Nam Sương rất phiền muộn, Nam Sương rất bất đắc dĩ.
Đường núi cong cong, cơn gió lành lạnh. Tâm trạng Nam Sương như tráng sĩ về tây, hùng hồn xướng khúc ca bi thương gió thổi hiu hắt nước Dịch lạnh
[1].
Nàng chẳng có tâm trạng quay đầu liếc hai kẻ gây họa kia lấy một cái. Hai người Mục Diễn Phong, Vu Hoàn Chi đứng thành hàng, lặng lẽ đi theo Nam Sương xuống núi.
Miệng Mục Diễn Phong ngậm một phiến phong đỏ hết sức bi thương, tỏ rõ mình bị oan.
Theo thiếu chủ họ Mục, lần tai nạn này chẳng qua là một vụ án liên hoàn. Nếu ma đầu họ Vu không bức hôn thì sẽ không có tranh ngựa lúc sau, nếu không tranh ngựa thì hắn và ma đầu nhỏ nhà họ Vu đã không lần lượt đạp lên ngựa một cú, thế thì ngựa kia không điên, sẽ không chạy loạn, sẽ không mất móng trước để mà xe ngựa bung bét.
Thật ra trong lòng Nam Sương hoặc nhiều hoặc ít tán thành suy luận này. Xét đến cùng vẫn là hoa do ma đầu họ Vu bức hôn gây ra.
Khi Vu Hoàn Chi ôm nàng, nhẹ nhàng hạ xuống màn mưa lá đỏ được ánh thu chiếu rọi, Nam Sương đã nhận định đây là một người đàn ông cực kỳ quái gở.
Lúc vung đao hiên ngang oai hùng, khi tranh ngựa khinh công như bay, lúc lâm nguy trấn định như thường, khi tranh luận kịch liệt thì lời ngon tiếng ngọt. Nhưng trong chớp mắt ôm nàng xuống đất, người ma đầu Vu cứ như vừa bị cóng trong hầm băng, cứng ngắc khó chịu.
Nam Sương cẩu thả không đoán được cũng chẳng nghĩ ra, đây là lần đầu tiên trong đời Vu Hoàn Chi ôm một người phụ nữ trong lòng, hơn nữa còn là một người phụ nữ có cơ thể mềm mại và đặc thù rõ ràng.
Khi nguy cơ qua đi, y bỗng thấy thứ gì mềm mại dán vào ngực. Máu chợt dồn lên, sắc mặt trắng bệch, y vội buông Nam Sương ra, mất tự nhiên quay đầu đi rồi nâng tay phải lên xoa phần ngực đang có cảm giác hết sức khác thường.
Trong con mắt của Mục Diễn Phong và Đồng Tứ là cảnh tượng thế này: xe ngựa vỡ tung, hai người nhảy ra làm kinh động lòng người, bay lên không trung, xoay vài vòng rồi rơi xuống đất. Sau đó người ma đầu nhỏ nhà họ Vu cứng đờ, bỗng nhiên buông Nam Sương ra để xoa ngực, hô hấp hơi dồn dập.
Đồng Tứ kêu thảm một tiếng: “Công tử!”.
Mục Diễn Phong liền vội vàng tiến lên, khó tin nhìn Nam Sương: “Cô… đã làm gì?”.
Vu Hoàn Chi thẳng người dậy, ngước mắt trông mây nơi chân trời, lạnh nhạt giải thích: “Tôi vừa bị đau sốc hông”.
Nếu lúc trước, Nam Sương còn vét bồ thương kẻ ăn đong với Mục Diễn Phong, có ít tình chung cơn hoạn nạn với Đồng Tứ và tẹo teo lòng biết ơn với Vu Hoàn Chi thì lúc này, nàng chỉ cảm thấy mình gặp phải bi thương muôn phần.
Vẻ ưu sầu vừa bất lực vừa chẳng biết làm sao xoắn lại giữa chân mày, Nam Sương than thở: “Đợi đến thành Phượng Dương thì tôi sẽ đi báo tin cho cha biết trước. Chuyện lớn như vậy vẫn phải hỏi ý kiến của ông ấy mới xong”.
Tất nhiên từ tận đáy lòng, Nam Sương chỉ mong sao Nam Cửu Dương đón mình về nhà, từ nay về sau không hỏi đến hai chữ kết hôn nữa.
Mục Diễn Phong biết Nam Sương không vui, vội vàng phun phiến lá phong trong miệng ra, khuyên rằng: “Em Sương, vừa rồi là anh không đúng, hiểu lầm em rồi”.
