Một Tòa Thành Đang Chờ Anh

Chương 6



Type: Mặc Kỳ Hàn

Tống Diệm tóm gọn cổ tay gã chỉ bằng một tay, chưa cần dùng sức, đối phương đã không thể cử động. Anh lạnh lùng chế giễu: “Đánh phụ nữ à? Cái tật chó má này học được ở đâu thế?”

“Mày buông tay ta. Nếu không... tao...” Đối phương lắp ba lắp bắp.

Tống Diệm hất hàm, hỏi ngược lại: “Nếu không thì sao?”

Gã bèn buông Hứa Thấm ra, giơ tay kia tấn công Tống Diệm. Anh bóp chặt nốt cổ tay còn lại của gã, bắt chéo hai tay gã, đẩy một cái, gã đàn ông bị hất văng, va thẳng vào tường.

Người vợ cuống quýt chỉ vào anh, hét toáng lên: “Bệnh viện này còn dám đánh người nữa hả?”

Tống Diệm khinh thường không thèm để ý đến cô ta, thấy Hứa Thấm vẫn còn đứng sau lưng mình, liền hất cằm về phía cửa, lớn tiếng: “Còn không ra cứu người đi, đứng đực ở đây hóng hớt cái gì?”

Hứa Thấm lập tức chạy đi, chỉ nghe phía sau loáng thoáng có tiếng Tống Diệm thản nhiên giở giọng du côn: “Bố không phải người của bệnh viện này nhé! Anh em của bố bị thương, mẹ kiếp, đứa nào dám gây sự ở đây làm chậm trễ việc cứu chữa thì bố đập gãy luôn chân chó của đứa đó.”

Thói đời này kẻ yếu sẽ bị kẻ mạnh bắt nạt, kẻ mạnh thì phải có kẻ mạnh hơn trừng trị. Hứa Thấm thầm nghĩ.

Người lính cứu hỏa bị thương tên Đồng Minh, người đi cùng cậu ta là Tiểu Cát. Hứa Thấm cắt ống tay áo của Đồng Minh, rửa sơ vết thương cho cậu ta. Đồng Minh đau đến mức đổ mồ hôi lạnh, gương mặt tro bụi lấm lem hằn thành từng nếp nhăn cáu bẩn.

Hứa Thấm động viên: “Cố chịu một chút, lát nữa sẽ tiêm thuốc tê cho cậu”, rồi ngẩng đầu lên ra hiệu với y tá Tiểu Nam ở bên cạnh. Tiểu Nam liền đi đến lau sạch bụi bẩn trên gương mặt Đồng Minh.

Nhưng cậu ta lại xấu hổ, cứ tránh tránh né né mãi.

Tiểu Nam nóng nảy: “Sao anh cứ né mãi thế?”

Đồng Minh bối rối giơ tay kia lên: “Để tôi tự lau, tôi tự lau.”

Tiểu Nam cười cười: “Tay anh sưng vù thế kia, còn bẩn nữa.” Nói xong, Tiểu Nam giữ chặt hai tay vừa giãy giụa lại, tiếp tục lau mặt cho cậu ta. Sau khi lớp tro đen kia được lau sạch, một khuôn mặt trẻ tuổi đỏ bừng bừng, có vài vết nẻ lộ ra.

Tiểu Nam biết cậu ta bị nẻ do lửa hun, động lòng trắc ẩn, không nói thêm gì nữa, chỉ cúi đầu tiếp tục lau tay cho Đồng Minh.

Hứa Thấm xử lý qua vết bỏng trên cánh tay và tiêm cho cậu ta một mũi thuốc tê, nhàn nhạt hỏi: “Ở hiện trường không có xe cứu thương à?”

Đồng Minh ngô nghê trả lời: “Tôi cũng không biết, tôi bị Tiểu Cát lôi đến đây.”

Tiểu Cát giải thích giúp: “Có, có. Nhưng không đủ, mới khiêng được mấy người dân bị thương lên đã chạy luôn rồi.”

Hứa Thấm hỏi thêm: “Không có xe cứu thương nào ở lại hiện trường sao?”

Tiểu Cát nhất thời im lặng.

Hứa Thấm bảo: “Đi khiếu nại đi.”

Tiểu Cát sửng sốt. Đồng Minh cũng ngây người. Tiểu Nam, Tiểu Bắc đều ngẩn ra, lòng thầm kêu khổ: Bác sĩ Hứa ơi, đó là xe của bệnh viện chúng ta đấy!

Đồng Minh cười ngây ngô, xua tay: “Gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau. Đều là người một nhà cả, có gì hay ho mà đi khiếu nại chứ. Hì hì!”

