Mùa Hoa Thứ Hai Mươi Tư

Chương 16: Hàn huyên



Miên Nhi cũng biết mình rất vô lý.

Nàng vốn chẳng có quyền gì mà ghen tuông đố kị. Lúc đó nghĩa phụ còn chưa biết nàng là ai, cho dù có lên thuyền hoa mua vui thì cũng đâu đến lượt nàng quản thúc. Chẳng qua, nàng chỉ ỷ được cưng chiều mà làm mình làm mẩy thôi.

Càng nghĩ, Miên Nhi càng tủi thân, nước mắt trào ra, lại ương ngạnh không muốn lên tiếng xin lỗi nghĩa phụ.

Thẩm Bạch sợ nhất là nước mắt của nàng, bèn ngồi xuống bên cạnh, nhẹ nhàng ôm nàng vào lòng, dỗ dành:

"Miên Nhi ngoan, đừng khóc, đang yên đang lành tại sao lại khóc..."

Miên Nhi hờn dỗi đẩy người ta, nói:

"Nghĩa phụ lên thuyền hoa mà dỗ đi."

Thẩm Bạch thở dài, đưa tay vỗ nhẹ lên lưng nàng, khẽ hỏi:

"Miên Nhi đi theo ta đã năm năm, có từng thấy vi phụ lui tới chốn gió trăng, trầm mê tửu sắc hay chưa?"

Miên Nhi thành thật lắc đầu, không thể phủ nhận điều này.

Thẩm Bạch mỉm cười, từ tốn giải thích:

"Quan trường là chốn nhơ nhuốc, thân ở nơi đó mà quá trong sạch lại hóa thành kẻ lạc loài, mà lên thuyền hoa cũng đâu nhất thiết phải mua vui. Nếu vi phụ thật sự có lòng ham sắc đẹp, hậu viện trong phủ đã dập dìu yến oanh, cần gì vò võ một mình..."

Miên Nhi nghe vậy, lập tức tỏ vẻ điêu ngoa, nói:

"Người dám sao! Nghĩa phụ dám cưới thêm tiểu thiếp, Miên Nhi sẽ..."

Nàng chưa nói hết câu, Thẩm Bạch đã cúi xuống, đặt một nụ hôn phớt nhẹ lên má nàng, tủm tỉm nói:

"Vi phụ nào dám."

Thẩm cô nương đang hùng hổ là thế, lập tức ỉu xìu như con hổ giấy, hai má đỏ ửng lên.

Nàng nghĩ ngợi một lúc, mới ngập ngừng hỏi:

"Nghĩa phụ... Có phải Miên Nhi điêu ngoa lắm không? Có phải là nghĩa phụ thích người hiền lành khoan dung như nghĩa mẫu hơn không? Ghen tị là một trong thất xuất chi điều...."

Thẩm Bạch bật cười, đưa tay nhéo nhéo chóp mũi nàng, nói:

"Tuy rằng vi phụ đọc sách thánh hiền từ nhỏ, vẫn không đồng tình với cái gọi là tam tòng tứ đức, nữ tắc phụ đạo. Nữ tử chỉ cần không mang lòng dạ hiểm ác, không có ý đồ bất chính, thì tức là có đức. Đức không nằm ở hành vi bên ngoài, mà ở trong lòng người. Thế nên, khi dạy dỗ Miên Nhi, ta đã cố tình không nhắc tới những thứ đó. Miên Nhi nên sống theo cách mà mình muốn, thích làm gì thì làm đó, thích hờn giận thì hờn giận, thích điêu ngoa thì điêu ngoa, không nên để cái nhìn của người khác ảnh hưởng đến mình. Cho dù người đó có là vi phụ, Miên Nhi cũng không nên vì lấy lòng ta mà ép mình theo khuôn phép. Ví như... sau này Miên Nhi có gả cho người nào, nếu người đó chỉ yêu dáng vẻ nhu thuận hiền lành của Miên Nhi, không thể chấp nhận được tật xấu, thì cũng không phải là kẻ thật lòng, không xứng nương tựa cả đời."