Tính Nam Sương hiền hoà, nghe xong lời ấy lại sảng khoái cười nói: “Anh Mục, không sao đâu”. Lúc Nam Sương cười, răng nanh lấp lánh, lúm đồng tiền bên môi lúc ẩn lúc hiện.
Ai ngờ tự dưng Vu Hoàn Chi lại ho hai tiếng, cũng cười nói: “Đi báo tin cũng được, để sớm ngày định việc hôn nhân”. Dứt lời, y lại quay đầu nói với Đồng Tứ: “Đuổi con ngựa ô vừa nãy về đây. Ta đến Phượng Dương trước, chuẩn bị mấy việc”.
Nam Sương nghe xong nửa đoạn trước, khuôn mặt đã sầm xuống, mím môi mãi không nói.
Thế là Vu Hoàn Chi lại bảo: “Cô nương Sương cần gì để bụng? Sợ là cả đời người cũng không có một lần chấn động lòng người như vậy, có khi lại Tái ông mất ngựa, họa phúc khôn lường
[2]?”.
Nói lấp lửng là đặc thù điển hình của một ma đầu. Ngoại trừ thớt ngựa vừa bị ma đầu nhỏ họ Vu ép điên ra thì thớt ngựa Tái ông làm mất còn có việc hôn nhân bị Mục Diễn Phong và Vu Hoàn Chi quấy nhiễu.
Nam Sương học theo dáng vẻ của Nam Cửu Dương, than đi đời nhà mà trong lòng. Nàng thấy Âu Dương Hi kia là một người thật thà, các Vạn Hồng cũng là chốn đất lành chim đậu, cho là từ đó mình có thể xây ổ đẻ trứng, cháu con đầy đàn. Ngờ đâu sự việc xảy ra đột ngột đập tan tính toán của nàng, còn nói với nàng: Cô nương, đây là Tái ông mất ngựa.
Cho dù nàng giỏi nhịn đến đâu thì lần này cũng phải phẫn uất. Nam Sương nghĩ thầm, mất cái đầu nhà anh ấy chứ chả mất, sau đó sửa sang lại vạt áo, đường hoàng nói với ba người ma đầu họ Vu: “Biết chuyện bi ai nhất khi ngồi xe ngựa là gì không?”.
Ba người lắc đầu.
Nam Sương nói: “Từ khi xe ngựa chạy, anh chỉ nghe được tiếng giục ngựa chứ từ đầu đến cuối không nghe thấy tiếng ghìm ngựa”.
Sau khi trầm mặc một lúc, chỉ mình Mục Diễn Phong cười ha hả. Đồng Tứ ngước mắt liếc hai chủ một cái rồi chuồn đi đuổi ngựa. Vu Hoàn Chi khẽ hắng giọng, ngẩng đầu nhìn phong cảnh trong núi, vẻ mặt thích ý, chỉ thiếu nước ngâm một điệu hát dân gian của Giang Nam.
Nam Sương nổi đóa, ném câu tiếp theo: “Xuống núi!”Hrooif phất tay áo, xoay người đi mất mà không quay đầu lại.
Mục Diễn Phong lại ngây người chốc lát, nhưng nghe ma đầu nhỏ họ Vu bên cạnh quẳng lại một câu như gió mát: “Đuổi theo”, áo xanh phấp phới, rất có phong thái xuất trần. Vì vậy thiếu chủ họ Mục thong thả đuổi theo, sóng vai với Nam Sương và giữ khoảng cách một trượng với ma đầu họ Vu.
Quá trưa, mặt trời ngã về tây không còn chói chang nữa nhưng lại mệt mỏi chiếu ra vẻ ủ rũ của người ta. Trong núi thỉnh thoảng có con suối trong chảy chậm, trên mặt là vài phiến lá rách hoa tàn, thấy được cả bùn cát dưới đáy. Dưới cây phong đỏ rực, vài bông cúc dại nở rộ.
Có điều Nam Sương chẳng còn lòng dạ ngắm cảnh, từ sáng sớm đến giờ, nàng chưa bỏ một hạt cơm nào vào bụng. Mục Diễn Phong áy náy về chuyện xe ngựa nên thừa dịp nghỉ ngơi, nhảy trên nhảy dưới hái quả, cứ như con khỉ hoạt bát đáng yêu vậy. Hắn dùng móng vuốt lau sạch quả lớn nhất đỏ nhất rồi đưa tới trước mặt Nam Sương, nói: “Em ăn đi”.
