“Cút… Cút, cút!” Tôi dùng hết chút sức lực còn lại hét lên những từ đó với anh, sau đó từng giọt nước mắt nóng hổi trào ra từ đôi mắt mà tôi nghĩ đã hoàn toàn cạn kiệt nước.
Sau một hồi dài yên lặng, Khúc Thành quăng cho tôi một câu nói lạnh băng: “Em có muốn làm đà điểu cũng mặc em! Chú, xin lỗi, cháu về đây.” Tiếng đóng cửa rất to vang lên kết thúc tất cả.
Anh nói đúng, tôi chính là một con đà điểu, có bọ lông màu bùn xấu xí, chỉ biết cắm đầu vào cát rồi lại kêu gào rằng không ai để ý đến mình. Thật ngốc! Ngốc nhất là con đà điểu này còn từng tham vọng sẽ tiến hóa đôi cánh của mình để có thể bay lên trời.
Nhưng đà điểu cũng có sự ngang bướng của đà điểu, tôi quyết không chịu thua.
Tối hôm đó tôi mở cửa phòng, Trần Niên đang ngồi ở sofa xem ti vi, nhìn thấy tôi liền lập tức đứng dậy, nhưng lại không biết phải nói gì. Tôi xua tay tỏ ý mình vẫn ổn. “Con đói rồi, muốn ăn cơm.” Trên bàn thức ăn đã bày sẵn nhưng chưa được động đũa. Tôi hâm nóng rồi cùng ăn với Trần Niên. Ông liên tục nhìn tôi bằng ánh mắt bất an như muốn tôi nói điều gì đó, nhưng tôi chẳng có gì để nói, chỉ là mọi việc đã trở lại bình thường.
Với điểm số dưới điểm sàn, tôi chỉ có thể vào học một trường nghề, vì vậy tôi không đi nộp đơn, bằng tốt nghiệp cũng là Trần Niên lấy về giúp tôi. Số điện thoại của Khúc Thành từ sau hôm đó chưa một lần xuất hiện ở màn hình điện thoại của tôi. Có lẽ anh đã hoàn toàn thất vọng về tôi.
“Chúc mừng anh thi đỗ trường trọng điểm của thành phố.” Gửi tin nhắn xong, tôi cho số của anh vào danh sách chặn liên hệ.
Về lại như cũ đi, hãy quên câu nói hão huyền: “Mình yêu nhau đi” kia đi.
Trong kỳ nghỉ hè dài đằng đẵng, ngoài một lần duy nhất Trần Niên nói rồi dừng lại giữa chừng: “Cậu bạn dạy học tiếng Anh cho con...” thì con người có tên Khúc Thành thật sự giống như chưa từng xuất hiện trong cuộc sống của tôi. Nhưng rõ ràng có một góc trái tim tôi đã bị ai đó chiếm giữ, đẩy đi không được, vứt bỏ không xong, nặng nề đến cùng cực. Đêm trước hôm nhập học, tôi lại mất ngủ, ngồi trên giường nhét đầy thứ vào trong cặp sách rồi lại đổ tất cả ra. Đến lần thứ ba, một chiếc kẹo hoa quả không biết từ góc nào trong cặp sách lăn ra trước mặt tôi. Tôi cầm lên định vứt đi nhưng cuối cùng vẫn bỏ vào miệng, ra sức nhai, vị ngọt của nước hoa quả nhanh chóng ngấm vào dạ dày.
Nó đang nỗ lực chống đỡ lại loại chất độc có tên là “cô đơn” trong tôi.
Tôi chọn học ở ngôi trường cách xa nhà, vì vậy phải ở ký túc xá. Thực ra tất cả mọi thứ đã được tôi tính kỹ, Trần Niên cũng không ngăn cản, chỉ dặn dò tôi một mình sống ở ngoài phải cẩn thận, hòa nhã. Hôm khai giảng Trần Niên phải đi làm, nên một mình tôi đánh vật với chiếc vali to đùng, bắt hai chuyến xe để đến trường. Vừa xuống xe tôi đã vứt vali sang một bên, ngồi xổm xuống nôn thốc nôn tháo. Mùa hè, xe đông người, khắp khoang xe là mùi mồ hôi nồng nồng, tôi đã phải cố gắng hết sức mới không nôn ở trên xe. “Không sao chứ?” Có tiếng người vang lên trên đỉnh đầu, rồi người đó ngồi xuống vỗ nhẹ lưng tôi. “Nôn ra được là tốt.”
Tôi không thể tin được, ngẩng lân nhìn gương mặt quen thuộc. Khúc Thành!
Tại sao luôn là anh nhìn thấy bộ dạng thê thảm của tôi, tại sao anh lại xuất hiện vào lúc tôi thê thảm nhất?
“Không sao!” Tôi lấy nước rửa mặt rồi dùng khăn giấy lau khô. “Sao anh lại ở đây?”
“Lẽ nào em không biết trường anh cách đây có mười phút đi bộ? Anh còn nghĩ là em cố tình chọn học trường gần trường anh cơ đấy.”