Miên Nhi ngước đầu nhìn người, chỉ thấy thần sắc của nghĩa phụ rất dịu dàng, rất nghiêm túc, không hề có chút nào giả dối. Nàng chợt nhớ tới năm mình mười ba tuổi, bắt đầu đến thư viện học, bị các tiểu thư khác chê cười vì đôi chân không bó thô kệch, bảo rằng sẽ không có ai thèm cưới nàng. Khi ấy, nàng đã chạy về khóc với nghĩa phụ. Nghĩa phụ ôm nàng vào lòng dỗ dành, nói: "Nữ nhi của Thẩm Bạch ta sao phải gò mình khom lưng để làm vui lòng nam nhân khác chứ? Loại nam nhân xem trọng đôi chân hơn phẩm hạnh tài hoa thì gả cho chi bằng không gả? Ngày nào còn vi phụ ở đây, kẻ nào dám chê cười Miên Nhi của ta?"

Sau đó, tất cả những tiểu thư từng chê cười nàng trước kia, bấy giờ gặp nàng đột nhiên khúm núm sợ hãi, không ai dám lời ra tiếng vào nữa.

Từ nhỏ đến lớn, dưới sự che chở của nghĩa phụ, nàng trở nên kiêu ngạo, bướng bỉnh, ghen tuông tị nạnh, hiếu thắng điêu ngoa, toàn những tính xấu mà các tiểu thư khuê các không dám nghĩ tới. Nghĩa phụ lại chưa từng quản thúc, còn lấy đó là tự hào.

Lớn lên bên một nam nhân có phong thái cuồng sĩ Ngụy Tấn như nghĩa phụ, sao Miên Nhi còn có thể để những kẻ thất phu hủ nho tầm thường kia vào mắt?

Miên Nhi tựa đầu vào lòng nghĩa phụ, ngập ngừng hỏi:

"Vậy... nghĩa phụ cảm thấy giống như Miên Nhi tốt hơn, hay là giống như... giống như nghĩa mẫu thì tốt hơn?"

Thẩm Bạch hơi ngẩn ra, một lúc sau mới mỉm cười, xoa đầu nàng, đáp:

"Miên Nhi có điểm tốt của Miên Nhi, nàng ấy có điểm tốt của nàng ấy. Tuy rằng nàng ấy rất hiền thục, nhưng quá nhiều gánh nặng, luôn bị tam tòng tứ đức kiềm nén, chưa từng được sống vui vẻ tự do tự tại. Miên Nhi cứ là Miên Nhi thì tốt hơn, không cần phải học theo nàng ấy. Chúng ta là người chí thân, Miên Nhi nghĩ gì cứ thoải mái bộc lộ trước mặt vi phụ, không cần kiêng dè gì. Ta... thích Miên Nhi như vậy."

Miên Nhi nghe vậy, lòng rộn ràng như tiếng trống, nhoẻn miệng cười thật tươi.

Thẩm Bạch cúi đầu nhìn, chỉ thấy thiếu nữ trong lòng mình hai mắt long lanh, đôi má đỏ hồng, kiều diễm khôn xiết. Trước đây, người nhìn nàng, luôn bất giác nghĩ tới vong thê, tự an ủi rằng chẳng qua bản thân chỉ là quá tưởng niệm thê tử, chẳng phải kẻ có dục vọng xấu xa. Bây giờ, càng lúc người càng cảm thấy nàng không giống thê tử mình, không thể nào nhầm lẫn được nữa. Thế mà, người vẫn không kiềm được lòng mình.

Thẩm Bạch cúi xuống, khẽ hôn nàng. Miên Nhi đã sớm quen, cũng không có ý muốn chống cự, mềm người ra ngả vào lòng người.