Nam Sương hào sảng nói cảm ơn rồi lại lâm vào trầm tư.
Từ khi sinh ra đến nay, Nam Sương vẫn được chăng hay chớ, phí sức suy nghĩ một việc như thế khiến Nam Sương cho là mình rất thâm trầm.
Từ lấy chồng đến hoàn thành lễ nghi thành thân đều thuận buồm xuôi gió, mã đáo thành công. Thế mà ngay lúc động phòng hoa chúc lại có sự cố.
Người tập võ đều dễ bị đánh thức trong lúc ngủ. Nhưng đêm hôm đó, Nam Sương đang yên đang lành thì buồn ngủ, sau khi ngủ say thì không hề tỉnh lại, còn bị đưa tới giường Mục Diễn Phong từ lúc nào không hay.
Rõ ràng là có người cố ý gây ra.
Người này không phải người của các Vạn Hồng, chắc chắn cũng không phải Mục Diễn Phong. Thiếu chủ họ Mục tùy tiện, song không phải kẻ làm chuyện mèo mả gà đồng, cho dù hắn trộm người cũng sẽ trộm một cách đường hoàng, chỉ sợ thiên hạ không loạn thôi.
Nghĩ đến đây, trong đầu Nam Sương chợt lóe lên một ý, không khỏi quay đầu nhìn thoáng qua.
Mạng đen che mặt phấp phới, Vu Hoàn Chi khẽ gật đầu với nàng, ung dung nhìn nàng.
Nam Sương quay đầu lại, nghĩ thầm, nếu việc này là do Vu Hoàn Chi gây nên… Nàng bỗng cực kỳ đau đầu. Nếu trộm nàng đến giường Mục Diễn Phong là hành vi của Vu Hoàn Chi thì lợi dụng mánh lới này để nàng gả vào trang Lưu Vân chính là mục đích của tay ma đầu họ Vu ấy.
Nhưng ma đầu Vu làm thế là cớ làm sao? Chẳng lẽ còn muốn lợi dụng kết hôn để nuốt chửng phái Thiên Thủy của nàng?
Không nói đến việc phái Thiên Thủy bề ngoài là giang hồ nhưng thực tế lại buôn bán, còn liên kết với triều đình, không phải môn phái võ lâm, cho dù một ngày kia, phái Thiên Thủy có thể trấn thủ một phương thì cũng chẳng đánh lại thiếu chủ trang Lưu Vân ở Giang Nam, chẳng đánh lại cung Mộ Tuyết thần bí khó lường, càng không đánh lại tuyệt học võ lâm “Thiên Nhất Công” và “bảy thức Mộ Tuyết” lừng lẫy khắp gầm trời.
Nam Sương có một đặc điểm, gặp phải chuyện bế tắc, không nghĩ ra thì sẽ dễ dàng không tập trung. Mà hễ không tập trung là suy nghĩ miên man. Vì vậy lần này trải qua đau đớn khiến nàng bất giác liên tưởng đến một trải nghiệm đau đớn khác trong cuộc đời này.
Nếu việc vì từ “chuyện phòng the” mà bị đuổi ra khỏi học đường còn có thể dùng tiền ép xuống, không khiến mọi người bép xép, vậy thì chuyện này thật đúng là nỗi nhục lớn của Nam Sương.
Sự việc xảy ra vào một tháng sau sự kiện chuyện phòng the. Tiểu Nam Sương rời khỏi học đường, tiên sinh dạy học mới chưa đến nên mỗi ngày nàng đều nhàn rỗi chơi chim ở sân sau. Sân sau có một đường mòn bằng đá trứng ngỗng khúc chiết thông tới đình tám góc.
Bên ngoài đình cây cỏ sum suê, mùa hè hoa hòe nở thơm ngát, lại có bóng cây khắp nơi nên cực kỳ mát mẻ.
Cách mười ngày nửa tháng, Nam Cửu Dương lại tụ họp với đám bạn xấu ở chỗ này, tâm sự cái gọi là đề tài của đàn ông: giang hồ, phụ nữ và thuật phòng the.
Ngày hôm đó, Nam Sương đang chơi một con chim sáo. Chim sáo trống đến thời kỳ sinh sản nên cực lỳ ồn ào. Nó âu sầu bực bội khi bị Nam Sương đùa bỡn cổ ở trong lòng bàn tay, một lòng muốn tìm chim sáo mái đẻ trứng.
