Mụ Phù Thủy

Chương 5



Dĩ nhiên, cũng có những lúc khó khăn, chẳng hạn như những lúc con gấu ốm nặng. Thật là một cực hình cho Miriam khi nó kêu gào đòi mời bác sĩ. Rồi nó hiểu rằng chuyện đó không thể có được. Nàng không biết làm gì ngoài việc cầu nguyện. Thế mà lời cầu nguyện của nàng được đáp lại. Con gấu hạ cơn sốt, không rên rỉ nữa, rồi đỡ dần. Lại có những lúc chính nàng ốm. Vào một mùa thu nọ, nàng ngã bệnh trong những ngày phép. Nàng ốm nặng đến nỗi không thể tự đến bác sĩ được. Cũng không có cách nào gọi bác sĩ đến nhà. Mà có gọi cũng không được dù nàng là chủ nhà nhưng lại là người giữ con gấu trong chuồng. Hình như nàng cũng đang bị giam cầm trong một loại ngục tù. Cơn sốt dữ dội hành hạ nàng nhiều ngày. Cái duy nhất giúp nàng không gục ngã là tiếng kêu thống thiết của con gấu. Bỏ mặc cho nó chết thì dễ quá .. nhưng nàng không thể ... con gấu đói ... nó cần có nàng ...

Vì thế, nàng gom hết sức lực để sống và để nhìn thấy con gấu vục mặt vào những dĩa thức ăn mà với cố gắng phi thường, nàng đem xuống cho nó. Nàng vui sướng thấy nó ăn ngon lành, đó là phần thưởng xứng đáng cho nỗ lực đáng thương của nàng.

Có lẽ chuyện ghê gớm nhất đã xảy ra là khi chảo mỡ bị bắt lửa trên bếp. Trong cơn sợ hãi điên cuồng, nàng đã dập tắt được ngón lửa. Tay nàng bị bỏng nhiều chỗ. Không phải sự đau đớn làm cho nàng sợ. Điều làm nàng sợ là ngọn lửa lan qua đồ đạc. Con gấu sẽ bị thiêu sống. ý nghĩ đó làm nàng phát ốm. Nàng vắt óc tìm một giải pháp nếu chuyện đó xảy ra thật. Nàng chợt nhớ tới Harry, người chồng cũ của nàng (nàng quên hắn nhiều năm qua) có một khẩu súng lục. Nàng lên lầu, tìm thấy nó trong tủ cũ của Harry. Nàng thấy an tâm. Vật này sẽ đem đến cho con gấu cái chết nhanh chóng, không đau đớn.

Một ngày nọ, lò sưởi bị sụp. Việc sửa chữa nó không trong khả năng của nàng. Thế là cà phê cho con gấu đêm đó được pha thêm thuốc ngủ. Ngày hôm sau, khi nó đang say ngủ vì thuốc, nàng lấy khăn trải giường phủ kín cái chuồng, kê những đồ đạc không dùng sát cửa chuồng rồi gọi thợ xây.

Những người thợ không hề biết chỉ cách đó vài thước có một sinh vật đã từng là người, đang ngủ say.

Nhiều năm nữa trôi qua.

Mùa hè năm đó, tôi chẳng có việc gì, hơn nữa, tôi mới mười sáu tuổi. Cha mẹ tôi chết trong một tai nạn xe hơi cách đó vài tháng. Tôi đi chơi với ông nội tôi ở Wilton Falls. Ông nội tôi là một quan tòa. Ông thường dùng túp lều nhỏ ở đó vài lần vào mùa thu trong những cuộc săn bắn nhưng năm nay ông đi sớm cùng tôi. Có lẽ ông nghĩ rằng thú câu cá và những trò chơi trong rừng sẽ tốt cho tôi, giúp tôi quên đi chuyện bất hạnh.

Tôi ở trong rừng cả ngày hôm đó, chỉ có mình tôi. Khi tôi đi ngang qua khu vườn có hàng rào bao quanh của gia đình Winters, lúc đó đã mục nát. Tôi đạp thử vào dây thép gai. Nó bung ra. Nhanh nhẹn, tôi nhảy qua và rơi vào khu vườn im lìm. Một ngôi nhà cổ kính có vẻ tiêu điều hiện ra trước mặt tôi. Tôi ngạc nhiên. Có ai trong đó không nhỉ ? Có lẽ không vì trông có vẻ hoang phế quá. Tôi đi loanh quanh dò xét và tôi bỗng thấy một cái nắp hầm bằng gỗ đã mục trên bãi cỏ sau nhà. Trong hầm tối thui. Giây lát sau, tôi mới nhận ra có ánh đèn leo lét. Thẳng ngay bên dưới có một cái gì trông giống như cái chuồng. Có cái gì thù lù trong đó.