Hứa Thấm ngước nhìn cậu ta. Đồng Minh tưởng cô không hiểu, chiir cô rồi lại chỉ bản thân mình: “Bác sĩ và lính cứu hỏa không phải đều vì nhân dân phục vụ hay sao? Người một nhà, người một nhà cả, gây khó dễ cho nhau làm gì cơ chứ!”

Hứa Thấm cúi đầu tiếp tục làm việc, không nói gì nữa. 

Sơ cứu xong, cô kê thuốc uống và thuốc tiêm, sau đó Tiểu Nam dẫn Đồng Minh đi tiêm thuốc chống viêm. Lúc này, cô mới nhớ ra Tống Diệm, nhanh chóng quay trở lại phòng Khám bệnh nhưng không thấy anh đâu nữa, chỉ còn bác sĩ Lý thay ca cho cô đang khám bệnh.

Hứa Thấm quay ra đại sảnh, lơ đãng nhìn quanh mà không biết mình đang làm gì. Thoáng thấy một người đàn ông cao ráo chạy ra khỏi phòng tiêm, hướng thẳng đến cổng, cô liền nhấc chân đuổi theo, lách qua đại sảnh đầy kín người.

Người đàn ông kia chạy rất nhanh, bóng dáng cao lớn càng lúc càng xa. Hứa Thấm len lỏi qua đám đông, ra khỏi cổng, gấp gáp chạy xuống bậc thềm: “Tống Diệm!”

Anh dừng bước. Khi đó chính là thời khắc tươi đẹp, dịu dàng nhất của một ngày. Tia nắng ban mai soi lên bờ vai rộng, hắt một vầng sáng mỏng lên mái tóc đen nhánh của anh.

Hứa Thấm cố gắng ổn định lại hơi thở rối loạn, hai tay bỏ vào túi áo blouse, đi lên phía trước, cất tiếng gọi: “Tống Diệm!”

Tống Diệm quay người lại, nhìn về phía cô, khuôn mặt không mang chút cảm xúc.

Hai người đứng trong nắng sớm, lẳng lặng nhìn đối phương, mặc người qua kẻ lại xung quanh.

Tống Diệm lạnh lùng hỏi: “Có việc gì không?”

Hứa Thấm chẳng biết phải bắt đầu thế nào, chỉ đành mở lời bằng một câu quen thuộc: “Đã lâu không gặp.”

Tống Diệm nheo mắt, dường như đang nghiêm túc nhớ lại một chút rồi mới trả lời: “Lâu lắm rồi.”

Hứa Thấm hỏi: “Anh sống thế nào?”

Tống Diệm gật đầu thô lỗ, dường như rất không kiên nhẫn: “Rất tốt, còn cô?”

Hứa Thấm nhìn vào mắt anh, lắc đầu đáp: “Không tốt.”

Nụ cười trên mặt Tống Diệm khựng lại. Anh quan sát gương mặt cô, một lát sau khẽ nhếch miệng, vẻ mặt như thể đã nhìn thấu trò lừa phỉnh nhằm cầu xin lòng thương hại của cô. Anh thờ ơ hỏi, như muốn kết thúc đoạn đối thoại: “Thế à? còn việc gì nữa không?”

Hiển nhiên anh không buồn quan tâm, cũng không có tâm tư chơi trò quanh co, vòng vèo với cô.

Nhưng Hứa Thấm không hề xấu hổ, vẫn điềm nhiên như không, lên tiếng: “Chuyện vừa rồi, cảm ơn anh.”

Tống Diệm khách sáo: “Tôi vì anh em của mình mà thôi.”

Hứa Thấm gật đầu, vẫn tiếp tục bằng giọng lịch sự: “Còn lần trước nữa...”

“Hứa Thấm!” Tống Diệm thô lỗ ngắt lời, đôi mắt đen sâu thẳm nhìn xoáy vào gương mặt đối diện như muốn xé toạc cuộc nói chuyện vờ vịt này. “Rốt cuộc cô muốn gì?”

“Có rảnh không? Đi uống tách cà phê nhé!” Sự lạnh nhạt của anh không làm Hứa Thấm chùn bước.

Tống Diệm nhìn cô đăm đăm, cuối cùng nở nụ cười quái gở, không hề che giấu vẻ mỉa mai. Hứa Thấm cảm thấy giờ phút này, gương mặt cô nên đỏ gay như bị lửa đốt mới đúng, nhưng trái lại, cô không hề cảm thấy xấu hổ, vẫn tiếp tục mặt dày: “Có được không?”