Đương lúc nhu tình mật ý, bên ngoài chợt có tiếng Trương Tam bẩm báo:

"Thưa lão gia, có thuyền của Tạ nhị gia đi ngang qua, trông thấy thuyền của Thẩm phủ ta bèn dừng lại muốn xin bái phỏng. Xin hỏi ý của lão gia thế nào?"

Thẩm Bạch rời khỏi đôi môi của cô nương trong lòng, cẩn thận chỉnh trang lại cho nàng, kéo cổ áo lập lĩnh che đi vết hôn trên chiếc cổ trắng ngần. Xong xuôi, người mới khẽ ho một tiếng, bảo:

"Mời Tạ huynh vào đi."

Một lúc sau, tấm rèm cửa bằng gấm của khoang thuyền được vén lên, có hai bóng người bước vào, đi trước là Tạ Viễn, người theo sau là Tạ công tử Tạ Dung. Nhìn sắc mặt Tạ Dung hơi ủ dột, có vẻ nặng trĩu sầu muộn, không lấy gì làm vui vẻ.

Hai cha con cùng cúi chào, Thẩm Bạch và Miên Nhi cũng đứng lên đáp lễ lại.

Tạ Viễn cười nói:

"Thật là cơ duyên xảo hợp, cha con ta đi ngang qua đây, tình cờ thấy chiếc thuyền có cờ hiệu của Thẩm phủ, mới đoán là Thẩm huynh cũng đang du sông, ai ngờ đúng thật là thế, còn có Tiểu Miên Nhi đi theo. Bái phỏng đột xuất, thật là thất lễ, mong Thẩm huynh chớ trách."

Thẩm Bạch rót trà mời khách, bảo:

"Chỉ có chút trà bánh, mời Tạ huynh cùng lệnh công tử dùng tạm."

Tạ Viễn khoát tay, nói:

"Chỗ thân quen lâu năm, chớ khách sáo làm gì."

Được một tuần trà, Miên Nhi tinh ý nhận thấy thần sắc của Tạ Viễn và Tạ Dung hơi là lạ, bèn hỏi:

"Sao Tạ bá bá lại có vẻ không vui vậy? Lẽ nào là trà không ngon?"

Tạ Viễn lắc đầu, thở dài nói:

"Không phải, không phải. Ài, nói ra thật xấu hổ, khuyển tử vừa lên kinh tham gia kỳ thi mùa xuân này, chỉ tiếc là bất tài không đỗ đạt, đúng là hổ mặt thế gia."

Tạ Dung vô cùng áy náy, cúi gằm đầu, rầu rĩ nói:

"Xin lỗi phụ thân, hài nhi bất hiếu, làm mất mặt Tạ gia."

Tạ gia là sĩ tộc thế gia nhiều đời, từ xưa đã nổi danh quyền quý, đến đời này lại không có nổi một Tiến sĩ, đúng là sự sỉ nhục lớn.

Miên Nhi ngồi bên cạnh nghe hắn nói vậy, che quạt lại, khẽ bật cười một tiếng, Tạ Dung càng ngượng đỏ mặt.

Thẩm Bạch khẽ ho, cất tiếng nhắc nhở:

"Miên Nhi, đừng thất lễ."

Miên Nhi bèn đứng dậy, mỉm cười ngọt ngào, bảo:

"Đêm nay là Nguyên Tiêu, không nên buồn tẻ như vậy, hay là để Miên Nhi hát một khúc mua vui cho mọi người."

Nàng hắng giọng, bắt đầu cất tiếng hát:

"Thúc đới phát cuồng dục đại khiếu,

Bạ thư hà cấp lai tương nhưng.

Nam vọng thanh tùng giá đoản hác,

An đắc xích cước tháp tằng băng." (1)

Thẩm Bạch nhíu mày lại, nhưng không lên tiếng can ngăn, Tạ Viễn cũng sầm mặt xuống, Tạ Dung càng nghe mặt càng đỏ lựng, cuối cùng bỏ ra ngoài.

