Trời vừa sụp tối, xe ngựa cũng dừng trước Thẩm phủ.
Trương Tam khom lưng nhấc lên rèm cửa, Thẩm Bạch ôm Miên Nhi bước xuống. Miên Nhi rúc trong lòng nghĩa phụ, thoáng ló đầu ra nhìn chung quanh, chỉ thấy đây là một tòa phủ trạch không quá nguy nga tráng lệ, có vẻ là đã được xây từ rất lâu rồi, có chút cũ kỹ, nhưng bài trí rất thanh nhã, cầu nhỏ nước chảy lượn lờ, hoa nở khắp vườn, nơi nơi đều tràn ngập hương hoa, vừa bước vào đã như lạc bước đào nguyên.
Miên Nhi nhìn đến ngơ ngẩn, bất tri bất giác đã được nghĩa phụ ôm vào chính viện. Người vừa đi vào trong, nha hoàn gia đinh lục tục tiến ra nghênh đón. Thẩm Bạch vốn ưa tĩnh lặng, trong viện đếm tới đếm lui cũng chỉ có bốn, năm nha hoàn cùng năm, sáu gia đinh.
Người khoát tay cho bọn họ lui, lại trao nàng cho một nha hoàn, bảo:
"Tiểu Diệp, đưa tiểu thư đi tắm rửa thay xiêm y đi."
Nha hoàn Tiểu Diệp kia cúi đầu "dạ" một tiếng, liền đưa Miên Nhi xuống. Con bé phải rời xa vòng tay ấm áp thơm tho của nghĩa phụ, trong lòng có chút luyến tiếc, nhưng cũng không thể mở miệng bảo người ôm mình đi tắm, chỉ đành thôi.
Thẩm Bạch an bài xong cho Miên Nhi, dợm bước ra ngoài, nửa đường chợt dừng bước, gọi Tiểu Diệp lại, căn dặn thêm:
"Miên Nhi đang để tang cha, bảo bọn họ chuẩn bị xiêm y màu trắng đơn giản một chút. Đồ may sẵn không vừa người, trong kho còn mấy khúc lụa tơ tằm màu trắng, ngươi mang đi bảo tú nương may cho tiểu thư thêm vài bộ y trang mới, có nhớ chưa?"
Tô thành là vùng đất khai sinh ra tơ lụa, mà mấy khúc vải tơ tằm trong kho chính là loại vải thượng hạng nhất, ngàn lượng một mảnh, mua được cũng không dễ dàng. Từ khi vong thê qua đời, mười năm qua Thẩm Bạch chỉ mặc y bào độc một màu trắng toát. Vốn dĩ, mấy khúc tơ lụa ấy là để may cho người, bây giờ lại mang đi may đồ cho tiểu thư cả, Tiểu Diệp thầm kinh ngạc, nhưng chẳng dám hỏi nhiều, chỉ cúi đầu vâng dạ, đoạn lui ra.
Lúc Miên Nhi tắm rửa sạch sẽ xong, thay một bộ xiêm y mới, Tiểu Diệp đưa nàng vào noãn các, đã thấy Thẩm Bạch ngồi chờ sẵn bên bàn thức ăn. Thấy con bé bước vào, người liền mỉm cười, bảo:
"Miên Nhi, qua đây dùng bữa tối đi."
Miên Nhi lập tức đi đến, quen đường quen lối chui vào lòng người. Thẩm Bạch thoáng kinh ngạc, lại thầm nghĩ, có lẽ là con bé vừa mất người thân, thiếu đi cảm giác an toàn, nên mới bám dính người như thế, trong lòng có phần thương xót, cũng dung túng cho tiểu cô nương.
Ngồi vào bàn, Thẩm Bạch để ý quan sát, thấy Miên Nhi chỉ ăn cá, không đụng đến thịt, hơi ngạc nhiên, khẽ hỏi:
"Miên Nhi không ăn thịt sao? Gầy như vậy, phải ăn nhiều thịt một chút mới mau lớn."
Miên Nhi lắc lắc đầu, đáp:
"Từ nhỏ con đã không ăn được thịt."
Thẩm Bạch thoáng ngẩn ra.
Thê tử của người, cũng từ nhỏ không ăn được thịt. Thuở ấy, bởi vì gia cảnh bần hàn, tiền trong nhà đều để dành cho người ăn học, cả nhà chưa từng dám mua một miếng thịt về ăn. Đến khi gia cảnh khá hơn một chút, thì nàng đã không ăn được thịt nữa, mỗi lần ăn vào đều nôn ra. Nàng từng tự giễu rằng, mạng của mình là mạng nghèo khó, không hưởng nổi phúc phần. Quả nhiên, một lời thành sấm, sau này khi trượng phu đỗ đạt, nàng chưa kịp hưởng vinh hoa phú quý, thì đã buông tay lìa đời.