“Bận lắm!” Tống Diệm hơi nghiêng người, nhếch lại gần cô hơn, cằm khẽ nhếch đầy cợt nhả: “Xếp hàng lấy số đi.”

Hứa Thấm vẫn điềm nhiên.

Tống Diệm đứng thẳng người, để lại một câu: “Đến số sẽ gọi cô.”

Anh bỏ đi với tư thái ung dung điềm nhiên, không hề ngoảnh đầu.

Hứa Thấm vẫn đứng chôn chân ở đấy, nheo mắt nhìn theo đến khi bóng lưng anh biến mất sau cánh cổng rồi mới quay người trở vào bệnh viện.

Vừa vào cửa đã chạm mặt đồng nghiệp bên trung tâm Cấp cứu 120, cô hỏi: “Lúc nãy có cử xe cứu thương đến vụ hỏa hoạn không?”

“Có chứ, điều bốn xe đấy.” Đồng nghiệp trả lời.

“Người bị thương nhiều lắm hả? Tại sao không có nhân viên y tế nào chữa trị cho lính cứu hỏa, thậm chí còn không có xe nào ở lại hiện trường nữa?”

“Ôi, đừng nhắc nữa. Vốn có xe ở lại hiện trường đấy chứ, nhưng mấy người dân bị thương nhẹ được xử lý xong rồi mà vẫn cứ khăng khăng bảo khó thở, muốn kiểm tra toàn diện, ầm ĩ đòi đến bệnh viện, chúng tôi cũng hết cách.” Người kia lắc đầu kể lại, giọng không nén nổi sự ngao ngán.

Hứa Thấm không hỏi nhiều nữa, thay quần áo rồi ra về.

***

Hứa Thấm ngủ một giấc dài, tỉnh lại thấy còn ba tiếng nữa mới đến giờ đi làm. Cô gọi thức ăn, mang đến bên ban công, vừa ăn vừa ngắm nhìn mấy tòa cao ốc và dãy nhà lọt thỏm trong khu phố Ngũ Phương. Trước đó không lâu, cả mảng tường ngói đỏ sẫm đã bị đốt cháy đen sì.

Cô không biết mình đang suy nghĩ điều gì, hoàn hồn đã thấy mình đi đến ngã tư đường. Bước vào phố Ngũ Phương, bản thân thoáng chốc từ nơi đô thị phồn hoa rơi vào trấn nhỏ mộc mạc: Con ngõ lát đá xanh, mái nhà lợp ngói, chuông gió kêu leng keng trên gác xép.

Hứa Thấm chậm rãi bước qua đoạn phố nơi có cửa hàng may mặc, tiệm hương liệu, cửa hiệu cắt tóc, quán ăn nhỏ, quầy thịt lợn, cửa hàng bán gạo... Không khí tràn ngập mùi vải dệt, mùi hương liệu, mùi dầu gội đầu, mùi thức ăn và cả mùi lá trên ngọn cây quất cao cao, phiêu diêu lượn lờ xuyên suốt ngõ hẻm.

Hứa Thấm đi hết con đường nhỏ tất bật ấy, phát hiện bấy lâu nay, thế giới bên ngoài đã thay đổi rất nhiều, nhưng con phố Ngũ Phương này vẫn hệt như thuở ban đầu. Bên khóe miệng bà chủ tiệm hương liệu vẫn còn nốt ruồi duyên, chủ hiệu may vẫn thích diện áo dài nam, ông thợ cắt tóc vẫn để mãi một kiểu đầu húi cua như thế...

Cô cũng dễ dàng tìm được con đường thông đến nhà Tống Diệm, cảm giác quen thuộc như đường về nhà mình, giống như một dạng bản năng được khắc sâu trong tâm khảm.

Tống Diệm được cậu mợ nuôi lớn, sống tại một căn tứ hợp viện treo bảng hiệu “Địch Ký” trong một con ngõ sâu của phố Ngũ Phương. Mở cánh cửa gỗ ra, vòng qua bức tường đắp phù điêu sẽ thấy trên hành lang, trên sân, đâu đâu cũng chất đủ các loại đồ thủ công bằng gỗ.

Cậu Tống Diệm là con thứ ba trong nhà, làm nghề thợ mộc, tay nghề tinh tế, nổi tiếng gần xa. Cậu anh làm mọi thứ, từ vật dụng nhỏ như hộp trang điểm cho đến đồ nội thất như tủ treo quần áo. Tất cả dường như đều có thể “nở hoa” trong tay ông.

Hứa Thấm đứng ở khoảnh sân rộng rãi, trong chốc lát, chợt nhớ ra, sân viện này vốn không hề chật chội như bây giờ.