Miên Nhi cũng đi theo hắn, bước ra ngoài mạn thuyền, thấy hắn đang ngồi thẫn thờ nhìn mặt hồ lung linh ánh đèn.

Nàng khẽ cười, che quạt ngang mặt, hỏi:

"Cớ gì mà công tử lại buồn bực không vui?"

Tạ Dung ngước đầu nhìn nàng, cắn răng nói:

"Cô... Cô... Tiểu thư quá đáng lắm, ban nãy... cô đang hát cười nhạo ta đấy ư?"

Miên Nhi cười, lại hỏi:

"Thế công tử nói xem, ban nãy tiểu nữ hát về ai?"

Tạ Dung đỏ mặt, đáp:

"Chẳng phải đó là thơ của Đỗ Phủ tiên sinh hay sao? Đỗ Phủ đời Đường nhiều lần thi cử không đỗ, cuối cùng phải thỉnh cầu hoàng đế ban cho chức quan nhỏ trông coi vũ khí. Than ôi, một bậc tài hoa không được trọng dụng, một tấm lòng son ưu hoài cho dân cho nước lại không được đoái hoài..."

Miên Nhi che miệng cười, lại hỏi:

"Vậy công tử có biết từ đời Đường đến nay có bao nhiêu người từng đỗ đạt Trạng nguyên, bao nhiêu Bảng nhãn, bao nhiêu Thám hoa, bao nhiêu Tiến sĩ hay không? Công tử có nhớ được rõ ràng họ tên từng người họ hay không?"

Tạ Dung ấp úng, nói:

"Từ đời Đường đến nay đã qua ngàn năm, sao có thể nhớ rõ tường tận từng người chứ?"

Miên Nhi mỉm cười, nhìn hắn, chậm rãi nói:

"Vậy tại sao công tử lại nhớ rõ Đỗ Phủ tiên sinh, cho dù ông ấy chưa từng đỗ đạt, cả đời bất đắc chí?"

Tạ Dung đáp:

"Lão Đỗ tiên sinh là bậc Thi Thánh, cũng như ngài Nguyên Chẩn từng nói: "Từ khi có thi nhân đến giờ, không có ai vĩ đại bằng Tử Mỹ!" Tại hạ kính ngưỡng tài thơ của tiên sinh, lại càng kính ngưỡng tấm lòng ưu lo cho dân cho nước của ngài."

Miên Nhi gật đầu, nói:

"Vậy thì cớ gì công tử còn để ý công danh ngựa xe khanh tướng như thế? Nghĩa phụ ta nói, xưa nay kẻ truy cầu vinh hoa phú quý nhiều vô số kể, chỉ có người tài hoa hiền đức mới lưu danh thiên cổ. Trăm ngàn năm sau cũng hóa thành trần thổ, công danh áo gấm có ý nghĩa gì đâu?""

Tạ Dung giật mình, chợt hiểu ra, bèn chắp tay cúi đầu nói:

"Tại hạ đã hiểu, đa tạ tiểu thư chỉ điểm, một lời nói như bừng tỉnh cơn mê. Uổng cho tại hạ đọc sách thánh hiền, lại còn không sánh bằng một nữ tử khuê các."

Miên Nhi nhíu mày, tỏ vẻ không vui, hừ lạnh một tiếng, nói:

"Nữ tử khuê các thì sao chứ? Nghĩa phụ ta nói người phải nuôi dạy cho ta trở thành một tài nữ không thua gì đấng trượng phu các người. Ai nói nữ tử khuê các thì không thể học rộng hiểu nhiều, thấu tình đạt lý?"

Tạ Viễn ở bên trong khoang thuyền đã nghe rõ hết thảy những lời này, bật cười, bảo:

"Thẩm huynh dạy dỗ ái nữ quả thật không tầm thường. Thẩm gia nhà huynh phụ tử lưỡng Thám hoa, đại lang kế nhiệm Thừa tướng, nhị lang làm Đại tướng quân, bây giờ lệnh thiên kim cũng là tài nữ thông tuệ hơn người. Quả thật khiến ta khâm phục!"