Thẩm Bạch nhớ về thê tử, trong lòng chợt chùng xuống, không có khẩu vị ăn gì nữa, qua loa ăn một chút liền gác đũa.
Miên Nhi thấy vậy, nhẹ lay tay áo của người, e dè hỏi:
"Nghĩa phụ, là Miên Nhi khiến người không muốn ăn nữa sao?"
Thẩm Bạch xoa xoa đầu nàng, trấn an nói:
"Không phải lỗi của Miên Nhi. Đừng lo cho vi phụ, mau ăn đi. Miên Nhi vừa gầy vừa nhỏ, phải ăn nhiều một chút, có biết không?"
Miên Nhi gật gật đầu, ngoan ngoãn ăn thêm một bát cơm, bụng đã no đến căng tròn, không ăn nổi nữa.
Thẩm Bạch gọi người dọn dẹp bàn ăn, lại nói:
"Đêm cũng đã khuya, Miên Nhi đi ngủ sớm đi."
Nói đoạn, người đang định đứng dậy bước đi, thì tay áo đột nhiên bị níu lại. Thẩm Bạch quay đầu lại nhìn, chỉ thấy một đôi mắt to tròn ươn ướt nước đang ngước lên nhìn mình, tiểu cô nương lí nhí nói:
"Nghĩa phụ... Đừng đi... Miên Nhi sợ ở một mình..."
Không ngờ lại mang về một bé con bám người như thế, Thẩm Bạch khẽ thở dài, cuối cùng vẫn không đành dứt áo bỏ đi. Ai bảo đôi mắt của con bé lại giống thê tử của người đến vậy, mà đứng trước thê tử, Tướng gia cũng chỉ là một kẻ si tình, một chữ "không" cũng chẳng nỡ thốt ra.
Thẩm Bạch nhẹ nhàng ôm Miên Nhi lên, lại mang con bé vào phòng của mình, đặt lên giường. Chiếc giường này, trước nay, ngoài thê tử của người ra, Thẩm Bạch chưa từng để nữ tử khác nằm lên.
Thẩm Bạch thầm nghĩ, Miên Nhi chỉ mới mười tuổi, xem như không tính.
Người cúi xuống, hôn nhẹ lên trán con bé, dỗ:
"Ngoan, ngủ đi."
Miên Nhi vẫn níu lấy tay áo của người, hỏi:
"Nghĩa phụ sẽ ôm Miên Nhi ngủ sao?"
Tiểu cô nương được voi đòi tiên như thế, nếu là kẻ khác thì sớm đã mất kiên nhẫn, nhưng Thẩm Bạch lại không cách nào từ chối nàng, vốn định chong đèn đọc sách một lúc, rốt cuộc chỉ đành cởi ra ngoại bào, nằm lên giường, vòng tay ôm lấy Miên Nhi. Miên Nhi liền rúc vào lòng người, an tâm ngủ say.
Đêm đó, Thẩm Bạch lại mơ thấy vong thê.
Tất nhiên, đây không phải là lần đầu tiên người trông thấy thê tử đi vào giấc mơ của mình. Nhưng lại là lần đầu, người mơ thấy lại tình cảnh đoạn trường ngày nàng buông tay lìa đời.
Hôm ấy, trời đã chớm sang xuân, không khí ấm dần, hoa ngoài vườn vừa hé nụ. Thê tử lại cạn kiệt hết sinh khí, nằm liệt trên giường bệnh.
Thẩm Bạch mang thuốc đến, dịu giọng dỗ:
"Nương tử, uống thuốc đi, uống xong sẽ khỏi bệnh."
Thê tử lắc lắc đầu, nói:
"Phu quân, chàng đừng lừa thiếp. Thiếp biết, bệnh tình của mình sẽ không thể khỏi được. Mấy ngày nay, thiếp thường mơ thấy phụ mẫu cùng nữ nhi, bọn họ đều đang chờ thiếp đến đoàn tụ..."
Nàng chưa nói hết câu, Thẩm Bạch đã dùng môi mình che miệng nàng lại. Không có dục vọng, không có động tình, chỉ là một nụ hôn phơn phớt trên môi, lại nghe đầu lưỡi mặn đắng.
"Nương tử chớ nói lời không may. Nàng bệnh đã mấy năm nay, bệnh tình vẫn thường trở nặng rồi lại khỏi, lần này cũng sẽ như thế. Chúng ta chỉ mới thành thân chưa đầy mười năm, Tuyên nhi và Hoành nhi đều còn rất nhỏ, nương tử tất nhiên phải ở lại chờ ngày cùng vi phu nhìn con thành gia lập thất... Lúc khốn khó nhất, nàng cùng ta chịu khổ. Bây giờ ta đã đỗ đạt công danh, nàng phải để vi phu bù đắp cho nàng..."