Tường đỏ ngói sẫm in hằn dấu vết năm tháng tang thương, trên đầu vẫn là bầu trời xanh vời vợi.

Trong sân vọng lại tiếng tivi, hai cây sơn trà ở hai bên nhà chính bây giờ đã cao vút như lọng tre. Cây tử đằng năm đó cô trồng cũng đã bò đầy trên mái gian phòng phía tây, rủ xuống như chiếc rèm.

Nơi đó là phòng của Tống Diệm.

Tất cả như chưa từng thay đổi.

Hứa Thấm nhẹ nhàng vuốt ve khúc gỗ trong tay. Cô nhớ, ở nơi này, cậu Địch từng dạy cô nghề mộc. Nhìn chiếc bào đẩy trên mặt gỗ tạo nên những lớp gỗ mỏng xoăn tít như hoa, cô cao hứng cười thích thú.

Cô từng hạnh phúc thốt lên rằng: “Tống Diệm, em thích nhà anh quá!”

Cậu nhóc Tống Diệm lúc ấy ngồi trên cọc gỗ, hai ngón tay kẹp điếu thuốc, nghiêng đầu nhìn cô, cười rộ: “Nói miệng cũng vô dụng. Em có dám nhập hộ khẩu vào nhà anh không?”

Hứa Thấm dừng tay, cũng ngừng luôn cả cười, nhìn anh không chớp mắt. Anh kề sát người cô, thì thầm mơn trớn: “Anh cam đoan, đời này đến chết chỉ thương mình cưng thôi.”

Cậu Ba của Tống Diệm đi đến, vỗ vào đầu anh một cái đau điếng: “Lại hút thuốc nữa, lỡ mà cháy nhà cháy xưởng, xem mợ mày có thịt mày luôn không!”

Trong sân bỗng vang lên tiếng bước chân, kéo Hứa Thấm trở về thực tại. Cậu Ba thấy có người đến nhà mình, bèn đi gia khỏi gian chính: “Cô muốn đặt gì?”

Hứa Thấm quay đầu, phát hiện cậu đã già đi rồi.

Cũng chính khoảnh khắc đó, khoảnh sân tưởng chừng đã ở lại cùng thời gian bỗng thay đổi, có vật gì đó rõ ràng đã phai màu theo năm tháng. Cuối cùng, cô cũng thấy rõ, bức tường vốn đỏ thẫm bị phơi dưới ánh mặt trời từ năm này qua tháng nọ nay đã bạc phếch, mái ngói vàng óng kia cũng bị mưa làm cho loang lổ cả.

Nụ cười trên mặt cậu Ba bất chợt khựng lại, ngượng ngùng, đè nén, cuối cùng tắt lịm.

Hứa Thấm hít vào một hơi thật sâu, cất tiếng gọi: “Cậu.”

“Ồ, cô Mạnh à?” Cậu Ba khôi phục vẻ bình thường, cất giọng khách sáo: “Hôm nay đột ngột đến đây có việc gì không?”

Hứa Thấm dè dặt: “Cháu đến tìm Tống Diệm...”

Lời còn chưa dứt, đã thấy cô em họ Địch Miểu lao ra khỏi nhà: “Cái thứ đàn bà hư hỏng như cô còn dám vác mặt đến tìm anh tôi à? Năm đó, cô suýt hại chết anh ấy còn chưa đủ sao, cô...”

Mợ Tống Diệm đi ra, vừa kéo vừa đẩy Địch Miểu vào trong nhà.

Hứa Thấm không nghe rõ lời của Địch Miểu cho lắm, tiến đến một bước, hỏi lại: “Em ấy vừa nói...”

Mợ Ba cắt ngang: “Nó không có ở đây.”

Hứa Thấm nhìn thoáng qua gian phòng phía tây theo bản năng, cửa phòng đang khóa chặt, cửa sổ bằng gỗ cũng đóng im lìm. Nước sơn đỏ trên tường đã bạc màu, có nơi còn bong tróc thành từng mảng xám trắng, chỉ có dậy tử đằng trên mái hiên là tươi tốt.

“Bây giờ, anh ấy ở đâu ạ?” Hứa Thấm gấp gáp hỏi: “Có thể nói cho cháu biết được không?”

“Được chứ!” Mợ Ba mỉm cười xa lạ, nói với cô: “Bây giờ, nó làm lính cứu hỏa, trực thuộc quân đội, ở trong doanh trại. Không thể tự ý ra vào.”

Ý là... cô không gặp được anh nữa rồi. Không còn dễ dàng như năm đó, thời khắc nào anh cũng ở đây, đợi cô chạy đến tìm.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.