Thẩm Bạch lại không vui vẻ gì, nhíu mày nói:

"Tạ huynh quá lời, tiểu nữ còn nhỏ dại chưa hiểu chuyện, nếu có đắc tội chỉ mong Tạ huynh bỏ qua cho."

Tạ Viễn khoát tay, bảo:

"Nói không chừng sau này đều là người một nhà, khách sáo làm chi? Thẩm huynh không thấy hai đứa trẻ rất tâm đầu ý hợp hay sao?"

Thẩm Bạch khẽ cười, nói:

"Ta thấy thế nào cũng vô dụng, quan trọng là Miên Nhi thấy thế nào thôi."

....

Ở ngoài này, Miên Nhi nói chuyện với Tạ công tử xong, đang định bước vào khoang thuyền, bỗng trông thấy một chiếc hoa đăng bị mắc kẹt bên mạn thuyền.

Nàng cúi xuống nhặt hoa đăng lên, chỉ thấy trên đó viết mấy dòng chữ bằng thể Hành đẹp đẽ: "Nguyện dữ khanh hóa điệp khứ tầm hoa, dạ dạ tê phương thảo." (2)

Nét chữ này vô cùng quen thuộc với Miên Nhi.

Nàng tủm tỉm cười, lại thả hoa đăng xuống nước, lặng nhìn hoa đăng từ từ trôi theo dòng nước phẳng lặng, dần dần khuất xa.

Sông xuân loang loáng một màu, nước đưa hoa đăng trôi mãi, trôi mãi, đi đến bến bờ nào chẳng ai hay biết.

....

(1) Trích bài "Tảo thu nhiệt khổ đồi án tương nhưng" của Đỗ Phủ đời Đường, tạm dịch:

Xốc áo, phát điên toan thét lớn:

Giấy tờ đâu cứ tuôn ra hoài?

Xa ngắm thông xanh sườn núi mọc

Ước gì chân trắng đạp băng chơi!

(2) Có nghĩa là: Mong cùng nàng hóa bướm tìm hoa, đêm đêm đậu nhành cỏ. Lấy ý từ bài thơ khuyết danh được khắc trên ngôi mộ song táng cổ, thường được mọi người biết tới với 2 câu đầu: "Quân sinh ngã vị sinh, ngã sinh quân dĩ lão."

.....

@ Tác giả: Lúc đầu Thẩm đại thúc tốt với Miên Nhi chỉ vì Miên Nhi giống vợ đã mất, sau này ở chung lâu ngày sinh ra tình cảm với chính bản thân Miên Nhi kiếp này, nên mới nói càng ngày càng thấy hai người khác nhau. Thật ra đại thúc hẳn là mong muốn vợ được sống thoải mái ỷ sủng mà kiêu như Miên Nhi, nhưng do hoàn cảnh sống quá khác nhau nên hình thành nên tính cách khác nhau. Miên Nhi không phải quá khác biệt với vợ của đại thúc, mà nàng chỉ là sản phẩm của sự cưng chiều dung túng bao năm của Thẩm đại thúc thôi. Ban đầu mới gặp Miên Nhi cũng rất rụt rè nhút nhát.:v

Thật ra viết nhiều hố như vậy, nam chính mà mình thích nhất cho tới bây giờ vẫn là Thẩm đại thúc. Một con người không câu nệ ánh nhìn của mọi người, không câu nệ lễ giáo (lý do đẩy Miên Nhi ra không phải vì sợ bị đánh giá gì đâu), tôn trọng nữ giới, yêu thương lo lắng cho con cái, không lừa dối, bẻ nữ chính theo hướng mình muốn, mà để cho nữ chính sống đúng với con người mình. Miên Nhi sống cạnh người như thế từ nhỏ, sao còn có thể thích một ai khác chứ?

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.