Một cái bóng ? Không, hình như nó cử động.

Thình lình, tôi thấy một đầu tóc rối bù, một cặp mắt trắng dã, thất thần, ghê rợn mà tôi chưa bao giờ trông thấy. Tim tôi như muốn rớt ra ngoài. Không thể tin được ! Tôi cứng người như thể bị cặp mắt đó giữ chặt... Cái đầu bờm xờm quay đi và tôi thoát ! Tôi chạy, chạy như điên giữa ánh nắng gắt của buổi trưa hè, trên bãi cỏ của khu vườn ma quái. Nhảy qua những dây thép gai, mặc cho những gai nhọn xé rách áo quần, da thịt. Tôi chạy chậm dần khi gần đến túp lều của ông tôi. Tôi cảm thấy xấu hổ vì tôi chẳng còn bé bỏng gì, mười sáu tuổi rồi cơ đấy ! Thế mà chạy như thỏ ... nhưng hình ảnh đôi mắt đó hiện lại trong đầu làm tôi cứ toát mồ hôi.

Ông tôi đang lúi húi bên bếp khi tôi vào.

- Cháu đã về đấy à ... ông đang không biết cháu ở đâu ... sắp ăn rồi ...

Tôi đứng im, lưng dựa cửa, thở dốc :

- Ông ơi ...

Cố trấn tĩnh, nhưng giọng tôi cứ run. Ông tôi quay lại. Mắt ông loang loáng.

- Chuyện gì vậy cháu ? Sao cháu hoảng hốt vậy ?

Tôi cố gắng lấy lại bình tĩnh nhưng không được.

- Ông ơi, ai sống trong ngôi nhà ở bìa rừng kia vậy ?

Ông tôi nhíu mày.

- ở bìa rừng ... à ... nhà Winters ... có chuyện gì vậy ?

- Cháu vừa ở đó về, cháu thấy ...

- ở đó ? Xung quanh có hàng rào mà ? Cháu không leo rào vào nhà người ta đấy chứ ?

- Nhưng hàng rào thép gai mục nát hết rồi ... cháu không thấy có bảng cấm. - à, có lẽ bị mất rồi ... nhưng ở đây ai cũng biết đó là khu vực của gia đình Winters.

- Nhưng cháu không biết. Cháu nhìn vào cửa một nắp hầm ... có cái gì trong đó giống như cái chuồng ... có một người đàn ông ...

Ông tôi kéo một cái ghế lại bên bàn, ngồi xuống ôn tồn :

- Cháu kể đầu đuôi cho ông nghe nào ... cháu nói cái gì ? Cái chuồng? Một người đàn ông?

Tôi kể lại. Ông tôi có vẻ không tin.

- Cháu thấy thật chứ ? Không tưởng tượng chứ? Ai cũng biết bà Winters sống ở đó một mình. Cuộc đời bà ta thật bi thảm. Chồng bỏ, con trai chết trận. Ông không muốn những tiếng đồn không tốt về bà ta lan khắp nơi do cháu của ông bịa ra, điều đó sẽ xúc phạm ghê gớm đến bà ấy.

- Không, cháu nói thật mà ! Ông đến mà xem ...

Có lẽ lời lẽ thành khẩn của tôi làm ông tôi ngạc nhiên. Ông đứng dậy.

- Được, đi, nhưng ông không thích trò này chút nào. Ông tin chắc cháu chỉ tưởng tượng.

Đêm đó, cả tỉnh Wilton bàng hoàng.

Cảnh sát cưa ổ khóa cho Harry ra ngoài bầu trời tự do. Giờ đây, hắn đã là một ông già mắt kém, chân run. Người nữ quản lý thư viện dịu dàng kia được đưa vào một "nhà bảo vệ", lời yêu cầu duy nhất của nàng là "con gấu" phải được chăm sóc cẩn thận. Khi người ta hứa sẽ trông nom hắn, nàng mới chịu đi. Thật ra, cả hai đều được đưa đến nhà thương điên của tỉnh.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.