Tôi không ngờ lại trùng hợp như vậy, nhưng đột nhiên nghĩ ra vấn đề quan trọng hơn. “Sao anh biết em ở đây?”
Khúc Thành đưa tay vuốt tóc mái tôi. “Chỉ cần anh muốn tìm em, cho dù em trốn ở đâu anh cũng tìm thấy.”
Bức bình phong ngăn cách mà tôi cố dựng lên trong tim ngay lúc này đây đã đổ sụp hoàn toàn, hơn nữa còn phát hiện ra bên trong đều là bong bóng, gió thổi nhẹ là bay đi hết.
“Này, ngày đầu tiên đến trường không được khóc.”
Tôi dùng mu bàn tay lau hết mồ hôi trên mặt. “Đi chết đi, ai thèm khóc.”
Khúc Thành mím môi cười nhẹ, nụ cuời của anh như tia nắng khẽ tách làn mây vào buổi sớm mai.
“Vậy...” Anh chìa lòng bàn tay về phía tôi. “Ở bên nhau nhé, bây giờ đã được chưa?”
Ông trời hãy tha thứ cho tôi. Không biết tôi đã từng thề thốt những điều gì, nhưng giờ đây tôi nguyện hứng chịu tất cả sự trừng phạt chứ không thể để bàn tay anh trống trải mãi được. Tôi dè dặt đặt tay mình lên tay anh, rồi chậm rãi từng chút một, mười ngón tay đan vào nhau. Sau này thông qua một người bạn gái tôi mới biết, hóa ra từng chi tiết nhỏ trong tình yêu cũng có ý nghĩa đặc biệt của nó, mười ngón tay đan vào nhau có nghĩa là không xa không rời.
Không xa không rời, bốn chữ này thật đẹp làm sao.
Tôi nói với Trần Niên rằng mình định tham gia kỳ thi đại học. Tuy không nói câu nào nhưng tôi vẫn thấy rõ được sự vui mừng trong mắt ông. Vốn luôn cho rằng hai từ đại học sẽ không bao giờ có liên hệ nào với tôi, cũng như luôn nghĩ rằng minh không bao giờ đi so tài cao thấp với bất cứ ai nữa, nhưng tất cả mọi dự định của tôi đã bị Khúc Thành làm cho thay đổi. Anh nói với tôi: “Thi đại học đi, nếu không anh có thể sẽ đến thành phố khác học đại học.”
“Vậy nếu em thi đỗ, anh sẽ ở lại đây?”
“Có thể suy nghĩ.” Nhìn thấy vẻ mặt thất vọng của tôi, anh kéo tay: “Mới lớp Mười, có phải em lo lắng sớm quá không? Lần này em có ba năm để làm lại từ đầu, sẽ kịp.”
Tôi gật đầu, nhắm mắt, dựa vào vai anh. Anh rất gầy, khiến tôi có chút xót xa.
Học kỳ một kết thúc cũng là lúc mùa đông tới. Sinh nhật của tôi vào mùa đông. Trần Niên từng kể ngày tôi ra đời cũng là ngày có trận mưa tuyết lớn nhất trong ba mươi năm, lượng tuyết rơi nhiều đến mức đã làm tê liệt giao thông thành phố. Ông đã đi mượn khắp nơi mới được một chiếc xích lô để chở mẹ tôi khi đó đang đau đẻ vào bệnh viện. Trong trí nhớ của mình, hình như trước giờ tôi chưa bao giờ tổ chức sinh nhật. Ngày hôm đó không khác gì với ngày thường, ngoại trừ bát mì mà Trần Niên làm cho tôi.
Sinh nhật tôi vào thứ Bảy. Tôi ngồi trên giường kéo rèm cửa ra, bên ngoài là một màn tuyết trắng xóa. Mấy người bạn cùng phòng đã đi chơi từ lâu, tôi mặc quần áo rồi ngồi dựa vào tường học thuộc bài Ngữ văn, đột nhiên nghe thấy giọng Khúc Thành. Anh đang đứng dưới nhà gọi tôi: “Trần Mộng, Trần Mộng!”
Tôi bỏ sách vở chạy xuống nhưng không trông thấy anh đâu nữa. Đang do dự không biết có phải mình ảo tưởng hay không thì có bàn tay ập xuống che mắt tôi. “Này, em biết là anh mà.”
“Đi về phía trước, đi vòng một chút, chậm lại, được rồi.” Khúc Thành vẫn không bỏ tay ra mà dùng lời nói chỉ dẫn tôi bước đi, “Một, hai, ba...”
Một giây sau khi đôi mắt được giải phóng, tôi nhìn thấy trên nền tuyết trắng không một dấu chân có dòng chữ được xếp bằng những ngọn nến: Trần Mộng, chúc mừng sinh nhật!
“Anh... anh thật đáng ghét.” Từng đốm lửa nhỏ lấp lánh nhảy múa trên nền tuyết khiến trái tim con người cũng thấy ấm áp hơn. Tôi xúc động quay lại nhảy lên ôm chặt lấy cổ anh. “Cảm ơn anh!”