Vừa lúc đám người Nam Cửu Dương đang lấy “giang hồ” làm lời mở đầu, lấy “phụ nữ” dẫn tình cảm vào rồi lấy “thuật phòng the” khiến tình cảm mãnh liệt để trò chuyện, đã tiến đến chỗ mấu chốt rồi.
Mắt chim sáo trống đảo hai vòng, thoát khỏi tay Nam Sương mà bay đi, đập cánh rồi hạ xuống nóc đình, rất giống quân tử leo xà nhà
[3].
Trọng tâm câu chuyện đang đến chỗ sục sôi, nước miếng mọi người văng tung tóe, không hề kiêng kỵ, mấy từ bất nhã như “trên dưới”, “ra vào”, “tốc độ” liên tiếp xuất hiện. Chim sáo trên đình nghe thấy thì hưng phấn đến mức toàn thân rung lên, lông vũ bay xuống.
Nam Sương nhỏ đến đình tám góc tìm chim sáo, đúng lúc thấy người cha già dung tục của nàng mừng rỡ như điên, vỗ bàn: “Anh Giang! Thuật phòng the diệu lắm, thực là diệu lắm thay!”.
Từ khi mẹ Nam Sương qua đời, Nam Cửu Dương thường xuyên không vui. Trông thấy cha vui vẻ, Nam Sương cũng cực kỳ mừng rỡ, gọi lanh lảnh: “Cha!”.
Trong chớp mắt, nắng hè chói chàng, cả thế giới sáng bừng lên. Nam nhi bảy thước trong đình, ai nấy đều uể oải như con gián không thấy ánh sáng, sắc mặt tái mét, thân hình cúi xuống, dở khóc dở cười nhìn Nam Cửu Dương như con gà trống thiến.
Vẻ mặt Nam Cửu Dương có thể nói là đứng đầu đám gà trống thiến, kêu lên như sắp khóc: “Ôi, con ơi!”.
Nam Sương vui sướng nhào vào lòng ông, hỏi một câu lấy mạng: “Cha ơi, thuật phòng the là công phu gì thế?”.
Nam Cửu Dương trả lời như xin tha: “Sương con ôi, công phu này vô cùng huyền diệu, dễ tẩu hỏa nhập ma. Đi chơi chim đi, chơi chim đi”.
Nghe xong hai chữ “chơi chim”, tiếng cười trộm liên tiếp vang lên xung quanh.
Nam Sương tò mò hỏi: “Thế cha có biết không?”.
Nam Cửu Dương nghĩ thầm, tuyệt đối không thể mất thể diện trước mặt người khác, thế là ông nói: “Biết chứ, tự nhiên là cha biết rồi”.
Lúc này lại có người xấu bụng bồi thêm một câu: “Cha cháu có thể nói là nhân tài kiệt xuất đấy”.
Tiểu Nam Sương kích động, hai mắt phát sáng, đôi tay nắm lấy cánh tay Nam Cửu Dương mà lắc: “Cha ơi, con chơi chim xong rồi nên tới tìm cha tập thuật phòng the đó, sau này chắc chắn sẽ thành nhân tài kiệt xuất!”.
Nam Cửu Dương chán nản ngồi ở trên băng ghế đá. Sau khi cười đùa, những người còn lại đều khuyên là trẻ con nói chuyện không biết kiêng kỵ, chỉ coi như trẻ con đùa thôi.
Nhưng sau việc này, trên giang hồ dần lưu truyền tin đồn thế này: đại tiểu thư phái Thiên Thủy có tri thức hiểu lễ nghĩa, đẹp người đẹp nết, chịu thương chịu khó, dáng người thướt tha, thân thể mềm mại, am tường… thuật khuê phòng.
Lời đồn ấy truyền đến xôn xao cả giang hồ, bởi lẽ ấy mà vài năm sau, Nam Sương được liệt vào một trong tam đại kỳ nữ, mệnh danh “Nam Thủy Đào Hoa”, ngụ ý: cô gái họ nam, hoạ thủy
[4], mệnh đào hoa.
Nam Sương được mười lăm tuổi, đã có nhận thức đối với ý nghĩa thật sự của chuyện nam nữ và thuật phòng the. Từ nhỏ nàng đã nổi tiếng, đã quen nên tạo thành tính cách bình tĩnh ôn hòa, lại thật thà hào sảng.