Thê tử đưa tay chạm nhẹ vào má của người, thì thào nói:
"Phu quân, thiếp tự biết mình không sống được bên chàng nữa rồi. Thiếp cũng không muốn như vậy. Thiếp cũng muốn được cùng chàng bạc đầu giai lão, cũng muốn nhìn thấy hai con thành gia lập thất, còn muốn ẵm cháu... Nhưng mà, thiếp phận mỏng, chỉ có thể đi cùng chàng đến đây thôi..."
Nói đến câu này, nàng dừng lại bật khóc, một lúc sau mới có thể tiếp lời:
"Thiếp vốn mang mệnh không cát tường, khắc mẹ, khắc cha, vụng về khờ dại, may được phu quân không chê trách, từ khi gả cho chàng đến nay, được chàng yêu thương bao dung, đã đủ mãn nguyện, không cầu gì hơn. Trái lại, bởi vì thiếp vô dụng nhiều bệnh, hại chàng lãng phí thời gian chăm sóc, tiêu phí tiền bạc chạy chữa, cũng vì thiếp mà bỏ lỡ kỳ thi trước, thiếp áy náy không yên. Hai năm nay, thiếp bệnh tật triền miên, không thể làm tròn bổn phận của thê tử hầu hạ chàng, chàng lại nhất mực không chịu nạp thiếp, thiếp lại càng hổ thẹn day dứt... Phu quân, nếu chàng muốn thiếp an lòng ra đi, xin hãy hứa với thiếp, sau này, đừng vì thiếp mà làm khổ mình nữa, hãy cưới một người hiền đức, thay thiếp... Thay thiếp ở bên cạnh chàng, chăm lo cho các con..."
Thẩm Bạch nghe đến đây, lệ đã nhòe khóe mắt, nắm chặt lấy tay nàng, nói:
"Tằng kinh thương hải nan vi thủy, trừ khước vu sơn bất thị vân. [1] Vi phu chưa từng từ chối nàng chuyện gì. Chỉ riêng chuyện này, ta tuyệt đối không thể hứa với nàng."
Thê tử nghe vậy, vừa lắc đầu vừa rơi lệ, môi mấp máy muốn nói vì đó, chỉ nghe thấy hai chữ "Kiếp sau...", rồi lại im bặt, mắt nhắm lại, bàn tay buông thõng xuống.
Ngày hôm ấy, là ngày mùng mười tháng ba năm Ất Dậu, nhằm năm thứ mười lăm niên hiệu Hoằng Nguyên.
Thẩm Bạch cả đời vẫn nhớ rõ như in, cái khoảnh khắc ôm thê tử trong lòng, nhìn di hài nàng dần lạnh đi, bi thống trong lòng, một lời khó nói hết.
Sau khi an táng cho nàng, Thẩm Bạch lập tức đưa hai nhi tử lên kinh thành nhậm chức, không dám nấn ná lại Tô thành một khắc. Bởi vì, mọi ngóc ngách của Thẩm phủ đều có hình bóng của nàng. Lúc đọc sách trong thư phòng, nhớ đến nàng thường đứng cạnh mài mực. Khi ngồi nghỉ dưới giàn hoa, nhớ đến nàng thường ngồi bên pha trà. Mà phòng ngủ, lại là nơi đáng sợ nhất. Chỉ cần bước vào, bao nhiêu ký ức đẹp đẽ liền ùa về, khiến Thẩm Bạch không thể thở nổi.
Mãi đến mười năm sau, người mới có can đảm đặt chân trở về nơi này. Nhìn đến cảnh còn người mất, trong lòng vẫn khó tránh khỏi thê lương.
.......
Miên Nhi không rõ nghĩa phụ mơ thấy gì, chỉ thấy từ khóe mắt người nhỏ ra hai giọt lệ. Con bé đau lòng dùng bàn tay non nớt lau đi, lại vòng tay ôm lấy người, bàn tay nhè nhẹ vỗ vào lưng người, ý như vỗ về.
Một lúc sau, Thẩm Bạch dần thoát khỏi cơn mộng mị, an ổn ngủ đến sáng.
.........
*Chú thích:
[1] Hai câu thơ trong bài "Ly tư" của Nguyên Chẩn, nghĩa là:
Đã từng đi qua biển xanh thì khó có thể xem thứ gì khác là nước nữa (vì không nước ở đâu sánh bằng nước biển)
Trừ mây ở Vu sơn thì không còn mây ở đâu xứng gọi là mây nữa (vì không mây nào sánh bằng mây ở Vu sơn)
Cả 2 câu ngụ ý đã từng gặp qua thứ tốt nhất thì chẳng thể nào để tâm đến những thứ tầm thường khác nữa được. Ở đây ý nói rằng đã cưới được một người thê tử tốt nhất thì không còn màng đến ai khác nữa, vì ai cũng không sánh bằng vợ mình.
@Tác giả: Đoạn này có lấy ý tưởng từ "Phù sinh lục ký" của Thẩm Phục. Lúc đọc đến đoạn Vân mất quả thực ấn tượng rất sâu, nửa đêm bật khóc như con dở. (๑◕︵◕๑)