Nam Cửu Dương thì thua xa sự trấn định của Nam Sương. Đến tận bây giờ ông không dám nhắc chuyện liên quan tới “thuật phòng the” trước mặt con gái nữa, ngay cả hai chữ “tình ái” cũng không cho người dưới được đề cập trước mặt Nam Sương.
Kịch nam mà Nam Sương xem trừ đánh nhau thì thà quyền cước, nên nàng thật sự mơ hồ đối với hai chữ “tình ái” trên đời. Cứ như một vì sao nơi chân trời, nghe nói rất đẹp, ánh sáng thu hút người ta, nhưng nếu một ngày chấm nhỏ này ảm đạm đi thì cũng chẳng sao.
Cho nên nàng cho rằng quan hệ thông gia, động phòng chỉ là con đường mà một người phải đi qua, không liên quan đến tình yêu hay quan trọng gì cả.
Nam Sương trầm mặc hồi lâu. Còn suy nghĩ của Vu Hoàn Chi thì nặng nề như sương chiều, khi thì nghĩ tới một đóa hoa đào đỏ, khi thì lại nhớ tới một thức sinh gió, phá tuyết sương bên ngoài cung Mộ Tuyết.
Mục Diễn Phong cũng giống Nam Sương, thất thần nghĩ miên man. Khi một suy nghĩ lóe lên trong đầu, thiếu chủ họ Mục bỗng nhiên hét lớn một tiếng: “Thì ra là Vu Hoàn Chi nhà cậu!”. Cùng lúc ấy, hai người chân nam đá chân chiêu chạy tới từ chân núi, mặt mày xanh xao.
Nhìn thấy mấy người đi xuống từ trên núi, hai kẻ này không ngừng kêu to: “Đại hiệp cứu mạng!”.
Mấy tiếng gọi này làm suy nghĩ chắp cánh muốn bay trogn đầu thiếu chủ nhỏ nhà họ Mục trước đó sợ rụt lại. Vu Hoàn Chi vô tội hỏi: “Gì thế?”.
Mục Diễn Phong suy nghĩ hồi lâu, nhíu mày làm ra vẻ suy nghĩ sâu xa, cũng hỏi: “Gì thế gì thế nhỉ?”.
Nam Sương nghe xong lời của họ, quay lại nghi hoặc nói: “Gì mà gì thế?”.
Xa xa, Đồng Tứ ra roi thúc ngựa, rong ruổi đến, vui rạo rực gọi một tiếng: “Công tử!”.
[1] Một câu trong bài hát sông Dịch (Dịch th ủy ca) của Kinh Kha. Kinh Kha khi lên đường làm thích khách để ám sát Tần Thuỷ Hoàng, được Thái tử Đan và quần thần đưa tiễn đến bờ sông Dịch. Tương truyền, tại đây bạn thân là Cao Tiệm Ly gảy đàn trúc, và Kinh Kha khảng khái hát hai câu này. Câu tiếp theo là Tráng sĩ ra đi thề không trở về.
[2] Một ông già ở vùng biên giới bị mất ngựa, mọi người đến an ủi ông, ông bảo rằng:”làm sao biết đó không phải là cái phúc?”. ít lâu sau, con ngựa của ông quay trở về kéo thêm một con ngựa nữa. Mọi người đến chúc mừng, ông bảo biết đâu đó lại là hoạ. Quả vậy, con trai ông vì cưỡi tuấn mã bị ngã què chân. Mọi người đến an ủi, ông bảo không chừng thế lại là phúc. Chẳng bao lâu, có giặc, trai tráng phải ra trận, riêng con ông vì tàn tật được ở nhà sống sót.Ví với chuyện không hay trong một hoàn cảnh nào đó có thể biến thành chuyện tốt.
[3] Hán triều, trong nhà Trần Thực ban đêm có một tên ăn trộm nấp ở trên xà nhà, TrầnThực kêu hắn là “quân tử leo xà nhà”.
[4] “Hồng nhan họa thủy” xuất phát từ sách Tư trị Thông giám của Trung Hoa. Chuyện kể lại rằng vào thời Hán, Hán Thành Đế cho em của Triệu Phi Yến là Triệu Hợp Đức vào cung làm tiệp dư. Trước sự việc này, một quan nữ trong triều là Náo Phương Thành đã nói: “Thử họa thủy dã, diệt họa tất hĩ” (ý nói Đây là họa nước, nước ắt dập tắt lửa). Tức ví von Hán triều là lửa còn mĩ nhân là nước, nước ắt dập tắt lửa, nhà Hán ắt vì người đẹp mà tiêu vong.